Chuyện phiếm: Bốn Vợ

Làng An Lạc của chúng tôi là một hội đồng liên tôn. Dân làng theo Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Đạo Ông Bà, Tin Lành……, đại diện đủ hết các tôn giáo lớn ở VN. Tuy khác đạo nhưng dân làng ai cũng kính trọng tôn giáo của nhau. Mùa Vu Lan năm nay, hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân hướng dẫn chúng tôi lên chùa lễ Phật và tụng kinh. Lại còn được ăn cơm chay. Lại còn được xem văn nghệ. Vui vẻ và sung sướng qúa sức.

Sau buổi lễ trên chùa, chúng tôi kéo về nhà cụ Chánh tiên chỉ làng để mừng lễ tiếp.Buổi trưa ăn cơm chay, buổi chiều ăn cơm mặn, dân làng coi nhau là anh em một nhà. Nước thiên đàng và cõi niết bàn ở ngay đây, các cụ đã thấy chưa?

Trong khi các bà lúi húi làm cơm thì anh John cất tiếng: Tôi có một thắc mắc mà nhà tôi không giải được, xin các bác chỉ cho: Tại sao nhiều lễ lớn của VN vẫn còn theo âm lịch, như lễ Vu Lan, Tết Trung Thu chẳng hạn ? Sao không bắt chước Nhật Bản dùng dương lịch ? Nhà thông thái ODP đáp ngay: Âm lịch là lịch theo chu kỳ của mặt trăng. Tổ tiên VN xưa đâu cần máy móc đo đạc, các cụ cứ nhìn thấy trăng tròn là biết ngày rằm, cứ nhìn thấy trăng khuyết là biết con nước để làm ruộng, gieo mạ, cấy lúa, hoặc ra khơi đánh cá. Thân xác phụ nữ cũng theo tuần trăng mà lên xuống đầy vơi. Cứ nhìn mặt trăng là dân ta tính ra ngày giỗ cha mẹ, tổ tiên, quốc tổ. Cứ nhìn mặt trăng là ta biết ngày nào tiễn ông Táo về trời, ngày nào ngâm gạo gói bánh chưng, ngày nào tết nguyên đán. Âm lịch là cái gốc lớn trong lịch sử VN. Tại sao ta lại bỏ cái gốc lớn của tổ tiên ? Anh John nghe xong như được khai ngộ bèn gật gù cái đầu, ra vẻ chịu qúa. Anh không ngờ nếp sống văn hóa VN quê vợ anh vĩ đại như vậy.

Rồi bữa ăn được dọn ra. Chao ôi, bún bò Huế và bánh nậm, sao mà ngon thế này.

Ông ODP vừa giải thích ý nghĩa âm lịch cho anh John xong, liền quay ra nói với cả làng: Lễ Vu Lan là lễ báo hiếu và lễ xá tội vong nhân. Bởi vậy, bữa nay xin được tiếp tục thảo luận về hội sợ vợ mà lần trước chưa bàn hết ý. Dân làng được hoàn toàn tự do phát biểu, mọi tội được xá hết. Cả làng đều vỗ tay hoan hỉ.

Những người vỗ tay to nhất lại là phe các bà, thế mới kinh chứ. Thật đúng như kinh nghiệm mà phe liền ông chúng tôi đã thu được, là đa số các bà, trong bụng thì rất thích những chuyện mặn, nhưng ngoài miệng thì vẫn giả bộ ngúng nguẩy hấm hứ.

Và ông ODP mở đầu chương trình. Ông bảo phe liền ông chúng ta nên chọn nhà hiền triết Socrate làm thánh tổ vì ngài đã dạy rằng: Hỡi các bạn đàn ông ! các bạn hãy lấy vợ vì có lợi hai bề. Nều bạn lấy được vợ hiền thì bạn là một người hạnh phúc. Nếu bạn lấy phải vợ dữ thì bạn sẽ trở thành một triết gia. Rồi ông khoe ông có một anh bạn đã trở thành triết giavì lấy phải vợ dữ. Anh bạn này kể: Một bữa kia vợ nổi máu ghen và bắt nọn tao có mèo. Tao không biết xử trí ra sao vì nói thế nào mụ vợ cũng bắt lỗi được. Nếu tao cãi thì vợ sẽ nói: Rõ ràng có tật giật mình. Mà nếu tao không thèm cãi thì vợ sẽ lại nói: Rõ ràng nha, chứng cớ rành rành nên không cãi được nha. Đèo mẹ, đàng nào cũng chết với nó !

Anh H.O. bèn giơ tay xin góp chuyện: Tôi vừa đọc được một chuyện của nhà văn Đào Hiếu, đai ý cũng giống y như vậy. Chuyện bà vợ có hai lưỡi ấy mà. Như thế này:

. . . Bạn tôi có rất nhiều người thuộc trường phái sợ vợ. Có người mới lấy vợ về đã sợ, có người sợ dài dài trong suốt vài chục năm chung sống. Phó thường dân cũng sợ vợ, mà người có chức quyền cũng sợ vợ. Người ít học lẫn các bậc trượng phu trí thức đều thuộc câu ‘ nhất vợ nhì trời’.

Chẳng hạn như anh bạn bác sĩ của tôi lấy vợ đã ngoài 20 năm. Bữa kia hai ông bà rủ nhau đi chợ mua sắm các thứ để mừng kỷ niệm ngày cưới. Người vợ bảo: Anh giữ tiền nhé, em mua cái gì thì anh chi. Người chồng cất tiền vào túi áo. Nhưng khi hai người đến đầu chợ thì bà vợ lại cằn nhằn ‘Đến chỗ đông người mà sao anh lớ ngớ như một thằng ngố vậy ?Anh không biết bọn móc túi đầy trong chợ à ? Anh chồng gạt đi: Đừng lo, chúng nó không làm gì được anh đâu. Bà vợ ngắm nghía đức ông chồng một lúc rồi quyết định: Đưa hết tiền đây. Anh giữ tiền, mất như chơi ! Người chồng vâng lời, đưa tiền cho vợ. Bà vợ bỏ tiền vào ví, cầm chắc trong tay. Hai người bước vô chợ, đi vòng vòng ngắm nghía hàng hóa một hồi, cuối cùng bà vợ quyết định mua một bộ đồ đầm 130 ngàn. Nhưng khi móc ví trả tiền thì mới hay là ví đã bị rạch và gói bạc biến mất. Anh chồng nhỏ nhẹ nói: Phải chi lúc nãy em để anh giữ tiền thì đâu đến nỗi !. Bất ngờ bà vợ túm lấy cổ chồng rồi gầm lên: Đồ ngu ! Tại sao tôi bảo đưa tiền cho tôi giữ mà anh cũng đưa ? Anh phải biết ngăn cản tôi chứ ! Thế mới gọi là đàn ông chứ ! Đàn ông gì mà vợ bảo sao nghe vậy để đến nỗi mất hết tiền. Lỗi của anh sờ sờ như thế mà còn đổ cho người ta. Đàn ông gì mà hèn qúa vậy ! Bị nắm cổ áo ngay giữa chợ, anh chồng mắc cở qúa, năn nỉ: Anh xin lỗi. Buông anh ra, đừng làm thế chỗ đông người !

Nghe kể đến đây, anh John cười sằng sặc: Tôi đọc đã nhiều, báo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, mà chưa hề thấy có chuyện nào nói về anh chồng sợ vợ cao độ như vậy. Tiếng Anh gọi những anh chồng râu quặp này là ‘ bị gà mái mổ’, hen-pecked husbands. Thật đúng hết sức vậy đó.

Trong văn học Anh có chuyện bà vợ đáo để của nhà văn Bernard Shaw. Bữa đó ông Shaw cao hứng nói với mấy người bạn: Đàn bà thường chậm chạp và kém thông minh. Rất may cái nhược điểm này được cái nhanh nhẹn và thông minh của bọn đàn ông chúng mình bù đắp. Không ngờ lúc đó vợ ông đi ngang nghe được. Bà cất tiếng đáp ngay: Phải, chính vì đàn ông thông minh nên ông mới lấy được tôi, còn đàn bà ngu dốt nên tôi mới vớ phải ông !

Khiếp chưa, các bác ?

Anh H.O. xin góp ý: Nãy giờ qúy vị toàn nói chuyện tiêu cực. Tôi xin nói chuyện tích cực. Tôi xin được đọc bài thơ trên internet. Bài này toàn mầu hồng:

Vợ là toàn những vần thơ
Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy
Vợ là một chất men say
Là nước hoa ngoại làm ngây ngất lòng
Vợ là một áng mây hồng
Vợ là hoa hậu để chồng mê say
Vợ là khối óc bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta
Vợ là nụ, vợ là hoa
Vợ là chồi biếc, vợ là mùa xuân
Vợ là tín dụng nhân dân
Vợ là kế toán giải ngân trong nhà
Vợ là biển rộng bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê
Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về mùa đông
Vợ là chỗ dựa cho chồng
Ông nào dám bảo vợ không là gì ?
Vợ là con Phật con Trời
Rẽ mây bước xuống làm người trần gian

Phe các bà nghe xong đoạn thơ này thì thích qúa sức. Bà nào cũng gật gù cho rằng lời thơ hay qúa đúng quá. Thấy vậy anh H.O. như được thêm hứng khởi bèn xin kể một chuyện cười. Chuyện về ông hàng bánh. Ông này làm sai ý khách hàng, nhưng cái sai của ông mới đáng gía, mới nói lên được hết sự thực.

Rằng có anh chàng kia đi đặt đồng bánh để mừng sinh nhật vợ. Anh ta dặn ông chủ hiệu: Trên đồng bánh, xin ông viết cho tôi 2 hàng chữ: ‘Em không hề già đi’ ở phần trên, và ‘ em chỉ đẹp hơn lên’ ở phần dưới. Hôm đó là đại tiệc, vừa đông đủ gia đình, vừa đông đủ bạn hữu. Đến phần quan trọng cắt bánh, đèn phòng ăn được tắt đi, chỉ một ngọn đèn được chiếu vào đồng bánh. Mọi người chú tâm vào hàng chữ, rồi tự nhiên mọi người phá ra cười và vỗ tay râm ran, vì trên mặt đồng bánh có 2 hàng chữ viết rất đẹp:

Em không hề già đi ở phần trên
Em chỉ đẹp hơn lên ở phần dưới
Tôi yêu cái ông hàng bánh này qúa.

Cả làng tôi phá ra cười như sấm. Các bà thì cười rũ rượi, đấm nhau thùm thụp.

Cụ Chánh thấy dân làng vui cười như vậy thì sung sướng qúa chừng. Cụ còn muốn vui cười thêm nữa cơ. Cụ nói khích: Nãy giờ sự vui cười toàn do phe liền ông chúng tôi đem tới. Bây giờ đến lượt các bà góp vui.

Chị Ba Biên Hòa liền lên tiếng: Tôi không có tài kể chuyện cười, tôi chỉ xin kể chuyện có thực mà thôi, chuyện liên can tới mùa Vu Lan, mùa bày tỏ lòng hiếu thảo. Tôi vừa đọc thấy cái tin kỳ lạ bên Hoa Kỳ. Đó là chuyện‘ ăn cha’. Chuyện mới xảy ra ở Atlanta, tiểu bang Georgia. Ông già John Morshay 84 tuổi, chết bất ngờ vì bịnh tim. Con cháu đã mang xác ông đi hỏa thiêu, rồi lấy thán cốt trộn vào nồi thịt và ăn với spaghetti. Anh con trai tên Bill đã phát biểu: Mỗi người bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ mỗi cách, hành động của chúng tôi cũng chỉ là một cách bày tỏ rằng lúc nào ông cụ cũng ở trong thân xác chúng tôi. Món spaghetti tuy có vị khác nhưng ngon vô cùng !

Phe các bà nghe đến việc trộn thán cốt người chết vào nồi canh thịt và ăn với spaghetti thì sợ hãi qúa, bèn xin Chị Ba chuyện khác. Thấy vợ còn lúng túng, anh John liền nhảy vào trợ lực. Anh xin kể chuyện thời sự để đánh tan cái không khí sợ hãi vừa xảy ra. Việc này đẹp lòng mọi người.

Tin đầu tiên nóng sốt là chúng ta vừa có một bộ sử VN bằng văn vần. Đó là cuốn Đại Việt Sử Lược Diễn Ca, từ đời Hồng Bàng tới năm 2009, viết bằng thể song thất lục bát, của hai nhà thơ Nguyễn Bá Triệu và Hồ Đắc Duy. Các cụ biết tiếng hai nhà thơ này chứ. Cụ Nguyễn Bá Triệu, hơn 80 tuổi vàng, tinh thông Hán và Nôm, từng là tác giả những sách biên khảo về Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Văn Tiên. Cụ Triệu hiện ở thủ đô Ottawa. Còn Hồ Đắc Duy hiện ở VN, ông là bác sĩ y khoa. BS Duy say mê văn chương từ bé. Ông là cháu nội của Cụ Hồ Đắc Trung, thượng thư Bộ Hình của triều Nguyễn ngày trước. Cụ Trung này đã ngồi ghế chánh án xử vụ Vua Duy Tân. Pháp muốn án tử hình, nhưng cụ Trung đã can đảm tuyên bố vua Duy Tân trắng án.

