Người tiêu thụ Mỹ trở thành những nhà cách mạng mới tại Trung quốc



Bắc Kinh phải nhượng bộ trước sức mạnh của thị trường đang đòi hỏi phải có luật lệ và chấm dứt tham nhũng.

LTS: Lời giới thiệu: Bài bình luận sau đây là của Nathan Gardels, biên tập viên báo New Perspective phát hành mỗi tam cá nguyệt được đăng trong phần Bình Luận của tờ Los Angeles Times hôm Chúa Nhật 12/8/2007. Ông cũng là tác giả cuốn "The Changing Global Order: World Leaders Reflect." Quan điểm của ông trình bày dưới đây đáng được các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt nam quan tâm, vì vậy chúng tôi đã cho dịch và phổ biến để rộng đường dư luận và thêm một kinh nghiệm.... LM Trần Công Nghị

Ai mà lại ngờ rằng thực phẩm nuôi chó mèo và đồ chơi của con nít bị ô nhiễm lại có thể đe dọa đến mức gỡ bỏ mô hình phát triển kinh tế bằng độc quyền xuất cảng của Trung quốc? Sở dĩ mà có cuộc đàn áp tàn bạo tại Thiên an môn năm 1989 là nhằm đảm bảo phần nào sự phát triển đó. “Nhà lãnh tụ tối cao” của Trung quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình – sau này bị thanh trừng trong cuộc Cách Mạng Văn hoá – có thể thấy rõ là biến động chính trị sẽ làm chệch hướng con đường ổn định của Trung quốc đi tới phú cường. Nhưng chắc chắn là ông và các đồng chí nối nghiệp ông sau này không hề mảy may nghĩ tưởng đến chuyện khách hàng tiêu thụ thích thay đổi tại Mỹ lại có thể là nhân tố cho cuộc thay đổi có tính cách cách mạng tại Trung quốc, hệt như người sinh viên nơi quảng trường Thiên an môn kia mong muốn.

Nhân danh quyền tự quyết, các nhà lãnh đạo Trung quốc đã từ lâu cứ ung dung đàn áp công dân nước mình không thèm đếm xỉa đến nạn tham nhũng hoành hành vì vắng bóng luật pháp, miễn sao cho giàu có vinh quang mau chóng. Nhưng, nhờ ở toàn cầu hóa, Trung quốc xuất cảng hàng hóa phải cậy nhờ vào thị trường Hoa kỳ thì để cho quân bình lại đã nhập cảng các nhu cầu chính trị của người tiêu thụ Mỹ. Người Hoa kỳ không ngần ngại cắt đứt huyết mạch nhập cảng và tránh xa các sản phẩm của Trung quốc vì có thể độc hại cho con cái của họ hoặc giết chết thú vật họ nuôi trong nhà.

Khác với các nhóm ủng hộ lao động hoặc nhân quyền có quy chế, những người tiêu thụ không cần được ai điều động cũng tạo được ảnh hưởng trên sự đổi thay : họ chỉ cần ngưng không đi mua sắm. Và những cửa hàng bán đồ với giá rẻ - như Wal-mart, Target, Toys R Us – có quyền lực vô biên hơn nghiệp đoàn AFL-CIO hoặc Tổ chức Ân xá Quốc tế trong việc thúc đẩy đổi thay tại Trung quốc.

Điều thật trớ trêu là ưu đãi “tối huệ quốc” mà Hoa kỳ ban cho Trung quốc (và việc Trung quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới sau đó) mà các nhóm ủng hộ lao động và nhân quyền đã cực lực phản đối trong quá khứ, lại biến thành con ngựa thành Troie, chứa đựng trong nó những điều nguy hiểm. Tương lai của Trung quốc ngày nay lại liên quan mật thiết với khách tiêu dùng Mỹ đến nỗi Bắc Kinh sẽ bắt buộc phải kiềm chế nạn tham nhũng và tăng cường quy cách điều hành bằng luật lệ nếu không muốn phải đối diện với sự suy sụp phần nào về tăng trưởng kinh tế nhờ xuất cảng hàng hóa.

Không có trừng phạt nào tai hại hơn sự lựa chọn của khách hàng. Sống nhờ thị trường nhưng cũng chết vì thị trường. Muốn cho khách hàng tin cậy ở các sản phẩm Trung quốc, phải làm cho họ tin cậy ở qui cách của các sản phẩm đó. Và các qui cách không thể tin được nếu không có luật lệ, luật lệ này không bị bẻ cong vì tham nhũng, giả mạo và quanxi (móc ngoặc).

