* Dẫn nhập
Ngày nay, nền khoa học kỹ thuật tiên tiến đã đem lại sự cải thiện nhiều mặt cho đời sống nhân loại, đáng kể nhất là những thành tựu có giá trị thúc đẩy việc thăng tiến sự sống và phẩm giá con người. Tuy nhiên, do những hạn chế cố hữu, công nghệ hiện đại đã không thể đáp ứng và giải quyết triệt để vấn nạn liên quan đến hạnh phúc tối hậu của con người. Đây là mối ưu tư thường tại của nhân loại dù ở bất cứ thời đại nào. Nền văn chương Khôn ngoan thời Cựu ước mà tiêu biểu là sách Gióp đã hé lộ cho chúng ta những tia sáng khả quan nhằm giải đáp cách tích cực cho vấn nạn đau khổ - thưởng phạt. Hành trình đức tin của Gióp như một bước quyết định giúp ta tiếp cận cách hệ thống, sâu sắc hơn chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thành toàn nơi Mặc khải Thập giá. Từ kinh nghiệm sống đức tin của Gióp, chúng ta được gợi mở để có thể đáp trả cách xứng hợp truớc tình thương vô biên của Thiên Chúa.
1. Vấn nạn về sự thưởng phạt
Đọc sách Gióp, chúng ta nhận thấy một vấn đề nổi bật được đặt ra xuyên suốt hành trình đức tin của ông Gióp, đó là vấn nạn về sự thưởng phạt. Là những người đã được Thiên Chúa cứu độ nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô, đối với chúng ta, vấn đề đau khổ và thưởng phạt đã được giải quyết cách triệt để. Tuy nhiên, vấn nạn về sự thưởng phạt được đặt ra trong sách Gióp vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay. Nó không chỉ là câu hỏi lớn của một con người (Gióp) mà còn là nỗi ưu tư của hết thảy những ai đang trên hành trình đi tìm ý nghĩa tối hậu của đời người.
Để có thể cảm nghiệm sâu sắc, khách quan bài học tôn giáo từ hành trình đức tin của Gióp, chúng ta phải “trở về” với hoàn cảnh lịch sử và quan điểm của người Do Thái cùng thời với Gióp về sự đau khổ - thưởng phạt. Từ đó, ta có thể tiếp nhận những giá trị tích cực của tác phẩm thuộc nền văn chương Khôn ngoan này.
Khi tìm hiểu về thời gian biên soạn, ta biết sách Gióp ra đời vào khoảng thế kỷ thứ V trước CN. Đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm khi sách Gióp đụng phải nan giải trong quan niệm về sự thưởng phạt của người đương thời, lúc mà niềm tin về đau khổ và cuộc sống sau cái chết chưa được mạc khải cách minh nhiên. Người Do Thái lúc bây giờ cho rằng con người khi chết không hoàn toàn tan biến, hư hoại, nhưng phải rơi vào Shéol, nghĩa trạng thái tăm tối (âm ty), “hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế” và đời đời phải cách lìa dung nhan Thiên Chúa. Do đó, chúng ta bắt gặp phần lớn quan niệm chủ đạo trong các sách Cựu ước được nhìn trong viễn ảnh hoàn toàn trần thế. Cho đến thế kỷ II trước CN, quan niệm về sự thưởng phạt sau khi chết mới xuất hiện (Đn 12, 2); trước đó, người ta cũng đã tự vấn và đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này (Ed 18, 2; Gr 31, 29…). Vấn nạn về sự thưởng phạt tiếp tục được khai triển và đã đánh dấu giai đoạn quyết định tìm kiếm câu trả lời cho quan niệm phiến diện đang đặt ra.
Đây là điều mà chúng ta nhận thấy rất rõ trong cuộc tranh luận giữa Gióp và những người bạn (Ê-li-phát, Bin-đát, Xô-pha) cũng như chất vấn của Gióp trước Thiên Chúa xung quanh định đề đau khổ - thưởng phạt. Những người bạn của Gióp biểu tượng cho các hiền nhân Ít-ra-en bảo vệ đạo lý cổ truyền Do Thái về sự thưởng phạt ngay ở đời này. Theo họ, sở dĩ Gióp bị đau khổ là vì ông đã phạm tội nên bị Chúa phạt. Người Do Thái gọi quan niệm này là “báo oán tại thế” (Thiên Chúa thưởng phạt ngay ở đời này). Chính vì vậy, bạn Gióp đã khuyên ông nên kịp thời sám hối để được chữa lành. Đối lại, Gióp đã phân trần mình vô tội, chẳng làm gì sai trái trước mặt Thiên Chúa; và ông đã viện dẫn kinh nghiệm đau thương của mình và những bất công đầy dẫy trước mắt để phản bác. Ông chỉ cho họ thấy rằng “đèn của ác nhân vẫn sáng”, thế gian này kẻ ác vẫn sống nhởn nhơ, sung túc (21, 7 – 3). Nếu kẻ không tìm kiếm Chúa, không theo đường lối của Ngài mà vẫn hạnh phúc thì tội gì con người phải bỏ đường gian ác ? (21, 14 – 16); tại sao con người công chính phải đau khổ ? Đâu là căn nguyên của sự thưởng phạt ? Lời giải đáp nào cho những vấn nạn đang đặt ra ?
2. Hành trình đức tin của Gióp.
Vấn nạn về sự đau khổ và thưởng phạt được đặt ra ở trên là cốt lõi xuyên suốt hành trình đức tin của Gióp. Hành trình ấy không chỉ nói lên tình thương, sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con dân Người nhưng còn cho thấy thái độ đáp trả của một con người, đó là Gióp. Ngày hôm nay khi nghĩ về “đêm tối tâm hồn” mà Gióp đã nghiệm sống, chúng ta có cơ hội thấu đạt hơn mầu nhiệm đau khổ, và hơn thế nữa, nhận ra chương trình tình thương của Thiên Chúa đang thực hiện trên đời ta đã được biểu chứng qua dòng lịch sử.
a- Khi màn đêm ập xuống.
