CHÚA NHẬT PHỤC SINH A,B,C.

+++

A. DẪN NHẬP

Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều nói đến việc Đức Giêsu sống lại. Thánh Phêrô đã loan báo cho quan bách quản Cornêliô về các sự việc đã xẩy ra nơi Chúa Giêsu: đi truyền giáo, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh quang (Bài đọc 1)

Thánh Gioan nói cho biết sự kiện ngôi mộ trống mà ngài đã tận mắt trông thấy là bằng chứng nói lên việc Chúa sống lại (Bài Tin mừng)

Còn thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy tin vào Chúa sống lại, hãy hướng lòng về trời là quê hương thật và đừng để những đam mê trần tục chi phối làm hư hỏng con người (Bài đọc 2).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 10,34.37-43

Viên quan bách quản Rôma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về Chúa Giêsu, đã đến xin ông Phêrô làm phép rửa để được gia nhập cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Thánh Phêrô đã nhắc cho ông và gia đình ông niềm tin căn bản này: Đức Giêsu đã phục sinh. Đây là bài giảng đầu tiên mà Phêrô dạy dỗ cho những người tân tòng. Thánh Kinh gọi bài giảng truyền giáo này là Keryma. Lược đồ của mỗi Keryma thường là:

a) Tóm tắt cuộc đời của Đức Giêsu ở trần thế.

b) Cái chết của Ngài.

c) Việc Ngài sống lại.

d) Kêu gọi hãy tin vào Ngài để được ơn cứu độ.

Tin vào Chúa Kitô phục sinh là một điều kiện tiên quyết phải có vì nếu Chúa Giêsu không sống lại thì niềm tin của ta trở nên trống rỗng. Vì thế, sự phục sinh của Đức Giêsu chính là trung tâm của lịch sử nhân loại, là nền tảng cho niềm tin Kitô giáo.

+ Bài đọc 2: Cl 3,1-4)

Trong bức thư gửi cho tín hữu Côlôssê, thánh Phaolô kêu gọi những ai đã nhờ phép rửa mà được tham dự vào mầu niệm Vượt qua, hãy sống một đời sống tỏa hương thánh thiện: ”Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giói”(Cl 3,1-2).

Các tín hữu đã tin vào Chúa Phục sinh, nhưng chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống. Mặc dầu phải sống giữa những thay đổi của trần gian này, phải chịu vật chất chi phối, nhưng đừng để lòng mình ra nặng nề, hãy hướng lòng trí về trời là quê hương thật. Đức Kitô phục sinh đem đến cho chúng ta niềm hy vọng trong cuộc sống hiện tại để hướng về cuộc sống mai hậu.

Người tín hữu tìm được ý nghĩa thực của đời sống dưới ánh sáng phục sinh mà họ đang tiến về. Do đó, họ không được thoát ly khỏi cuộc sống đời này với nhiều nghĩa vụ, bao gian nan thử thách; tuy thế, họ đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống trong sự kết hợp với Đức Kitô Phục sinh.

+ Bài Tin Mừng: Ga 20,1-9

Trong bài Tin mừng này, thánh Gioan nhắc đến Maria, người tội lỗi, mà Chúa đã trừ cho khỏi bảy qủi. Bà rất yêu mến Chúa. Ngay sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần bà đã ra mộ viếng Chúa, nhưng thấy mộ trống. Bà tức tốc chạy về báo tin cho ông Phêrô và các tông đồ biết: người ta đã lấy trộm xác Chúa. Ông Phêrô và Gioan đã ra mộ và thấy sự kiện ấy: ngôi mộ trống. Phêrô tỏ ra không hoảng hốt, ông bình tĩnh, xem ra ông đã tin Thầy mình phục sinh rồi.

Thực ra, sự kiện ngôi mộ trống chưa có thể xác quyết được sự kiện Chúa sống lại. Chúng ta còn phải nhờ Kinh Thánh và với đức tin chân thật thì mới có thể tin Chúa đã sống lại. Chính người Do thái không tin vào sự kiện đó và cho rằng xác Đức Giêsu đã bị lấy trộm đi. Việc Chúa sống lại chỉ là tin vịt do các môn đệ dựng nên. Tuy thế, đối với ông Gioan thì không còn nghi ngờ gì nũa: ”Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20,9).

