1. Đức Giáo Hoàng đã sẵn sàng cho chuyến đi đến Mexico và Cuba
Trong kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích rằng để được gần gũi hơn với Thiên Chúa, một trong những điều cần thiết là phải nhận ra những sai lầm cá nhân. Ngài kêu gọi người Công giáo năng đến với Bí Tích Hòa Giải, đặc biệt là vào thời điểm Mùa Chay này.
Đức Thánh Cha nói:
"Khi chúng ta tiếp tục trên con đường lữ hành của mình, chúng ta cần hướng mắt nhìn thẳng về mục tiêu đã định, chúng ta có cùng đồng hành với Chúa trên đường dẫn đến đồi Can-vê, thì chúng ta mới được sống lại với Ngài trong cuộc sống mới."
Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha đã cảm ơn tất cả những người cầu nguyện cho ngài trong ngày lễ kính Thánh Giuse, là lễ bổn mạng của Đức Thánh Cha, được tổ chức vào hôm thứ Hai. Đức Thánh Cha cũng yêu cầu mọi người cầu nguyện cho chuyến đi của ngài đến Mexico và Cuba.
Ngài nói:
"Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến tông du của tôi sắp tới tại Mexico và Cuba, nơi mà tôi sẽ có niềm vui được đến thăm trong một vài ngày để củng cố đức tin của các Kitô hữu tại các quốc gia yêu quý và tất cả Châu Mỹ La Tinh."
Trong số hàng ngàn người tập trung để đọc kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng, có một nhóm các linh mục Mexico thuộc Học Viện Giáo Hoàng của Mexico tại Rôma. Các linh mục đã bày tỏ niềm vui của mình trước chuyến đi sắp tới của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba.
2. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 kỷ niệm lễ quan thầy trong lặng lẽ
Ngày 19 tháng 3 là ngày lễ kính Thánh Giuse dưỡng phụ của Chúa Giêsu, người đã chăm sóc cho Ngài và Đức Trinh Nữ Maria.
Ngày 19 tháng 3 là một ngày nghỉ tại Vatican, vì Thánh Giuse là quan thầy của Giáo Hội Công Giáo. Đây cũng còn là ngày lễ quan thầy của Đức Giáo Hoàng Joseph Ratzinger. Nhưng năm nay, ngày lễ được cử hành một cách lặng lẽ hơn thường lệ vì Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của mình đến Mexico và Cuba trong vài ngày tới.
3. Phiên họp khoáng đại của Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa
Tại Thánh Địa, phiên họp khoáng đại của Các Đấng Bản Quyền Công Giáo đã kết thúc hôm 16 tháng Ba tại Nazareth. Cuộc họp đã tập trung vào các thách đố mà người Công Giáo phải đối phó theo sau cuộc cách mạng Ả Rập.
Trong Đền Thờ Truyền Tin, một Thánh Lễ đã được cử hành cùng với các học sinh của các trường Công Giáo trong vùng nhằm nhắc lại mong muốn của Giáo Hội tập trung vào việc giáo dục thanh thiếu niên.
Đức Tổng Giám Mục Elias Michael Chacour của tổng giáo phận Akko, Haifa, Nazareth và toàn vùng Galilê của Công Giáo Hy Lạp nghi lễ Melkite tại Giêrusalem nói:
“Tuổi trẻ là tương lai của Giáo Hội tại Giêrusalem. Chúng tôi yêu mến họ và tự hào vì họ đã đến và chia sẻ với chúng tôi sự nhiệt thành của họ. Họ chứng tỏ cho thấy sức sống mãnh liệt của Giáo Hội tại Thánh Địa.”
Tổ chức Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa được thành lập theo sáng kiến của Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giê-ru-sa-lem để thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo Hội tại Thánh Địa. Tổ chức này bao gồm các Đấng Bản Quyền Công Giáo thuộc các nghi lễ khác nhau. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phê duyệt quy chế của Hội đồng vào ngày 27 tháng Giêng năm 1992. Mục đích của tổ chức là phối hợp các hoạt động nhân chứng của Tin Mừng và các dịch vụ của cộng đồng, nghiên cứu các vấn đề chung, khuyến khích trao đổi thông tin và kinh nghiệm, và để tạo ra các chương trình mục vụ chung vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal, Thượng Phụ Latinh của Giê-ru-sa-lem, là Chủ tịch của tổ chức này.
4. Tòa Thánh đã công bố kết quả cuộc thanh tra tông tòa tại Ái Nhĩ Lan
Hôm 20 tháng Ba, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố kết quả cuộc thanh tra tông tòa tại 4 giáo phận, 31 dòng tu và 4 chủng viện tại Ái Nhĩ Lan, sau những cáo buộc lạm dụng tính dục trẻ em.
Trong tài liệu, "Tòa Thánh nhắc lại cảm giác đau buồn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16" trong vụ tai tiếng lạm dụng tính dục ở Ái Nhĩ Lan.
Các vị thanh tra thừa nhận mức độ nghiêm trọng của những thiếu sót "trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng. Bên cạnh đó, các vị thanh tra nhận thấy từ đầu thập niên 1990 đã có những tiến bộ dẫn đến sự ý thức hơn trước tính chất trầm trọng của vấn đề lạm dụng, cả trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, và quyết tâm cần phải tìm những biện pháp thích hợp để đối phó.
Một số tổng giáo phận đã cử hành các lễ nghi thống hối với sự tham dự của giáo sĩ, giáo dân và cả các nạn nhân.
Phúc trình của các vị thanh tra cũng nói đến những hậu quả tai hại do các vụ lạm dụng gây ra: cho các nạn nhân, và những vết thương cho cộng đồng Công Giáo Ái Nhĩ Lan.
Sau cùng Phúc trình nhấn mạnh sự cần thiết đối với Cộng đồng Công Giáo Ái Nhĩ Lan là phải lên tiếng nhiều hơn trong các cơ quan truyền thông, và có quan hệ thích hợp hơn với những người đang hoạt động trong lãnh vực này, để sự thật của Tin Mừng và đời sống Giáo Hội được biết đến.
5. Tân Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Baltimore
Hôm 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Cha William Edward Lori làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Baltimore. Đây là Tổng Giáo Phận lâu đời nhất tại Hoa Kỳ.
Đức Cha Lori được coi là một Giám Mục mạnh mẽ trong việc đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ngày 18 tháng 11,2011, trong phiên họp thường niên cuả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tổ chức tại Baltimore, Đức Cha Lori đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa công kích tổng thống Obama và tuyên bố tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ đang bị đe doạ.
Việc bổ nhiệm Đức Cha Lori vào chức vụ Tổng Giám Mục Baltimore được nhiều người xem là thích hợp và đầy tính chất biểu tượng trước những tấn kích thường xuyên vào định chế hôn nhân và gia đình tại Hoa Kỳ hiện nay.
Đức Cha William Edward Lori 62 tuổi hiện là Giám Mục giáo phận Bridgeport Connecticut. Trước đó, ngài là Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Washington. Ngài sẽ là Tổng Giám Mục thứ 16 của tổng giáo phận Baltimore, thay thế cho Đức Hồng Y Edwin O'Brien, người gần đây đã được bổ nhiệm làm Bề Trên Tổng Quyền Các Hiệp Sĩ Thánh Mộ tại Giê-ru-sa-lem.
Chỉ vài giờ sau khi sứ thần Tòa Thánh công bố quyết định của Đức Thánh Cha, Đức Tân Tổng Giám Mục đã được giới thiệu tại Vương Cung Thánh Đường Baltimore, là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của Hoa Kỳ, nơi ngài đọc một bài diễn văn về những vấn đề liên quan đến hôn nhân đồng tính, tự do tôn giáo và những vấn nạn liên quan đến đức tin tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, tại tổng giáo phận Perth, Australia, tối 21 tháng Ba tại Vương Cung Thánh Đường St. Mary, Đức Cha Timothy Costelloe, dòng Salêsiêng, nguyên là Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Melbourne, đã nhậm chức Tổng Giám Mục Perth thay cho Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey.
6. Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ tại đồi Cubilete Hill, một cử chỉ đầy biểu tượng.
Vào ngày Chúa nhật 25 tháng 3, trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Mexico, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại Công viên Bicentennial, nằm ngay dưới chân của một ngọn đồi nổi tiếng là đồi Cubilete, nơi được coi là một di tích về tội ác của chính quyền Mễ Tây Cơ chống lại người Công Giáo.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, người Công giáo đã bị bách hại dã man tại Mexico dưới thời nhà nước cộng sản. Cuộc bách hại tàn khốc đã dẫn đến cuộc nổi dậy của người Công Giáo trong cuộc chiến Cristero kéo dài từ năm 1926 đến 1929. Tổng thống Mexico lúc đó là Plutarco Elias Calles, ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, trục xuất bắt bớ các linh mục và giám mục.
Năm 1928, nhà nước phá hủy bức tượng Chúa Kitô Vua mới vừa được xây trên đỉnh đồi Cubilete trước đó tám năm.
Gần 20 năm sau, vào năm 1942, vị giám mục của León xây dựng lại tượng Chúa Kitô Vua bằng đồng và nặng khoảng 80 tấn như là một dấu hiệu của chiến thắng và tự do.
Dưới chân Chúa có hai thiên thần, một vị cầm một vòng gai tượng trưng cho sự đau khổ của các vị tử đạo và một vị cầm một vương miện hoàng gia tiêu biểu cho chiến thắng cuối cùng của người dân.
7. Những cố gắng nhằm đưa Huynh Đoàn Thánh Piô 10 quay về với Giáo Hội đã thất bại.
Đức Hồng Y William Levada, là Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và đồng thời là Chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng Giáo Hội Chúa (Ecclesia Dei) đã nhìn nhận những cố gắng của Giáo Hội nhằm đưa Huynh Đoàn Thánh Piô 10 quay về với Giáo Hội đã thất bại.
Ngài đưa ra nhận định trên sau 2 giờ thảo luận căng thẳng với Giám mục Bernard Fellay là bề trên tổng quyền Huynh Đoàn Thánh Piô 10. Cuộc thảo luận đã diễn ra hôm thứ Năm 15 tháng Ba vừa qua.
Sau 7 năm nỗ lực, giờ đây Tòa Thánh nhận ra là các nhà lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô 10 không đủ thiện chí muốn quay lại với Giáo Hội Công Giáo.
Hôm 14 tháng 9 năm ngoái, Đức Hồng Y Willam Levada đã tổ chức một cuộc họp báo cho biết Huynh Đoàn Thánh Piô 10 có thời hạn vài tháng để chấp nhận hay bác bỏ những điều kiện mà Tòa Thánh đưa ra. Quan trọng nhất là Huynh Đoàn phải chấp nhận “những tiền đề đạo lý” nhằm bảo đảm sự trung thành với Huấn quyền của Hội Thánh và cảm thức cùng Giáo Hội (sentire cum Ecclesia).
Vào tháng Giêng năm nay, Huynh Đoàn đã đề xuất một số thay đổi trong các tiền đề đạo lý, mà sau đó Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và chính Đức Giáo Hoàng đã duyệt xét lại.
Tuy nhiên, vẫn không thể đi đến một thỏa thuận chung.
Mặc dù vậy, thể hiện sự kiên nhẫn đối thoại của mình, Đức Hồng Y Levada tuyên bố rằng Tòa Thánh đã đưa ra một thời hạn cuối cùng là một tháng để Huynh Đoàn đưa ra một phản ứng dứt khoát.
8. Một cặp vợ chồng thuộc phong trào Focolare sẽ viết văn bản của Chặng Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô năm nay
Cuộc đi đàng thánh giá trọng thể do Đức Thánh Cha chủ sự tại đấu trường La Mã Côlôsêô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một trong những sinh hoạt nổi bật trong Tuần Thánh tại Rôma.
