HÔN NHÂN GIÁO GIÁO (2)

Đời sống hôn nhân gia đình ngày nay đang bị khủng hoảng cả ngoài đời lẫn trong đạo. Khi đối diện với sự bất đồng không giải quyết được trong đời sống hôn nhân gia đình, có nhiều cặp vợ chồng đã cắt đứt giây liên hệ hôn nhân qua việc ly dị. Sau đó họ tìm cách làm lại cuộc đời bằng một mối liên hệ mới. Một trong những những vần đề nhức nhối là hầu hết các mối giây liên hệ mới đều gây nên những ngăn trở mà chúng ta cần phải giải quyết.

Giáo Hội Công Giáo luôn nhìn nhận đời sống hôn nhân dưới một cách nhìn thánh thiện. Nhất là khi hôn nhân theo luật tự nhiên đã được nâng lên hàng Bí Tích. Chúa Giêsu đã xác nhận sự bất khả phân ly của hôn nhân khi Ngài nói: Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."(Mt 19,6).

Con người vì sự yếu đuối hoặc vì thiếu hiểu biết và đôi khi đã làm những lầm lỗi sai trái gây nên sự đổ vỡ hôn nhân gia đình. Trong một số điều kiện nào đó, Giáo Hội nhận diện và phân biệt giữa những cuộc hôn nhân thành sự và không thành sự. Trong một số những trường hợp (cases) Giáo Hội cũng xét thấy hôn nhân bất thành và vô hiệu vì sự ngăn trở ngay từ đầu.

Ngăn trở giây hôn phối hay tiền hôn nhân có nhiều loại khác nhau. Chúng ta cần phân biệt các mối giây liên hệ hôn phối này. Hôn nhân giữa hai người:

1. Một người công giáo lập gia đình với một người công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
2. Một người công giáo lập gia đình với một người đã được Rửa Tội (Christian) ngoài Đạo Công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
3. Một người công giáo lập gia đình với một người chưa được rửa tội (non-baptized) ở tòa đời.

a. Một người Tin Lành (đã được rửa tội) lập gia đình với một người Tin Lành (đã được rửa tội) ở tòa đời hoặc trong nhà thờ hoặc nơi công cộng. Hôn nhân này thành sự.
b. Một người Tin Lành (đã được rửa tội) lập gia đình với một người (chưa được rửa tội) ở tòa đời hoặc trong nhà thờ hoặc nơi công cộng. Hôn nhân này ràng buộc tự nhiên.

4. Hai người chưa được rửa tội (non-baptized) lập gia đình tại tòa đời hoặc tại Chùa chiền.

Thời gian sau, ly dị để một trong hai người này muốn lập gia đình với một người công giáo. Người đó ước muốn rửa tội hoặc đã rửa tội (Công Giáo hoặc Tin Lành), hoặc (không rửa tội) để lấy người Công Giáo. Trường hợp này sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến Đặc quyền của thánh Phaolô và thánh Phêrô.

a. Đặc quyền của thánh Phaolô (Pauline privilege).

Thánh Phaolô luôn khuyên dạy giáo hữu sống tốt trong đời sống vợ chồng. Ngài nhắc nhở các tín hữu thành Corintô rằng: Còn với những người khác, thì tôi nói, chính tôi chứ không phải Chúa: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh (1 Cor 7.12-14).

Đặc quyền thánh Phaolô là giúp hóa giải những hôn nhân tự nhiên và không phải là bí tích. Đặc quyền này không phải là công thức đơn giản. Có một số hôn nhân không thánh thiêng ngay từ khởi đầu, những cuộc hôn nhân này (không có người nào trong hôn nhân này là Kitô hữu hay Công Giáo). Họ sống đời hôn nhân, thời gian sau, họ ly dị và một trong hai người trở lại và được rửa tội và vấn đề được đặt ra: Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau!( 1 Cor 7,15).

Sự hóa giải hôn nhân đã được kết giao trước, khi một trong hai người trở lại và rửa tội, sự việc không xảy ra chỉ vì sự tách rời của vợ chồng, nhưng chỉ khi có sự kết hợp hôn nhân mới do người tín hữu cầu xin đặc ân này. Đặc quyền của thánh Phaolô khác với tiêu hôn (annulment), bởi vì nó hủy bỏ hôn nhân thật nhưng tự nhiên. Tiêu hôn (annulment) là công bố rằng hôn nhân bất thành ngay từ đầu.

Giáo hội Công Giáo công nhận mọi hôn nhân đã thành lập là thành sự (valid) và hợp pháp (licit), không có vấn đề nơi đâu họ đã cử hành, đây là nguyên lý của Luật Tự Nhiên. Hôn nhân giữa hai người chưa được rửa tội (non-baptized) vẫn thành sự và chỉ được chấm dứt bởi cái chết của một bên.

