“Gia Trưởng - Tốt Hay Xấu?”, Cần Học Cách Sống Cho Nhau
Chiều ngày 03/03/2012, tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Sài Gòn, Chương trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình đã tổ chức buổi nói chuyện với sự chủ trì của Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn Hóa - Du Lịch, qua đề tài: “GIA TRƯỞNG - TỐT HAY XẤU?”
Giáo sư đã phân tích cặn kẽ những mặt tốt và hạn chế về gia đình gia trưởng trong xã hội phong kiến, cách thức gìn giữ gia đình hạnh phúc vào thời xưa cũng như thời nay, những hệ lụy của tính gia trưởng trong xã hội hiện đại khi mà vấn nạn ly dị ngày càng gia tăng.
Từ khởi nguyên, khi Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, Chúa đã cho con người có nam có nữ để tạo nên một gia đình với trách nhiệm truyền sinh. Chúa cũng cho con người sự tự do, bình đẳng và thương yêu nhau trong cư xử. Nhưng con người đã sống ích kỷ, tạo ra sự bất bình đẳng, bất công trong cuộc sống và xã hội loài người đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh khắc nghiệt để chống sự thống trị lên nhau, chống lại quan niệm mạnh được, yếu thua.
Gia trưởng
Trong quá trình phát triển, trước khi tiến đến xã hội hiện đại như hôm nay, Việt Nam đã trải qua thời kỳ rất dài bị ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến với tư tưởng Nho giáo mang đặc điểm gia trưởng. Trong đó người đàn ông giữ vai trò thống trị xuyên suốt xã hội và người phụ nữ phải chịu nhiều bất công và lệ thuộc. Tính gia trưởng không những thể hiện qua cấu trúc xã hội mà còn thể hiện trong gia đình, nơi người đàn ông có quyền lực đối với phụ nữ, trẻ em và của cải. Trong gia đình gia trưởng, người đàn ông là trụ cột, là chủ gia đình nên có quyền ra lệnh, áp đặt vợ con phải tuân theo mọi ý muốn của mình, đôi khi bằng cả bạo lực. Gia đình gia trưởng cũng tạo cho người đàn ông năm thê, bảy thiếp, nhiều con, và con trai vẫn được xem trọng hơn. Xã hội phong kiến đề cao trật tự xã hội với triều đình là trung tâm, điều chỉnh hành vi con người theo nguyên tắc “quân, sư, phụ”. Trong chiều hướng đó, cấu trúc gia đình theo kiểu gia trưởng còn gắn liền với quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng" tạo nên sự bất bình đẳng về giới trong xã hội.
Khi so sánh các thời kỳ lịch sử khác nhau để đưa ra kết luận một vấn đề là điều rất khó, bởi nó không cùng nằm trong một không gian, thời gian và cấu trúc. Nếu so sánh con người ngày xưa với con người và gia đình ngày nay để đưa ra kết luận có vẻ như là điều khập khiểng vì xã hội và con người không ngừng thay đổi. Tuy nhiên, con người học được ở lịch sử những bài học để tiến bộ nên người ta không thể không so sánh. Vì vậy, để thấy rõ được gia trưởng tốt hay xấu cần phân tích kỹ lối sống gia đình thời xưa và gia đình thời nay.
Gia đình gia trưởng
Trong gia đình gia trưởng thời xưa, người cha là tấm gương đạo đức cho con, đó là sự chuẩn mực, đứng đắn, “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, người mẹ là tấm gương về phần phúc, nghĩa là người mẹ để lại cho con một gia tài tình cảm, những giá trị sống trong gia đình. Gia đình gia trưởng nhất nhất đều là đàn ông, không chỉ nói đến vai trò trụ cột, mà còn nói đến quan hệ về của cải vật chất, của cải chỉ để lại cho con trai chứ không cho con gái. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một khi người phụ nữ chấp nhận lập gia đình, thường là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, họ bị ràng buộc bởi quan niệm “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Gần như là một trật tự được sắp xếp sẵn và người phụ nữ phải cam chịu, sự cam chịu chính là mấu chốt và là bản sắc của người phụ nữ ngày xưa để gia đình giữ được hòa khí, êm ấm, hạnh phúc.
Chính vì biết chịu đựng, nhẫn nhục nên trong các gia đình thuộc tầng lớp giàu có, thống trị, người vợ sẵn sàng cưới vợ bé cho chồng. Vợ lớn quán xuyết tất cả, vợ bé chỉ lo chuyện chăn gối, cứ thế sống chung với nhau trong một gia đình và không to tiếng, tất cả đều bảo vệ hạnh phúc cho chồng. Khi sống trong một gia đình bị áp đặt, họ đã khôn ngoan chấp nhận số phận “xuất giá tòng phu”, biết được những điều mình phải chịu đựng để giữ hạnh phúc gia đình và không nghĩ đến chuyện bỏ chồng. Đối với họ, trung tâm của gia đình là con cái, làm mọi sự để con cái hạnh phúc, nghĩa là mình được hạnh phúc. Vì thế, con cái được mẹ nuôi dạy rất kỹ lưỡng về tình cảm, cách đối nhân xử thế. Họ quán xuyến gia đình để chồng lo việc lớn bên ngoài xã hội, để chồng được “nở mày, nở mặt” với thiên hạ.
