Khi còn học phổ thông, có đôi lần tôi về Phát Diệm tham quan vào những dịp nghỉ hè, nhưng khi đó tôi chưa phải là người Công Giáo, và ý thức về Nhà thờ mang văn hóa Á Đông chưa thực sâu sắc trong tâm trí. Tôi rất thích ngắm nhìn những nhà thờ có kiến trúc cổ điển của phương tây, thật đồ sộ với các cột trụ chịu lực sừng sững. Bên ngoài nhà thờ có tháp nhọn cao vút lên trời, bên trong nhà thờ là những dãy ghế băng dài và trên tường của cung thánh thật lộng lẫy với trang trí gỗ sơn song thiếp vàng...

Cho tới mùa hè năm 2003 sau khi đã gia nhập Hội Thánh Công Giáo, tôi được thầy Phêrô Nguyễn văn Chuyển (hiện thầy đã là linh mục giáo phận Phát Diệm) mời về chia sẻ giao lưu với giới trẻ của Giáo xứ Quảng Phúc, Giáo Phận Phát Diệm, lúc đó tôi mới nghĩ đến hay có thể nói là ước mong tới Phát Diệm vì muốn được tìm hiểu về Nhà thờ Phát Diệm. Chuyến đi chia sẻ giao lưu với giới trẻ của Giáo xứ Quảng Phúc của tôi không đi theo tuyến đường đi về Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm nên tôi chỉ có thể đứng trông về Phát Diệm ngay từ lúc sáng sớm hôm sau thức dạy.

Để có thể làm gì đó cho việc dạy sớm, tôi thấy xa xa có tháp nhà thờ và ước chừng không xa xứ Quảng Phúc, tôi đã đi bộ tới đó. Đây là nhà thờ kính thánh tử đạo Gioan Baptixita Đinh văn Thanh. Cửa nhà thờ không mở, tôi đi một vòng và thầm cầu nguyện với ngài là khi có dịp về Phát Diệm tôi sẽ trở lại thăm ngài. Tôi sống trong gia đình không theo đạo Công giáo nên tôi đã chịu nhiều ảnh hưởng trong phong tục cách sống của gia đình, của cộng đồng. Sau này tôi mới hiểu, người Công giáo không nói về việc viếng nhà thờ kính một vị thánh như là đi tham quan tới nhà thờ có vị thánh đó nhưng sẽ nói là hành hương. Hành hương (Pilgrimage) mang ý nghĩa cầu nguyện về chuyến thăm viếng nơi linh thánh qua sự biểu lộ lòng mến trong lòng đạo đức chân thành của người tín hữu đối với nơi mình sẽ hành hương.

Bốn năm sau, năm 2007, một ngày trung tuần tháng Chín, tôi đến thăm thầy Simon Vũ Đức Hòa dòng Xitô học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội. Thày Simon Vũ Đức Hòa quê ở giáo xứ Yên Vân, nay đã làm linh mục dòng Xitô Nho Quan, giáo phận Phát Diệm. Và qua việc thầy giới thiệu về Sinh viên Công Giáo Phát Diệm, tôi liên hệ với thầy Giuse Vũ văn Được để xin đăng ký nhận Nội san Sinh viên Phát Diệm. Thầy Giuse Vũ văn Được mời tôi thứ Sáu ngày 26.10.2007 về chia sẻ với Giới trẻ Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm do cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc làm Chính xứ. Trong giây phút chia sẻ, tôi kể với cha và các bạn là đã ước ao được trở về Phát Diệm.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi về Phát Diệm một mình bằng xe máy, tự tìm đường và hỏi đường. Trước sự ngạc nhiên của cha và mọi người đã làm tôi thấy thực có Chúa giữ gìn, tôi thầm cảm tạ Chúa. Ngày thứ Bảy trong tuần là lễ Thánh Simon nhiệt thành, Cha Phúc và thầy Được mời tôi ở lại tham dự lễ Quan thầy của họ Phát Thượng thuộc giáo xứ Chính tòa Phát Diệm, quê của thầy Được, tôi vui vẻ vâng lời ở lại. Thánh lễ sáng hôm đó là lễ đồng tế Cha Hồng Phúc (cha xứ), Cha Antôn Phan văn Tự (cha khách) và Cha Giuse Mai văn Thiện (cha quê hương). Tìm một chỗ ngồi ở trong góc cuối Nhà thờ, tôi thầm nghĩ: “Bài giảng lễ thánh Simon có thể sẽ là cha khách sẽ giảng lễ vì ngài là cha quản lý Tòa giám mục”. Lời giảng của linh mục giảng lễ bắt đầu cất lên, ngài nói đến câu thứ hai thì tôi nhận thấy giọng ngài quen quen và hơn thế, ngài dẫn vào bài giảng cách hợp lý nhất đó là ngài nói về lịch sử Giáo Hội.