Tác phẩm thơ trên đây dài 8512 câu. Hai tác giả ở xa nhau nửa vòng trái đất mà hợp tác được với nhau viết ra tập sử này, Đây là kỳ công. Tập thơ mới xong bản thảo. Hai tác giả đang chuẩn bị đưa lên mạng Web để xin thêm ý kiến, sau đó mới in thành sách. Vì tác giả Triệu ở Canada, tôi biết tin sốt giẻo của ngươi đất Canada nên xin khoe trước với các bạn bốn phương. Ai nóng lòng muốn đọc trước, xin liên lạc với cụ Triệu qua email: trieu@ncf.ca

Tin tiếp theo là cuối tháng Chín vừa qua, giáo hội Công Giáo đã mừng lễ kính các Thánh Tử Đạo Canada trọng thể. Nghe đến đây thì chắc có người thắc mắc: Ở Canada có bao giờ cấm đạo Thiên Chúa đâu mà lại có thánh tử đạo ? Xin thưa: Canada da trắng không cấm đạo, nhưng một số bộ lạc Da Đỏ cấm. Hồi đầu thế kỷ 17, khi người da trắng bắt đầu đặt chân lên đất bắc Mỹ thì một số nhà truyền giáo từ Âu Châu đã đi theo để truyền đạo cho người Da Đỏ. Một số bộ lạc theo đạo, một số bộ lạc không những không theo mà còn cấm đạo và tàn sát. Các nhà truyền giáo đa số thuộc Dòng Tên, S.J. Nhóm bị Da Đỏ bắt giết ở Hoa Kỳ, đứng đầu là Cha Isaac Jogues. Nhóm bị bắt giết ở Canada đứng đầu là Cha Jean de Brébeuf. Cha thánh Brébeuf rất nổi tiếng.Việc truyền giáo của các ngài được ghi rất rõ trong sư, giai đoạn lập quốc. Toàn những chuyện anh hùng. Có vị bị bắt, rồi trốn thoát, rồi trở lại giảng đạo tiếp, và sau cùng bị giết. Tại Canada có đền kính các thánh tử đạo này ở miền Midland bang Ontario, và tại Hoa Kỳ miền Auriesville, bang New York.

Tin thứ ba là một trường học dành riêng cho người Da Đen đã được thành lập tại miền bắc Toronto và niên học đầu tiên vừa khai giảng với sĩ số là150 học sinh. Trường mang tên ‘Africentric Alternative SChool’. Các cụ phương xa nghe tin này có ngạc nhiên không ? Xưa thì dân đa đen tranh đấu đòi học chung với da trắng. Nay người da đen thấy con em mình theo học không kịp da trắng nên đã xin lập ra trường riêng.

Tin thứ tư là Cựu Tổng Thống Bill Clinton mới từ Hoa Kỳ sang Toronto nói chuyện. Ông cổ võ tình yêu thương nhân loại, Our Common Humanity, trong đó ông ca ngợi Canada nhiều mặt, đặc biệt ngành y tế miễn phí cho toàn dân. Ông vừa cười vừa nói: Các bạn Canada sung sướng qúa mà không biết mình sướng đó thôi. Nhiều người trên thế giới liều chết để được đến đất thiên đàng Canada này, để được sống hạnh phúc như các bạn, mà không được. Ngày xưa khi còn làm tổng thống, ông đã vận động để toàn dân được hưởng y tế miễn phí mà thất bại. Thế mới biết các nghiệp đoàn y tế, các hãng bảo hiểm, các bệnh viện, các hãng bào chế thuốc ở Hoa Kỳ mạnh biết chừng nào. Tổng thống Obama hiện nay cũng đang vận động bắt chước y tế Canada mà gặp chống đối mạnh mẽ.

Rồi tin Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Canada vào thượng tuần tháng Mười để cổ võ hòa bình. Nơi ông nhắm đến là Montreál. Ông mê thành phố nói tiếng Pháp này qúa. Chưa biết Tòa Đại Sứ Trung Cộng sẽ phản ứng ra sao.

Rồi tin cô Allison Donelon bơi qua eo biển Manche. Cô gái 18 tuổi, quê Alberta miền dầu lửa của Canada. Cô chọn lộ trình từ bến Dover dài 34 cây số. Ban đầu cô nghĩ là cô sẽ vượt 34 cây số trong 9 tiếng đống hồ, nhưng vì thủy triều dâng cao, cô đã phải bơi trong 12 tiếng đống hồ với một chiều dài 50 cây số. Nghĩ mà phục cô Allison. Đúng là con gái 18 bẻ gãy sừng trâu. Tôi đây bơi 100 thước đã thấy mệt phờ.

