Mỗi khi nói tới Oklahoma City (OKC), người ta liên tưởng ngay đến một trong những chuyện li kỳ trên thế giới.

Đây là nơi duy nhất mà từ một đồng cỏ hoang vu không một bóng người đã trở thành một thành phố nhộn nhịp với 10 ngàn dân chỉ trong một sớm một chiều.

Chữ 'một sớm một chiều' dùng ở đây là nghĩa đen, là một 'NGÀY' thật sự, ngày 22 tháng 4 năm 1889, thuờng dược gọi là ngày Land Rush (Giành Đất).

Lúc đó chính phủ liên bang mở 2 triệu acres đất của người Da Đỏ cho dân di cư. Ai tới trước thì được nhận trước. Lệnh ban ra là không ai được vượt biên giới trước ngày giờ ấn định.

Các phim ảnh tả lại sự kiện này thường phóng đại bằng cách dàn cảnh hàng ngàn người tại biên giới Kansas và sau một phát súng lệnh thì đòan người chồm lên như một làn sóng biền, chạy bộ như điên, phi ngựa như bay, phóng xe thổ mộ (bandwagon) nhanh như chớp, túa ra muôn phương giữa một cơn lốc bụi mịt mù mà tìm đất hứa.

Trong thực tế, đã có nhiều người vượt biên trước, họ là những cảnh sát, nhân viên đo đất, thợ làm dường sắt...là những người có giấy phép đi vào vùng đất mới để 'thi hành công vụ'! Họ lén vào sớm, núp dưới các mương rãnh ngay cạnh miếng đất béo bở họ đã tìm thấy trước, và tới giờ đã định thì bò ra mang cờ cắm dùi cho mình. Người ta gọi những anh chàng 'mánh mung' này là 'Sooners' (người đi sớm).

Ấy vậy mà những anh Sooners rồi cũng sống chung hòa bình với hàng xóm như mọi người bình thường khác. Không những tội lỗi đã được tha, người ta còn vinh danh các anh chàng 'né luật' ấy bằng cách đặt tên cho đội banh của trường đại học to nhất của tiểu bang, trường Oklahoma University (OU,) là đội banh The Sooners.

Thậm chí tờ báo của tổng giáo phận Công Giáo OKC cũng có cái tên 'đi sớm' cho có vẻ hợp người hợp cảnh, tờ báo mang tên là Sooner Catholic!

Thế mới biết tinh thần của người dân ở đây thật là bao dung.

...

Không rõ trong số những người tìm đất nguyên thủy có bao nhiêu người là Công Giáo, nhưng trong cuộc Land Rush thứ hai của thành phố đã xảy ra năm 1975, thì người Công Giáo là một thành phần đáng kể.

Lúc đó Saigon xụp đổ, và chính phủ Hoa Kỳ đã chọn OKC là một trong những trung tâm chính để tái định cư những người tỵ nạn Cộng Sản.

Cho nên chỉ trong một sớm một chiều (nghĩa bóng), một làn sóng 10 ngàn người Việt Nam đã được đưa đến thành phố và vùng lân cận. Nhiều năm sau đó, khi các trại tỵ nạn đã đóng cửa, thì người Việt vẫn tiếp tục được đưa đến qua các chương trình đòan tụ gia đình và H.O. Ngày nay theo thống kê 2009 thì con số dân Á Châu (trong đó phần lớn là người Việt Nam) ở OKC đã lên tới 20 ngàn.

Sự kiện người Việt tới đây hồi năm 75 đã giúp thành phố OKC đảo ngược sự suy đồi trong khu nội thành.

Lúc đó nội thành OKC bắt đầu xuống cấp vì dân trung lưu bỏ ra ngọai ô, người Việt Nam Công Giáo vốn thích sống gần 'Nhà Thờ Nhà Thánh' đã mua lại những căn nhà cũ và rẻ quanh nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và lập nên một cộng đồng Công Giáo Việt Nam sinh động ở đây.

Rồi thì gần bên, những cửa hàng Á Châu cũng dần dà mọc lên trên đại lộ Classen khỏang ở giữa đường 20th street và NW 30th. Người ta đặt tên cho khu vực này là 'Little Saigon'.

An ninh của khu vực được cải tiến, các sinh họat kéo dài tới khuya và khách Da Trắng cũng thỏai mái lai vãng. Trong các sách kỷ yếu du lịch, nơi đây đã được liệt vào hạng là nơi đáng thăm viếng.

...

Nhưng đến thăm 'Little Saigon' của OKC mà không ghé thăm đền Đức Mẹ La Vang thì là một thiếu sót.

Đền Đức Mẹ La Vang là một phần của nhà thờ chính tòa, nơi phát sinh ra cộng đồng Công Giáo Việt Nam đầu tiên.

