Giáo Tỉnh Hà Nội Hội Ngộ Linh Mục Tại Sở Kiện

Sở Kiện, ngày 1/6/2010, 13 giám mục và 600 linh mục thuộc Giáo tỉnh Hà nội đã về hội ngộ tại Sở Kiện. Giáo tỉnh Hà nội bao gồm 10 giáo phận: Hà Nội, Vinh, Hưng Hóa, Phát Diệm, Thanh Hóa, Bùi Chu, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn – Cao Bằng. Tổng số linh mục đang hiện diện tại giáo tỉnh Hà nội hiện nay là 820 nhưng vì những lý do khác nhau, cuộc hội ngộ hôm nay quy tụ được 700 linh mục.

Hình ảnh các Linh mục về Hội Ngộ tại Sở Kiện

Chương trình cụ thể như sau:

Thứ BA 01-06-2010:
10g00: CÓ MẶT tại nhà xứ Sở Kiện, đăng ký, dùng bữa trưa và nghỉ trưa tại nhà giáo dân theo địa chỉ đã nhận.
15g30: có mặt tại NHÀ THỜ Sở Kiện. ĐC LINH và ĐC THIÊN thông báo chi tiết cuộc hội ngộ.
16g00: Nghi thức KHAI MẠC. (MC: ĐC THIÊN).
- Hát Kinh Chúa Thánh Thần (GP PHÁT DIỆM )
- Tuyên bố lý do và bá cáo tình hình cuộc Hội ngộ (ĐC LINH).
- Diễn từ khai mạc của Bề Trên Giáo Tỉnh (ĐỨC TỔNG GM PHÊRÔ).
- Bài ca Năm Thánh
- Ôn hát, lưu ý của chưởng nghi GP HÀ NỘI.
THÁNH LỄ
18g00: CƠM CHIỀU (tại nhà xứ Sở Kiện).
19g30: đề tài I (ĐC Đạt) HIỆP THÔNG LINH MỤC (tại nhà thờ).
20g15: Các cha mặc áo ALBA, các ĐC mặc soutane dự nghi thức sám hối do GP BÙI CHU chủ trì. Kinh tối đọc riêng.
21g00: về nhà giáo dân nghỉ đêm.

Thứ TƯ 02-06-2010:
07g15: có mặt tại nhà thờ Sở Kiện.
07g30: KINH SÁNG; các cha và các ĐC mặc áo alba + stola
THÁNH LỄ
- Ý cầu nguyện: cầu cho Giáo Hội Việt Nam.
- Chủ tế và giảng lễ: Đức cha Thuyên. GP VINH cử 2 cha phụ tế.
- Sau lễ: giải lao.
09g15: Tại nhà thờ: đề tài 2 (ĐC Ngân) MỤC VỤ HÔN NHÂN.
10g00: Thảo luận. Thảo luận xong, ở lại tại chỗ.
10g45: KINH TRƯA
Cơm trưa, nghỉ trưa tại nhà giáo dân.
14g30: Tại nhà thờ (mặc áo clergyman): KINH CHIỀU.
15g00: đề tài 3 (ĐC CHƯƠNG) ĐÀO TẠO LM TRONG THỜI ĐẠI MỚI.
15g45: Thảo luận.
16g30: giải lao.
17g00: viếng HÀI CỐT các thánh TĐVN
18g00: CƠM TỐI tại nhà xứ Sở Kiện.
19g30: Kinh tối đọc riêng. Giao lưu VĂN NGHỆ
Cuối buổi: phát quà lưu niệm của Đức Tổng.
21g00: Về nhà giáo dân nghỉ đêm.

