Mục Vụ Văn Thơ Công Giáo 2: Những Chia Sẻ Của Các Chủ Chăn
Đây là nội dung thứ hai trong 5 nội dung đã được thông báo về mục vụ văn thơ Công giáo:
I. Bản tin sự kiện: Lễ trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại ba Giáo tỉnh
II. Những chia sẻ của các Chủ Chăn
III. Những chia sẻ của các Câu Lạc Bộ
IV. Những chia sẻ của các tác giả
V. Những chia sẻ của Ban Tổ Chức
Sau khi phát hành nội dung thứ nhất, có ý kiến xin thêm một nội dung thứ sáu: Những chia sẻ của độc giả. Đây là một ý kiến rất hay. Ước mong quý độc giả và cả các vị tác giả chưa phát biểu trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tham gia đóng góp suy tư và sáng kiến cho mục vụ văn thơ Công giáo Việt Nam. Xin vui lòng gởi bài về gopnhattho@yahoo.com trước ngày 05-8-2011 để có thể kịp biên tập và phát hành vào ngày Lễ Chúa Biến Hình, 06-8-2011. Xin ghi rõ quý vị thuộc giáo phận nào. Xin chân thành cám ơn.
Nội dung thứ hai quý độc giả đang theo dõi cho thấy mục vụ văn thơ Công giáo tại Việt Nam là một bận tâm và thao thức lớn của các vị mục tử. Để nêu bật điều ấy, chúng tôi xin tập kết tại đây một số phát biểu của quý Đức Cha và quý cha đại diện các giáo phận qua ba dịp:
- Phát hành tuyển tập Kinh Trong Sương (2008)
- Cuộc thi Sen Giữa Lầy (2009-2010)
- Cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời (2010-2011).
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN SOẠN, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN
(Lời giới thiệu Tuyển tập Kinh Trong Sương, Nxb Phương Đông, 2008)
Ở một số dân tộc, người ta sinh ra và lớn lên trong dân vũ. Tại Việt Nam, chúng ta sinh ra và lớn lên trong thơ ca. Người mẹ miền Bắc ru con trong tiếng à ơi, ạ ời. Người mẹ miền Nam ru con trong tiếng ầu ơ. Thôi nghe tiếng ru, em bé học vỡ lòng đạo lý làm người bằng ca dao tục ngữ cho đến ngày khôn lớn. Đến tuổi thành nhân, người ta tìm kiếm bạn đời bằng hát ghẹo, hát ví, hát dặm… Lại cũng là thơ…
Du nhập vào Việt Nam, Kitô Giáo không phát triển ngoài nhịp sống ấy của dân tộc. Các tín hữu Kitô đã sớm có những ca dao, hò, vè, câu đố mang nội dung đức tin và luân lý Kitô Giáo. Cao cấp hơn là kinh bổn và nhiều tác phẩm văn chương bằng lục bát và các thể loại văn vần khác. Rồi từ ngày có trào lưu thơ mới, nhiều tín hữu đã dùng nó để diễn tả lòng tin Kitô….
Không ở đâu mà trong Dân Chúa thiếu người làm thơ… Để riêng rẽ, thơ ca của họ dường như là chuyện cá nhân. Giờ đây, sưu tập lại, gom lại thành một vườn hoa, ta mới thấy rằng thơ ca là một mạch sống của Dân Chúa tại Việt Nam.
Hiểu như thế, bộ Sưu Tập Thơ Công Giáo quả là một công trình cần thiết và đáng quý. Tôi xin trân trọng giới thiệu với mọi người, cả trong cũng như ngoài cộng đồng Công Giáo.
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGÔ QUANG KIỆT
Phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, 6B Tôn Đức Thắng, Quận I.
Tôi rất vui, sau việc họp HĐGMVN lại được dừng chân ở đây để tham dự đêm thơ, để gặp gỡ và lắng nghe tâm tình anh chị em văn nhân nghệ sĩ qua thơ và nhạc, được giao duyên khi nghe những bài thơ, bài nhạc thật hay. Như một anh em đã phát biểu lúc nãy, chợ sách, chợ văn, chợ thơ bây giờ thật ế ẩm. Thế mà vẫn có những người dấn thân, hy sinh, lao động vất vả trên cánh đồng thơ, thật đáng quý.
Riêng tôi, tham dự đêm thơ này, tôi có vài cảm nhận.
Thơ là một cái gì rất đặc biệt. Như anh Lê Đình Bảng vừa nói, tại sao có người làm thơ, có người không? Không phải ai cũng có thể làm thơ. Những người làm thơ là những người có được những cảm nghiệm đặc biệt mà kẻ phàm phu tục tử không nhận ra. Chẳng hạn, cha Xuân Ly Băng nghe tiếng chuông mà nghiệm ra lời Đức Mẹ nhắn nhủ, còn thiên hạ chỉ nghe được như một tiếng động thuần vật lý, như đàn gảy tai trâu. Rồi chẳng hạn, chúng ta, người thường, nhìn chiếc khăn tím thì chỉ thấy chiếc khăn tím, còn nhà thơ Trần Mộng Tú nhìn vuông vải tím lại cảm nghiệm ra tình yêu của Chúa chịu đóng đinh và lời mời gọi hoán cải. Như thế, nhà thơ có cái nhạy cảm đặc biệt, nằm ngoài năm giác quan của người thường. Nói được, các nhà thơ thuộc một nòi đặc biệt, nhận được một ơn đặc biệt Chúa ban cho.
Riêng đối với những người làm thơ đạo, cái nhạy cảm ấy lại còn ở một mức cao vượt hơn. Những dấu hiệu bên ngoài như tiếng chuông, ngôi thánh đường, vuông vải tím trở thành những tín hiệu của những thực tại vô hình. Nhạy cảm ấy không phải tự nhiên mà có được nhưng phải do cầu nguyện. Chẳng ai làm thơ mà không có xúc động trong tâm hồn; mà những xúc động đạo đức thì chỉ qua cầu nguyện mới có được.
Chính nhờ cảm nghiệm bén nhạy ấy câu thơ mới truyền được xúc động sang người khác. Như ban nãy anh Cao Huy Hoàng cho biết, chỉ hai câu thơ của Đông Khê: “Không phải con lên cao, nhưng vì Ngài cúi thấp” đủ khiến nhạc sĩ Lưu Văn Trung khóc mấy đêm liền.
Với người làm thơ đạo, cảm nghiệm thiêng liêng, cảm hứng thiêng liêng thật quan trọng. Cảm nghiệm ấy trước hết là do Thiên Chúa ban nhưng đồng thời cũng còn do cầu nguyện.
Cảm nhận thứ hai tôi muốn chia sẻ là về sách. Lời nói bay đi, chữ viết còn mãi. Những gì đã được viết ra, nhất là đã được in thành sách, thì không ai biết trước được con đường của nó. Ta không biết nó sẽ đi đến đâu. Nó có thể vượt đại dương, đến tận những xóm thôn hẻo lánh, chạm đến những tấm lòng nào đó, những nơi rất xa xôi. Thế nên, sách vở và các phương tiện truyền thông thật quan trọng. Đó là con đường chuyển tải tư tưởng cũng như tiếng gọi đạo đức xuyên qua các thời đại, đến với những tấm lòng mà chỉ Thiên Chúa mới biết được, còn chính các tác giả không ngờ tới.
Sách vở thật quan trọng, cách riêng là thơ. Ngày nay, lý luận nhiều khi chẳng có sức thuyết phục mấy, nhưng những tiếng nói từ trái tim lại dễ đến với những trái tim; những tiếng nói từ tấm lòng lại dễ đến với những tấm lòng. Có lẽ cũng chính nhờ con đường của tấm lòng mà Phạm Xuân Tuyển đã gặp Hàn Mạc Tử và đức tin của Hàn Mạc Tử. Như thế ta thấy thơ thật cần thiết trong cuộc sống, để chia sẻ tâm tình và chia sẻ đức tin.
Với những cảm nhận ấy, tôi không mong ước gì hơn là mong ước có thêm nhiều nhà thơ và có thêm nhiều nhà thơ đạo nữa, để giúp chúng ta cảm nhận được tất cả những vẻ đẹp trong trời đất, nhất là cảm nhận được những vẻ đẹp của Nguồn mọi vẻ đẹp là chính Thiên Chúa, để gởi những tiếng nói từ tấm lòng đến với những tấm lòng, để giúp những tấm lòng ấy rung động trước sự thiện, trước vẻ đẹp và biết đón nhận Đấng Đẹp Tuyệt Đối.
Tôi cầu mong có thêm nhiều tuyển tập thơ và nhiều đêm thơ nữa để những vẻ đẹp ấy được chuyển đi khắp nơi và nhờ đó thế giới này sẽ đầy vẻ đẹp.
Tôi cầu chúc cho có thêm nhiều sách, nhiều người làm thơ và nhất là thơ đạo.
(TTT ghi lại từ băng nhựa)
ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH, GIÁM MỤC KONTUM
Phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, 6B Tôn Đức Thắng, Quận I.
Tâm tình của tôi giờ này là rất chân thành cám ơn và cám ơn. Cám ơn Ban Tổ Chức đã có nhã ý mời tôi tới tham dự đêm thơ và phát biểu trong giây phút này.
Tôi không biết hát, không biết ngâm thơ nhưng chẳng thấy lạc lõng khi tới đây, chỉ vì tôi đang được ở giữa các nhà thơ.
Ngay từ hồi còn là chủng sinh, tôi đã có ước vọng quy tụ các nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ để phục vụ Chúa. Tôi đã gầy dựng nhóm dịch thuật Hương Quê, rồi sau đó đã tiến tới thành lập nhà xuất bản Vào Đời, quy tụ các nhóm sinh hoạt văn hóa Công Giáo lúc ấy: Nhóm Niềm Vui, nhóm Tin Yêu, nhóm Niềm Tin, nhóm Thăng Tiến, tạp chí Tuổi Hoa, vv… Tiếc là sau 1975, mọi điều kiện thay đổi, tôi lại ở mãi miền núi, không sao tiếp tục được. Nay được thấy các đàn em tiếp nối những công việc ấy, tôi rất vui mừng xúc động. Xin cám ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi được dịp sống lại những ước mơ của mình trước đây.
Bởi lẽ tôi nhận biết tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn của thơ văn và âm nhạc, của anh chị em giới sáng tác nói chung và cách riêng là giới sáng tác Công Giáo. Bản chất người Kitô hữu là được sai đi để rao giảng tình yêu thương không những qua đời sống phục vụ mà còn qua cả sứ điệp bằng lời. Trong những diễn tả bằng lời thì những lời thơ, dòng văn hoặc ý nhạc có sức truyền tải rất đặc biệt. Vì thế tôi cám ơn và rất xúc động khi nhìn thấy anh em rất tha thiết với vấn đề này và đang hy sinh nhiều cho vấn đề này.
Tôi biết thời gian qua anh em hầu như cảm thấy cô đơn. Dĩ nhiên anh em nhớ rằng tất cả các thánh đều đã cô đơn. Thế nhưng riêng bản thân tôi, với tư cách giám mục, tôi nghĩ rằng, anh em nhà văn nhà thơ từ nay khi cần tới, hãy cứ gõ cửa, và tôi hứa sẽ làm bất cứ điều gì có thể được.
Ngoài ra tôi xin chia sẻ thêm một chút về trách nhiệm của người Công Giáo đối với chữ quốc ngữ. Các vị thừa sai, cha ông của chúng ta trong đức tin, khi đến đất nước này, đã sáng nghĩ ra chừ quốc ngữ để cho con cháu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hình như lớp con cháu, trong đó có chúng tôi, chưa biết tận dụng gia sản quý báu ấy. Đang khi đó những anh em khác đã tận dụng. Tiếc là vì không biết đến Thiên Chúa, các tác phẩm của họ nhiều khi không chuyển tải được lòng khoan dung và tinh thần phục vụ mà lại chuyển tải một sức mạnh nào đó làm tan nát cõi lòng, làm hoen ố con tim của tuổi trẻ. Thiết nghĩ sự vắng bóng những sáng tác Kitô giáo là một cái lỗi lớn mà con cháu các thừa sai, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm.
Vì thế, tôi cũng tiếp lời của Đức Tổng, cầu chúc cho có thêm nhiều nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ biết chuyển tải lời của Chúa, sứ điệp Tin Mừng, đến cho mọi người.
Chúng ta cũng có trách nhiệm phải lo cho con cháu chúng ta, cả con trai và con gái, được ăn học đến nơi đến chốn, cách riêng là trau dồi tiếng Việt, trau dồi chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ là gia sản của người Việt Nam Công Giáo. Chúng ta phải ý thức điều đó và lo cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn để có khả năng làm thơ, viết văn, soạn nhạc, không những để làm đẹp Tin Mừng mà còn làm đẹp cho quê hương dân tộc Việt Nam.
Vì thế, tôi rất đồng cảm với anh em và cám ơn anh em một lần nữa. Xin cầu chúc như Đức Tổng đã cầu chúc, và bản thân tôi sẽ cố gắng đóng góp bằng tất cả khả năng mà Chúa cho phép. Xin cám ơn một lần nữa.
