Chuyện phiếm: TUỔI CON CỌP

Canada đã vào đông. Càng ngày tôi càng thấy thời gian đi mau. Mới hôm qua Lễ Tạ Ơn, cũng mới hôm qua Lễ Chư Thánh, nay Lễ Giáng Sinh đã thấp thoáng quanh vùng. Các cửa hàng đã chăng đèn kết hoa, lễ rước ông già Noen vào thành phố đã diễn ra từ tuần trước.

Ngoài niềm vui đón mừng Giáng Sinh, năm nay không khí trong làng có vẻ tưng bừng khác thường. Người vui nhất và làm cho không khí làng sôi động hẳn lên là Chị Ba Biên Hoà. Các cụ ở xa có biết tại sao không ? Thưa, Chi Ba vui là vì một linh mục gốc thuyền nhân tỵ nạn VN coi sóc họ đạo của chị ở Toronto được Tòa Thánh Roma bổ nhiệm làm giám mục. Đó là Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, 43 tuổi. Dân số Canada là 33 triệu trong đó 50% là người theo đạo Thiên Chúa. Tổng giáo phận Toronto có gần 2 triệu giáo dân trong đó giáo dân gốc VN chỉ có 35 ngàn. Chỉ có 35 ngàn mà phát sinh ra một giám mục và là giám mục đại diện đầu tiên cho các sắc dân thiểu số. Ở Canada có hơn 100 sắc dân thiểu số. Giáo hội Canada có 80 giám mục, toàn da trắng, Đức Cha Hiếu là vị giám mục Canada đầu tiên da vàng, laị trẻ nhất. Phải dài dòng như thế để các cụ thấy cái sắc dân thiểu số VN bé tí mà lại được vinh quang như vậy, thật danh giá biết chừng nào. Tại Bắc Mỹ này mới chỉ có 2 giám mục gốc VN. Đó là Đức Cha Mai Thanh Lương ở Hoa Kỳ. Nay thêm Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu ở Canada. Chị Ba thật có lý để vui mừng ròng rã mấy tháng nay.

Anh John chồng chị Ba còn kể thêm cho cả làng nghe: Mấy tuần vừa qua, nhà tôi vui vẻ khác thường. Một phần vì tin đức tân giám mục gốc VN, một phần vì xem được phim võ sĩ Cung Lê gốc VN đoat nhiều giải vô địch bên Hoa Kỳ. Bữa đó nhà tôi nói chuyện với người bạn thân. Trong các chuyện mưa nắng, cô bạn VN bên Hoa Kỳ có nhắc tới võ sĩ tuổi trẻ tài cao Cung Lê. Chuyên đã cũ bên Mỹ nhưng lại mới với Canada này. Xưa nay mỗi khi thấy tôi xem đấu võ trên TV là vợ tôi đứng lên. Thế mà nay nàng nghe lời cô bạn đã tự mở internet, tự tìm Cung Lê. Và phép lạ đã xảy ra. Khi nhà tôi thấy võ sĩ Cung Lê hạ đo ván chú Tàu Mông Cổ Nashun Gerile khổng lồ, nàng đã hét ầm lên. Tiếng hét sung sướng mãnh liệt đến độ con mèo đang nằm trong lòng nàng đã sợ hãi chạy vụt đi, hai ngày sau mới kiếm được nó. Buỗi đấu võ đã diễn ra năm 1999, tức là cách đây đúng 10 năm, mà nay vợ tôi mới được xem, thế mà nàng còn sung sướng ngất đi như vậy Điều đó chứng tỏ mối căm thù giặc Tàu trong lòng người VN nó âm ỉ to lớn biết là chừng nào. Thấy anh võ sĩ VN nhỏ con mà đấm cho anh võ sĩ Tàu khổng lồ té xuống đất, vợ tôi đã thét lên: Cho mày chết. VN chúng tao bé nhưng bé hạt tiêu nha con !

