Sierra Leone: Có Chúa công bằng không?

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Edward Tamba Charles, tổng giáo phận Freetown

Phỏng vấn của Mark Riedemann thực hiện cho chương trình truyền hình "Nơi Chúa than khóc", của Mạng Lưới Phát thanh và Truyền Hình Công giáo (CRTN), phối hợp với Hiệp hội “Trợ giúp Giáo hội đang gặp khó khăn” (AED).

ROMA - Sierra Leone là một nước nhỏ bên bờ biển phía tây châu Phi, với dân số 5 triệu người, giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là kim cương, vàng, bauxite và quặng sắt.

Quốc gia này thoát ra được một thập kỷ nội chiến, nhưng vẫn còn gặp nhiều thách đố cho sự hòa giải và tái thiết.

Đức Tổng Giám Mục Edward Tamba Charles, Tổng Giáo phận Freetown, đã trả lời phỏng vấn cho chương trình truyền hình "Nơi Chúa than khóc".

Hỏi: Thưa Đức Tổng, từ ngày được bổ nhiệm làm Giám mục, Đức Tổng đã phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tái thiết và hòa giải, sau một cuộc nội chiến kéo dài mười năm, kết thúc vào năm 2002. Chuyện bắt đầu từ đâu, thưa đức Tổng?

TGM Charles: Tôi đồng ý với bạn rằng đó là một nhiệm vụ khó khăn, và ngay từ đầu chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Người tiền nhiệm của tôi đã thực hiện những bước đầu tiên, và tôi tiếp tục thông qua việc phục hồi chức năng của các cơ cấu, con người, thông qua điều trị chấn thương và "tư vấn" (tâm lý trị liệu), cũng như thông qua các chương trình giáo dục hòa bình trong trường học.

Hỏi: Xin Đức Tổng giải thích ngắn gọn nguyên nhân gốc rễ của cuộc chiến tranh này?

TGM Charles: Trước tiên tôi muốn nói đến nguyên nhân không thật sự của cuộc chiến này. Nó không phải là chiến tranh tôn giáo, nhưng đúng là chiến tranh bộ lạc châu Phi. Sự khao khát quyền lực. Một số nhóm muốn có quyền bính để tiếp cận tài nguyên của đất nước, tức là tài nguyên khoáng sản bao la của đất nước. Sự bất công cũng có vai trò: một số người từng bị đối xử tàn tệ đã tham gia một nhóm này hay nhóm khác đang xung đột, để trả thù cho những gì đã xảy ra cho họ. Ví dụ, trong một số khu vực, toàn bộ các làng mạc bị san bằng. Sau đó, chúng tôi nghe nói rằng một số người đã làm như vậy, nghĩ rằng mình đã bị lừa bởi đảng của họ trong cuộc bầu cử các nhà lãnh đạo. Họ nghĩ rằng mọi người sẽ mất hết, và họ đốt cháy các ngôi làng.

Hỏi: Chiến tranh này được quốc tế nhất trí công nhận là một trong những cuộc chiến tàn bạo nhất: cắt cụt chân tay, vv., nhưng dân chúng yêu hòa bình.. Chúng ta có thể nói rằng đó là lễ của ma quỷ không? Đức Tổng giải thích thế nào trên bình diện tinh thần?

TGM Charles: Đây là một biểu hiện của mầu nhiệm sự dữ. Đôi khi các người tốt, các người thích hòa bình và tình yêu đã hành động một cách nào đó thật khó giải thích, và điều này đã đến với chúng tôi. Các người trẻ tuổi đã bị buộc phải phạm các tội ác chống lại người khác - trong nhiều trường hợp, chống người dân vô tội. Họ bắn chết người, cắt bỏ cánh tay, mổ bụng phụ nữ mang thai để biết giới tính của hài nhi. Điều này đã trở thành một trò chơi cho giới trẻ, bị người lớn ép dùng ma túy. Tuy nhiên, như bạn nói, phần lớn người dân Sierra Leone yêu hòa bình. Trong tình hình bình thường, họ ghét bạo lực. Vì vậy, đây là một trong những biểu hiện của mầu nhiệm sự ác khó giải thích.

Hỏi: Đức Tổng ở đâu trong cuộc chiến đó?

TGM Charles: Tôi đã ở Sierra Leone khi, vào tháng 3-1991, chiến tranh nổ ra. Sau đó, vào tháng Sáu, tôi đi du học ở Roma. Tôi sống ở Roma năm năm. Khi tôi về nước hồi tháng 9-1996, vẫn còn chiến tranh, đến nỗi tôi không thể đi vào khu vực của tôi, bởi vì các phiến quân đã chiếm đóng vùng này để khai thác kim cương. Tôi ở lại một thời gian dài mà không thể trở về nhà tôi. Tôi đã tham dự một phần của chiến tranh, và đã ở đó cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Hỏi: Gia đình Đức Tổng bị thiệt hại gì không?