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thành công và thất bại

I. ĐỨC GIÊSU THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI ?

Trong mùa chay, cách riêng trong tuần thánh vừa qua, tâm trí chúng ta luôn luôn bị căng thẳng, tâm hồn chúng ta luôn luôn bị xúc động và hồi hộp khi suy ngắm những biến chuyển nơi Chúa Giêsu trước đây ngót hai ngàn năm, mà Giáo hội đã diễn lại một cách sống động khác nào sự việc đang xẩy ra vậy:

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (Ga 12,13)

Chúa từ giã các môn đệ (Mt 16,45).

Chúa ăn bữa tối sau hết (Mc 14,15).

Chúa rửa chân cho 12 tông đồ (Ga 13,50.

Chúa lập phép Thánh Thể (Lc 22,17).

Chúa vào vườn Cây Dầu cầu nguyện (Lc 22,42).

Chúa bị Giuđa tìm bắt (Lc 22,48).

Chúa bị điệu đến dinh Philatô (Lc 23,1)

Chúa chịu đánh đòn (Mt 26,67).

Chúa chịu đội mạo gai (Mt 27,29).

Chúa bị nhạo báng (Mt 27,30).

Chúa phải vác thánh giá nặng (Lc 23,26).

Và sau cùng Chúa phải chịu đóng đinh vào thập giá (Lc 23,33).

Tất cả những điều này đã làm lu mờ sự nghiệp của Chúa: nào làm bánh hóa ra nhiều – nào kẻ mù được sáng – kẻ điếc được nghe – kẻ câm được nói – kẻ què được đi – kẻ chết sống lại với những niềm tin Người là Đấng Cứu thế muôn dân đợi trông – là Con Thiên Chúa, tất cả đều tan đi như mây khói.

Nhưng ở đời có tan thì lại có hợp, có mưa rồi lại có nắng, và có thất bại rồi mới có thành công vì như người ta nói: ”Thất bại là mẹ thành công”. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, bởi vì người ta thường nói: chết là hết, bao nhiêu sự nghiệp đều tiêu tan. Có biết bao nhiêu anh hùng cái thế, bao nhiêu bậc vĩ nhân trên thế giới đã làm được những công việc vĩ đại, nhưng rồi họ cũng đã ra đi, họ bị lãng quên cùng thời gian, họa chăng chỉ còn trong sử sách.

Nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã thành công giữa những thất bại. Những thất bại Ngài phải chịu trong một thời gian càng làm cho thành công của Ngài thêm vinh quang. Đúng như văn hào Corneille đã nói: ”Chiến đấu có gian nan, khải hoàn mới vinh quang”. Nhìn vào cuộc tử nạn của Ngài, ta thấy Ngài thất bại hoàn toàn bởi vì bao nhiêu sự nghiệp lẫy lừng Ngài đã làm trong ba năm truyền giáo đã bị tiêu tan. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại như lời Ngài đã báo trước lúc còn sinh thời. Ngài đã sống lại, nên các sự nghiệp xem ra đã bị tiêu tan, ngày này cũng được sống lại theo và muôn đời sẽ còn ghi nhớ những công việc ấy. Ngày nay, sau 2000 năm, hằng tỷ người vẫn còn nhắc đến những sự kiện ấy, nhất là trong Tuần thánh vừa qua.

II. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI THƯỜNG

1. Suy nghĩ của người đời

Trong cuộc sống hằng ngày, không ai dám nói rằng mình chưa bao giờ gặp đau khổ, chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ có những kẻ không làm gì thì mới không thất bại. Thất bại và thành công luôn đi đôi với nhau, cũng như vinh với nhục là chị em với nhau, đã có vinh thì có nhục:

Nước dưới sông có khi trong khi đục,

Trang anh hùng có khi nhục khi vinh.

