Xem hình ảnh
Trong tâm tình là một giáo dân trong giáo phận, tôi xin được chia sẻ một chút suy tư, cảm nghĩ sau khi tham dự.
Buổi học hỏi Thư Chung diễn ra theo thứ tự rất quen thuộc của các cộng đoàn Công giáo: kinh khai mạc, giới thiệu thành phần tham dự, linh mục hạt trưởng tuyên bố lý do, linh mục diễn giải Thư Chung và cộng đoàn đóng góp ý kiến.
Tôi nhận thấy những người tham dự hôm nay không phải là “giáo dân thường” mà là giáo dân “đã được tuyển chọn rõ ràng”, nghĩa là những người ở trong Ban thường vụ HĐMV, các ông trùm giáo khu, ban điều hành các đoàn thể trong 17 giáo xứ của hạt Chí Hòa. Có thể nói đây là thành phần giáo dân ít nhiều có quan tâm đến vấn đề của giáo phận vì họ trực tiếp cộng tác với cha chánh xứ trong nhà thờ; còn những người giáo dân “bình thường” ngày Chúa nhật đến nhà Chúa một lần là đã yên tâm rồi, cha xứ thông báo gì thì làm theo, không có vấn đề ý kiến gì cả, chỉ còn “cơm áo gạo tiền” mà thôi!
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, trưởng ban thư ký công nghị, diễn giải từng phần của Thư Chung rồi người dự góp ý, sau đó cha lại diễn giải. Tôi lắng nghe, cố gắng tập trung. Khi cha nhấn mạnh đến “Hiệp thông – Tham gia – Đối thoại”, tôi thấy ba từ này xoáy vào đầu tôi như một cơn lốc nhẹ. Dưới một góc độ lớn, giáo dân Sài Gòn đã HIỆP THÔNG với giáo hội địa phương rất tích cực, tất cả những “chỉ thị” công việc, xuất phát từ những người có trách nhiệm, cao nhất là Đức giám mục, hầu hết mọi người đều tuân theo. Việc THAM GIA trong các đoàn thể cũng rất sốt sắng, hưởng ứng những hoạt động theo thời điểm hay phong trào rất tích cực, đón nhận lời kêu gọi của chủ chăn….
Tuy nhiên, Thư Chung hôm nay có nói đến việc đối thoại, tôi thấy đây là một cơ hội cho bất cứ một giáo dân nào, muốn thực lòng xây dựng Giáo hội. Từ trước đến nay, việc ĐỐI THOẠI còn có phần e dè. Tại sao lại e dè? Truyền thống của người giáo dân Việt Nam là khiêm tốn và rất trân trọng những vị chức sắc trong Giáo hội, chính vì thế mà khi có điều gì bức xúc họ thường không nói ra, có lẽ sợ mình trở thành người xúc phạm, sợ bị qui chụp là “chống đối”….thế nên họ thường chịu đựng thầm lặng và cầu nguyện mong có sự thay đổi nào đó mà thôi, thậm chí phản ứng tiêu cực bằng cách rỉ tai nhau “bên hông nhà thờ!”; thế nên có nhiều điều không hay vẫn xảy ra, nhiều điều chưa tốt vẫn tồn tại, ngấm ngầm bào mòn tình thân giữa chủ chăn và giáo dân hay giữa giáo dân với nhau, bào mòn cả những “công trình” mà mọi thành phần dân Chúa vun đắp. Đối thoại hôm nay thật là một sự cởi mở trong một Giáo hội truyền thống khi “bên nói và bên nghe” dựa vào Lời Chúa, sự chân thật và thiện chí đổi mới mà đối đáp nhau.
Trong khi góp ý từng phần, có nhiều ý kiến được đưa ra như:
- Không nên tạo bè phái trong các đoàn thể, mỗi người biết nghĩ lại mình khi phục vụ. Luôn quan tâm đến giới trẻ và cần chú ý đến tiếng nói của phụ nữ
- Hiện nay, sinh viên, công nhân sống tự do trong các nhà trọ, nhà thuê với các hiện tượng sống thử, sống buông tuồng. Nên góp ý với các chủ nhà về sự dễ dãi khi cho người trẻ thuê phòng để ngăn chặn cách sống phóng đãng.
- Nên có các lớp dạy nghề, dạy dinh dưỡng, các lớp học về giáo dục con người, giáo dục lương tâm…trong giáo xứ để trợ giúp giáo dân.
- Càng văn minh thì càng có nhiều điều phức tạp, quí linh mục cần khiêm tốn đón nhận các ý kiến và nhận khuyết điểm, đồng thời nên trân trọng người khác nhiều hơn.
- Để giảm bớt tệ nạn xã hội, cần quan tâm đến những đứa trẻ của các gia đình “sắp đổ vỡ - đang đổ vỡ - đã đổ vỡ” bằng cách theo dõi, khuyên bảo, thu hút đến nhà thờ….
- Nếu các Giáo lý viên biết nghiên cứu hình thức sinh hoạt mới, lồng ghép trò chơi, cách giải trí lành mạnh vào việc dạy giáo lý thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.
- Tạo sân chơi cần thiết để thu hút giới trẻ.
- Quí ông trùm xứ đạo cần khiêm tốn hơn trong cung cách phục vụ.
Và còn khá nhiều ý kiến khác, nhưng nhìn chung thì tôi thấy giáo dân Sài Gòn thật “hiền lành” trong suy nghĩ của mình. Ai lên phát biểu cũng dè dặt, nếu nói mạnh một chút thì rào đón xin lỗi quí cha và mọi người hết lòng. Không thấy có góp ý nào cho vị chủ chăn của mình hay vấn đề nhạy cảm trong việc truyền thông hiện nay.
Vì thời gian có hạn nên tôi không có cơ hội đứng lên phát biểu ý kiến, cũng không kịp viết giấy gửi ban thư ký nên trong lòng vẫn còn đầy những góp ý chân thật trong tâm tình muốn xây dựng giáo hội địa phương mà mình đang sống. Tôi suy nghĩ đơn sơ thế này:
- Nhà thờ là tài sản chung của Giáo hội, là nơi giáo dân gắn bó mật thiết trong đời sống tôn giáo nên việc xây nhà thờ hay có thay đổi gì thì cần một “Ban thẩm định” trong giáo phận, không thể xây cất theo ý riêng một vị mục tử nào. Khi xây dựng, cần quan tâm đến thực tế của địa phương, ý kiến của giáo dân. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, chính giáo dân là người quyết định đầu tiên về ngôi thánh đường của cộng đoàn (hình dạng thế nào, mức độ xây dựng ra sao…) thì mới đúng.
- Trong Giáo hội, không thể có hiện tượng “vắt chanh bỏ vỏ” hay “loại trừ nhau” trong cộng đồng dân Chúa. Đó là hiện tượng trong “thế gian”, của môi trường chính trị hay trên thương trường nghiệt ngã, chứ không thể có trong một cộng đồng mà cội nguồn là yêu thương. Cần giải trình và giải thích trước những ý kiến bất đồng hay không hòa hợp khi phục vụ như thánh Phêrô và Phalô từng làm trong lịch sử Giáo hội.
- Giúp giáo dân trưởng thành hơn khi tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông. Ngày nay, cái “tâm” và cái “tầm” của giáo dân đã khác ngày xưa. (Mục tử có “tiến sĩ” thì giáo dân cũng “cử nhân”, mục tử có “cử nhân” thì giáo dân cũng “tú tài”) vì thế giúp giáo dân nhận định “đúng” hay “sai” trước một vấn đề trong Giáo hội là điều khó. Dưới ánh sáng Đức tin, Lời Chúa và sự phục vụ chân thật mới có hy vọng mọi người hiểu nhau và cảm thông.
- Ngày nay, thế hệ thanh niên khao khát và nỗ lực để trở thành người giàu có, việc gắn bó với ngôi thánh đường tại địa phương đã khó; nếu giáo dân trẻ có thiết tha lui tới mà thấy giáo xứ có bộ mặt khô cứng, không biết đồng cảm, chia sẻ, khoan dung, quan liêu và vô tâm với người nghèo thì sự lạnh nhạt, thờ ơ của họ là đúng thôi!
Khi buổi học vừa kết thúc, một linh mục có tên thánh là Giuse nói chuyện với tôi rằng: “Giám mục là một chức vụ linh mục tròn đầy. Chúng ta tin tưởng vào một con người Thiên Chúa đã tuyển chọn qua Giáo hội. Chúng ta phải tin có Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh của người; dẫu con người của từng cá nhân đầy thiếu xót, chưa hoàn thiện trong cách suy nghĩ, ăn nói, ứng xử….”.
Nghe đến đây, tôi bỗng nhớ ra lịch sử Giáo hội Công giáo từ ngày khai sinh đến nay, cũng có những giai đoạn mây đen che phủ bầu trời làm chân dung của Chúa Kitô bị “méo mó” nhưng rồi có lúc mây sẽ tan, trời lại sáng và con thuyền Giáo hội là tiếp tục hành trình trong niềm tin vào Đức Kitô, có đúng vậy không?
Kết thúc buổi học,mọi người nhận phép lành từ tất cả quí cha trong hạt tham dự và cùng nắm tay nhau hát Kinh Hòa Bình
Đối với tôi, mục tiêu mà Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục đề ra khá thiết thực, nếu công nghị giáo phận thành công và thực hiện hiệu quả những mục tiêu đề ra đó thì chắc chắn sẽ có một sự ĐỔI MỚI.