Về mặt lịch sử, chính nhờ giới trưởng giả mới nổi đã đứng lên đòi hỏi sự bảo vệ và các quyền lợi nên mới có quy tắc luật lệ và nền dân chủ. Và cái nghịch lý cơ bản của chủ nghĩa toàn trị mềm dẻo của Đặng Tiểu Bình là: tư hữu hóa cuộc sống nhân dân sẽ cuối cùng làm cho giới thẩm quyền mất đi quyền lực. Khi càng nhiều người được hưởng tự do cá nhân thì ít người sẽ chịu để mất nó. Dường như việc toàn cầu hóa, đã thúc đẩy cho mau tiến trình này bằng cách tạo nên một loại hình liên kết nhau vì mục tiêu giữa giai cấp trung lưu Tàu đang lớn mạnh và khách hàng Hoa kỳ nghiêng về quy chế của luật pháp.

Trung quốc cần khởi đầu từ số không để giải quyết vấn đề này. Trước khi rút lui trong cuộc tranh chấp quyền lực (có nghĩa là bị thanh trừng) với thủ tướng lúc đó là Lý Bằng (Li Peng) và Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Đảng lúc đó là Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), ông Kiều Thạch (Qiao Shi) đã dành cho tôi một cuộc phỏng vấn thật hãn hữu vào năm 1997. Vào thời đó ông đứng hàng thứ ba trong Bộ Chính trị và là Chủ tịch Quốc hội Nhân dân Trung hoa.

Trong lúc các đối thủ của ông đặt nặng vấn đề phát triển kinh tế và kiểm soát đảng thì ông Kiều nhấn mạnh đến nhu cầu phải có “quy chế của luật pháp và tăng cường hệ thống pháp luật.” Khi chúng tôi gặp nhau tại Đại Sảnh đường Nhân dân, ông nhấn mạnh rằng “bất cứ vi phạm luật pháp nào của các cơ quan bảo vệ pháp luật, coi thường luật pháp của viên chức hành chánh hoặc xuyên tạc công lý để mưu lợi riêng đều phải được ngăn chận.”

Ông quan niệm rằng “theo hiến pháp thì mọi quyền lực của quốc gia thuộc về nhân dân, và nhân dân thực thi quyền qua Quốc hội Nhân dân trung ương và địa phương theo nhiều cấp bậc. Để đảm bảo rằng nhân dân thực sự làm chủ đất nước và quyền thực sự trong tay họ, thì chúng ta phải tăng cường các cơ chế đó và để cho các cơ quan này được hoàn toàn tự do hoạt động.”

Khi tôi hỏi về vấn đề là đảng ở trên luật pháp hay luật pháp ở trên đảng – ông trả lời thẳng thừng làm kinh ngạc rõ rệt những người thảo luận với ông - rằng “không có tổ chức hoặc cá nhân nào có đặc quyền coi thường hiến pháp hay luật pháp cả.”

Sau khủng hoảng hiện nay về sự tín nhiệm nơi hàng hóa Trung quốc của người tiêu thụ toàn cầu thì lúc này có lẽ các lãnh tụ tại Bắc Kinh cảm thấy bắt buộc phải trở về với tinh thần của nghị trình mà ông Kiều đã đề ra. Khách hàng có lương tri không chấp nhận câu trả lời của Trung quốc là truy tố và hành quyết các viên chức cao cấp – theo kiểu “giết con gà để dọa con khỉ “. Họ chỉ muốn lấy chất chì độc hại ra khỏi các đồ chơi của con cái họ, nếu không thì họ đi mua sắm ở chỗ khác.

Dĩ nhiên, việc chuyển hướng tới sự tôn trọng luật lệ khả tín chưa phải là dân chủ, nhưng đó là một bước tiến lớn trong cuộc trường chinh đi về hướng đó.

Mấy năm trước đây, nhà bất đồng chính kiến nổi danh một thời nay đã bị lãng quên là ông Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) đã than van là sự chú ý của công luận toàn cầu và của đa số người dân Trung quốc đã xoay chuyển “từ Bức Tường Dân Chủ (nơi ông trương các khẩu hiệu đòi hỏi cải tổ chính trị dân chủ để rồi bị bắt) sang các khu mua sắm.”

Lúc này đây, đặc biệt là khi Thế vận hội mùa hè sắp tới gần kề, hình như tình thế có lẽ đang đảo ngược lại.