NHẬT KÝ NGÀY THỨ HAI CUỘC HỘI NGỘ LINH MỤC TẠI SỞ KIỆN NĂM 2010
Sáng Ngày 2/6
Sở Kiện đúng là địa linh, vì hình như các đức giám mục, các cha trong ban giám đốc và giáo sư, các đại chủng sinh của trường lý đoán, các thầy giảng, các cô mụ nhà Mến Thánh Giá và giáo dân đã từng sinh sống, làm việc và thậm chí nằm xuống ở đây hơn trăm năm trước đã được đánh thức dậy, không chỉ bởi bước chân thình thịch của các Huynh Trưởng và các linh mục thuộc 10 giáo phận trong giáo tỉnh miền Bắc, mà còn bởi tiếng cười nói rộn ràng vì được gặp bao khuôn mặt thân quen, nghe bao câu chuyện thú vị, nhất là do những tiếng than thở râm ran của các vị ấy trước cái nóng như thiêu như đốt cả ngày và cả đêm hôm qua. Và đúng là những bậc cha anh có lòng nhân ái với đàn em và con cháu, các ngài đã “linh” tới mức khi mặt trời sắp sửa mọc đã cầu Chúa gởi đến Sở Kiện những làn gió mát, không chỉ để giúp những tấm thân gầy guộc hay bồ tượng vớt vát lại giấc ngủ đã mất đêm qua, mà còn hứa hẹn phe phẩy cho mọi đấng thêm dễ chịu để đi qua hết các lớp học của ngày hôm nay.
Được cha anh giúp đỡ thịnh tình như thế, các giám mục (xin đính chính lại: có cả thẩy là 14 vị, tính luôn cả 2 vị đã được phép nghỉ hưu) và các linh mục lập tức mở đầu một ngày sinh hoạt bằng giờ kinh Sáng hết sức trang nghiêm, rồi thánh lễ kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam. Từ bài Tin Mừng của thứ tư tuần IX Thường Niên (Mc 12,18-27) xem ra có vẻ không ăn nhập với chủ đề đã được khai triển rất hăng hái từ hôm qua (Hiệp Thông) trình bày câu trả lời của Đức Giêsu với phe Xađốc không tin có sự sống lại, đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục giáo phận Vinh, đã khéo léo cho thấy một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự không tin ấy là bởi người ta đã không có cái nhìn chính xác về Thiên Chúa và sự sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết, Thiên Chúa là Đấng chỉ muốn con người được sống mãi, với điều kiện phải hiểu đó là sự sống của Thiên Chúa. Sự sống ấy vô hạn vô biên đã đành, mà còn là sự sống hiệp thông sung mãn giữa Ba Ngôi. Giáo Hội của Đức Kitô cũng chỉ có thể tồn tại và phát triển khi luôn sống trong hiệp thông. Thật ra, Giáo Hội Đức Kitô phải sống hiệp thông vì không những Giáo Hội ấy xuất phát từ Thiên Chúa hiệp thông giữa Ba Ngôi, được thành lập bởi Đức Kitô luôn rao giảng và tìm cách thực hiện sự hiệp thông giữa loài người, được nảy nở do Chúa Thánh Thần luôn tìm cách tạo sự hiệp thông từ trong tâm hồn con người. Chưa kể Giáo Hội ấy có rất nhiều phương tiện phục vụ sự hiệp thông là các bí tích. Sau cùng, mục tiêu cuối cùng của Giáo Hội này cũng chẳng là gì khác ngoài việc quy tụ muôn loài về một mối. Đức Cha cũng không ngại nêu ra sự thật: sở dĩ có sự phân hóa trong Giáo Hội hôm nay, đó là vì đang có ba nhóm kitô hữu hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội ấy: nhóm thứ nhất gồm những người hiểu sai giáo lý của Đức Kitô, nhóm thứ hai chỉ muốn Giáo Hội hoạt động theo tính toán của nhóm mình, và nhóm thứ ba luôn tìm cách chống phá Giáo Hội. Đứng trước thực tế đáng buồn ấy, các linh mục không nản lòng bỏ cuộc mà vẫn kiên trung với ơn gọi của mình, là tìm cách sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Câu đối treo hai bên cung thánh đền thờ Sở Kiện đã diễn tả quyết tâm của các linh mục giáo tỉnh miền Bắc trước tình thế khó khăn ấy: “Hiệp thông cầu chúc người nên một, Giáo Tỉnh đồng tâm quyết một niềm”.