Hình tượng Gióp trở nên kỳ vĩ, hấp dẫn và giàu tính phổ quát khi ông bước vào giữa màn đêm của cuộc sống, của đời người. Những bóng đêm ấy tựa thảm nền cho bức tranh phẩm cách của Gióp như một thứ xạ quang vô hình ngời sáng rực rõ hơn. Trong phần đầu sách Gióp, chúng ta được giới thiệu một nhân vật Gióp đạo hạnh, giàu sang nhưng Chúa đã cho phép Sa-tan thử thách lòng trung thành của ông. Gióp bị mất hết cơ nghiệp, con cái và bản thân lại mắc phải chứng ung nhọt ác tính. Thoáng chốc, từ một con người có cuộc sống đầy đủ, phong lưu, Gióp đã bị đặt vào một thực tại với những đau khổ, bất hạnh tột cùng. Tuy nhiên, đây cũng là khởi điểm cho hành trình đức tin của Gióp – hành trình đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn đau khổ. Bao nhiêu bất hạnh xảy đến cho Gióp chỉ là dịp để thử thách niềm tin, lòng trung thành của ông đối với Thiên Chúa.
b- Trước câu hỏi lớn
Đứng trước những mất mát và đau khổ bất ngờ ập xuống trên gia đình và bản thân, lúc đầu Gióp chấp nhận tất cả những gì đã xảy đến. Ông không dám tranh luận, tố cáo hay nguyền rủa Thiên Chúa, nhưng ông đã chúc tụng Ngài: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Đức Chúa” (1, 21b). Gióp không mất niềm tin vào Chúa và đặc biệt “không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi” (2, 10c). Tuy nhiên, sau đó vấn nạn về sự thưởng phạt được đặt ra và Gióp đã cố tìm lời giải đáp. Từ chỗ phó thác, chấp nhận, Gióp đã nổi loạn, hung hăng, cay đắng, bi quan đặt ra những câu hỏi “tại sao” với Chúa, coi Chúa là là người giam hãm, chặn đường đi của mình (3, 23)… Nhưng thái độ này của Gióp chưa phải là tiếng nói cuối cùng. Ông đã tiếp tục đi tìm lời giải đáp cho tình trạng hiện tại của mình. Nhận ra những hạn chế, bất ổn trong quan điểm về sự thưởng phạt của người đương thời, Gióp muốn tìm ra câu trả lời triệt để hơn cho phẩm giá của kiếp nhân sinh. Đối với Gióp, sự chữa lành thể xác chỉ có thể là hệ quả của một sự giải thoát có tính cách nền tảng hơn, một sự giải thoát toàn diện con người của ông. Gióp mong ước một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa để Ngài chỉ cho ông biết cách để sống và giải thích cho ông biết lý do để ông có thể hy vọng 1: “…xin cho con biết tại sao Ngài tố cáo con. Phải chăng Ngài thích thú khi đàn áp, khi coi rẻ công trình sáng tạo và ủng hộ mưu đồ bọn ác nhân ?” (10, 2b – 3). Để tìm ra lời giải đáp thuyết phục cho câu hỏi lớn, Gióp bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của tư duy con người, mà tự sức mình ông không thể trả lời. Những lý giải và khuyên bảo từ những người bạn không thể vấn an và làm Gióp thỏa nguyện. Gióp nhận thấy bóng đêm của những bất hạnh vẫn phủ kín trên đời ông khi “Đấng Ẩn Mình” vẫn chìm khuất, không đến gặp gỡ con người cùng khổ như ông. Công lý ở đâu và tình thương ở đâu khi “đèn ác nhân vẫn sáng” và họ “được long trọng tiễn đưa, những hòn đất dưới khe đối với nó thật êm dịu” (21, 27 – 34). Gióp cảm tưởng quanh mình chỉ là bóng tối dày đặc, là sa mạc vắng lặng không ai đáp lời (19, 7 – 8). Dường như ông bị rơi vào ngõ cụt, ở đó, ông đụng phải vấn nạn lớn liên quan đến mầu nhiệm đau khổ và sự thưởng phạt: Thiên Chúa yêu thương và công bình sao nỡ đánh phạt những người vô tội như ông ? Thiên Chúa ngoảnh mặt làm ngơ trước số phận của những người công chính ? Càng suy xét và tự vấn, Gióp lại bị rơi vào hố sâu của những định đề liên quan đến thuyết định mệnh: Thiên Chúa không nghe bao giờ và cũng không cho phép đối chất (9, 15 – 19), đồng hóa quyền lợi và sức mạnh (9, 24) và cuộc đối thoại với Thiên Chúa là không thể (9, 33). Gióp cảm tưởng giữa ông và Đấng Thánh Vô Hình có một khoảng cách quá thẳm xa làm cho tiếng kêu của ông tan biến giữa đêm trường (23, 3). Cuộc kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn được đặt ra của Gióp càng thêm kịch tính. Gióp không thể xóa đi sự xa cách với Thiên Chúa nên ông tiếp tục lần mò trong đêm tối để kiếm tìm “Đấng Ẩn Mình”.
c- Gian nan là vàng thử lửa
Hành trình kiếm tìm hạnh phúc nào cũng có gian nan thử thách đặt ra. Trước Gióp nhiều thế kỷ, Thiên Chúa đã thử thách lòng trung thành của Áp-ra-ham và niềm tin sắt đá của ông đã được chứng nghiệm qua thử thách. Đến Gióp, ông là hình tượng tiêu biểu của một chứng nhân đức tin kế thừa truyền thống tốt đẹp của các Tổ phụ trong thái độ trung kiên với Thiên Chúa. Hành trình đức tin của Gióp chỉ thực sự có ý nghĩa giáo dục khi đặt Gióp đối diện với những thử thách trở ngại để gặp Chúa. Qua những chất vấn mà Gióp đặt ra khi phải đứng trước đau khổ thì thử thách lớn nhất đối với ông là câu hỏi cho chính “Đấng Ẩn Mình”: đúng hay sai một người đau khổ vẫn có thể quả quyết về sự công chính của Thiên Chúa cứu độ, về sự thường hằng trong việc thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài ? 2: “…mặc dầu Ngài biết: con không tội lỗi gì và không ai thoát khỏi tay Ngài được. Chính Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà hủy diệt ?” (10, 7 – 8).
Lời giải đáp thuyết phục nhất chỉ có thể đến với Gióp sau cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nhưng để tiếp bước trên hành trình đức tin, biết bao nhiêu trở ngại đã đặt ra làm cản trở bản lĩnh vốn giàu niềm tin của Gióp. Những trở ngại ấy có khi làm cho độc giả tưởng chừng đã xô đẩy Gióp ngã quỵ giữa vũng lầy của khổ đau bất hạnh. Nó không chỉ đến từ gia đình, bạn bè, những rối loạn tinh thần của Gióp mà hàm ẩn trong cả những điều hão tưởng, sai lầm dằn vặt Gióp triền miên. Nếu không có những trợ lực đến từ “Đấng Ẩn Mình” thì Gióp đã chịu thảm bại trước mưu đồ đen tối của Sa-tan.