(Tục ngữ)

Xưa nay biết bao người không thành công, chí không đạt được, là vì bỏ cuộc giữa đường, thất vọng tràn trề khi gặp hết tai nọ đến nạn kia. Người có chí phải bền gan gánh vác việc đời, bắt chước theo câu phương ngôn người Nhật: ”Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy “ mà hành động thì mới mong thành đạt.

Ngày xưa, Hán Bái Công đánh với Hạng Vũ, trăm trận đều thua, vậy mà ông vẫn không hề thối chí, cho đến khi thắng trận cuối cùng thì thành được đế nghiệp. Lưu Bị đời Tam quốc, lúc chưa gặp thời, lang thang ở trọ hết nơi này sang nơi khác, không mảnh đất dung thân, thất bại bao phen, nhiều lần suýt vong mạng, vậy mà vẫn bền gan chịu đựng cho đến ngày làm vua một cõi.

(Nguyễn văn Y, Có chí thì nên, 1971, tr 24-25)

Muốn thành công phải chấp nhận thất bại vì như người ta thường nói: ”Thất bại là mẹ thành công”. Đối với người hèn kém thì thất bại là cơ hội làm cho họ nhụt chí, còn đối với người hùng thì thất bại là dịp thúc đẩy họ tiến lên hơn.

Vì thế, René Bazin, hàn lâm viện Pháp, có khuyên mọi người: ”Đừng sợ thất bại. Lần thất bại thứ nhất cần phải có, vì nhờ đó mà ý chí ta thêm cứng cát. Lần thất bại thứ hai có thể có ích. Bị bại lần thứ ba mà anh vẫn đứng vững, thì anh thật là một người..., anh như chùm nho chín ở trên đá sỏi: Không có thứ nho nào ngọt hơn nữa”.

Hòn sỏi nào tròn trịa trơn láng mà chẳng phải chịu biết bao nhiêu sự cọ xát từ tháng năm này sang tháng năm khác. Con người muốn đạt được sự cao qúi của tâm hồn, học hỏi được kinh nghiệm sống, không thể chưa từng va chạm tới trăm đau nghìn khổ. Xưa nay anh hùng hào kiệt, chí sĩ văn gia, những bậc tài hoa dường như đều trần ai như thế cả. Nếu mỗi lần gặp gian nguy, trở ngại mà lùi lại thì bao giờ mới đặt chân được đến đài vinh quang (Sđd, trang 27).

Cũng trong tư tưởng ấy, Abraham Lincoln nói: ”Điều mà tôi muốn hiểu trước hết, không phải là anh có thất bại không, mà là anh có biết chấp nhận sự thất bại của anh không”.

Ông Henry Ford cũng khuyên: ”Một cuộc thất bại chỉ là cơ hội để thử lại lần thứ nhì với nhiều khôn ngoan hơn”.

2. Chuyển bại thành thắng

Trong cuộc sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã có kinh nghiệm: không thiếu gì thành công, nhưng cũng chứa đầy thất bại. Có người vui sướng đón nhận những thành công và buồn rầu chấp nhận thất bại; nhưng cũng có những con người xứng đáng là con người: đón nhận thành công nhưng cũng bình tĩnh và đôi khi vui lòng đón nhận thất bại. Đối với những con người này, họ coi thất bại chỉ là động lực khiến họ mạnh dạn tiến lên đến thành công. Thành thử, thất bại không còn gì là đáng sợ mà chỉ là cơ hội cho họ can đảm hơn.

Ai cũng đã có lần thành công mỹ mãn, nhưng cũng đã có lần gặp những thất bại chua cay. Thất bại cũng có ý nghĩa của nó.

Có hai loại thất bại:

- Thất bại khách quan (hay thụ động, tiêu cực).

- Thất bại chủ quan (hay chủ động, tích cực).

Thất bại khách quan: đó là những thất bại không thể tránh được vì nó vượt quá sức lực của con người. Đó là tình trạng bi đát, không còn cách nào tránh né và cũng không thể chỗi dậy được. Đối với những loại thất bại này, người ta chỉ thụ động chịu đựng ví dụ như bệnh tật, sa cơ thất thế, thua trận...