Bài nói chuyện của đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, trong giờ học tập và hội thảo sau đó, tưởng chừng như không liên quan gì với chủ đề Hiệp Thông, nhưng lại rất có quan hệ chặt chẽ. Khi giúp các linh mục ôn lại giáo lý căn bản của Kitô Giáo về hôn nhân và các quy định của giáo luật liên quan đến vấn đề quan trọng mà phức tạp này, Đức Cha đã gián tiếp cho thấy một cách xây dựng sự hiệp thông bền vững với Giáo Hội chính là nắm vững lập trường và quan điểm của Giáo Hội liên quan đến từng vấn đề. Không phải như một mớ lý thuyết hay luật lệ để thị uy và làm tình làm tội giáo dân, mà là để bảo vệ và phát triển hôn nhân và gia đình Kitô Giáo tới mức tốt nhất. Ý thức rõ điều ấy và nắm vững giáo luật để giúp giáo dân vận dụng vào đời sống sẽ là một cách bảo đảm sự hiệp thông của các linh mục với nhau, với các giám mục và với giáo dân. Có lẽ vì thoáng thấy sự ảnh hưởng sâu xa này nên các cha đã tích cực đặt rất nhiều câu hỏi cho diễn giả (có sự cộng tác của đức cha Gioan Maria Vũ Tất) soi sáng thêm.
Chiều Ngày 2/6
Trong giờ học tập và hội thảo ban chiều, đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Hưng Hóa, giới thiệu vắn tắt về mục tiêu, quá trình biên soạn và ảnh hưởng được chờ đợi của bản Ratio cho chương trình đào tạo linh mục của Ủy Ban giáo sĩ và chủng viện thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau đó, thay vì trình bày hết nội dung của tập tài liệu dày ngót 300 trang ấy, ngài giới hạn bài nói chuyện vào đề tài “Linh Mục tự đào tạo trường kỳ”. Trước hết, dựa vào Mc 3,13-15, ngài ôn lại căn tính và sứ vụ của người linh mục. Linh mục là người được Chúa gọi, linh mục là người đáp lại tiếng Chúa gọi, linh mục là người được gọi để làm thành một cộng đoàn, linh mục được gọi trước hết để ở với Chúa, linh mục là người được gọi để được sai đi, linh mục là người được sai đi với năng quyền của Thiên Chúa. Từ cái nhìn về căn tính và sứ vụ ấy của linh mục, đức cha đề nghị một chương trình đào tạo toàn vẹn dựa vào tông huấn “Pastores dabo vobis”: toàn vẹn không chỉ về thời gian (đào tạo trước khi vào chủng viện, đào tạo trong thời gian ở chủng viện, đào tạo khi rời chủng viện), mà còn về nội dung (đào tạo không chỉ về mặt nhân bản, mà còn tâm linh, tri thức và cả mục vụ). Các chiều kích đào tạo này tương ứng với cái nhìn của Giáo Hội Việt Nam về bản thân mình nhân kỷ niệm Năm Thánh 2010 – một Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ hay truyền giáo: các linh mục được đào tạo để trở thành con người mầu nhiệm, hiệp thông và truyền giáo. Cũng như tương ướng với cái nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (năm 2000) về người linh mục là con người của sự thiêng thánh, con người trưởng thành, con người của đối thoại và con người khiêm tốn phục vụ. Đức Cha còn cho thấy một số nét diễn tả tính chất của chương trình đào tạo này: đào tạo tiệm tiến, đào tạo biến đổi, đào tạo thích nghi, đào tạo mang tính vừa cộng đoàn vừa cá biệt… Trong một chương trình đào tạo đồ sộ ấy, Chúa Thánh Thần chứ không phải ai khác là nhà đào tạo chính yếu và trên hết, rồi mới đến bản thân người được đào tạo, sau cùng mới đến các thành viên trong ban đào tạo. Để kết thúc, Đức Cha còn giới thiệu một bảng xét mình khá độc đáo: xét mình về việc đào tạo của bản thân mỗi người, theo đó ở mỗi chiều kích đào tạo đều có nhắc tới mục tiêu và phương thức thực hiện. Cũng chính nhờ nội dung súc tích và nhờ ý thức tầm quan trọng của việc đào tạo – nhất là tự đào tạo trường kỳ của các linh mục – cử tọa chiều nay đã không ngớt đặt câu hỏi với diễn giả, kể cả các giám mục. Thật ra, đào tạo linh mục và linh mục tự đào tạo mình chính là chìa khóa giải quyết các bế tắc trong việc xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không ai có trách nhiệm nhiều trong việc xây dựng sự hiệp thông Giáo Hội bằng các giám mục và linh mục. Nhưng cũng không có con đường nào giúp đạt mục tiêu ấy tốt hơn là bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, bắt đầu bằng việc đào tạo bản thân mình trở thành tác nhân của sự hiệp thông.
Buổi sinh hoạt chiều nay kết thúc bằng giờ chầu Thánh Thể, mở đầu là bài hướng dẫn suy niệm Lời Chúa do đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tân giám mục giáo phận Vinh, phụ trách. Cũng theo chủ đề của ngày Hội Ngộ, Đức Cha đã đi từ một đoạn Tin Mừng Gioan đề cập đến tầm quan trọng của sự hiệp thông giữa chúng ta với Chúa Kitô – hiệp thông sâu xa tới mức như cành với thân, hiệp thông quan trọng tới mức hoặc hiệp thông và sống hoặc không hiệp thông và chết hay chỉ đem đến những hoa trái giả tạo. Ngài cũng nêu ra bốn “căn cứ” (“lieux théologiques”) mà truyền thống Giáo Hội ưu tiên coi là nơi để hiệp thông với Chúa: lời Chúa, Thánh Thể, cộng đoàn Giáo Hội, tha nhân – nhất là người nghèo. Dù đã có nhiều thời điểm trong lịch sử Giáo Hội người ta có thể nhấn mạnh tới căn cứ này và bỏ căn cứ kia, đưa đến chỗ xung đột và chia rẽ - như anh em Cải Cách nhấn mạnh tới lời Chúa mà quên Thánh Thể, anh em Công Giáo thì ngược lại, hoặc ngay chính trong anh em Công Giáo có người đề cao tha nhân và người nghèo tới mức quên cộng đoàn và Thánh Thể, hay ngược lại. Nhưng dần dần nhờ những “quãng lùi” người ta đã bắt đầu lấy lại sự quân bình giữa bốn “căn cứ” hiệp thông với Chúa. Thật vậy, cao điểm của sự hiệp thông – ít là trên đời này – chính là sự hiệp thông của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội với Đức Giêsu, đấng vừa ban lời hằng sống vừa hiến dâng thân mình, để phục vụ thế giới và người nghèo.
Các giám mục và linh mục chúng tôi cũng không quên thể hiện sự hiệp thông của cộng đoàn Giáo Hội – không chỉ giữa người sống với người sống, mà cả với người chết, nhất là những tổ tiên của chúng tôi trong đức tin. Thế nên, sau khi lãnh phép lành Thánh Thể, chúng tôi cùng quây quần trước tượng đài thánh từ đạo Anrê Dũng Lạc để tôn vinh ngài và tất cả các thánh tử đạo Việt Nam. Và như để làm cho những hình thức hiệp thông này không mau rơi vào quên lãng, đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt – nguyên tổng giám mục Hà Nội – đã ưu ái tặng mỗi linh mục chúng tôi một pho tượng thánh Anrê Dũng Lạc bằng bột đá.
Tối Ngày 2/6
Một điều bất ngờ nhất là ban tổ chức đã có sáng kiến kết thúc ngày học tập vất vả này bằng một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn “bỏ túi”, do các cha học viên trình diễn. Đây chính là một trong những lần hiếm hoi các linh mục phục vụ bà con giáo dân, không phải bằng công việc bổn phận và chuyên nghiệp của mình như giảng dạy, ban bí tích, chỉ huy việc này việc nọ, mà bằng một việc không mấy sở trường hay nếu có, thì cũng đã xếp vào rương hòm từ khi ra trường: đó là chuyển đến cho bà con giáo dân những thông điệp rút từ tâm tư của mình bằng những bài hát, điệu múa, trình tấu, diễn hài…, lấy chất liệu từ chính đời sống mục vụ thường ngày của mình. Linh mục có cao cả tới đâu cũng vẫn là những con người với những sở thích, những đam mê, thậm chí những trò tinh nghịch và ngông cuồng ! Thật ra, theo cái nhìn của các nhà triết học hiện nay, văn hóa và nghệ thuật còn là những loại hình ngôn ngữ rất cao cấp khi diễn tả được những cái tầm thường nhất bằng những cách nhìn tinh tế và cao cả, đưa tâm hồn người ta vượt thế giới eo sèo lên tới cõi uyên. Các linh mục đã học thuộc bài tới mức diễn dịch thành văn thơ, ca nhạc, kịch nghệ… Thông thái đến đó là cùng !
Lại một ngày đầy ắp các bài học – không chỉ từ bài vở biên soạn công phu của các giám mục – mà cả từ những giờ phút phụng vụ linh thiêng và thậm chí từ những vật lưu niệm, từ những hộp sữa giải khát và những bữa cơm thân mật, những buổi tán chuyện không dứt của các linh mục, nhất là từ đêm văn nghệ để thắt chặt tình thân của các linh mục và như một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa bà con giáo dân Sở Kiện, Lan Mát, Phủ Lý…! Bài học khô khan và khó nuốt ngày nào về sự hiệp thông giữa các linh mục với nhau, bắt đầu từ sự hiệp thông với Chúa và Giáo Hội, dẫn đến sự hiệp thông với hết mọi người, bỗng dưng hôm nay trở nên sao mà cụ thể và dễ nhớ là thế !
(Nguồn: tgmhanoi.org)
Sáng Ngày 2/6
Sở Kiện đúng là địa linh, vì hình như các đức giám mục, các cha trong ban giám đốc và giáo sư, các đại chủng sinh của trường lý đoán, các thầy giảng, các cô mụ nhà Mến Thánh Giá và giáo dân đã từng sinh sống, làm việc và thậm chí nằm xuống ở đây hơn trăm năm trước đã được đánh thức dậy, không chỉ bởi bước chân thình thịch của các Huynh Trưởng và các linh mục thuộc 10 giáo phận trong giáo tỉnh miền Bắc, mà còn bởi tiếng cười nói rộn ràng vì được gặp bao khuôn mặt thân quen, nghe bao câu chuyện thú vị, nhất là do những tiếng than thở râm ran của các vị ấy trước cái nóng như thiêu như đốt cả ngày và cả đêm hôm qua. Và đúng là những bậc cha anh có lòng nhân ái với đàn em và con cháu, các ngài đã “linh” tới mức khi mặt trời sắp sửa mọc đã cầu Chúa gởi đến Sở Kiện những làn gió mát, không chỉ để giúp những tấm thân gầy guộc hay bồ tượng vớt vát lại giấc ngủ đã mất đêm qua, mà còn hứa hẹn phe phẩy cho mọi đấng thêm dễ chịu để đi qua hết các lớp học của ngày hôm nay.
Được cha anh giúp đỡ thịnh tình như thế, các giám mục (xin đính chính lại: có cả thẩy là 14 vị, tính luôn cả 2 vị đã được phép nghỉ hưu) và các linh mục lập tức mở đầu một ngày sinh hoạt bằng giờ kinh Sáng hết sức trang nghiêm, rồi thánh lễ kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam. Từ bài Tin Mừng của thứ tư tuần IX Thường Niên (Mc 12,18-27) xem ra có vẻ không ăn nhập với chủ đề đã được khai triển rất hăng hái từ hôm qua (Hiệp Thông) trình bày câu trả lời của Đức Giêsu với phe Xađốc không tin có sự sống lại, đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục giáo phận Vinh, đã khéo léo cho thấy một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự không tin ấy là bởi người ta đã không có cái nhìn chính xác về Thiên Chúa và sự sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết, Thiên Chúa là Đấng chỉ muốn con người được sống mãi, với điều kiện phải hiểu đó là sự sống của Thiên Chúa. Sự sống ấy vô hạn vô biên đã đành, mà còn là sự sống hiệp thông sung mãn giữa Ba Ngôi. Giáo Hội của Đức Kitô cũng chỉ có thể tồn tại và phát triển khi luôn sống trong hiệp thông. Thật ra, Giáo Hội Đức Kitô phải sống hiệp thông vì không những Giáo Hội ấy xuất phát từ Thiên Chúa hiệp thông giữa Ba Ngôi, được thành lập bởi Đức Kitô luôn rao giảng và tìm cách thực hiện sự hiệp thông giữa loài người, được nảy nở do Chúa Thánh Thần luôn tìm cách tạo sự hiệp thông từ trong tâm hồn con người. Chưa kể Giáo Hội ấy có rất nhiều phương tiện phục vụ sự hiệp thông là các bí tích. Sau cùng, mục tiêu cuối cùng của Giáo Hội này cũng chẳng là gì khác ngoài việc quy tụ muôn loài về một mối. Đức Cha cũng không ngại nêu ra sự thật: sở dĩ có sự phân hóa trong Giáo Hội hôm nay, đó là vì đang có ba nhóm kitô hữu hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội ấy: nhóm thứ nhất gồm những người hiểu sai giáo lý của Đức Kitô, nhóm thứ hai chỉ muốn Giáo Hội hoạt động theo tính toán của nhóm mình, và nhóm thứ ba luôn tìm cách chống phá Giáo Hội. Đứng trước thực tế đáng buồn ấy, các linh mục không nản lòng bỏ cuộc mà vẫn kiên trung với ơn gọi của mình, là tìm cách sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Câu đối treo hai bên cung thánh đền thờ Sở Kiện đã diễn tả quyết tâm của các linh mục giáo tỉnh miền Bắc trước tình thế khó khăn ấy: “Hiệp thông cầu chúc người nên một, Giáo Tỉnh đồng tâm quyết một niềm”.
Bài nói chuyện của đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, trong giờ học tập và hội thảo sau đó, tưởng chừng như không liên quan gì với chủ đề Hiệp Thông, nhưng lại rất có quan hệ chặt chẽ. Khi giúp các linh mục ôn lại giáo lý căn bản của Kitô Giáo về hôn nhân và các quy định của giáo luật liên quan đến vấn đề quan trọng mà phức tạp này, Đức Cha đã gián tiếp cho thấy một cách xây dựng sự hiệp thông bền vững với Giáo Hội chính là nắm vững lập trường và quan điểm của Giáo Hội liên quan đến từng vấn đề. Không phải như một mớ lý thuyết hay luật lệ để thị uy và làm tình làm tội giáo dân, mà là để bảo vệ và phát triển hôn nhân và gia đình Kitô Giáo tới mức tốt nhất. Ý thức rõ điều ấy và nắm vững giáo luật để giúp giáo dân vận dụng vào đời sống sẽ là một cách bảo đảm sự hiệp thông của các linh mục với nhau, với các giám mục và với giáo dân. Có lẽ vì thoáng thấy sự ảnh hưởng sâu xa này nên các cha đã tích cực đặt rất nhiều câu hỏi cho diễn giả (có sự cộng tác của đức cha Gioan Maria Vũ Tất) soi sáng thêm.
Chiều Ngày 2/6
Trong giờ học tập và hội thảo ban chiều, đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Hưng Hóa, giới thiệu vắn tắt về mục tiêu, quá trình biên soạn và ảnh hưởng được chờ đợi của bản Ratio cho chương trình đào tạo linh mục của Ủy Ban giáo sĩ và chủng viện thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau đó, thay vì trình bày hết nội dung của tập tài liệu dày ngót 300 trang ấy, ngài giới hạn bài nói chuyện vào đề tài “Linh Mục tự đào tạo trường kỳ”. Trước hết, dựa vào Mc 3,13-15, ngài ôn lại căn tính và sứ vụ của người linh mục. Linh mục là người được Chúa gọi, linh mục là người đáp lại tiếng Chúa gọi, linh mục là người được gọi để làm thành một cộng đoàn, linh mục được gọi trước hết để ở với Chúa, linh mục là người được gọi để được sai đi, linh mục là người được sai đi với năng quyền của Thiên Chúa. Từ cái nhìn về căn tính và sứ vụ ấy của linh mục, đức cha đề nghị một chương trình đào tạo toàn vẹn dựa vào tông huấn “Pastores dabo vobis”: toàn vẹn không chỉ về thời gian (đào tạo trước khi vào chủng viện, đào tạo trong thời gian ở chủng viện, đào tạo khi rời chủng viện), mà còn về nội dung (đào tạo không chỉ về mặt nhân bản, mà còn tâm linh, tri thức và cả mục vụ). Các chiều kích đào tạo này tương ứng với cái nhìn của Giáo Hội Việt Nam về bản thân mình nhân kỷ niệm Năm Thánh 2010 – một Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ hay truyền giáo: các linh mục được đào tạo để trở thành con người mầu nhiệm, hiệp thông và truyền giáo. Cũng như tương ướng với cái nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (năm 2000) về người linh mục là con người của sự thiêng thánh, con người trưởng thành, con người của đối thoại và con người khiêm tốn phục vụ. Đức Cha còn cho thấy một số nét diễn tả tính chất của chương trình đào tạo này: đào tạo tiệm tiến, đào tạo biến đổi, đào tạo thích nghi, đào tạo mang tính vừa cộng đoàn vừa cá biệt… Trong một chương trình đào tạo đồ sộ ấy, Chúa Thánh Thần chứ không phải ai khác là nhà đào tạo chính yếu và trên hết, rồi mới đến bản thân người được đào tạo, sau cùng mới đến các thành viên trong ban đào tạo. Để kết thúc, Đức Cha còn giới thiệu một bảng xét mình khá độc đáo: xét mình về việc đào tạo của bản thân mỗi người, theo đó ở mỗi chiều kích đào tạo đều có nhắc tới mục tiêu và phương thức thực hiện. Cũng chính nhờ nội dung súc tích và nhờ ý thức tầm quan trọng của việc đào tạo – nhất là tự đào tạo trường kỳ của các linh mục – cử tọa chiều nay đã không ngớt đặt câu hỏi với diễn giả, kể cả các giám mục. Thật ra, đào tạo linh mục và linh mục tự đào tạo mình chính là chìa khóa giải quyết các bế tắc trong việc xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không ai có trách nhiệm nhiều trong việc xây dựng sự hiệp thông Giáo Hội bằng các giám mục và linh mục. Nhưng cũng không có con đường nào giúp đạt mục tiêu ấy tốt hơn là bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, bắt đầu bằng việc đào tạo bản thân mình trở thành tác nhân của sự hiệp thông.
Buổi sinh hoạt chiều nay kết thúc bằng giờ chầu Thánh Thể, mở đầu là bài hướng dẫn suy niệm Lời Chúa do đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tân giám mục giáo phận Vinh, phụ trách. Cũng theo chủ đề của ngày Hội Ngộ, Đức Cha đã đi từ một đoạn Tin Mừng Gioan đề cập đến tầm quan trọng của sự hiệp thông giữa chúng ta với Chúa Kitô – hiệp thông sâu xa tới mức như cành với thân, hiệp thông quan trọng tới mức hoặc hiệp thông và sống hoặc không hiệp thông và chết hay chỉ đem đến những hoa trái giả tạo. Ngài cũng nêu ra bốn “căn cứ” (“lieux théologiques”) mà truyền thống Giáo Hội ưu tiên coi là nơi để hiệp thông với Chúa: lời Chúa, Thánh Thể, cộng đoàn Giáo Hội, tha nhân – nhất là người nghèo. Dù đã có nhiều thời điểm trong lịch sử Giáo Hội người ta có thể nhấn mạnh tới căn cứ này và bỏ căn cứ kia, đưa đến chỗ xung đột và chia rẽ - như anh em Cải Cách nhấn mạnh tới lời Chúa mà quên Thánh Thể, anh em Công Giáo thì ngược lại, hoặc ngay chính trong anh em Công Giáo có người đề cao tha nhân và người nghèo tới mức quên cộng đoàn và Thánh Thể, hay ngược lại. Nhưng dần dần nhờ những “quãng lùi” người ta đã bắt đầu lấy lại sự quân bình giữa bốn “căn cứ” hiệp thông với Chúa. Thật vậy, cao điểm của sự hiệp thông – ít là trên đời này – chính là sự hiệp thông của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội với Đức Giêsu, đấng vừa ban lời hằng sống vừa hiến dâng thân mình, để phục vụ thế giới và người nghèo.
Các giám mục và linh mục chúng tôi cũng không quên thể hiện sự hiệp thông của cộng đoàn Giáo Hội – không chỉ giữa người sống với người sống, mà cả với người chết, nhất là những tổ tiên của chúng tôi trong đức tin. Thế nên, sau khi lãnh phép lành Thánh Thể, chúng tôi cùng quây quần trước tượng đài thánh từ đạo Anrê Dũng Lạc để tôn vinh ngài và tất cả các thánh tử đạo Việt Nam. Và như để làm cho những hình thức hiệp thông này không mau rơi vào quên lãng, đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt – nguyên tổng giám mục Hà Nội – đã ưu ái tặng mỗi linh mục chúng tôi một pho tượng thánh Anrê Dũng Lạc bằng bột đá.
Tối Ngày 2/6
Một điều bất ngờ nhất là ban tổ chức đã có sáng kiến kết thúc ngày học tập vất vả này bằng một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn “bỏ túi”, do các cha học viên trình diễn. Đây chính là một trong những lần hiếm hoi các linh mục phục vụ bà con giáo dân, không phải bằng công việc bổn phận và chuyên nghiệp của mình như giảng dạy, ban bí tích, chỉ huy việc này việc nọ, mà bằng một việc không mấy sở trường hay nếu có, thì cũng đã xếp vào rương hòm từ khi ra trường: đó là chuyển đến cho bà con giáo dân những thông điệp rút từ tâm tư của mình bằng những bài hát, điệu múa, trình tấu, diễn hài…, lấy chất liệu từ chính đời sống mục vụ thường ngày của mình. Linh mục có cao cả tới đâu cũng vẫn là những con người với những sở thích, những đam mê, thậm chí những trò tinh nghịch và ngông cuồng ! Thật ra, theo cái nhìn của các nhà triết học hiện nay, văn hóa và nghệ thuật còn là những loại hình ngôn ngữ rất cao cấp khi diễn tả được những cái tầm thường nhất bằng những cách nhìn tinh tế và cao cả, đưa tâm hồn người ta vượt thế giới eo sèo lên tới cõi uyên. Các linh mục đã học thuộc bài tới mức diễn dịch thành văn thơ, ca nhạc, kịch nghệ… Thông thái đến đó là cùng !
Lại một ngày đầy ắp các bài học – không chỉ từ bài vở biên soạn công phu của các giám mục – mà cả từ những giờ phút phụng vụ linh thiêng và thậm chí từ những vật lưu niệm, từ những hộp sữa giải khát và những bữa cơm thân mật, những buổi tán chuyện không dứt của các linh mục, nhất là từ đêm văn nghệ để thắt chặt tình thân của các linh mục và như một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa bà con giáo dân Sở Kiện, Lan Mát, Phủ Lý…! Bài học khô khan và khó nuốt ngày nào về sự hiệp thông giữa các linh mục với nhau, bắt đầu từ sự hiệp thông với Chúa và Giáo Hội, dẫn đến sự hiệp thông với hết mọi người, bỗng dưng hôm nay trở nên sao mà cụ thể và dễ nhớ là thế !
(Nguồn: tgmhanoi.org)