Các cụ tôi ngày xưa vẫn bảo: cái văn hóa của Tàu thì thực là đáng yêu, còn cái chính trị của Tàu thì thật là đáng ghét. Các cụ tôi có lý qúa chứ. Hiền lành như Chị Ba Biên Hòa mà khi nghe tin Tàu chiếm Hoàng Sa Trường Sa còn phải tức giận run người lên thì đủ hiểu cái sự thù ghét Tàu nơi người VN lớn đến chừng nào. Các cụ cứ xem lại đoạn phim Cung Lê này mà coi, ai mà chả hả hê như chị Ba. Mà các cụ đã xem chưa? Cụ nào chưa thì xin mở Google / Cung Le là thấy liền. Chàng tuổi trẻ Cung Lê, sinh quán Saigon, là niềm hãnh diện của người Việt chúng ta

Trên đây mới chỉ là tin nóng đầu mùa đông, chứ làng tôi còn nhiều tin nóng khác nữa. Như tin ông Từ Hoè, hội viên viễn cư sắp về làng ăn tết. Xưa nay ông Từ Hoè giữ vai trò giám đốc chương trình ăn tết trong làng. Năm con nào, ông cho làng ăn thịt con đó. Năm ngoái con trâu, ông đãi cả làng món thịt trâu và sữa trâu. Năm nay con cọp, cả làng đang hồi hộp không biết ông sẽ lấy thịt cọp ở đâu mà đãi làng. Cô Cao Xuân phát biểu: Cái bác Từ Hoè này nhiều chước như Khổng Minh vậy, chúng ta không đoán nổi đâu. Mà có lẽ đúng vậy, phải chờ thôi. Trong khi chờ đợi, dân làng đã bàn tới bữa tiệc Giáng Sinh và việc gói bánh chưng bánh tét trong đêm giao thừa.

Bữa họp làng lần này đã diễn ra tại nhà cụ Chánh tiên chỉ. Phe các bà cứ gặp nhau là ríu rít chị chị em em, dễ thương hết sức vậy đó. Bữa nay các bà làm một bữa cơm rất đỗi VN. Các cụ không đóan nổi thực đơn đâu. Đó là bữa cơm cá trê chiên chấm mắm gừng và canh dưa nấu cá trê. Sở dĩ có món cá độc đáo này là nhờ Cụ B.95. Hôm qua đi chợ, cụ thấy họ bày bán trong hồ những con cá trê thật bự và tươi rói, bụng vàng chảng. Cụ liền kêu Chị Ba Biên Hòa. Hai người đã mua những con to nhất đem về. Hai người đã xắn tay áo, hì hục làm cá, cạo nhớt, cắt vây, lấy cục hoi. Chị Ba được cụ B.95 chỉ cách lấy hai cục hoi ở mang cá thì thích lắm. Xưa nay có bao giờ chị làm cá trê sống đâu. Hai cục hoi này là căn nguyên sự tanh tao. Một nửa số cá được chiên vàng bày ra đĩa để chấm với mắm gừng, một nửa được chiên sơ rồi bỏ vào nồi canh dưa. Hai món này ăn nóng với cơm Nàng Hương nóng. Chao ơi là ngon. Chao ơi là quê hương.

Nghe dân làng khen bữa ăn ngon, anh John liền nổi hứng luận về đề tài ngon. Anh vừa đọc được danh sách các món ngon nhất thế giới. Theo báo Guardian bên Anh Quốc tháng vừa qua, 10 món sau đây đã được cơ quan ẩm thực quốc tế cho là ngon nhất trần gian:

- Món sò tươi ăn sống tại Tiệm Cuan Oysters ở Ái Nhĩ Lan
- Món cà tím nướng tại tiệm TaKioupia ở Hy Lạp
- Món Bacon Cheeseburger ở New York Hoa Kỳ
- Món tráng miệng Zabaione ở Ý
- Món Phở của Việt Nam
- Bánh Macaron của hiệu Ladurée ở Paris
- Món Gà Rán với khoai chiên ở tiệm L’Ami Louis ở Paris
- Món Milksake của tiệm kem Fossel’s tại Los Angeles
- Món Barbecue của tiệm Snow’s BBQ ở Texas
- Món steak ở tiệm Bogeda ở Tây Ban Nha

Và anh John kết luận: Nghe thì biết vậy chứ cái ngon và cái đẹp là hai cái không có đáp số trúng tuyệt đối. Ngon và đẹp tuỳ thuộc vào cái lưỡi và đôi mắt của từng người. Cần chứng minh ư ? Xưa nay ai cũng bảo hình thù con cóc là xấu nhất, thế nhưng trong mắt chú cóc đực thì chỉ có chị cóc cái là đẹp nhất trần gian, Các bạn có đồng ý với chú cóc không ? Dân làng tôi ai cũng đồng ý như vậy.