TGM Charles: Ồ, có chứ. Toàn bộ ngôi làng của chúng tôi đã bị đốt cháy. Bà tôi đã bị giết chết. Khi nói về người dân vô tội, thì đây là một người. Bà không hề dính dáng gì đến quyền bính, hoặc với cuộc xung đột, vậy mà bà vẫn bị giết chết. Bà đã bị bắn trong phòng của mình. Các thành viên gia đình chạy sang nước láng giềng Guinea, và họ ở lại trong trại tị nạn nhiều năm, cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 2002.

Hỏi: Làm sao Đức Tổng không kêu khóc công lý? Đức Tổng làm gì để không mất đức tin, khi phải đối mặt với bạo lực và sự dữ vô lý như vậy? Đức Tổng có đặt câu hỏi này không: nhưng Chúa ở đâu?

TGM Charles: Tôi đồng ý với bạn rằng trong hoàn cảnh như vậy, người ta thường bị cám dỗ nói: có Chúa công bằng không? Nhưng đức tin sâu sắc của tôi như là một Kitô hữu, - và tôi sẽ nói thêm, như là một người châu Phi,- nói với tôi rằng Thiên Chúa không chịu trách nhiệm về việc này. Đây là một trong những thời điểm mà chúng ta phải phân biệt giữa công lý của Chúa và hành động xấu xa của con người. Trong trường hợp này, không phải là Chúa. Những hành vi này là do con người thực hiện. Tôi qui trách nhiệm cho các người lớn, vì họ cho giới trẻ sử dụng ma túy để giới trẻ phạm các tội ác, để cho các người lớn có thể có được những gì họ muốn: đó là nắm quyền bính.

Hỏi: Các nạn nhân và kẻ hành hạ của họ vẫn còn sống trong cùng một xã hội. Làm thế nào xây dựng hòa giải trong bối cảnh này?

TGM Charles: Ý nghĩa công lý của chúng tôi cũng để chỗ cho lòng thương xót. Thật vậy, khi các tòa án đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã được đề nghị, nhiều người dân Sierra Leone đã nghĩ rằng nó không cần thiết, vì nó sẽ không mang người chết trở về, và người cụt tứ chi không thể tìm lại tay chân của mình. Họ cảm thấy rằng điều gì đã được thực hiện sẽ không thể hoàn lại, vậy tại sao bận tâm? Đồng ý là một số kẻ hành hạ đang ở với chúng tôi, nhưng như tôi đã nói, nhiều người trong số họ đã làm như thế, bởi vì nhiều người lớn đã cho họ dùng ma tuy. Một số người lớn này đã được đưa ra trước tòa án đặc biệt để xét xử, nhưng vụ xử vẫn đang còn tiếp diễn.

Điều chúng tôi đang tìm kiếm, là sự tái hội nhập và sau đó hướng về phía trước, về tương lai. Cuộc sống phải tiếp tục. Có thể có ai đó nói rằng chúng tôi, các người dân Sierra Leone, có một cảm thức kỳ khôi về công lý chăng? Có thể lắm, nhưng chúng tôi muốn đi qua chuyện khác. Một số người đã trở về làng của họ. Ở đó đã diễn ra các tiến trình truyền thống của hòa giải. Họ đã xin lỗi và đã được chào đón bởi xã hội. Một số người đã gia nhập cảnh sát và quân đội, và trở lại cuộc sống bình thường.

Hỏi: Giáo Hội có tham gia vào tiến trình hòa giải không?

TGM Charles: Có, để đảm bảo rằng điều ấy sẽ không xảy ra nữa. Vì vậy, chúng tôi có chương trình giáo dục cho hòa bình trong trường học của chúng tôi.

Hỏi: Điều này có ý nghĩa gì cách cụ thể?

TGM Charles: Dạy cho trẻ em có quan hệ hòa bình với nhau, tôn trọng quyền của mỗi người, và nếu ai làm điều sai trái, người ấy cần can đảm để xin lỗi. Chúng tôi bắt đầu quá trình này như một dự án thí điểm cho các trường học Công giáo – trường tiểu học, trường phổ thông cơ sở và trường phổ thông trung học. Hiện nay một số cộng đồng yêu cầu chúng tôi mở rộng chương trình cho các trường học của họ. Chúng tôi cũng phát triển các chương trình điều trị chấn thương cho những người đã trải qua các kinh hoàng của chiến tranh, và những người đang đấu tranh để thoát ra khỏi chấn thương ấy. Họ được chúng tôi tiếp xúc, và chúng tôi giúp họ qua các liệu pháp tâm lý.

