Chúa Nhật Thứ 12 Mùa Thường Niên - Năm C
Tôi là ai? Một câu hỏi mà các triết gia xưa nay không ngừng tự vấn bản thân mình. Nhiều triết gia cổ đại như Socrates đã khẳng định rằng biết mình chính là một trong những cái biết làm nền tảng của mọi sự hiểu biết và của sự thành công và cả sự thành nhân. Lão Tử nói: “Biết người là khôn. Biết mình là sáng”. Khôn thì có thể dụng người, có thể lừa người, có thể thành đạt ở đời này trong lãnh vực kinh doanh, chính trị… Nhưng sáng thì có được nhận thức đúng đắn hơn về con người, về cuộc đời, về thế giới… Sáng thì giúp ta sống đúng phận người trong cõi nhân sinh, nói theo các hiền nhân thì cái sáng giúp ta sống đắc đạo dù nhiều khi có thể gặp vất vả hay lận đận trong cuộc đời này.
Nội dung bài Tin Mừng thánh Luca mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật XII TN C cũng được Tin Mừng thánh Matthêu và Tin Mừng thánh Maccô tường thuật. Đây không chỉ là bằng cớ minh chứng tính lịch sử của sự kiện Chúa Giêsu tâm sự với các môn sinh mà còn có thể xem là một kỷ niệm khó quên đối với các ngài. Theo các chuyên gia nghiên cứu Tin Mừng, cách riêng các Tin Mừng Nhất Lãm thì cuộc đời hoạt động của Chúa Kitô có thể được phân thành ba giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn thứ nhất: Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, thi thố quyền năng và thu nạp môn đệ.
- Giai đoạn thứ hai: Chúa Giêsu huấn luyện các môn sinh.
- Giai đoạn thứ ba: Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn và phục sinh.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn bản lề, mang tính quyết định cho công cuộc cứu thế của Chúa Kitô. Thời gian Chúa Kitô dẫn môn sinh lánh xa quần chúng, tạm ngưng các hoạt động rao giảng, chữa lành bệnh tật… để hàn huyên tâm sự không chỉ là thời gian Người dành riêng để huấn luyện các tông đồ mà còn là thời gian đặc biệt để chính Người “biết mình” hơn. Khi đã nhận rõ và xác tín về căn tính của mình thì người ta sẽ thấy đúng con đường mình sẽ đi cũng như nhiệm vụ mình sẽ hoàn thành. Quả thật, nhiều khi chúng ta có thể bị những hoạt động tốt đẹp bên ngoài lôi cuốn đi lệch mục tiêu sứ mệnh của mình. Ngoài những giây phút hồi tâm từng ngày vốn là cần thiết để kiểm định việc đã làm và hoạch định việc sẽ làm, cũng rất cần những khoảng thời gian dừng chân nào đó tương đối dài giúp nhận thức đúng và xác định căn tính của mình để lại tiếp tục dấn thân thực thi sứ mệnh. Qua câu chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ cũng như qua các bài đọc của Chúa Nhật XII TN C, chúng ta có thể nhận ra một vài phương thế để “biết mình” như sau:
- “Dân chúng nói Thầy là ai?” (Lc 9,18). Để biết mình thì việc lắng nghe, tiếp thu nhận định của tha nhân là điều như không thể thiếu. Phận người chúng ta khó tránh khỏi sự chủ quan khi xét, nghĩ về mình. Cha ông chúng ta đã từng cảm nghiệm: “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”.
- “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20). Trong các ý kiến, các nhận định của tha nhân, thì các nhận định, các ý kiến của người thân quen xem ra khá gần với sự thật hơn cả. Khi hướng dẫn các em thiếu niên, thanh niên tìm hiểu các mặt mạnh-yếu của chúng, tôi thường nhắc nhớ các em ưu tiên lưu ý đến những nhận xét của cha mẹ, của anh chị em ruột thịt, của các bạn bè thân thuộc. Có thể nói rằng các nhận xét của những người này rất đáng lưu tâm vì chính họ là những người gần gũi chúng ta hơn nên biết nhiều về chúng ta, và nhất là, vì là những người có lòng với chúng ta, nên lời của họ trung thực hơn.
Các ý kiến, những nhận định của tha nhân dù gần hay xa, dù thân hay sơ tuy cần thiết và có giá trị nào đó, nhưng chúng không thể thay thể nhận định của bản thân mình. Trong niềm tin Kitô giáo thì sự tự nhận định của chúng ta không dừng lại ở việc tự kiểm thảo, tự suy tư, phân giải về mình mà theo ngôn ngũ triết học là phản tỉnh, mà còn phải nhận biết mình theo cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi tâm can bí ẩn lòng người, Đấng cho chúng ta từ hư vô được hiện hữu trong dòng đòi này. Nói như thánh Âugustinô thì chính Thiên Chúa mới cho chúng ta biết cách chính xác mình là ai và qua đó biết sứ mạng của mình là gì. Một lời cầu nguyện của thánh giáo phụ xem ra khá phổ biến, đó là: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết con”.
Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế như qua kỳ công của Người là vũ trụ thiên nhiên, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm… nhưng trong các cách thế ấy thì có thể nói Thánh Kinh là cách thế Thiên Chúa tỏ bày chương trình và ý định của Người cách rõ nét hơn cả. Chúa Kitô khi vào đời trong thân phận phàm nhân, đã dùng phương thế này để nhận biết căn tính cũng như sứ mạng của Người.
“Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu… Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế” (Dcr 12,11;13,1). Khi khẳng khái tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, chắc chắn Phêrô chưa hiểu đủ và hiểu đúng nội hàm về Đấng Kitô. Trong nhiều đoạn Thánh Kinh thì những lời của ngôn sứ Giacaria trên đây đã góp phần giúp Chúa Giêsu nhận rõ căn tính và sứ mạng Kitô của mình. Biết mình đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu thiên hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người, vì thế “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Lc 9,22). Sau khi nhận rõ căn tính và sứ mạng của mình, thì Chúa Giêsu đã cương quyết lên Giêrusalem, nghĩa là Người biết Người sẽ làm những gì (x. Mt 20,17-19; Mc 10,32-34, Lc 18,31-34).
Tôi là ai? Bởi đâu tôi được sinh ra làm người và sống ở đời này để làm gì? Những câu hỏi trên đã làm nhiều học giả, nhiều nhà hiền triết thao thức và dường như không thể có câu trả lời thỏa đáng. Một sản phẩm không thể nào tự minh định đầy đủ về mình về lý do cũng như ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Không một ai ngoài chính người làm ra sản phẩm ấy mới biết đích xác những điều ấy, nghĩa là sản phẩm ấy là gì, được làm ra như thế nào và để làm gì. Khi đã tin rằng chính Thiên Chúa dựng nên mọi sự và dựng nên chúng ta, thì chỉ có Người mới cho chúng ta biết cách chính xác chúng ta là ai, có mặt ở đời này để làm gì. Vì thế, những khoảnh khắc, những giai đoạn dừng chân để nhận thức căn tính cũng như sứ mạng của mình quả là điều không thể thiếu. Dừng chân để nghe tiếng Chúa qua nhận định của tha nhân, của người thân cận, qua dòng chảy của lịch sử tự nhiên và xã hội, qua lời Thánh Kinh mà đặc biệt là qua cuộc đời, việc làm, lời giảng dạy của Đấng chính là Ngôi Lời nhập thể. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân và thành người con cái Chúa.
Tôi là ai? Một câu hỏi mà các triết gia xưa nay không ngừng tự vấn bản thân mình. Nhiều triết gia cổ đại như Socrates đã khẳng định rằng biết mình chính là một trong những cái biết làm nền tảng của mọi sự hiểu biết và của sự thành công và cả sự thành nhân. Lão Tử nói: “Biết người là khôn. Biết mình là sáng”. Khôn thì có thể dụng người, có thể lừa người, có thể thành đạt ở đời này trong lãnh vực kinh doanh, chính trị… Nhưng sáng thì có được nhận thức đúng đắn hơn về con người, về cuộc đời, về thế giới… Sáng thì giúp ta sống đúng phận người trong cõi nhân sinh, nói theo các hiền nhân thì cái sáng giúp ta sống đắc đạo dù nhiều khi có thể gặp vất vả hay lận đận trong cuộc đời này.
Nội dung bài Tin Mừng thánh Luca mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật XII TN C cũng được Tin Mừng thánh Matthêu và Tin Mừng thánh Maccô tường thuật. Đây không chỉ là bằng cớ minh chứng tính lịch sử của sự kiện Chúa Giêsu tâm sự với các môn sinh mà còn có thể xem là một kỷ niệm khó quên đối với các ngài. Theo các chuyên gia nghiên cứu Tin Mừng, cách riêng các Tin Mừng Nhất Lãm thì cuộc đời hoạt động của Chúa Kitô có thể được phân thành ba giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn thứ nhất: Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, thi thố quyền năng và thu nạp môn đệ.
- Giai đoạn thứ hai: Chúa Giêsu huấn luyện các môn sinh.
- Giai đoạn thứ ba: Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn và phục sinh.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn bản lề, mang tính quyết định cho công cuộc cứu thế của Chúa Kitô. Thời gian Chúa Kitô dẫn môn sinh lánh xa quần chúng, tạm ngưng các hoạt động rao giảng, chữa lành bệnh tật… để hàn huyên tâm sự không chỉ là thời gian Người dành riêng để huấn luyện các tông đồ mà còn là thời gian đặc biệt để chính Người “biết mình” hơn. Khi đã nhận rõ và xác tín về căn tính của mình thì người ta sẽ thấy đúng con đường mình sẽ đi cũng như nhiệm vụ mình sẽ hoàn thành. Quả thật, nhiều khi chúng ta có thể bị những hoạt động tốt đẹp bên ngoài lôi cuốn đi lệch mục tiêu sứ mệnh của mình. Ngoài những giây phút hồi tâm từng ngày vốn là cần thiết để kiểm định việc đã làm và hoạch định việc sẽ làm, cũng rất cần những khoảng thời gian dừng chân nào đó tương đối dài giúp nhận thức đúng và xác định căn tính của mình để lại tiếp tục dấn thân thực thi sứ mệnh. Qua câu chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ cũng như qua các bài đọc của Chúa Nhật XII TN C, chúng ta có thể nhận ra một vài phương thế để “biết mình” như sau:
- “Dân chúng nói Thầy là ai?” (Lc 9,18). Để biết mình thì việc lắng nghe, tiếp thu nhận định của tha nhân là điều như không thể thiếu. Phận người chúng ta khó tránh khỏi sự chủ quan khi xét, nghĩ về mình. Cha ông chúng ta đã từng cảm nghiệm: “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”.
- “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20). Trong các ý kiến, các nhận định của tha nhân, thì các nhận định, các ý kiến của người thân quen xem ra khá gần với sự thật hơn cả. Khi hướng dẫn các em thiếu niên, thanh niên tìm hiểu các mặt mạnh-yếu của chúng, tôi thường nhắc nhớ các em ưu tiên lưu ý đến những nhận xét của cha mẹ, của anh chị em ruột thịt, của các bạn bè thân thuộc. Có thể nói rằng các nhận xét của những người này rất đáng lưu tâm vì chính họ là những người gần gũi chúng ta hơn nên biết nhiều về chúng ta, và nhất là, vì là những người có lòng với chúng ta, nên lời của họ trung thực hơn.
Các ý kiến, những nhận định của tha nhân dù gần hay xa, dù thân hay sơ tuy cần thiết và có giá trị nào đó, nhưng chúng không thể thay thể nhận định của bản thân mình. Trong niềm tin Kitô giáo thì sự tự nhận định của chúng ta không dừng lại ở việc tự kiểm thảo, tự suy tư, phân giải về mình mà theo ngôn ngũ triết học là phản tỉnh, mà còn phải nhận biết mình theo cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi tâm can bí ẩn lòng người, Đấng cho chúng ta từ hư vô được hiện hữu trong dòng đòi này. Nói như thánh Âugustinô thì chính Thiên Chúa mới cho chúng ta biết cách chính xác mình là ai và qua đó biết sứ mạng của mình là gì. Một lời cầu nguyện của thánh giáo phụ xem ra khá phổ biến, đó là: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết con”.
Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế như qua kỳ công của Người là vũ trụ thiên nhiên, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm… nhưng trong các cách thế ấy thì có thể nói Thánh Kinh là cách thế Thiên Chúa tỏ bày chương trình và ý định của Người cách rõ nét hơn cả. Chúa Kitô khi vào đời trong thân phận phàm nhân, đã dùng phương thế này để nhận biết căn tính cũng như sứ mạng của Người.
“Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu… Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế” (Dcr 12,11;13,1). Khi khẳng khái tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, chắc chắn Phêrô chưa hiểu đủ và hiểu đúng nội hàm về Đấng Kitô. Trong nhiều đoạn Thánh Kinh thì những lời của ngôn sứ Giacaria trên đây đã góp phần giúp Chúa Giêsu nhận rõ căn tính và sứ mạng Kitô của mình. Biết mình đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu thiên hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người, vì thế “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Lc 9,22). Sau khi nhận rõ căn tính và sứ mạng của mình, thì Chúa Giêsu đã cương quyết lên Giêrusalem, nghĩa là Người biết Người sẽ làm những gì (x. Mt 20,17-19; Mc 10,32-34, Lc 18,31-34).
Tôi là ai? Bởi đâu tôi được sinh ra làm người và sống ở đời này để làm gì? Những câu hỏi trên đã làm nhiều học giả, nhiều nhà hiền triết thao thức và dường như không thể có câu trả lời thỏa đáng. Một sản phẩm không thể nào tự minh định đầy đủ về mình về lý do cũng như ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Không một ai ngoài chính người làm ra sản phẩm ấy mới biết đích xác những điều ấy, nghĩa là sản phẩm ấy là gì, được làm ra như thế nào và để làm gì. Khi đã tin rằng chính Thiên Chúa dựng nên mọi sự và dựng nên chúng ta, thì chỉ có Người mới cho chúng ta biết cách chính xác chúng ta là ai, có mặt ở đời này để làm gì. Vì thế, những khoảnh khắc, những giai đoạn dừng chân để nhận thức căn tính cũng như sứ mạng của mình quả là điều không thể thiếu. Dừng chân để nghe tiếng Chúa qua nhận định của tha nhân, của người thân cận, qua dòng chảy của lịch sử tự nhiên và xã hội, qua lời Thánh Kinh mà đặc biệt là qua cuộc đời, việc làm, lời giảng dạy của Đấng chính là Ngôi Lời nhập thể. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân và thành người con cái Chúa.