Cách xưng hô trong gia đình gia trưởng
Tuy có tính gia trưởng nhưng người đàn ông cũng biết thương vợ và người vợ, dù bị thống trị, cũng hết mực thương chồng. Cách xưng hô trong gia đình cũng là yếu tố giữ cho gia đình khỏi đổ vỡ. Trong các gia đình giàu có, người đàn ông nhiều vợ, tuy nhiên tôn ti trật tự được giữ gìn nghiêm khắc, danh xưng “ông, bà” thường được vợ chồng gọi nhau trong các gia đình này. Các gia đình nghèo, nông dân, người lao động cày thuê cuốc mướn, cuộc sống chật vật nên cũng chỉ một vợ, một chồng và đa số các gia đình gọi nhau “mình ơi”. Khi gọi nhau bằng “mình ơi”, vợ chồng thường không cãi vả, xung khắc với nhau nhiều. Cách gọi “mình ơi” như thể để nhắc nhở rằng đó là một phần thân thể của mình, cần phải tôn trọng nhau.
Không biết từ bao giờ người ta đổi chữ “mình ơi” sang chữ “nhà tôi”. Khi gọi chữ “nhà tôi” để chỉ vợ hay chồng mình, nó đã thể hiện 3 phạm trù: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, dù sống trong chế độ gia trưởng nhưng họ đã ý thức được sự tôn trọng, không được áp đặt lên nhau; “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, có sự phân công trách nhiệm, vai trò rõ rệt của người chồng, người vợ trong gia đình; “Của chồng công vợ”, mỗi giá trị trong gia đình đều do sự đóng góp của cả hai người.
Khi chuyển sang gọi nhau là “ông xã, bà xã”, người vợ, người chồng không chỉ sống trong phạm vi ngôi nhà nữa mà phải biết cách sống cho làng xã, sống với nhau như thế nào để bảo vệ giá trị của cộng đồng.
Tóm lại, gia đình gia trưởng vốn mang đặc điểm áp đặt, thống trị do người đàn ông chi phối, nhưng để giữ được hạnh phúc gia đình thì phụ thuộc rất nhiều vào tài khéo léo ứng xử của người phụ nữ, với tứ đức “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, đã được các bà mẹ truyền thụ cho con gái qua bao đời. Sự khéo léo đó được thể hiện trong các công việc như dệt cưởi, thêu thùa, may vá, trong đức tính, trong lời ăn, tiếng nói… và cả trong xử trí khi xảy ra tranh chấp: “Chồng nói thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Mục đích cuối cùng trong mọi cư xử chỉ nhằm làm cho gia đình hạnh phúc.
Gia đình thời hiện đại
Thời nay, gia đình gia trưởng không được chấp nhận bằng luật Hôn nhân gia đình, quy định chỉ một vợ, một chồng và được hỗ trợ bằng Luật chống bạo hành, chống lại gia đình gia trưởng, chống lại sự áp đặt lên người phụ nữ về sức khỏe thể chất, tinh thần. Từ gia đình gia trưởng, phải qua cuộc đấu tranh ác liệt mới bắt đầu xuất hiện mô hình gia đình mới được gọi là gia đình dân chủ. Ngày nay, người phụ nữ không còn bị bó buộc chỉ chuyên tâm lo chuyện “xây tổ ấm” nữa, mà còn gánh vác những công việc xã hội. Người phụ nữ ngày nay có nhiều kiến thức hơn, trí tuệ hơn, được bình đẳng hơn và có địa vị xã hội rõ rệt. Ngày xưa, do có sự phân công, người phụ nữ dạy con, nhưng ngày nay, do bị xã hội chi phối trong nhiều công việc, con cái được cha mẹ phó thác chuyện dạy dỗ cho nhà trường, xã hội. Bên cạnh đó, do có sự bình đẳng, nên có những gia đình rạch ròi trong chuyện sở hữu của cải, tiền bạc, không còn của chồng, công vợ mà là rạch ròi của chồng, của vợ, điều rất nguy hiểm cho gia đình. Khi sòng phẳng trong chuyện tiền nong như vậy, nhiều khi vợ chồng lại ứng xử với nhau như người dưng nước lã, tính toán với nhau từng chút một trong chi tiêu gia đình. Đôi khi do tiêu xài hoang phí, hoặc vợ, hoặc chồng tự mình làm ăn riêng dẫn đến cảnh nợ nần chồng chất, đến khi vỡ lỡ, không ít gia đình phải lâm vào cảnh đường ai nấy đi.
Xã hội phong kiến qua đi nhưng tính gia trưởng vẫn còn tồn tại, vẫn còn nằm trong mỗi con người. Sức mạnh đàn ông áp chế xã hội đã chấm dứt nhưng sức mạnh đàn ông trong con người vẫn còn, đàn ông vẫn thích thể hiện quyền lực, thậm chí là bạo lực, bạo hành, áp đặt, theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi”, vợ phải phục tùng chồng và điều đó hiển nhiên không được người phụ nữ hiện đại chấp nhận. Để giải phóng những bất hạnh trong gia đình người ta nghĩ đến chuyện ly dị như là một giải pháp tốt nhất mà phớt lờ đi những khó khăn và tổn thương để lại, đặc biệt là đối với con cái.
Một thách đố
Theo các số liệu thống kê, các vụ ly dị hiện nay có xu hướng ngày càng gia tăng. Khi các gia đình đổ vỡ như vậy, những người quản lý xã hội nghĩ gì và có những giải pháp cụ thể nào cho vấn nạn này? Là Kitô hữu, mỗi người nghĩ gì và làm gì để góp phần thay đổi thực trạng này? Đây là câu hỏi thách đố, nó chỉ được trả lời khi mỗi người Nam, mỗi người Nữ đều phải hiểu giá trị sống của mình. Sống để làm gì và sống cho ai, sống thế nào?
Chính vì tư tưởng gia trưởng vẫn còn, nên người ta có xu hướng chọn con trai, làm cho cấu trúc dân số tự nhiên thay đổi, đảo nghịch một cách đáng báo động: cứ 100 bé gái thì có hơn 100 bé trai (có tỉnh là 115). Nữ giới nhiều hơn Nam giới thì xã hội có trật tự vì dù sao đi nữa, nữ giới vẫn chịu đựng hơn, khi nam giới nhiều hơn, mất cân bằng giới tính sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, bạo hành, bạo lực xuất hiện tràn lan.
Nếu chỉ nhìn một phía gia trưởng là quyền lực của người đàn ông áp đặt lên phụ nữ thì sẽ dẫn đến sai lầm. Ngày nay, không chỉ người chồng gia trưởng, một nhóm phụ nữ có sức mạnh, quyền lực cũng học thói gia trưởng, theo thống kê thì 0,6% bạo hành trong gia đình là vợ đánh chồng, đó là điều thật nguy hại. Đây là những người phụ nữ có cá tính mạnh, có địa vị trong xã hội, là người kiếm được nhiều tiền hơn chồng, họ quen sống với tư cách bề trên, và quên mất vai trò của người vợ trong gia đình, dẫn đến lộng quyền, đôi khi bạo hành khi gặp phản kháng. Không ít trường hợp do họ phải sống và phải chứng kiến người cha gia trưởng hết sức khắc nghiệt, cả một quá trình dài thấy người mẹ phải khổ sở, nhẫn nhịn trước mặt cha. Vì thế, khi có điều kiện vùng lên, họ áp đặt những khao khát của mình lên gia đình mà quên rằng mình đi theo lối mòn của cha.
Gia đình chia sẻ, học cách sống chung
Chống tính gia trưởng trong gia đình là điều hiển nhiên theo quy luật phát triển của xã hội, nhưng hiện nay vẫn chưa có mô hình gia đình thích hợp, gia đình gia trưởng chưa dứt hẳn và gia đình hiện đại vẫn còn là một cái đích phải đến, đó là thách đố cho xã hội. Vấn đề không phải ở chỗ phê phán gia đình gia trưởng nhưng cần học những điều tốt, xấu trong gia đình gia trưởng để chuẩn bị xây dựng gia đình mới tốt hơn, gia đình cần xây dựng đó chính là gia đình chia sẻ.
Trong cuộc sống, người ta thường cho rằng mạnh được yếu thua vẫn là chân lý, chỉ khi nào con người đạt đến trình độ rất cao, không thể lấy sức mạnh của mình áp đặt lên người đối diện, không thể lấy kinh tế để khẳng định mình, mà lấy tình người làm gốc thì mới xuất hiện một xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang vươn tới. Để có hạnh phúc trong gia đình, người vợ, người chồng phải biết học cách sống chung để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, nơi đó vợ không đòi thông minh hơn chồng hay chồng thông minh hơn vợ, không chỉ dùng lý trí với nhau, mà phải dùng tình cảm. Thiên Chúa cho chúng ta một thân thể, khối óc và con tim, Chúa cũng cho chúng ta sự tự do, chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự tự do đó. Nếu sự tự do không theo khuôn phép sẽ trở thành quá đáng, phải tự do vì người khác, vì hạnh phúc của vợ, vì hạnh phúc của chồng, tự do trong sự ràng buộc.
Phải nói rằng công lớn để gia đình hạnh phúc thuộc về người vợ. Để ngăn chặn thói gia trưởng của người đàn ông, cần phải học cách sống chung trong đời sống gia đình. Bản năng của người đàn ông là phái mạnh, khó mà thay đổi bản năng đó, khi sống chung với nhau, người vợ là ở thế yếu hơn người chồng nhưng không có nghĩa là thua thiệt, có thể yếu hơn nhưng lại là thắng. Ông cha ta dạy “nhu thắng cương”, và ông cha ta cũng đã dạy một cách không sai lầm rằng: “Chồng nói thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê” ; “Chồng tiến thì vợ phải lui, nếu mà đứng lại cái dùi vào lưng”. Cách thức người xưa dạy ứng xử, sống chung rất khéo léo, phải chăng kỹ năng giao tiếp ngày nay chỉ nhằm thể hiện mình chứ không nhằm để hạnh phúc. Học ứng xử không phải để thể hiện mình nhưng để làm cho giá trị của mình tăng lên trước người đối diện và sống chung trước hết phải là sống cho tha nhân. Quan trọng là người phụ nữ quan sát xem người chồng cần gì ở mình, làm cách nào đó cho chồng nhớ lâu về những chăm sóc của mình, lo nghĩ, quan tâm về mình, đó là sự thông minh của phụ nữ.