Hỏi: Nhiều người trong số họ không phải người Công Giáo hay Kitô hữu. Có người Hồi giáo hoặc tín ngưỡng khác không?

TGM Charles: Tất nhiên, có những người thuộc các tôn giáo khác. Chúng tôi không có vấn đề gì với các tôn giáo khác ở Sierra Leone. Hơn nữa, mới đây Sierra Leone đã được xem là, nếu không phải là đất nước đầu tiên, một trong các nước có sự khoan dung tôn giáo. Có lẽ chúng tôi cần xuất khẩu sự khoan dung này trong các phần khác của thế giới. Vâng, chúng tôi sống trong hòa bình. Có các mối quan hệ tốt đẹp giữa người Hồi giáo và Kitô hữu - người Hồi giáo chiếm đa số - bởi vì phần lớn chúng tôi có cùng nguồn gốc gia đình. Di sản văn hóa chung này là rất hữu ích.

Hỏi: Giáo Hội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: các linh mục bị giết, các tu sĩ bị giết. Xin Đức Tổng nói vắn tắt, và làm sao Giáo hội được tái thiết sau thời kỳ này?

TGM Charles: Chúng tôi mất đi một linh mục, cha McAllister - một linh mục Dòng Chúa Thánh Thần,- một Sư huynh và bốn chị em Thừa Sai Bác Ái, Dòng của Mẹ Têrêsa. Chúng tôi bị mất một số giáo lý viên, một số linh hoạt viên cầu nguyện, và hàng ngàn tín hữu.

Hỏi: Giáo Hội có là mục tiêu đặc biệt không, hay chỉ là nạn nhân ngẫu nhiên của bạo lực?

TGM Charles: Tôi nên nói rằng Giáo hội ở giữa bạo lực; sự hủy diệt bừa bãi đối với mạng sống và tài sản. Giáo Hội đã không là mục tiêu được nhắm tới, bởi vì, như tôi đã nói, đây không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo.

Hỏi: Thế nhưng nhiều nhà thờ trong tổng giáo phận của Đức Tổng đã bị phá huỷ?

TGM Charles: Vâng, chúng tôi mất nhiều nhà thờ, trường học và các trung tâm y tế. Những tòa nhà không bị phá hủy hoàn toàn lại không sử dụng được.

Hỏi: Vị tiền nhiệm của Ngài, Đức Tổng Giám Mục Ganda, đã hiểu rằng thiếu phương tiện tài chính, và chính Đức Tổng Ganda đã gợi ý rằng các giáo xứ có thể thiết lập hoạt động kinh tế nhỏ bên cạnh: chẳng hạn một hoạt động nông nghiệp, một quán kem cà phê, một cái gì đó cho phép giáo xứ tự túc được. Ngài thành công không? Còn Đức Tổng nghĩ sao về chiến lược này?

TGM Charles: Ý tưởng là hấp dẫn, nhưng ít người chia sẻ nó, đặc biệt là nơi các linh mục, vì các vị không quen với việc kinh doanh hoặc hoạt động nông nghiệp. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải tiếp tục việc đó, bởi vì các nguồn lực đến từ nước ngoài đang cạn dần. Tôi đã đi một vòng thế giới, và tôi biết rằng đó là con đường đúng, tương lai của Giáo Hội. Chúng tôi nhấn mạnh sự tự cung tự cấp để đảm bảo tương lai của Giáo Hội tại Châu Phi. Chúng tôi không có các giải pháp khác.

Nhưng như tôi đã nói, ít linh mục đón nhận ý tưởng này, nên sáng kiến chỉ tập trung hiện nay vào vài giáo xứ có ít đất đai để canh tác. Một số linh mục làm như thế để bổ sung sự trợ giúp tài chính từ Tòa giám mục. Ở các thành phố, chúng tôi đưa ra các hoạt động nhà hàng, nhưng nó chưa có lợi nhuận. Chúng tôi hy vọng sẽ sắp xếp lại các nhà hàng, để đảm bảo lợi nhuận của chúng.

Hỏi: Chúng ta đến với các ưu tiên mục vụ của Đức Tổng: Đức Tổng phải đối mặt với một làn sóng các thách đố, từ việc tái thiết các nhà thờ đến việc truyền giáo, mục vụ giới trẻ. Đức Tổng đặt ưu tiên ở đâu?

