KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO: PHÁ VỠ GỌNG KÌM TAI ÁC CỦA CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ (2)
NHÂN ĐỨC: PHƯƠNG CHỮA TRỊ CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ
Giáo Hội phải làm gì trước tình hình như thế? Biết bao người đã nhận Phép Rửa trong cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, nhưng đang bị dính vào bẫy của “các quyền lực thế gian”, trong khi lẽ ra họ phải đang cảm nếm được sự tự do của con cái Thiên Chúa (x. Gl 4,1-9). Nếu họ nhìn ra và hiểu được nỗi khốn cùng của mình, ắt hẳn họ sẽ bước vào lối bước ân sủng để thoát ra khỏi cơn bế tắc, nhưng lối sống tiêu thụ cuốn chặt họ trong đủ thứ hoạt động và lo toan đến nỗi hầu như không bao giờ họ có thể bất chợt giật mình nghĩ lại và nhận ra Thiên Chúa nữa. Xem ra chẳng có ý nghĩa gì việc khuyên những người ấy dành nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện với Chúa, vì việc gắn thêm “Thiên Chúa” và “cầu nguyện” vào núi công việc của họ thì không đủ để vãn hồi lòng đạo đích thực. Người ta cần ý thức rằng mối hiệp thông cá vị với Thiên Chúa phải là nguồn và là chóp đỉnh của đời sống, chứ không thể giảm trừ nó chỉ còn là việc đầu tiên trong danh sách “các việc phải làm.” Để có thể giúp người ta, Giáo Hội cần một cách thế hữu hiệu để đối đầu với lối sống tiêu thụ, một cách thế khả dĩ đưa được Thiên Chúa trở lại vị trí trung tâm của đời sống người ta.
Để tìm ra một cách thế, chúng ta phải nhìn thẳng vào những gốc rễ luân lý của lối sống tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ vận hành bằng cách khơi lên những khát vọng và làm cho người ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, dẫn người ta tới tâm trạng hụt hẫng và nỗi lo sợ mất mát. Theo một quan điểm nhân học Công Giáo cổ điển (như thấy nơi tư tưởng của Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô), có hai loại khao khát căn bản: khao khát thiêng liêng diễn tả trong ý chí, và khao khát xác thịt diễn tả nơi các bản năng và nơi những hưởng ứng liên quan tới sự khoan khoái (nhục dục) và sự chiến đấu (tính bức xúc). Chủ nghĩa tiêu thụ xúi quẩy người ta ước muốn có nhiều hơn những gì mình đã kiếm được, hưởng thụ một cách vô độ các thứ tiện nghi, phản kháng một cách mù quáng sự an phận đối với điều kiện sống thực tế của mình, và sợ hãi một cách vô lý cái viễn ảnh đánh mất điều kiện sống ấy.
Vì thế, nếu chúng ta muốn giúp giải thoát người ta khỏi chủ nghĩa tiêu thụ, trước hết chúng ta phải giúp họ điều chỉnh lại các khát vọng của họ, sao cho họ có thể cảm thấy hài lòng với một mức tương đối trong đời sống thể chất và tinh thần. Theo nhân học Công Giáo, thì đây là việc rèn luyện các nhân đức, nhất là đức công bình (theo đó người ta mong muốn nơi mình và nơi tha nhân những gì hợp lẽ) và đức tiết độ (theo đó người ta hưởng thụ các tiện nghi vật chất một cách vừa phải). Một người công bình và tiết độ thì không thể bị những trò lừa của chủ nghĩa tiêu thụ làm lung lạc ý chí và các dục vọng của mình.
Tuy nhiên, chỉ hai nhân đức trụ cột ấy vẫn chưa đủ. Thần học Công Giáo dạy rằng xét như là một dữ kiện hiện sinh, duy chỉ bằng sức riêng mình thì không ai thành công trọn vẹn trong việc sống các nhân đức. Chúng ta cần ân sủng. Hơn nữa, một người theo chủ nghĩa tiêu thụ cần được giải độc khỏi nỗi hụt hẫng và nỗi lo sợ của mình, vì người ấy không thể bình an cho tới khi có thể cảm nghiệm được sự hài lòng đúng đắn đối với những phương tiện thực sự cần cho đời sống con người. Người ấy rất cần đức Ái và đức Cậy, để nhận ra sự sung mãn đích thực của con người trong tương quan với tha nhân và để có được niềm tin tưởng hướng vọng tương lai. Nơi con người Đức Kitô, chúng ta gặp nguồn ân sủng để ta kín múc được đức Ái và đức Cậy như thế. Thật là ý nghĩa khi Đức Kitô mạc khải rằng yêu thương là hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân, được thực hiện qua việc trút bỏ mọi sự cách triệt để (kenosis). Ngài không giảng rằng sự viên mãn nằm ở “khẳng định chính mình” hay ở “cuộc sống có đầy đủ mọi thứ”, trái lại, Ngài đã trút bỏ chính Ngài cho chúng ta trên Thập Giá. Chỉ qua sự hiệp thông với cái chết và sự Phục Sinh đầy yêu thương của Đức Kitô chúng ta mới có thể nhận được Thánh Thần và ân sủng để sống một đời sống công bình và tiết độ được làm sống hoạt bởi các nhân đức Tin, Cậy, Mến.
KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO: LỐI BƯỚC TỰ DO
Vì thế, để đương đầu một cách hữu hiệu với lối sống tiêu thụ, Giáo Hội phải đào luyện đời sống nhân đức trong sức mạnh của Thánh Thần Đức Kitô. Cái khó khăn trong việc đào luyện nhân đức nằm ở chỗ các nhân đức không thể đơn thuần được dạy bằng các qui định kiểu “cho toa”. Những loại nhân cách khác nhau và những hoàn cảnh đời sống hằng ngày khác nhau không cho phép chúng ta cung cấp một danh mục chi tiết “những cách thức” để sống các nhân đức. Đành rằng người ta có thể mô tả các nhân đức và chỉ ra chúng khác thế nào so với những điều xấu đối ngược với chúng, nhưng người ta cần các mẫu gương và cần thời gian để thực hành và quen dần với các nhân đức. Và trên hết mọi sự, người ta cần ơn Chúa để tấn tới trên con đường luyện nhân đức. Đây là chỗ mà Giáo Hội đóng một vai trò quyết định: qua việc cung cấp sự chỉ dẫn, cung cấp những mẫu gương sự huấn luyện thường xuyên, và cung cấp ân sủng của Chúa Kitô. Kinh nghiệm dạy ta rằng cộng đoàn có thể là một phương tiện rất hữu hiệu để đào luyện nhân đức, và quả thực Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội đâu nhằm mục đích nào khác hơn là làm cho người ta trở thành môn đệ của Ngài.
Truyền thống Kitô giáo cung cấp cho chúng ta những lối sống đặc biệt thúc đẩy đức công bình và tiết độ, vốn cần thiết để vượt qua các khát vọng lệch lạc gây ra bởi chủ nghĩa tiêu thụ, và đồng thời nuôi dưỡng đức Ái và đức Cậy, vốn cần thiết để chữa lành các vết thương của chủ nghĩa này. Những lối sống ấy chính là những kỷ luật thiêng liêng bao gồm sự thực hành khổ hạnh Kitô giáo, với rất nhiều phương thức cụ thể mà qua đó các Kitô hữu trải bao thế kỷ sống đời sống mới của mình trong Đức Kitô. Tôi muốn nêu ra ba thực hành hiệu nghiệm cách riêng trong việc đương đầu với những sự dữ của chủ nghĩa tiêu thụ, đó là: sống đời sám hối, giữ ngày của Chúa, và dâng cúng.
Thực hành sám hối là một phương thế đầy năng lực chuyển hóa, bởi vì đó là cách thể hiện tình yêu mà Chúa ban cho mọi Kitô hữu đã được tái sinh trong cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Được kết hiệp với Đức Kitô nhờ tình yêu này và được đầy tràn Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu có thể bước theo Đức Kitô trong tình yêu “hủy mình ra không” đến mức trao hiến mạng sống làm hy lễ cho Thiên Chúa và nên ơn ích cho con người. Theo truyền thống, sự “hủy mình ra không” này của người Kitô hữu được hiểu như một cuộc hoán cải không ngừng (metanoia) bao gồm ba hành động: ăn chay (hay tiết chế), cầu nguyện, và bố thí (làm phúc). Trong đời sống sám hối này, người Kitô hữu muốn đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách bắt chước tình yêu “hủy mình ra không” của Đức Kitô trong đời thường của mình. Với thực hành tiết chế, người Kitô hữu xa tránh những khát vọng vô bổ nơi ý chí và xác thịt mình, và sống thuận theo thánh ý Chúa cho cuộc đời mình. Qua việc cầu nguyện, người Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp thông sâu xa hơn với Thiên Chúa, và tìm kiếm ân sủng để kiên trung bước đi trên con đường hẹp của tình yêu. Qua việc bố thí, người Kitô hữu không chỉ chia sẻ của cải vật chất với người khác mà còn chia sẻ chính bản thân mình nữa.