(TTT ghi lại từ băng nhựa)
ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA
(Lời giới thiệu Tuyển tập Sen Giữa Lầy, Nxb Phương Đông, 2010)
Tôi rất vui khi nhận được tuyển tập cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy. Hàng trăm tác giả thơ, văn, nhạc và họa cùng cất cao lời xưng tụng Mẹ Maria và tôn vinh đức khiết tịnh. Để riêng ra, giá trị của từng bài có thể còn giới hạn, nhưng góp chung lại, nó làm nên lời chứng tập thể sống động. Tôi tin rằng tuyển tập này sẽ làm dậy lên một phong trào sống Tin Mừng hào hùng nơi giới trẻ trong giai đoạn mới của Hội Thánh Việt Nam.
Xin chân thành giới thiệu đến các gia đình, đến các bạn trẻ đang hướng tới đời sống hôn nhân và các bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi tận hiến. Cũng xin trân trọng giới thiệu tuyển tập này đến các nhà giáo dục để cùng chung sức động viên giới trẻ vững tiến trên nẻo đường cao cả.
Phan Thiết, ngày 28 tháng 6 năm 2010
+ Giuse Vũ Duy Thống,
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết
Chủ Tịch UBVH-HĐGMVN
ĐỨC CHA GIUSE CHÂU NGỌC TRI, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
(Thư khích lệ cuộc thi Sen Giữa Lầy, 2010)
Kính Quý Cha
Con vẫn theo dõi cuộc thi xướng hoạ thơ Đường luật tôn vinh Mẹ Maria, từ bài xướng đầu tiên của Cha Thi sĩ Trăng Thập Tự cho đến ngót nghét 500 bài hoạ, và rất đồng cảm đồng tình với cuộc chơi rất văn hoá và thánh thiện này. Xin chúc mừng Quý Cha về sáng kiến và sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều người. Kính chúc Quý Cha luôn kiên nhẫn và hăng say để tiếp tục dùng khả năng Chúa ban mà phục vụ Hội Thánh Chúa trong lãnh vực đặc biệt này, với những sáng kiến mới trong tương lai, đặc biệt hướng về Giới Trẻ.
Sắp đến Lễ Truyền Tin, và cũng là thời điểm kết thúc cuộc chơi, con xin mạo muội góp vào sân chơi một bài hoạ, và mong là bài hoạ cuối cùng, để hoà giọng cùng anh chị em mình tôn vinh Đức Nữ Đồng Trinh nhân ngày Lễ Truyền Tin. Xin Quý Cha đón nhận. Cám ơn Quý Cha.
SEN THÁNH
Trần gian tội lỗi ngập bùn đen,
Thiếu nữ Sion, một đoá sen.
Đẹp lòng Thiên Chúa, câu trinh khiết,
Thoả dạ nhân trần, lời chúc khen.
Trịnh trọng “Kính Chào”, ngôi thiên sứ,
Khiêm tốn “Xin Vâng”, phận tớ hèn.
Cõi lòng vẹn sạch nên Cung Thánh,
Duyên Đất, Tình Trời đã đan chen.
+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám mục Đà Nẵng.
ĐỨC CHA MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI, GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN QUI NHƠN
(Lời giới thiệu Tuyển tập Thánh Cả Giuse, Nhánh Huệ Nước Trời, Nxb Phương Đông, 2011)
Sau khi chiêm ngắm Đức Maria như đóa SEN GIỮA LẦY, chúng ta cùng nhau tôn vinh thánh Giuse như NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI. Cả sen và huệ đều là biểu tượng của đức khiết tịnh, của nhân cách thanh cao. Nếu về sen đã có câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,
thì về huệ ta cũng có thể phác họa bằng thơ:
Trong vườn đẹp nhất huệ trinh
Dáng cao hoa trắng thắm xinh ngọt ngào
Ngọt ngào hoa trắng dáng cao
Đất đen mặc đất huệ nào nhiễm lây.
Nếu đóa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nhờ những phiến lá thật lớn trải trên mặt đầm, cách ly những đóa hoa với bùn lầy, thì Đức Maria trinh nguyên tuyệt vời nhờ biết sử dụng những tấm lá chắn ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ cùng với ơn vô nhiễm nguyên tội. Nếu nhánh huệ vẫn “hoa trắng thắm xinh ngọt ngào” trên nền đất đen nặng mùi ẩm mốc nhờ vào “dáng cao”, thì thánh Giuse cũng trong trắng thanh sạch nhờ biết cộng tác với ơn Chúa để ý chí vươn cao, vượt trên “sự thường tình” của con người xác thịt.
Dầu ở bậc sống nào, đức khiết tịnh vẫn là một ân huệ của trời cao mà con người cần phải biết ân cần gìn giữ, bằng cách làm chủ giác quan và trí tưởng tượng, bằng sự tự chủ trước mọi cám dỗ và thách đố của nền văn minh hưởng thụ và bằng nỗ lực vươn cao, thắng vượt chính mình mỗi ngày. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng vua Salômôn dù vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng một đóa huệ ngoài đồng (x. Mt 6,28-29), có lẽ bởi vì ông ăn mặc sang trọng nhưng thiếu tấm áo khiết tịnh (x. 1V 11,3; Hc 47,19).
Trong khu vườn nhỏ Nadaret có đóa sen và nhánh huệ cùng nở bên nhau, đó là Đức Maria và thánh Giuse. Cả hai cùng hướng lên mặt trời là Đức Giêsu. Đúng như Saint-Exupéry đã nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Chính nhờ cùng hướng về Đức Giêsu mà Đức Maria và thánh Giuse đã thể hiện được tình yêu trong trắng tuyệt vời của mình. Đức khiết tịnh không trái nghịch với tình yêu, nhưng làm cho tình yêu được triển nở và trở nên thanh cao.
Mặt trời tô điểm muôn màu cho từng loại bông hoa, nhưng chính ánh sáng mặt trời lại mang màu trắng. Màu trắng là tổng hợp của các sắc màu. Khi chiếu xuyên qua lăng kính, ánh sáng trắng của mặt trời được tách ra thành 7 sắc màu liên tục làm nên một vòng tròn khép kín: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Màu sắc của mỗi loài hoa tùy thuộc vào việc chúng phản chiếu một vài màu nào đó trong 7 sắc màu của ánh sáng mặt trời. Trong cuộc hiển dung trên núi, khuôn mặt Đức Giêsu “chói lọi như mặt trời, và y phục của Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Đức Maria và thánh Giuse đã phản chiếu trọn vẹn 7 sắc của ánh sáng mặt trời là Đức Giêsu, nên cuộc đời của các ngài chỉ toàn một màu trắng tinh tuyền, được tượng trưng bằng đóa sen và nhánh huệ.
Cùng hướng về mặt trời là Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse đã thể hiện 3 nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Đó là 3 nhân đức siêu nhiên căn bản của người kitô hữu, nền tảng của các nhân đức luân lý, trong đó có đức khiết tịnh. Không thể sống khiết tịnh nếu không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, không hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp của Chúa và không dâng hiến trọn vẹn con tim để yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
Thánh Giuse đã luôn luôn đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, vì thế Ngài được Thánh Kinh truy tặng một biệt danh là “người công chính” (Mt 1,19), vì chính nhờ đức tin mà con người mới được nên công chính (x. Rm 4,3-4.9.11.13.21-22.24). Dáng đứng của nhánh huệ cũng là dáng đứng của người công chính sống bởi đức tin. Nhờ tin vào Thiên Chúa mà thánh Giuse sẵn sàng hy sinh chương trình riêng và chấp nhận sống cuộc đời trinh khiết để hoàn toàn hiến thân cho công cuộc của Chúa. Thánh Giuse đã hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa, chẳng những khi gặp khó khăn trong việc thi hành sứ mạng bảo vệ Con Chúa, mà còn trong việc giữ đức khiết tịnh ngay trong đời sống gia đình. Thánh Giuse đã hết lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng thực hiện tất cả mọi ý định và mệnh lệnh của Chúa, không hề thoái thác hay quản ngại khó khăn. Cũng chính tình yêu nồng nàn đối với Chúa đã khiến Ngài có thể giữ trọn đức khiết tịnh để trái tim của Ngài luôn thuộc trọn về Chúa.
Hình dáng vươn cao của nhánh huệ cùng với màu trắng tinh tuyền của những đóa hoa tỏa hương thơm ngát một góc vườn, tương phản với màu đen và mùi ẩm mốc của đất, gợi lên hình ảnh đức khiết tịnh vươn cao tỏa ngát giữa cuộc đời đen tối và nhầy nhụa xác thịt của nền văn minh vật chất và hưởng thụ hôm nay.
Xin được họa lại bài thơ Huệ Trắng của nhà thơ Dzuy Sơn Tuyền bằng những vần thơ mang tựa đề Giuse Thánh Cả:
Giuse thánh cả, kính mừng Cha
Nhánh huệ đơm bông rực cả nhà
Thờ Chúa trọn niềm trong thử thách
Tu thân vững dạ trước phong ba
Trái tim trong trắng dâng Thiên Chúa
Thân xác tinh tuyền hiến Thánh gia
Gương sáng đời Ngài con dõi bước
Mai ngày vui hát khúc âu ca.
Người Viễn Khách
Mong sao tuyển tập THÁNH CẢ GIUSE, NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI sẽ góp phần gây ý thức và động viên mọi người giữ đức khiết tịnh trong bậc sống của mình, bằng tâm tình tin cậy mến đối với Thiên Chúa và bằng sự tự chủ đối với bản thân.
Qui Nhơn, tháng kính thánh Giuse, 2011
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục phó Giáo phận Qui Nhơn
ĐỨC CHA VŨ DUY THỐNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA
(Nhắn gởi Buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Sài Gòn)
Khi được mời mời tham dự buổi trao giải hôm nay, Đức Cha rất vui mừng. Ngài cho biết vì bận lễ Phong Chức LM, không thể đến dự được, nhưng xin gửi đến Buổi Trao Giải mấy lời khích lệ sau đây:
“- Cảm ơn và hoan nghênh tất cả quí tác giả đã tham gia dự thi
- Chúc mừng quí tác giả đạt giải
- Cảm ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, quí ân nhân, và tất cả những ai đã góp phần mình vào cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời.
- Ước mong và luôn khích lệ lớn lao cho những cuộc thi Thơ Văn Công Giáo sắp tới.
- Đề nghị Ban Tổ Chức Nhánh Huệ Nước Trời tiếp tục tổ chức cuộc thi Thơ Văn Công Giáo mở rộng cho mọi thành phần tham gia nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà Thơ Công Giáo Hàn Mạc Tử 22-9-2012.
- Xin Chúa chúc lành và xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam phù trợ cho mọi nỗ lực văn hóa, văn học công giáo của anh chị em”.
ĐỨC ÔNG XUÂN LY BĂNG, NGUYÊN TỔNG ĐẠI DIỆN GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
(Nhắn gởi Buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Sài Gòn)
Được mời tham dự buổi lễ trao giải, Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng từ chối vì lý do già yếu. Ngài nhờ anh Cao Huy Hoàng chuyển mấy lời sau đây:
- Hết lòng khen ngợi Ban Tổ Chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời đã đổ bao tâm sức cho công trình văn học Công Giáo được phát triển về hai mặt: Đức Tin và Văn Học.
- Chúc mừng tất cả các tác giả dự giải và đạt giải
- Ước mong các tác giả đã dự giải, và nhất là các tác giả đạt giải sẽ sống trọn điều mình đã suy niệm, đã viết, tạo nên một phong trào thánh hóa cuộc sống đức tin trong đời sống văn hóa nghệ thuật, làm chứng cho Chân Thiện Mỹ của Nước Thiên Chúa.
ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ LÊ VĂN HỒNG, GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
(Phát biểu trong buổi trao giải NHNT tại TTMV Tgp Huế)
Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Têphanô.
Kính thưa quý cha trong BTC
Kính thưa quý đại biểu đến từ các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế
Kính thưa quý Ban giảng huấn của lớp huấn luyện ca trưởng
Kính thưa quý tác giả đạt giải thưởng hôm nay
Tòa Tổng Giám Mục Huế hân hoan chào đón và cám ơn tất cả quý vị về với Trung tâm mục vụ Huế để tổ chức lễ trao giải " Nhành Huệ Nước Trời", nhằm tôn vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ đời sống khiết tịnh.
Xin cám ơn Ban tổ chức đã có những thao thức trăn trở cho việc phát triển văn học công giáo, và công việc sáng tác văn thơ mang đậm dấu ấn Tin Mừng và niềm tin kitô giáo.
Xin cám ơn các tác giả đã hăng hái tham gia cuộc thi để phát triển văn học công giáo của chúng ta.
Như chúng ta biết, từ ngày Tin Mừng được rao giảng trên đất Việt Nam, gần 400 năm nay (1615), hồn thơ của các thi sĩ công giáo đã tìm gặp thêm một nguồn cảm hứng mới không bao giờ khô cạn cho nền văn thơ và những bài viết chuyển tải Tin Mừng và niềm tin Kitô giáo.
