Cuộc chiến đấu đầy cam go của linh hồn

Một điều không ai có thể phủ nhận được, đó là ngày nay chúng ta đang phải sống trong một thời đại đầy biến động và mâu thuẩn nhất trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Thật vậy, trong khi người ta không ngừng than trách luật lệ Kitô giáo quá nghiêm khắc và vì thế đã hạn chế và ngăn cản sự phát triển cũng như sự tiến bộ của con người, thì một mặt khác trước sự đe dọa của những hiện tượng giết người một cách điên khùng và vô lý do cũng như các tội phạm khác ở khắp mọi nơi trên thế giới, người ta lại lớn tiếng đòi hỏi phải mau thiếtt lập lại các giá trị luân lý và các luật lệ chân chính.

Cả là một tình trạng vô trật tự và hỗn loạn đầy nguy hiểm, khi từng cá nhân, từng đoàn thể và cả xã hội hoàn toàn tự do hành động theo ý riêng mình, chứ không còn cần phải quan tâm đến lương tâm trách nhiệm của mình cũng như các quyền lợi chân chính của kẻ khác nữa. Nhưng người ta sẽ tìm đâu ra được sự định hướng đúng đắn cho các hành động và cả cuộc sống của mình trong một thế giới không ngừng thay hình đổi dạng một cách quá nhanh chóng và càng ngày càng trở nên phức tạp hóa như thế, nhất là càng ngày càng trở nên duy vật, tục hóa và vô thần, hoàn toàn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng là chân thiện mỹ tuyệt đối, và vì thế là định hướng chân chính duy nhất cho con người?

Nhà thần học người Mỹ William J. Hoye, giáo sự tại phân khoa thần học Công Giáo thuộc đại học Münster/Đức quốc, đã trình bày trong tác phẩm bằng tiếng Đức mà ông vừa cho xuất bản (22.2.2010), với tựa đề: „Tugenden. Was sie wert sind, warum wir sie brauchen“: „Các nhân đức. Giá trị của chúng như thế nào, tại sao chúng ta cần tới các nhân đức“. Trong đó, ông khẳng định các nhân đức truyền thống là con đường dẫn đưa con người ra khỏi sự ích kỷ để bước vào trong sự công chính, ra khỏi sự thỏa mãn các nhu cầu một cách tạm thời để bước vào trong sự khôn ngoan, ra khỏi sự ham muốn chiếm hữu theo bản năng để bước vào trong sự điều độ hợp lý, ra khỏi sự tìm kiếm các sự vật chóng qua để bước vào trong sự hy sinh can đảm cho một cuộc sống hạnh phúc chân thật.

Bởi vì, Hoye viết: „Sự dấn thân can đảm cho một việc ngay chính có thể thất bại; tuy nhiên, con người thực thi sự dấn thân can đảm ấy lại trở nên người thực sự, nghĩa là với tư cách vững vàng của mình, người ấy không hề nao núng trước sự thất bại“.

Dĩ nhiên, giáo sư Hoye cho rằng việc trau dồi và tập luyện các nhân đức cũng như các đức tính nhân bản, không phải là một chuyện dễ dàng. Công việc đó luôn luôn đòi hỏi sự khôn ngoan thận trọng và sự nổ lực can đảm trường kỳ của bản thân. Theo giáo sư Hoye, các nhân đức – ở điểm này ông cũng dựa theo quan niệm của Aristote, Thomas Aquinô và của Josef Pieper về đạo đức – là „sự trưởng thành chín chắn trong những khả năng nội tại của nhân vị“. Hoye cho rằng các đức tính tốt của con người càng trở nên mạnh mẽ sâu sắc hơn khi phải sống va chạm và xung đột với thực tế và với những đam mê (Leidenschaft) của chính bản thân.

Thật ra, tự bản chất, đam mê không hề xấu. Nhưng mục đích nhằm tới và nguyên nhân của một đam mê thì luôn luôn cần phải suy xét kỹ, ông viết: „Phẩm chất luân lý của các đam mê không hệ ở cảm xúc, nhưng tùy thuộc vào nội dung hay vào đối tượng của chúng. Ví dụ: nếu sự nóng giận xảy ra vì do ghen ghét thì xấu, còn khi sự nóng giận là sự phản ứng trước một sự bất công tày trời thì lại tốt“. Chính cách thức luận lý về sự khác biệt và sự lý giải có tính cách phê bình như thế đã khiến cho tập sách nhỏ này của tác giả trở nên hấp dẫn và thích thú đối với các độc giả.

Hoye không hề có cảm tình vơi những lối nói sáo ngữ và những thành kiến bảo thủ, khi ông đề cập đến đề tài dục tính (Sinnlichkeit). Theo ông, việc đơn giản hóa con người lại như là đối tượng của dục tính là một sự „thiển cận đầy kịch tính“. „Giáo huấn của thánh Thomas Aquinô thật chính xác khi ngài cho rằng sự vui sướng khóai lạc trong vườn địa đàng – một nơi tinh thần con người luôn trong sáng – chắc chắn phải mạnh mẽ hơn nơi chúng ta ngày nay, vì lúc bấy giờ bản tính con người còn hoàn toàn tinh tuyền và khả năng cảm xúc của thân thể con người cũng còn hoàn toàn đơn thuần“.

Tiếp đến, dựa vào thế giá thánh Thomas Aquinô, giáo sư Hoye cho việc nhận thức của tinh thần bị cầm chân bởi sự khoái lạc thể xác không phải là vấn đề khả nghi. Ông viết: „Thánh Thomas dạy rằng không có gì đi ngược lại với nhân đức, khi sự tác động của lý trí thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi một điều gì đó thường xảy đến cho lý trí một cách đều đặn ôn hòa“. Nếu không, cả việc ngủ nghỉ cũng là hành động phản lại nhân đức.

Trái lại, Hoye lại nghiêm khắc phê bình chủ nghĩa khoái lạc (Hedonismus), dù hình thức chủ nghĩa ấy trong thời thượng cổ và thời đại tân tiến hôm nay có nhiều khác biệt. Ông viết: „Sự sai lầm của chủ nghĩa khoái lạc, một chủ nghĩa vốn coi một mình sự khoái lạc như là sự thiện hảo tối hậu và điều kiện cho một cuộc sống hạnh phúc, nằm ở chỗ là đã coi chính những đam mê như là đối tượng của luân lý, như thể cảm xúc là mục đích, chứ không phải là „bãi chiến trường“ thuần túy. Điều đó muốn nói rằng người ta đã không quan tâm tới sự tương quan đối tượng của đam mê. Trên thực tế, người ta luôn vui mừng về một điều gì đó. Như thế, những cảm giác dễ chịu hoàn toàn có thể là tốt. Sự chán nản trước một điều gì đó làm cho mình chán nản là thái độ tốt; tác động của triệu chứng về những đau đớn do bệnh viêm ở ruột già gây ra là tốt.“

Người công chính sống trong sự thật

Giáo sư Hoye đã thẳng thắn trình bày một cách rõ ràng rằng cuộc „chiến đấu đầy cam go của linh hồn“ (Platon) đã nói lên trọng điểm của việc làm thuộc phạm vi luân lý đạo đức, trong khi những hành động bên ngoài hoàn toàn chỉ là thứ yếu. Việc nhấn mạnh không chỉ chống lại tinh thần thời đại, nhưng còn chống lại nhiều quan niệm giáo dục tân tiến, những quan niệm giáo dục chỉ đặt giá trị trên cảm giác dễ chịu và trên công việc điều hành, nhưng lại hoàn toàn phủ nhận chiều kích tâm linh của con người hay bỏ qua không nhìn thấy được vì do vô tri. Việc đáng nghi ngờ và sự thiển cận của một khuynh hướng sư phạm xu thời như thế, người ta cũng nhận ra được qua hiện tượng thực tế là nhiều ý niệm về các nhân đức truyền thống hầu như không còn được sử dụng tới, chẳng hạn ý niệm „khôn ngoan.“

Trong khi đó, giáo sư William Hoye cho rằng „Điều làm cho mỗi nhân đức trở thành nhân đức thực sự chính là sự khôn ngoan.“ Theo nghĩa nhân đức thì sự khôn ngoan có thể được định nghĩa là hữu thể của lý trí, điều đó cũng có nghĩa sự phù hợp với thực tại của nhân vị. „Một người công chính – đồng thời cũng là một người khôn ngoan – sống trong sự thật và vì thế người ấy phù hợp với thực tại.“ Qua đó, theo giáo sư Hoye, sự giáo dục luân lý đạo đức là trọng tâm của sự giáo dục nói chung và của sự tự giáo dục nói riêng, và làm thành nhân đức khôn ngoan, nghĩa là có được khả năng có thể nhìn thấy được trọng tâm những thực tại bao quanh hành động của mình và để cho chúng hướng dẫn trong những quyết định về hành động.

Kết luận

Quan điểm của nhà thần học William J. Hoye được trình bày trong tác phảm được đề cập tới có thể được coi là một đóng góp thần học và đạo đức quan trọng trong những tranh luận hiện nay về các giá trị và người ta có thể nói được rằng đó là một sự cố gắng thành công, vì đã làm cho cuộc sống của chúng ta có thể tiếp cận được các nhân đức nền tảng với ý nghĩa đích thực của chúng.

__________________

Sách tham khảo:

William J. Hoye: Tugenden. Was sie wert sind – warum wir sie brauchen. Nhà xuất bản Mathias Grünewald, Mainz 2010, 136 trang.