Giáo Hội đào tạo các môn đệ Đức Kitô phần lớn bằng việc giảng dạy, nêu gương, bồi dưỡng, và tổ chức đời sống sám hối của cộng đoàn. Một đời sống như vậy tự bản chất sẽ kéo người Kitô hữu ra khỏi việc theo đuổi một “đời sống tiêu chuẩn cao” đầy ích kỷ, để hướng đến một tình yêu vô vụ lợi đối với Thiên Chúa và tha nhân. Bằng cách đề xuất những thực hành đặc biệt qua đó toàn thể cộng đoàn cùng khổ chế, cầu nguyện và làm việc phúc đức, Giáo Hội có thể thúc đẩy một công cuộc thánh thiện đích thực có sức giải phóng các thành viên mình khỏi sự cột trói của chủ nghĩa tiêu thụ. Các Kitô hữu đến lượt mình sẽ làm cho xã hội mà mình sống có tính nhân văn hơn, nhất là qua việc đưa đức Ái và đức Cậy vào một thế giới đã sa ngã. Một Kitô giáo như thế không phải là thuốc phiện cũng chẳng phải là tạo loạn; đó là một chứng tá đầy chất ngôn sứ phát tỏa từ Giáo Hội, có năng lực chuyển hóa chính con cái Giáo Hội và toàn thế giới.
Ta hãy xem xét việc giữ ngày Chúa Nhật. Trong một nền văn hóa vốn nặng tính hoạt động và tiêu thụ, chúng ta dành ngày Chúa Nhật cho Thiên Chúa và cho tha nhân, đó là thời gian để nghỉ ngơi, để sống các mối tương quan liên vị và để thưởng ngoạn các hoa trái của trái đất. Nhịp hoạt động căng thẳng của công việc được ngưng lại để ta có thời gian dành cho bao giá trị khác mà Chúa ban cho đời sống. Việc nghỉ ngày Chúa Nhật có thể là một kinh nghiệm sống động về “kairos” tức “thời gian viên mãn”, thay vì là một “chronos” tức thời gian được đo lường, được tiêu pha, hay được “giết”. Thời gian của ngày Chúa Nhật chỉ đạt được ý nghĩa khi chúng ta chấp nhận trả giá – đó là, chúng ta “cứu độ” thời gian này bằng cách không dùng nó cho việc tranh thủ vật chất, cho lao động cật lực, hay cho những theo đuổi nhiễm nặng tính tiêu thụ. Trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, điều này có nghĩa là toàn bộ tuần lễ phải được tổ chức xung quanh trung tâm là ngày Chúa Nhật. Khi chúng ta điều chỉnh các hoạt động mỗi ngày theo hướng tạo điều kiện để đề cao ngày Chúa Nhật, thì ngày của Chúa sẽ trở thành trung tâm chi phối cách sắp xếp thời gian cho cả tuần lễ. Ngay cả trong trường hợp một Kitô hữu phải làm việc trong ngày Chúa Nhật, người ấy vẫn có thể thể hiện ý thức về ngày của Chúa bằng một hình thức thờ phượng đặc biệt nào đó, và dành một ngày khác trong tuần để thực hành việc nghỉ lễ. Với việc giữ ngày Chúa Nhật, một giới hạn hữu hiệu sẽ được lập ra cho công việc làm ăn, và chúng ta sẽ có cơ hội để chăm lo cho các mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Thực hành dâng cúng cũng có một hiệu quả tương tự việc giữ ngày Chúa Nhật. Để dâng cúng 10% cho công việc của Chúa, chúng ta không thể chi tiêu tất cả cho chính mình. Và để có được 10% trong một ngân sách vốn quen đầy ắp những món phải chi tiêu, chúng ta phải thay đổi toàn bộ cách sống. Ngân sách chi tiêu hằng tháng cần phải được hoạch định có tính tới việc dâng cúng. Như vậy, một giới hạn chi tiêu sẽ được thiết lập qua việc ưu tiên trao về Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Thực hành này sẽ tạo điều kiện cho chúng ta học biết rằng thu nhập của mình không phải chỉ dành để chi tiêu cho riêng mình, mà phải cân nhắc việc chi tiêu từng xu trước mặt Chúa.
Trong giáo xứ tôi, các gia đình thực hành hai bước cụ thể là giữ ngày Chúa Nhật và thực hành dâng cúng đã phản hồi rằng hiệu quả cách chung là có sự thay đổi tích cực trong đời sống gia đình của họ cũng như trong cách họ nhận hiểu về thời gian và tiền bạc. Việc dành một ngày trong tuần và dành 10% thu nhập dạy họ rằng toàn bộ thời gian và tiền bạc của họ thuộc về Thiên Chúa. Để có thể giữ ngày Chúa Nhật và thực hành dâng cúng, họ phải không ngừng tự nhắc mình rằng mọi hoạt động và chi tiêu phải được soi sáng bởi điều mà Chúa mời gọi họ trong tuần lễ ấy. Họ học biết rằng có một số việc không nên làm, một số món hàng không nên mua, nhưng vậy là tốt, vì quĩ thời gian và tiền bạc giới hạn phải được sử dụng theo ý Chúa. Nói tóm lại, họ bắt đầu phát triển một cảm thức về Chúa Quan Phòng. Họ kinh nghiệm rằng cuộc sống của họ nằm trong bày tay Thiên Chúa, chứ không phải trong tay của thời vận, và rằng họ không cần phải đạt cho được tất cả những gì mình có thể đạt, mà chỉ cần đạt được điều Chúa muốn thôi. Đây là kinh nghiệm của đức Ái và đức Cậy. Họ học biết cách hài lòng với những gì mình có xuyên qua việc tìm kiếm thánh ý Chúa khi họ kiếm tìm và sử dụng của cải mà Chúa ban cho. Họ có thể hướng nhìn tương lai với ít lo lắng hơn, bởi vì họ đã bắt đầu biết sống trong niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng. Điều này tạo ra không chỉ một loại cảm nghiệm hài lòng hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa tiêu thụ, mà còn giúp người ta có được sự ổn định kinh tế tối thiểu mà chủ nghĩa tiêu thụ không thể đem lại cho họ. Hài lòng với số thu nhập ít hơn, điều đó có nghĩa là người ta có khả năng tiết kiệm một phần thu nhập của mình để dự phòng cho tương lai, qua hình thức sở hữu và làm chủ thực sự.
KẾT LUẬN
Tôi từng chứng nghiệm những ích lợi thực sự, về vật chất và thiêng liêng, đạt được bởi các gia đình thực hành con đường khổ hạnh này để giải thoát mình khỏi chủ nghĩa tiêu thụ. Đây là một con đường không dễ bước đi, và trong kinh nghiệm của tôi, người ta chỉ có thể bước đi được nếu họ chấp nhận giữ ngày Chúa Nhật, chấp nhận dâng cúng, và chấp nhận sống đời sám hối. Các gia đình ấy đã dạy tôi rằng bằng cách tạo ra một môi trường khuyến khích thực hành khổ hạnh, Giáo Hội có thể cung ứng rất nhiều sự nâng đỡ cần thiết và cung ứng tầm nhìn cho những ai bị kẹt trong chủ nghĩa tiêu thụ. Rất nhiều anh chị em trong đàn chiên Chúa muốn vượt thoát; chỉ có điều là họ không có khả năng nhận hiểu vấn đề hay xác lập một giải pháp cho chính họ.
Điều kỳ diệu về những thực hành khổ hạnh này, đó là ngay cả dù không hoàn toàn hiểu chúng, người ta vẫn có thể thực hành chúng và nhận được kết quả do chúng mang lại. Giống như những đức tính tốt mà cha mẹ chúng ta giúp chúng ta tập tành thuở nhỏ, chúng hữu ích cho ta ngay cả trước khi ta hoàn toàn nhận hiểu và trân trọng chúng. Những thực hành khổ hạnh sẽ chống lại chủ nghĩa tiêu thụ tận trong gốc rễ của nó, tức chống lại dục vọng và nỗi sợ hãi mà chủ nghĩa tiêu thụ tạo ra. Những thực hành ấy thúc đẩy người ta đánh giá lại mục đích của cuộc sống mình, của việc sử dụng thời gian và tiền bạc. Khi được đảm nhận dù chỉ với một chút thiện chí muốn đáp lại ân sủng Chúa, khổ hạnh sẽ đem lại những hoa quả không ngờ. Cũng giống như việc Đức Kitô hủy mình ra không cho đến cái chết trên Thập Giá, khổ hạnh là một cớ vấp phạm và là sự điên rồ đối với thế gian. Nhưng cho những ai tin, thì đó là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đem lại năng lực biến đổi thế giới này.
THIÊN PHONG
dịch từ “Christian Asceticism: Breaking Consumerism’s Destructive Hold”
của Fr. Timothy V. Vaverek, trong Houston Catholic Worker, Vol. 21, No. 1, January 2001.
