Chặng Thứ Năm

Chúa Giêsu chịu quan Philatô xét xử

Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: "Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra."

Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù. Nhưng tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi! "Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.

Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá! "

Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra." Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu.Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.


(Lc 23:13-25)

Suy Niệm:

Chúa Giêsu giờ đây bị bủa vây với những dấu hiệu của đế quốc, những cờ xí, những con ó và những tiêu chuẩn của thẩm quyền đế quốc, và còn thêm nữa, một thành trì của quyền lực là dinh tổng trấn Philatô, một con người khó hiểu mà tên tuổi không ai biết đến trong lịch sử Đế Quốc La Mã. Nhưng đó lại chính là tên chúng ta nghe mỗi ngày Chúa Nhật trên khắp thế giới, chính phiên tòa đã diễn ra nơi đây nên trong Kinh Tin Kính các tín hữu Kitô tuyên xưng Chúa Kitô “chịu đóng đinh dưới thời quan Phongxiô Philatô”. Đàng khác, con người này dường như là hóa thân của một sự áp chế tàn bạo, cỡ như Thánh Luca đã mô tả trong một trang khác trong Phúc Âm của ngài khi đề cập đến một ngày bên trong đền thờ ông này đã trộn máu của người Do Thái với máu súc vật bị sát tế [12]. Về phía ông này, chúng ta chứng kiến một quyền lực tối tăm và lạ lẫm khác: quyền lực tàn bạo của đám đông bị lèo lái bởi những lực lượng bí mật đang giăng bẫy trong hậu trường. Kết quả là quyết định phóng thích một tên nổi loạn và giết người là Barabas.

Mặt khác, chúng ta lại thấy ló dạng một hình ảnh khác của Philatô: ông ta dường như tiêu biểu cho một sự bình đẳng pháp luật truyền thống và cho tính khách quan của luật La Mã. Thật vậy, đã ba lần Philatô có ý muốn thả Chúa Giêsu vì không có đủ bằng chứng, trong khi đề ra phán quyết cùng lắm là đánh đòn mà thôi. Các cáo buộc chống lại Chúa Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp nghiêm chỉnh. Như những gì mà các Thánh Sử đã trình bày, Philatô biểu thị một sự cởi mở nhất định, một thái độ đón nhận mà cuối cùng đã dần dà phai nhạt và biến mất.

Bị áp lực bởi ý kiến công chúng, Philatô chọn một thái độ thường thấy trong thời đại chúng ta: thờ ơ, thiếu quan tâm, lo cho mình trên hết. Để tránh rắc rối và có thể vươn lên nữa, chúng ta sẵn sàng giày đạp sự thật và công lý. Sự vô luân minh nhiên tối thiểu còn gây ra được một cú sốc hay một phản ứng nào đó, chứ cách hành xử thuần tuý phi luân này không gây ra chút băn khoăn nào; nó làm tê liệt lương tâm, đè nén sự hối hận, và làm chai lỳ tâm trí. Cho nên, sự thờ ơ là cái chết chậm của nhân loại đích thật.

Hậu quả có thể thấy được trong lựa chọn cuối cùng của Philatô. Như những người La Mã xưa thường nói, một thứ công lý sai lầm và lãnh đạm giống như một mạng nhện trong đó những con ruồi kẹt lại và chết đi nhưng những con chim có thể xé toạc đi bằng sức mạnh lực bay của mình. Chúa Giêsu, một trong những con người thấp cổ bé họng trên trần gian này, không có quyền bật lên một lời, bị chết nghẹt trong mạng lưới này. Và như chúng ta thường làm, Philatô đứng nhìn từ xa xa, rửa tay, và như một người vô can, quay đi – qua đó Thánh Sử Gioan chỉ ra cho chúng ta [13] – câu hỏi muôn đời tiêu biểu cho mọi hình thái của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa luân lý tương đối: “Sự thật là gì?”.

[12] x. Lc 13:1.

[13] Ga 18:38