Thất bại chủ quan: đó là những thất bại có tính toán trước theo phương pháp: ”Thả con tép, bắt con tôm” hay “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Người ta sẵn sàng chịu những thất bại nhỏ để đạt tới những thành công lớn, hay ít ra chịu thất bại trước mắt để thành công trong tương lai. Như vậy, người ta không nhằm rước lấy thất bại những nhằm đón lấy thành công sau này.

- Chúng ta đã có kinh nghiệm trong thể thao: muốn nhảy xa, muốn nhảy cao, người ta phải lùi lại nhiều bước rồi mới tiến lên, mới nhảy cao, nhảy xa được, những bước lùi đó chính là những bước tiến, vì không có nó thì không thể nhảy cao, nhảy xa được.

- Trong chiến trận cũng thế: đôi khi người ta phải giả vờ thua chạy tháo lui cho quân địch đuổi theo, khi quân địch lọt vào vòng vây, khi ấy người ta mới phản công, chiến thuật này rất nguy hiểm, đã bị lọt vào trong vòng vây, quân địch không còn cách nào tháo lui được nữa và chắc chắn người ta thành công.

- Trong cuộc sống hằng ngày, người ta cần phải hiểu phương cách “Tiến thoái”. Tiến là đi lên, thoái là đi xuống hoặc rút lui. Có một sự tương quan biện chứng giữa tiến và lùi. Tiến chưa hẳn đã thắng và lùi chưa hẳn đã thua. Trong cái lùi đã có cái thắng. Như trong thể thao và trận chiến, chúng ta đã nhận thấy phải có lùi thì mới tiến được, lùi là điều kiện phải có để tiến, lùi đây là lùi chiến thuật.

Chúng ta thử xem câu nói này có đúng không ? Mới đọc xem ra vô lý, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì câu nói ấy rất hay. Đây là một kiểu nói bắt người đọc phải động não mới tìm ra ý nghĩa của nó: ”

“Một ngàn việc tiến,

“Chín trăm chín mươi chín việc lùi,

đó là TIẾN BỘ”.

(Henri Frédéric AMIEL)

III. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

1. Chúa đã sống lại thật

Khi còn sinh thời, Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo trước Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn, giết chết và sau ba ngày thì sống lại. Sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày và việc xây đền thờ Giêrusalem trong ba ngày đã là những hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sống lại sau ba ngày đã chết. Trên dương gian này, những ai đã chết là chết luôn, chỉ có Đức Giêsu mới có thể dùng quyền năng của mình mà tự sống lại.

Đức Giêsu đã sống lại thế nào ? Ai đã khám phá ra điều này ? Cả bốn sách Tin mừng đều tường thuật về biến cố này, nhưng đều không cho biết Đức Giêsu đã sống lại thế nào. Vì thật sự, không ai có mặt để chứng kiến biến cố lịch sử quan trọng này. Nhưng có những nhân chứng đã thấy ngôi mộ trống, họ quả quyết xác Chúa không còn trong mộ, và sau đó Chúa đã hiện ra nhiều lần với họ, xác nhận Ngài đã sống lại, đồng thời dạy bảo họ nhiều điều. Đó là các tông đồ và một số phụ nữ… những nhân chứng về sự sống lại của Đức Giêsu.

Như vậy, một điều chắc chắn: sự kiện Đức Giêsu phục sinh không thể minh chứng một cách rõ ràng như chúng ta minh chứng một biến cố, một sự kiện tự nhiên mà phải dùng đến đức tin. Cho nên, đối với chúng ta việc Chúa sống lại là vấn đề đức tin: phúc cho ai không thấy mà tin.

2. Phải sống theo niềm tin ấy

Trong mùa Phục sinh chúng ta vẫn đọc đi đọc lại câu: ”Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa”. Chúng ta tin thật Đức Giêsu đã sống lại như lời minh chứng của Thánh Kinh, chúng ta hân hoan ca mừng việc Chúa sống lại vì Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúng ta tin chắc như vậy ! Nhưng tin như thế vẫn chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin ấy ra trong cuộc sống hằng ngày. Phải theo gương Đức Giêsu mà chết đi để rồi mới sống lại được. Phần thưởng của chúng ta chỉ có được sau khi đã trải qua mọi thử thách trong cuộc sống ở trần gian này: per crucem ad lucem !

a) Có những nghịch lý phải chấp nhận

Chúng ta đã có một gương sán lạn của Đức Giêsu: Người đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Trước mặt người đời, người ta cho là Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn vì chết là một thất bại, mọi sự nghiệp đã tan thành mây khói. Nếu chết là hết mà không có sự sống lại thì Đức Giêsu bị thất bại hoàn toàn, nhưng sau cái chết đã có sự sống lại. Ngài đã dùng sự chết để đánh tan cái chết và sống lại để phục hồi sự sống lại cho chúng ta. Vậy Ngài đã chuyển bại thành thắng, đã thành công trong thất bại.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, phải lột bỏ con người cũ đầy tội lối để mặc lấy con người mới thánh thiện. Chúng ta có chết đi cho tội lỗi thì mới hy vọng được sống lại vinh quang như lời Chúa Giêsu dã nói: ”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Như vậy, chúng ta phải đón nhận những thất bại đời này để chuẩn bị cho đời sau. Đây chỉ là thất bại chiến thuật vì trong thất bại đã có chiến thắng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy có những nghịch lý. Nghịch lý là điều thoạt xem có vẻ phi lý nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy rất hợp lý. Chúng ta thấy có nghịch lý giữa “mất” và “được” hay giữa “bị” và “được”. Theo khuynh hướng tự nhiên thì ai cũng muốn “được” và sợ “mất”, muốn “sống” hơn là “chết”. Nhưng nghịch lý thay ! Nhiều khi vì “được” mà phải “mất”. Ví dụ: bạn muốn cho có một mùa bội thu thì hạt giống phải “bị” mục nát ra thì mới có thể “được” một mùa bội thu, nếu không “bị” thì cũng chẳng có “được”.

Hay một ví dụ khác: trong một vụ tranh cãi bạn cố gắng dùng đủ mọi mưu mô để tranh cãi cho bằng được, kết quả là bạn thắng trong vụ cãi nhưng mất tình nghĩa bạn bè hay người thân; trái lại, nhiều khi “mất” mà lại “được”. Ví dụ: thánh Anphongsô là một luật sư nổi tiếng. Một lần kia ngài biện hộ cho một vụ kiện lớn, ngài bị thua. Thất bại ê chề hôm đó đã giúp cho ngài nhận thức rằng danh vọng thế gian chỉ là giả trá, ngài đi tìm một lẽ sống khác và trở thành một vị thánh lập dòng (Cf Carôlô).

Chúng ta cũng thấy có một nghịch lý nữa giữa “sống” và chết”. Chết và sống không phải là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. Ví dụ: con vật phải chết đi mới có thịt nuôi sống con người, hay cây nến sáp phải chảy ra và bị đốt thì anh sáng mới bùng lên soi sáng cho con người.

Đối với cái chết của Chúa trên thập giá cũng vậy. Đức Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng trong sa mạc là hình ảnh loan báo trước: ”Khi các ông đưa Con người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

Vì thế, chính khi Đức Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho nhiều người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên thập giá Đức Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Thiên Chúa thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy nghiền ngẫm câu nói của Đức Giêsu: ”Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12,25). Như vậy, chúng ta thấy rõ tương quan giữa cái “mất” và cái “còn”.

Truyện gợi ý: Phải biết tan biến đi

Nếu Đức Giêsu là người Ả rập, thì thay vì hình ảnh của hạt lúa được gieo vào lòng đất, có lẽ Ngài sẽ kể câu truyện ngụ ngôn sau đây:

Một dòng suối mát rơi từ ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần. Dù vậy, dòng nước vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm:

- Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó.

Dòng suối giận dữ:

- Nhưng ta có phải là gió đâu ?

Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn:

- Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.

Dòng suối suy nghĩ miên man về ý nghĩa này: nó vẫn chưa hiểu được tại sao nó phải tan biến đi, phải chăng nó phải đánh mất chính mình ? Điều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, nó sẽ tìm lại được bản thân một cách nguyên vẹn ? Đọc được ý nghĩ của nó, gió mới lên tiếng

- Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu.

Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh:

- Đồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được.

Tiếng nói thì thầm giải thích:

- Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp. Dòng suối thắc mắc:

- Vẫn một dòng suối như cũ ư ?

Giọng nói giải thích:

- Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi.

Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó, đẹp hơn, trong suốt hơn.

(R. Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 96-97)

Hạt lúa có được gieo vào lòng đất để thối đi mới có thể sinh hoa kếtr quả. Dòng suối có chấp nhận tan biến trong gió mới có thể gặp lại bản thân. Đây là định luật của cuộc sống thiêng liêng mà Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta. Đây là con đường siêu thoát, con đường chiến đấu, ai muốn được sự sống đời đời không thể đi theo con đường nào khác.

b) Chiến đấu không lùi bước

Đức Giêsu đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta tiến tới cuộc sống đời đời. Con đường ấy là con đường khổ giá. Con đường từ bỏ, con đường siêu thoát chính mình, vì Đức Giêsu đã phán: ”Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đấy là con đường một chiều, ai đã theo thì chỉ có tiến chứ không có lùi, như thế mới xứng đáng làm môn đệ của Chúa:”Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”(Lc 9,62).

Thập giá của Chúa trao không nặng lắm, luôn vừa sức ta, nhưng đòi hỏi ta phải kiên trì vác hằng ngày vì sự khốn khó ngày nào đủ cho ngày ấy. Hãy bắt tay vào việc ngay, đừng chần chừ, đừng để công việc hôm nay sang ngày hôm sau. Về vấn đề này, ta hãy nghe John Newton nói:

“Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”.

Hãy tin tưởng cất bước, quyết không lùi trước những khó khăn. Phần thưởng chỉ dành cho những ai chiến đấu và kiên trì cho đến cùng. Hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã trải qua mọi khó khăn sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách. Trong cuộc chiến này, chúng ta chỉ biết tiến chứ không biết lùi.

Truyện: Quên bài kèn rút lui.

Trong một trận giao tranh ác liệt giữa quân của Napoléon và quân địch, trận chiến càng về khuya càng ác liệt và phần thắng dần dần nghiêng về phía địch. Quân của Napoléon chết rất nhiều, hàng ngũ rối loạn mặc dầu cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng rời rạc. Nhìn rõ thế trận, Napoléon biết phải làm gì, vua gọi tên lính thổi kèn lại gần và ra lệnh: ”Hãy thổi kèn lui binh vì quân ta chết quá nhiều”.

Tên lính trẻ được lệnh, nhảy tót lên ngựa, phi nhanh ra giữa trận, và đưa kèn lên thổi hồi kèn thúc trận một cách mạnh mẽ. Quân của Napoléon đang mệt mỏi và thất vọng, nghe tiếng kèn thúc quân, tưởng có viện binh tới giúp, chồm dậy phản công kịch liệt. Kèn cứ thổi, đám tàn quân vươn mình lên vừa đánh vừa la hét. Kết quả thế trận thay đổi: quân của Napoléon toàn thắng bất ngờ. Tuy nhiên, hoàng đế Napoléon sai bắt tên lính kèn kia lại, và khiển trách y rất nặng nề về tội bất tuân thượng lệnh. Anh lính bình tĩnh tâu:”Muôn tâu đức vua, từ khi được theo bước chân ngài trong binh lửa, và chiến đấu trăm trận đều trăm thắng cho nên hạ thần đã quên hẳn bài kèn rút lui rồi”.

Muốn có chiến thắng thì phải chiến đấu. Chiến đấu càng cam go, chiến thắng càng vinh quang. Không có thành công nào mà không đòi cố gắng. Thành công của chúng ta là biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Để giúp chúng ta biết cách kiên trì sống theo thánh ý Chúa với niềm tin tưởng trong gian truân, chúng ta hãy đọc đoạn thư của thánh Phaolo tông đồ gửi cho tín hữu Do thái sau đây:

“Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy ? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống. Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta.