CHÚA BÌNH AN

Chúa nhật II Phục Sinh (Ga 20, 19-31)

Kinh nghiệm mục vụ cho thấy một trong những ơn người tín hữu thường cầu xin là: Ơn bình an.

Bình an là một nhu cầu thiết thân của con người.

Chính Chúa Phục Sinh hiện đến các môn đệ trước hết đã ban ơn bình an (Ga 20, 19-31).

I. BÌNH AN CHO ANH EM

Khi Thầy Giê-su chịu khổ nạn, các môn đệ đã hoang mang lo sợ. Số là các ông ngỡ rằng theo Thầy Giê-su để làm cách mạng giải phóng dân tộc mình thoát khỏi cảnh lầm than bị đế quốc Rôma đô hộ. Nào ngờ, sự nghiệp chưa đi tới đâu thì đã tan thành mây khói; Thầy Giê-su bị bắt và bị giết thê thảm: thủ lãnh đã chết khiến các môn đệ sợ hãi tột cùng. Những ai đã từng sống trong hoàn cảnh chuyển giao chế độ thì cảm nghiệm điều này.

Thế nhưng, giữa lúc nguy hiểm khốn cùng tưởng chừng như hoang mang vô vọng ấy, Chúa Phục Sinh đã xuất hiện. Lời đầu tiên Người nói với các môn đệ là: “Bình an cho anh em!”. Rõ ràng, không ai hiểu các môn đệ bằng Thầy Giê-su. Người biết rõ nhu cầu hiện thời của các môn đệ và đã ban cho các ông nhu cầu ấy: Ơn bình an.

Ơn bình an của Chúa Phục Sinh đã phá vỡ bế tắc cho các môn đệ, cuốn phăng đi sự sợ hãi mà thay vào đó là niềm vui: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa”, là hồng ân nối tiếp sứ vụ của Chúa Phục Sinh loan báo tin vui cứu độ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”, là sức mạnh của Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” để giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”, là xác quyết của lòng tin mạnh mẽ “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”.

II. ƠN BÌNH AN THÔNG TRUYỀN

Các môn đệ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội và đã là những người đã từng lăn lộn trường đời như Mát-thêu làm nghề thu thuế, đã từng đối đầu với những cơn sóng cồn gào thét của biển khơi như Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê, Gio-an…Vậy mà, trong phút chốc thiếu vắng Thầy Giê-su thì những người hùng một thời đã lộ ra sự nhát đảm. Thế mới hay, chỉ có Chúa Phục Sinh mới mang lại sự bình an đích thực.

Chúa Phục Sinh là nguồn bình an đích thực bởi Người “Là đầu và là cuối” (Bài đọc II Kh 1, 17); “Là Đấng Hằng Sống… Là chìa khóa của Tử thần và âm phủ” (Kh 1, 18). Là đầu, Người là nguồn gốc của mọi hữu thể. Là cuối, Người là cùng đích của lịch sử. Là Đấng Hằng Sống, Người hằng hiện mọi nơi, mọi thời. Là chìa khóa của Tử thần và âm phủ, Người làm chủ vận mệnh của con người. Như vậy, Chúa Phục Sinh là chủ thể của lịch sử, là nguồn mọi ân huệ. Nơi Người ơn cứu chuộc chan chứa.

Nơi Chúa Giê-su ơn cứu độ chan chứa. Ơn ấy tiếp tục được thông truyền cho các môn đệ:“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”. Chính nhờ sự thông truyền này, qua sự hiện diện và hoạt động của các môn đệ, nhân loại đón nhận được tình thương và ân huệ của Thiên Chúa:

“Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố, đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành” (Bài đọc II Cv 5, 15-16).