Rồi đến phần tin thời sự. Phần này do các nhà thông thái trong làng. Tin sôi nổi là Thế Vận Hội Mùa Đông, 2010 Games, vào tháng Hai sắp tới tại Vancouver miền tây Canada. Ngọn lửa thiêng được lấy từ Hy Lạp, đang được rước qua1.000 thành phố khắp mọi miền, theo một lộ trình dài 45.000 cây số, và sẽ về tới vận đồng trường đúng lễ khai mạc, dịp tết con Cọp của ta.

Canada là xứ thể thao. Thể thao luôn luôn là đề tài nóng bỏng. Xong Thế Vận 2010 tại Vancouver, Canada lại được chọn để tổ chức Đại Hội Thể Thao Châu Mỹ, Pan Am Games, vào năm 2015, tại Toronto. Ban tổ chức ước tính dự án này tốn 2 tỷ đồng cho việc xây làng thế vận, xây các cầu trường, các hồ bơi, các sân vận động. Toàn tiền tỷ không à. Dân Toronto ai cũng vui mừng vì như vậy từ nay tới 2015 Toronto sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm, và nền kinh tế Toronto đã cao nay sẽ cao hơn nữa.

Nhân nói tới bạc tỷ, xin trình các cụ những bạc tỷ khác trong ngân sách Canada. Theo bộ y tế liên bang, năm 2009 này Canada đã chi cho ngành y tế 183 tỷ, tức là cho mỗi đầu dân 5.500 đồng. Việc này bao gồm các dịch vụ y tế hoàn toàn miễn phí cho mọi người. Đây là mô hình mà các tổng thống Hoa Kỳ đều mơ ước, và hiện nay tổng thống Obama đang vận động. Dân chúng vẫn kể chuyện có vẻ tiếu lâm cho nhau nghe: Khi bạn đến Hoa Kỳ chơi, nếu bạn bị bệnh thì bạn phải làm gì ? Người nước khác trả lời: tôi sẽ đi bác sĩ. Người Canada trả lời: Tôi sẽ chạy về Canada ngay.

Các cụ thấy chưa, nhờ mấy nhà thông thái trong làng, đa số chúng tôi không cần đọc báo mà vẫn biết được những tin quan trọng. Nhưng có một chuyện quan trọng mà riêng tôi lại không biết, mới kỳ chứ. Tuy đã ở đây gần 40 năm mà tôi chưa rõ hết về lễ Giáng Sinh. Nhờ anh John mà tôi mới biết là hệ thống bưu điện Canada có một văn phòng trả lời thư thay cho Ông Già Noen. Hằng năm, cứ dịp Giáng Sinh, trẻ em Canada có thói quen viết thư cho ông già Noen, bao thư đề địa chỉ Bắc Cực. Các thư này được gom về một nơi, rồi từ nơi này sẽ có một nhóm thiện nguyện trả lời, các thư ký tên Santa Claus tức ông già Noen, và bao thư mang bưu ấn Bắc Cực. Anh John kể một chuyện liên hệ tới nhóm trả lời thư này. Chuyện có vẻ tiếu lâm mà cũng dám là một sự thực. Rằng có một bức thư của một em bé xin ông già Noen cho nó một đứa em, vì bố mẹ nó chỉ đẻ ra một mình nó nên nó buồn và cô đơn lắm. Ông già Noen đã trả lời: Ta sẽ cho con một đứa em như con xin, nhưng con phải gửi mẹ con lên đây ngay với ta một đêm. Tôi không biết bố mẹ đứa bé, khi đọc thư này, sẽ phản ứng như thế nào. Còn các cụ thì sao cơ ?

