Cụ Bà Maria Trần Thị Thông đã được Chúa gọi về vào lúc 9:30 tối thứ Năm 18 tháng 8, 2011. Cánh hạc vàng đã bay về cõi cao xanh!

Xem hình ảnh tang lễ

Cụ là thân mẫu của Nhà văn/Giáo sư Quyên Di. Lâu nay, người ta vẫn kháo nhau rằng thân mẫu nhà văn Quyên Di sống rất thọ. Quả vậy, tính đến ngày được Chúa gọi ra khỏi thế gian, cụ thọ 103 tuổi. Quả là một con người sống vượt qua thế kỷ.

Khi nhà văn Quyên Di được hỏi rằng ông có hãnh diện có bà mẹ thọ như thế không, nhà văn Quyên Di đã khiêm tốn trả lời rằng: “Đương nhiên tuổi thọ rất đáng quý. Nhưng nếu có được chút hãnh diện, thì tôi hãnh diện rằng mẹ tôi cả một đời cố gắng sống nên người công chính trước mặt Chúa.” Câu trả lời của nhà văn Quyên Di khiến phóng viên VietCatholic hiểu được tại sao ông chọn bài đọc trích sách Khôn Ngoan trong thánh lễ an táng cụ bà Maria, với những câu mở đầu: “Người công chính dù có mất sớm, cũng vẫn được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc. Sống không tì ố đã là sống thọ. Người công chính đẹp lòng Thiên Chúa nên được Thiên Chúa yêu thương.” (Kn. 4, 7-10)

Thật vậy, cụ bà Maria đã sống một đời sống công chính ngay từ khi còn nhỏ đến những giây phút cuối đời. Mồ côi cha từ lúc còn thơ ấu, cụ bà sống với mẹ; và bà mẹ đã uốn nắn dạy dỗ con gái sống đời sống công giáo thuần thành. Mới năm, sáu tuổi, cụ đã theo mẹ đến nhà thờ dâng thánh lễ hằng ngày vào lúc 4 giờ sáng. Lấy chồng thì giúp chồng; có con thì nuôi dạy con; chồng chết thì ở vậy tiếp tục nuôi con cho đến khi chúng khôn lớn; về già thì sống thuận theo ý con... Không bao giờ cụ đòi hỏi hay phiền trách con cái. Đó là cuộc sống của cụ bà Maria. Suốt cuộc đời, cụ luôn luôn dạy bảo con cháu: “Các con hãy biết nhường nhịn. Cứ chịu thiệt một chút nhưng tất cả đều thoải mái, vui vẻ, có phải là hơn không!” Nữ tu Rosalie có lần đã nói: “Chúng ta cố gắng làm những việc tầm thường để trở nên phi thường.” Theo ý nghĩa của câu nói đó thì cụ bà Maria quả nhiên là một nhân vật phi thường.

Trở bệnh nặng chừng 1 tháng trước khi từ trần, cụ bà Maria được con cháu đưa vào nhà thương. Mọi người trong gia đình thay phiên nhau chăm sóc cụ 24/24. Sáng ngày 18 tháng 8, cụ Maria từ chối thức ăn và thuốc men. Tất cả con cháu đều tụ họp quanh giường cụ để tiễn biệt. Chiều tối, con cháu mời linh mục đến cho cụ chịu các phép bí tích cuối cùng. Hơn một tiếng sau, cụ giã từ cõi thế một cách rất thanh thản, yên bình.

Hai ngày thăm viếng cụ tại nhà quàn Brothers of St. Patrick, thành phố Midway City, California giống như hai ngày hội. Cả ngàn người đã đến viếng xác cụ, kể cả những người không hề quen biết gia đình, chỉ nghe nói về cụ mà thôi. Nhiều vị dân cử, nhiều vị trong giới truyền thông, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng như nhiều nhân sĩ đã đến viếng cụ. Vòng hoa tràn ngập căn phòng nơi thân xác cụ yên vị. Vì gia đình đã có lời xin “miễn phúng điếu” nên để thay vào đó, rất nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân đạo cũng như đời đều xin lễ cầu nguyện cùng Chúa cho linh hồn cụ.

Phóng viên VietCatholic hỏi nhạc sĩ Hồng Trang, phu nhân nhà văn Quyên Di, tức con dâu cụ Maria, người đã chăm sóc cụ tận tình trong suốt 20 năm liền, rằng: “Cụ mất, chị có buồn không?” Nhạc sĩ Hồng Trang trả lời: “Tôi không buồn, vì tôi tin chắc rằng mẹ tôi sẽ sớm được hưởng nhan thánh Chúa. Nhưng tôi nhớ mẹ tôi, nhớ lắm!”

Giây phút tiễn biệt, đóng nắp quan tài được tổ chức lúc 8 giờ tối ngày thứ Sáu 26 tháng 8. Con cháu và những người thân quây quần quanh quan tài cụ. Mỗi một con, cháu và người thân nói một lời tiễn biệt ngắn và đặt vào quan tài một bông hoa. Ca sĩ Như Mai cất tiếng hát bản thánh ca “Trên Đường Về”, một sáng tác của ca sĩ Hồng Trang. Lời ca tha thiết cùng với giọng hát truyền cảm khiến cho mọi trái tim đều dâng lên một nỗi ngậm ngùi.