Hành trình đức tin của Gióp là cuộc mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa trong huyền nhiệm đau khổ. Những thử thách và trở ngại càng làm sáng rõ hơn đích điểm mà Gióp muốn vươn tới. Thiên Chúa vẫn chờ đợi Gióp để trao cho ông chìa khóa thiêng mở ra tối hậu cuộc đời. Điều quan trọng là Gióp có đủ niềm tin và sự khôn ngoan vượt qua những thử thách và trở ngại ấy hay không.
d- Những trợ lực cho hành trình đức tin của Gióp
Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa luôn thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn trở ngại của con người trong hành trình họ kiếm tìm Người. Cách riêng đối với Gióp, Thiên Chúa đã không ngừng tác động, trợ giúp ông trước thực tại bi nan mà ông đang gặp phải. Gióp đã không cô đơn trong đêm tối cuộc đời. Những trợ lực vô hình đến với ông có sức mạnh giải cứu những vô vọng, cho dù Gióp không hiểu nổi và không nhận ra điều đó.
Yếu tố phải kể đến trước hết đó là thời gian. Trước những tác động của nghịch cảnh, thời gian đã giúp Gióp lượng định, tham chiếu để nhận ra những bất toàn và hướng đi tích cực cho đời mình, bảo đảm cho lòng trung tín của ông được liên tục ngay cả khi sự tìm kiếm Thiên Chúa hàm ẩn những thử thách tưởng chừng khó vượt qua.
Cùng với thời gian, sự hồi tưởng hạnh phúc đã qua (ch. 29) và những hoài niệm về đời sống luân lý tinh tuyền (ch.31), Gióp có thể thân thưa với Chúa những gì cản trở lòng tin của ông. Đó không phải là thái độ mơ mộng, nhưng nó như cái phao để Gióp có thể đối diện tốt hơn với hiện tại, với “Đấng Ẩn Mình” và với những kẻ đại diện cho truyền thống. Trong thâm tâm, Gióp muốn nối lại cuộc đối thoại với Thiên Chúa là vì tự sâu thẳm của lòng tin và qua sự hồi tưởng, ông không thể chấp nhận một Thiên Chúa không “trước sau như một” 3
Trong hành trình đức tin của Gióp, sự im lặng của Thiên Chúa cũng là yếu tố trợ lực cần thiết giúp ông có thể hướng tới những tia sáng hy vọng đang đợi chờ. Đối với người không có đức tin thì điều này vừa vô nghĩa lại vừa ảo tưởng. Nhưng đối với Gióp, nó lại là tác nhân tích cực và đầy hữu hiệu, vượt xa những trợ lực vật chất trong việc tác động nâng cao phẩm giá con người, dành cho ông một sự tự do tìm kiếm lời giải đáp đến từ Thiên Chúa. Nếu Gióp phải hao tâm, tổn lực trước vấn nạn đau khổ - thưởng phạt, thì sự im lặng của “Đấng Ẩn Mình” là khoảng trống tự do để Gióp có thể đón nhận và tôn phục sự đúng đắn và táo bạo trong chương trình giáo dục của Thiên Chúa. Trong đêm tối cuộc đời, Gióp không đơn độc vì Bàn Tay Vô Hình không ngừng dẫn dắt ông tiến về hy vọng.
e- Hành trình hy vọng
Cuộc mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa trên cuộc đời Gióp được đặt trong màn cảnh của những bóng đêm khổ đau, thống cực. Tuy nhiên, giá trị tối hậu sẽ được vén mở trong sự nỗ lực, kiên nhẫn tìm kiếm của Gióp. Ánh sáng của niềm tin đã lộ dần trong diễn trình biến đổi toàn diện con người Gióp. Đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn thực tại đã dẫn ông tới chỗ tiếp nhận dồi dào ân sủng trong cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Trong cuộc đối thoại gần gũi này, chính Thiên Chúa đã đi bước trước và dẫn đưa Gióp trên nẻo đường huyền nhiệm mà con người không thể ngờ tới. Con đường ấy hằn sâu những vết chân khổ lụy nhưng nó báo hiệu cho cuộc gặp gỡ toàn vẹn với “Đấng Ẩn Mình” đầy yêu thương và công thẳng. Tuy các tia sáng hy vọng nhiều khi bị lắng chìm trong những lời oán than của Gióp, nhưng có những lúc nó cũng vụt cao hơn cả những chán chường để cho Gióp thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Cuộc gặp với Thiên Chúa đã dạy cho Gióp bài học khiêm nhường (40, 2 – 4), biết chấp nhận các hành động của Thiên Chúa vượt quá sức hiểu biết của con người. Gióp phải biết đón nhận tất cả như quà tặng kỳ diệu mà Thiên Chúa trao ban kể cả những khổ đau bất hạnh, nghi nan trong đời.
Hành trình đức tin của Gióp đã khai mở một lối nhìn tích cực hơn nhiều so với quan niệm đương thời về vấn đề thưởng phạt. Nó mang ý nghĩa mới mẻ khi tiếp cận với mầu nhiệm đau khổ, tất nhiên vẫn hàm chứa những hạn chế nhất định chưa thể thỏa đáng hoàn toàn vấn nạn đặt ra. Nhưng đó là bước đặc biệt quan trọng trong diễn trình vươn tới đỉnh cao của mặc khải. Vấn đề là người Kitô hữu hôm nay cần có thái độ đáp trả xứng hợp với tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Hành trình đức tin của Gióp đã để lại cho chúng ta bài học quý cho việc đáp trả này.
3. Bài học từ hành trình đức tin của Gióp
Thái độ của Gióp trước vấn nạn đau khổ giúp ta nghiệm suy về hành trình dấn bước theo Đức Kitô của chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Kinh nghiệm đức tin của Gióp để lại cho chúng ta những bài học quý trong việc kiện toàn nhân sinh quan, thế giới quan, và hơn thế nữa, kinh nghiệm sống tương giao với Thiên Chúa và tha nhân.