Gần đây nhà thơ Lê Đình Bảng đã có công gom góp và hình thành bộ sách "Ở Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam". Qua pho sách nầy, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy rằng có rất nhiều người công giáo đã biết khai thác và múc kín cảm hứng thi ca qua Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Có thể nói Tin Mừng đã thấm đượm văn thơ, câu hò, tiếng hát và văn học mang dấu ấn Tin Mừng, có khả năng chuyển tải đến tâm hồn con người niềm tin kitô giáo.
Tuy nhiên đã có một thời giai dài, vì hoàn cảnh chiến tranh , vì thời cuộc chính trị phong trào sáng tác của các nghệ sĩ công giáo xem ra đã im hơi lặng tiếng hoặc chưa được cổ võ đúng mức. Hy vọng rằng những cuộc thi văn thơ như thế này sẽ là một điểm nhấn và là một khích lệ lớn lao cho phong trào sáng tác thơ văn Công giáo trong tương lai.
Xin chúc mừng các tác giả dự thi và nhất là các tác giả đoạt giải hôm nay.
Xin cầu chúc cho phong trào sáng tác văn thơ Công giáo phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Xin cám ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, và tất cả quý vị đã tích cực góp phần cho cuộc thi " Nhành Huệ Nước Trời" hôm nay. Mong rằng trong tương lai sẽ còn những tổ chức khác tương tự để giúp cho những tài năng trẻ có cơ hội phát triển.
Riêng về nguyện vọng mà nhà thơ Trăng Thập Tự đã nêu lên về những giải thưởng cấp Giáo tỉnh để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, tôi hy vọng rằng UBVH /HĐGMVN và các ĐGM sẽ lưu tâm một cách nào đó để đáp ứng nguyện vọng nầy.
Xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang chúc lành cho những nổ lực phát triển văn học công giáo Việt Nam. Xin chân thành cám ơn.
+ FX Lê Văn Hồng
Giám Mục Phụ Tá Huế
ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN SANG, NGUYÊN GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH
Thái Bình, ngày 13/07/2011
Kính gửi cha Võ Tá Khánh
Kính thưa Cha! Tôi rất hân hạnh được Cha chú ý gửi thư mời tới dự cuộc tuyên bố kết quả và trao giải cho các tác giả văn thơ Công giáo sẽ diễn ra tại TGM Hải Phòng. Tôi rất vui mừng được Cha cho biết cuộc thi kết quả tương đối tốt. Tôi đã được biết có cuộc thi này từ lâu, tuy rất muốn tham gia song đã lớn tuổi (ngoài 80) và hiện đã từ nhiệm nhưng vẫn còn đôi chút sức khỏe nên vẫn còn đi làm mục vụ ở các xứ họ. Đàng khác, tôi đang đầu tư thời gian vào việc viết cuốn Hồi Ký từ khi tôi làm giám mục, dự định chừng khoảng 5000 – 6000 trang,… nên không có nhiều thời giờ và phương tiện để làm những công việc văn thơ rất yêu thích. Tôi cũng rất muốn đến dự buổi trao giải thưởng song đúng ngày hôm đó tôi lên đường sang Mỹ để thăm gia đình và người thân quen… Mấy dòng thô thiển kính thăm Cha, xin Cha thông cảm và kính chúc Cha mạnh khỏe, nhiều ơn lành của Chúa để làm sáng danh Chúa và Giáo Hội trong lãnh vực văn chương. Xin Cha cầu nguyện nhiều cho tôi.
Kính thư,
F. X. Nguyễn Văn Sang
Nguyên Giám Mục Thái Bình
ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BẮC NINH
Xin cám ơn Ban Tổ Chức đã tạo điều kiện để có cuộc gặp gỡ này. Tôi vốn cũng thích cầm bút. Trước khi làm giám mục đã có viết lách điều này điều kia, nhưng sau khi làm giám mục, từ ba năm nay chưa viết được cái gì, cũng chưa làm được cái gì để cổ võ về văn thơ, nhất là khi mình ở Bắc Ninh là đất văn thơ, cho nên trước hết, xin có lời tạ lỗi vì sự thiếu sót.
Tiếp đến xin có một vài chia sẻ để chúng ta đừng quá bi quan về văn học Công giáo.
Có thể chúng ta cảm thấy xấu hổ khi nhìn lại những đóng góp lớn lao của những tác giả buổi đầu: Cha Alexandres de Rhode, cha Majorica; rồi tiếp đó là các ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, cha Trần Lục; sang thế kỷ 20 là Hàn Mạc Tử mà chúng ta sắp kỷ niệm 100 năm sinh…
Thế nhưng thật ra vẫn có nhiều người viết mà không được biết đến. Trước đây tôi có giúp một nhóm bệnh nhân phong như Hàn Mạc Tử, một số đã họp nhau lại khuyến khích nhau sáng tác, nay chỉ còn một người là Đơn Phương. Anh sáng tác nhiều, mới cho xuất bản một tập truyện thơ về Chúa Giêsu, dài hơn Truyện Kiều, tựa đề “Ngọc đàn thanh” nhưng có lẽ chưa mấy ai biết.
Có nhiều vị khác cao niên hơn như cụ Phạm Đình Khiêm, Đức ông Xuân Ly Băng, và một linh mục gốc Bắc Ninh nay đã chết, chaLê Minh Bình Dương, có lẽ cũng ít người để ý. Cha Nguyễn Xuân Văn ở Tuy Hòa viết trường thiên Sứ Điệp Tình Thương về Chúa Giêsu gần 10 ngàn câu lục bát. Một vị khác ở Thủ Thiêm, cũng viết về Chúa Giêsu, chẳng biết có ai ở đây đã đọc chưa.
Đó là chưa kể có nhiều người đã và đang viết nhưng không có điều kiện xuất bản; có thể nói theo kinh Mân Côi là ngày nay đang giấu cất để mai sau trưng bày. Ví dụ như quyển “Lời Chúa không bị xiềng xích” của cha Bùi Đức Sinh.
Cả cuộc thi hôm nay cũng là một khởi đầu mới cho văn thơ Công giáo VN, ta cần cùng nhau tiếp tay nhau xây dựng, chỉ ngồi than vãn không đi đến đâu.
Về giáo phận Bắc Ninh, thiết tưởng tôi cũng có lỗi. Bắc Ninh là đất thơ văn, hiện ngoài đời thì khá trổi trang nhưng phía Công giáo còn chậm chạp. Điều ấy, xin mọi người cũng thông cảm vì lẽ, năm 1954 những người có học đều đi vào Nam hết chỉ còn lại những người nghèo, số sót của Dân Chúa. Cần phải có thời gian để phục hồi. Trong cuộc thi lần này, Bắc Ninh cũng đã có một sinh viên dự thi nhưng chưa đạt giải. Ở Bắc Ninh cũng có một tác giả viết tiểu thuyết rất hay là Công giáo nhưng chỉ mới viết tiểu thuyết đời.
Hy vọng, qua thời gian, ba cây chụm lại sẽ thành hòn núi cao. Ta cứ bắt đầu từ những câu lạc bộ nho nhỏ, rồi Giáo hội và Dân Chúa cùng làm, dần dần ta sẽ làm được. Như một câu trong sách Nho mà tôi rất tâm đắc: Dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phù nhân. Lấy văn chương quy tụ bạn bè, rồi lấy tình bạn đề cao lòng nhân, phát huy đức ái của Chúa Kitô.
Có thể lắm người vẫn còn bi quan nhưng tôi muốn chia sẻ để tất cả chúng ta thấy vẫn còn nhiều niềm hy vọng.
(TTT ghi lại từ file mp3)
ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN ĐỆ, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH
Cha Võ Tá Khánh và tôi là bạn học. Do đó dù không sở trường về thơ ca, khi được ngài mời, tôi đã thu xếp đi dự để hưởng ứng sáng kiến của ngài và khích lệ các cộng sự viên của ngài. Ở giáo phẩn Thái Bình chúng tôi có một cây bút gạo cội, sáng tác nhiều văn thơ và viết nhiều sách là Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang, lại cũng có một tác giả gốc Thái Bình là nhà thơ Lê Đình Bảng đã thực hiện những công trình sưu tập đồ sộ. Cũng có những tác giả âm thầm khác. Tuy nhiên về phong trào sáng tác cho các bạn trẻ thì chưa có. Sau khi được tham dự buổi sinh hoạt hôm nay, khi về lại giáo phận, tôi sẽ cố gắng xướng xuất phong trào để cổ võ việc sáng tác thơ văn trong giáo phận.
(TTT ghi lại từ file mp3)
ĐỨC CHA GIUSE VŨ VĂN THIÊN, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha, Thưa Quý Vị
Trước hết, chúng con xin chào mừng Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị đã đến với Hải Phòng. Mặc dù thời tiết giữa hè nóng bức, nhưng vì lòng yêu mến đối với văn chương - thơ ca công giáo và vì tình cảm thân thương đối với Hải Phòng, Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị đã vượt qua đường xa để đến với chúng con hôm nay.
Thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị
Mặc dù tên gọi của buổi gặp gỡ hôm nay là “Lễ trao giải thưởng cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời”, nhưng với bầu khí thân thiện gần gũi, cuộc gặp gỡ này đúng hơn là một buổi tọa đàm mang tính gia đình Giáo Hội. Chúng ta gặp gỡ nhau để cùng chia sẻ những thao thức, ước mong cho văn thơ công giáo có một chỗ đứng trên diễn đàn văn học Việt Nam. Chia sẻ của Quý Đức Cha và Quý Vị là những trăn trở của hiện tại, đồng thời cũng là những hoài niệm về cội nguồn văn hoá Việt Nam, được ghi dấu bởi sự đóng góp đáng kể của nhiều tác giả công giáo. Nhắc nhớ về một quá khứ tự hào ấy đem lại cho chúng ta nguồn khích lệ, giúp chúng ta tiếp tục cộng tác làm cho ánh sáng đức tin được tỏa rạng qua nghệ thuật, văn chương và thi ca.
Như mỗi người chúng ta đã biết, văn chương, nghệ thuật và thi ca đều nhằm diễn tả cái đẹp, mà Vẻ Đẹp Tuyệt Vời chính là Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu mong cho ngày càng có nhiều tác giả công giáo đóng góp phần mình để diễn tả vẻ đẹp diệu huyền của Thiên Chúa giữa nhân gian.
Xin cám ơn Cha Phê-rô Võ Tá Khánh – Thi sĩ Trăng Thập Tự. Cha Phê-rô đã tâm huyết kêu gọi các tác giả sáng tác. Hai cuộc thi “Sen giữa lầy” và “Nhánh huệ nước Trời” là kết quả tuyệt vời của những sáng kiến quý báu đó. Những cuộc thi này đã giúp chúng ta phát hiện nhiều tài năng đủ mọi thế hệ trong Giáo Hội, tạo nguồn cảm hứng cho những sáng tác có giá trị văn hoá đặc sắc. Sự hưởng ứng đông đảo của các tác giả cho thấy niềm đam mê văn chương thi ca không thiếu trong giới công giáo Việt Nam.
Xin một lần nữa cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị. Sự hiện diện của Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị làm cho Hải Phòng thêm yêu thơ hơn và yêu nghệ thuật hơn. Ước mong những thao thức chia sẻ của Ban tổ chức và của các tác giả hôm nay được nhiều người, nhất là những vị hữu trách trong Giáo Hội , lắng nghe và đón nhận.
Nguyện xin Thánh Giuse, bông huệ trinh khiết và Cha của mọi gia đình, luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta là những người đang trải qua những gian nan cuộc sống, biết luôn tin tưởng, phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta. Xin trân trọng cám ơn.
+Gm Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
CHA GIUSE PHẠM VĂN QUẾ, ĐẠI DIỆN TGM THANH HÓA TẠI BUỔI TRAO GIẢI NHNT Ở HẢI PHÒNG
Nói về đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Việt không thể không nhắc đến thơ ca. Tiếng thơ hoà quyện trong tiếng nhạc, xuất hiện trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trong đó có sinh hoạt Công giáo. Ai cũng từng đi qua tuổi thơ, để rồi mỗi ngày lớn lên bên lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. Thôi nghe tiếng ru, em bé học vỡ lòng đạo lý làm người bằng ca dao tục ngữ cho đến ngày khôn lớn. Đến tuổi trưởng thành, đôi lứa yêu nhau qua những lời hát giao duyên... Có thể nói, thơ ca xuất hiện trong mọi thời khắc quan trọng của đời người.
Đạo Công Giáo từ khi du nhập vào Việt Nam cũng không phát triển ngoài nhịp sống ấy của dân tộc. Các tín hữu Kitô đã mau mắn đón nhận Tin Mừng rồi chuyển thể thành những câu ca dao, hò, vè, câu đố... nhằm chuyển tải nhanh nhất, nhiều nhất nội dung đức tin và luân lý Kitô Giáo. Trong Dân Chúa, khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh khó khăn vẫn có những người âm thầm sáng tác thơ ca để ngợi ca Thiên Chúa.
Không ai có thể phủ nhận được ý nghĩa và tầm quan trọng của văn chương trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là trong đời sống hiện nay, khi con người ngày càng nghiêng nhiều hơn về lối sống thực dụng thì văn chương không còn xã hội quan tâm nhiều. Cả văn chương Công giáo, một lãnh vực mục vụ quan trọng, cũng đang bị bỏ ngỏ, nếu không muốn nói là gần như mất hút trong dòng chảy của văn minh tiêu thụ. Đây là điều đáng trăn trở và suy ngẫm.