THIÊN PHONG
NHÂN ĐỨC: PHƯƠNG CHỮA TRỊ CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ
Giáo Hội phải làm gì trước tình hình như thế? Biết bao người đã nhận Phép Rửa trong cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, nhưng đang bị dính vào bẫy của “các quyền lực thế gian”, trong khi lẽ ra họ phải đang cảm nếm được sự tự do của con cái Thiên Chúa (x. Gl 4,1-9). Nếu họ nhìn ra và hiểu được nỗi khốn cùng của mình, ắt hẳn họ sẽ bước vào lối bước ân sủng để thoát ra khỏi cơn bế tắc, nhưng lối sống tiêu thụ cuốn chặt họ trong đủ thứ hoạt động và lo toan đến nỗi hầu như không bao giờ họ có thể bất chợt giật mình nghĩ lại và nhận ra Thiên Chúa nữa. Xem ra chẳng có ý nghĩa gì việc khuyên những người ấy dành nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện với Chúa, vì việc gắn thêm “Thiên Chúa” và “cầu nguyện” vào núi công việc của họ thì không đủ để vãn hồi lòng đạo đích thực. Người ta cần ý thức rằng mối hiệp thông cá vị với Thiên Chúa phải là nguồn và là chóp đỉnh của đời sống, chứ không thể giảm trừ nó chỉ còn là việc đầu tiên trong danh sách “các việc phải làm.” Để có thể giúp người ta, Giáo Hội cần một cách thế hữu hiệu để đối đầu với lối sống tiêu thụ, một cách thế khả dĩ đưa được Thiên Chúa trở lại vị trí trung tâm của đời sống người ta.
Để tìm ra một cách thế, chúng ta phải nhìn thẳng vào những gốc rễ luân lý của lối sống tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ vận hành bằng cách khơi lên những khát vọng và làm cho người ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, dẫn người ta tới tâm trạng hụt hẫng và nỗi lo sợ mất mát. Theo một quan điểm nhân học Công Giáo cổ điển (như thấy nơi tư tưởng của Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô), có hai loại khao khát căn bản: khao khát thiêng liêng diễn tả trong ý chí, và khao khát xác thịt diễn tả nơi các bản năng và nơi những hưởng ứng liên quan tới sự khoan khoái (nhục dục) và sự chiến đấu (tính bức xúc). Chủ nghĩa tiêu thụ xúi quẩy người ta ước muốn có nhiều hơn những gì mình đã kiếm được, hưởng thụ một cách vô độ các thứ tiện nghi, phản kháng một cách mù quáng sự an phận đối với điều kiện sống thực tế của mình, và sợ hãi một cách vô lý cái viễn ảnh đánh mất điều kiện sống ấy.
Vì thế, nếu chúng ta muốn giúp giải thoát người ta khỏi chủ nghĩa tiêu thụ, trước hết chúng ta phải giúp họ điều chỉnh lại các khát vọng của họ, sao cho họ có thể cảm thấy hài lòng với một mức tương đối trong đời sống thể chất và tinh thần. Theo nhân học Công Giáo, thì đây là việc rèn luyện các nhân đức, nhất là đức công bình (theo đó người ta mong muốn nơi mình và nơi tha nhân những gì hợp lẽ) và đức tiết độ (theo đó người ta hưởng thụ các tiện nghi vật chất một cách vừa phải). Một người công bình và tiết độ thì không thể bị những trò lừa của chủ nghĩa tiêu thụ làm lung lạc ý chí và các dục vọng của mình.
Tuy nhiên, chỉ hai nhân đức trụ cột ấy vẫn chưa đủ. Thần học Công Giáo dạy rằng xét như là một dữ kiện hiện sinh, duy chỉ bằng sức riêng mình thì không ai thành công trọn vẹn trong việc sống các nhân đức. Chúng ta cần ân sủng. Hơn nữa, một người theo chủ nghĩa tiêu thụ cần được giải độc khỏi nỗi hụt hẫng và nỗi lo sợ của mình, vì người ấy không thể bình an cho tới khi có thể cảm nghiệm được sự hài lòng đúng đắn đối với những phương tiện thực sự cần cho đời sống con người. Người ấy rất cần đức Ái và đức Cậy, để nhận ra sự sung mãn đích thực của con người trong tương quan với tha nhân và để có được niềm tin tưởng hướng vọng tương lai. Nơi con người Đức Kitô, chúng ta gặp nguồn ân sủng để ta kín múc được đức Ái và đức Cậy như thế. Thật là ý nghĩa khi Đức Kitô mạc khải rằng yêu thương là hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân, được thực hiện qua việc trút bỏ mọi sự cách triệt để (kenosis). Ngài không giảng rằng sự viên mãn nằm ở “khẳng định chính mình” hay ở “cuộc sống có đầy đủ mọi thứ”, trái lại, Ngài đã trút bỏ chính Ngài cho chúng ta trên Thập Giá. Chỉ qua sự hiệp thông với cái chết và sự Phục Sinh đầy yêu thương của Đức Kitô chúng ta mới có thể nhận được Thánh Thần và ân sủng để sống một đời sống công bình và tiết độ được làm sống hoạt bởi các nhân đức Tin, Cậy, Mến.
KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO: LỐI BƯỚC TỰ DO
Vì thế, để đương đầu một cách hữu hiệu với lối sống tiêu thụ, Giáo Hội phải đào luyện đời sống nhân đức trong sức mạnh của Thánh Thần Đức Kitô. Cái khó khăn trong việc đào luyện nhân đức nằm ở chỗ các nhân đức không thể đơn thuần được dạy bằng các qui định kiểu “cho toa”. Những loại nhân cách khác nhau và những hoàn cảnh đời sống hằng ngày khác nhau không cho phép chúng ta cung cấp một danh mục chi tiết “những cách thức” để sống các nhân đức. Đành rằng người ta có thể mô tả các nhân đức và chỉ ra chúng khác thế nào so với những điều xấu đối ngược với chúng, nhưng người ta cần các mẫu gương và cần thời gian để thực hành và quen dần với các nhân đức. Và trên hết mọi sự, người ta cần ơn Chúa để tấn tới trên con đường luyện nhân đức. Đây là chỗ mà Giáo Hội đóng một vai trò quyết định: qua việc cung cấp sự chỉ dẫn, cung cấp những mẫu gương sự huấn luyện thường xuyên, và cung cấp ân sủng của Chúa Kitô. Kinh nghiệm dạy ta rằng cộng đoàn có thể là một phương tiện rất hữu hiệu để đào luyện nhân đức, và quả thực Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội đâu nhằm mục đích nào khác hơn là làm cho người ta trở thành môn đệ của Ngài.
Truyền thống Kitô giáo cung cấp cho chúng ta những lối sống đặc biệt thúc đẩy đức công bình và tiết độ, vốn cần thiết để vượt qua các khát vọng lệch lạc gây ra bởi chủ nghĩa tiêu thụ, và đồng thời nuôi dưỡng đức Ái và đức Cậy, vốn cần thiết để chữa lành các vết thương của chủ nghĩa này. Những lối sống ấy chính là những kỷ luật thiêng liêng bao gồm sự thực hành khổ hạnh Kitô giáo, với rất nhiều phương thức cụ thể mà qua đó các Kitô hữu trải bao thế kỷ sống đời sống mới của mình trong Đức Kitô. Tôi muốn nêu ra ba thực hành hiệu nghiệm cách riêng trong việc đương đầu với những sự dữ của chủ nghĩa tiêu thụ, đó là: sống đời sám hối, giữ ngày của Chúa, và dâng cúng.
Thực hành sám hối là một phương thế đầy năng lực chuyển hóa, bởi vì đó là cách thể hiện tình yêu mà Chúa ban cho mọi Kitô hữu đã được tái sinh trong cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Được kết hiệp với Đức Kitô nhờ tình yêu này và được đầy tràn Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu có thể bước theo Đức Kitô trong tình yêu “hủy mình ra không” đến mức trao hiến mạng sống làm hy lễ cho Thiên Chúa và nên ơn ích cho con người. Theo truyền thống, sự “hủy mình ra không” này của người Kitô hữu được hiểu như một cuộc hoán cải không ngừng (metanoia) bao gồm ba hành động: ăn chay (hay tiết chế), cầu nguyện, và bố thí (làm phúc). Trong đời sống sám hối này, người Kitô hữu muốn đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách bắt chước tình yêu “hủy mình ra không” của Đức Kitô trong đời thường của mình. Với thực hành tiết chế, người Kitô hữu xa tránh những khát vọng vô bổ nơi ý chí và xác thịt mình, và sống thuận theo thánh ý Chúa cho cuộc đời mình. Qua việc cầu nguyện, người Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp thông sâu xa hơn với Thiên Chúa, và tìm kiếm ân sủng để kiên trung bước đi trên con đường hẹp của tình yêu. Qua việc bố thí, người Kitô hữu không chỉ chia sẻ của cải vật chất với người khác mà còn chia sẻ chính bản thân mình nữa.
Giáo Hội đào tạo các môn đệ Đức Kitô phần lớn bằng việc giảng dạy, nêu gương, bồi dưỡng, và tổ chức đời sống sám hối của cộng đoàn. Một đời sống như vậy tự bản chất sẽ kéo người Kitô hữu ra khỏi việc theo đuổi một “đời sống tiêu chuẩn cao” đầy ích kỷ, để hướng đến một tình yêu vô vụ lợi đối với Thiên Chúa và tha nhân. Bằng cách đề xuất những thực hành đặc biệt qua đó toàn thể cộng đoàn cùng khổ chế, cầu nguyện và làm việc phúc đức, Giáo Hội có thể thúc đẩy một công cuộc thánh thiện đích thực có sức giải phóng các thành viên mình khỏi sự cột trói của chủ nghĩa tiêu thụ. Các Kitô hữu đến lượt mình sẽ làm cho xã hội mà mình sống có tính nhân văn hơn, nhất là qua việc đưa đức Ái và đức Cậy vào một thế giới đã sa ngã. Một Kitô giáo như thế không phải là thuốc phiện cũng chẳng phải là tạo loạn; đó là một chứng tá đầy chất ngôn sứ phát tỏa từ Giáo Hội, có năng lực chuyển hóa chính con cái Giáo Hội và toàn thế giới.
Ta hãy xem xét việc giữ ngày Chúa Nhật. Trong một nền văn hóa vốn nặng tính hoạt động và tiêu thụ, chúng ta dành ngày Chúa Nhật cho Thiên Chúa và cho tha nhân, đó là thời gian để nghỉ ngơi, để sống các mối tương quan liên vị và để thưởng ngoạn các hoa trái của trái đất. Nhịp hoạt động căng thẳng của công việc được ngưng lại để ta có thời gian dành cho bao giá trị khác mà Chúa ban cho đời sống. Việc nghỉ ngày Chúa Nhật có thể là một kinh nghiệm sống động về “kairos” tức “thời gian viên mãn”, thay vì là một “chronos” tức thời gian được đo lường, được tiêu pha, hay được “giết”. Thời gian của ngày Chúa Nhật chỉ đạt được ý nghĩa khi chúng ta chấp nhận trả giá – đó là, chúng ta “cứu độ” thời gian này bằng cách không dùng nó cho việc tranh thủ vật chất, cho lao động cật lực, hay cho những theo đuổi nhiễm nặng tính tiêu thụ. Trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, điều này có nghĩa là toàn bộ tuần lễ phải được tổ chức xung quanh trung tâm là ngày Chúa Nhật. Khi chúng ta điều chỉnh các hoạt động mỗi ngày theo hướng tạo điều kiện để đề cao ngày Chúa Nhật, thì ngày của Chúa sẽ trở thành trung tâm chi phối cách sắp xếp thời gian cho cả tuần lễ. Ngay cả trong trường hợp một Kitô hữu phải làm việc trong ngày Chúa Nhật, người ấy vẫn có thể thể hiện ý thức về ngày của Chúa bằng một hình thức thờ phượng đặc biệt nào đó, và dành một ngày khác trong tuần để thực hành việc nghỉ lễ. Với việc giữ ngày Chúa Nhật, một giới hạn hữu hiệu sẽ được lập ra cho công việc làm ăn, và chúng ta sẽ có cơ hội để chăm lo cho các mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Thực hành dâng cúng cũng có một hiệu quả tương tự việc giữ ngày Chúa Nhật. Để dâng cúng 10% cho công việc của Chúa, chúng ta không thể chi tiêu tất cả cho chính mình. Và để có được 10% trong một ngân sách vốn quen đầy ắp những món phải chi tiêu, chúng ta phải thay đổi toàn bộ cách sống. Ngân sách chi tiêu hằng tháng cần phải được hoạch định có tính tới việc dâng cúng. Như vậy, một giới hạn chi tiêu sẽ được thiết lập qua việc ưu tiên trao về Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Thực hành này sẽ tạo điều kiện cho chúng ta học biết rằng thu nhập của mình không phải chỉ dành để chi tiêu cho riêng mình, mà phải cân nhắc việc chi tiêu từng xu trước mặt Chúa.
Trong giáo xứ tôi, các gia đình thực hành hai bước cụ thể là giữ ngày Chúa Nhật và thực hành dâng cúng đã phản hồi rằng hiệu quả cách chung là có sự thay đổi tích cực trong đời sống gia đình của họ cũng như trong cách họ nhận hiểu về thời gian và tiền bạc. Việc dành một ngày trong tuần và dành 10% thu nhập dạy họ rằng toàn bộ thời gian và tiền bạc của họ thuộc về Thiên Chúa. Để có thể giữ ngày Chúa Nhật và thực hành dâng cúng, họ phải không ngừng tự nhắc mình rằng mọi hoạt động và chi tiêu phải được soi sáng bởi điều mà Chúa mời gọi họ trong tuần lễ ấy. Họ học biết rằng có một số việc không nên làm, một số món hàng không nên mua, nhưng vậy là tốt, vì quĩ thời gian và tiền bạc giới hạn phải được sử dụng theo ý Chúa. Nói tóm lại, họ bắt đầu phát triển một cảm thức về Chúa Quan Phòng. Họ kinh nghiệm rằng cuộc sống của họ nằm trong bày tay Thiên Chúa, chứ không phải trong tay của thời vận, và rằng họ không cần phải đạt cho được tất cả những gì mình có thể đạt, mà chỉ cần đạt được điều Chúa muốn thôi. Đây là kinh nghiệm của đức Ái và đức Cậy. Họ học biết cách hài lòng với những gì mình có xuyên qua việc tìm kiếm thánh ý Chúa khi họ kiếm tìm và sử dụng của cải mà Chúa ban cho. Họ có thể hướng nhìn tương lai với ít lo lắng hơn, bởi vì họ đã bắt đầu biết sống trong niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng. Điều này tạo ra không chỉ một loại cảm nghiệm hài lòng hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa tiêu thụ, mà còn giúp người ta có được sự ổn định kinh tế tối thiểu mà chủ nghĩa tiêu thụ không thể đem lại cho họ. Hài lòng với số thu nhập ít hơn, điều đó có nghĩa là người ta có khả năng tiết kiệm một phần thu nhập của mình để dự phòng cho tương lai, qua hình thức sở hữu và làm chủ thực sự.
KẾT LUẬN
Tôi từng chứng nghiệm những ích lợi thực sự, về vật chất và thiêng liêng, đạt được bởi các gia đình thực hành con đường khổ hạnh này để giải thoát mình khỏi chủ nghĩa tiêu thụ. Đây là một con đường không dễ bước đi, và trong kinh nghiệm của tôi, người ta chỉ có thể bước đi được nếu họ chấp nhận giữ ngày Chúa Nhật, chấp nhận dâng cúng, và chấp nhận sống đời sám hối. Các gia đình ấy đã dạy tôi rằng bằng cách tạo ra một môi trường khuyến khích thực hành khổ hạnh, Giáo Hội có thể cung ứng rất nhiều sự nâng đỡ cần thiết và cung ứng tầm nhìn cho những ai bị kẹt trong chủ nghĩa tiêu thụ. Rất nhiều anh chị em trong đàn chiên Chúa muốn vượt thoát; chỉ có điều là họ không có khả năng nhận hiểu vấn đề hay xác lập một giải pháp cho chính họ.
Điều kỳ diệu về những thực hành khổ hạnh này, đó là ngay cả dù không hoàn toàn hiểu chúng, người ta vẫn có thể thực hành chúng và nhận được kết quả do chúng mang lại. Giống như những đức tính tốt mà cha mẹ chúng ta giúp chúng ta tập tành thuở nhỏ, chúng hữu ích cho ta ngay cả trước khi ta hoàn toàn nhận hiểu và trân trọng chúng. Những thực hành khổ hạnh sẽ chống lại chủ nghĩa tiêu thụ tận trong gốc rễ của nó, tức chống lại dục vọng và nỗi sợ hãi mà chủ nghĩa tiêu thụ tạo ra. Những thực hành ấy thúc đẩy người ta đánh giá lại mục đích của cuộc sống mình, của việc sử dụng thời gian và tiền bạc. Khi được đảm nhận dù chỉ với một chút thiện chí muốn đáp lại ân sủng Chúa, khổ hạnh sẽ đem lại những hoa quả không ngờ. Cũng giống như việc Đức Kitô hủy mình ra không cho đến cái chết trên Thập Giá, khổ hạnh là một cớ vấp phạm và là sự điên rồ đối với thế gian. Nhưng cho những ai tin, thì đó là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đem lại năng lực biến đổi thế giới này.
THIÊN PHONG
dịch từ “Christian Asceticism: Breaking Consumerism’s Destructive Hold”
của Fr. Timothy V. Vaverek, trong Houston Catholic Worker, Vol. 21, No. 1, January 2001.
THIÊN PHONG