Ơn bình an cứu độ đã được thông truyền từ Chúa Phục Sinh qua các thánh Tông Đồ. Nguyện xin cho các Đức Giám Mục những người kế vị các thánh Tông Đồvà những linh mục những người cộng tác với các Đức Giám Mục sẽ là những mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước, hầu một khi tiếp xúc với các ngài không chỉ dân Chúa mà toàn thể nhân loại đón nhận được ơn bình an của Thiên Chúa và lòng xót thương của Người.

III. BÌNH AN PHÓ THÁC

Từ nguồn bình an của Chúa Phục Sinh, các thánh Tồng Đồ đã lãnh nhận ơn bình an và đã ban phát chan hòa khắp nơi. Tuy nhiên, đây đó nhân loại vẫn không hết hoang mang lo sợ: nghèo đói khổ sở, dịch bệnh lan tràn, chiến tranh khủng bố hủy diệt bạo tàn, tệ nạn nhan nhản khắp chốn…

Về vật chất: Gia đình thiếu thốn tiền bạc sinh “cắn quẩn”, chưa kể “bần cùng sinh đạo tặc”. Gia đình nhiều tiền lại lo sợ sinh tật xấu lậm theo tệ nạn. Xã hội tranh giành vật chất sinh chém giết, rồi chiến tranh hủy diệt. Trong dân Chúa nếu người nào quá bận tâm vật chất thì không tránh được nghèo nàn tâm hồn, bằng chứng là thánh Gio-an gọi ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt một người trong số 12 Tông Đồ là “tên ăn cắp” (Ga 12, 6); ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt cũng đã tự kết liễu đời mình với cái chết “thắt cổ” (Mt, 27, 5) ….

Về danh vọng: Trong gia đình, xưa và nay vẫn từng có chuyện những người con cái nổi loạn bỏ nhà đi bụi sống riêng (x. Lc 15, 1-32). Ngoài xã hội, những người trẻ chứng tỏ mình nên thường tạo ra những trò gây náo loạn, người lớn thì tranh giành quyền lực nên “thượng đội hạ đạp” thậm chí gây chiến tranh làm đổ máu người vô tội. Nơi dân Chúa cũng đã từng có người tranh giành quyền lực khiến cộng đoàn lục đục, chuyện hai anh em con ông Giê-bê-đê (Gia-cô-bê và Gio-an) nhờ bà mẹ xin Thầy Giê-su cho hai con của bà một người ngồi bên hữu Thầy một người ngồi bên tả Thầy là bằng chứng (x. Mt 20, 17-28).

Về tình người: Thực tế cuộc sống chứng kiến biết bao cuộc hội ngộ “hợp rồi tan, tan rồi hợp”. Có tình nào hơn tình vợ chồng. Ấy vậy mà chưa bao giờ người ta chứng kiến cảnh vợ chồng ly dị nhiều như ngày nay. Trong tương quan xã hội cũng bi đát không kém; nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng vì sự ra đi của nhân viên cấp dưới không biết lúc nào. Trong dân Chúa cũng đã từng chứng kiến cảnh trò phản thầy, chuyện ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là bằng chứng (Mt 26, 14-17).

Bức tranh nhân loại đây đó vẫn loang lỗ vết nhơ làm đau thắt tâm hồn. Người Trung Quốc quan niệm “thà đốt lên ngọn lửa chứ không ngồi nguyền rủa bóng tối”. Ngọn lửa nào đây?

Người tín hữu sẽ tìm đến ngọn lửa Giê-su Phục Sinh: “Anh em đã trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa … chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3, 1-2). Xác định, như thế, người tín hữu tìm nương tựa nơi Thiên Chúa Đấng Hằng Hữu là “Là đầu và là cuối”; Người luôn thành tín trong mọi lời Người nói, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chỉ nơi Thiên Chúa mới có bình an đích thực.

Bình an là một nhu cầu thiết thân với mọi người.

Tất cả những gì con người nhọc công kiếm tìm ở trần gian này cũng chỉ nhất thời.

Thiên Chúa là nguồn bình an vĩnh cửu.