Người Công giáo chúng ta càng yêu thơ văn hơn, đời sống tâm linh sẽ phong phú và sâu sắc hơn.
Để thực hiện được ý nghĩa “Văn là để chuyển tải Đạo”, xin hãy để sức mạnh Chúa Kitô và ngọn lửa soi sáng của Chúa Thánh Thần hun đúc nơi mỗi chúng ta một tình yêu không chỉ bằng môi miệng mà phát triển lên một tầm cao mới, thành những tác phẩm thi ca làm lay động lòng người.
Mong rằng, trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc thi viết được tổ chức để lớp trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống thơ văn Công giáo vốn đã có từ hàng trăm năm nay với nhiều nhà văn, nhà thơ đã được lịch sử ghi nhắc.
UBVH Giáo Phận Thanh hóa
Linh mục Giuse Phạm văn Quế
CHA ĐAMINH TRẦN NGỌC ĐĂNG, ĐẠI DIỆN TGM BÙI CHU TẠI BUỔI TRAO GIẢI NHNT Ở HẢI PHÒNG
Sơ lược về THƠ VĂN CÔNG GIÁO BÙI CHU
Mở: Từ dòng chảy văn thơ truyền thống
Không kể Chủng viện “chui” trên thuyền tại Phố Hiến (1666, khởi đầu với 15 thầy, do Cha Deydier tổ chức), thì Chủng viện Kẻ Bùi (Bùi Chu ngày nay) là Tiểu chủng viện đầu tiên của Địa Phận Đông Đàng Ngoài (1773, do cha Hernandez Tuấn thành lập). Năm 1791, cha chính Delgado Y mở Đại chủng viện đầu tiên tại Lục Thuỷ hạ (Liên Thuỷ, Bùi Chu ngày nay)… Năm 1930, có Đại Chủng viện Miền cho 3 giáo phận tại Khoái Đồng (Nam Định). Năm 1924 có trường Trung học Saint Thomas d’Aquin (khu Khoái Đồng, Nam Định, 3 tầng dài 70 m làm phòng học, cộng với 200 giường và thư viện, thêm ba dãy trệt làm khu ẩm thực và vui chơi). Năm 1951, Bùi Chu có trường trung học đệ nhị cấp (lúc bấy giờ miền Bắc chỉ có 4 trường đệ nhị cấp: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương). Những dữ kiện lịch sử ấy cho thấy Bùi Chu từ rất sớm đã là một chiếc nôi của văn hoá nói chung và văn hoá Nhà Đạo nói riêng.
Như thế, Bùi Chu không chỉ là chiếc nôi của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam (1533), mà còn là một trong những chiếc nôi của văn hoá Công Giáo nói chung và văn chương, thi ca Công Giáo nói riêng. Bài viết này chỉ xin thoáng qua một vài nét lịch sử về truyền thống đó cũng như xin mạo muội rút ra một vài tiềm năng của dòng chảy thi ca đó trong hiện tại và tương lai.
Một thời vàng son và đáng tự hào của quá khứ
Bùi Chu đã rất sớm quan tâm đến văn hoá. Vài năm sau hiệp ước đình chỉ bách hại đạo (1862), Địa Phận Trung (Bùi Chu, Thái Bình ngày nay) đã thành lập một cơ sở ấn loát tại Phú Nhai, có tên là nhà in Phú Nhai Đường, và đây có thể nói là cơ sở ấn loát đầu tiên tại Đàng Ngoài, trước cả Ninh Phú Đường (Kẻ Sở) và Thiện Bản (Phát Diệm). Cơ sở này đã ấn loát hàng loạt sách đạo bằng chữ Nôm, một ít bằng chữ Nho và sau đó bằng chữ Quốc Ngữ nữa . Sau khi tách đôi giáo phận Bùi Chu và Thái Bình (1936), thì Phú Nhai Đường ngưng hoạt động do các cha Đa Minh chuyển hầu hết tài sản sang Thái Bình. Tuy nhiên, sau đó Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn lại cho mở Nhà in Thánh Gia tại Bùi Chu.
Sau đây là một vài ấn phẩm tiêu biểu liên quan đến văn hoá của Phú Nhai Đường: Hội Đồng Tứ Giáo (Castanenda Gia và Vincente Liêm, 1870), Giống má thiêng liêng (Benito Llobresols, OP, 1871, 15 tập, khổ 13,5 x19cm), Sách Ngắm sự thương khó Chúa Giêsu (1890, 80 trang, 18x15 cm), Lâm mạnh yếu quy (1891, 52 trang, 16x19cm), Sách dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ nhỏ và người lớn (1900, 30 trang, 15 cm), Sách ngắm đứng (1910, 47 trang, 18 cm), Tập dụng thần công (thánh Ignatiô, 1914, 125 trang), Bài tập đánh vần La-tinh (Cha tràng Hạnh, 1914, 17 trang, 14 cm), Sử ký Địa phận Trung (Cha chính Trinh Manuel Moreno, 1916, 267 trang, 13x18 cm), Kinh Toàn Niên (1916, 112 trang, 18x15 cm), Ngắm Mười Lăm sự thương khó Chúa Giê-su (44 trang, 18 cm), Sách những kinh hát chầu (156 trang, 18 cm), Sách tháng Văn Côi kính Đức Bà (95 trang, 15 cm) …
Truyền thống văn hoá đó đã được tiếp nối với các sáng kiến như phong trào “Dắt nhau” (1941), Duc in Altum (D.I.A, 1942) tiền thân của Tủ sách Ra Khơi (1960-1970) và Học hội Ra Khơi (1957-1975) sau này, với hàng trăm ấn bản về tôn giáo, triết học, thần học và xã hội, cùng với hàng trăm ngàn cuốn sách giáo khoa phục vụ cho giáo dục.
Về thơ ca Công Giáo thời kỳ này có những tác phẩm đã được in ấn (ngắm, vãn, ca, truyện) và có những tác phẩm truyền khẩu (vè, truyện…). Tiêu biểu nhất là Ngắm sự thương khó, Dâng hạt, Vãn dâng hoa…
Nổi bật nhất có Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn. Trong loạt sách về văn hoá ta thấy có: “Sách mẹo Latinh” (Grammaire Latine, 472 trang), “Sách mẹo Phalangsa” (Grammaire Francaise, 192 trang – HongKong 1918), “Sách mẹo tiếng Annam” (NXB Trung Hòa, Hà Nội tái bản 1933) được giải thưởng văn học của Tòa Khâm Sứ Đông Dương 1925, “Ấu học Pháp ngữ” (Premières études de la langue Francaise – HK 1916), Số học toán Pháp (Arithmétique complète avec Figures – HK 1919), “Sách cha mẹ dạy con” (Devoirs des parents envers les enfants – HK 1917), “Pháp tự khúc ca” (NXB Qui Nhơn, 1923) , “Hán tự qui giản” (Petite Grammaire Chinoise – HK 1923), “Ngạn ngữ Kinh thư” (HK 1915), “Giáo hội chức sở tu thân” (Qui Nhơn 1924), “Hán tự liệt thường đàm” (NXB Trường An, Huế 1942), “Thường đàm nhựt dụng” (HK 1927), “Truy tầm chân đạo” (Bùi Chu 1937), “Triết nhân tri kỷ” (Phú Nhai 1936), “Tuồng bảy mối tội đầu” (Qui Nhơn 1922), “Lễ nhạc Hội thánh” (Bùi Chu 1936), “Văn chương thi phú An nam” (Littérature et Prosodie Annamite – HK 1923 và 1933), “Thận chung truy viễn” (Bùi Chu 1937), “Thư chung về thủy hỏa đạo tặc”, “Thư luân lưu” (700 trang viết tay).
Ngoài ra, Ngài còn tham gia viết bài trên các báo: Nam Kỳ địa phận, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí; lập nhà in Thánh Gia, nhà sách Đa Minh, chủ biên tạp chí Đa Minh bán nguyệt san, Thời Mới… Yêu văn hoá, ngài còn sáng tác thơ ca giáo lý, như “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, “Tu thân huấn đức”, “Ca dao về Mẹ”, “Bài ca nghĩa binh Thánh Thể” chẳng hạn.
Trong hàng trăm ấn phẩm của Tủ sách Ra Khơi, chúng ta tìm thấy rất ít tác phẩm thơ, vì các tác giả đi sâu vào nghiên cứu hơn là nghệ thuật.
Hiện tình về thơ văn Công Giáo tại Bùi Chu
Sau biến cố 1954, việc sáng tác thơ ca tại Bùi Chu (Miền Bắc) bị chững lại. Ngay cả các sách vở tài liệu cũng bị đốt cháy hoặc tiêu tán, tản mát đi.
Hiện nay việc sáng tác thơ ca vẫn còn sôi nổi, nhưng chủ yếu có tính ngẫu hứng, hoặc “theo đơn đặt hàng”. Các sáng tác đó lưu truyền trong dân gian, nhưng ít được phổ biến hoặc giới thiệu tới người khác, do không được in ấn. Vì thế, chúng ta chỉ thử kể ra đây một vài tác giả đã có tác phẩm đã được xuất bản.
1- Gm. Giuse Hoàng Văn Tiệm
Ngài có một số bài thơ được đăng tải trong các ấn phẩm của Giáo phận, nhất là hàng trăm ca khúc đượm chất thơ của tập ca khúc: “Thánh Ca Tuyệt Vời”.
2- Lm. Phaolô Nguyễn Hoà Kiên (bút danh Hát Ca [HK])
Như con ong thợ, góp nhặt và sáng tác “những ý thơ giản dị nhằm khuyên răn giáo dục thế hệ trẻ sống gương mẫu hơn, tốt đẹp hơn với cuộc đời này” , ngài đã cho chào đời một số ấn phẩm: Thơ tuyển tập (2005), Cách sống, tập 1-5 (2010), Tổng tập thơ Cách sống (Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2011)… Ngoài ra còn có một số sách có tính biên soạn và khảo cứu, như Toát yếu 120 bài giảng (Gm Giuse Phạm Năng Tĩnh, 2011), Lịch sử những ngày lịch sử (Nxb. Tôn Giáo 2010). Lễ Thăng Thiên 2011, ngài đã thành lập CLB “Chữ Tâm” quy tụ 15 thành viên.
3- Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng (bút hiệu Hương Kinh)
Đóng góp trong tập “Kinh Trong Sương” các bài thơ: Linh Thi, Mẹ Bảy Sự - Mẹ Sầu Bi, Chiều Emmaus, Ơn gọi tình yêu, Thánh Giá, Hương Kinh Trà Lũ, Lời kinh của mẹ.
Tập thơ “Hương Kinh Trà Lũ” đăng trên Dũng Lạc. Ngoài ra cũng cộng tác và đăng một số bài thơ trên Mạng Lưới Dũng Lạc, VietCatholic và một vài trang mạng khác.
4- Nt. Maria Madalena Nguyễn Ánh Hường (bút hiệu Nguyên Hương)
Sáng tác nhiều thơ và rất có sở trường về thơ văn. Các tập thơ đã xuất bản dưới dạng lưu hành nội bộ: Nước mắt yêu thương (2001), Màu tím mùa Chay (2001), Nước mắt nguyện cầu (2003, sau đổi tựa thành Hoa châu rơi), Tình lộng gió (2003), Mẹ yêu (2005). Giải ba cuộc thi “Viết Về Mẹ” do Chương trình Chuyên đề của BMV GĐ/TGP SG tổ chức với bài thơ “Mùa Nả”. Cộng tác viên các trang web như Đồng Xanh Thơ, Thánh Ca Việt Nam, Dũng Lạc, Chương trình Chuyên đề của BMV GD / TGP SG.
Kết: Tiềm năng và triển vọng
Như thế, xét về thơ ca và văn hoá Nhà Đạo, Bùi Chu có một quá khứ đáng tự hào và kiêu hãnh, một hiện tại đầy thao thức và trăn trở, một tương lai có nhiều lo âu nhưng cũng tràn trề hy vọng.
Còn có nhiều tác giả sáng tác thơ cách âm thầm, còn những tài năng chưa được “khai quật”, vì các tài năng đó còn đang ẩn mình, còn đang chưa có cơ hội để thể hiện mình, để toả sáng trên làng thơ hiện đại, nhất là các tài năng trẻ… Một số cây bút tiềm năng rất hy vọng, như các linh mục Bùi Trọng Khẩn (bút hiệu Trọng Khẩn), Nguyễn Văn Chân (bút hiệu Minh Chiết), Bùi Trung Thực (bút hiệu Bùi Ninh), Mai Văn Châu; các giáo hữu như Đinh Năng, Mai Năm, Minh Dung, Hữu Lợi, Tiến Lãm…
Ước mong rằng trong tương lai có thể tái lập Tủ sách Ra Khơi, thiết lập CLB Thơ Văn Công Giáo, tổ chức các giải thưởng chủ đề để thu hút mọi giới về thi ca và dùng thi ca mà “văn dĩ tải đạo”, ngõ hầu có thể làm sống lại phong trào thơ văn Công Giáo tại chính nơi vốn là chiếc nôi lớn của công cuộc loan báo Tin Mừng qua con đường “tơ lụa” văn hoá này.
