Kính gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Giáo Phận Bắc Ninh
Kính chúc quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em
ơn bình an của Chúa Giêsu Kitô.


Tôi vừa trải qua 19 ngày trên đất Úc (Australia), từ ngày 23/6 đến ngày 11/7/2011. Lý do chính của chuyến đi là đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tham sự lễ phong chức giám mục cho Đức Cha Vinhsơn Nguyễn Văn Long tại Melbourne ngày 23/6 và dự tiệc mừng ngày 24/6. Sau đó tôi đã có dịp đến chào thăm một số đức cha, đặc biệt Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc. Ngoài ra tôi cũng tham dự lễ phong chức linh mục cho một anh em Dòng Tên tại Brisbane ngày 2/7, gặp cha bề trên giám tỉnh và cha phụ trách văn phòng truyền giáo của Dòng Tên Úc, thăm một số cộng đồng Công Giáo Việt Nam, thăm họ hàng và bạn bè. Tôi đã về đến Bắc Ninh ngày 12/7.

Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Long là vị giám mục người gốc Á Châu đầu tiên trên nước Úc. Đây là niềm vui cho cả cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Úc cũng như trên toàn thế giới. Trong bài phát biểu cuối lễ phong chức, Đức cha Vinhsơn đã gọi cộng đồng Công Giáo Việt Nam là “Giáo Hội Ái Nhĩ Lan mới” ở Úc. Đức Hồng Y Pell, lúc còn là Tổng Giám Mục Melbourne đã tiên báo: mai ngày Tổng Giám Mục Melbourne sẽ là một người Việt Nam. Nhiều linh mục người Úc cho rằng Giáo Hội Úc mai ngày sẽ mang khuôn mặt Việt Nam. Tất cả những điều ấy nói lên phần nào vui mừng và hy vọng cộng đồng Công Giáo Việt Nam đã thực hiện được trên đất Úc.

Từ tình trạng bỡ ngỡ cách đây 30 năm, đến nay cộng đồng Công Giáo Việt Nam đã vững mạnh và góp phần đáng kể vào Giáo Hội địa phương với 160 linh mục và đông đảo tu sĩ nam nữ. Những dấu ấn cộng đồng Công Giáo Việt Nam để lại trên đất Úc là đời sống gia đình gắn bó, giới trẻ hiếu học, người lớn chịu khó làm việc và mau chóng ổn định đời sống, thế hệ thứ hai (sinh ra ở Úc do cha mẹ sinh ra ở Việt Nam) thành đạt, đời sống giáo xứ và cộng đồng ấm cúng, các đoàn thể trong cộng đồng hoạt động mạnh mẽ, những người lãnh đạo năng động và nhiều sáng kiến… Chắc chắn các cộng đồng không tránh được hết các hạn chế, nhưng người Công Giáo Việt Nam đã thực sự đóng góp đáng kể vào đời sống Giáo Hội Úc.

Đức cha O’Kelly, Dòng Tên, giám mục giáo phận Port Pirie, cho biết giáo phận của ngài rộng gấp gần gấp 3 lần nước Việt Nam, có chưa đầy 200 ngàn dân, hơn 25 ngàn giáo dân, 35 linh mục và hiện không có chủng sinh nào. Dòng nữ Mercy đã từng “tung hoành” ở Úc nay cũng thiếu ơn gọi, tuổi trung bình của các nữ tu là 65. Tôi dự lễ phong chức linh mục cho một anh em Dòng Tên ở Brisbane và được biết ơn gọi trong Dòng Tên, kể cả người Úc cũng như người gốc Việt Nam, hiện đang rất khan hiếm. Sau giai đoạn đầu có nhiều thanh niên Việt Nam gia nhập Dòng Tên, nay con số này ngày càng giảm sút. Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc muốn đến thăm Việt Nam để bàn việc hợp tác, đặc biệt về việc đào tạo linh mục. Hai Đức Tổng Giám Mục ở Melbourne và ở Perth đánh giá rất cao các linh mục Việt Nam.

Tôi đã dâng lễ với các cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Brisbane, Adelaide và Perth. Tôi cũng dâng lễ ở một số giáo xứ do các linh mục Việt Nam quản nhiệm ở nhiều nơi và với những người cao tuổi ở Nhà Dưỡng Lão Mekong tại Melbourne. Nói chung mọi người đều quan tâm đến những gì đang diễn ra trên quê hương và quảng đại trợ giúp các dự tính mục vụ. Ở đâu cũng có tình trạng chung là thế hệ thứ nhất (những người sinh ra tại Việt Nam) vẫn rất gắn bó với quê hương và Giáo Hội ở Việt Nam, thế hệ thứ hai hoà nhập với xã hội và Giáo Hội Úc hơn, nói tiếng Anh rất giỏi, nhưng nói tiếng Việt không sõi. Có lẽ thế hệ thứ ba (sinh ra tại Úc, cha mẹ thuộc thế hệ thứ hai) sẽ hoàn toàn hòa nhập với xã hội và Giáo Hội Úc. Đời sống xã hội ở Úc được người Việt Nam đánh giá là đầy đủ và an sinh xã hội bảo đảm, chẳng hạn khám bệnh và chữa bệnh miễn phí, người già được trợ cấp mỗi tuần 400 đôla Úc, tức là mỗi tháng 1600 đôla Úc, tương đương 35 triệu đồng Việt Nam. Tôi đến thăm chừng 20 gia đình, trung bình mỗi căn nhà của các gia đình người Việt Nam trị giá 500 ngàn đôla, nhà nào cũng có otô, thường là chồng một xe, vợ một xe. Dù vậy, có người vẫn nghĩ là sẽ trở lại Việt Nam để hưởng bầu khí ấm cúng của xứ đạo và gia đình.

Tôi gặp lại một số người trước ở Việt Nam, đặc biệt trong Dòng Tên, trong hai giáo xứ Hiển Linh và Thiên Thần. Tôi cũng gặp một số bà con họ hàng ở Melbourne và ở Adelaide. Mọi người đều có nhà cửa rất tốt, đời sống ổn định, con cái thành đạt. Đã có những nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, điều mà nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam mơ ước cho con cái mình, nhưng không phải ai cũng toại nguyện. Có một người làm linh mục hiện coi sóc một giáo xứ người Úc. Rất nhiều người phục vụ cộng đồng như dạy Việt Ngữ, tìm việc làm cho người Việt, ca trưởng hay giáo lý viên trong các xứ họ, viết báo… Tôi thấy những hạt giống Tin Mừng đã được gieo tại Việt Nam trước đây phần lớn đã sinh hoa kết quả phong phú trên đất Úc.

Tại Perth, cha phó quản nhiệm cộng đồng nhắc lại kỷ niệm có lần cùng đi bơi sông Đồng Nai với tôi. Tôi nhắc lại câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về” và nghĩ rằng sông Đồng Nai gặp sông Sài gòn ở ngã ba Nhà Bè, một ngả ra biển, một ngả vào Sài gòn. Hai người đã chọn hai ngả khác nhau, nhưng vẫn gặp nhau trong cùng một sứ mệnh: Chúa Giêsu sai các tông đồ đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Trong buổi mừng Đức Cha Vinhsơn ở Melbourne, đúng hôm lễ thánh Gioan Tẩy Giả, tôi đã chia sẻ là Đức Tân Giám Mục cũng như toàn thể cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Úc đang thực sự tiếp bước vị thánh đã “là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, đi trước mặt Chúa mở lối cho Người” trên đất Úc. Trong khi đó, tại Việt Nam, Giáo Hội dù đã trải qua nhiều khó khăn, vẫn đang thực sự thi hành cùng một sứ mệnh trên quê hương.

Lần đầu tiên đặt chân đến Úc, và chỉ ở chưa đầy 3 tuần, chắc chắn hiểu biết của tôi còn hết sức giới hạn. Tôi chỉ xin chia sẻ một số những cảm nhận sơ khởi. Ước mong bà mẹ Âu Cơ ngày xưa đẻ ra 100 trứng, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi, vẫn mãi mãi mang trong lòng mình những người con đang vươn mình đến các chân trời của thế giới. Riêng bà mẹ Hội Thánh, “người mẹ có trái tim của Thiên Chúa và Thiên Chúa có trái tim của bà mẹ”, như một phụ nữ Tây Ban Nha diễn tả, luôn vui mừng và hy vọng với đoàn con ngày càng đông đảo và lan tràn khắp nơi, nhưng không bao giờ quên bài hát đã học được từ tấm bé:

Má má má ơi, kìa con con bướm vàng
Bay bay bay hoài, mà sao không mỏi cánh
Con mong như bướm nhởn nhơ bay mà chơi
Nhưng con hổng thèm, con đây con má hà!


Bắc Ninh, ngày 12.7.2011