Thánh lễ an táng cụ bà Maria được tổ chức tại thánh đường Holy Spirit, thành phố Fountain Valley, California, với sự tham dự của số đông các linh mục là những người bạn thân quen hoặc đã từng được nhà văn Quyên Di cộng tác trong nhiều lãnh vực khác nhau: tông đồ mục vụ, truyền thông, in ấn, văn học, nghệ thuật và xã hội... Đức Giám Mục Dominic Mai Thanh Lương chủ tế thánh lễ, với sự đồng tế của 17 linh mục, trong đó có đức ông Nguyễn Văn Tiến, linh mục Đỗ Thanh Hà và linh mục Mai khải Hoàn (những vị cựu Giám đốc Trung tâm Công giáo Việt Nam GP Orange, mà nhà văn Quyên Di đã từng cộng tác); linh mục John Trần Công Nghi, giám đốc mạng lưới truyền thông Công Giáo VietCatholic (mà nhà văn Quyên Di cộng tác với ngài trong các báo 'Chứng Nhân Công Giáo', 'Tin Vui Thời Điểm', 'Tin Vui Media'); linh mục Vũ Hân (cộng tác với nguyệt san Dân Chúa); linh mục Việt Hưng (cộng tác trong Ủy ban Giáo Lý toàn quốc); và nhiều linh mục thân quen đến từ xa, như Virginia, Louisiana, v.v... cũng về đồng tế thánh lễ này.

Linh mục Nguyễn Thái, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, trong phần giảng thuyết, đã nói khá chi tiết về cuộc sống tốt đẹp của cụ. Cuối bài giảng, linh mục nhắc lại sự kiện bức tranh Mona Lisa của nhà danh hoạ Leonardo da Vinci bị đánh cắp năm 1911 và tìm lại được vào năm 1913. Trong 2 năm trời bức tranh “mất tích,” số người đến bảo tàng viện Louvre để chiêm ngưỡng “khoảng trống không” trong căn phòng Salon Carré (Phòng Vuông) nơi trước đây treo bức tranh Mona Lisa đã đông gấp đôi số người đã đến chiêm ngưỡng bức tranh này trong vòng suốt 12 năm về trước. Linh mục kết luận: “Cái ‘cõi trống’ có một giá trị vô cùng cao cả. Cụ bà Maria về với Chúa, để lại một ‘cõi trống’ trong lòng con cháu và những người quen biết. Nếu biết chiêm niệm về cái ‘cõi trống’ đó, người ta sẽ tìm thấy một giá trị tuyệt vời.” Lời kết luận của vị linh mục giảng thuyết khiến phóng viên VietCatholic chợt nhớ đến những câu thơ của Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc Lâu”:

“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không du Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.”

(Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.

(Tản Đà dịch)

Ông Nguyễn Văn Liêm và thượng nghị sĩ tiểu bang California Lou Correa đã thay mặt những người tham dự thánh lễ an táng ngỏ lời phân ưu cùng tang quyến. Cả hai đều nhắc đến tuổi thọ 103 của cụ Maria và cuộc sống tốt đẹp của cụ khiến ai cũng phải cảm phục. Nhà văn Quyên Di, thay lời tang quyến đã có lời cảm tạ ngắn gọn. Trong phần Anh ngữ, ông nói rằng: “Rất nhiều lần tôi đã chia sẻ với bạn hữu ý tưởng này: khi người ta khóc, giọt nước mắt chính là những viên kim cương người ta lấy từ đáy trái tim ra để tặng cho người mà họ yêu thương. Ngày hôm nay thân mẫu chúng tôi nhận được rất nhiều kim cương, không những từ con cháu, mà còn từ chính quý vị, những vị đã đến đây dâng Thánh Lễ và đã khóc để tưởng nhớ thân mẫu chúng tôi.”

Nghi thức hạ huyệt tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành, thành phố Huntington Beach, California, cũng diễn ra hết sức cảm động. Hai vị linh mục Võ Khoa và Trần Quý đã làm phép quan tài; thế rồi mọi người cùng cất tiếng đọc những kinh nguyện và hát những bài thánh ca. Ca sĩ Như Mai, một lần nữa cất giọng hát tha thiết với bài hát “Vĩnh Biệt.” Sau đó nhạc sĩ Đình Thanh cất lên tiếng kèn điêu luyện nhạc bản “Lòng Mẹ” của Y Vân khiến cho ai cũng không cầm được giọt lệ ngậm ngùi. Tháp chuông nhà thờ Saint Vincent de Paul bên cạnh nghĩa trang vang lên một hồi chuông với điệu nhạc Ave Maria, như lời mời gọi của Đức Mẹ Maria, đón linh hồn cụ bà Trần Thị Thông về nơi vĩnh phúc.

Ai từng đến tiếng xác cụ bà Maria cũng như dự thánh lễ an táng và nghi thức hạ huyệt đều có một cảm nghĩ như nhau: mọi sự thật tốt đẹp, thật trọn vẹn và vô cùng ý nghĩa. Bài tường thuật này tuy không đầy đủ nhiều chi tiết rất đáng ghi nhớ trong tang lễ rất cảm động tiễn đưa cụ bà Maria, nhưng hy vọng ghi lại một cách sơ lược cuộc sống tốt đẹp của một người Công giáo chân chính, giữ đạo thánh Đức Chúa Trời từ lúc chập chững bước chân vào cõi thế, cho đến khi thành cánh hạc vàng, bay bổng lên cõi cao xanh, tìm về với Đấng Toàn Năng và Chí Ái.

Đồng Nhân

Vài nét về
Cụ Bà Quả Phụ Thư Hương Bùi Văn Thư, tức Cụ Bà Chánh Thư
Khuê danh Maria Trần Thị Thông (1909 – 2011)


Cụ bà Trần Thị Thông là hậu duệ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, gốc làng Vạn Đồn, Thái Bình. Cụ sinh ra và trưởng thành tại làng Ngọc Lũ, Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, Bắc Việt.

Thiếu thời, Cụ học chữ Nôm, chữ Nho và chữ Quốc Ngữ, đọc thông viết thạo, thuộc làu kinh bổn cũng như những tác phẩm văn chương của các nhà văn nổi tiếng. Cụ cũng từng giúp các linh mục thừa sai Tây phương học tiếng Việt với một phương pháp rất cụ thể, đem lại kết quả nhanh chóng.

Cụ từng tham gia các cuộc ngắm và thi kinh bổn, thi nhân tài, được trao tặng rất nhiều giải thưởng xuất sắc. Đến tuổi thiếu nữ, Cụ đã tổ chức hát vãn Đức Bà, thành lập đội tiến hoa và tập dâng hoa cho các thiếu nữ bạn trong xóm đạo.

Lập gia đình với Cụ Ông Bùi Văn Thư, Cụ đã tạo dựng một gia đình đạo đức và nhân nghĩa. Cụ cùng chồng mở hiệu may Âu phục đầu tiên do người Việt Nam làm chủ tại phố Tràng Tiền, Hà Nội. Sau đó gia đình Cụ đã về nguyên quán. Trong thời gian 12 năm Cụ Ông làm chánh trương của giáo xứ Ngọc Lũ gồm giáo xứ chính và 12 họ lẻ, Cụ Bà đã tích cực giúp đỡ chồng chu toàn trách nhiệm nặng nề này.

Vào những năm 1943-1945, nạn đói lan tràn khắp miền Bắc, Cụ đã phát chẩn để cứu sống nhiều người, rửa tội cho nhiều người trước khi họ từ trần và chôn cất nhiều xác chết vô thừa nhận hoặc không được thân nhân an táng.

Trong giai đoạn ở Ngọc Lũ, hai Cụ đều là đông y sĩ và đã chữa lành, cứu sống được nhiều người. Năm 1950, hồi cư Hà Nội, hai Cụ vẫn hành nghề đông y sĩ. Năm 1954, gia đình di cư vào Nam, ở tại Sài Gòn, hai Cụ tiếp tục hành nghề đông y sĩ, với lý tưởng cứu nhân độ thế.

Ở Sài Gòn, Cụ đã tham gia nhiều hội đoàn Công giáo, như Đạo Binh Đức Mẹ, hội Bác Ái Vinh Sơn, hội Các Bà Mẹ Công Giáo (hội trưởng), hội Thánh Mi-ca-e...

Sang Hoa Kỳ đoàn tụ với con cháu, Cụ tiếp tục sinh hoạt trong Đạo Binh Đức Mẹ cũng như gia nhập hội Dòng Ba Đa Minh và đã được tuyên khấn trọn đời.

Với lòng đạo đức, nhân từ, tính tình vui vẻ, hiếu khách, lại thuộc nhiều thơ văn, bài hát kim, cổ, Cụ đã được rất nhiều người kính trọng và quý mến.

Cụ có tất cả 12 người con gồm 7 trai, 5 gái; một số đã về cùng Chúa; hiện nay Cụ còn lại 5 người con, gồm 2 trai và 3 gái. Cụ có 3 con dâu, 3 con rể, 17 cháu nội, ngoại và 4 chắt.

Cụ an nghỉ trong Chúa sau suốt cuộc đời 103 năm phụng sự Ngài và yêu mến tha nhân. Ước vọng sau cùng của Cụ là “xin được giữ trọn niềm tin vào Thiên Chúa và luôn theo thánh ý của Ngài; xin cho được luôn cậy trông, phó thác trong tay Chúa và Mẹ Maria; xin cho con cháu biết yêu thương nhau và yêu thương tất cả mọi người, biết cùng nhau giữ đạo thánh Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.”


(trích từ tập sách Nghi lễ An táng Bà Maria Trần Thị Thông)