Bùi Chu 18/7/2011
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
Đây là nội dung thứ hai trong 5 nội dung đã được thông báo về mục vụ văn thơ Công giáo:
I. Bản tin sự kiện: Lễ trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại ba Giáo tỉnh
II. Những chia sẻ của các Chủ Chăn
III. Những chia sẻ của các Câu Lạc Bộ
IV. Những chia sẻ của các tác giả
V. Những chia sẻ của Ban Tổ Chức
Sau khi phát hành nội dung thứ nhất, có ý kiến xin thêm một nội dung thứ sáu: Những chia sẻ của độc giả. Đây là một ý kiến rất hay. Ước mong quý độc giả và cả các vị tác giả chưa phát biểu trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tham gia đóng góp suy tư và sáng kiến cho mục vụ văn thơ Công giáo Việt Nam. Xin vui lòng gởi bài về gopnhattho@yahoo.com trước ngày 05-8-2011 để có thể kịp biên tập và phát hành vào ngày Lễ Chúa Biến Hình, 06-8-2011. Xin ghi rõ quý vị thuộc giáo phận nào. Xin chân thành cám ơn.
Nội dung thứ hai quý độc giả đang theo dõi cho thấy mục vụ văn thơ Công giáo tại Việt Nam là một bận tâm và thao thức lớn của các vị mục tử. Để nêu bật điều ấy, chúng tôi xin tập kết tại đây một số phát biểu của quý Đức Cha và quý cha đại diện các giáo phận qua ba dịp:
- Phát hành tuyển tập Kinh Trong Sương (2008)
- Cuộc thi Sen Giữa Lầy (2009-2010)
- Cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời (2010-2011).
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN SOẠN, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN
(Lời giới thiệu Tuyển tập Kinh Trong Sương, Nxb Phương Đông, 2008)
Ở một số dân tộc, người ta sinh ra và lớn lên trong dân vũ. Tại Việt Nam, chúng ta sinh ra và lớn lên trong thơ ca. Người mẹ miền Bắc ru con trong tiếng à ơi, ạ ời. Người mẹ miền Nam ru con trong tiếng ầu ơ. Thôi nghe tiếng ru, em bé học vỡ lòng đạo lý làm người bằng ca dao tục ngữ cho đến ngày khôn lớn. Đến tuổi thành nhân, người ta tìm kiếm bạn đời bằng hát ghẹo, hát ví, hát dặm… Lại cũng là thơ…
Du nhập vào Việt Nam, Kitô Giáo không phát triển ngoài nhịp sống ấy của dân tộc. Các tín hữu Kitô đã sớm có những ca dao, hò, vè, câu đố mang nội dung đức tin và luân lý Kitô Giáo. Cao cấp hơn là kinh bổn và nhiều tác phẩm văn chương bằng lục bát và các thể loại văn vần khác. Rồi từ ngày có trào lưu thơ mới, nhiều tín hữu đã dùng nó để diễn tả lòng tin Kitô….
Không ở đâu mà trong Dân Chúa thiếu người làm thơ… Để riêng rẽ, thơ ca của họ dường như là chuyện cá nhân. Giờ đây, sưu tập lại, gom lại thành một vườn hoa, ta mới thấy rằng thơ ca là một mạch sống của Dân Chúa tại Việt Nam.
Hiểu như thế, bộ Sưu Tập Thơ Công Giáo quả là một công trình cần thiết và đáng quý. Tôi xin trân trọng giới thiệu với mọi người, cả trong cũng như ngoài cộng đồng Công Giáo.
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGÔ QUANG KIỆT
Phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, 6B Tôn Đức Thắng, Quận I.
Tôi rất vui, sau việc họp HĐGMVN lại được dừng chân ở đây để tham dự đêm thơ, để gặp gỡ và lắng nghe tâm tình anh chị em văn nhân nghệ sĩ qua thơ và nhạc, được giao duyên khi nghe những bài thơ, bài nhạc thật hay. Như một anh em đã phát biểu lúc nãy, chợ sách, chợ văn, chợ thơ bây giờ thật ế ẩm. Thế mà vẫn có những người dấn thân, hy sinh, lao động vất vả trên cánh đồng thơ, thật đáng quý.
Riêng tôi, tham dự đêm thơ này, tôi có vài cảm nhận.
Thơ là một cái gì rất đặc biệt. Như anh Lê Đình Bảng vừa nói, tại sao có người làm thơ, có người không? Không phải ai cũng có thể làm thơ. Những người làm thơ là những người có được những cảm nghiệm đặc biệt mà kẻ phàm phu tục tử không nhận ra. Chẳng hạn, cha Xuân Ly Băng nghe tiếng chuông mà nghiệm ra lời Đức Mẹ nhắn nhủ, còn thiên hạ chỉ nghe được như một tiếng động thuần vật lý, như đàn gảy tai trâu. Rồi chẳng hạn, chúng ta, người thường, nhìn chiếc khăn tím thì chỉ thấy chiếc khăn tím, còn nhà thơ Trần Mộng Tú nhìn vuông vải tím lại cảm nghiệm ra tình yêu của Chúa chịu đóng đinh và lời mời gọi hoán cải. Như thế, nhà thơ có cái nhạy cảm đặc biệt, nằm ngoài năm giác quan của người thường. Nói được, các nhà thơ thuộc một nòi đặc biệt, nhận được một ơn đặc biệt Chúa ban cho.
Riêng đối với những người làm thơ đạo, cái nhạy cảm ấy lại còn ở một mức cao vượt hơn. Những dấu hiệu bên ngoài như tiếng chuông, ngôi thánh đường, vuông vải tím trở thành những tín hiệu của những thực tại vô hình. Nhạy cảm ấy không phải tự nhiên mà có được nhưng phải do cầu nguyện. Chẳng ai làm thơ mà không có xúc động trong tâm hồn; mà những xúc động đạo đức thì chỉ qua cầu nguyện mới có được.
Chính nhờ cảm nghiệm bén nhạy ấy câu thơ mới truyền được xúc động sang người khác. Như ban nãy anh Cao Huy Hoàng cho biết, chỉ hai câu thơ của Đông Khê: “Không phải con lên cao, nhưng vì Ngài cúi thấp” đủ khiến nhạc sĩ Lưu Văn Trung khóc mấy đêm liền.
Với người làm thơ đạo, cảm nghiệm thiêng liêng, cảm hứng thiêng liêng thật quan trọng. Cảm nghiệm ấy trước hết là do Thiên Chúa ban nhưng đồng thời cũng còn do cầu nguyện.
Cảm nhận thứ hai tôi muốn chia sẻ là về sách. Lời nói bay đi, chữ viết còn mãi. Những gì đã được viết ra, nhất là đã được in thành sách, thì không ai biết trước được con đường của nó. Ta không biết nó sẽ đi đến đâu. Nó có thể vượt đại dương, đến tận những xóm thôn hẻo lánh, chạm đến những tấm lòng nào đó, những nơi rất xa xôi. Thế nên, sách vở và các phương tiện truyền thông thật quan trọng. Đó là con đường chuyển tải tư tưởng cũng như tiếng gọi đạo đức xuyên qua các thời đại, đến với những tấm lòng mà chỉ Thiên Chúa mới biết được, còn chính các tác giả không ngờ tới.
Sách vở thật quan trọng, cách riêng là thơ. Ngày nay, lý luận nhiều khi chẳng có sức thuyết phục mấy, nhưng những tiếng nói từ trái tim lại dễ đến với những trái tim; những tiếng nói từ tấm lòng lại dễ đến với những tấm lòng. Có lẽ cũng chính nhờ con đường của tấm lòng mà Phạm Xuân Tuyển đã gặp Hàn Mạc Tử và đức tin của Hàn Mạc Tử. Như thế ta thấy thơ thật cần thiết trong cuộc sống, để chia sẻ tâm tình và chia sẻ đức tin.
Với những cảm nhận ấy, tôi không mong ước gì hơn là mong ước có thêm nhiều nhà thơ và có thêm nhiều nhà thơ đạo nữa, để giúp chúng ta cảm nhận được tất cả những vẻ đẹp trong trời đất, nhất là cảm nhận được những vẻ đẹp của Nguồn mọi vẻ đẹp là chính Thiên Chúa, để gởi những tiếng nói từ tấm lòng đến với những tấm lòng, để giúp những tấm lòng ấy rung động trước sự thiện, trước vẻ đẹp và biết đón nhận Đấng Đẹp Tuyệt Đối.
Tôi cầu mong có thêm nhiều tuyển tập thơ và nhiều đêm thơ nữa để những vẻ đẹp ấy được chuyển đi khắp nơi và nhờ đó thế giới này sẽ đầy vẻ đẹp.
Tôi cầu chúc cho có thêm nhiều sách, nhiều người làm thơ và nhất là thơ đạo.
(TTT ghi lại từ băng nhựa)
ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH, GIÁM MỤC KONTUM
Phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, 6B Tôn Đức Thắng, Quận I.
Tâm tình của tôi giờ này là rất chân thành cám ơn và cám ơn. Cám ơn Ban Tổ Chức đã có nhã ý mời tôi tới tham dự đêm thơ và phát biểu trong giây phút này.
Tôi không biết hát, không biết ngâm thơ nhưng chẳng thấy lạc lõng khi tới đây, chỉ vì tôi đang được ở giữa các nhà thơ.
Ngay từ hồi còn là chủng sinh, tôi đã có ước vọng quy tụ các nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ để phục vụ Chúa. Tôi đã gầy dựng nhóm dịch thuật Hương Quê, rồi sau đó đã tiến tới thành lập nhà xuất bản Vào Đời, quy tụ các nhóm sinh hoạt văn hóa Công Giáo lúc ấy: Nhóm Niềm Vui, nhóm Tin Yêu, nhóm Niềm Tin, nhóm Thăng Tiến, tạp chí Tuổi Hoa, vv… Tiếc là sau 1975, mọi điều kiện thay đổi, tôi lại ở mãi miền núi, không sao tiếp tục được. Nay được thấy các đàn em tiếp nối những công việc ấy, tôi rất vui mừng xúc động. Xin cám ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi được dịp sống lại những ước mơ của mình trước đây.
Bởi lẽ tôi nhận biết tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn của thơ văn và âm nhạc, của anh chị em giới sáng tác nói chung và cách riêng là giới sáng tác Công Giáo. Bản chất người Kitô hữu là được sai đi để rao giảng tình yêu thương không những qua đời sống phục vụ mà còn qua cả sứ điệp bằng lời. Trong những diễn tả bằng lời thì những lời thơ, dòng văn hoặc ý nhạc có sức truyền tải rất đặc biệt. Vì thế tôi cám ơn và rất xúc động khi nhìn thấy anh em rất tha thiết với vấn đề này và đang hy sinh nhiều cho vấn đề này.
Tôi biết thời gian qua anh em hầu như cảm thấy cô đơn. Dĩ nhiên anh em nhớ rằng tất cả các thánh đều đã cô đơn. Thế nhưng riêng bản thân tôi, với tư cách giám mục, tôi nghĩ rằng, anh em nhà văn nhà thơ từ nay khi cần tới, hãy cứ gõ cửa, và tôi hứa sẽ làm bất cứ điều gì có thể được.
Ngoài ra tôi xin chia sẻ thêm một chút về trách nhiệm của người Công Giáo đối với chữ quốc ngữ. Các vị thừa sai, cha ông của chúng ta trong đức tin, khi đến đất nước này, đã sáng nghĩ ra chừ quốc ngữ để cho con cháu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hình như lớp con cháu, trong đó có chúng tôi, chưa biết tận dụng gia sản quý báu ấy. Đang khi đó những anh em khác đã tận dụng. Tiếc là vì không biết đến Thiên Chúa, các tác phẩm của họ nhiều khi không chuyển tải được lòng khoan dung và tinh thần phục vụ mà lại chuyển tải một sức mạnh nào đó làm tan nát cõi lòng, làm hoen ố con tim của tuổi trẻ. Thiết nghĩ sự vắng bóng những sáng tác Kitô giáo là một cái lỗi lớn mà con cháu các thừa sai, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm.
Vì thế, tôi cũng tiếp lời của Đức Tổng, cầu chúc cho có thêm nhiều nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ biết chuyển tải lời của Chúa, sứ điệp Tin Mừng, đến cho mọi người.
Chúng ta cũng có trách nhiệm phải lo cho con cháu chúng ta, cả con trai và con gái, được ăn học đến nơi đến chốn, cách riêng là trau dồi tiếng Việt, trau dồi chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ là gia sản của người Việt Nam Công Giáo. Chúng ta phải ý thức điều đó và lo cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn để có khả năng làm thơ, viết văn, soạn nhạc, không những để làm đẹp Tin Mừng mà còn làm đẹp cho quê hương dân tộc Việt Nam.
Vì thế, tôi rất đồng cảm với anh em và cám ơn anh em một lần nữa. Xin cầu chúc như Đức Tổng đã cầu chúc, và bản thân tôi sẽ cố gắng đóng góp bằng tất cả khả năng mà Chúa cho phép. Xin cám ơn một lần nữa.
(TTT ghi lại từ băng nhựa)
ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA
(Lời giới thiệu Tuyển tập Sen Giữa Lầy, Nxb Phương Đông, 2010)
Tôi rất vui khi nhận được tuyển tập cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy. Hàng trăm tác giả thơ, văn, nhạc và họa cùng cất cao lời xưng tụng Mẹ Maria và tôn vinh đức khiết tịnh. Để riêng ra, giá trị của từng bài có thể còn giới hạn, nhưng góp chung lại, nó làm nên lời chứng tập thể sống động. Tôi tin rằng tuyển tập này sẽ làm dậy lên một phong trào sống Tin Mừng hào hùng nơi giới trẻ trong giai đoạn mới của Hội Thánh Việt Nam.
Xin chân thành giới thiệu đến các gia đình, đến các bạn trẻ đang hướng tới đời sống hôn nhân và các bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi tận hiến. Cũng xin trân trọng giới thiệu tuyển tập này đến các nhà giáo dục để cùng chung sức động viên giới trẻ vững tiến trên nẻo đường cao cả.
Phan Thiết, ngày 28 tháng 6 năm 2010
+ Giuse Vũ Duy Thống,
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết
Chủ Tịch UBVH-HĐGMVN
ĐỨC CHA GIUSE CHÂU NGỌC TRI, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
(Thư khích lệ cuộc thi Sen Giữa Lầy, 2010)
Kính Quý Cha
Con vẫn theo dõi cuộc thi xướng hoạ thơ Đường luật tôn vinh Mẹ Maria, từ bài xướng đầu tiên của Cha Thi sĩ Trăng Thập Tự cho đến ngót nghét 500 bài hoạ, và rất đồng cảm đồng tình với cuộc chơi rất văn hoá và thánh thiện này. Xin chúc mừng Quý Cha về sáng kiến và sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều người. Kính chúc Quý Cha luôn kiên nhẫn và hăng say để tiếp tục dùng khả năng Chúa ban mà phục vụ Hội Thánh Chúa trong lãnh vực đặc biệt này, với những sáng kiến mới trong tương lai, đặc biệt hướng về Giới Trẻ.
Sắp đến Lễ Truyền Tin, và cũng là thời điểm kết thúc cuộc chơi, con xin mạo muội góp vào sân chơi một bài hoạ, và mong là bài hoạ cuối cùng, để hoà giọng cùng anh chị em mình tôn vinh Đức Nữ Đồng Trinh nhân ngày Lễ Truyền Tin. Xin Quý Cha đón nhận. Cám ơn Quý Cha.
SEN THÁNH
Trần gian tội lỗi ngập bùn đen,
Thiếu nữ Sion, một đoá sen.
Đẹp lòng Thiên Chúa, câu trinh khiết,
Thoả dạ nhân trần, lời chúc khen.
Trịnh trọng “Kính Chào”, ngôi thiên sứ,
Khiêm tốn “Xin Vâng”, phận tớ hèn.
Cõi lòng vẹn sạch nên Cung Thánh,
Duyên Đất, Tình Trời đã đan chen.
+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám mục Đà Nẵng.
ĐỨC CHA MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI, GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN QUI NHƠN
(Lời giới thiệu Tuyển tập Thánh Cả Giuse, Nhánh Huệ Nước Trời, Nxb Phương Đông, 2011)
Sau khi chiêm ngắm Đức Maria như đóa SEN GIỮA LẦY, chúng ta cùng nhau tôn vinh thánh Giuse như NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI. Cả sen và huệ đều là biểu tượng của đức khiết tịnh, của nhân cách thanh cao. Nếu về sen đã có câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,
thì về huệ ta cũng có thể phác họa bằng thơ:
Trong vườn đẹp nhất huệ trinh
Dáng cao hoa trắng thắm xinh ngọt ngào
Ngọt ngào hoa trắng dáng cao
Đất đen mặc đất huệ nào nhiễm lây.
Nếu đóa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nhờ những phiến lá thật lớn trải trên mặt đầm, cách ly những đóa hoa với bùn lầy, thì Đức Maria trinh nguyên tuyệt vời nhờ biết sử dụng những tấm lá chắn ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ cùng với ơn vô nhiễm nguyên tội. Nếu nhánh huệ vẫn “hoa trắng thắm xinh ngọt ngào” trên nền đất đen nặng mùi ẩm mốc nhờ vào “dáng cao”, thì thánh Giuse cũng trong trắng thanh sạch nhờ biết cộng tác với ơn Chúa để ý chí vươn cao, vượt trên “sự thường tình” của con người xác thịt.
Dầu ở bậc sống nào, đức khiết tịnh vẫn là một ân huệ của trời cao mà con người cần phải biết ân cần gìn giữ, bằng cách làm chủ giác quan và trí tưởng tượng, bằng sự tự chủ trước mọi cám dỗ và thách đố của nền văn minh hưởng thụ và bằng nỗ lực vươn cao, thắng vượt chính mình mỗi ngày. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng vua Salômôn dù vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng một đóa huệ ngoài đồng (x. Mt 6,28-29), có lẽ bởi vì ông ăn mặc sang trọng nhưng thiếu tấm áo khiết tịnh (x. 1V 11,3; Hc 47,19).
Trong khu vườn nhỏ Nadaret có đóa sen và nhánh huệ cùng nở bên nhau, đó là Đức Maria và thánh Giuse. Cả hai cùng hướng lên mặt trời là Đức Giêsu. Đúng như Saint-Exupéry đã nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Chính nhờ cùng hướng về Đức Giêsu mà Đức Maria và thánh Giuse đã thể hiện được tình yêu trong trắng tuyệt vời của mình. Đức khiết tịnh không trái nghịch với tình yêu, nhưng làm cho tình yêu được triển nở và trở nên thanh cao.
Mặt trời tô điểm muôn màu cho từng loại bông hoa, nhưng chính ánh sáng mặt trời lại mang màu trắng. Màu trắng là tổng hợp của các sắc màu. Khi chiếu xuyên qua lăng kính, ánh sáng trắng của mặt trời được tách ra thành 7 sắc màu liên tục làm nên một vòng tròn khép kín: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Màu sắc của mỗi loài hoa tùy thuộc vào việc chúng phản chiếu một vài màu nào đó trong 7 sắc màu của ánh sáng mặt trời. Trong cuộc hiển dung trên núi, khuôn mặt Đức Giêsu “chói lọi như mặt trời, và y phục của Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Đức Maria và thánh Giuse đã phản chiếu trọn vẹn 7 sắc của ánh sáng mặt trời là Đức Giêsu, nên cuộc đời của các ngài chỉ toàn một màu trắng tinh tuyền, được tượng trưng bằng đóa sen và nhánh huệ.
Cùng hướng về mặt trời là Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse đã thể hiện 3 nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Đó là 3 nhân đức siêu nhiên căn bản của người kitô hữu, nền tảng của các nhân đức luân lý, trong đó có đức khiết tịnh. Không thể sống khiết tịnh nếu không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, không hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp của Chúa và không dâng hiến trọn vẹn con tim để yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
Thánh Giuse đã luôn luôn đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, vì thế Ngài được Thánh Kinh truy tặng một biệt danh là “người công chính” (Mt 1,19), vì chính nhờ đức tin mà con người mới được nên công chính (x. Rm 4,3-4.9.11.13.21-22.24). Dáng đứng của nhánh huệ cũng là dáng đứng của người công chính sống bởi đức tin. Nhờ tin vào Thiên Chúa mà thánh Giuse sẵn sàng hy sinh chương trình riêng và chấp nhận sống cuộc đời trinh khiết để hoàn toàn hiến thân cho công cuộc của Chúa. Thánh Giuse đã hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa, chẳng những khi gặp khó khăn trong việc thi hành sứ mạng bảo vệ Con Chúa, mà còn trong việc giữ đức khiết tịnh ngay trong đời sống gia đình. Thánh Giuse đã hết lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng thực hiện tất cả mọi ý định và mệnh lệnh của Chúa, không hề thoái thác hay quản ngại khó khăn. Cũng chính tình yêu nồng nàn đối với Chúa đã khiến Ngài có thể giữ trọn đức khiết tịnh để trái tim của Ngài luôn thuộc trọn về Chúa.
Hình dáng vươn cao của nhánh huệ cùng với màu trắng tinh tuyền của những đóa hoa tỏa hương thơm ngát một góc vườn, tương phản với màu đen và mùi ẩm mốc của đất, gợi lên hình ảnh đức khiết tịnh vươn cao tỏa ngát giữa cuộc đời đen tối và nhầy nhụa xác thịt của nền văn minh vật chất và hưởng thụ hôm nay.
Xin được họa lại bài thơ Huệ Trắng của nhà thơ Dzuy Sơn Tuyền bằng những vần thơ mang tựa đề Giuse Thánh Cả:
Giuse thánh cả, kính mừng Cha
Nhánh huệ đơm bông rực cả nhà
Thờ Chúa trọn niềm trong thử thách
Tu thân vững dạ trước phong ba
Trái tim trong trắng dâng Thiên Chúa
Thân xác tinh tuyền hiến Thánh gia
Gương sáng đời Ngài con dõi bước
Mai ngày vui hát khúc âu ca.
Người Viễn Khách
Mong sao tuyển tập THÁNH CẢ GIUSE, NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI sẽ góp phần gây ý thức và động viên mọi người giữ đức khiết tịnh trong bậc sống của mình, bằng tâm tình tin cậy mến đối với Thiên Chúa và bằng sự tự chủ đối với bản thân.
Qui Nhơn, tháng kính thánh Giuse, 2011
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục phó Giáo phận Qui Nhơn
ĐỨC CHA VŨ DUY THỐNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA
(Nhắn gởi Buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Sài Gòn)
Khi được mời mời tham dự buổi trao giải hôm nay, Đức Cha rất vui mừng. Ngài cho biết vì bận lễ Phong Chức LM, không thể đến dự được, nhưng xin gửi đến Buổi Trao Giải mấy lời khích lệ sau đây:
“- Cảm ơn và hoan nghênh tất cả quí tác giả đã tham gia dự thi
- Chúc mừng quí tác giả đạt giải
- Cảm ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, quí ân nhân, và tất cả những ai đã góp phần mình vào cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời.
- Ước mong và luôn khích lệ lớn lao cho những cuộc thi Thơ Văn Công Giáo sắp tới.
- Đề nghị Ban Tổ Chức Nhánh Huệ Nước Trời tiếp tục tổ chức cuộc thi Thơ Văn Công Giáo mở rộng cho mọi thành phần tham gia nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà Thơ Công Giáo Hàn Mạc Tử 22-9-2012.
- Xin Chúa chúc lành và xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam phù trợ cho mọi nỗ lực văn hóa, văn học công giáo của anh chị em”.
ĐỨC ÔNG XUÂN LY BĂNG, NGUYÊN TỔNG ĐẠI DIỆN GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
(Nhắn gởi Buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Sài Gòn)
Được mời tham dự buổi lễ trao giải, Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng từ chối vì lý do già yếu. Ngài nhờ anh Cao Huy Hoàng chuyển mấy lời sau đây:
- Hết lòng khen ngợi Ban Tổ Chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời đã đổ bao tâm sức cho công trình văn học Công Giáo được phát triển về hai mặt: Đức Tin và Văn Học.
- Chúc mừng tất cả các tác giả dự giải và đạt giải
- Ước mong các tác giả đã dự giải, và nhất là các tác giả đạt giải sẽ sống trọn điều mình đã suy niệm, đã viết, tạo nên một phong trào thánh hóa cuộc sống đức tin trong đời sống văn hóa nghệ thuật, làm chứng cho Chân Thiện Mỹ của Nước Thiên Chúa.
ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ LÊ VĂN HỒNG, GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
(Phát biểu trong buổi trao giải NHNT tại TTMV Tgp Huế)
Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Têphanô.
Kính thưa quý cha trong BTC
Kính thưa quý đại biểu đến từ các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế
Kính thưa quý Ban giảng huấn của lớp huấn luyện ca trưởng
Kính thưa quý tác giả đạt giải thưởng hôm nay
Tòa Tổng Giám Mục Huế hân hoan chào đón và cám ơn tất cả quý vị về với Trung tâm mục vụ Huế để tổ chức lễ trao giải " Nhành Huệ Nước Trời", nhằm tôn vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ đời sống khiết tịnh.
Xin cám ơn Ban tổ chức đã có những thao thức trăn trở cho việc phát triển văn học công giáo, và công việc sáng tác văn thơ mang đậm dấu ấn Tin Mừng và niềm tin kitô giáo.
Xin cám ơn các tác giả đã hăng hái tham gia cuộc thi để phát triển văn học công giáo của chúng ta.
Như chúng ta biết, từ ngày Tin Mừng được rao giảng trên đất Việt Nam, gần 400 năm nay (1615), hồn thơ của các thi sĩ công giáo đã tìm gặp thêm một nguồn cảm hứng mới không bao giờ khô cạn cho nền văn thơ và những bài viết chuyển tải Tin Mừng và niềm tin Kitô giáo.
Gần đây nhà thơ Lê Đình Bảng đã có công gom góp và hình thành bộ sách "Ở Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam". Qua pho sách nầy, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy rằng có rất nhiều người công giáo đã biết khai thác và múc kín cảm hứng thi ca qua Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Có thể nói Tin Mừng đã thấm đượm văn thơ, câu hò, tiếng hát và văn học mang dấu ấn Tin Mừng, có khả năng chuyển tải đến tâm hồn con người niềm tin kitô giáo.
Tuy nhiên đã có một thời giai dài, vì hoàn cảnh chiến tranh , vì thời cuộc chính trị phong trào sáng tác của các nghệ sĩ công giáo xem ra đã im hơi lặng tiếng hoặc chưa được cổ võ đúng mức. Hy vọng rằng những cuộc thi văn thơ như thế này sẽ là một điểm nhấn và là một khích lệ lớn lao cho phong trào sáng tác thơ văn Công giáo trong tương lai.
Xin chúc mừng các tác giả dự thi và nhất là các tác giả đoạt giải hôm nay.
Xin cầu chúc cho phong trào sáng tác văn thơ Công giáo phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Xin cám ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, và tất cả quý vị đã tích cực góp phần cho cuộc thi " Nhành Huệ Nước Trời" hôm nay. Mong rằng trong tương lai sẽ còn những tổ chức khác tương tự để giúp cho những tài năng trẻ có cơ hội phát triển.
Riêng về nguyện vọng mà nhà thơ Trăng Thập Tự đã nêu lên về những giải thưởng cấp Giáo tỉnh để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, tôi hy vọng rằng UBVH /HĐGMVN và các ĐGM sẽ lưu tâm một cách nào đó để đáp ứng nguyện vọng nầy.
Xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang chúc lành cho những nổ lực phát triển văn học công giáo Việt Nam. Xin chân thành cám ơn.
+ FX Lê Văn Hồng
Giám Mục Phụ Tá Huế
ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN SANG, NGUYÊN GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH
Thái Bình, ngày 13/07/2011
Kính gửi cha Võ Tá Khánh
Kính thưa Cha! Tôi rất hân hạnh được Cha chú ý gửi thư mời tới dự cuộc tuyên bố kết quả và trao giải cho các tác giả văn thơ Công giáo sẽ diễn ra tại TGM Hải Phòng. Tôi rất vui mừng được Cha cho biết cuộc thi kết quả tương đối tốt. Tôi đã được biết có cuộc thi này từ lâu, tuy rất muốn tham gia song đã lớn tuổi (ngoài 80) và hiện đã từ nhiệm nhưng vẫn còn đôi chút sức khỏe nên vẫn còn đi làm mục vụ ở các xứ họ. Đàng khác, tôi đang đầu tư thời gian vào việc viết cuốn Hồi Ký từ khi tôi làm giám mục, dự định chừng khoảng 5000 – 6000 trang,… nên không có nhiều thời giờ và phương tiện để làm những công việc văn thơ rất yêu thích. Tôi cũng rất muốn đến dự buổi trao giải thưởng song đúng ngày hôm đó tôi lên đường sang Mỹ để thăm gia đình và người thân quen… Mấy dòng thô thiển kính thăm Cha, xin Cha thông cảm và kính chúc Cha mạnh khỏe, nhiều ơn lành của Chúa để làm sáng danh Chúa và Giáo Hội trong lãnh vực văn chương. Xin Cha cầu nguyện nhiều cho tôi.
Kính thư,
F. X. Nguyễn Văn Sang
Nguyên Giám Mục Thái Bình
ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BẮC NINH
Xin cám ơn Ban Tổ Chức đã tạo điều kiện để có cuộc gặp gỡ này. Tôi vốn cũng thích cầm bút. Trước khi làm giám mục đã có viết lách điều này điều kia, nhưng sau khi làm giám mục, từ ba năm nay chưa viết được cái gì, cũng chưa làm được cái gì để cổ võ về văn thơ, nhất là khi mình ở Bắc Ninh là đất văn thơ, cho nên trước hết, xin có lời tạ lỗi vì sự thiếu sót.
Tiếp đến xin có một vài chia sẻ để chúng ta đừng quá bi quan về văn học Công giáo.
Có thể chúng ta cảm thấy xấu hổ khi nhìn lại những đóng góp lớn lao của những tác giả buổi đầu: Cha Alexandres de Rhode, cha Majorica; rồi tiếp đó là các ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, cha Trần Lục; sang thế kỷ 20 là Hàn Mạc Tử mà chúng ta sắp kỷ niệm 100 năm sinh…
Thế nhưng thật ra vẫn có nhiều người viết mà không được biết đến. Trước đây tôi có giúp một nhóm bệnh nhân phong như Hàn Mạc Tử, một số đã họp nhau lại khuyến khích nhau sáng tác, nay chỉ còn một người là Đơn Phương. Anh sáng tác nhiều, mới cho xuất bản một tập truyện thơ về Chúa Giêsu, dài hơn Truyện Kiều, tựa đề “Ngọc đàn thanh” nhưng có lẽ chưa mấy ai biết.
Có nhiều vị khác cao niên hơn như cụ Phạm Đình Khiêm, Đức ông Xuân Ly Băng, và một linh mục gốc Bắc Ninh nay đã chết, chaLê Minh Bình Dương, có lẽ cũng ít người để ý. Cha Nguyễn Xuân Văn ở Tuy Hòa viết trường thiên Sứ Điệp Tình Thương về Chúa Giêsu gần 10 ngàn câu lục bát. Một vị khác ở Thủ Thiêm, cũng viết về Chúa Giêsu, chẳng biết có ai ở đây đã đọc chưa.
Đó là chưa kể có nhiều người đã và đang viết nhưng không có điều kiện xuất bản; có thể nói theo kinh Mân Côi là ngày nay đang giấu cất để mai sau trưng bày. Ví dụ như quyển “Lời Chúa không bị xiềng xích” của cha Bùi Đức Sinh.
Cả cuộc thi hôm nay cũng là một khởi đầu mới cho văn thơ Công giáo VN, ta cần cùng nhau tiếp tay nhau xây dựng, chỉ ngồi than vãn không đi đến đâu.
Về giáo phận Bắc Ninh, thiết tưởng tôi cũng có lỗi. Bắc Ninh là đất thơ văn, hiện ngoài đời thì khá trổi trang nhưng phía Công giáo còn chậm chạp. Điều ấy, xin mọi người cũng thông cảm vì lẽ, năm 1954 những người có học đều đi vào Nam hết chỉ còn lại những người nghèo, số sót của Dân Chúa. Cần phải có thời gian để phục hồi. Trong cuộc thi lần này, Bắc Ninh cũng đã có một sinh viên dự thi nhưng chưa đạt giải. Ở Bắc Ninh cũng có một tác giả viết tiểu thuyết rất hay là Công giáo nhưng chỉ mới viết tiểu thuyết đời.
Hy vọng, qua thời gian, ba cây chụm lại sẽ thành hòn núi cao. Ta cứ bắt đầu từ những câu lạc bộ nho nhỏ, rồi Giáo hội và Dân Chúa cùng làm, dần dần ta sẽ làm được. Như một câu trong sách Nho mà tôi rất tâm đắc: Dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phù nhân. Lấy văn chương quy tụ bạn bè, rồi lấy tình bạn đề cao lòng nhân, phát huy đức ái của Chúa Kitô.
Có thể lắm người vẫn còn bi quan nhưng tôi muốn chia sẻ để tất cả chúng ta thấy vẫn còn nhiều niềm hy vọng.
(TTT ghi lại từ file mp3)
ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN ĐỆ, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH
Cha Võ Tá Khánh và tôi là bạn học. Do đó dù không sở trường về thơ ca, khi được ngài mời, tôi đã thu xếp đi dự để hưởng ứng sáng kiến của ngài và khích lệ các cộng sự viên của ngài. Ở giáo phẩn Thái Bình chúng tôi có một cây bút gạo cội, sáng tác nhiều văn thơ và viết nhiều sách là Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang, lại cũng có một tác giả gốc Thái Bình là nhà thơ Lê Đình Bảng đã thực hiện những công trình sưu tập đồ sộ. Cũng có những tác giả âm thầm khác. Tuy nhiên về phong trào sáng tác cho các bạn trẻ thì chưa có. Sau khi được tham dự buổi sinh hoạt hôm nay, khi về lại giáo phận, tôi sẽ cố gắng xướng xuất phong trào để cổ võ việc sáng tác thơ văn trong giáo phận.
(TTT ghi lại từ file mp3)
ĐỨC CHA GIUSE VŨ VĂN THIÊN, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha, Thưa Quý Vị
Trước hết, chúng con xin chào mừng Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị đã đến với Hải Phòng. Mặc dù thời tiết giữa hè nóng bức, nhưng vì lòng yêu mến đối với văn chương - thơ ca công giáo và vì tình cảm thân thương đối với Hải Phòng, Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị đã vượt qua đường xa để đến với chúng con hôm nay.
Thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị
Mặc dù tên gọi của buổi gặp gỡ hôm nay là “Lễ trao giải thưởng cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời”, nhưng với bầu khí thân thiện gần gũi, cuộc gặp gỡ này đúng hơn là một buổi tọa đàm mang tính gia đình Giáo Hội. Chúng ta gặp gỡ nhau để cùng chia sẻ những thao thức, ước mong cho văn thơ công giáo có một chỗ đứng trên diễn đàn văn học Việt Nam. Chia sẻ của Quý Đức Cha và Quý Vị là những trăn trở của hiện tại, đồng thời cũng là những hoài niệm về cội nguồn văn hoá Việt Nam, được ghi dấu bởi sự đóng góp đáng kể của nhiều tác giả công giáo. Nhắc nhớ về một quá khứ tự hào ấy đem lại cho chúng ta nguồn khích lệ, giúp chúng ta tiếp tục cộng tác làm cho ánh sáng đức tin được tỏa rạng qua nghệ thuật, văn chương và thi ca.
Như mỗi người chúng ta đã biết, văn chương, nghệ thuật và thi ca đều nhằm diễn tả cái đẹp, mà Vẻ Đẹp Tuyệt Vời chính là Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu mong cho ngày càng có nhiều tác giả công giáo đóng góp phần mình để diễn tả vẻ đẹp diệu huyền của Thiên Chúa giữa nhân gian.
Xin cám ơn Cha Phê-rô Võ Tá Khánh – Thi sĩ Trăng Thập Tự. Cha Phê-rô đã tâm huyết kêu gọi các tác giả sáng tác. Hai cuộc thi “Sen giữa lầy” và “Nhánh huệ nước Trời” là kết quả tuyệt vời của những sáng kiến quý báu đó. Những cuộc thi này đã giúp chúng ta phát hiện nhiều tài năng đủ mọi thế hệ trong Giáo Hội, tạo nguồn cảm hứng cho những sáng tác có giá trị văn hoá đặc sắc. Sự hưởng ứng đông đảo của các tác giả cho thấy niềm đam mê văn chương thi ca không thiếu trong giới công giáo Việt Nam.
Xin một lần nữa cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị. Sự hiện diện của Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị làm cho Hải Phòng thêm yêu thơ hơn và yêu nghệ thuật hơn. Ước mong những thao thức chia sẻ của Ban tổ chức và của các tác giả hôm nay được nhiều người, nhất là những vị hữu trách trong Giáo Hội , lắng nghe và đón nhận.
Nguyện xin Thánh Giuse, bông huệ trinh khiết và Cha của mọi gia đình, luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta là những người đang trải qua những gian nan cuộc sống, biết luôn tin tưởng, phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta. Xin trân trọng cám ơn.
+Gm Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
CHA GIUSE PHẠM VĂN QUẾ, ĐẠI DIỆN TGM THANH HÓA TẠI BUỔI TRAO GIẢI NHNT Ở HẢI PHÒNG
Nói về đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Việt không thể không nhắc đến thơ ca. Tiếng thơ hoà quyện trong tiếng nhạc, xuất hiện trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trong đó có sinh hoạt Công giáo. Ai cũng từng đi qua tuổi thơ, để rồi mỗi ngày lớn lên bên lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. Thôi nghe tiếng ru, em bé học vỡ lòng đạo lý làm người bằng ca dao tục ngữ cho đến ngày khôn lớn. Đến tuổi trưởng thành, đôi lứa yêu nhau qua những lời hát giao duyên... Có thể nói, thơ ca xuất hiện trong mọi thời khắc quan trọng của đời người.
Đạo Công Giáo từ khi du nhập vào Việt Nam cũng không phát triển ngoài nhịp sống ấy của dân tộc. Các tín hữu Kitô đã mau mắn đón nhận Tin Mừng rồi chuyển thể thành những câu ca dao, hò, vè, câu đố... nhằm chuyển tải nhanh nhất, nhiều nhất nội dung đức tin và luân lý Kitô Giáo. Trong Dân Chúa, khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh khó khăn vẫn có những người âm thầm sáng tác thơ ca để ngợi ca Thiên Chúa.
Không ai có thể phủ nhận được ý nghĩa và tầm quan trọng của văn chương trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là trong đời sống hiện nay, khi con người ngày càng nghiêng nhiều hơn về lối sống thực dụng thì văn chương không còn xã hội quan tâm nhiều. Cả văn chương Công giáo, một lãnh vực mục vụ quan trọng, cũng đang bị bỏ ngỏ, nếu không muốn nói là gần như mất hút trong dòng chảy của văn minh tiêu thụ. Đây là điều đáng trăn trở và suy ngẫm.
Người Công giáo chúng ta càng yêu thơ văn hơn, đời sống tâm linh sẽ phong phú và sâu sắc hơn.
Để thực hiện được ý nghĩa “Văn là để chuyển tải Đạo”, xin hãy để sức mạnh Chúa Kitô và ngọn lửa soi sáng của Chúa Thánh Thần hun đúc nơi mỗi chúng ta một tình yêu không chỉ bằng môi miệng mà phát triển lên một tầm cao mới, thành những tác phẩm thi ca làm lay động lòng người.
Mong rằng, trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc thi viết được tổ chức để lớp trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống thơ văn Công giáo vốn đã có từ hàng trăm năm nay với nhiều nhà văn, nhà thơ đã được lịch sử ghi nhắc.
UBVH Giáo Phận Thanh hóa
Linh mục Giuse Phạm văn Quế
CHA ĐAMINH TRẦN NGỌC ĐĂNG, ĐẠI DIỆN TGM BÙI CHU TẠI BUỔI TRAO GIẢI NHNT Ở HẢI PHÒNG
Sơ lược về THƠ VĂN CÔNG GIÁO BÙI CHU
Mở: Từ dòng chảy văn thơ truyền thống
Không kể Chủng viện “chui” trên thuyền tại Phố Hiến (1666, khởi đầu với 15 thầy, do Cha Deydier tổ chức), thì Chủng viện Kẻ Bùi (Bùi Chu ngày nay) là Tiểu chủng viện đầu tiên của Địa Phận Đông Đàng Ngoài (1773, do cha Hernandez Tuấn thành lập). Năm 1791, cha chính Delgado Y mở Đại chủng viện đầu tiên tại Lục Thuỷ hạ (Liên Thuỷ, Bùi Chu ngày nay)… Năm 1930, có Đại Chủng viện Miền cho 3 giáo phận tại Khoái Đồng (Nam Định). Năm 1924 có trường Trung học Saint Thomas d’Aquin (khu Khoái Đồng, Nam Định, 3 tầng dài 70 m làm phòng học, cộng với 200 giường và thư viện, thêm ba dãy trệt làm khu ẩm thực và vui chơi). Năm 1951, Bùi Chu có trường trung học đệ nhị cấp (lúc bấy giờ miền Bắc chỉ có 4 trường đệ nhị cấp: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương). Những dữ kiện lịch sử ấy cho thấy Bùi Chu từ rất sớm đã là một chiếc nôi của văn hoá nói chung và văn hoá Nhà Đạo nói riêng.
Như thế, Bùi Chu không chỉ là chiếc nôi của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam (1533), mà còn là một trong những chiếc nôi của văn hoá Công Giáo nói chung và văn chương, thi ca Công Giáo nói riêng. Bài viết này chỉ xin thoáng qua một vài nét lịch sử về truyền thống đó cũng như xin mạo muội rút ra một vài tiềm năng của dòng chảy thi ca đó trong hiện tại và tương lai.
Một thời vàng son và đáng tự hào của quá khứ
Bùi Chu đã rất sớm quan tâm đến văn hoá. Vài năm sau hiệp ước đình chỉ bách hại đạo (1862), Địa Phận Trung (Bùi Chu, Thái Bình ngày nay) đã thành lập một cơ sở ấn loát tại Phú Nhai, có tên là nhà in Phú Nhai Đường, và đây có thể nói là cơ sở ấn loát đầu tiên tại Đàng Ngoài, trước cả Ninh Phú Đường (Kẻ Sở) và Thiện Bản (Phát Diệm). Cơ sở này đã ấn loát hàng loạt sách đạo bằng chữ Nôm, một ít bằng chữ Nho và sau đó bằng chữ Quốc Ngữ nữa . Sau khi tách đôi giáo phận Bùi Chu và Thái Bình (1936), thì Phú Nhai Đường ngưng hoạt động do các cha Đa Minh chuyển hầu hết tài sản sang Thái Bình. Tuy nhiên, sau đó Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn lại cho mở Nhà in Thánh Gia tại Bùi Chu.
Sau đây là một vài ấn phẩm tiêu biểu liên quan đến văn hoá của Phú Nhai Đường: Hội Đồng Tứ Giáo (Castanenda Gia và Vincente Liêm, 1870), Giống má thiêng liêng (Benito Llobresols, OP, 1871, 15 tập, khổ 13,5 x19cm), Sách Ngắm sự thương khó Chúa Giêsu (1890, 80 trang, 18x15 cm), Lâm mạnh yếu quy (1891, 52 trang, 16x19cm), Sách dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ nhỏ và người lớn (1900, 30 trang, 15 cm), Sách ngắm đứng (1910, 47 trang, 18 cm), Tập dụng thần công (thánh Ignatiô, 1914, 125 trang), Bài tập đánh vần La-tinh (Cha tràng Hạnh, 1914, 17 trang, 14 cm), Sử ký Địa phận Trung (Cha chính Trinh Manuel Moreno, 1916, 267 trang, 13x18 cm), Kinh Toàn Niên (1916, 112 trang, 18x15 cm), Ngắm Mười Lăm sự thương khó Chúa Giê-su (44 trang, 18 cm), Sách những kinh hát chầu (156 trang, 18 cm), Sách tháng Văn Côi kính Đức Bà (95 trang, 15 cm) …
Truyền thống văn hoá đó đã được tiếp nối với các sáng kiến như phong trào “Dắt nhau” (1941), Duc in Altum (D.I.A, 1942) tiền thân của Tủ sách Ra Khơi (1960-1970) và Học hội Ra Khơi (1957-1975) sau này, với hàng trăm ấn bản về tôn giáo, triết học, thần học và xã hội, cùng với hàng trăm ngàn cuốn sách giáo khoa phục vụ cho giáo dục.
Về thơ ca Công Giáo thời kỳ này có những tác phẩm đã được in ấn (ngắm, vãn, ca, truyện) và có những tác phẩm truyền khẩu (vè, truyện…). Tiêu biểu nhất là Ngắm sự thương khó, Dâng hạt, Vãn dâng hoa…
Nổi bật nhất có Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn. Trong loạt sách về văn hoá ta thấy có: “Sách mẹo Latinh” (Grammaire Latine, 472 trang), “Sách mẹo Phalangsa” (Grammaire Francaise, 192 trang – HongKong 1918), “Sách mẹo tiếng Annam” (NXB Trung Hòa, Hà Nội tái bản 1933) được giải thưởng văn học của Tòa Khâm Sứ Đông Dương 1925, “Ấu học Pháp ngữ” (Premières études de la langue Francaise – HK 1916), Số học toán Pháp (Arithmétique complète avec Figures – HK 1919), “Sách cha mẹ dạy con” (Devoirs des parents envers les enfants – HK 1917), “Pháp tự khúc ca” (NXB Qui Nhơn, 1923) , “Hán tự qui giản” (Petite Grammaire Chinoise – HK 1923), “Ngạn ngữ Kinh thư” (HK 1915), “Giáo hội chức sở tu thân” (Qui Nhơn 1924), “Hán tự liệt thường đàm” (NXB Trường An, Huế 1942), “Thường đàm nhựt dụng” (HK 1927), “Truy tầm chân đạo” (Bùi Chu 1937), “Triết nhân tri kỷ” (Phú Nhai 1936), “Tuồng bảy mối tội đầu” (Qui Nhơn 1922), “Lễ nhạc Hội thánh” (Bùi Chu 1936), “Văn chương thi phú An nam” (Littérature et Prosodie Annamite – HK 1923 và 1933), “Thận chung truy viễn” (Bùi Chu 1937), “Thư chung về thủy hỏa đạo tặc”, “Thư luân lưu” (700 trang viết tay).
Ngoài ra, Ngài còn tham gia viết bài trên các báo: Nam Kỳ địa phận, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí; lập nhà in Thánh Gia, nhà sách Đa Minh, chủ biên tạp chí Đa Minh bán nguyệt san, Thời Mới… Yêu văn hoá, ngài còn sáng tác thơ ca giáo lý, như “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, “Tu thân huấn đức”, “Ca dao về Mẹ”, “Bài ca nghĩa binh Thánh Thể” chẳng hạn.
Trong hàng trăm ấn phẩm của Tủ sách Ra Khơi, chúng ta tìm thấy rất ít tác phẩm thơ, vì các tác giả đi sâu vào nghiên cứu hơn là nghệ thuật.
Hiện tình về thơ văn Công Giáo tại Bùi Chu
Sau biến cố 1954, việc sáng tác thơ ca tại Bùi Chu (Miền Bắc) bị chững lại. Ngay cả các sách vở tài liệu cũng bị đốt cháy hoặc tiêu tán, tản mát đi.
Hiện nay việc sáng tác thơ ca vẫn còn sôi nổi, nhưng chủ yếu có tính ngẫu hứng, hoặc “theo đơn đặt hàng”. Các sáng tác đó lưu truyền trong dân gian, nhưng ít được phổ biến hoặc giới thiệu tới người khác, do không được in ấn. Vì thế, chúng ta chỉ thử kể ra đây một vài tác giả đã có tác phẩm đã được xuất bản.
1- Gm. Giuse Hoàng Văn Tiệm
Ngài có một số bài thơ được đăng tải trong các ấn phẩm của Giáo phận, nhất là hàng trăm ca khúc đượm chất thơ của tập ca khúc: “Thánh Ca Tuyệt Vời”.
2- Lm. Phaolô Nguyễn Hoà Kiên (bút danh Hát Ca [HK])
Như con ong thợ, góp nhặt và sáng tác “những ý thơ giản dị nhằm khuyên răn giáo dục thế hệ trẻ sống gương mẫu hơn, tốt đẹp hơn với cuộc đời này” , ngài đã cho chào đời một số ấn phẩm: Thơ tuyển tập (2005), Cách sống, tập 1-5 (2010), Tổng tập thơ Cách sống (Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2011)… Ngoài ra còn có một số sách có tính biên soạn và khảo cứu, như Toát yếu 120 bài giảng (Gm Giuse Phạm Năng Tĩnh, 2011), Lịch sử những ngày lịch sử (Nxb. Tôn Giáo 2010). Lễ Thăng Thiên 2011, ngài đã thành lập CLB “Chữ Tâm” quy tụ 15 thành viên.
3- Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng (bút hiệu Hương Kinh)
Đóng góp trong tập “Kinh Trong Sương” các bài thơ: Linh Thi, Mẹ Bảy Sự - Mẹ Sầu Bi, Chiều Emmaus, Ơn gọi tình yêu, Thánh Giá, Hương Kinh Trà Lũ, Lời kinh của mẹ.
Tập thơ “Hương Kinh Trà Lũ” đăng trên Dũng Lạc. Ngoài ra cũng cộng tác và đăng một số bài thơ trên Mạng Lưới Dũng Lạc, VietCatholic và một vài trang mạng khác.
4- Nt. Maria Madalena Nguyễn Ánh Hường (bút hiệu Nguyên Hương)
Sáng tác nhiều thơ và rất có sở trường về thơ văn. Các tập thơ đã xuất bản dưới dạng lưu hành nội bộ: Nước mắt yêu thương (2001), Màu tím mùa Chay (2001), Nước mắt nguyện cầu (2003, sau đổi tựa thành Hoa châu rơi), Tình lộng gió (2003), Mẹ yêu (2005). Giải ba cuộc thi “Viết Về Mẹ” do Chương trình Chuyên đề của BMV GĐ/TGP SG tổ chức với bài thơ “Mùa Nả”. Cộng tác viên các trang web như Đồng Xanh Thơ, Thánh Ca Việt Nam, Dũng Lạc, Chương trình Chuyên đề của BMV GD / TGP SG.
Kết: Tiềm năng và triển vọng
Như thế, xét về thơ ca và văn hoá Nhà Đạo, Bùi Chu có một quá khứ đáng tự hào và kiêu hãnh, một hiện tại đầy thao thức và trăn trở, một tương lai có nhiều lo âu nhưng cũng tràn trề hy vọng.
Còn có nhiều tác giả sáng tác thơ cách âm thầm, còn những tài năng chưa được “khai quật”, vì các tài năng đó còn đang ẩn mình, còn đang chưa có cơ hội để thể hiện mình, để toả sáng trên làng thơ hiện đại, nhất là các tài năng trẻ… Một số cây bút tiềm năng rất hy vọng, như các linh mục Bùi Trọng Khẩn (bút hiệu Trọng Khẩn), Nguyễn Văn Chân (bút hiệu Minh Chiết), Bùi Trung Thực (bút hiệu Bùi Ninh), Mai Văn Châu; các giáo hữu như Đinh Năng, Mai Năm, Minh Dung, Hữu Lợi, Tiến Lãm…
Ước mong rằng trong tương lai có thể tái lập Tủ sách Ra Khơi, thiết lập CLB Thơ Văn Công Giáo, tổ chức các giải thưởng chủ đề để thu hút mọi giới về thi ca và dùng thi ca mà “văn dĩ tải đạo”, ngõ hầu có thể làm sống lại phong trào thơ văn Công Giáo tại chính nơi vốn là chiếc nôi lớn của công cuộc loan báo Tin Mừng qua con đường “tơ lụa” văn hoá này.
Bùi Chu 18/7/2011
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng