BERLIN - Nếu chính phủ Đức có thể tự do làm theo ý mình, chắc chắn họ sẽ buộc những người sử dụng hệ thống y tế nước này phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho một loạt dịch vụ vào năm sau.

Chương trình của chính phủ mang tên “Nghị trình 2010” có mục đích thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất nhưng cũng trì trệ nhất trong Liên hiệp Âu châu.

Chương trình này cũng cũng muốn đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt hơn cho việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các nhà chỉ trích thuộc phe tả thì nói kế hoạch của chính phủ gây thiệt hại cho tầng lớp nghèo nhất.

Một quan điểm chỉ trích sâu rộng hơn thì bảo Nghị trình 2010 chỉ chắp vá qua loa một hệ thống đang cần được cải cách triệt để, cần tạo ra thay đổi trong tâm lý đám đông.

Từ trước tới nay, sự đồng thuận trong chính trường nước Đức dựa trên quan điểm rằng nhà nước cung cấp sự ổn định và phúc lợi toàn diện cho dân chúng, và giới công đoàn thì giảm nhẹ các đòi hỏi của họ.

Nhưng với một dân số đang già đi, bầu không khí cạnh tranh quốc tế, một cơ cấu cứng nhắc cũng như gánh nặng bao cấp cho khu vực Đông Đức cũ – tất cả đang làm cho việc duy trì một hệ thống như vậy trở nên khó khăn hơn.

Tình hình ở Pháp

Pháp cũng là một quốc gia nơi hằn sâu quan niệm về một nhà nước bảo đảm trợ cấp xã hội.

Nhân viên nhà nước được hưởng các quyền lợi tài chính với sự ủng hộ của các tổ chức công đoàn tổ chức tốt và không ngại tranh cãi.

Giữa thập niên 1990, những nỗ lực giảm chi tiêu đã làm sụp đổ một chính phủ trung hữu.

Còn chính phủ trung hữu hiện nay, mà mới lên cầm quyền năm ngoái, đi từng bước thận trọng hơn.

Nhưng trong một biện pháp mà nhiều người xem là quan trọng, tuần này, chính phủ Pháp đã giảm mức lãi suất dành cho quỹ tiết kiệm thông dụng nhất tại Pháp, ảnh hưởng tới 46 triệu người.

Trung Âu cũng bức xúc

Những mâu thuẫn này cũng áp dụng cho các nền dân chủ mới thành lập ở Trung Âu, nơi mức sống thấp hơn.

Tại Ba Lan, đa số các tranh luận trong chính phủ liên quan việc làm thế nào ưu tiên cho các vấn đề như cải cách thuế, cắt giảm chi tiêu nhà nước. Nói cách khác, đây là cuộc tranh luận giữa sự ổn định và tăng trưởng.

Cộng hòa Czech đang muốn giảm mức thiếu hụt ngân sách 7% bởi vì các nước muốn tham gia khu vực đồng euro phải giữ mức thiếu hụt dưới 3%.

Hôm 22-7, quốc hội Czech bắt đầu tranh luận về một loạt đề xuất cắt giảm chi tiêu chính phủ dành cho mục tiêu xã hội.

Tổng kết lại, đa số cử tri tại các nước châu Âu không chấp nhận chủ thuyết kinh tế tự do theo kiểu Mỹ.

Họ muốn có sự tham gia đáng kể của nhà nước nhân danh quyền lợi của người nghèo.

Và như thế, đây không chỉ là vấn đề về cách thức quản lý nền kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa (bbc)