Đặc trưng của người Việt là bữa cơm gia đình, người vợ phải tìm cách tạo ra bữa cơm gia đình, chờ cơm chồng, để giữ gìn hạnh phúc. Người phụ nữ cần biết cách kéo người chồng vào công việc của mình, phân công hợp lý những công việc nhà, việc ngoài xã hội, người vợ cần ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, đừng để xảy ra chuyện cãi nhau.
Người đàn ông trong xã hội hiện đại phải sống cho mọi người, trong đó phải sống cho vợ mình là người gần gũi nhất, phải biết cách sống cho vợ mình: thương vợ, biết vợ mình buồn vui lúc nào, không để vợ buồn, không lý gì một người gắn bó với mình, chia sẻ với mình mà mình lại đối xử bằng bàn tay, sự đánh đập, bạo lực, đó không còn là người đàn ông thời hiện đại. Đôi khi cần chấp nhận vợ càu nhàu và chú ý trong cách ứng xử để làm thế nào để vợ đừng càu nhàu nữa.
Nói chung cần phải học cách sống cho nhau bằng trí thức với ba khía cạnh: tri thức, tình cảm và ý chí. Tri thức là sự hiểu biết thế giới xung quanh, sự hiểu biết kiến thức. Đã có tri thức thì phải có tình cảm, nếu không có tình cảm thì tri thức trở nên vô nghĩa, không có tình cảm thì tri thức phục vụ ai, để làm gì? Tri thức cống hiến cho chồng, cho vợ, cho con, nghĩa là dành tình cảm cho vợ, cho chồng, cống hiến cho gia đình. Muốn làm gì phải có ý chí, muốn chống gia đình gia trưởng phải có ý chí, gia đình gia trưởng nằm trong những con người gia trưởng, dư âm phong kiến còn lại trong mỗi con người.
Cuộc tranh luận nho nhỏ
Không khí của buổi chia sẻ trở nên sinh động hơn khi một khán giả nữ đưa ra vấn đề tranh luận thú vị, không đồng ý với diễn giả về sự chịu đựng của người phụ nữ và vấn đề ly dị. Chị cho rằng người phụ nữ ngày xưa chịu đựng là vì ngoài những yếu tố tốt đẹp để giữ gia đình hạnh phúc còn do xã hội tạo ra quy chuẩn như thế nên người phụ nữ không cảm thấy bất hạnh. Xã hội ngày nay vẫn chưa thay đổi hoàn toàn, trong gia đình vẫn còn những ông chồng gia trưởng, áp đặt, cho mình có quyền có vợ nọ, vợ kia. Nếu người phụ nữ tiếp tục chịu đựng sẽ là một sự miễn cưỡng, cảm thấy bất hạnh. Khi người phụ nữ đi ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh qua việc ly dị, người phụ nữ cảm thấy cuộc sống rất bình an và cảm thấy hạnh phúc.
Trước cách đặt vấn đề như thế, giáo sư phân tích thêm: Chúng ta sống cho ta hay sống cho mọi người, hai cách sống khác nhau. Ta hỏi rằng ta sống cho ai, mỗi chúng ta phải trả lời câu hỏi này, nếu ta sống cho ta thì giải phóng gia đình khỏi sự áp đặt lên mình là hạnh phúc, nhưng nếu ta sống cho con ta thì hạnh phúc không nằm ở ta nữa, ta nghĩ gì về đứa con khi cha mẹ nó chia tay.
Một khán giả nam thì cho rằng xã hội ngày xưa, phụ nữ không được đi học nhiều, nên sự chịu đựng của họ xem như là điều tự nhiên, họ không cảm thấy bất hạnh. Ngày nay, phụ nữ đi học, họ có kiến thức, có trí tuệ, họ vùng lên. Nếu người phụ nữ dùng trí tuệ để đặt mục tiêu là hạnh phúc gia đình sẽ khác với mục tiêu là hạnh phúc cá nhân. Sự chịu đựng ngày xưa là do không có kiến thức, sự chịu đựng ngày nay được nâng lên một tầm mới là sự chịu đựng có kiến thức. Giáo Hội Công Giáo bảo tồn gia đình và đặt mục tiêu hạnh phúc gia đình là quan trọng nhất, cốt lõi của con người là hạnh phúc gia đình, từ mục tiêu đó thì hành động sau này mới đi đúng mục tiêu. Nếu hiểu gia trưởng là người lãnh đạo trong gia đình thì tốt, nếu hiểu gia trưởng theo nghĩa “chồng chúa, vợ tôi” thì đó là người độc tài, độc đoán, đó là điều xấu.
Giáo sư cảnh báo rằng cả nam lẫn nữ đều phải cảnh giác thực sự với xã hội thực dụng vì nó làm cho người ta chỉ biết hưởng thụ cá nhân mà không biết nghĩ đến hạnh phúc của người khác, của gia đình. Trong rất nhiều giá trị chọn lựa thì “Gia trưởng - Tốt hay xấu?” buộc con người phải chọn lựa. Đây là đề tài mở chứ không phải đề tài đóng. Hãy mở bung xã hội cổ xưa để nhìn sâu vào đó nhằm thấy những giá trị, những cái cần học, những bài học rút kinh nghiệm. Mỗi chúng ta hôm nay trưởng thành được nhờ bài học lịch sử, gia đình gia trưởng để lại một bài học để hôm nay chúng ta sống sao cho tốt hơn trên quy luật phát triển, thường cái sau bao giờ cũng tốt hơn cái trước. Tuy nhiên, có những cái sau không được hoàn thiện, hoàn chỉnh nhưng không có nghĩa là xấu mãi mãi mà chỉ xấu trong giai đoạn nhất định để hướng đến điều tốt đẹp hơn.
Xin mượn câu Kinh Thánh của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôsê để kết thúc bài viết này, cũng như để những người làm vợ, làm chồng nghĩ về bổn phận của mình trong gia đình mà Tin Mừng đã dạy từ hai ngàn năm trước: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái… Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,14.18-19).
Tạ Ân Phúc
Chiều ngày 03/03/2012, tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Sài Gòn, Chương trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình đã tổ chức buổi nói chuyện với sự chủ trì của Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn Hóa - Du Lịch, qua đề tài: “GIA TRƯỞNG - TỐT HAY XẤU?”
Từ khởi nguyên, khi Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, Chúa đã cho con người có nam có nữ để tạo nên một gia đình với trách nhiệm truyền sinh. Chúa cũng cho con người sự tự do, bình đẳng và thương yêu nhau trong cư xử. Nhưng con người đã sống ích kỷ, tạo ra sự bất bình đẳng, bất công trong cuộc sống và xã hội loài người đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh khắc nghiệt để chống sự thống trị lên nhau, chống lại quan niệm mạnh được, yếu thua.
Gia trưởng
Trong quá trình phát triển, trước khi tiến đến xã hội hiện đại như hôm nay, Việt Nam đã trải qua thời kỳ rất dài bị ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến với tư tưởng Nho giáo mang đặc điểm gia trưởng. Trong đó người đàn ông giữ vai trò thống trị xuyên suốt xã hội và người phụ nữ phải chịu nhiều bất công và lệ thuộc. Tính gia trưởng không những thể hiện qua cấu trúc xã hội mà còn thể hiện trong gia đình, nơi người đàn ông có quyền lực đối với phụ nữ, trẻ em và của cải. Trong gia đình gia trưởng, người đàn ông là trụ cột, là chủ gia đình nên có quyền ra lệnh, áp đặt vợ con phải tuân theo mọi ý muốn của mình, đôi khi bằng cả bạo lực. Gia đình gia trưởng cũng tạo cho người đàn ông năm thê, bảy thiếp, nhiều con, và con trai vẫn được xem trọng hơn. Xã hội phong kiến đề cao trật tự xã hội với triều đình là trung tâm, điều chỉnh hành vi con người theo nguyên tắc “quân, sư, phụ”. Trong chiều hướng đó, cấu trúc gia đình theo kiểu gia trưởng còn gắn liền với quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng" tạo nên sự bất bình đẳng về giới trong xã hội.
Khi so sánh các thời kỳ lịch sử khác nhau để đưa ra kết luận một vấn đề là điều rất khó, bởi nó không cùng nằm trong một không gian, thời gian và cấu trúc. Nếu so sánh con người ngày xưa với con người và gia đình ngày nay để đưa ra kết luận có vẻ như là điều khập khiểng vì xã hội và con người không ngừng thay đổi. Tuy nhiên, con người học được ở lịch sử những bài học để tiến bộ nên người ta không thể không so sánh. Vì vậy, để thấy rõ được gia trưởng tốt hay xấu cần phân tích kỹ lối sống gia đình thời xưa và gia đình thời nay.
Gia đình gia trưởng
Trong gia đình gia trưởng thời xưa, người cha là tấm gương đạo đức cho con, đó là sự chuẩn mực, đứng đắn, “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, người mẹ là tấm gương về phần phúc, nghĩa là người mẹ để lại cho con một gia tài tình cảm, những giá trị sống trong gia đình. Gia đình gia trưởng nhất nhất đều là đàn ông, không chỉ nói đến vai trò trụ cột, mà còn nói đến quan hệ về của cải vật chất, của cải chỉ để lại cho con trai chứ không cho con gái. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một khi người phụ nữ chấp nhận lập gia đình, thường là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, họ bị ràng buộc bởi quan niệm “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Gần như là một trật tự được sắp xếp sẵn và người phụ nữ phải cam chịu, sự cam chịu chính là mấu chốt và là bản sắc của người phụ nữ ngày xưa để gia đình giữ được hòa khí, êm ấm, hạnh phúc.
Chính vì biết chịu đựng, nhẫn nhục nên trong các gia đình thuộc tầng lớp giàu có, thống trị, người vợ sẵn sàng cưới vợ bé cho chồng. Vợ lớn quán xuyết tất cả, vợ bé chỉ lo chuyện chăn gối, cứ thế sống chung với nhau trong một gia đình và không to tiếng, tất cả đều bảo vệ hạnh phúc cho chồng. Khi sống trong một gia đình bị áp đặt, họ đã khôn ngoan chấp nhận số phận “xuất giá tòng phu”, biết được những điều mình phải chịu đựng để giữ hạnh phúc gia đình và không nghĩ đến chuyện bỏ chồng. Đối với họ, trung tâm của gia đình là con cái, làm mọi sự để con cái hạnh phúc, nghĩa là mình được hạnh phúc. Vì thế, con cái được mẹ nuôi dạy rất kỹ lưỡng về tình cảm, cách đối nhân xử thế. Họ quán xuyến gia đình để chồng lo việc lớn bên ngoài xã hội, để chồng được “nở mày, nở mặt” với thiên hạ.
Cách xưng hô trong gia đình gia trưởng
Không biết từ bao giờ người ta đổi chữ “mình ơi” sang chữ “nhà tôi”. Khi gọi chữ “nhà tôi” để chỉ vợ hay chồng mình, nó đã thể hiện 3 phạm trù: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, dù sống trong chế độ gia trưởng nhưng họ đã ý thức được sự tôn trọng, không được áp đặt lên nhau; “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, có sự phân công trách nhiệm, vai trò rõ rệt của người chồng, người vợ trong gia đình; “Của chồng công vợ”, mỗi giá trị trong gia đình đều do sự đóng góp của cả hai người.
Khi chuyển sang gọi nhau là “ông xã, bà xã”, người vợ, người chồng không chỉ sống trong phạm vi ngôi nhà nữa mà phải biết cách sống cho làng xã, sống với nhau như thế nào để bảo vệ giá trị của cộng đồng.
Tóm lại, gia đình gia trưởng vốn mang đặc điểm áp đặt, thống trị do người đàn ông chi phối, nhưng để giữ được hạnh phúc gia đình thì phụ thuộc rất nhiều vào tài khéo léo ứng xử của người phụ nữ, với tứ đức “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, đã được các bà mẹ truyền thụ cho con gái qua bao đời. Sự khéo léo đó được thể hiện trong các công việc như dệt cưởi, thêu thùa, may vá, trong đức tính, trong lời ăn, tiếng nói… và cả trong xử trí khi xảy ra tranh chấp: “Chồng nói thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Mục đích cuối cùng trong mọi cư xử chỉ nhằm làm cho gia đình hạnh phúc.
Gia đình thời hiện đại
Thời nay, gia đình gia trưởng không được chấp nhận bằng luật Hôn nhân gia đình, quy định chỉ một vợ, một chồng và được hỗ trợ bằng Luật chống bạo hành, chống lại gia đình gia trưởng, chống lại sự áp đặt lên người phụ nữ về sức khỏe thể chất, tinh thần. Từ gia đình gia trưởng, phải qua cuộc đấu tranh ác liệt mới bắt đầu xuất hiện mô hình gia đình mới được gọi là gia đình dân chủ. Ngày nay, người phụ nữ không còn bị bó buộc chỉ chuyên tâm lo chuyện “xây tổ ấm” nữa, mà còn gánh vác những công việc xã hội. Người phụ nữ ngày nay có nhiều kiến thức hơn, trí tuệ hơn, được bình đẳng hơn và có địa vị xã hội rõ rệt. Ngày xưa, do có sự phân công, người phụ nữ dạy con, nhưng ngày nay, do bị xã hội chi phối trong nhiều công việc, con cái được cha mẹ phó thác chuyện dạy dỗ cho nhà trường, xã hội. Bên cạnh đó, do có sự bình đẳng, nên có những gia đình rạch ròi trong chuyện sở hữu của cải, tiền bạc, không còn của chồng, công vợ mà là rạch ròi của chồng, của vợ, điều rất nguy hiểm cho gia đình. Khi sòng phẳng trong chuyện tiền nong như vậy, nhiều khi vợ chồng lại ứng xử với nhau như người dưng nước lã, tính toán với nhau từng chút một trong chi tiêu gia đình. Đôi khi do tiêu xài hoang phí, hoặc vợ, hoặc chồng tự mình làm ăn riêng dẫn đến cảnh nợ nần chồng chất, đến khi vỡ lỡ, không ít gia đình phải lâm vào cảnh đường ai nấy đi.
Xã hội phong kiến qua đi nhưng tính gia trưởng vẫn còn tồn tại, vẫn còn nằm trong mỗi con người. Sức mạnh đàn ông áp chế xã hội đã chấm dứt nhưng sức mạnh đàn ông trong con người vẫn còn, đàn ông vẫn thích thể hiện quyền lực, thậm chí là bạo lực, bạo hành, áp đặt, theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi”, vợ phải phục tùng chồng và điều đó hiển nhiên không được người phụ nữ hiện đại chấp nhận. Để giải phóng những bất hạnh trong gia đình người ta nghĩ đến chuyện ly dị như là một giải pháp tốt nhất mà phớt lờ đi những khó khăn và tổn thương để lại, đặc biệt là đối với con cái.
Một thách đố
Theo các số liệu thống kê, các vụ ly dị hiện nay có xu hướng ngày càng gia tăng. Khi các gia đình đổ vỡ như vậy, những người quản lý xã hội nghĩ gì và có những giải pháp cụ thể nào cho vấn nạn này? Là Kitô hữu, mỗi người nghĩ gì và làm gì để góp phần thay đổi thực trạng này? Đây là câu hỏi thách đố, nó chỉ được trả lời khi mỗi người Nam, mỗi người Nữ đều phải hiểu giá trị sống của mình. Sống để làm gì và sống cho ai, sống thế nào?
Chính vì tư tưởng gia trưởng vẫn còn, nên người ta có xu hướng chọn con trai, làm cho cấu trúc dân số tự nhiên thay đổi, đảo nghịch một cách đáng báo động: cứ 100 bé gái thì có hơn 100 bé trai (có tỉnh là 115). Nữ giới nhiều hơn Nam giới thì xã hội có trật tự vì dù sao đi nữa, nữ giới vẫn chịu đựng hơn, khi nam giới nhiều hơn, mất cân bằng giới tính sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, bạo hành, bạo lực xuất hiện tràn lan.
Nếu chỉ nhìn một phía gia trưởng là quyền lực của người đàn ông áp đặt lên phụ nữ thì sẽ dẫn đến sai lầm. Ngày nay, không chỉ người chồng gia trưởng, một nhóm phụ nữ có sức mạnh, quyền lực cũng học thói gia trưởng, theo thống kê thì 0,6% bạo hành trong gia đình là vợ đánh chồng, đó là điều thật nguy hại. Đây là những người phụ nữ có cá tính mạnh, có địa vị trong xã hội, là người kiếm được nhiều tiền hơn chồng, họ quen sống với tư cách bề trên, và quên mất vai trò của người vợ trong gia đình, dẫn đến lộng quyền, đôi khi bạo hành khi gặp phản kháng. Không ít trường hợp do họ phải sống và phải chứng kiến người cha gia trưởng hết sức khắc nghiệt, cả một quá trình dài thấy người mẹ phải khổ sở, nhẫn nhịn trước mặt cha. Vì thế, khi có điều kiện vùng lên, họ áp đặt những khao khát của mình lên gia đình mà quên rằng mình đi theo lối mòn của cha.
Gia đình chia sẻ, học cách sống chung
Chống tính gia trưởng trong gia đình là điều hiển nhiên theo quy luật phát triển của xã hội, nhưng hiện nay vẫn chưa có mô hình gia đình thích hợp, gia đình gia trưởng chưa dứt hẳn và gia đình hiện đại vẫn còn là một cái đích phải đến, đó là thách đố cho xã hội. Vấn đề không phải ở chỗ phê phán gia đình gia trưởng nhưng cần học những điều tốt, xấu trong gia đình gia trưởng để chuẩn bị xây dựng gia đình mới tốt hơn, gia đình cần xây dựng đó chính là gia đình chia sẻ.
Trong cuộc sống, người ta thường cho rằng mạnh được yếu thua vẫn là chân lý, chỉ khi nào con người đạt đến trình độ rất cao, không thể lấy sức mạnh của mình áp đặt lên người đối diện, không thể lấy kinh tế để khẳng định mình, mà lấy tình người làm gốc thì mới xuất hiện một xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang vươn tới. Để có hạnh phúc trong gia đình, người vợ, người chồng phải biết học cách sống chung để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, nơi đó vợ không đòi thông minh hơn chồng hay chồng thông minh hơn vợ, không chỉ dùng lý trí với nhau, mà phải dùng tình cảm. Thiên Chúa cho chúng ta một thân thể, khối óc và con tim, Chúa cũng cho chúng ta sự tự do, chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự tự do đó. Nếu sự tự do không theo khuôn phép sẽ trở thành quá đáng, phải tự do vì người khác, vì hạnh phúc của vợ, vì hạnh phúc của chồng, tự do trong sự ràng buộc.
Phải nói rằng công lớn để gia đình hạnh phúc thuộc về người vợ. Để ngăn chặn thói gia trưởng của người đàn ông, cần phải học cách sống chung trong đời sống gia đình. Bản năng của người đàn ông là phái mạnh, khó mà thay đổi bản năng đó, khi sống chung với nhau, người vợ là ở thế yếu hơn người chồng nhưng không có nghĩa là thua thiệt, có thể yếu hơn nhưng lại là thắng. Ông cha ta dạy “nhu thắng cương”, và ông cha ta cũng đã dạy một cách không sai lầm rằng: “Chồng nói thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê” ; “Chồng tiến thì vợ phải lui, nếu mà đứng lại cái dùi vào lưng”. Cách thức người xưa dạy ứng xử, sống chung rất khéo léo, phải chăng kỹ năng giao tiếp ngày nay chỉ nhằm thể hiện mình chứ không nhằm để hạnh phúc. Học ứng xử không phải để thể hiện mình nhưng để làm cho giá trị của mình tăng lên trước người đối diện và sống chung trước hết phải là sống cho tha nhân. Quan trọng là người phụ nữ quan sát xem người chồng cần gì ở mình, làm cách nào đó cho chồng nhớ lâu về những chăm sóc của mình, lo nghĩ, quan tâm về mình, đó là sự thông minh của phụ nữ.
Đặc trưng của người Việt là bữa cơm gia đình, người vợ phải tìm cách tạo ra bữa cơm gia đình, chờ cơm chồng, để giữ gìn hạnh phúc. Người phụ nữ cần biết cách kéo người chồng vào công việc của mình, phân công hợp lý những công việc nhà, việc ngoài xã hội, người vợ cần ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, đừng để xảy ra chuyện cãi nhau.
Người đàn ông trong xã hội hiện đại phải sống cho mọi người, trong đó phải sống cho vợ mình là người gần gũi nhất, phải biết cách sống cho vợ mình: thương vợ, biết vợ mình buồn vui lúc nào, không để vợ buồn, không lý gì một người gắn bó với mình, chia sẻ với mình mà mình lại đối xử bằng bàn tay, sự đánh đập, bạo lực, đó không còn là người đàn ông thời hiện đại. Đôi khi cần chấp nhận vợ càu nhàu và chú ý trong cách ứng xử để làm thế nào để vợ đừng càu nhàu nữa.
Nói chung cần phải học cách sống cho nhau bằng trí thức với ba khía cạnh: tri thức, tình cảm và ý chí. Tri thức là sự hiểu biết thế giới xung quanh, sự hiểu biết kiến thức. Đã có tri thức thì phải có tình cảm, nếu không có tình cảm thì tri thức trở nên vô nghĩa, không có tình cảm thì tri thức phục vụ ai, để làm gì? Tri thức cống hiến cho chồng, cho vợ, cho con, nghĩa là dành tình cảm cho vợ, cho chồng, cống hiến cho gia đình. Muốn làm gì phải có ý chí, muốn chống gia đình gia trưởng phải có ý chí, gia đình gia trưởng nằm trong những con người gia trưởng, dư âm phong kiến còn lại trong mỗi con người.
Cuộc tranh luận nho nhỏ
Không khí của buổi chia sẻ trở nên sinh động hơn khi một khán giả nữ đưa ra vấn đề tranh luận thú vị, không đồng ý với diễn giả về sự chịu đựng của người phụ nữ và vấn đề ly dị. Chị cho rằng người phụ nữ ngày xưa chịu đựng là vì ngoài những yếu tố tốt đẹp để giữ gia đình hạnh phúc còn do xã hội tạo ra quy chuẩn như thế nên người phụ nữ không cảm thấy bất hạnh. Xã hội ngày nay vẫn chưa thay đổi hoàn toàn, trong gia đình vẫn còn những ông chồng gia trưởng, áp đặt, cho mình có quyền có vợ nọ, vợ kia. Nếu người phụ nữ tiếp tục chịu đựng sẽ là một sự miễn cưỡng, cảm thấy bất hạnh. Khi người phụ nữ đi ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh qua việc ly dị, người phụ nữ cảm thấy cuộc sống rất bình an và cảm thấy hạnh phúc.
Trước cách đặt vấn đề như thế, giáo sư phân tích thêm: Chúng ta sống cho ta hay sống cho mọi người, hai cách sống khác nhau. Ta hỏi rằng ta sống cho ai, mỗi chúng ta phải trả lời câu hỏi này, nếu ta sống cho ta thì giải phóng gia đình khỏi sự áp đặt lên mình là hạnh phúc, nhưng nếu ta sống cho con ta thì hạnh phúc không nằm ở ta nữa, ta nghĩ gì về đứa con khi cha mẹ nó chia tay.
Một khán giả nam thì cho rằng xã hội ngày xưa, phụ nữ không được đi học nhiều, nên sự chịu đựng của họ xem như là điều tự nhiên, họ không cảm thấy bất hạnh. Ngày nay, phụ nữ đi học, họ có kiến thức, có trí tuệ, họ vùng lên. Nếu người phụ nữ dùng trí tuệ để đặt mục tiêu là hạnh phúc gia đình sẽ khác với mục tiêu là hạnh phúc cá nhân. Sự chịu đựng ngày xưa là do không có kiến thức, sự chịu đựng ngày nay được nâng lên một tầm mới là sự chịu đựng có kiến thức. Giáo Hội Công Giáo bảo tồn gia đình và đặt mục tiêu hạnh phúc gia đình là quan trọng nhất, cốt lõi của con người là hạnh phúc gia đình, từ mục tiêu đó thì hành động sau này mới đi đúng mục tiêu. Nếu hiểu gia trưởng là người lãnh đạo trong gia đình thì tốt, nếu hiểu gia trưởng theo nghĩa “chồng chúa, vợ tôi” thì đó là người độc tài, độc đoán, đó là điều xấu.
Giáo sư cảnh báo rằng cả nam lẫn nữ đều phải cảnh giác thực sự với xã hội thực dụng vì nó làm cho người ta chỉ biết hưởng thụ cá nhân mà không biết nghĩ đến hạnh phúc của người khác, của gia đình. Trong rất nhiều giá trị chọn lựa thì “Gia trưởng - Tốt hay xấu?” buộc con người phải chọn lựa. Đây là đề tài mở chứ không phải đề tài đóng. Hãy mở bung xã hội cổ xưa để nhìn sâu vào đó nhằm thấy những giá trị, những cái cần học, những bài học rút kinh nghiệm. Mỗi chúng ta hôm nay trưởng thành được nhờ bài học lịch sử, gia đình gia trưởng để lại một bài học để hôm nay chúng ta sống sao cho tốt hơn trên quy luật phát triển, thường cái sau bao giờ cũng tốt hơn cái trước. Tuy nhiên, có những cái sau không được hoàn thiện, hoàn chỉnh nhưng không có nghĩa là xấu mãi mãi mà chỉ xấu trong giai đoạn nhất định để hướng đến điều tốt đẹp hơn.
Xin mượn câu Kinh Thánh của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôsê để kết thúc bài viết này, cũng như để những người làm vợ, làm chồng nghĩ về bổn phận của mình trong gia đình mà Tin Mừng đã dạy từ hai ngàn năm trước: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái… Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,14.18-19).
Tạ Ân Phúc