Nên trường hợp hai người chưa rửa tội đã lập hôn nhân và chung sống, một trong hai người muốn ly dị để gia nhập đạo Công Giáo và lập gia đình với một người công giáo hay không công giáo (chưa rửa tội hay đã rửa tội nhưng không phải công giáo hoặc là người Phật giáo, Ấn giáo…). Hôn nhân này được hóa giải bởi đặc quyền của thánh Phaolô vì đặc ân đức tin của người đã lãnh nhận bí tích rửa tội và lập hôn nhân mới. Họ phải xin phép chuẩn đặc quyền của thánh Phaolô. Tòa án Hôn phối Địa phận có quyền lo giải quyết vấn đề.

b. Đặc quyền của Thánh Phêrô (Petrine privilege).

Cũng như trường hợp trên, hai người chưa rửa tội lập gia đình và chung sống, một trong hai người muốn ly dị (trước đó hoặc sau này), họ không trở lại đạo công giáo nhưng muốn cưới một người công giáo. Họ cần phải lo thủ tục giấy tờ xin phép chuẩn với đặc quyền của thánh Phêrô. Tòa án địa phận sẽ gởi hồ sơ qua Tòa thánh (Holy See) để quyết định. Sau đây là một số trường hợp, chúng ta đọc từ từ từng nố một:

1. Hai người (chưa rửa tội) lập gia đình, rồi ly dị và một trong hai người muốn lập gia đình với người Công Giáo.
2. Một người đã được (rửa tội) nhưng không phải Công Giáo và một người (chưa được rửa tội) lập gia đình, rồi ly dị và một trong hai người ấy muốn lấy người Công Giáo.
3. Một người Công Giáo lấy một người (chưa được rửa tội) với phép chuẩn, rồi ly dị và người Công Giáo bây giờ muốn lấy người đã được rửa tội .
4. Một người (chưa được rửa tội) lấy một người đã được rửa tội, rồi ly dị. Và người (chưa rửa tội) được rửa tội (không thuộc Công Giáo) nhưng không ăn ở với nhau sau khi rửa tội và bây giờ muốn lấy người Công Giáo.
5. Một người (chưa được rửa tội) lấy người đã được rửa tội, rồi ly dị. Sau đó người (chưa được rửa tội) được rửa tội theo đạo Công Giáo và bây giờ muốn lấy một người đã được rửa tội .

Trong tất cả những trường hợp trên, hai yếu tố bắt buộc phải có để áp dụng đặc quyền Thánh Phêro đó là:

a. Hôn nhân đầu tiên không phải là một bí tích (không phải giữa hai người đã được rửa tội), và
b. Nếu sau đó trở thành bí tích (giữa hai người được rửa tội) qua bí tích rửa tội vì một trong hai người (chưa được rửa tội) nay được rửa tội và họ không ăn ở với nhau sau khi đã rửa tội.
(Trích từ The Pastoral Companion, a Canon Law Handbook for Catholic Ministry Third edition, Revised and Updated by John M. Huels, J.C.D)

Đặc quyền thánh Phaolô không áp dụng khi một Kitô hữu lập hôn phối với người không là Kitô hữu. Những nố này, hôn phối tự nhiên hiện hữu và có thể hóa giải vì lý do chính đáng, nên được gọi là Đặc quyền thánh Phêrô. Được gọi là Đặc quyền thánh Phêrô vì được dàng riêng cho Tòa Thánh (Holy See), và chỉ có Roma có thể ban Đặc quyền Thánh Phêrô. Chứng nhận đặc quyền này thì hơi họa hiếm. Tòa thánh hóa giải những nố đặc biệt của một khế ước hôn nhân tự nhiên, thành sự nhưng không là bí tích.

Thí dụ dễ hiểu : Một người Tin Lành đã lập hôn phối với người (chưa rửa tội), giờ lại yêu một người Công giáo. Đức Giáo Hoàng có thể hóa giải hôn phối của người Tin Lành để họ cưới người Công giáo. Điều này vì đặc ân đức tin cho vị hôn phu/hôn thê Công giáo.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã công bố một số thơ từ gởi các Giám mục nhắc nhở rằng những người Công giáo đã ly dị và đã tái hôn, không thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, nếu họ không có chứng từ tiêu hôn hay đã được chuẩn nhận và khẩn xin Đặc quyền của thánh Phaolô hoặc Phêrô. Đây không phải là “luật mới” của Giáo hội, nhưng xác định cách đơn giản về giáo huấn của Giáo Hội về sự bất khả phân ly của Bí Tích Hôn Phối và điều kiện cần thiết xứng đáng lãnh nhận Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa.

Cặp hôn nhân ly dị ở tòa đời không ngăn cản người Công Giáo được rước Mình Thánh Chúa, điều này giả sử họ đang sống đời sống trong sạch và trong tình trạng ân sủng không mắc tội trọng. Tuy nhiên tái hôn ngoài Giáo hội là ngoại tình và liên hệ sống chung trong tội. Họ mắc tội mỗi lần chung sống trong đời sống hôn nhân. Họ không thể nhận lãnh Bí Tích Mình Thánh Chúa.

Ơn gọi đời sống hôn nhân gia đình là một ơn gọi thánh. Hai người phối ngẫu xây dựng gia đình trong hạnh phúc yêu thương, sinh sản và giáo dục con cái theo luật thánh Chúa. Đường đi thật dài và cuộc sống có nhiều chông gai. Lắng nghe lời của thánh Phaolô khuyên dạy: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Col 3,12-14).