SAIGÒN - Trong xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế, văn hoá ngày nay, giá trị sống của con người bị đảo lộn, nhiều người trẻ bị cuốn vào những cơn thác loạn của cuộc đời và sớm đánh mất chính mình... Các phương tiện truyền thông thường đưa tin về những vấn nạn của một bộ phận người trẻ, đề cập đến sự vô tâm, vô can…. của họ. Nhưng những người trẻ tại TTMV chiều 28/11/2009 là những chứng nhân lội ngược dòng.

Hình ảnh sinh hoạt và hội thảo Giới Trẻ

Tại Hội Trường Lầu I của Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo Phận Tp HCM, hơn 200 tham dự viên gồm sinh viên, phụ huynh, các nhà giáo dục, Linh mục và rất nhiều nam nữ tu sĩ tham dự.

Thuyết trình chính trong phần đầu của chương trình là các bạn sinh viên lớp Kỹ Năng Sống. Những ai có mặt tại TTMV chiều nay sẽ vô cùng ngạc nhiên và khâm phục cách thuyết trình khá chuyên nghiệp, đầy ấn tượng và nội dung trình bày rất thuyết phục, trong lần đầu tiên “ra khơi thả lưới” của các bạn trẻ.

Ba tuần là khoảng thời gian không dài và các bạn của chúng ta đã làm việc rất tích cực từ khâu tổ chức, chia tổ đi phỏng vấn, quay phim, viết bài, lên powerpoint, làm tiểu phẩm….

Bị giới hạn về thời gian và với một khối lượng công việc đồ sộ như vậy, đòi hỏi các bạn phải năng động, suy tư, nhiều sáng tạo và có tinh thần làm việc nhóm cao.

Nội dung trình bày rõ ràng và mang đậm tính thực tế. Buổi thuyết trình của các bạn gửi đến tất cả những ai có mặt tại hội trường nói riêng và các vị có thẩm quyền nói chung, những suy nghĩ, những ưu tư, niềm mong mỏi của người trẻ ngõ hầu Thánh Lễ trở nên sinh động và lôi cuốn họ.

Một loạt hình phỏng vấn “Lý do người trẻ không thích đến Thánh Lễ” được ghi nhận tại nhiều địa điểm với nhiều đối tượng thanh thiếu niên nam, nữ khác nhau. Ý kiến khảo sát phong phú và chi tiết.

Một trong những khó khăn mà các bạn trẻ của chúng ta gặp phải trong quá trình ghi hình, là có khoảng 30% thanh thiếu niên từ chối trả lời phỏng vấn bằng thái độ thờ ơ, lãnh cảm. Con số này phản ảnh một xu hướng thực tế mất mát và đáng buồn! Tuy nhiên, chúng ta có quyền hy vọng lịch sử sẽ sang trang, đâu đó lửa vẫn cháy. Chúng ta hy vọng các cấp có thẩm quyền liên quan, các bậc phụ huynh và bộ phận người trẻ năng động sẽ thắp lên ngọn lửa lòng của mình, để cùng nhau xua đi băng giá của cơn bão Makeno đang bao trùm xã hội và Giáo hội.

Để Thánh Lễ hấp dẫn người trẻ:

Mở đầu bằng dẫn chứng hai hình ảnh đối lập về quang cảnh của Thánh Lễ, các bạn dẫn khán giả đi tìm câu trả lời của vấn đề: “Để Thánh Lễ hấp dẫn người trẻ”. Đây là phần trình bày của hai bạn Kim Quyên và Tạ Uyên.

1. Bài giảng:

Ngoài mục vụ, một trong những phần chính của Thánh Lễ là phần bài giảng. Thực tế cho thấy rằng để có được một bài giảng có tính thiêng liêng, không mang nặng sắc thái sách vở và xa rời thực tế, đòi hỏi các vị Linh mục phải sống đời tu cách nghiêm túc, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, có chiều sâu nội tâm và trải nghiệm sống.

Người trẻ cho rằng để Thánh Lễ hấp dẫn họ, bài giảng nên là một bài suy niệm ngắn, mang tính trẻ trung, có liên hệ thực tế, đụng chạm đến những vấn đề của họ và lồng vào đó những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc.

Gợi ý suy tư bằng cách đặt câu hỏi, sẽ góp phần làm cho Thánh Lễ trở nên sinh động và tạo tính chủ động nơi người dự Lễ.

Vị trí uy quyền của các vị Linh mục nơi toà giảng làm cho người trẻ cảm thấy các Ngài thiếu gần gũi còn bản thân người trẻ bị lạc lõng ngay trong nhà của Cha mình.

2. Âm nhạc:

Tuổi trẻ vốn năng động và vui tươi. Âm nhạc là một phần trong đời sống của đại đa số người trẻ. Đến Thánh đường, người trẻ không những có nhu cầu muốn cất lời ca tiếng hát qua những bài Thánh ca, mà còn qua kinh nguyện. Đọc kinh theo phương cách truyền thống không khơi gợi cho họ sự sung mãn trong đời sống nội tâm.

3. Các nghi thức khác:

Lời nguyện Giáo dân vốn quy củ và cứng nhắc. Các bạn trẻ muốn dâng thêm một vài lời nguyện tự phát, để nói lên tâm tình con thảo của mình.

Không muốn là những pho tượng biết đọc kinh, người trẻ ước ao cộng đoàn hãy nắm tay nhau và hát vang lời Kinh Lạy Cha, để mỗi người đều cảm nhận mình là một phần của Giáo hội và là anh em cùng một Cha trên trời.

Chúc bình an là giây phút mà cộng đoàn trao tặng cho nhau ánh mắt thương yêu, nụ cười thân thiện. Là phút giây mà mỗi người thừa nhận sự hiện diện và cảm nhận tình liên đới với những người bên cạnh. Tuy nhiên, không ít lần chúng ta bắt gặp thái độ thờ ơ, những cái gật đầu lạnh ngắt hoặc sự thinh lặng vô cảm.

Sẽ thật ấm áp tình người và cảm thấy được tôn trọng khi có ai đón tiếp và ổn định chỗ ngồi cho chúng ta, bằng sự ân cần và thái độ tử tế.

Bằng tâm tình của những người con, các bạn đã nói lên những thao thức và ưu tư của mình. Chúng ta – những người lớn – phải rất vui mừng vì Giới trẻ có những ưu tư như thế.

Làm sao thu hút người trẻ đến với các lớp Giáo lý và các hoạt động của Giáo xứ:

Bằng cách hỏi-đáp và lời văn sôi nổi, Ngô Hải đã gây ấn tượng với phần đầu của đề tài “Làm sao thu hút người trẻ đến với các lớp Giáo lý và các hoạt động của Giáo xứ”. Bạn đã đưa ra một bức tranh sẫm màu về thực trạng của các hoạt động giáo lý dành cho người trẻ hiện nay: các lớp giáo lý thường được đóng khung trong 4 bức tường vôi ngả màu; Cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu phương tiện truyền thông; Phương pháp dạy cổ hủ, lạc hậu, thiếu đổi mới, thiếu hào hứng; Thiếu sự đầu tư và quan tâm….

Thực trạng trên cho thấy, buồn chán và bị động là những lý do chính khiến cho nhiều người trẻ sẵn sàng lựa chọn cho mình một sân chơi khác như chát, game online, nhà nghỉ,…..

Bên cạnh đó, một bức tranh khác mô tả những hạn chế trong chính đội ngũ Giáo lý viên: không đoàn kết, chia rẻ, cục bộ… So với tổng số các em tham gia chương trình giáo lý, số lượng giáo lý viên quá ít và ngày càng có chiều hướng giảm dần. Ước tính trung bình có 30 em/GLV. Với một tỉ lệ như vậy, GLV thực sự không có thời gian để quan tâm đủ đến các em. Áp lực này là nguyên nhân của thái độ cau có, thiếu nhiệt tâm, thiếu thấu hiểu.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, Ngô Hải đưa ra bức tranh thứ ba với nhiều gram màu đỏ, màu của căng thẳng và áp lực:

- Các Cha, các cấp trên dường như chỉ chú trọng đến kết quả của việc học giáo lý, nhưng lại thiếu sự quan tâm đồng hành và đầu tư thích đáng.

- Bản thân các GLV là học sinh, sinh viên và người trưởng thành. Do đó các bạn cũng cần thời gian, sức khoẻ và tiền bạc để chú trọng đến trách nhiệm xã hội của mình: đó là chuyện học hành, công việc và đôi khi là con cái.

- Nhiều người trẻ muốn đóng góp cho Giáo hội trong vai trò GLV, nhưng họ bị ngăn cấm và không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình bởi một trong những vấn đề là cơm, áo, gạo, tiền.

- Kế đến là sự bất hợp tác của các em thiếu nhi có thái độ gây hấn và không vâng lời.

- Phụ huynh cũng đóng vai trò gây áp lực cho GLV bằng sự vô tình hay phản ứng thiếu cảm thông.

Qua ba bức tranh dẫn chứng trên, có thể thấy người trẻ trong vai trò của một GLV chịu nhiều thiệt thòi, mệt mỏi và áp lực. Chính lòng yêu mến Giáo hội và ý muốn dấn thân phục vụ, mà ngày nay đội ngũ GLV trẻ vẫn còn tồn tại. Lửa lý tưởng của người trẻ đối với Giáo hội vẫn còn đó. Nếu không được giữ gìn và lan toả, ngọn lửa âý sẽ sớm lụi tàn.

Là đòi hỏi chính đáng để các bạn GLV có được sự quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành.. .đúng mức từ các cha, các cấp trên, gia đình và xã hội. Sau đây là một vài giải pháp đề nghị được nêu lên:

- Về mặt nhân sự:

Kêu gọi sự dấn thân phục vụ.

Cải tiến hình thức họp GLV để tăng tính chủ động và sáng tạo.

Có sự đồng hành của các cấp có thẩm quyền trong công tác giảng dạy.

- Chuyên môn:

Cần tạo điều kiện để nâng cao các kỹ năng mền cho đội ngũ GLV như kỹ năng sinh hoạt nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức, kỹ năng đối thoại, kỹ năng giải quyết vấn đề… bằng cách mời các huynh trưởng hoặc người có chuyên môn đến để đào tạo và huấn luyện đội ngũ GLV địa phương.

Đầu tư vào trang thiết bị dùng để giảng dạy như: đồ chơi, video, film, truyện tranh các Thánh, các giáo trình có nội dung liên hệ với đời sống hiện tại.

Người trẻ có nhiều nhu cầu chính đáng như: giao lưu bạn bè, học hỏi điều mới, thể hiện bản thân…. Do đó cần tổ chức thi đua, giao lưu các GLV giữa các giáo hạt, giáo phận.

- Cở sở vật chất:

Cần có sự đầu tư cho các phòng học, nơi sinh hoạt,…

Bảo trì các hệ thống cở sở vật chất hiện có.

Đầu tư công nghệ thông tin trong giảng dạy (nếu có điều kiện)

Để nâng cao công tác giảng dạy GL ở các Giáo xứ, thiết nghĩ cần có một định hướng nhằm hỗ trợ ổn định đời sống, nâng cao kiến thức và khả năng phục vụ của GLV. Tiếp lời Ngô Hải, bạn Tâm Anh nêu lên một vài đề nghị cụ thể hỗ trợ cho GLV như sau:

- Vật chất: hỗ trợ kinh phí đi lại, liên lạc cho GLV. Điều này làm thoả mãn nhu cầu cơ bản trong phục vụ và mang tính khả thi.

Chính sách khen thưởng khi có sự nỗ lực xứng đáng (hiện vật: sách, vở, bút viết…). Tổ chức các buổi giao lưu, picnic cho GLV

Chăm lo đời sống cá nhân GLV bằng những hoạt động thiết thực như trợ cấp học bổng, cho vay vốn với lãi suất thấp hoặc bằng không.

- Tinh thần: thường xuyên được quan tâm, thăm hỏi, đối thoại từ các Cha và các cấp trên.

Tổ chức các nhóm, các CLB hỗ trợ việc học tập

Giới thiệu công ăn việc làm cho GLV

Không chỉ chú trọng về kiến thức xã hội, người trẻ còn cưu mang những ưu tư, thao thức xây dựng Giáo hội theo cách trẻ trung và ao ước dấn thân thực hiện sứ vụ tông đồ của mình. Tuy nhiên, lòng can đảm lãnh nhận trách nhiệm này, không được các vị chủ chăn, các vị Linh mục, các bậc làm cha mẹ lắng nghe và đón nhận một cách thoả đáng. Xin trích dẫn thư của một bạn trẻ như sau: “Cha muốn nghe người trẻ, nhưng lại chẳng hề tạo cho người trẻ một cơ hội để nói. Cha đối với người trẻ, xa lạ và uy quyền lắm. Cha muốn chúng con cộng tác, nhưng lại ngại tuổi tác và kinh nghiệm non trẻ của chúng con. Con thiết nghĩ rằng, không thử 1 lần, không té ngã, sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm, và rồi người trẻ mãi mãi vẫn chỉ đứng ngoài lề mà thôi.”

Phần tiếp theo của chương trình là một tiểu phẩm ngắn với sự diễn xuất của 5 bạn trẻ. Bằng ngôn từ hài hước nhưng thực tế, các bạn đã diễn rất xuất sắc, nêu lên thực trạng đời thường và đời sống tâm linh của các gia đình thời @: Người già trở nên cô đơn và lẻ loi, xunh đột xảy ra liên quan đến đời sống tôn giáo giữa các thế hệ. Các bậc làm cha mẹ chạy theo công việc làm ăn, thiếu quan tâm giáo dục con cái. Cơn bão KTTT và hội nhập đang cuốn phăng người trẻ ra khỏi mái nhà và Giáo xứ của họ. Chương trình giáo dục nặng nề và bất cập gây nhiều áp lực, mệt mỏi. Nhà thờ không đủ sức thu hút sự quan tâm của họ. Người trẻ dễ dàng lựa chọn cho mình những thú vui chóng qua và đôi khi vô bổ.

Giới trẻ mong đợi gì ở các vị Linh mục, Tu sĩ thời @:

Hai bạn Trương Đức Hiệp và Châu Hoàng Anh Phương phối hợp ăn ý, trình bày đề tài “Giới trẻ mong đợi gì ở các vị Linh mục, tu sĩ thời @?”

Trong xã hội ngày nay, không khó để người ta nhìn thấy nhiều người già vẫn còn buôn gánh bán bưng để mưu sinh, hay cô đơn ngay trong chính gia đình của mình. Không khó để thấy các bậc làm cha mẹ đuổi theo những cơn sóng bất tận của công ăn việc làm…thay vì dành thời gian ở cùng và giáo dục con cái. Không khó để thấy hình ảnh của nhiều người trẻ ở các quán café, phòng Karaoke, dịch vụ internet…. thay vì lớp học

Giới trẻ là tương lai của Giaó hội. Giữa xã hội ngày nay đầy vẫy những cơn sóng biến động, người trẻ luôn khao khát được nhìn thấy những ngọn đèn hải đăng để định hướng cho con thuyền cuộc đời của mình. Họ cần được tôi luyện để làm muối, làm men cho đời. Vì thế, họ có lý do chính đáng để mong đợi sự dấn thân và thiện chí nơi các vị chủ chăn, các vị Linh mục, Tu sĩ.

Họ cần được các Ngài lắng nghe bằng đôi tai thứ ba, bằng cái tâm để thấu hiểu những diễn biến phức tạp trong đời sống nội tâm và những khát vọng muốn nên Thánh, để được đồng hành.

Họ cần được đối thoại để chia sẻ những suy nghĩ, những ước muốn phục vụ và kê vai gánh vác trách nhiệm theo khả năng.

Họ cần những nhân chứng sống phản chiếu khuôn mặt của Đức Kitô, hơn là các thầy giảng để lay động những con người còn đang chìm sâu trong giấc ngủ của tối tăm và thờ ơ.

Họ cần ở các Ngài lòng quan tâm và tình yêu của một người Cha.

Sau buổi thuyết trình đầy bức xúc và ấn tượng của các bạn lớp KNS, do giới hạn về thời gian, giới phụ huynh không có cơ hội để nói lên cảm nhận của mình về lòng tự hào, lời cảm ơn và lời xin lỗi vì đã quá vô tình với các bạn trẻ.

Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn-Trưởng BMVHNGD Tổng giáo phận Tp.HCM và Cha Giuse dòng Donbosco phát biểu một vài suy nghĩ ngắn. Các Ngài ngỏ lời khâm phục việc dấn thân và khả năng của người trẻ. Đồng thời cũng chia sẻ một vài khó khăn trong đời mục tử và kết thúc bằng câu: “I love you and I am sorry”.

Thái độ cởi mở, lắng nghe của các Ngài bày tỏ lòng quý mến và thiện chí đối thoại. Tuy nhiên, điều thực sự đáng tiếc là thời gian quá hạn chế và chỉ có hai vị Linh mục hiện diện trong giảng đường ngày hôm nay. Một vấn đề mang tính thực tế, đầy bức xúc và nhạy cảm như thế này, thiết nghĩ cần có sự hiện diện, quan tâm và đối thoại của các vị chủ chăn, các Đức giám mục, nhiều vị Linh mục và Tu sĩ. Đây là cơ hội để các Ngài lắng nghe người trẻ nghĩ gì, cần gì, mong chờ gì. Đồng thời đây cũng là thách đố cho Giáo hội trong việc giành lấy người trẻ từ những vòng xoay điên đảo của xã hội.

Với tư cách là người đồng hành với các bạn trẻ, Sr Hồng Quế đã cảm ơn các bạn đã “can đảm” chia sẻ “nỗi lòng” để các “bậc cha mẹ’ có cơ hội hiểu các bạn và yêu thương các bạn một cách thích hợp hơn. Có những bạn không mấy hài lòng (nếu không muốn nói là bất mãn) với Giáo Hội, với Cha xứ, với các tu sĩ…Sr xin các bạn hãy thắp lên ngọn lửa của mình hơn là nguyền rủa bóng đêm, hãy bắt tay vào làm những việc gì trong khả năng và tầm tay của các bạn, giúp cho Giáo Hội của chúng ta tốt hơn. Sr gởi đến các bạn câu nói để đời của Tổng Thống Kennedy: “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, nhưng hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho đất nước”. Chúng ta có thể thay chữ “đất nước” trong câu đó bằng chữ “Giáo Hội” và chúng ta sẽ có một câu tương tự: “ Đừng hỏi Giáo Hội đã làm gì cho bạn, nhưng hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho Giáo Hội”. Hãy dùng hết năng lực, nhiệt tâm và sáng kiến của bạn cộng tác cho giáo xứ của các bạn mỗi ngày một tốt hơn.

Hãy tự tu luyện cho mình có một đời sống nội tâm. Trên con đường đi theo Chúa tìm kiếm Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ gặp những chướng ngại, chán nản và muốn buông xuôi từ nhiều phía nhưng nếu có Chúa trong ta và cùng đồng hành với ta, ta không còn sợ chi. Chúng ta hãy mạnh mẽ tin yêu vào Đức Kitô. Không ai, và không có khó khăn, thử thách nào có thể tách lìa chúng ta khỏi Tin Yêu Chúa Ki.tô. Bạn Quang Trung đã giúp cho cả Hội Trường cùng hát và làm cử điệp bài “Xin Tin Yêu” của Nhạc sĩ Gia Ân với những cử điệu rất mạnh mẽ, dứt khoát, đầy tin tưởng và hy vọng.

Có thể nói, buổi thuyết trình của các bạn lớp KNS rất thành công, mỗi bạn đã đóng góp hết mình từ nội dung đến hình thức (point, video, cầu nguyện, diễn kịch, hát cầu nguyện). Chúng tôi cảm phục và biết ơn những gì các bạn đã làm. Chúng tôi cũng ước mong mọi người dành chút thời gian nghe bài hát “Xin Tin Yêu” http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=0HHQ2amc0Z. Nó cho chúng tôi nhìn thấy sức sống mạnh mẽ của Giáo hội và niềm hy vọng vào một tương lai đầy hứa hẹn. Chúng tôi không quên gởi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả những người đã vất vả đồng hành và cho các bạn cơ hội để được thể hiện.