Thứ NĂM 03-06-2010:
07g30: khởi hành đi VĨNH TRỊ bằng phương tiện riêng của từng GP.
08g45: Đề tài 4 (ĐC Tiệm) LINH ĐẠO CÁC THÁNH TĐVN.
09g30: Tổng kết Hội ngộ (ĐC LINH và ĐC THIÊN).
10g15: tập hát. Chuẩn bị thánh lễ (thông báo của chưởng nghi).
11g00: Thánh lễ bế mạc:
- Chủ lễ: ĐC Linh; Giảng: ĐC Tất. GP LẠNG SƠN cử 2 cha phụ tế.
- Ý cầu nguyện: cầu cho linh mục giáo tỉnh Hà nội.
- Trong thánh lễ có “tuyên lại lời hứa linh mục”
Cơm trưa tại chỗ.
Giải tán.
-----------------------------------------------------------------------

Ngày 1/6/2010 tại Sở Kiện:

Sáng: Cách đây hơn 2000 năm, các Huynh Trưởng tiên khởi của chúng tôi đã từng vài lần có những buổi hội ngộ không bao giờ quên được như thế này. Chẳng hạn buổi hội ngộ không chỉ giữa Đức Giêsu – Thầy chí thánh của chúng tôi – với các Huynh Trưởng tiên khởi, còn gọi là nhóm Mười Hai, mà cả với đông đảo dân chúng trên núi hẹn để nghe công bố Hiến Chương Nước Trời, cũng là cương lĩnh sống và làm việc để được tham gia Nước Trời. Hay buổi hội ngộ giữa Đức Giêsu với các Huynh Trưởng và hơn 70 môn đệ để lãnh chỉ thị và hướng dẫn trước khi lên đường truyền giáo. Nhưng có lẽ chưa bao giờ có buổi hội ngộ như lần này. Khác những lần trước về quy mô địa lý: Cũng là được 12 Huynh Trưởng – lần này được gọi là 12 giám mục giáo phận – dẫn đến gặp Đức Giê su, nhưng là hơn 700 linh mục đến từ những miền đất rất khác nhau: từ hơn 300 cây số như các anh em từ giáo phận Vinh và Thanh Hóa đến vài chục cây số như các anh em từ tổng giáo phận Hà Nội, từ miền ngược như các anh em của giáo phận Hưng Hóa đến miền xuôi như các anh em ở Bắc Ninh, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, từ miền sơn cước như các anh em của giáo phận Lạng Sơn đến miền duyên hải như các anh em của giáo phận Hải Phòng. Khác những lần trước về quy mô nhân sự: có những linh mục chưa giáp năm làm linh mục, nhưng cũng có những linh mục ở độ tuổi sắp sửa hay đã bước vào “thất thập cổ lai hy”, có những linh mục đang tập tễnh làm phó xứ, nhưng cũng có những linh mục làm cha xứ đã 30 hay 40 năm, có những linh mục chuyên “gõ đầu trẻ” ở chủng viện, nhưng cũng có những linh mục không làm tổng đại diện giáo phận thì cũng đại diện giám mục trong lãnh vực này hay lãnh vực kia. Khác một cách đặc biệt hơn cả là địa điểm hội ngộ của chúng tôi lần này: không phải chỉ là một đền thờ hay linh địa bất kỳ nào, mà còn là một địa danh gắn chặt với việc đào tạo linh mục. Tại Sở Kiện hiện nay vẫn còn dấu vết của trường thần học cho phần lớn các giáo phận miền Bắc từ năm 1862. Nhắc tới trường này ở Sở Kiện, người ta không thể quên tiền thân của trường này ở Kẻ Vĩnh (hay Vĩnh Trị, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay) đã bị triều Nguyễn triệt phá bình địa năm 1858. Cuộc hội ngộ của chúng tôi sẽ kết thúc ở giáo xứ Vĩnh Trị là vì sự gắn bó giữa hai địa danh ấy về mặt lịch sử. Nhưng dù khác thế nào với các lần hội ngộ trước trong lịch sử dân Chúa, cuộc hội ngộ nào của các linh mục cũng là để gặp Đức Giê su – vị Tôn Sư ưu việt – và từ đó được học tập và dạy dỗ; bên cạnh đó là để anh em sống chung với nhau trong tình huynh đệ linh mục. Cả hai việc này càng trở nên cần thiết gấp bội khi tại Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới các linh mục và ngay cả các Huynh Trưởng là các giám mục và đức giáo hoàng đang bị xoi mói và chỉ trích nhiều, có thể do lỗi của bản thân mình mà cũng có thể do ác ý của người khác ! Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống và làm việc của ít là bốn giám mục, từ giám mục Retord đến giám mục Puginier. Các ngài đã có sáng kiến là luôn luôn đặt cơ quan đầu não của giáo phận (tòa giám mục) bên cạnh chủng viện, để cho thấy rằng giám mục và linh mục gắn bó với nhau như hình với bóng, và không chỉ khi hai bên đã lớn lên và đã trưởng thành, mà ngay từ các linh mục còn trong thời gian đào tạo, còn là chủng sinh. Phải chăng đây cũng là một trong nhiều hướng xây dựng, củng cố và phát triển Giáo Hội bây giờ lẫn tương lai.