Sau này khi đã khá giả, nhiều người VN đã di chuyển ra những vùng Southside và Westside cũng như tới các khu ngoại ô Edmond ở phía bắc thành phố, và cũng lập ra giáo xứ với nhà thờ riêng. Nhưng vì tình cảm lưu luyến với cộng đồng Mỹ đã giúp mình thuở ban đầu, và đồng thời với lòng kính mến bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho nên nhiều người Việt Nam vẫn gắn bó và ở lại với ngôi nhà thờ chính tòa này.

Nhờ có sự hiện diện của số giáo dân đông đảo cho nên không giống như nhiều nhà thờ trong nội thành của các thành phố khác đã bị bỏ hoang, nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận OKC vẫn phát triển mạnh mẽ và tiếp tục xây dựng thêm. Ngày nay giáo dân VN là một nửa thành phần của giáo xứ 'Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp' tại đây.

Mới đây nhân tiện có một khu đất bỏ trống ngay cạnh nhà xứ, cộng đồng Việt Nam đã bàn nhau xây dựng một ngôi đền kính Đức Mẹ La Vang để làm quà tặng cho tổng giáo phận.

Món quà này không chỉ là biểu lộ lòng nhớ ơn tới một giáo phận đã dung dưỡng người Việt, mà cũng là để đóng một cái dấu ấn của nền văn hóa Việt Nam ngay trong lòng xã hội Mỹ.

Đây duy nhất là nơi Đức Mẹ La Vang được tôn vinh tại một nhà thờ chính tòa.

Đền kính ĐM La Vang là một quần thể gồm có một tiểu đình và một tượng đài. Lối kiến trúc dựa theo quang cảnh và mầu sắc của nhà thờ chính tòa, tạo nên một sự hài hòa, bổ xung cho nhau.

Tượng đúc bằng đồng thau, cỡ bằng người thật, được làm tại Ý. Không như các bức tượng khác thường mang nét đẹp của Tây phương, tượng ĐM La Vang có vẻ đẹp rõ nét là người Việt Nam và Chúa Hài Đồng mà Mẹ bồng trên tay cũng có 'trán nhô, môi dầy, mũi tẹt'...

Mẹ đứng ở ngòai trời giống như xưa Mẹ vẫn thường đứng đợi ở giữa rừng để cứu giúp những giáo dân khốn khổ của La Vang.

Còn tiểu đình xây trước tượng đài là nơi che mưa nắng cho những giáo hữu tới cầu nguyện.

Người ta có thể đến viếng đền bất kỳ lúc nào, khu vực không có rào cản. Đã có nhiều người ngòai Công Giáo khi nghe đến tên La Vang cũng tới đây cầu khấn xin ơn.

Nếu đến viếng đền vào một ngày Chúa Nhật, người ta cũng có thể đi thăm khu sinh họat của cộng đòan Việt Nam ngay cạnh đấy. Đó là một tu viện xưa của các Sơ dòng Mercy, nay được người Việt Nam bảo quản. Cộng đòan đã dùng số tiền còn dư lại sau khi hòan tất ngôi đền để tu sửa khu Mercy Center trở thành một khu nhiều phòng ốc ngăn nắp sạch sẽ cho các hội đòan sinh họat. Mỗi ngày Chúa Nhật các em VN được các Sơ Mân Côi gốc Chí Hòa dậy Việt Ngữ tại đây.

...

Người hướng dẫn viên của tôi là một bà đã tới OKC từ buổi khởi đầu. Bà dẫn tôi đi khắp nơi, tới trước tới sau, từ tượng đài cho tới các phòng ốc. Sợ rằng tôi không nhớ hết, bà dẫn đi dẫn lại, và nếu bỏ xót một điều gì chưa nói hết thì bà lại dẫn tôi quay trở lại...

Để thóat nợ, tôi lẩm bẩm: "rồi, rồi, biết, biết..."

Nay nghĩ lại, thực sự tôi đã không thể biết hết được.

Vì nếu không phải là một giáo dân Việt Nam ở đây, thì không bao giờ tôi có thể cảm nhận thế nào là niềm hãnh diện của người dân nhược tiểu, đang sống tha phương cầu thực, mà đã có thể tạo ra một công trình kỳ diệu, được xã hội Mỹ ca tụng là một dấu ấn văn hóa yêu kiều, ngay tại giữa lòng của đất nước Hoa Kỳ.

Tượng đài cạnh nhà thờ


Các Sơ Mân Côi viếng Đức Mẹ


Mặt tiền nhà thờ chính tòa ĐMHCG OKC
Đài ĐMHCG OKC
Chánh điện nhà thờ chính tòa ĐMHCG OKC
Kính mầu, thánh gia Di Cư
Library của công đòan VN
một phòng hội
cảnh ĐGM làm phép tượng đài
cảnh ngày làm phép tượng đài
cảnh ngày làm phép tượng đài