Các văn bản suy niệm tại các chặng đàng thánh giá được viết bởi các tác giả khác nhau để mỗi năm đều có sự thay đổi. Trong năm 2012, danh dự này được dành cho Danilo và Anna Maria Zanzucchi, là một cặp vợ chồng người Ý đã phát động phong trào "gia đình mới"; đó là một phần của phong trào Focolare.
Năm ngoái, người viết bài suy niệm là một nữ tu dòng kín, chị Maria Rita Piccione.
9. Đức Giáo Hoàng gặp gỡ Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Melkite
Hôm thứ Năm 15 tháng Ba Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp Đức Thượng Phụ Gregorio Đệ Tam Laham, là Thượng Phụ thành Antiôkia của Công Giáo Hy Lạp theo nghi lễ Melkite tại Syria. Buổi tiếp kiến đã diễn ra tại Dinh Tông Tòa của Vatican.
Cùng đi với Đức Thượng Phụ còn có Đức ông Mtanius Hadad, là cha sở của nhà thờ Santa Maria ở Cosmedin trong thành phố Rôma. Đây là nơi mà các Kitô hữu Công Giáo Hy Lạp theo nghi lễ Melkite tụ họp để cử hành Thánh Lễ.
Dịp này Đức Ông Hadad đã đưa lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm nhà thờ Santa Maria.
10. Nhà nước Cuba phát hình bài nói chuyện của Đức Hồng Y Jaime Ortega về chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha
Trong một hành động hiếm khi xảy ra, nhà nước Cuba đã phát hình bài nói chuyện của Đức Hồng Y Jaime Ortega nói về chuyến đi sắp tới của Đức Giáo Hoàng qua làn sóng truyền hình quốc gia do nhà nước kiểm soát.
Trong khoảng 25 phút, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục thủ đô Havana đã nói về Đức Giáo Hoàng, giải thích rằng Đức Bênêđíctô thứ 16 đến thăm Cuba như một khách hành hương, để củng cố một đức tin cần được đánh thức.
Nhà nước Cuba cũng hình thành một trang Web đặc biệt để chào đón Đức Thánh Cha trong đó tràn ngập các bài viết có tính chất thanh minh cho những cuộc đàn áp Công Giáo trước đây của đảng cộng sản Cuba.
Kể từ cuộc cách mạng năm 1959, chính phủ cộng sản đã kiểm soát chặt chẽ Giáo Hội và loại trừ sự hiện diện của Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông. Các thừa sai bị trục xuất và hàng ngàn linh mục bị tù đầy.
Trong thực tế, từ năm 1962 đến 1992, hiến pháp của đất nước quy định rằng Cuba là một quốc gia vô thần, mặc dù hơn 85% dân số là người Công Giáo.
Nhưng bây giờ nhà nước dường như đang có những nỗ lực chào đón Đức Giáo Hoàng với vòng tay rộng mở trong một cố gắng rõ ràng là để cải thiện bộ mặt của mình với thế giới.
Tờ báo "Granma" của đảng cộng sản Cuba gần đây đã đăng kín một trang nhất những bài viết chào đón Đức Giáo Hoàng với những lời hoa mỹ.
Bài xã luận của tờ báo này nói rằng thật là một vinh dự cho Cuba được đón tiếp Đức Giáo Hoàng.
11. Đọc kinh Mân Côi qua điện thoại cầm tay
Một chương trình trên Smart Phone để đọc kinh Mân Côi vừa được I-Tunes tung ra với giá chỉ có 1 Mỹ Kim. Chương trình bao gồm các bài đọc Kinh Thánh và cả một ít bản văn do chính Đức Giáo Hoàng đọc.
Đối với những người cần một lời nhắc nhở thân thiện, chương trình sẽ đưa ra một lời nhắc nhở để báo cho người sử dụng biết đến giờ để đọc kinh Mân Côi. Người sử dụng cũng được mời để cầu nguyện với những ý cầu nguyện được đăng tải trên Facebook và Twitter.
Chữ Mân Côi từ, phát xuất từ chữ Rosarium của tiếng Latin, có nghĩa là vườn hoa hồng.
12. Thánh Patrick bổn mạng của Ái Nhĩ Lan
Ngày 17 tháng 3 là ngày lễ kính Thánh Patrick. Nhiều người biết rằng ngài là vị thánh bổn mạng của Ái Nhĩ Lan, nhưng ít ai biết lý do tại sao.
Câu chuyện thực sự của Thánh Patrick rất hấp dẫn. Ngài sinh ra ở Anh và ở tuổi 16, ngài đã bị bắt cóc bởi một bọn hải tặc và bị bán làm nô lệ ở Ái Nhĩ Lan, nơi ngài bị buộc phải chăn cừu. Biến cố này đã diễn ra trong thế kỷ thứ năm và trong thời gian bị giam cầm này ngài đã tìm được đức tin của mình.
Sau sáu năm làm nô lệ, ngài đã trốn thoát khỏi Ái Nhĩ Lan và trở lại quê hương nơi ngài trở thành một linh mục và sau đó là một giám mục. Không lâu sau, ngài cảm thấy ơn gọi để quay lại Ái Nhĩ Lan, nơi ngài đã từng bị bắt làm nô lệ, để truyền giáo.
Ban đầu công việc của ngài ở Ái Nhĩ Lan gặp đầy những khó khăn bởi vì niềm tin Celtic đã bắt rễ sâu trong lòng người dân. Tuy nhiên, Thánh Patrick đã không nản chí, ngài hình thành các tu viện và bền bỉ truyền bá Tin Mừng.
Bây giờ, 16 thế kỷ sau khi Thánh Patrick đến Ái Nhĩ Lan, không chỉ người Ái Nhĩ Lan nhưng toàn bộ thế giới kỷ niệm vị thánh bổn mạng này của họ.
13. Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II theo lời kể của tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls cựu phát ngôn viên của Tòa Thánh
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm đảo quốc Cuba. Biến cố này đã diễn ra vào năm 1998, tức là 14 năm trước đây. Vào thời điểm đó, tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls đang là phát ngôn viên của Vatican. Ông vẫn còn nhớ rõ cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Fidel Castro đã diễn ra như thế nào.
Ông nói rằng đó là "một chuyến tông du độc đáo," mà tiến sĩ đã phải đích thân gặp gỡ Fidel Castro nhiều lần trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Ông Joaquín Navarro-Valls nói:
"Chuyến đi phát triển rất bình thường. Tôi phải nói rằng Castro rất lịch sự và Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện rất rõ ràng và thẳng thắn. "
Khi đã đến Cuba, Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất mạnh mẽ trong các tuyên bố của ngài. Ông Navarro-Valls cho biết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bảo vệ "các giá trị cơ bản của con người và quyền tự do tôn giáo, với cùng một thông điệp Đức Thánh Cha đã mang đến cho tất cả các quốc gia ngài đến thăm".
Ông cho biết thêm:
"Vào buổi chiều khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến đi, chúng tôi ở sân bay chờ đợi máy bay. Trong một bài phát biểu chia tay, Castro nói ‘cám ơn những điều ngài đã nói ở đất nước này, ngay cả đối với những điều mà tôi không thể đồng ý’. Ông ta nói một cách rất tế nhị và lịch sự. Tất nhiên nếu ông ta đã đồng ý với mọi tuyên bố của Đức Giáo Hoàng, tình thế có thể đã thay đổi, nhưng điều đó đã không xảy ra. "
Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls là phát ngôn viên của Vatican trong 22 năm. Ông tháp tùng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm 28 quốc gia trên toàn cầu.
14. Guzmán Carriquiry: vai trò của Giáo Hội ở Mỹ Latinh sau thời kỳ thực dân
Trong năm 2010, nhiều nước Mỹ Châu La-tinh đã kỷ niệm 200 năm độc lập. Để đánh dấu sự kiện này và nhân chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba, một cuốn sách đã được xuất bản gần đây với tựa đề “The Bicentennial of Independence of Latin American Countries.” Nghĩa là "Hai trăm năm độc lập của các nước Mỹ Châu Latinh." Tác giả cuốn sách này là ông Guzmán Carriquiry, thư ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh. Gần đây, ông đã cho ra mắt cuốn sách tại trụ sở của Viện Mỹ Châu Latinh – Italia tại Rôma.
Ông Guzmán Carriquiry nói:
"Tôi rất hạnh phúc vì Viện Mỹ Châu Latinh – Italia đầy thế giá đã có ý tưởng rất hay là cho trình làng cuốn sách của tôi về hai trăm năm độc lập của châu Mỹ La tinh."
Trong cuốn sách của mình, tác giả nhìn vào làn gió độc lập, đã thổi qua châu Mỹ La tinh. Ông nói rằng việc phúc âm hóa châu Mỹ là chìa khóa để hiểu được quá trình này.
Ông nói thêm về cuốn sách như sau:
"Cách nào đó, cuốn sách vượt xa các giới hạn của lịch sử chính thống và chắc chắn nó làm rõ tầm mức của các vấn nạn và thách đố các nước Mỹ Châu Latinh ngày nay vẫn đang phải tiếp tục đối phó sau khi đã giành được độc lập. Nó cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của Giáo Hội từ khi các quốc gia này được hình thành cho đến nay. "
Trong số những người tham dự buổi ra mắt cuốn sách có Đức Hồng Y Santos Abril y Castello người Tây Ban Nha, hiện là linh mục trưởng của Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma.
Giáo sư Carriquiry, nói rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Mỹ Châu Latinh là một phần rất quan trọng của việc cử hành Hai Trăm Năm Độc Lập.
Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ củng cố đức tin của người dân trong khi kêu gọi một sự hồi sinh đức tin nơi Chúa Kitô để niềm tin Kitô có thể bén rễ sâu trong trái tim của châu Mỹ La tinh, trong cuộc sống của các gia đình và trong các nền văn hóa của các quốc gia chúng tôi."
Với cuốn sách này, ông hy vọng sẽ phá vỡ những khuôn sáo về Mỹ Châu Latinh, trong khi làm nổi bật vai trò của các quốc gia này trên quy mô toàn cầu.
15. Ðức Giám mục nghỉ hưu Alfonsa Santos tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống Honduras vào tháng 11 năm 2013.
Theo tin của nhật báo El Heraldo số ra ngày 12 tháng 03 tại Honduras, thì Ðức cha Alfonso Santos, hiện đang nghỉ hưu vì đã quá 75 tuổi, nguyên là Giám mục Giáo phận Santa Rosa de Copan, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: "Xét vì tình trạng nghèo cùng cực và bất công mà chúng ta đang sống tại Honduras, tôi sẽ ra ứng cử chức vụ Tổng thống".
Ðược biết, Ðức cha Alfonso Santos đã xin phép Toà Thánh để thực hiện giấc mơ chính trị, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có trả lời chính thức nào của Toà Thánh cho nguyện ước của Ðức Cha.
Ðức Cha Alfonso Santos cho biết thêm là ngài sẽ ứng cử như là thành viên của Ðảng Tự Do của Honduras. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2013. Theo Hiến Pháp hiện hành của Honduras, đương kim tổng thống nước này là ông Porfirio Lobo không được phép tranh cử một nhiệm kỳ nữa.
Ðức cha Santos nổi tiếng vì những can thiệp chính trị của ngài trong thời gian qua, như việc ngài lên tiếng chống lại những việc làm gây nguy hại môi sinh của các công ty khai thác hầm mỏ tại Honduras, và chống lại cuộc chiếm quyền của nhóm quân đội tại Honduras ngày 28 tháng 06 năm 2009. Ðức Cha Santos đã nghỉ hưu vào cuối năm 2011, sau khi đã đến hạn tuổi 75 vào tháng 11 năm 2011.
Trong kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích rằng để được gần gũi hơn với Thiên Chúa, một trong những điều cần thiết là phải nhận ra những sai lầm cá nhân. Ngài kêu gọi người Công giáo năng đến với Bí Tích Hòa Giải, đặc biệt là vào thời điểm Mùa Chay này.
Đức Thánh Cha nói:
"Khi chúng ta tiếp tục trên con đường lữ hành của mình, chúng ta cần hướng mắt nhìn thẳng về mục tiêu đã định, chúng ta có cùng đồng hành với Chúa trên đường dẫn đến đồi Can-vê, thì chúng ta mới được sống lại với Ngài trong cuộc sống mới."
Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha đã cảm ơn tất cả những người cầu nguyện cho ngài trong ngày lễ kính Thánh Giuse, là lễ bổn mạng của Đức Thánh Cha, được tổ chức vào hôm thứ Hai. Đức Thánh Cha cũng yêu cầu mọi người cầu nguyện cho chuyến đi của ngài đến Mexico và Cuba.
Ngài nói:
"Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến tông du của tôi sắp tới tại Mexico và Cuba, nơi mà tôi sẽ có niềm vui được đến thăm trong một vài ngày để củng cố đức tin của các Kitô hữu tại các quốc gia yêu quý và tất cả Châu Mỹ La Tinh."
Trong số hàng ngàn người tập trung để đọc kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng, có một nhóm các linh mục Mexico thuộc Học Viện Giáo Hoàng của Mexico tại Rôma. Các linh mục đã bày tỏ niềm vui của mình trước chuyến đi sắp tới của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba.
2. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 kỷ niệm lễ quan thầy trong lặng lẽ
Ngày 19 tháng 3 là ngày lễ kính Thánh Giuse dưỡng phụ của Chúa Giêsu, người đã chăm sóc cho Ngài và Đức Trinh Nữ Maria.
Ngày 19 tháng 3 là một ngày nghỉ tại Vatican, vì Thánh Giuse là quan thầy của Giáo Hội Công Giáo. Đây cũng còn là ngày lễ quan thầy của Đức Giáo Hoàng Joseph Ratzinger. Nhưng năm nay, ngày lễ được cử hành một cách lặng lẽ hơn thường lệ vì Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của mình đến Mexico và Cuba trong vài ngày tới.
3. Phiên họp khoáng đại của Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa
Tại Thánh Địa, phiên họp khoáng đại của Các Đấng Bản Quyền Công Giáo đã kết thúc hôm 16 tháng Ba tại Nazareth. Cuộc họp đã tập trung vào các thách đố mà người Công Giáo phải đối phó theo sau cuộc cách mạng Ả Rập.
Trong Đền Thờ Truyền Tin, một Thánh Lễ đã được cử hành cùng với các học sinh của các trường Công Giáo trong vùng nhằm nhắc lại mong muốn của Giáo Hội tập trung vào việc giáo dục thanh thiếu niên.
Đức Tổng Giám Mục Elias Michael Chacour của tổng giáo phận Akko, Haifa, Nazareth và toàn vùng Galilê của Công Giáo Hy Lạp nghi lễ Melkite tại Giêrusalem nói:
“Tuổi trẻ là tương lai của Giáo Hội tại Giêrusalem. Chúng tôi yêu mến họ và tự hào vì họ đã đến và chia sẻ với chúng tôi sự nhiệt thành của họ. Họ chứng tỏ cho thấy sức sống mãnh liệt của Giáo Hội tại Thánh Địa.”
Tổ chức Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa được thành lập theo sáng kiến của Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giê-ru-sa-lem để thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo Hội tại Thánh Địa. Tổ chức này bao gồm các Đấng Bản Quyền Công Giáo thuộc các nghi lễ khác nhau. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phê duyệt quy chế của Hội đồng vào ngày 27 tháng Giêng năm 1992. Mục đích của tổ chức là phối hợp các hoạt động nhân chứng của Tin Mừng và các dịch vụ của cộng đồng, nghiên cứu các vấn đề chung, khuyến khích trao đổi thông tin và kinh nghiệm, và để tạo ra các chương trình mục vụ chung vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal, Thượng Phụ Latinh của Giê-ru-sa-lem, là Chủ tịch của tổ chức này.
4. Tòa Thánh đã công bố kết quả cuộc thanh tra tông tòa tại Ái Nhĩ Lan
Hôm 20 tháng Ba, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố kết quả cuộc thanh tra tông tòa tại 4 giáo phận, 31 dòng tu và 4 chủng viện tại Ái Nhĩ Lan, sau những cáo buộc lạm dụng tính dục trẻ em.
Trong tài liệu, "Tòa Thánh nhắc lại cảm giác đau buồn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16" trong vụ tai tiếng lạm dụng tính dục ở Ái Nhĩ Lan.
Các vị thanh tra thừa nhận mức độ nghiêm trọng của những thiếu sót "trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng. Bên cạnh đó, các vị thanh tra nhận thấy từ đầu thập niên 1990 đã có những tiến bộ dẫn đến sự ý thức hơn trước tính chất trầm trọng của vấn đề lạm dụng, cả trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, và quyết tâm cần phải tìm những biện pháp thích hợp để đối phó.
Một số tổng giáo phận đã cử hành các lễ nghi thống hối với sự tham dự của giáo sĩ, giáo dân và cả các nạn nhân.
Phúc trình của các vị thanh tra cũng nói đến những hậu quả tai hại do các vụ lạm dụng gây ra: cho các nạn nhân, và những vết thương cho cộng đồng Công Giáo Ái Nhĩ Lan.
Sau cùng Phúc trình nhấn mạnh sự cần thiết đối với Cộng đồng Công Giáo Ái Nhĩ Lan là phải lên tiếng nhiều hơn trong các cơ quan truyền thông, và có quan hệ thích hợp hơn với những người đang hoạt động trong lãnh vực này, để sự thật của Tin Mừng và đời sống Giáo Hội được biết đến.
5. Tân Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Baltimore
Hôm 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Cha William Edward Lori làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Baltimore. Đây là Tổng Giáo Phận lâu đời nhất tại Hoa Kỳ.
Đức Cha Lori được coi là một Giám Mục mạnh mẽ trong việc đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ngày 18 tháng 11,2011, trong phiên họp thường niên cuả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tổ chức tại Baltimore, Đức Cha Lori đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa công kích tổng thống Obama và tuyên bố tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ đang bị đe doạ.
Việc bổ nhiệm Đức Cha Lori vào chức vụ Tổng Giám Mục Baltimore được nhiều người xem là thích hợp và đầy tính chất biểu tượng trước những tấn kích thường xuyên vào định chế hôn nhân và gia đình tại Hoa Kỳ hiện nay.
Đức Cha William Edward Lori 62 tuổi hiện là Giám Mục giáo phận Bridgeport Connecticut. Trước đó, ngài là Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Washington. Ngài sẽ là Tổng Giám Mục thứ 16 của tổng giáo phận Baltimore, thay thế cho Đức Hồng Y Edwin O'Brien, người gần đây đã được bổ nhiệm làm Bề Trên Tổng Quyền Các Hiệp Sĩ Thánh Mộ tại Giê-ru-sa-lem.
Chỉ vài giờ sau khi sứ thần Tòa Thánh công bố quyết định của Đức Thánh Cha, Đức Tân Tổng Giám Mục đã được giới thiệu tại Vương Cung Thánh Đường Baltimore, là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của Hoa Kỳ, nơi ngài đọc một bài diễn văn về những vấn đề liên quan đến hôn nhân đồng tính, tự do tôn giáo và những vấn nạn liên quan đến đức tin tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, tại tổng giáo phận Perth, Australia, tối 21 tháng Ba tại Vương Cung Thánh Đường St. Mary, Đức Cha Timothy Costelloe, dòng Salêsiêng, nguyên là Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Melbourne, đã nhậm chức Tổng Giám Mục Perth thay cho Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey.
6. Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ tại đồi Cubilete Hill, một cử chỉ đầy biểu tượng.
Vào ngày Chúa nhật 25 tháng 3, trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Mexico, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại Công viên Bicentennial, nằm ngay dưới chân của một ngọn đồi nổi tiếng là đồi Cubilete, nơi được coi là một di tích về tội ác của chính quyền Mễ Tây Cơ chống lại người Công Giáo.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, người Công giáo đã bị bách hại dã man tại Mexico dưới thời nhà nước cộng sản. Cuộc bách hại tàn khốc đã dẫn đến cuộc nổi dậy của người Công Giáo trong cuộc chiến Cristero kéo dài từ năm 1926 đến 1929. Tổng thống Mexico lúc đó là Plutarco Elias Calles, ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, trục xuất bắt bớ các linh mục và giám mục.
Năm 1928, nhà nước phá hủy bức tượng Chúa Kitô Vua mới vừa được xây trên đỉnh đồi Cubilete trước đó tám năm.
Gần 20 năm sau, vào năm 1942, vị giám mục của León xây dựng lại tượng Chúa Kitô Vua bằng đồng và nặng khoảng 80 tấn như là một dấu hiệu của chiến thắng và tự do.
Dưới chân Chúa có hai thiên thần, một vị cầm một vòng gai tượng trưng cho sự đau khổ của các vị tử đạo và một vị cầm một vương miện hoàng gia tiêu biểu cho chiến thắng cuối cùng của người dân.
7. Những cố gắng nhằm đưa Huynh Đoàn Thánh Piô 10 quay về với Giáo Hội đã thất bại.
Đức Hồng Y William Levada, là Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và đồng thời là Chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng Giáo Hội Chúa (Ecclesia Dei) đã nhìn nhận những cố gắng của Giáo Hội nhằm đưa Huynh Đoàn Thánh Piô 10 quay về với Giáo Hội đã thất bại.
Ngài đưa ra nhận định trên sau 2 giờ thảo luận căng thẳng với Giám mục Bernard Fellay là bề trên tổng quyền Huynh Đoàn Thánh Piô 10. Cuộc thảo luận đã diễn ra hôm thứ Năm 15 tháng Ba vừa qua.
Sau 7 năm nỗ lực, giờ đây Tòa Thánh nhận ra là các nhà lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô 10 không đủ thiện chí muốn quay lại với Giáo Hội Công Giáo.
Hôm 14 tháng 9 năm ngoái, Đức Hồng Y Willam Levada đã tổ chức một cuộc họp báo cho biết Huynh Đoàn Thánh Piô 10 có thời hạn vài tháng để chấp nhận hay bác bỏ những điều kiện mà Tòa Thánh đưa ra. Quan trọng nhất là Huynh Đoàn phải chấp nhận “những tiền đề đạo lý” nhằm bảo đảm sự trung thành với Huấn quyền của Hội Thánh và cảm thức cùng Giáo Hội (sentire cum Ecclesia).
Vào tháng Giêng năm nay, Huynh Đoàn đã đề xuất một số thay đổi trong các tiền đề đạo lý, mà sau đó Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và chính Đức Giáo Hoàng đã duyệt xét lại.
Tuy nhiên, vẫn không thể đi đến một thỏa thuận chung.
Mặc dù vậy, thể hiện sự kiên nhẫn đối thoại của mình, Đức Hồng Y Levada tuyên bố rằng Tòa Thánh đã đưa ra một thời hạn cuối cùng là một tháng để Huynh Đoàn đưa ra một phản ứng dứt khoát.
8. Một cặp vợ chồng thuộc phong trào Focolare sẽ viết văn bản của Chặng Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô năm nay
Cuộc đi đàng thánh giá trọng thể do Đức Thánh Cha chủ sự tại đấu trường La Mã Côlôsêô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một trong những sinh hoạt nổi bật trong Tuần Thánh tại Rôma.