Trong thời gian tôi đi học giáo lý để gia nhập Hội thánh, tôi đã từng tìm hiểu lịch sử Giáo Hội và cũng còn nhiều thao thức những tưởng rằng khó có thể được hiểu hơn về lịch sử Giáo Hội nên ngay khi vừa nghe thấy câu nói đầy đủ về Giáo Hội tôi liền đứng dậy để có thể được nghe ngài nói rõ hơn. Và điều quan trọng là được nhìn thấy ngài giảng lễ. Ngài không phải là cha khách, cũng không phải là cha quê hương mà ngài chính là cha xứ Hồng Phúc. Khi trở về nhà xứ, tôi hồn nhiên thưa với cha xứ là bài giảng của cha rất sâu sắc, nhiều dẫn chứng với những ý nghĩa về lịch sử Giáo Hội. Tôi thấy như cha vui vì nụ cười của cha rạng rỡ trên gương mặt trẻ trung trong phong cách nhanh nhẹn, năng động nơi một linh mục trẻ mà tôi đoán khoảng 35 tuổi nhưng thực thì ngài sinh năm 1957, nghĩa là ngài đã ngoài năm mươi tuổi và năm 2010 giáo dân giáo phận Phát Diệm mừng chúc 30 năm linh mục của ngài.

Vì thời gian tôi đi chia sẻ tại ba nhà thờ trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy nên việc tham quan nhà thờ Phát Diệm phải hoãn lại.

Hoãn lại mãi tới mùa hè năm 2008, khi tôi được đọc cuốn sách Lịch Sử Địa Phận Phát Diệm do Đức Ông Vicente Trần Ngọc Thụ viết, và phải tới tháng Mười năm 2008 tôi mới hoàn thành xong tập ảnh về Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm và Tòa Giám mục Phát Diệm để gửi đăng tới trang truyền thông Công giáo Việt Nam (www.vietcatholic.org). Nhiều vất vả, nhiều rủi ro và rất nhiều thử thách nhưng tôi vẫn luôn ngân nga lời Thánh vịnh 139:

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện
Đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
Tại đó, cũng tay Ngài đưa dẫn
Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con
. (Tv 139,9-10)

Thời gian tôi về Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm theo lời mời của thầy Giuse Vũ văn Được là thời gian tôi đang bước trở lại ra xã hội mới chỉ khoảng một tháng mà hơn mười năm trước tôi đã biết xã hội là thế nào, tôi khiếp sợ, tôi muốn tránh xa và để có thể tránh xa xã hội, tôi đã quyết định theo Chúa.

Bước ra xã hội là phần nào giữ khoảng cách với Hội Thánh (Hội mời gọi những người muốn nên thánh!), đó là chỉ đi lễ mỗi ngày Chúa nhật, chẳng tham gia hội đoàn hay ca đoàn, vui chơi theo ý thích riêng của mình khi muốn thư giãn những lúc cảm thấy căng thẳng, áp lực vì công việc... Tôi đã làm điều đó trong khoảng một tháng, hẳn là Thiên Chúa không thể yên lòng vì tôi rong chơi nên Ngài thấy cần phải đưa tôi đến với chương trình cứu độ của Ngài trong thời gian tôi về Phát Diệm.

Không thể nào dấu tình yêu của mình với Chúa, với Hội Thánh vì chỉ cần một việc tốt nơi một người thánh thiện của Chúa là ngay lập tức cảm xúc tình yêu với Chúa trong trái tim tôi dâng trào, vui và khóc, khóc vì lòng đau đớn bị tổn thương khi chính mình phải từ chối tình yêu của mình nay gặp lại tình yêu, gặp lại Chúa. Tôi đã khóc và chạy trốn lời mời gọi của Chúa nhưng không thể vì trong thánh lễ sáng thứ Hai 29.10.2007, ngày tôi sẽ trở về Hà Nội trong chuyến đi Phát Diệm, tôi đã được nghe lần nữa cha Hồng Phúc giảng lễ. Sau bài giảng tôi nghe thấy tiếng cha đọc lời tiền tụng Cảm tạ Thiên Chúa là một hồng ân, lời cầu nguyện tôi đã thuộc lòng từ lâu và tôi hồn nhiên thầm đọc theo cha: “Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Trên suốt dọc đường về Hà Nội, những bài giảng của cha Hồng Phúc làm tôi thấy như đó là lời của Thiên Chúa nói nhẹ nhàng thì thầm vang lên trong tâm trí tôi. Tiếng trả lời từ trong tâm hồn tôi về lịch sử Giáo Hội và lịch sử Giáo Hội Việt Nam cất lên như Chúa và tôi đang đối thoại, mãnh mẽ và lắng nghe đã giúp tôi hiểu, tôi nhận lỗi với Chúa vì thời gian học giáo lý tại dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội để trở thành Kitô hữu đã không được có điều kiện hiểu về Lịch sử Giáo Hội Việt Nam, có biết thì chỉ là biết một số ít vị thánh Tử Đạo Việt Nam, thực là chưa đầy đủ cho những gì là cần phải biết.

Thời gian này, trên truyền hình hay báo đài luôn có tin tức về sự kiện 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội vào năm 2010, tôi thắc mắc không biết vào năm 2010 có sự kiện nào không? Và Thiên Chúa đã cho tôi biết khi Ngài dẫn tôi tới xem tấm bia đá tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội lúc tôi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật trong tuần. Như vậy, các giáo xứ, cộng đoàn có lẽ đã có chương trình mừng Giáo Hội Việt Nam. Vậy thì mỗi tín hữu, có thể làm gì đó mừng các Đức cha, các cha đã và đang truyền giáo?

Lời cầu nguyện liên lỉ xin Chúa tha thứ vì tôi đã bỏ Chúa đi chơi ra ngoài xã hội gần một tháng!. Tôi xin Chúa ban ơn cho mình được làm gì đó như là một quà tặng thật ý nghĩa dâng Chúa để làm vui lòng Chúa, tất nhiên là tôi chọn hai điều mà mình đang ao ước trong lòng đó là xin được một lần nữa về Phát Diệm để được nghe các Cha giảng lễ và đi đến hết các nhà thờ giáo xứ của giáo phận Phát Diệm.

Thiên Chúa Toàn Năng đã không để tôi phải đợi lâu vì hai hôm sau ngày ở Phát Diệm về Hà Nội, thầy Được cho tôi biết tin là có cha Hồng chính xứ Tân Khẩn mời tôi về chia sẻ với giới trẻ vào ngày Chúa nhật trong tuần. Tôi nhận lời mời của cha Hồng và tối hôm đó tôi điện thoại xin xin tham dự thánh lễ giữ lễ Chúa nhật ở nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, và được đồng ý. Có một sự việc mà tôi cho là nhỏ, đó là không may lúc đi đường tôi đã làm rơi ví, trong đựng giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe với hơn một trăm nghìn, tôi nghĩ là sẽ đi làm lại vào hôm nào đó. Tôi dành nhiều thời gian cầu nguyện với Chúa và chuẩn bị cho chương trình đi hành hương Phát Diệm trong ơn Chúa ban.

Nhà Thờ Trì Chính

Sau Tết Nguyên Đán Mậu Tý năm 2008, tôi bắt đầu chương trình hành hương 75 nhà thờ giáo xứ của Giáo phận Phát Diệm vào tuần đầu tháng Tư năm 2008. Nhà thờ Trì Chính là nhà thờ đầu tiên mà tôi đến chụp hình. Nhà thờ Trì Chính chỉ cách Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm 1km. Theo sự chỉ đường của cha Hồng Phúc, tôi đã tìm đến được nhà thờ. Cha đang ở ngoài “công trường” với giáo dân, cùng lao động với giáo dân nhưng khi thấy tôi đến thì cha ngừng tay nghỉ giải lao ít phút. Cha Hồng Phúc giới thiệu tôi với Ban hành giáo, tôi được sự tiếp đón nồng nhiệt của cha và Ban hành giáo. Ngài cùng ông trương Bằng dẫn tôi đi tham quan giáo xứ, ngài giới thiệu về giáo xứ Trì Chính đang gấp rút chuẩn bị Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập với bao nhiêu là việc chưa xong như là khán đài, ao hồ, đường bao quanh ao hồ, tường rào...

Lần đầu tiên tôi được biết rõ hơn về công việc “hậu cung thánh” của linh mục triều. Có biết bao nhiêu là công việc phục vụ trong sứ vụ bổn phận mục vụ của linh mục. Tất cả đòi hỏi tình yêu thương, lòng tận tâm và nỗ lực hết sức mình cho giáo xứ, mà có thể là hai hay ba giáo xứ kiêm nhiệm. Sự tồn tại và phát triển của một giáo xứ chính là sự phi thường của cha xứ trong những công việc âm thầm phục vụ, có lẽ không chỉ có 10 tiếng đồng hồ trong ngày mà có thể tới 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tôi thầm cầu nguyện, xin Chúa giữ gìn linh mục của Chúa, xin Chúa đổ tình yêu của Chúa vào trái tim linh mục để các ngài luôn sẵn sàng yêu và yêu người thật nhiều và vì linh mục cũng là người bình thường. Tôi xin Chúa cho linh mục bình thường hãy là người đàn ông đích thực trong chiếc áo chùng thâm làm việc của Chúa. Nhưng ở đâu có sự hiện diện của linh mục, ở đó có tình yêu, niềm vui và tha thứ. Ngài tha thứ trước nhất, ngài cất tiếng cười nói vui rõ nhất, từ người già đến trẻ nhỏ đều được ngài quan tâm nhiều nhất. Nhất là trẻ em, ngài bế em bé trên tay và nựng vui đùa trong tình cha con, ngài làm mặt xấu hù dọa em nhưng em bé chẳng thấy sợ mà lại cười như nắc nẻ. Tiếng cười là niềm vui, là nguồn động viên đối với mọi người và cũng là hạnh phúc riêng đối với linh mục, vì tiếng cười sẽ giúp cho ngài mỗi ngày trở nên linh mục thánh thiện hơn, đạo đức hơn.

Từ giáo xứ Trì Chính tôi trở về Hà Nội. Trên đường về Hà Nội tôi tìm đến nhà thờ họ Nuốn Khê thuộc giáo xứ Quảng Phúc, quê của thày thánh G.B Đinh văn Thanh. Bầu trời đã bắt đầu có mây đen, dấu hiệu của cơn mưa sẽ rất to. Tôi đã đến được nhà thờ và vào viếng thày thánh Thánh, rồi vội xin phép thày thánh để về Hà Nội kẻo trời mưa to. Trời mưa nặng hạt không ngừng suốt từ sáng cho tới quá trưa. Tôi đi trong mưa, đi ra đến thành phố Ninh Bình thì nước mưa đã thấm vào người vì áo mưa mỏng quá. Biết làm thế nào được, tôi thầm cầu nguyện, phải đi về Hà Nội để ngày mai còn đi học.

Tôi về đến nhà là 5 giờ chiều, quần áo trên người ướt sũng, lạnh run, mấp máy môi cảm tạ Chúa Thiên Chúa và các linh hồn của Chúa đã phù hộ cho tôi đi hết chặng đường từ Phát Diệm về Hà Nội được an toàn. Việc trước tiên là làm ấm người để không bị cảm, kinh nghiệm hơn lần trước và dù sao thì ở nhà đủ điều kiện giữ ấm người hơn là khi đi xa. Sau đó là chìm mình trong giấc ngủ lại sức, một giấc ngủ say và sâu đến 8 giờ tối. Tôi còn nằm trên giường thêm mười phút mới dạy để đi ăn tối, tôi thấy mình khỏe như là chưa đi chặng đường xa lúc chiều, lời cảm tạ tôi dâng Chúa trong bình an của tâm hồn vì Chúa ở bên tôi luôn luôn.

Những hình ảnh về nhà thờ họ Nuốn Khê và nhà thờ Trì Chính rõ nét từng chi tiết trong tâm trí. Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên khi mình có thể tự tìm đến được nhà thờ họ Nuốn Khê … có một bà cụ chỉ cho tôi ngõ rẽ vào nhà thờ họ Nuốn Khê. Niềm vui, những tiếng nói thầm trong lòng với thầy thánh Thanh, quà tặng dâng ngài là lời cầu nguyện tạ ơn, tôi cám ơn thầy thánh vì thầy cũng là một tân tòng. Hình ảnh giáo xứ Trì Chính hiện lên trong tâm trí cùng lúc với niềm vui gặp được thầy thánh Thanh, tôi hứa với thầy là sẽ về thăm thầy nhiều lần nữa. Hướng Nhà thờ Trì Chính nhìn ra một dòng sông, như vậy thì cổng chính của Nhà thờ sẽ đi ra đường sông, còn con đường từ thị trấn đi vào chỉ là ngõ. Những chi tiết về Nhà thờ Trì Chính là lời mở đầu cho bài viết mà ngay khi ăn tối xong là tôi bắt đầu viết bài:

“Nhà thờ Trì Chính nằm ở trong khu dân cư thuộc xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ cách Nhà Thờ Chính Toà Phát Diệm hơn 1km, phía bên kia sông Vạc. Theo lời kể của ông Chánh Trương Giuse Đỗ Văn Bằng thì vào năm 1908 thành lập Giáo xứ Trì Chính đã có ngôi nhà thờ này. Nhà thờ được xây dựng đặt hướng nhìn ra dòng sông Vạc. Sông Vạc nối tiếp bởi sông Luồn và sông Chanh thuộc sông Hoàng Long. Dòng sông chảy qua thành phố Ninh Bình và còn là ranh giới tự nhiên của hai huyện Yên Khánh với huyện Yên Mô chảy tới thị trấn Kim Sơn dọc qua hai xã Kim Chính và xã Thượng Kiệm rồi nhập vào sông Đáy, từ sông Đáy chảy ra Biển Đông.”

Câu chuyện về giáo xứ Trì Chính dài 5 trang A4 chỉ trong đêm hôm đó, tôi cảm tạ Chúa, Chúa đã giúp tôi ghi ra những điều Chúa nói trong tâm hồn tôi.

Trong ơn Chúa ban, tôi đã lên được địa chỉ nhà thờ giáo xứ kính thánh tử đạo và tôi bắt đầu đi vừa kết hợp dự lễ Chầu lượt của giáo xứ vào ngày Chúa nhật, vừa hành hương kính thánh tử đạo. Trong tháng 6, 7, 8 và hai tuần của tháng 9 năm 2008 tôi đã đi đến được 29 giáo xứ, 1 giáo họ, 10 lần viếng vườn thánh, 3 tu viện, 1 gia đình có thánh tử đạo đó là cha thánh Khoan ở xứ Hiếu Thuận. Sáng ngày 14.9.2008, theo chương trình thì tôi sẽ đi tiếp đến xứ Bình Hòa, một giáo xứ đã từng được cha thánh Khoan coi sóc, nhưng vì là ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, linh mục đoàn và giáo dân Phát Diệm về xứ Đồng Đinh tham dự lễ nên tôi chọn đi lễ ở Đồng Đinh. Trên đường đi khi đến huyện Yên Khánh có chốt công an giao thông kiểm tra giấy tờ xe, thì tôi đã bị giữ xe vì thiếu giấy phép lái xe. Đang là tháng An Toàn Giao thông nên dù xin cách nào họ cũng không trả lại xe, tôi đành chịu nhận biên bản giữ xe. Buồn và chán nản, tôi nhắn tin cho cha Hồng Phúc về việc bị giữ xe và xin ngài chúc lành cho tôi.

Vườn Thánh Phát Diệm

Hôm 22.9.2008, sau một tuần bị phạt giữ xe, tôi về Phát Diệm để xin các cha giúp, nếu được các cha ở Phát Diệm giúp mỗi người một chút thì tôi sẽ có đủ số tiền để lấy xe máy bị phạt giữ xe nhưng không có ai dám giúp đỡ. Ngay sau lễ sáng tôi ra Vườn Thánh Phát Diệm viếng mộ các cha, các thầy và các sơ. Tôi muốn cầu nguyện và mặc dầu trong lòng rất u buồn nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục thực hiện tập hình về Giáo phận Phát Diệm. Tại Vườn Thánh hiện có 307 ngôi mộ. Và khi tôi đang loay hoay đếm lại số mộ của các cha vì đã đếm nhầm do có hàng có 13 ngôi mộ, có hàng có 12 ngôi mộ, tôi nhận thấy mình đang đứng bên ngôi mộ của một linh mục, ngôi mộ khuất sau cây tùng, như có tiếng của ngài gọi mình, tôi đã quỳ ngay xuống bên mộ của ngài và tất nhiên là tôi dừng việc đếm số mộ lại để dâng lời cầu nguyện cho ngài – một linh mục đã qua đời – tôi nhìn lên bia mộ thì hiểu ngay ngài là linh mục thừa sai. Ngài từ trần năm 1921, tên của cha được khắc trên bia mộ.

Tôi ngồi lại bên mộ ngài, xúc động cầu nguyện và trò chuyện:

- Ôi! Cha là linh mục Thừa sai. Cha đã tới Phát Diệm và cha ở lại Phát Diệm. Cha đã ở Phát Diệm hơn 80 năm. Cha nhớ nhà nhiều lắm phải không cha? Những người thân của cha hẳn là rất nhớ cha vì cha đi truyền giáo ở Việt Nam, cha sống ở Phát Diệm và thân xác cha ở lại đây. Nhưng giáo dân Phát Diệm đã trở thành người thân của cha và cầu nguyện cho cha. Con cũng sẽ về viếng mộ cha mỗi khi con về Phát Diệm.

- …
- Bây giờ con phải đi lo cho chiếc xe máy của con đang bị giữ phạt ở đây. Con biết đó là những thử thách khi con muốn tìm hiểu Lịch sử Giáo phận Phát Diệm. Con sẽ sớm trở lại thăm cha, cha vui cha nhé!

Kể từ hôm đó, trong những lần về Phát Diệm lo xe máy bị giữ phạt và suốt cả thời gian thực hiện chương trình Hành Hương Phát Diệm, sau mỗi lần tham dự thánh lễ 5 giờ sáng ở Nhà thờ Chính tòa thì Vườn thánh Phát Diệm là nơi nghỉ chân cho tôi khi tôi không thể nghỉ chân hay nghỉ đêm tạm bất cứ một nhà xứ nào của giáo phận Phát Diệm. Ngôi mộ của cha Baraeir là nơi rất êm ái mỗi khi tôi ngả đầu mình tìm tình yêu thương của linh mục và tôi đã khóc, những hàng nước mắt cứ tuôn rơi ướt đẫm cả rêu trong kẽ đá garito trên mộ của cha.

Rủi Ro Trong Thử Thách -- Nhưng Thử Thách Khẳng Định Tình Yêu Với Thiên Chúa

Những người bạn học hồi phổ thông không thấy tôi liên lạc thăm hỏi thì lấy làm lạ và tìm tôi. Tôi muốn dấu chuyện riêng của mình nhưng không được, bạn bè đã biết chuyện và họ giúp. Người cho tiền, người cho vay tiền để tôi có thể nhanh chóng làm lại đủ giấy tờ và cũng để bồi dưỡng sức khỏe vì phải lo nghĩ u buồn. Trong lúc này, điều làm tôi rất đau buồn đó là toàn bộ những ảnh chụp về nhà thờ giáo xứ ở Phát Diệm bị virus xóa sạch. Tôi cầu nguyện với Chúa, tôi nhủ thầm với mình: “Hãy nhìn lại mục đích đã hứa quyết tâm sẽ đạt được và phân tích mình đã thành công đến mức nào.” một câu hỏi: “Sao Chúa không giữ giúp con những tập hình ạ?” Rồi trước khi đi ngủ, tôi cầu nguyện xin lỗi Chúa, tôi thì thầm với Chúa: “Thiên Chúa yêu quý của con, thật ra Chúa đã giữ giúp con rồi, những gì con có là của Chúa và tất cả những gì của Chúa là hoa trái cho con đến lãnh nhận. Hôm nào con lấy được xe máy về con sẽ thực hiện lại chương trình hành hương ạ.” Giấc ngủ ngon, bình yên đến với tôi nhưng những giọt nước mắt cứ rơi ướt đẫm gối.

Các cha và bạn bè không hề biết tôi phải đi lại ra sao trong thời gian bị giữ xe, đi đi về về Hà Nội và Phát Diệm, đi lại ở Hà Nội và Bắc Ninh, đi học, đi làm... Tính đến ngày bị giữ xe thì trong năm 2008, tôi đã đi 14.977km của 35 lần đi về Phát Diệm, trong có 150km là phải đi bộ từ thành phố Ninh Bình về Phát Diệm và ngược lại. Những lần trở về Phát Diệm, trong ơn Chúa ban, tôi được nhận nhiều điều mới về tình cảm con người, ý nghĩa truyền giáo, lịch sử Giáo phận Phát Diệm… Ba lần về Phát Diệm cuối năm 2008 đó là ngày 22 và 23.10.2008 tôi về lo lấy xe máy bị giữ phạt 37 ngày và ngay chiều cùng ngày lại bị công an huyện Kim Sơn giữ phạt tiếp lần thứ hai (?!). Hôm ấy, chiều ngày 22.10.2008 khi tôi vừa lấy được xe máy từ Công an huyện Yên Khánh phạt giữ xe 37 ngày, trên đường đi đến xứ Hảo Nho vì muốn chụp bức hình “bệ Thánh Giá” trên núi Trụi. Có chốt công an giao thông: tôi bàng hoàng khi công an Kim Sơn lập biên bản giữ xe!

Ngày 25.10.2008 tôi về dự lễ Bế mạc Giáo xứ Trì Chính; ngày mồng 3.11.2008 tôi về giải quyết xe bị giữ lần 2 và viếng Vườn Thánh Phát Diệm. Lần thứ ba tôi đi bộ từ xứ Trì Chính ra ga Ninh Bình, đó là lúc 6 giờ chiều ngày 27.10.2008. Đi được chừng 3km thì đôi dép rọ nhựa đã dính đầy bụi cát trên đường bị đứt quai và đã khiến bàn chân, gót chân, các ngón chân của tôi xưng đỏ đau rát, việc đi bộ càng trở nên khó khăn hơn khi chốc chốc đi được một đoạn thì tôi phải dừng lại để rũ bụi cát và sỏi khỏi dép. Trời tối xuống nhanh chẳng còn ánh sáng ban ngày để nhìn đường nữa. Đường vắng và gồ ghề, thỉnh thoảng cũng có ánh đèn trong nhà đã đóng kín cửa hắt ra ngoài hiên lờ mờ nhưng dù sao cũng đem lại cho tôi cảm giác đỡ sợ vì biết là trong ngôi nhà đó có người đang ở. Lúc lúc thấy có ôtô hay xe máy phóng vụt qua, họ không cần biết có người đi bộ đang cần đi nhờ xe. Những bài thánh ca tôi hát lên thành tiếng khe khẽ để xua đi cái tĩnh mịch của đêm đen, xua đi nỗi sợ vì một mình đi trong đêm tối. Những suy nghĩ về ý định bỏ cuộc hành hương giáo phận Phát Diệm đã giúp tôi nhìn lại mục đích mà tôi mong muốn sẽ đạt được trở thành những lời cầu nguyện thì thầm với Chúa, với các thánh tử đạo Việt Nam, cách riêng với cha thánh Neron Bắc, tôi đã hỏi ngài: “Cha ơi, ngày xưa cha và các cha thừa sai đi truyền giáo miền Phát Diệm như thế nào ạ? Có khi nào các cha đi bộ như con lúc này không cha? Chắc là cha cũng phải đi rất vất vả cha nhỉ. Con buồn lắm, nhưng mà... nhưng mà con vẫn rất muốn được đi đến hết các nhà thờ giáo xứ giáo phận Phát Diệm...” Phải mất sáu tiếng đồng hồ tôi mới ra tới ga Ninh Bình, cứ đi đều đều trong những lời cầu nguyện vui buồn với Chúa và các thánh, cuối cùng thì tôi cũng ra đến ga Ninh Bình, đồng hồ chỉ 23h50' và còn khoảng 15' thì có tàu về Hà Nội. Thử thách của Chúa là thử thách trong tình yêu, Chúa luôn thử thách đối với người nào Chúa yêu và Chúa biết người đó yêu Chúa nhưng Chúa vẫn thử thách vì Chúa muốn sự khẳng định tình yêu của người yêu Chúa thực tâm. Thuật ngữ Thánh Kinh giải thích thử thách (Temptation) là ám chỉ việc đặt một người Chúa chọn cho chương trình của Chúa vào trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm để qua đó thấy được tinh thần, khả năng của họ... Một giấc ngủ bình yên và an toàn trên tàu hỏa đưa tôi từ Ninh Bình về Hà Nội. Khi về tới nhà, tắm gội và ăn sáng xong, tôi lục tìm các sách sử nói về các cha thừa sai để được hiểu hơn việc truyền giáo tại Việt Nam, cách riêng là truyền giáo tại Tây Đàng Ngoài.

Thiên Chúa thật là tuyệt! Chúa đã cho tôi tìm thấy những câu chuyện viết về Đức cha Retord Liêu, Giám mục Địa phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1838 đến năm 1858, tôi thầm cảm tạ Chúa. Niềm vui và hạnh phúc khi tôi được gặp Đức cha Retord qua những trang sách, tôi say sưa đọc những câu chuyện về cha như có cha đang hiện diện bên tôi và tôi thinh lặng chăm chú lắng nghe cha kể bước đường truyền giáo của cha và các cha thừa sai. Bao nhiêu tủi hờn và cái đau của hai chân đau nhức vì đi bộ đường dài suốt đêm chẳng còn làm cho tôi phải nũng nịu với Chúa thêm tí gì nữa. Nhưng thật kỳ lạ là phải nhiều tháng sau tôi mới được biết mộ của Đức cha Retord Liêu và các Đức cha hiện đang ở nhà thờ xứ Sở Kiện (giáo phận Hà Nội). Đúng là Chúa biết và Chúa chuẩn bị cho tôi chương trình mới trong việc tôi sẽ trở lại hành hương Phát Diệm cùng với việc hành hương địa danh các thánh tử đạo Việt Nam. Ngay khi tìm được địa chỉ nhà thờ Sở Kiện, tôi đã đến viếng mộ Đức cha Liêu cùng các Đức cha và bắt đầu thực hiện chương trình hành hương các thánh tử đạo quê ở Giáo phận Hà Nội trước rồi sau đó mới bắt đầu thực hiện lại chương trình hành hương Phát Diệm lần thứ hai và đồng thời hành hương di tích lịch sử 117 thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chỉ có một mình tôi, là nữ giới, đi xe Honda từ Hà Nội về Phát Diệm, chặng đường ngót 130km và diện tích của Giáo phận Phát Diệm là 1.787km2. Chương trình lần thứ hai tôi trở lại Phát Diệm để thực hiện chụp hình 75 nhà thờ giáo xứ giáo phận Phát Diệm vào năm ngày Chúa nhật của ba tháng hè là ngày 7.6.2009, ngày 5 và 26.7.2009, ngày 2.8.2009. Tôi đi hành hương như đi du lịch, rong ruổi thêm gần 10.000km suốt các ngày trong chương trình đi từ sáng sớm đến khi trời tối. Số tiền lúc đầu dự tính là 2 triệu đồng thì hai năm qua đã là hơn 20 triệu đồng. Tôi đã đi du lịch Phát Diệm! Đi du lịch là khi mình tự do đi đến những nơi mình dự định đến, du lich thì khác với hành hương, vì hành hương cần có sự liên hệ nơi đến nếu được cho phép. Từ khi thực hiện lại chương trình với 17 lần đi về Phát Diệm thì cả 17 lần đó tôi đều viếng Vườn Thánh. Với ơn Chúa ban và các thánh tử đạo tại Phát Diệm phù hộ, tôi dự định sẽ hoàn thành xong tập ảnh 99 bức hình về Giáo phận Phát Diệm trong ngày mồng 2.8.2009.

Hành Hương Phát Diệm Trong Ơn Lành Của Thiên Chúa

Ngày 2.8.2009 là ngày cuối của chương trình hành hương nên tôi xin Chúa cho mình khởi hành muộn hơn một chút vì đã thấm mệt. Đang khi tôi soạn đồ để tiếp tục lên đường thì có điện thoại của cha Hồng Phúc mời tôi tới nhà xứ ăn sáng. Tôi cảm tạ ơn Chúa ban, lâu lắm rồi kể từ lần về Phát Diệm chia sẻ hồi 26.10.2007 nay mới có dịp dùng bữa với cha xứ tại nhà xứ, tôi vui và đi ăn sáng theo lời mời của cha xứ ngay!

Trong lúc dùng bữa tôi lắng nghe và thấy rất vui khi tiếng cười, tiếng trò chuyện của cha xứ, cha phó và mọi người hòa với tiếng lanh canh của bát thìa đĩa. Cha xứ cũng hỏi thăm tôi vì sao lại chụp hình nhà thờ giáo phận Phát Diệm. Tôi thưa với ngài là tôi muốn mừng Năm thánh 2010. Cha xứ lắc đầu, tỏ ý không bằng lòng về chương trình tôi đang làm thật như là “đống rơm”. Tôi im lặng, tôi muốn mình là “giọt sương” vì giọt sương khi gặp ánh nắng mặt trời sẽ được bốc hơi để tìm cho mình một lớp áo lấp lánh khác và ngưng tụ để cho mình trưởng thành và hoàn thiện hơn. Tôi biết là chỉ trong ngày hôm nay mình sẽ hoàn thành xong chương trình và có thể tạm biệt Phát Diệm, tạm biệt cha Hồng Phúc. Tạm biệt nghĩa là không về Phát Diệm nữa vì tôi đã quá mệt với những thử thách trong thời gian qua. Một lúc sau, tự nhiên tôi thốt lên: “Cha ơi! Con mệt quá. Con cảm ơn cha về bữa sáng, con...”. Cha Hồng Phúc không để cho tôi nói hết, ngài trả lời: “Sao Thùy Chi lại khách sáo thế. Đương nhiên là rất mệt vì con đi nhiều như thế còn gì.” Nhưng cha Hồng Phúc không biết là tôi định nói: “...con có thể để dành năm chiếc bánh quy và hai hộp sữa Milo cho bữa trưa nay nhưng đã lâu lắm rồi con mới được cha mời dùng bữa thân mật ấm áp tình gia đình như thế này ạ”. Có lẽ Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng tâm hồn tôi nói lời “Tạm biệt Phát Diệm”, Thiên Chúa đã làm gì đó vì ngay tức thì tôi thấy cha Hồng Phúc cởi mở hơn khi tôi xin ngài chỉ đường đến nhà thờ Bình Hải, ngài vui vẻ xem tờ giấy tôi ghi tên nhà thờ, ngài gật đầu tấm tắc khen vì thấy chương trình của tôi đã đi gần hết 75 nhà thờ giáo xứ, chỉ còn khoảng hơn mười xứ là hoàn thành. Cha Hồng Phúc và tôi chia tay nhau. Cha chúc lành và hẹn gặp vào lễ tấn phong Giám mục 8.9.2009. Tôi thầm cầu nguyện với Chúa và vâng ý Chúa vì Chúa vẫn muốn tôi trở về Phát Diệm. Chương trình chụp hình 75 nhà thờ giáo xứ giáo phận Phát Diệm sẽ hoàn thành nếu như hai xứ Yên Liêu và Phú Thuận không bị sai địa chỉ. Địa chỉ của Tòa giám mục ghi hai xứ này ở xã Phú Thuận, huyện Yên Khánh. Tôi đành để lại hai xứ để lần khác trở về Phát Diệm chụp hình nhà thờ.

Khi về tới Hà Nội an toàn, tôi cầu nguyện và nghỉ ngơi. Niềm vui tâm hồn, tôi dâng lời cầu nguyện: “Thiên Chúa yêu quý của con, Chúa đã dấu địa chỉ xứ Phú Thuận và xứ Yên Liêu cực siêu vì Chúa muốn con trở về Phát Diệm chứ gì. Chúa biết chắc chắn là con trở về Phát Diệm trong ngày gần đây mà. Bây giờ con muốn được Chúa ôm con vào lòng Chúa và cho con giấc ngủ ngon đêm nay Chúa nhé!” Tôi cầu nguyện trong tình yêu của Chúa và một tuần trước lễ tấn phong Giám mục của Giáo phận Phát Diệm, tôi bắt đầu soạn hình để cho ra Album 99 bức ảnh về Phát Diệm cùng với việc viết dàn ý câu chuyện TRỞ VỀ PHÁT DIỆM dâng kính Thiên Chúa.