TGM Charles: Sự lựa chọn là không dễ dàng, nhưng tôi sẽ ưu tiên cho giáo dục và việc hỗ trợ cho các linh mục, là các cộng tác viên đầu tiên của tôi; các linh mục trong giáo xứ cũng như các linh mục tương lai, để cho chúng tôi có nhiều người thợ khác làm vườn nho của Chúa. Một khi đạt được mục tiêu này, chúng tôi có thể bắt đầu tìm kiếm nơi để cử hành Thánh lễ. Tại châu Phi, các Thánh Lễ đôi khi được cử hành dưới một gốc cây lớn; kế tiếp, có lẽ từ đó chúng tôi sẽ đi vào một nhà thờ, nhưng chỉ khi chúng tôi có khả năng để xây dựng một nhà thờ.

Hỏi: Giới trẻ hy vọng trong Chúa hay Thiên Chúa giáo không, hoặc người ta nhận thấy một sự không ưa thích nào đó?

TGM Charles: Có lẽ có một hoặc hai người trẻ, nam hay nữ, thực sự giận dữ vì chiến tranh và họ quay lưng lại với Thiên Chúa, nhưng phần lớn là rất đạo đức. Đây là điều làm cho chúng tôi khác với phần còn lại của thế giới - châu Âu và châu Mỹ. Nhà thờ của chúng tôi có đầy người trẻ; họ tạo ra thực sự sức sống của Giáo Hội. Kể từ khi có chiến tranh, các nhà thờ là thực sự đông người. Người đang dần dần trở về lại nhà thờ. Thật vậy, ở một số nơi mà các Giám mục đã bắt đầu, và tôi có ý định tiếp tục, một số nhà thờ phải được mở rộng, vì trước đây nhà thờ được xây cho cộng đồng nhỏ. Kể từ khi chiến tranh, số người đi lễ đã tăng lên và trong lễ ngày chủ nhật, nhiều người phải ngồi ngoài nhà thờ. Trong một số trường hợp, chúng tôi phải có thêm thánh lễ thứ hai hay thứ ba, để đón tiếp mọi thành phần tham dự thánh lễ.

Hỏi: Đức Tổng gán sự tăng trưởng của Giáo Hội cho điều gì?

TGM Charles: Có lẽ là việc đói Thiên Chúa, vốn là rất tự nhiên cho con người châu Phi chúng tôi. Kitô giáo đã giúp chúng tôi xây dựng trên nền tảng này. Chúng tôi là một dân tộc tôn giáo, vì vậy trước tiên chúng tôi hướng về Chúa để tìm ra giải pháp cho các vấn đề của chúng tôi; vì vậy, đây có thể là lý do tại sao những người trẻ tuổi trở lại nhà thờ sau chiến tranh.

Ngoài ra, trong chiến tranh, Giáo hội vẫn ở bên cạnh người dân; các linh mục đã được gửi đến các trại lánh cư, và bản thân tôi đã sống một thời gian tại một trại như thế, làm công tác mục vụ và chôn cất người chết. Tôi có một chiếc xe tải nhỏ ọp ẹp, mà tôi sử dụng như một xe tang cho những người đã chết và cầu nguyện cho họ. Một số người không là Công Giáo, nhưng việc này không quan trọng. Họ đến với tôi để tìm sự giúp đỡ của tôi, và tôi đã giúp đỡ họ. Điều này đã giúp tạo uy tín cho Giáo Hội. Một giáo phận thậm chí còn thành lập một nhóm linh mục lo việc mục vụ cho người tị nạn ở Guinea nữa. Họ đã gửi các linh mục Sierra Leone qua Guinea để giúp đỡ đồng bào tị nạn bên đó. Giáo Hội đi ra từ đó, tôi nói rõ, ngẩng cao đầu.

Hỏi: Đất nước này giàu tài nguyên khoáng sản: kim cương, vàng và bauxite. Sự giàu có này là một phước lành hay một sự chúc dữ?

TGM Charles: Là một sự chúc dữ. Như mọi người đều biết, các nhà khai thác mỏ khắp nơi trên thế giới để lại sau họ một sự tàn phá rất lớn về hủy hoại môi trường và nghèo đói, và các nguồi tài nguyên mỏ ở Sierra Leone không là ngoại lệ. Những viên kim cương đầu tiên đã được phát hiện vào thập niên 1930 trong khu vực quê tôi, vùng Kono.