Trong khi dân làng còn cười ròn rã về câu trả lời của ông già Noen thì ông ODP giơ tay xin nói. Ai cũng nghĩ rằng ông ODP sẽ bước sang phần chuyện cười, nhưng không phải. Ông bảo ông có một tin thời sự mà dân làng đáng nghe và đáng suy gẫm: Mới đây một tòa án bên Âu Châu đã ra phán quyết rằng việc treo thánh giá ở các trường học bên Ý là phạm luật tự do tín ngưỡng. Việc này đã gây xôn xao. Tòa Thánh Vatican đã bầy tỏ sự ngạc nhiên và thất vọng. Một người tỏ vẻ thất vọng và bất bình rõ ràng nhất là ông John Howard thủ tướng Úc Đại Lợi. Hình như bên Uc cũng có một nhóm di dân cực đoan phản đối việc trường học treo thánh giá nơi các lớp học. Ông Thủ Tướng Úc đã trả lời công khai và thẳng băng: Xứ Uc Đại Lợi này đã được thành lập qua 200 năm lập quốc do những người đi tìm Tự Do tạo ra. Các người lập quốc này nói tiếng Anh, bởi vậy bạn di cư đến xứ này bạn cũng phải học nói tiếng Anh. Các người lập quốc xứ này đã có niềm tin vào Thượng Đế, niềm tin này có cơ sở văn bản rõ ràng và biểu lộ qua cuộc sống, nên việc trưng bày thánh gía tại các trường học là điều chính đáng. Nếu việc này xúc phạm tới niềm tin của bạn thì tôi xin đề nghị bạn chọn nơi khác trên thế giới mà định cư. Xin lập lại lần nữa: Đây là quê hương của chúng tôi, đất đai của chúng tôi, lối sống của chúng tôi. Nếu bạn thở than và phiền não thì xin mời bạn đi nơi khác. Không ai cưỡng bách bạn tới đây. Chính bạn xin được đến sống ở đây. Chính quyền Úc bảo đảm cho bạn quyền tự do rời bỏ xứ này.

Cả làng tôi nghe xong mẩu tin này đều gật gù đồng ý với ông thủ tướng Uc. Bạn đến xứ người mà bạn định làm bố người ta ư. Bạn đến sống trong nhà người ta mà bạn bắt người ta theo gia phong nhà bạn sao?

Nghe đến đây thì Cụ B.95 lên tiếng: Sao bữa nay các bác nói toàn những chuyện xa xôi và nhức đầu làm vậy? Xin các bác nói chuyện gì gần gần và dễ hiểu cho già này nghe với. Ông H.O. nghe tới tiếng ‘gìa’ liền thưa: Bác chưa đến tuổi già, chưa phải là già. Cháu xin đọc một bài thơ xác định bao giờ mới là già để bác nghe nha.

60 chưa phải là già
60 là tuổi mới qua dậy thì
65 hết tuổi thiếu nhi
70 là tuổi mới đi vào đời
75 là tuổi ăn chơi
80 là tuổi yêu người yêu hoa
90 mới bắt đầu gìa
Đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
100 có lệnh diêm vương:
‘ Cứ ở trên ấy yêu thương thỏa lòng
Bao giờ đạn hết lên nòng
Từ từ nằm xuống là xong cuộc đời’

Ông ODP đáp ngay: Bài thơ chú vừa đọc đã lấy con số tuổi để định mức già, còn anh đây thì anh biết một bài thơ nói về tuổi già nhưng không căn cứ vào tuổi mà căn cứ vào sự kiện, như thế này:

Ngày xưa sung sức thì nghèo
Bây giờ rủng rỉnh thì teo mất rồi
Ngày xưa sức khoẻ tuyệt vời
Bây giờ nó có đàn hồi nữa đâu
Ngày xưa sức mạnh như trâu
Bây giờ công cụ nhuốm mầu tang thương
Ngày xưa không kể sớm trưa
Bây giờ loáng thoáng lưa thưa gọi là
Ngày xưa như sắt như đồng
Như đinh đóng cột như rồng phun mưa
Bây giờ như cải muối dưa
Mười thang Minh Mạng vẫn chưa ngẩng đầu
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Chị Ba Biên Hoà nghe xong hai bài thơ rồi nói: Hai bài thơ các bác đọc là những đề tài lớn. Tôi đề nghị sẽ bàn những đề tài nàysau tết, ngày rộng tháng dài. Nay tôi có một vấn đề xin thỉnh ý các bác: Tôi có một người bạn. Con gái chị ta sắp lấy chồng. Khi biết anh con trai tuổi Con Cọp thì chị ta lắc đầu vì cho rằng kỵ tuổi, không hợp. Chị giải thích: Nó tuổi con cọp, còn con gái tôi tuổi con heo, chúng nó mà lấy nhau thì đương nhiên con cọp sẽ ăn thịt con heo. Tôi không muốn con gái bị ăn thịt. Ngoài ra, cậu ta là người da trắng, liệu chúng có thể sống hạnh phúc được không?

Ông H.O. bữa nay vui tính qúa, xin góp ý ngay: Tôi thấy ông bà mình ngày xưa kỹ lưỡng về việc so tuổi lắm. Có kiêng có lành. Nên thận trọng về việc này. Riêng mặt lấy chồng ngoại quốc, tôi thấy bài thơ sau đây nói lên một cái gì mà chúng ta nên để tâm, dám có nhiều sự thực ở trong:

Chồng Tây kịch cỡm như voi
Đêm lăn đè trúng chắc lòi phèo luôn
Chồng Tàu ăn mãi nước tương
Đứng gần nồng nặc mùi hương xì dầu
Chồng Lào mê được chỗ nào?
Nhỏ con èo uột xanh xao gầy còm
Chồng Phi Châu lại đen ngòm
Tối về cúp điện dòm hoài không ra
Chồng Mỹ dâm đãng lắm nha
Nếu không khéo giữ chắc là teng beng
Chồng Đài Loan có máu ghen
Léng phéng nó biết, sớm lên bàn thờ
Dại dột lấy Mễ Tây Cơ
Phẩm tiên chuột vọc, khỉ mò tan hoang
Chồng Ấn Độ rất làm tàng
Nhiều bằng cấp hả? Cần nhiều hồi môn
Chồng Anh đẹp mã to con
Tỷ số đồng tính hết hồn đó nhe
Chồng Nhât cặp mắt hí nè
Dã man số một ai nghe cũng chạy dài
Chồng Hàn Quốc thấy đẹp trai
Cứ lấy rồi biết, rước vào khổ thân
Chồng Úc chỉ thấy uống ăn
Mớí gần ba chục, bụng bằng cái lu
Chồng Ý có đứa vào tù
Vẫn buôn thuốc phiện cũng như bên ngoài
Chồng Do Thái rất đa tài
Nhưng mà bủn xỉn khỏi ai sánh bằng
Chồng Việt chắc chắn trăm phần
Thiệt thà chung thủy, khỏi cần phải lo
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm

Chị Ba Biên Hoà nghe xong thì tỏ ra thích lắm. Chị lây bệnh của chồng là anh John hay ghi chép. Chị lấy bút ra chép bài thơ và nói là sẽ gửi bài này cho cô bạn ngay. Trước khi cất bài thơ vào túi, chị hỏi tên tác giả của cả 3 bài thơ trên. Các nhà quân tử trong làng đều lắc đầu không biết. Ai cũng thú nhận là nhận được từ bạn bè chuyển qua internet. Xin các tác giả tha thứ cho việc không rõ tên này.

Rồi chị Ba quay vào cụ Chánh xin thêm ý kiến. Cụ Chánh phát biểu: Lão không có kinh nghiệm hay hiểu biết gì về việc lấy vợ lấy chồng ngoại quốc, nhưng lão có kinh nghiệm về việc kỵ tuổi. Qủa thực có kiêng có lành, nhưng ông bà chúng ta cũng thường nói ‘ đức năng thắng số’. Lão biết nhiều cặp vợ chồng khắc tuổi nhau nhưng họ đã sống rất hạnh phúc. Hình như câu chuyện ‘ Cây tre 100 đốt’ ngày xưa có liên hệ tới việc kỵ tuổi. Rằng ngày xưa có anh tiều phu trẻ tuổi đẹp trai và rất cần cù làm việc để phụng dưỡng bố mẹ già. Anh và cô gái hàng xóm yêu nhau rất tha thiết nhưng bố mẹ nàng không chấp nhận cuộc hôn nhân vì chàng tuổi cọp và nàng tuổi heo. Ông tiên trong rừng thấy ngày nào chàng vào rừng đốn củi cũng khóc liền hiện ra và hỏi lý do. Chàng thuật lại: Con yêu một cô gái mà vì khắc tuổi nên bố mẹ cô gái nhất định không cho chúng con lấy nhau. Bố mẹ cô gái bảo con nếu tìm ra một cây tre trăm đốt làm sính lễ thì sẽ gả con gái. Như thế tức là ông bà ta từ chối vì làm gì có cây tre nào 100 đốt. Ông tiên thương tình liền làm phép lạ. Ông bảo chàng chặt cho đủ một trăm đốt tre. Chàng sung sướng làm y lời. Rồi ông bảo chàng để 100 đốt tre này thành một hàng thẳng. Rồi ông dạy chàng câu thần chú này: ‘ Khắc Nhập !’. Tức thì 100 đốt tre dính liền vào nhau. Chàng tiều phu sung sướng vô cùng, nhưng lại lo không biết vác cây tre trăm đốt này về nhà làm sao. Ông tiên lại chỉ cách: Con chỉ cần nói ‘ Khắc Xuất’ thì tự nhiên chúng sẽ rời ra. Chàng tiều phu cúi đầu tạ ơn rồi cột 100 khúc tre lại và đem về nhà. Sau đó chàng theo bố mẹ mang sính lễ sang nhà cô gái. Chàng bầy ra đủ 100 đốt tre và hô lớn tiếng ‘ Khắc nhập !’ Tức thì 100 đốt tre biến thành một cây tre dài. Vì ông bố vợ đứng gần nên ông cũng dính chặt luôn vào cây tre. Ông sợ qúa xin chàng tiều phu cứu, rồi gả con gái cho anh ngay.

Cụ Chánh kết luận: Đó, dân làng thấy chưa, lòng hiếu thảo của anh tiều phu đã đánh động lòng ông trời, trời mới sai ông tiên đến giúp anh. Anh tuổi con cọp nhưng trời đã cho anh lấy được cô vợ tuổi con heo. Và đôi trẻ đã sống hạnh phúc. Hình như người tuổi cọp đều nổi danh. Như ông Khuất Nguyên bên Tàu, một thi bá lừng lẫy thời Chiến Quốc. Sử ghi ông sinh ngày dần, tháng dần và năm dần, những ba con cọp lận, nhưng ông có dữ như cọp đâu, ông yêu vợ tràn trề mà. Ông chỉ là chúa sơn lâm trên thi đàn mà thôi.

Nghe nhắc tới cọp và thi đàn, tôi liền nhớ tới một ông bạn thân ở Toronto. Ông này đáng yêu vô cùng. Tay phải ông làm thuốc cứu nhân độ thế, còn tay trái thì ông viết văn làm thơ. Văn thơ ông vui như tết. Bút hiệu của ông là Tôn Kàn. Hình như ông tuổi cọp. Ông mới gửi cho tôi bài thơ này:

Lẩn thẩn thì ta làm thơ
Lơ mơ thì ta làm tình
Thanh bình thì ta đi chơi
Thảnh thơi thì ta nhậu nhẹt
Cả đời ăn tục nói phét
Chết rét không chừa tính ngông
Rằng ngông thì thật là ngông
Chẳng ngông sao phải con Rồng cháu Tiên.

Các cụ thấy bài thơ vui chưa ?

Kính chúc các cụ Mùa Giáng Sinh bình an, Năm Mới 2010 hạnh phúc và vui vẻ như ông Tôn Kàn.

TRÀ LŨ

ĐẦY TIẾNG CƯỜI ĐẦY KIẾN THỨC

Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu

2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC

Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua



500 CHUYỆN CƯỜI

những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,
khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:

-gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hay 26 Mỹ kim)
- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)

Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada

Đây là hai viên thuốc tiên làm thư giãn cả tâm thần cả thể chất
Đây cũng là món quà trang nhã và đẹp nhất
để tặng thân nhân và bằng hữu nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới.

Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.