Chúng ta được mời gọi đến trong thế giới này để sống kiếp con người với những khổ đau và hạnh phúc, nhất là đang được Đấng Cứu Độ dẫn đưa về vĩnh cửu. Chúng ta may mắn hơn Gióp thật nhiều. Chúng ta phải đáp trả thế nào trước hồng ân kỳ diệu ấy của Thiên Chúa ?
a- Tất cả là quà tặng đến từ Thiên Chúa
Như Gióp xưa, Thiên Chúa vẫn không ngừng săn sóc thăm nom đời tôi, đời bạn và gửi đến cho chúng ta thật nhiều quà tặng vô giá. Đó là tất cả hồng ân dồi dào dành cho chúng ta trong mọi biến cố thường ngày. Có thứ quà tặng ngọt ngào gắn với hạnh phúc trào vui; có thứ quà tặng nhuốm màu đắng cay, chua xót nhưng quý giá vì chất chứa những đánh đổi cho hạnh phúc vĩnh hằng; có thứ quà tặng câm lặng, vô hình đòi hỏi ta phải kiên trì, sáng suốt để nhận ra… Nhiều khi ta đã đã cố tình trách Chúa vì những thứ “quà” không vừa ý riêng. Nhiều khi ta đã đổ lỗi cho Chúa trước những đổ vỡ, đau thương quá lớn, và có khi ta đã đẩy xua, nguyền rủa những nghịch cảnh… Nhận ra chương trình của Chúa trên đời mình, chúng ta hãy đón nhận tất cả như quà tặng dư đầy, phong phú mà Thiên Chúa ưu ái gửi đến cho mỗi người trên hành trình đi tìm Sự Thật – Công Lý – Tình Thương.
b- Cảm tạ - cậy trông – tín thác
Nhận ra tất cả là hồng ân, chúng ta hãy dâng lời cám tạ Chúa. Con đường tâm linh nhiều khi không bằng phẳng và tăm tối ngập tràn, làm cho đức tin của chúng ta lung lay, ngờ hoặc. Học gương Gióp, chúng ta hãy luôn bám chặt vào Chúa, hãy cậy trông Người là Chủ Tể vạn vật, có khả năng biến đau thương thành hạnh phúc, biến dòng lệ thành niềm vui sung mãn. Dù biết hành trình đức tin của chúng ta hôm nay có biết bao thử thách, trở ngại đang đặt ra. Đó có thể là những tác động nghịch chiều từ phía khách quan và cũng có thể là niềm tin giòn mỏng khiến ta trở nên vô vọng và ngã quỵ bất cứ lúc nào. Nhưng Thập giá Đức Kitô là điểm tựa vững chắc nhất cho đời ta trong khổ ải đau thương. Lời Hằng Sống không ngừng lên tiếng ủi an, khích lệ ta tín thác hoàn toàn nơi Chân Lý vĩnh hằng.
c- Nhận ra Chúa qua các dấu chỉ
Điều quan trọng là ta có nhận ra Chúa qua những dấu chỉ xảy đến trong đời ta hay không ? Xưa Thiên Chúa đã xuất hiện giữa cơn bão táp và trả lời Gióp trước những vấn nạn của đời ông. Gióp đã mau mắn đáp lời Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ thần bí này. Hôm nay, Thiên Chúa cũng đang hiện hữu giữa chúng ta và nói với ta qua chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô, qua mỗi biến cố buồn vui, sướng khổ, vinh nhục của đời ta. Kinh nghiệm của Gióp mách bảo ta hãy kiếm tìm Chúa và thánh ý Người qua những thực tại ấy. Lời Chúa mở ra cho ta chương trình huyền nhiệm mà Đấng Tạo Hóa đang thực thi trong thiên nhiên và ngay giữa dòng lịch sử nhân loại. Phải chăng, chúng ta đang quay mặt và cố khước từ Bàn Tay Chí Ái vẫn từng ngày, từng giờ chỉ dẫn cho ta giữa những bấp bênh hành trình. Cho dù là những trận động đất kinh hoàng, những trận « hồng thủy » khủng khiếp, cho dù là nguy cơ chiến tranh đang đe dọa sự sống nhân loại, cho dù là bất công, áp bức, bạo lực đầy dẫy chà đạp trên phẩm giá con người... Nhưng quyền lực của sự dữ không thể thắng nổi Đấng toàn năng và yêu thương tuyệt đối. Chính Đấng ấy đã ra tay bênh vực Gióp xưa và Ngài cũng đang đoái nhìn chúng ta trong sự quan phòng chở che không ngừng.
d- Chịu đau khổ trong yêu thương
Hành trình đức tin của chúng ta chỉ thực sự đem lại hạnh phúc đích thực khi ta biết chấp nhận đau khổ trong Đức ái Kitô giáo. Những khổ đau, quẫn bách đầy dẫy mà nhân loại hôm nay đang phải hứng chịu cần đến trách nhiệm liên đới của mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm của Gióp giúp ta chấp nhận những nghịch cảnh và đồng thời mời gọi ta cảm thông, sẻ chia với ngàn nỗi thống khổ của bao kiếp đời. Đức Kitô đã mặc khải cho ta về nghịch lý và cùng đích của ơn cứu độ cũng như con đường hạnh phúc viên mãn. Để có thể thành tựu trên con đường này, đòi hỏi chúng ta sự hy sinh tận hiến trọn hảo cho Thiên Chúa và tha nhân. Lời giải đáp cho chúng ta hôm nay trước vấn nạn đau khổ - thưởng phạt hệ tại ở thái độ sống tình yêu Thập giá, như lời Đức Kitô đã phán bảo: « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo » (Mt 16, 24)
e- Vui sống trong hy vọng
Hy vọng là động lực để Gióp tiến đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, để được nhận lãnh hạnh phúc đích thực:
«Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa» (19, 25 – 26)
Đó cũng là hy vọng tối hậu của chúng ta vào vinh quang Thập giá Đức Kitô giữa những đau thương của kiếp người.
*Kết luận
Suy nghĩ về hành trình đức tin của Gióp, chúng ta thêm trân trọng và nâng niu những gì Thiên Chúa đã trao ban. Hành trình của chúng ta hôm nay không chỉ đơn giản là kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn đau khổ - thưởng phạt, mà cần thiết hơn, phải trở nên « người tôi trung đau khổ », dám chấp nhận nghịch cảnh để sống cho Thiên Chúa và cho những người xung quanh.
* Chú thích:
1 Lm. Giuse Vũ Thanh Long, Các sách Khôn ngoan, Lưu hành nội bộ, ĐCV Vinh Thanh 2010, tr. 64
2 Sđd, tra. 65
3 Sđd, tr. 66
* Tài liệu tham khảo:
1. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu ước & Tân ước, Lời Chúa cho mọi người, nxb Tôn giáo – Hà nội, 2006.
2. Lm. Giuse Vũ Thanh Long, Các sách Khôn ngoan, Lưu hành nội bộ, ĐCV Vinh Thanh 2010.
3. I. Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách Giáo huấn, 2007.
ĐCV Vinh Thanh Mùa Vọng 2010
Ngày nay, nền khoa học kỹ thuật tiên tiến đã đem lại sự cải thiện nhiều mặt cho đời sống nhân loại, đáng kể nhất là những thành tựu có giá trị thúc đẩy việc thăng tiến sự sống và phẩm giá con người. Tuy nhiên, do những hạn chế cố hữu, công nghệ hiện đại đã không thể đáp ứng và giải quyết triệt để vấn nạn liên quan đến hạnh phúc tối hậu của con người. Đây là mối ưu tư thường tại của nhân loại dù ở bất cứ thời đại nào. Nền văn chương Khôn ngoan thời Cựu ước mà tiêu biểu là sách Gióp đã hé lộ cho chúng ta những tia sáng khả quan nhằm giải đáp cách tích cực cho vấn nạn đau khổ - thưởng phạt. Hành trình đức tin của Gióp như một bước quyết định giúp ta tiếp cận cách hệ thống, sâu sắc hơn chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thành toàn nơi Mặc khải Thập giá. Từ kinh nghiệm sống đức tin của Gióp, chúng ta được gợi mở để có thể đáp trả cách xứng hợp truớc tình thương vô biên của Thiên Chúa.
1. Vấn nạn về sự thưởng phạt
Đọc sách Gióp, chúng ta nhận thấy một vấn đề nổi bật được đặt ra xuyên suốt hành trình đức tin của ông Gióp, đó là vấn nạn về sự thưởng phạt. Là những người đã được Thiên Chúa cứu độ nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô, đối với chúng ta, vấn đề đau khổ và thưởng phạt đã được giải quyết cách triệt để. Tuy nhiên, vấn nạn về sự thưởng phạt được đặt ra trong sách Gióp vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay. Nó không chỉ là câu hỏi lớn của một con người (Gióp) mà còn là nỗi ưu tư của hết thảy những ai đang trên hành trình đi tìm ý nghĩa tối hậu của đời người.
Để có thể cảm nghiệm sâu sắc, khách quan bài học tôn giáo từ hành trình đức tin của Gióp, chúng ta phải “trở về” với hoàn cảnh lịch sử và quan điểm của người Do Thái cùng thời với Gióp về sự đau khổ - thưởng phạt. Từ đó, ta có thể tiếp nhận những giá trị tích cực của tác phẩm thuộc nền văn chương Khôn ngoan này.
Khi tìm hiểu về thời gian biên soạn, ta biết sách Gióp ra đời vào khoảng thế kỷ thứ V trước CN. Đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm khi sách Gióp đụng phải nan giải trong quan niệm về sự thưởng phạt của người đương thời, lúc mà niềm tin về đau khổ và cuộc sống sau cái chết chưa được mạc khải cách minh nhiên. Người Do Thái lúc bây giờ cho rằng con người khi chết không hoàn toàn tan biến, hư hoại, nhưng phải rơi vào Shéol, nghĩa trạng thái tăm tối (âm ty), “hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế” và đời đời phải cách lìa dung nhan Thiên Chúa. Do đó, chúng ta bắt gặp phần lớn quan niệm chủ đạo trong các sách Cựu ước được nhìn trong viễn ảnh hoàn toàn trần thế. Cho đến thế kỷ II trước CN, quan niệm về sự thưởng phạt sau khi chết mới xuất hiện (Đn 12, 2); trước đó, người ta cũng đã tự vấn và đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này (Ed 18, 2; Gr 31, 29…). Vấn nạn về sự thưởng phạt tiếp tục được khai triển và đã đánh dấu giai đoạn quyết định tìm kiếm câu trả lời cho quan niệm phiến diện đang đặt ra.
Đây là điều mà chúng ta nhận thấy rất rõ trong cuộc tranh luận giữa Gióp và những người bạn (Ê-li-phát, Bin-đát, Xô-pha) cũng như chất vấn của Gióp trước Thiên Chúa xung quanh định đề đau khổ - thưởng phạt. Những người bạn của Gióp biểu tượng cho các hiền nhân Ít-ra-en bảo vệ đạo lý cổ truyền Do Thái về sự thưởng phạt ngay ở đời này. Theo họ, sở dĩ Gióp bị đau khổ là vì ông đã phạm tội nên bị Chúa phạt. Người Do Thái gọi quan niệm này là “báo oán tại thế” (Thiên Chúa thưởng phạt ngay ở đời này). Chính vì vậy, bạn Gióp đã khuyên ông nên kịp thời sám hối để được chữa lành. Đối lại, Gióp đã phân trần mình vô tội, chẳng làm gì sai trái trước mặt Thiên Chúa; và ông đã viện dẫn kinh nghiệm đau thương của mình và những bất công đầy dẫy trước mắt để phản bác. Ông chỉ cho họ thấy rằng “đèn của ác nhân vẫn sáng”, thế gian này kẻ ác vẫn sống nhởn nhơ, sung túc (21, 7 – 3). Nếu kẻ không tìm kiếm Chúa, không theo đường lối của Ngài mà vẫn hạnh phúc thì tội gì con người phải bỏ đường gian ác ? (21, 14 – 16); tại sao con người công chính phải đau khổ ? Đâu là căn nguyên của sự thưởng phạt ? Lời giải đáp nào cho những vấn nạn đang đặt ra ?
2. Hành trình đức tin của Gióp.
Vấn nạn về sự đau khổ và thưởng phạt được đặt ra ở trên là cốt lõi xuyên suốt hành trình đức tin của Gióp. Hành trình ấy không chỉ nói lên tình thương, sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con dân Người nhưng còn cho thấy thái độ đáp trả của một con người, đó là Gióp. Ngày hôm nay khi nghĩ về “đêm tối tâm hồn” mà Gióp đã nghiệm sống, chúng ta có cơ hội thấu đạt hơn mầu nhiệm đau khổ, và hơn thế nữa, nhận ra chương trình tình thương của Thiên Chúa đang thực hiện trên đời ta đã được biểu chứng qua dòng lịch sử.
a- Khi màn đêm ập xuống.
Hình tượng Gióp trở nên kỳ vĩ, hấp dẫn và giàu tính phổ quát khi ông bước vào giữa màn đêm của cuộc sống, của đời người. Những bóng đêm ấy tựa thảm nền cho bức tranh phẩm cách của Gióp như một thứ xạ quang vô hình ngời sáng rực rõ hơn. Trong phần đầu sách Gióp, chúng ta được giới thiệu một nhân vật Gióp đạo hạnh, giàu sang nhưng Chúa đã cho phép Sa-tan thử thách lòng trung thành của ông. Gióp bị mất hết cơ nghiệp, con cái và bản thân lại mắc phải chứng ung nhọt ác tính. Thoáng chốc, từ một con người có cuộc sống đầy đủ, phong lưu, Gióp đã bị đặt vào một thực tại với những đau khổ, bất hạnh tột cùng. Tuy nhiên, đây cũng là khởi điểm cho hành trình đức tin của Gióp – hành trình đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn đau khổ. Bao nhiêu bất hạnh xảy đến cho Gióp chỉ là dịp để thử thách niềm tin, lòng trung thành của ông đối với Thiên Chúa.
b- Trước câu hỏi lớn
Đứng trước những mất mát và đau khổ bất ngờ ập xuống trên gia đình và bản thân, lúc đầu Gióp chấp nhận tất cả những gì đã xảy đến. Ông không dám tranh luận, tố cáo hay nguyền rủa Thiên Chúa, nhưng ông đã chúc tụng Ngài: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Đức Chúa” (1, 21b). Gióp không mất niềm tin vào Chúa và đặc biệt “không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi” (2, 10c). Tuy nhiên, sau đó vấn nạn về sự thưởng phạt được đặt ra và Gióp đã cố tìm lời giải đáp. Từ chỗ phó thác, chấp nhận, Gióp đã nổi loạn, hung hăng, cay đắng, bi quan đặt ra những câu hỏi “tại sao” với Chúa, coi Chúa là là người giam hãm, chặn đường đi của mình (3, 23)… Nhưng thái độ này của Gióp chưa phải là tiếng nói cuối cùng. Ông đã tiếp tục đi tìm lời giải đáp cho tình trạng hiện tại của mình. Nhận ra những hạn chế, bất ổn trong quan điểm về sự thưởng phạt của người đương thời, Gióp muốn tìm ra câu trả lời triệt để hơn cho phẩm giá của kiếp nhân sinh. Đối với Gióp, sự chữa lành thể xác chỉ có thể là hệ quả của một sự giải thoát có tính cách nền tảng hơn, một sự giải thoát toàn diện con người của ông. Gióp mong ước một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa để Ngài chỉ cho ông biết cách để sống và giải thích cho ông biết lý do để ông có thể hy vọng 1: “…xin cho con biết tại sao Ngài tố cáo con. Phải chăng Ngài thích thú khi đàn áp, khi coi rẻ công trình sáng tạo và ủng hộ mưu đồ bọn ác nhân ?” (10, 2b – 3). Để tìm ra lời giải đáp thuyết phục cho câu hỏi lớn, Gióp bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của tư duy con người, mà tự sức mình ông không thể trả lời. Những lý giải và khuyên bảo từ những người bạn không thể vấn an và làm Gióp thỏa nguyện. Gióp nhận thấy bóng đêm của những bất hạnh vẫn phủ kín trên đời ông khi “Đấng Ẩn Mình” vẫn chìm khuất, không đến gặp gỡ con người cùng khổ như ông. Công lý ở đâu và tình thương ở đâu khi “đèn ác nhân vẫn sáng” và họ “được long trọng tiễn đưa, những hòn đất dưới khe đối với nó thật êm dịu” (21, 27 – 34). Gióp cảm tưởng quanh mình chỉ là bóng tối dày đặc, là sa mạc vắng lặng không ai đáp lời (19, 7 – 8). Dường như ông bị rơi vào ngõ cụt, ở đó, ông đụng phải vấn nạn lớn liên quan đến mầu nhiệm đau khổ và sự thưởng phạt: Thiên Chúa yêu thương và công bình sao nỡ đánh phạt những người vô tội như ông ? Thiên Chúa ngoảnh mặt làm ngơ trước số phận của những người công chính ? Càng suy xét và tự vấn, Gióp lại bị rơi vào hố sâu của những định đề liên quan đến thuyết định mệnh: Thiên Chúa không nghe bao giờ và cũng không cho phép đối chất (9, 15 – 19), đồng hóa quyền lợi và sức mạnh (9, 24) và cuộc đối thoại với Thiên Chúa là không thể (9, 33). Gióp cảm tưởng giữa ông và Đấng Thánh Vô Hình có một khoảng cách quá thẳm xa làm cho tiếng kêu của ông tan biến giữa đêm trường (23, 3). Cuộc kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn được đặt ra của Gióp càng thêm kịch tính. Gióp không thể xóa đi sự xa cách với Thiên Chúa nên ông tiếp tục lần mò trong đêm tối để kiếm tìm “Đấng Ẩn Mình”.
c- Gian nan là vàng thử lửa
Hành trình kiếm tìm hạnh phúc nào cũng có gian nan thử thách đặt ra. Trước Gióp nhiều thế kỷ, Thiên Chúa đã thử thách lòng trung thành của Áp-ra-ham và niềm tin sắt đá của ông đã được chứng nghiệm qua thử thách. Đến Gióp, ông là hình tượng tiêu biểu của một chứng nhân đức tin kế thừa truyền thống tốt đẹp của các Tổ phụ trong thái độ trung kiên với Thiên Chúa. Hành trình đức tin của Gióp chỉ thực sự có ý nghĩa giáo dục khi đặt Gióp đối diện với những thử thách trở ngại để gặp Chúa. Qua những chất vấn mà Gióp đặt ra khi phải đứng trước đau khổ thì thử thách lớn nhất đối với ông là câu hỏi cho chính “Đấng Ẩn Mình”: đúng hay sai một người đau khổ vẫn có thể quả quyết về sự công chính của Thiên Chúa cứu độ, về sự thường hằng trong việc thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài ? 2: “…mặc dầu Ngài biết: con không tội lỗi gì và không ai thoát khỏi tay Ngài được. Chính Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà hủy diệt ?” (10, 7 – 8).
Lời giải đáp thuyết phục nhất chỉ có thể đến với Gióp sau cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nhưng để tiếp bước trên hành trình đức tin, biết bao nhiêu trở ngại đã đặt ra làm cản trở bản lĩnh vốn giàu niềm tin của Gióp. Những trở ngại ấy có khi làm cho độc giả tưởng chừng đã xô đẩy Gióp ngã quỵ giữa vũng lầy của khổ đau bất hạnh. Nó không chỉ đến từ gia đình, bạn bè, những rối loạn tinh thần của Gióp mà hàm ẩn trong cả những điều hão tưởng, sai lầm dằn vặt Gióp triền miên. Nếu không có những trợ lực đến từ “Đấng Ẩn Mình” thì Gióp đã chịu thảm bại trước mưu đồ đen tối của Sa-tan.
Hành trình đức tin của Gióp là cuộc mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa trong huyền nhiệm đau khổ. Những thử thách và trở ngại càng làm sáng rõ hơn đích điểm mà Gióp muốn vươn tới. Thiên Chúa vẫn chờ đợi Gióp để trao cho ông chìa khóa thiêng mở ra tối hậu cuộc đời. Điều quan trọng là Gióp có đủ niềm tin và sự khôn ngoan vượt qua những thử thách và trở ngại ấy hay không.
d- Những trợ lực cho hành trình đức tin của Gióp
Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa luôn thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn trở ngại của con người trong hành trình họ kiếm tìm Người. Cách riêng đối với Gióp, Thiên Chúa đã không ngừng tác động, trợ giúp ông trước thực tại bi nan mà ông đang gặp phải. Gióp đã không cô đơn trong đêm tối cuộc đời. Những trợ lực vô hình đến với ông có sức mạnh giải cứu những vô vọng, cho dù Gióp không hiểu nổi và không nhận ra điều đó.
Yếu tố phải kể đến trước hết đó là thời gian. Trước những tác động của nghịch cảnh, thời gian đã giúp Gióp lượng định, tham chiếu để nhận ra những bất toàn và hướng đi tích cực cho đời mình, bảo đảm cho lòng trung tín của ông được liên tục ngay cả khi sự tìm kiếm Thiên Chúa hàm ẩn những thử thách tưởng chừng khó vượt qua.
Cùng với thời gian, sự hồi tưởng hạnh phúc đã qua (ch. 29) và những hoài niệm về đời sống luân lý tinh tuyền (ch.31), Gióp có thể thân thưa với Chúa những gì cản trở lòng tin của ông. Đó không phải là thái độ mơ mộng, nhưng nó như cái phao để Gióp có thể đối diện tốt hơn với hiện tại, với “Đấng Ẩn Mình” và với những kẻ đại diện cho truyền thống. Trong thâm tâm, Gióp muốn nối lại cuộc đối thoại với Thiên Chúa là vì tự sâu thẳm của lòng tin và qua sự hồi tưởng, ông không thể chấp nhận một Thiên Chúa không “trước sau như một” 3
Trong hành trình đức tin của Gióp, sự im lặng của Thiên Chúa cũng là yếu tố trợ lực cần thiết giúp ông có thể hướng tới những tia sáng hy vọng đang đợi chờ. Đối với người không có đức tin thì điều này vừa vô nghĩa lại vừa ảo tưởng. Nhưng đối với Gióp, nó lại là tác nhân tích cực và đầy hữu hiệu, vượt xa những trợ lực vật chất trong việc tác động nâng cao phẩm giá con người, dành cho ông một sự tự do tìm kiếm lời giải đáp đến từ Thiên Chúa. Nếu Gióp phải hao tâm, tổn lực trước vấn nạn đau khổ - thưởng phạt, thì sự im lặng của “Đấng Ẩn Mình” là khoảng trống tự do để Gióp có thể đón nhận và tôn phục sự đúng đắn và táo bạo trong chương trình giáo dục của Thiên Chúa. Trong đêm tối cuộc đời, Gióp không đơn độc vì Bàn Tay Vô Hình không ngừng dẫn dắt ông tiến về hy vọng.
e- Hành trình hy vọng
Cuộc mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa trên cuộc đời Gióp được đặt trong màn cảnh của những bóng đêm khổ đau, thống cực. Tuy nhiên, giá trị tối hậu sẽ được vén mở trong sự nỗ lực, kiên nhẫn tìm kiếm của Gióp. Ánh sáng của niềm tin đã lộ dần trong diễn trình biến đổi toàn diện con người Gióp. Đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn thực tại đã dẫn ông tới chỗ tiếp nhận dồi dào ân sủng trong cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Trong cuộc đối thoại gần gũi này, chính Thiên Chúa đã đi bước trước và dẫn đưa Gióp trên nẻo đường huyền nhiệm mà con người không thể ngờ tới. Con đường ấy hằn sâu những vết chân khổ lụy nhưng nó báo hiệu cho cuộc gặp gỡ toàn vẹn với “Đấng Ẩn Mình” đầy yêu thương và công thẳng. Tuy các tia sáng hy vọng nhiều khi bị lắng chìm trong những lời oán than của Gióp, nhưng có những lúc nó cũng vụt cao hơn cả những chán chường để cho Gióp thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Cuộc gặp với Thiên Chúa đã dạy cho Gióp bài học khiêm nhường (40, 2 – 4), biết chấp nhận các hành động của Thiên Chúa vượt quá sức hiểu biết của con người. Gióp phải biết đón nhận tất cả như quà tặng kỳ diệu mà Thiên Chúa trao ban kể cả những khổ đau bất hạnh, nghi nan trong đời.
Hành trình đức tin của Gióp đã khai mở một lối nhìn tích cực hơn nhiều so với quan niệm đương thời về vấn đề thưởng phạt. Nó mang ý nghĩa mới mẻ khi tiếp cận với mầu nhiệm đau khổ, tất nhiên vẫn hàm chứa những hạn chế nhất định chưa thể thỏa đáng hoàn toàn vấn nạn đặt ra. Nhưng đó là bước đặc biệt quan trọng trong diễn trình vươn tới đỉnh cao của mặc khải. Vấn đề là người Kitô hữu hôm nay cần có thái độ đáp trả xứng hợp với tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Hành trình đức tin của Gióp đã để lại cho chúng ta bài học quý cho việc đáp trả này.
3. Bài học từ hành trình đức tin của Gióp
Thái độ của Gióp trước vấn nạn đau khổ giúp ta nghiệm suy về hành trình dấn bước theo Đức Kitô của chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Kinh nghiệm đức tin của Gióp để lại cho chúng ta những bài học quý trong việc kiện toàn nhân sinh quan, thế giới quan, và hơn thế nữa, kinh nghiệm sống tương giao với Thiên Chúa và tha nhân.
Chúng ta được mời gọi đến trong thế giới này để sống kiếp con người với những khổ đau và hạnh phúc, nhất là đang được Đấng Cứu Độ dẫn đưa về vĩnh cửu. Chúng ta may mắn hơn Gióp thật nhiều. Chúng ta phải đáp trả thế nào trước hồng ân kỳ diệu ấy của Thiên Chúa ?
a- Tất cả là quà tặng đến từ Thiên Chúa
Như Gióp xưa, Thiên Chúa vẫn không ngừng săn sóc thăm nom đời tôi, đời bạn và gửi đến cho chúng ta thật nhiều quà tặng vô giá. Đó là tất cả hồng ân dồi dào dành cho chúng ta trong mọi biến cố thường ngày. Có thứ quà tặng ngọt ngào gắn với hạnh phúc trào vui; có thứ quà tặng nhuốm màu đắng cay, chua xót nhưng quý giá vì chất chứa những đánh đổi cho hạnh phúc vĩnh hằng; có thứ quà tặng câm lặng, vô hình đòi hỏi ta phải kiên trì, sáng suốt để nhận ra… Nhiều khi ta đã đã cố tình trách Chúa vì những thứ “quà” không vừa ý riêng. Nhiều khi ta đã đổ lỗi cho Chúa trước những đổ vỡ, đau thương quá lớn, và có khi ta đã đẩy xua, nguyền rủa những nghịch cảnh… Nhận ra chương trình của Chúa trên đời mình, chúng ta hãy đón nhận tất cả như quà tặng dư đầy, phong phú mà Thiên Chúa ưu ái gửi đến cho mỗi người trên hành trình đi tìm Sự Thật – Công Lý – Tình Thương.
b- Cảm tạ - cậy trông – tín thác
Nhận ra tất cả là hồng ân, chúng ta hãy dâng lời cám tạ Chúa. Con đường tâm linh nhiều khi không bằng phẳng và tăm tối ngập tràn, làm cho đức tin của chúng ta lung lay, ngờ hoặc. Học gương Gióp, chúng ta hãy luôn bám chặt vào Chúa, hãy cậy trông Người là Chủ Tể vạn vật, có khả năng biến đau thương thành hạnh phúc, biến dòng lệ thành niềm vui sung mãn. Dù biết hành trình đức tin của chúng ta hôm nay có biết bao thử thách, trở ngại đang đặt ra. Đó có thể là những tác động nghịch chiều từ phía khách quan và cũng có thể là niềm tin giòn mỏng khiến ta trở nên vô vọng và ngã quỵ bất cứ lúc nào. Nhưng Thập giá Đức Kitô là điểm tựa vững chắc nhất cho đời ta trong khổ ải đau thương. Lời Hằng Sống không ngừng lên tiếng ủi an, khích lệ ta tín thác hoàn toàn nơi Chân Lý vĩnh hằng.
c- Nhận ra Chúa qua các dấu chỉ
Điều quan trọng là ta có nhận ra Chúa qua những dấu chỉ xảy đến trong đời ta hay không ? Xưa Thiên Chúa đã xuất hiện giữa cơn bão táp và trả lời Gióp trước những vấn nạn của đời ông. Gióp đã mau mắn đáp lời Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ thần bí này. Hôm nay, Thiên Chúa cũng đang hiện hữu giữa chúng ta và nói với ta qua chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô, qua mỗi biến cố buồn vui, sướng khổ, vinh nhục của đời ta. Kinh nghiệm của Gióp mách bảo ta hãy kiếm tìm Chúa và thánh ý Người qua những thực tại ấy. Lời Chúa mở ra cho ta chương trình huyền nhiệm mà Đấng Tạo Hóa đang thực thi trong thiên nhiên và ngay giữa dòng lịch sử nhân loại. Phải chăng, chúng ta đang quay mặt và cố khước từ Bàn Tay Chí Ái vẫn từng ngày, từng giờ chỉ dẫn cho ta giữa những bấp bênh hành trình. Cho dù là những trận động đất kinh hoàng, những trận « hồng thủy » khủng khiếp, cho dù là nguy cơ chiến tranh đang đe dọa sự sống nhân loại, cho dù là bất công, áp bức, bạo lực đầy dẫy chà đạp trên phẩm giá con người... Nhưng quyền lực của sự dữ không thể thắng nổi Đấng toàn năng và yêu thương tuyệt đối. Chính Đấng ấy đã ra tay bênh vực Gióp xưa và Ngài cũng đang đoái nhìn chúng ta trong sự quan phòng chở che không ngừng.
d- Chịu đau khổ trong yêu thương
Hành trình đức tin của chúng ta chỉ thực sự đem lại hạnh phúc đích thực khi ta biết chấp nhận đau khổ trong Đức ái Kitô giáo. Những khổ đau, quẫn bách đầy dẫy mà nhân loại hôm nay đang phải hứng chịu cần đến trách nhiệm liên đới của mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm của Gióp giúp ta chấp nhận những nghịch cảnh và đồng thời mời gọi ta cảm thông, sẻ chia với ngàn nỗi thống khổ của bao kiếp đời. Đức Kitô đã mặc khải cho ta về nghịch lý và cùng đích của ơn cứu độ cũng như con đường hạnh phúc viên mãn. Để có thể thành tựu trên con đường này, đòi hỏi chúng ta sự hy sinh tận hiến trọn hảo cho Thiên Chúa và tha nhân. Lời giải đáp cho chúng ta hôm nay trước vấn nạn đau khổ - thưởng phạt hệ tại ở thái độ sống tình yêu Thập giá, như lời Đức Kitô đã phán bảo: « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo » (Mt 16, 24)
e- Vui sống trong hy vọng
Hy vọng là động lực để Gióp tiến đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, để được nhận lãnh hạnh phúc đích thực:
«Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa» (19, 25 – 26)
Đó cũng là hy vọng tối hậu của chúng ta vào vinh quang Thập giá Đức Kitô giữa những đau thương của kiếp người.
*Kết luận
Suy nghĩ về hành trình đức tin của Gióp, chúng ta thêm trân trọng và nâng niu những gì Thiên Chúa đã trao ban. Hành trình của chúng ta hôm nay không chỉ đơn giản là kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn đau khổ - thưởng phạt, mà cần thiết hơn, phải trở nên « người tôi trung đau khổ », dám chấp nhận nghịch cảnh để sống cho Thiên Chúa và cho những người xung quanh.
* Chú thích:
1 Lm. Giuse Vũ Thanh Long, Các sách Khôn ngoan, Lưu hành nội bộ, ĐCV Vinh Thanh 2010, tr. 64
2 Sđd, tra. 65
3 Sđd, tr. 66
* Tài liệu tham khảo:
1. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu ước & Tân ước, Lời Chúa cho mọi người, nxb Tôn giáo – Hà nội, 2006.
2. Lm. Giuse Vũ Thanh Long, Các sách Khôn ngoan, Lưu hành nội bộ, ĐCV Vinh Thanh 2010.
3. I. Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách Giáo huấn, 2007.
ĐCV Vinh Thanh Mùa Vọng 2010