Khoảng 9 giờ các đoàn đã lục tục đến nơi. Vừa đến Sở Kiện, anh em linh mục chúng tôi đã được dịp sống lại bầu khí Giáo Hội Việt Nam thuở ban đầu. Từng tốp các linh mục được các giáo dân đón về nhà nghỉ ngơi và dĩ nhiên để chia sẻ đời sống con người cũng như đời sống đức tin. Tình “quân dân cá nước” nổi bật trong văn hóa Việt Nam và trong lịch sử truyền đạo ở Việt Nam chưa bao giờ mất trong thực tế lịch sử Giáo Hội chúng ta ! Lần này số gia đình đón nhận các cha, từng hai người hay từng 4 người một, về ăn ở trong nhà mình hẳn phải đông hơn nhiều, vì vào dịp lễ khai mạc Năm Thánh Sở Kiện để đón tiếp khoảng 500 cha mà đã cần gần 5000 người hay gần 600 gia đình đón tiếp! Đó là chưa nói: lúc bấy giờ người ta chỉ phải đón tiếp các cha trong một đêm, còn bây giờ những hai đêm hai ngày (ăn sáng lẫn ăn trưa !). Còn chưa nói: chúng tôi đang ở trong mùa hè cạn nước và thiếu điện, để thấy được sự hy sinh của giáo dân thế nào khi cưu mang các linh mục. Đúng là trong thành công của các linh mục khi làm mục vụ cũng như khi sống ơn gọi, không thể không kể đến sự góp sức của giáo dân !

Chiều: Sau vài chục phút thông báo và nhắc nhở liên quan đến các sinh hoạt và tổ chức, đúng 4 giờ không hơn không kém, Đức Cha giáo phận Hải Phòng khởi sự giới thiệu chương trình và các thành phần tham dự: Không kể 13 giám mục của giáo tỉnh, nghĩa là không thiếu một giám mục nào ngoài đức cha Giuse – nguyên tổng giám mục Hà Nội – đang nghỉ bệnh tại nước ngoài (nhưng có gởi điện thư về chúc mừng và bày tỏ sự hiệp thông), có khoảng 600 linh mục đến từ 10 giáo phận của giáo tỉnh miền Bắc.

Lợi dụng dịp có mặt đông đủ của các đức giám mục và linh mục, Đức Cha giáo phận Bắc Ninh thay mặt tất cả mọi người chúc mừng chính thức đức cha Phêrô, tân tổng giám mục Hà Nội, đức cha Gioan Maria, tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, và đức cha Phaolô, tân giám mục giáo phận Vinh. Vì sẽ cai quản hai giáo phận – một bên là lớn nhất về địa lý (Hưng Hóa là giáo phận lớn nhất phủ trên 10 tỉnh) và một bên là lớn nhất về dân số (Vinh là giáo phận đông dân Công Giáo nhất tại miền Bắc) nên cả hai đức giám mục tân cử này đều được đức giám mục Bắc Ninh cầu chúc vừa có sức khỏe dồi dào vừa có sự hăng hái đáng kể để gánh vác trọng trách không nặng về dân số thì nặng về diện tích. Riêng đối với đức tân tổng giám mục Hà Nội, đức giám mục Bắc Ninh vừa xác nhận sự kề vai sát cánh của các giám mục miền Bắc bên cạnh ngài vừa ước mong rằng với sự hỗ trợ ấy ngài sẽ hoàn thành vai trò người tôi tớ trung thành và khôn ngoan cho giáo phận nhà cũng như cho giáo tỉnh.