Ngày nay, không có nước sinh hoạt, không có điện, chỉ có vài đường giao thông trong tình trạng xấu, lỗ chỗ nhiều nơi do các công ty khai thác mỏ và các phiến quân để lại, vì phiến quân lấy khu vực làm mục tiêu khai thác để lấy tiền mua vũ khí. Họ phá hủy nhiều làng mạc, san bằng các tòa nhà với mục đích tạo ra một vùng mỏ lộ thiên, nhằm khai thác kim cương để mua vũ khí. Bạn biết bộ phim "Kim cương máu (Blood Diamond) không?". Phim này miêu tả những gì xảy ra: các nhóm khác nhau đã bán vũ khí cho cả hai bên - các phiến quân và chính phủ - để đổi lấy kim cương.

Hỏi: Làm thế nào để thay đổi lời chúc dữ thành một phước lành?

TGM Charles: Chúng ta cần có các luật tốt, nhưng trước tiên, một hệ thống bảo đảm thực hiện đúng các biện pháp. Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề của thế giới thứ ba. Một việc là soạn thảo một bộ luật tốt, nhưng việc khác là thi hành bộ luật ấy, bởi vì một số công ty đa quốc gia đang lèo lái hệ thống để đảm bảo có được những gì họ muốn, và ở một số khu vực, nếu đó là điều họ muốn, kích động các xung đột để đảm bảo cho việc họ tiếp cận các khu vực khai thác mỏ.

Hỏi: Đó là một khẳng định mạnh mẽ?

TGM Charles: Vâng, đó là một tuyên bố mạnh mẽ, và đó là những gì xảy ra ở phía đông của miền đông Congo.

Hỏi: Khẩu hiệu Giám mục của Đức Tổng là “Hãy ra khơi” (Duc In Altum). Làm thế nào sống khẩu hiệu này ngày nay tại Sierra Leone?

TGM Charles: Trước tiên, tôi phải nói rằng đây là một lời khẳng định của niềm tin và sự từ bỏ. Bạn biết câu chuyện của thánh Phêrô. Ngài đã làm việc vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào, và Chúa nói: "Hãy ra khơi thả lưới”. Phêrô, như thường lệ, đã bắt đầu phản đối, nhưng khi Ngài thực hiện, Ngài bắt được mẻ cá lớn. Tôi nghĩ đó là một gương mẫu tốt cho tôi. Trước hết, tôi không hề có ý định trở thành một Giám mục, và ngay cả khi tôi được bổ nhiệm, bạn biết đó ...

Đây không phải sự lựa chọn của bạn ...

Không, vì vậy tôi cần cái gì đó để bám lấy, và ĐTC Gioan Phaolô II sử dụng lối diễn tả này. Thường khi tôi ở Roma và sau đó, tôi nghĩ rằng khẩu hiệu này là phù hợp với tôi. Do đó, tôi chọn nó làm khẩu hiệu Giám mục của mình. Nó đòi hỏi tôi phải có lòng tin vào Chúa. Cuối cùng, đó là công việc của Chúa. Không nên chờ đợi cho có mọi phương tiện trong tay, nhưng hãy thực hiện với một ít phương tiện sẵn có, và làm với lòng tin vào Chúa. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm chứng tỏ đó là một chọn lựa tốt; bởi vì vào một số ngày nào đó, tôi không chắc đến thế. Tôi thức dậy, và tôi không chắc chắn hướng đi, nhưng sau đó Chúa cung cấp cho tôi một cơ hội, và tôi có thể làm điều gì đó hữu ích cho người dân.

Hỏi: Đức Tổng muốn xin gì nơi những người ở vùng còn lại của thế giới?

TGM Charles: Trước hết, xin cầu nguyện cho chúng tôi; sau đó hãy tin là chúng tôi cầu nguyện cho họ. Trong các nhà thờ mới thiết lập của chúng tôi, chúng tôi buồn khi thấy rằng một số nhà thờ nơi khác đã từng đóng góp, và vẫn đóng góp vào sinh kế của chúng tôi, đang dần dần mất đi tính năng động quá khứ của họ. Một số nhà thờ vắng người. Không có ơn gọi nào. Các giáo xứ đóng cửa dần dần. Tất cả điều này làm chúng tôi buồn. Vì vậy, chúng tôi cầu nguyện cho đức tin không bị mất đi. Đó là niềm hy vọng của tôi và lời cầu nguyện của tôi cho các nhà thờ ấy, và có thể trong tương lai, các nhà thờ ấy sẽ có can đảm tiếp nhận các nhà truyền giáo của các nhà thờ mà họ đã giúp xây dựng ở châu Phi, châu Á và trên toàn thế giới. Đây là thông điệp mà tôi muốn nói với họ.

(ZENIT.org 7-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa