Binh lính Bắc Hàn cướp lương thực của dân khi họ lo sợ điều tồi tệ nhất xảy đến

Seoul (AsiaNews) – Khi Bắc Triều Tiên tiếp tục thương tiếc cái chết của ‘vị lãnh tụ kính yêu’, ít nhất là theo tuyên truyền của chế độ thống trị kiểu Stalin, tình hình ở đất nước này tiếp tục xấu đi. Một nguồn tin cho hãng AsiaNews hay tình hình chính trị hiện nay không chắc chắn, "các viên chức địa phương cướp đi nguồn lương thực cuối cùng dành để cung cấp cho người dân vốn được tích trữ trong các doanh trại. Điều này đã được dự liệu vì họ muốn sống sót bằng mọi giá. Nơi đây bạn chỉ có thể sống khi bạn có lương thực và một cây súng trường. Giá gạo đã tăng vọt trên thị trường chợ đen, nhưng người dân không đủ khả năng để mua".

Những bất công như vậy "xảy ra ở mọi tỉnh, cả những vùng dọc biên giới với Trung Quốc, nơi các binh lính hống hách hơn những nơi khác. Người dân đã phải rơi lệ trước cái chết của Kim vì nhiều lý do, trước hết vẫn là nỗi đau chết đói. Giờ mọi người đang muốn biết điều gì sẽ xảy ra ở Bình Nhưỡng. Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn".

Trong khi đó, cuộc chiến quyền lực để hợp pháp hoá người thừa tự đang diễn ra. Trên thực tế, Kim Jong-un đang chuẩn bị hoạt động công khai đầu tiên của mình với bài diễn văn trước quốc dân vào ngày 01 tháng Giêng để trình bày đường lối chỉ đạo cho năm 2012. Các nhà phân tích chính trị cảnh báo đó sẽ là thời điểm quan trọng để xem Kim Jong-un sẽ ủng hộ quân đội hay đảng.

Học giả Kim Yeon-soo, người giảng dạy tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul cho hay: "Quyền lực của người thừa tự liên quan chặt chẽ với các ủy ban quân sự của Đảng và Bộ Quốc phòng. Các vị tướng thường trực thì trung thành với cha và ông nội (của Kim Jong-un), nhưng không tin tưởng anh ta vì anh còn quá trẻ. Để buộc mọi người chấp nhận, hoặc là anh ta phải thay thế họ, hoặc là phải thuyết phục lôi kéo họ về phía mình. Nếu chọn giải pháp trước, anh ta có thể châm ngòi cho một cuộc đảo chính".

Theo học giả, "chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay không có ý thức hệ cụ thể. Nó chỉ dựa trên một hệ thống khen thưởng, tiền bạc hoặc "quà cáp chính trị", mà nhà độc tài ban phát cho những người trung thành với mình. Đây là lý do tại sao Kim Jong-un sẽ cố gắng mua chuộc những người nắm giữ quyền lực thực sự. Tất nhiên, những người được mua chuộc có thể nghĩ rằng họ có thể thi hành mà không cần anh ta".

Trong khi đó, Trung Quốc lên tiếng hậu thuẫn cho vị họ Kim đời thứ ba, và được gán cho là "người nối nghiệp vĩ đại" trên báo chí Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đến đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh để gặp vị đại sứ bày tỏ lời chia buồn của mình về cái chết của Kim Jong-il. Thủ tướng Ôn Gia Bảo sau đó cũng noi theo.