Trước khi chính thức khai mạc cuộc Hội Ngộ, tất cả chúng tôi - và cả một số bà con giáo dân nữa – được nghe đức giám mục Thanh Hóa, không chỉ trong tư cách là trưởng ban tổ chức mà còn trong tư cách là một trong những người cùng làm việc gần gũi bên cạnh đức tổng giám mục Giuse, giải thích tại sao có buổi Hội Ngộ các linh mục này, và qua đó cho biết tinh thần cần có khi cử hành các biến cố như thế này. Không phải chỉ để hòa mình vào cao trào chung của Giáo Hội hoàn cầu lẫn Giáo Hội Việt Nam mừng Năm Thánh Linh Mục, mà còn để tiếp tục và phát triển ý hướng từ lâu, do Đức Tổng Giám Mục Giuse khởi xướng và được các giám mục trong giáo tỉnh ủng hộ, là cố gắng tổ chức càng nhiều cơ hội càng tốt cho các linh mục đoàn của hai, rồi ba, bốn hay mười giáo phận gặp gỡ nhau để sống tình hiệp thông qua các khóa thường huấn hay tỉnh tâm chung, làm nơi cung cấp kinh nghiệm và ý tưởng cho các ngài xây dựng sự hiệp thông trong giáo xứ và giáo phận của mình. Trong việc thực hiện ý định này, công đầu thuộc về đức tổng giám mục Giuse và các thành phần Dân Chúa tổng giáo phận Hà Nội (không kể đức cha phụ tá Laurensô, còn có các linh mục, tu sĩ và giáo dân).

Sự hiệp thông trong giáo tỉnh này, giữa các giám mục, linh mục và giữa các giáo dân, đã được đức tổng giám mục Phêrô nâng lên tầm cao hơn nữa, khi trong bài diễn văn khai mạc Hội Nghị, ngài nhấn mạnh rằng hiệp thông không phải chỉ là điều quan trọng của giáo hội này hay giáo hội kia, mà vừa là nền tảng cũng như là mục tiêu của toàn thể Giáo Hội, đến nỗi Giáo Hội sẽ không còn là Giáo Hội khi không bắt nguồn từ sự hiệp thông và không hướng tới sự hiệp thông. Ngài còn chỉ cho biết con đường đi tới sự hiệp thông ấy chính là con đường Đức Maria, các môn đệ của Đức Giêsu, rồi thánh Gioan Maria Vianê, cả các vị mục tử vĩ đại tại Việt Nam, trong đó có đức cố hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, theo sự nhận xét của đức thánh cha Biển Đức XVI nhân dịp viếng thăm “ad limina” của các giám mục Việt Nam, đó chính là lắng nghe, rồi suy đi nghĩ lại trong lòng, và bước theo Đức Giêsu “sát hết sức có thể”.

Nói tới con đường của các môn đệ Đức Giê su, chúng ta không thể không nhớ tới bài giảng của đức giám mục Hải Phòng trong thánh lễ khai mạc: sở dĩ các tông đồ ngày xưa và nhiều người trong chúng ta hôm nay không thể bước theo Chúa và bước tới cùng là vì hoặc chúng ta chỉ coi lời Chúa hứa cho những ai từ bỏ mọi sự theo Ngài chỉ là lời hứa cuội, hoặc nếu không là lời hứa cuội thì cũng là lời hứa chỉ liên quan đến những lợi lộc trần gian trước mắt. Tuy nhiên, phần thưởng Chúa hứa vừa là phần thưởng rất thật, “ngay trên đời này”, phần thường gấp trăm lần những gì chúng ta bỏ đi, vừa là phần thưởng mang tính thiêng liêng và siêu nhiên nhiều hơn. Một cách cụ thể, sự hội ngộ khoảng 600 linh mục với 13 giám mục chiều hôm nay không phải là phần thưởng gấp trăm và rất thật cho những tình bạn và tình yêu chật hẹp mà chúng ta đã bỏ đi hay sao ? Nhưng phần thưởng ấy sẽ siêu nhiên hơn nữa, sẽ gấp trăm hơn nữa, khi chúng ta không quên ngay bên cạnh hay thậm chí ngay trong khi hưởng phần thưởng ấy, chúng ta còn được ban “những khó khăn và trở ngại, những bắt bớ và chết chóc”. Không kể những điều đáng buồn đang có mặt trong Giáo Hội Việt Nam chúng ta hiện nay, còn có nhiều điều gây nhức nhối hơn nữa đang diễn ra trong Giáo hội khắp nơi. Đó cũng là những gì Chúa trao cho chúng ta, thanh luyện phần thưởng chúng ta cho ngày càng thanh cao và bền vững.

Sau khi được ăn no nê các thức ăn tinh thần, chúng tôi lại được Chúa khoản đãi bữa ăn vật chất: đơn sơ mà ngon miệng, chẳng phải vì đói (hay vì đã mất nhiều calori do trời quá nóng !) mà vì đang trong đà hăng say tiếp thu lời Chúa.

Tối: Ấy thế nhưng hình như Chúa chưa thỏa mãn trong việc nhờ các Huynh Trưởng dạy dỗ chúng tôi, nên đúng 7:30 tối chúng tôi lại được đức giám mục Bắc Ninh chỉ dẫn cụ thể làm thế nào để xây dựng sự hiệp thông vô cùng quan trọng mà trong bài phát biểu nào của các đức cha chiều nay cũng đều thấy xuất hiện như sợi chỉ đỏ dẫn dắt ý tưởng. Một cách cụ thể và dí dỏm, ngài dựa vào ông thầy cũ của ngài là thánh I-nhã Loi-ô-la để đưa ra ba việc làm căn bản:

1. Cầu nguyện hay hiệp thông với Chúa, vì không hiệp thông với Chúa là nguồn chân, thiện, mỹ thì các sự hiệp thông khác giữa loài người với nhau có thể không có nền tảng và hướng đi, cũng như chỉ có thể là những sự hiệp thông hời hợt mau qua hay là những sự hiệp thông dễ dàng biến chất.

2. Vâng phục con người được đặt thay mặt Chúa là các giám mục, nếu đứng trong địa hạt giáo phận, và là đức giáo hoàng, nếu đứng trên cấp độ toàn cầu. Nếu ai cũng chỉ hiệp thông với điều gì hợp ý mình hay bắt người khác hiệp thông với riêng mình, e rằng sẽ không bao giờ có sự hiệp thông toàn diện.

3. Hiểu biết nhau và thông tin cho nhau sẽ giúp tránh được những ngộ nhận và hiểu lầm không cần thiết, đồng thời giúp tiến tới sự hiệp thông mau chóng và chắc chắn hơn.

Đức giám mục Bắc Ninh còn nêu ra những hình thức cụ thể cho sự hiệp thông giữa các linh mục, từ sự hiệp thông thiêng liêng (trong tinh thần, trong cầu nguyện), hiệp thông trong các sứ mạng, đến hiệp thông trong tình bạn. Ngài cũng cảnh giác một bãi đá ngầm chờ chực phá vỡ sự hiệp thông trong tâm hồn người Việt Nam, đó là thói chỉ muốn nổi trội hơn người và quên nghĩ đến cái chung. Chẳng hạn muốn thiết kế và xây dựng theo sở thích của mình mà không đặt nhà mình vào trong tổng thể là khu vực chung quanh để tạo sự hài hòa. Rốt cuộc, khi đứng riêng thì ai cũng đẹp, nhưng khi ráp chung vào thì thật khó nhìn ! Ngài ước mong chúng ta không bỏ qua những lời khuyên thực tiễn ấy, mà hãy lưu ý thi hành, vì cho dù trong bàn tay quan phòng của Chúa, mọi sóng gió trong Giáo Hội sẽ qua đi, nhưng vết thương chia rẽ gây ra cho các tâm hồn đây đó sẽ không dễ phai đâu !

Bài “huấn đức” của đức giám mục Bắc Ninh đã dẫn tất cả chúng tôi – từ các huynh trưởng là các giám mục đến mọi linh mục không trừ ai – đều muốn cúi đầu nhận tội vả ăn năn thống hối. Dưới sự hướng dẫn của một số cha giáo phận Bùi Chu, tất cả chúng tôi đã kết thúc một ngày làm việc vất vả bằng việc xét mình và ăn năn rất chân thành và thanh thản. Chúng tôi đã được chuẩn bị cho giấc ngủ an lành và một ngày làm việc hăng say nữa!

(Nguồn: tgphanoi.org)