THẾ NÀO LÀ XU HƯỚNG TÍNH DỤC THEO ĐỊNH NGHĨA CỦA TOÀ THÁNH?

Geneva, ngày 24 tháng 3 năm 2011 (zenith.org)—Tại Phiên Họp thứ 16 của Hội Đồng Nhân Quyền nhằm bàn về “xu hướng tính dục,” Đức Tổng Giám Mục Silvano M. Tomasi, đại diện thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các Tổ Chức Quốc Tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã đọc bài diễn văn sau đây để lưu ý mọi người về ý nghĩa đích thực của xu hướng tính dục (sexual orientation) vốn đã bị hiểu lầm một cách tai hại.

Kính thưa Ông Chủ Tịch,

Toà Thánh muốn nhân dịp này xác nhận phẩm cách cố hữu và giá trị của tất cả mọi hữu thể con người, đồng thời lên án mọi bạo lực đang nhắm vào con người nhân danh các cảm thức, tư tưởng hoặc động thái dục tính của họ. Chúng tôi cũng muốn nêu lên một số nhận định về những tranh cãi chung quanh “xu hướng tính dục.”

Trước hết, đã xẩy ra một sự rối loạn không cần thiết trong cách hiểu về ý nghĩa của hạn từ “xu hướng tính dục,” như thấy trong các quyết nghị và các bản văn khác đã được hệ thống nhân quyền LHQ công nhận. Sự rối loạn này không cần thiết là bởi vì, trong công pháp quốc tế, một hạn từ phải được giải thích theo nghĩa thông thường của nó, ngoại trừ trường hợp văn kiện cho nó một ý nghĩa khác [1]. Nghĩa thông thường của “xu hướng tính dục” nhắm tới các cảm thức và tư tưởng, chứ không phải động thái. [2]

Tiếp đến, theo mục đích của luật nhân quyền, có một khác biệt tối quan trọng giữa một bên là cảm thức và tư tưởng, còn bên kia là động thái. Một quốc gia không bao giờ có thể ra hình phạt cho một con người, hoặc truất bỏ khỏi người đó sự hưởng thụ nhân quyền, mà chỉ dựa trên cảm thức và tư tưởng của người ấy, kể cả các tư tưởng và cảm thức về dục tính. Nhưng chính quyền có thể, và phải, điều hướng các động thái, bao gồm các loại động thái tính dục khác nhau. Mọi xã hội trên thế giới này đều đồng ý rằng có một số động thái tính dục phải bị luật pháp nghiêm cấm. Ấu dâm và loạn luân là hai thí dụ.

Thứ ba nữa, Tòa Thánh muốn khẳng định sự xác tín sâu xa của mình rằng dục tính (sexuality) con người là một quà tặng được biểu lộ một cách chân thực trong sự hiến dâng hỗ tương trọn vẹn và suốt đời của một người nam và một người nữ trong hôn nhân. Cũng như mọi hoạt động tự ý, dục tính con người sở hữu một chiều kích luân lý: nó là một hoạt động đặt ý chí của một cá nhân vào tư thế phục vụ một cứu cánh; nó không phải là một “căn tính.” Nói khác đi, nó xuất phát từ hành động chứ không phải từ hữu thể, cho dù một số các khuynh hướng hoặc “xu hướng tính dục” có thể mang những căn rễ sâu xa nơi nhân cách. Chối bỏ chiều kích luân lý của dục tính sẽ đưa đến việc phủ nhận tự do con người trong vấn đề này, rốt cuộc là sẽ gây phương hại đến chính phẩm cách hữu thể học của người ấy. Nhiều cộng đồng đức tin cũng như nhiều con người có lương tâm đều chia sẻ với toà thánh về niềm xác tín này nơi bản chất con người.

Sau cùng, kính thưa Ông Chủ Tịch, chúng tôi kêu gọi mọi người chú ý vào một trào lưu đang khuấy động trong những cuộc bàn cãi về vấn đề xã hội: đó là việc nhiều người đang bị tấn công chỉ vì giữ lập trường không ủng hộ động thái tính dục giữa những người đồng phái tính. Khi những người này bầy tỏ niềm xác tín luân lý của mình hoặc niềm xác tín về bản chất con người, có khi cũng có thể là những biểu hiện niềm tin tôn giáo, hoặc phát biểu ý kiến về các giả thuyết của khoa học, là họ bị điểm mặt, hoặc tệ hơn nữa, là bị phỉ báng, có khi còn bị bách hại nữa. Những công kích này đi ngược lại những nguyên tắc căn bản đã được công bố trong ba quyết nghị của Hội Đồng lần nhóm họp này. [3] Sự thật là, các cuộc công kích này đã vi phạm các quyền căn bản của con người, và không thể biện minh được trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Xin trân trọng cảm ơn Ông Chủ Tịch.



Ghi chú:

[1] Công Ước Vienna về Luật Hiệp Ước, Khoản 31(1)

[2] Rất nhiều nơi “xu hướng tính dục” không hề ám chỉ động thái (behavior), mà ám chỉ cảm thức (feelings) và tư tưởng (thoughts).

[3] L-10 về tự do phát biểu tư tưởng; L-14 về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; L-38 về việc chống lại sự bất nhẫn, khuôn rập tiêu cực và điểm mặt.

Bản dịch của

Nguyễn Kim Ngân