Thánh lễ bàn giao giáo xứ tại giáo phận Thanh Hóa trong tiết giao mùa…

Tháng Chín, tháng của lá vàng rơi, tháng của những cơn gió heo may và cái se lạnh man mác. Tháng chín, trời bắt đầu giao mùa: không còn cái nóng bỏng rát của những ngày hè, cũng chưa đến cái lạnh thấu xương của những ngày đông. Nắng tháng Chín dịu dàng, lạnh tháng Chín nhẹ nhàng. Trong không khí giao mùa ấy, Giáo phận Thanh Hóa cũng bước vào “mùa” chuyển giao giáo xứ. Sẽ có lời tạm biệt đầy tiếc nuối, sẽ có lời chào đón đầy yêu thương, sẽ có tình huynh đệ hiệp nhất… Và sẽ có bao nhiêu hi vọng mới lại bắt đầu từ tháng Chín thân yêu này. Sắc áo đỏ của linh mục đoàn trong những thánh lễ bàn giao xen lẫn trong sắc vàng của lá, trong những cơn gió heo may đã đến với vùng non cao trập trùng trong sương sớm; đến với vùng biển mặn mời của muối trong tiếng sóng lùa nhẹ vào bờ cát vàng hun hút, hay đến với đồng bằng với những mầu xanh thẩm của những mầm mạ… làm nên những hình ảnh đẹp nhất của tình hiệp nhất trong tình yêu Chúa Giêsu Kitô.

Ý nghĩa của mỗi lần “ra đi”…

Mỗi một lần thuyên chuyển là một lần các linh mục “ra đi” theo tấm gương Chúa Giêsu khi xưa. Nhắc tới “ra đi” làm tôi nhớ tới câu thơ của Nguyễn Đình Thi:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”


Tính chất của của sự ra đi trong câu thơ của Nguyễn Đình Thi hoàn toàn khác với sự ra đi của linh mục. Nhưng cái tình trong đó sao mà giống quá. Đó là cảm xúc của người đi, quyến luyến lắm, bịn rịn lắm và cũng tiếc nuối lắm nhưng đành phải quay đi mà không thể nhìn lại. Đó là cảm xúc của người ở lại, là nỗi nhớ, là sự níu kéo không nguôi…

Trong đợt thuyên chuyển lần này có 35 linh mục ra đi, hoặc về hưu, thuyên chuyển nhiệm sở, hoặc thuyên chuyển nhiệm vụ.

Tại sao linh mục lại cứ phải “ra đi”, sao phải thuyên chuyển? Các cha cứ bén duyên với một vùng đất, cứ gắn bó với cộng đoàn chừng ba năm, bốn năm, thậm chí đến chục năm trời thì lại phải chia tay. Tại sao lại như vậy?

Bởi lẽ mỗi lần như thế linh mục có cơ hội trở nên giống Chúa Kitô hơn. Bởi vì các linh mục chính là Tông đồ của Người. Khi xưa Người được Chúa Cha sai đi với sứ mệnh cao cả vì con người. Và Người cũng đã sai các môn đệ, các Tông đồ của Người ra đi. Và ngày nay, mỗi một lần ra đi, linh mục đem theo tình yêu và hồng ân bao la của Thiên Chúa để trao ban cho con người.

Mỗi một lần các cha rời nhiệm sở là mỗi một lần vang vọng hai tiếng “xin vâng”. Đó là mỗi lần thử thách. Chúng ta là con người, và tình cảm chính là thứ thiêng liêng nhất, quí giá nhất ngự trị trong chúng ta. Linh mục cũng là con người, cũng có tình cảm và có những mặt yếu đuối của con người. Nhưng linh mục không có quyền yêu bất cứ ai, gắn bó với bất kỳ cuộc đời nào hay vùng đất nào. Cuộc đời của các cha là ra đi, và dù có biết bao tình cảm thì cũng phải “ra đi đầu không ngoảnh lại”.

Hơn thế nữa khi tuyên hứa sẽ dâng cả cuộc đời để làm Tông đồ cho Chúa, linh mục cũng đã xác tín một điều: các cha không còn có một gia đình riêng, một quê hương riêng nữa. Gia đình của các cha là giáo hội, quê hương của các cha là cộng đoàn. Vì vậy cho dù các cha có đi đâu, có tới miền đất nào thì nơi đó cũng là gia đình của cha, quê hương của cha. Vậy thì ra đi cũng đỡ phần đau lòng. Giống như người mẹ của những gia đình đông con, mỗi một lần di chuyển là các cha đang đi thăm con cái của mình.

Bên cạnh đó như lời của Đức Cha Giuse: linh mục là tài nguyên thiêng liêng của Giáo phận. Vì vậy, nguồn tài nguyên ấy phải được san sẻ trên toàn giáo phận. Cha này nghiêm khắc thì sẽ đưa giáo xứ về qui củ. Cha kia vui tính chăm lo tới đời sống tinh thần của cộng đoàn. Cha thì xây nhà, xây cửa, cha thì xây dựng đời sống tâm linh…

Với ý nghĩa đó, các cha phải “ra đi”…

Những hình ảnh đẹp của những ngày chuyển xứ…

Tôi là một người may mắn khi được góp mặt trong rất nhiều thánh lễ bàn giao vừa qua. Dù chỉ là vị khách, chỉ chứng kiến thôi nhưng tôi không khỏi xúc động. Có những niềm vui không thể diễn tả được thành lời và có những giọt nước mắt không thể kiềm lại. Thực sự nước mắt đã rơi rất nhiều. Dù có ở đâu, trên non cao Vân Lung, Đồng Mực… hay sâu xuống vùng biển Nghi Sơn, Đa Phạn… đến vùng đồng bằng Kiến An, Tân Hải… đâu đâu tôi cũng thấy những giọt nước mắt rơi, những đôi mắt hoe đỏ, những tiếng nấc nghẹn ngào. Có giọt nước mắt rơi vì quyến luyến cha cũ, có giọt nước mắt rơi vì cha đau ốm bệnh tật sợ rằng cha đi rồi không có người chăm lo nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt rơi vì hạnh phúc. Hạnh phúc vì cha đã đến với chúng con.

Làm sao chúng ta có thể tìm thấy được điều đó trong xã hội xô bồ này. Đôi khi ở ngoài đó, người ta còn mong mỏi người đó nhanh đi thì hơn…

Giọt nước mắt của niềm vui…

Đó là một Hải Lập hân hoan khi đón cha J.B Trịnh Quốc Vương; một Nghi Sơn đón cha Giuse Bùi Quang Tạo đến ở cùng cộng đoàn sau bốn năm được nâng lên hàng giáo xứ.

Đó là một Đồng Mực nghèo, cheo leo trên non cao với niềm hạnh phúc vô bờ khi được đón cha Phêrô Nguyễn Mạnh Tám. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhà ở cho cha còn nghèo nàn, số giáo dân thì ít, vậy mà giáo xứ vẫn được Đức Cha thương xem ban cho linh mục về ở cùng với họ.

Hay giáo xứ Kiến An cũng như thế. Ai mà tới với giáo xứ này đều thấy rằng nơi đây nghèo quá. Con đường lầy lội ngày mưa, mái nhà lá sao đủ che mưa che nắng. Hơn nửa thế kỷ thành lập, giờ đây giáo xứ mới được đón tiếp cha Giuse Phạm Văn Duẩn về ở cùng…

Đó là niềm vui khi thánh lễ bàn giao lại trùng với những ngày lễ lớn khác như bế mạc tuần chầu, là ngày Khánh Nhật truyền giáo, là Lễ Mân Côi…

Và nỗi buồn…

“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”


Những câu thơ của cố nhà thơ Thâm Tâm dường như dậy sóng qua lời đọc cùng tiếng nấc nghẹn ngào của vị đại diện giáo xứ Tân Đạo trong ngày chia tay cha Phaolo Đỗ Nguyên Hoàn. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh nhiều cụ ông với hai hàng răng móm mém, nhiều cụ bà tóc trắng hết cả mái đầu ôm mặt khóc. Cảm động làm sao tình mục tử, chiên lành ở Phúc Lãng, cha Phaolo Phạm Văn Điền lọt giữa cộng đoàn giáo xứ Đông Quang và cơn mưa nước mắt. Nếu như ai đã một lần chứng kiến cảnh ấy mà không rơi lệ thì người ấy quả thật quá lạnh lùng. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà, đến cả những cậu thanh niên tóc hoe hoe đều vây quanh cha xứ thân yêu của họ. Níu kéo tất cả thời gian, níu kéo hình ảnh và níu kéo những tiếng “cha ơi về với chúng con” đầy nũng nịu.

Cha cũng khóc mà con cũng khóc. Chia ly mà sao tránh khỏi đau buồn. Nhưng có khóc nhiều như thế, thương nhiều như thế thì chỉ có ở những người công giáo mà thôi.

Cảm động hơn có giáo dân còn xin với Đức Cha cho cha xứ của họ ở lại. Vì cha xứ của họ đau ốm, sợ rằng đến nơi mới không có người chăm lo…

Không có thánh lễ nào là không thấm giọt lệ sầu dù là tiễn cha phó xứ hay tiễn cha chính xứ.

Những hình ảnh đẹp về tình hiệp thông, tình huynh đệ, tình liên đới

Có thể nói những giọt nước mắt rơi cho dù là buồn nhưng lại tạo nên một hình ảnh đẹp của những người Kitô giáo. Điều đó nói lên tình cảm chân thành của đoàn chiên với mục tử, đó là tính hiệu lạc quan cho giáo phận Thanh Hóa đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

Không ở đâu như ở các xứ đạo, tình hiệp thông lại mạnh mẽ như vậy. Dù trong hoàn cảnh nào, mưa, nắng, bão, gió. Dù điều kiện giàu nghèo ra sao. Dù công việc có bận rộn thế nào thì giáo dân cũng luôn đồng hành cùng cha xứ. Cho dù có buồn vì phải chia tay cha thì mọi người cũng lên đường đồng hành đưa cha về xứ mới. Mọi người vẫn thường hay trêu đùa các cha, đi tiễn cha mà cứ như đưa con gái về nhà chồng. Từng đoàn người nối nhau đi, xa thì đi ô tô, gần thì đi xe máy. Trời mưa thì xuống lội bùn…

Và ở các thánh lễ đó còn nổi bật lên tình huynh đệ của các linh mục. Các cha dù có bận trăm công nghìn việc, dù có xa xôi cỡ nào, và đôi khi sức khỏe không cho phép vẫn có mặt đông đủ trong thánh lễ nhận xứ của anh em mình. Có thánh lễ gian cung thánh không đủ chỗ ngồi, các cha phải ngồi vào lòng nhà thờ. Màu đỏ trên áo các cha tô thắm cả thánh lễ.

Rồi ở đó còn có tình liên đới giữa những người cùng một đức tin. Bạch Câu là một trong những giáo xứ nghèo nhất giáo phận, vẫn cố gắng làm bữa cơm tươm tất để bà con giáo dân khách dự lễ có thể ấm bụng mà trở về.

Và đẹp nhất, ý nghĩa nhất là sự hiện diện của Đức Cha Giuse – Giám Mục giáo phận; của cha Tổng Đại Diện, dù tuổi đã cao, lại phải gánh trên vai biết bao công việc trọng đại nhưng vẫn tới dự, chủ tế các thánh lễ bàn giao. Điều đó nói lên tình liên đới và hiệp thông trong tình yêu thương và quan tâm của bản quyền giáo phận đối với con cái của mình.

Những hình ảnh đẹp, thiêng liêng của các nghi thức nhận xứ cũng luôn là tâm điểm của các thánh lễ…

Chắc là sẽ còn nhiều nhiều nữa những cái hay, cái đẹp, cái thiêng liêng trong những ngày vừa qua mà tôi còn chưa khám phá ra được. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi đã cho tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi đã được chứng kiến biết bao điều ý nghĩa, tôi đã được thấy biết bao hình ảnh đẹp, và niềm tin, niềm hy vọng của tôi cũng lớn dần thêm. Tôi hy vọng những nụ cười sẽ không bao giờ tắt trên cộng đoàn công giáo thân yêu của tôi. Tôi tin những giọt nước mắt kia sẽ nhanh khô và trôi vào trong kỷ niệm, để mọi người cùng nhau tiến lên, cùng phấn đấu, vì Chúa, vì tình linh mục, và vì tình yêu thương không bao giờ lụi tàn trong Chúa Giêsu Kitô…

Maria Én Trần