Các văn bản suy niệm tại các chặng đàng thánh giá được viết bởi các tác giả khác nhau để mỗi năm đều có sự thay đổi. Trong năm 2012, danh dự này được dành cho Danilo và Anna Maria Zanzucchi, là một cặp vợ chồng người Ý đã phát động phong trào "gia đình mới"; đó là một phần của phong trào Focolare.
Năm ngoái, người viết bài suy niệm là một nữ tu dòng kín, chị Maria Rita Piccione.
9. Đức Giáo Hoàng gặp gỡ Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Melkite
Hôm thứ Năm 15 tháng Ba Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp Đức Thượng Phụ Gregorio Đệ Tam Laham, là Thượng Phụ thành Antiôkia của Công Giáo Hy Lạp theo nghi lễ Melkite tại Syria. Buổi tiếp kiến đã diễn ra tại Dinh Tông Tòa của Vatican.
Cùng đi với Đức Thượng Phụ còn có Đức ông Mtanius Hadad, là cha sở của nhà thờ Santa Maria ở Cosmedin trong thành phố Rôma. Đây là nơi mà các Kitô hữu Công Giáo Hy Lạp theo nghi lễ Melkite tụ họp để cử hành Thánh Lễ.
Dịp này Đức Ông Hadad đã đưa lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm nhà thờ Santa Maria.
10. Nhà nước Cuba phát hình bài nói chuyện của Đức Hồng Y Jaime Ortega về chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha
Trong một hành động hiếm khi xảy ra, nhà nước Cuba đã phát hình bài nói chuyện của Đức Hồng Y Jaime Ortega nói về chuyến đi sắp tới của Đức Giáo Hoàng qua làn sóng truyền hình quốc gia do nhà nước kiểm soát.
Trong khoảng 25 phút, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục thủ đô Havana đã nói về Đức Giáo Hoàng, giải thích rằng Đức Bênêđíctô thứ 16 đến thăm Cuba như một khách hành hương, để củng cố một đức tin cần được đánh thức.
Nhà nước Cuba cũng hình thành một trang Web đặc biệt để chào đón Đức Thánh Cha trong đó tràn ngập các bài viết có tính chất thanh minh cho những cuộc đàn áp Công Giáo trước đây của đảng cộng sản Cuba.
Kể từ cuộc cách mạng năm 1959, chính phủ cộng sản đã kiểm soát chặt chẽ Giáo Hội và loại trừ sự hiện diện của Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông. Các thừa sai bị trục xuất và hàng ngàn linh mục bị tù đầy.
Trong thực tế, từ năm 1962 đến 1992, hiến pháp của đất nước quy định rằng Cuba là một quốc gia vô thần, mặc dù hơn 85% dân số là người Công Giáo.
Nhưng bây giờ nhà nước dường như đang có những nỗ lực chào đón Đức Giáo Hoàng với vòng tay rộng mở trong một cố gắng rõ ràng là để cải thiện bộ mặt của mình với thế giới.
Tờ báo "Granma" của đảng cộng sản Cuba gần đây đã đăng kín một trang nhất những bài viết chào đón Đức Giáo Hoàng với những lời hoa mỹ.
Bài xã luận của tờ báo này nói rằng thật là một vinh dự cho Cuba được đón tiếp Đức Giáo Hoàng.
11. Đọc kinh Mân Côi qua điện thoại cầm tay
Một chương trình trên Smart Phone để đọc kinh Mân Côi vừa được I-Tunes tung ra với giá chỉ có 1 Mỹ Kim. Chương trình bao gồm các bài đọc Kinh Thánh và cả một ít bản văn do chính Đức Giáo Hoàng đọc.
Đối với những người cần một lời nhắc nhở thân thiện, chương trình sẽ đưa ra một lời nhắc nhở để báo cho người sử dụng biết đến giờ để đọc kinh Mân Côi. Người sử dụng cũng được mời để cầu nguyện với những ý cầu nguyện được đăng tải trên Facebook và Twitter.
Chữ Mân Côi từ, phát xuất từ chữ Rosarium của tiếng Latin, có nghĩa là vườn hoa hồng.
12. Thánh Patrick bổn mạng của Ái Nhĩ Lan
Ngày 17 tháng 3 là ngày lễ kính Thánh Patrick. Nhiều người biết rằng ngài là vị thánh bổn mạng của Ái Nhĩ Lan, nhưng ít ai biết lý do tại sao.
Câu chuyện thực sự của Thánh Patrick rất hấp dẫn. Ngài sinh ra ở Anh và ở tuổi 16, ngài đã bị bắt cóc bởi một bọn hải tặc và bị bán làm nô lệ ở Ái Nhĩ Lan, nơi ngài bị buộc phải chăn cừu. Biến cố này đã diễn ra trong thế kỷ thứ năm và trong thời gian bị giam cầm này ngài đã tìm được đức tin của mình.
Sau sáu năm làm nô lệ, ngài đã trốn thoát khỏi Ái Nhĩ Lan và trở lại quê hương nơi ngài trở thành một linh mục và sau đó là một giám mục. Không lâu sau, ngài cảm thấy ơn gọi để quay lại Ái Nhĩ Lan, nơi ngài đã từng bị bắt làm nô lệ, để truyền giáo.
Ban đầu công việc của ngài ở Ái Nhĩ Lan gặp đầy những khó khăn bởi vì niềm tin Celtic đã bắt rễ sâu trong lòng người dân. Tuy nhiên, Thánh Patrick đã không nản chí, ngài hình thành các tu viện và bền bỉ truyền bá Tin Mừng.
Bây giờ, 16 thế kỷ sau khi Thánh Patrick đến Ái Nhĩ Lan, không chỉ người Ái Nhĩ Lan nhưng toàn bộ thế giới kỷ niệm vị thánh bổn mạng này của họ.
13. Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II theo lời kể của tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls cựu phát ngôn viên của Tòa Thánh
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm đảo quốc Cuba. Biến cố này đã diễn ra vào năm 1998, tức là 14 năm trước đây. Vào thời điểm đó, tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls đang là phát ngôn viên của Vatican. Ông vẫn còn nhớ rõ cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Fidel Castro đã diễn ra như thế nào.
Ông nói rằng đó là "một chuyến tông du độc đáo," mà tiến sĩ đã phải đích thân gặp gỡ Fidel Castro nhiều lần trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Ông Joaquín Navarro-Valls nói:
"Chuyến đi phát triển rất bình thường. Tôi phải nói rằng Castro rất lịch sự và Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện rất rõ ràng và thẳng thắn. "
Khi đã đến Cuba, Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất mạnh mẽ trong các tuyên bố của ngài. Ông Navarro-Valls cho biết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bảo vệ "các giá trị cơ bản của con người và quyền tự do tôn giáo, với cùng một thông điệp Đức Thánh Cha đã mang đến cho tất cả các quốc gia ngài đến thăm".
Ông cho biết thêm:
"Vào buổi chiều khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến đi, chúng tôi ở sân bay chờ đợi máy bay. Trong một bài phát biểu chia tay, Castro nói ‘cám ơn những điều ngài đã nói ở đất nước này, ngay cả đối với những điều mà tôi không thể đồng ý’. Ông ta nói một cách rất tế nhị và lịch sự. Tất nhiên nếu ông ta đã đồng ý với mọi tuyên bố của Đức Giáo Hoàng, tình thế có thể đã thay đổi, nhưng điều đó đã không xảy ra. "
Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls là phát ngôn viên của Vatican trong 22 năm. Ông tháp tùng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm 28 quốc gia trên toàn cầu.
14. Guzmán Carriquiry: vai trò của Giáo Hội ở Mỹ Latinh sau thời kỳ thực dân
Trong năm 2010, nhiều nước Mỹ Châu La-tinh đã kỷ niệm 200 năm độc lập. Để đánh dấu sự kiện này và nhân chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba, một cuốn sách đã được xuất bản gần đây với tựa đề “The Bicentennial of Independence of Latin American Countries.” Nghĩa là "Hai trăm năm độc lập của các nước Mỹ Châu Latinh." Tác giả cuốn sách này là ông Guzmán Carriquiry, thư ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh. Gần đây, ông đã cho ra mắt cuốn sách tại trụ sở của Viện Mỹ Châu Latinh – Italia tại Rôma.
Ông Guzmán Carriquiry nói:
"Tôi rất hạnh phúc vì Viện Mỹ Châu Latinh – Italia đầy thế giá đã có ý tưởng rất hay là cho trình làng cuốn sách của tôi về hai trăm năm độc lập của châu Mỹ La tinh."
Trong cuốn sách của mình, tác giả nhìn vào làn gió độc lập, đã thổi qua châu Mỹ La tinh. Ông nói rằng việc phúc âm hóa châu Mỹ là chìa khóa để hiểu được quá trình này.
Ông nói thêm về cuốn sách như sau:
"Cách nào đó, cuốn sách vượt xa các giới hạn của lịch sử chính thống và chắc chắn nó làm rõ tầm mức của các vấn nạn và thách đố các nước Mỹ Châu Latinh ngày nay vẫn đang phải tiếp tục đối phó sau khi đã giành được độc lập. Nó cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của Giáo Hội từ khi các quốc gia này được hình thành cho đến nay. "
Trong số những người tham dự buổi ra mắt cuốn sách có Đức Hồng Y Santos Abril y Castello người Tây Ban Nha, hiện là linh mục trưởng của Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma.
Giáo sư Carriquiry, nói rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Mỹ Châu Latinh là một phần rất quan trọng của việc cử hành Hai Trăm Năm Độc Lập.
Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ củng cố đức tin của người dân trong khi kêu gọi một sự hồi sinh đức tin nơi Chúa Kitô để niềm tin Kitô có thể bén rễ sâu trong trái tim của châu Mỹ La tinh, trong cuộc sống của các gia đình và trong các nền văn hóa của các quốc gia chúng tôi."
Với cuốn sách này, ông hy vọng sẽ phá vỡ những khuôn sáo về Mỹ Châu Latinh, trong khi làm nổi bật vai trò của các quốc gia này trên quy mô toàn cầu.
15. Ðức Giám mục nghỉ hưu Alfonsa Santos tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống Honduras vào tháng 11 năm 2013.
Theo tin của nhật báo El Heraldo số ra ngày 12 tháng 03 tại Honduras, thì Ðức cha Alfonso Santos, hiện đang nghỉ hưu vì đã quá 75 tuổi, nguyên là Giám mục Giáo phận Santa Rosa de Copan, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: "Xét vì tình trạng nghèo cùng cực và bất công mà chúng ta đang sống tại Honduras, tôi sẽ ra ứng cử chức vụ Tổng thống".
Ðược biết, Ðức cha Alfonso Santos đã xin phép Toà Thánh để thực hiện giấc mơ chính trị, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có trả lời chính thức nào của Toà Thánh cho nguyện ước của Ðức Cha.
Ðức Cha Alfonso Santos cho biết thêm là ngài sẽ ứng cử như là thành viên của Ðảng Tự Do của Honduras. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2013. Theo Hiến Pháp hiện hành của Honduras, đương kim tổng thống nước này là ông Porfirio Lobo không được phép tranh cử một nhiệm kỳ nữa.
Ðức cha Santos nổi tiếng vì những can thiệp chính trị của ngài trong thời gian qua, như việc ngài lên tiếng chống lại những việc làm gây nguy hại môi sinh của các công ty khai thác hầm mỏ tại Honduras, và chống lại cuộc chiếm quyền của nhóm quân đội tại Honduras ngày 28 tháng 06 năm 2009. Ðức Cha Santos đã nghỉ hưu vào cuối năm 2011, sau khi đã đến hạn tuổi 75 vào tháng 11 năm 2011.