Chúa Giêsu phục sinh và ngôi mộ trống

Ngôi nhà trống, chiếc thùng trống hay hộp trống…nói lên sự thể không có gì trong đó. Nấm mồ dưới lòng đất để chôn an táng người qua đời nằm trong đó. Nhưng khi nấm mồ đó trống, là dấu hiệu không có ai được an táng nằm trong đó.

Chúa Giêsu Kitô sau khi đã qua đời cũng đã được các Môn đệ và Đức Mẹ Maria an táng trong nấm mồ dưới lòng đất. Nhưng khi các người phụ nữ đến thăm viếng tưởng nhớ than khóc Chúa Giêsu, thì thấy nấm mồ đó trống không. Họ được Thiên Thần hiện đến báo cho biết: Chúa Giêsu Kitô đã sống lại ra khỏi nấm mồ rồi!

Tin Chúa Giêsu sống lại loan truyền đi cùng với sự thể nấm mồ chôn an táng Ngài đã trở nên trống rỗng đựơc kể thuật lại cùng với chứng nhận của các Tông đồ đã đến, đã xem thấy, và họ đã tin vào tin mừng Chúa Giêsu đã sống lại.

Nhưng đâu là ý nghĩa đạo đức thần học Chúa Giêsu phục sinh và ngôi mộ trống của Ngài?

Ngày nay càng có nhiều ngôi mộ an táng người qua đời được đào khai quật cải táng đem phần thân thể còn lại của người đã qua đời đi thiêu đốt ra tro bụi hay di dời sang nơi khác an táng. Ngôi mộ còn lại trở nên trống rỗng. Như vậy không có nghĩa, và cũng không thể nói được người qua đời đó đã sống lại. Vì ngôi mộ an táng chôn họ giờ đã trống không còn xác họ nữa.

Tin Chúa Giêsu đã sống lại và ngôi mộ chôn Chúa Giêsu đã trống không còn xác Ngài nằm ở đó nữa. Đành rằng ngôi mồ chôn xác Chúa đã trở nên trống không đủ minh chứng cho sự sống lại của Chúa. Nhưng nếu thân xác Chúa đã qua đời còn nằm trong đó cũng không thể nói được Ngài đã sống lại.

Ngôi mộ trống tuy không là minh chứng đủ cho sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng lại là điều kiện quan trọng cần thiết cho đức tin sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, một đức tin bao trùm trên toàn thể con người của Ngài.

„ Thánh Phaolô trong các thư viết để lại khi nói về Chúa Giêsu sống lại không đề cập đến ngôi mộ trống của Ngài như bằng chứng, những như là điều kiện phải có. Cả bốn Thánh sử Phúc âm đều tường thuật tin sống lại của Chúa Giêsu Kitô cùng với biến cố ngôi mộ trống.

Theo tôi, ý nghĩa đạo đức thần học về ngôi mộ trống được cắt nghĩa nói đến ở đoạn bài giảng của Thánh Phero vào ngày lễ Ngũ Tuần trước đám đông dân chúng lần tụ tập về mừng lễ. Thánh Phero đã không dùng lời lẽ suy tư của riêng mình để nhấn mạnh nói lên ý nghĩa sống lại của Chúa Giêsu và ngôi mô trống. Nhưng Ông đã trích dẫn lời Kinh Thánh trong Thánh Vịnh 16,9-11: „ Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng.Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.“ ( CV 2,26-28)…

Theo đó người cầu nguyện trong lời Thánh Vịnh này trong hòan cảnh bị đe dọa được Thiên Chúa gìn giữ bảo vệ trứơc sự chết, người đó được sống trong sự an tòan bảo đảm sẽ không phải nhìn thấy nấm mồ. Thánh Phero dẫn chứng đọan Thánh Vịnh này trong ý nghĩa: người cầu nguyện trong Thánh Vịnh không phải nằm mãi trong nấm mồ, thân xác sẽ không bị tan rã…..

Thánh Phero cho rằng người cầu nguyện đây là Vua thánh Davit. Vị Vua này đã chết, được chôn mai táng trong nấm mồ và còn nằm đó cho tới ngày hôm nay ( Cv 2,29). Ngôi mộ của Ông còn đó. Vua Davit đã không được như lòng mong ước.

Trái lại nơi Chúa Giêsu Kitô thì khác, lời hứa đã được thực hiện: „Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.“

Thân xác không bị tan rã tiêu tan là định nghĩa về sự sống lại.

Sự tan rã tiêu tan của thân xác là sự quyết định dứt khoát về sự chết, nói lên người xưa kia sinh sống trên trần gian không còn sống nữa với hình hài thân xác.

Theo cách thức nhìn như thế, Giáo Hội thời xa xưa có căn bản tin rằng thân xác Chúa Giêsu không bị tan rã tiêu ra. Ngài không còn nằm mãi trong cõi chết. Qua Ngài sự sống đã chiến thắng tiêu diệt sự chết.

Các Thánh Gíao Phụ của Giáo Hội cũng đồng ý với ý kiến suy tư của Giáo Hội thời ban đầu về sự sống lại và ý nghĩa ngôi mộ trống của Chúa Giêsu dựa trên lời Thánh Vịnh 16: thân xác Chúa Giêsu không bị rơi vào số phận bị tan rã tiêu tan. Trong ý nghĩa đó ngôi mộ trống như là một phần tin mừng loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô là một sự kiện chặt chẽ theo sát với lời Kinh Thánh.

Có suy tư thần học cho rằng, sự tan rã của thân xác và sự sống lại của Chúa Giêsu đi liền ăn khớp với nhau, nhưng lại có sự trái ngược theo với cách nhìn của Kinh Thánh.

Nhưng tin loan báo sự sống lại cũng không thể nào hiểu được, gỉa như khi thân xác của Chúa Giêsu Kitô vẫn còn nằm trong ngôi mộ!“ ( Joseph Ratzinger Benedickt XVI. JESUS von Nazareth I I., Herder 2001, trang 280-281)

Trong ngôi mộ trống của Chúa Giêsu còn để lại dấu tích băng vải liệm thân xác của Chúa như dấu chứng cho một khởi đầu mới: niềm hy vọng sự sống mới bừng phát lên từ nơi khoảng. trống.

Kinh Thánh thuật lại ( St 1,1-2) trước khi vũ trụ trời đất được tạo thành, mọi sự còn trống rỗng. Từ khoảng trống không đó Thiên Chúa đã dùng Lời của Ngài, dùng hơi thở Thần Linh của Ngài tạo dựng nên trời đất sông núi, nên sự sống cho loài cây cỏ, thú vật và con người.

Từ khoảng trống hư không, sức sống niềm hy vọng nẩy sinh phát triển lan tràn qua khắp mọi thời gian từ thế hệ này sang thế khác.

Con người chúng ta xưa nay đã có nhiều kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự trống rỗng trong đời sống. Sự trống rỗng tạo nên sự buồn chán, ù lỳ bất động dậm chân tại chỗ. Nhưng hầu như sự trổng rỗng nào cũng có một mầm rễ, như đà đòn bẩy cho phát triển ẩn chứa trong. Chính mầm rễ đó, dù chỉ nhỏ như một sợi rễ cây cỏ nằm ẩn dưới lòng đất cũng bật nảy sinh niềm hy vọng sức vươn lên.

Chúng ta thường nói kể cho nhau nghe, khi hai người nam nữ lập gia đình với nhau, thuở ban đầu họ chẳng có gì trong tay. Họ phải bắt đầu từ trống rỗng, từ con số không. Và từ con số không đó, họ đã dần xây dựng nên tổ ấm sức sống cho nhau cùng cho gia đình con cháu của họ.

Bạn trẻ thanh thiếu niên trước khi cắp sách đến trường học, tâm trí họ cũng trống rỗng như tờ giấy trắng. Nhưng từ khoảng trống rỗng tờ giấy trắng đó, nhưng chữ viết, những kiến thức được ghi chép vào nơi họ gíup họ phát triển tâm trí xây dựng đời sống vươn lên.

Trong thời đại gặp nền kinh tế khủng hoảng như hiện nay bên Âu Châu, chính phủ các quốc gia than phiền kêu cứu nói về tình trạng kho tiền bạc trở nên trống rỗng. Nhưng chính từ kho trống rỗng đó, đất nước suy tính tìm cách vươn lên thoát khỏi tình trạng trống rỗng, xây dựng mới lại đời sống đất nước.

Cũng trong lúc này hầu hết các Giáo Phận Công giáo ở Âu Châu đang trải qua tình trạng khủng hoảng nhà thờ trở nên trống rỗng. Vì càng ngày càng ít người đi đến nhà thờ lãnh nhận tham dự các Bí Tích, những gía trị về đời sống luân lý đạo giáo càng trở nên xa lạ, hay còn bị khinh miệt chế diễu...Nhưng như thế đâu phải là tận cùng chấm dứt Giáo Hội, chấm dứt đức tin vào Chúa. Trái lại, từ chỗ trống rổng đó Giáo Hội đi tìm con đường sức sống mới xây dựng mới lại cấu trúc xứ đạo cùng cung cách rao giảng Tin Mừng của Chúa cho con người.

Từ trống rỗng có mầm rễ đòn bẩy cho sức sống niềm hy vọng mới nảy sinh vươn lên.

Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, như Đức giáo Hòang Benedictô nhận xét là một phần của tin mừng Chúa sống lại. Nhưng một phần tin mừng đó lại là đòn bẩy mầm rễ cho niềm hy vọng sức sống mới vươn lên mà Chúa Giêsu sống lại mang đến cho trần gian.

Như thế có thế nói niềm hy vọng sức sống đổi mới bắt đầu từ khoảng không trống rỗng.

Mừng lễ Chúa Phục sinh 2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long