Nghe nói tới bơi lội, ông ODP giơ tay xin góp ý. Ông bảo chúng ta nên cho con cháu học bơi. Việc bơi lội không những tạo ra sức khoẻ cho thân xác, mà nhiều khi còn cứu mạng được nhiều người. Tôi vừa nghĩ tới chuyện ông Churchill ngày xưa. Các bạn có biết chuyện này không ? Ai cũng lắc đầu không biết và xin ông kể. Thế là bồ chữ ODP xin phép cắt ngang phần thời sự của anh John rồi kể ngay.

Đó là chuyện một gia đình qúy tộc đi cắm trại ở ngoại ô London. Họ chọn địa điểm ven bờ một hồ lớn, cây cao bóng mát. Người lớn thì tíu tít chuyện trò, ca hát và ăn uống. Con nít thì chạy nhảy hái hoa bắt bướm. Một cậu bé lội xuống hồ. Vì mải bơi theo một con thiên nga trên hồ mà cậu này xém chết chìm. Nghe tiếng kêu cứu, mấy người lớn nhảy xuống nước nhưng không ai dám bơi ra xa. Trong lúc nguy kịch này bỗng có một thằng bé từ trên cây gần đó phóng xuống nước. Nó bơi như con nhái. Nó đã mang được cậu bé quý tộc vào bờ. Để đền ơn cứu mạng, gia đình qúy tộc đã nhận nuôi thằng bé nhà quê nghèo nàn này ăn học. Nhờ bản chất thông minh, thằng nhỏ đã trở thành một bác sĩ và một nhà bác học nổi tiếng, đã tìm ra thuốc trụ sinh penicillin.

Kể đến đây, ông ODP nhìn cả làng rồi hỏi: Tôi nói sơ sơ vậy, các bác đã biết chuyện cậu bé xém chết chìm và thằng bé bơi giỏi cứu mạng cậu bé qúy tộc là ai chưa?

Trong khi cả làng còn đang ngơ ngác thì anh John giơ tay: Tôi biết. Đó là chuyện thời thơ ấu của thủ tướng Winston Churchill và Bác Sĩ Alexander Flemin. Các cụ đã thấy anh John này giỏi chưa?

Anh John quảng diễn thêm: Ông Churchil thuộc gốc qúy tộc giàu sang từ bé, còn BS Flemin ngày còn bé nhà nghèo mạt rệp, chưa xong tiểu học thì đã phải bỏ học vào rừng kiếm củi, thú vui độc nhất lúc rảnh rỗi là bắt cá và bơi lội.

Chuyện đời nhiều việc thật lạ lùng. Vì bơi giỏi nên cứu được một mạng người. Mạng người được cứu, Winston Chruchill, đã trở thành một vị thủ tướng nổi danh thế giới thời Đệ Nhị Thế Chiến. Vì cứu được mạng người mà người bơi giỏi nhưng nghèo mạt rệp Alexander Fleming đã được đền ơn, đã được nuôi cho ăn học, và đã trở thành thiên tài y khoa.

Chuyện chưa kết thúc ở đây. Về cuối đời, thủ tướng Churchill bị bệnh nặng sắp chết. Trong lúc thập tử nhất sinh này thì bác sĩ Fleming đến kịp với hộp thuốc penicillin. Thủ tướng Churchill đã sống lại nhờ thuốc tiên của BS Flemin. Và thế giới y khoa đã bước vào một kỷ nguyên mới. Nếu ngày xưa không nhờ tài bơi lội cứu được mạng người thì làm gì cậu bé nhà quê có cơ hội ăn học để rồi chế ra thần dược penicillin. Chuyện kể rằng Thủ Tướng Churchill đã ôm lấy BS Flemin mà nói rằng: Mỗi lần tôi đối diện thần chết thì Thiên Chúa sai Anh đến để cứu mạng tôi.

Và ông ODP kết luận: Chuyện của tôi vừa kể, từ cô gái Canada Allison bơi qua eo biển Manche kéo sang chuyện bác học Flemin chế ra thuốn trụ sinh, quả là chuyện dài vòng vo, nhưng cốt để nói với cả làng việc chúng ta khuyết khích con cháu học bơi lội là điều rất tốt, nhiều khi nhờ bơi lội mà đã có những phép lạ tuyệt vời.

Thấy cụ Chánh gật gù thì ông ODP thích lắm. Ông thưa với cụ: Nãy giờ tôi vô phép chiếm diễn đàn hơi lâu, bây giờ xin mời cụ lên diễn đàn kể chuyện cho dân làng nghe. Thấy cụ tiên chỉ còn lưỡng lự, ông nói tiếp: Cụ kể chuyện gì cũng được vì ai cũng ao ước được nghe cụ nói. Bấy giờ Cụ chánh mới lên tiếng. Cụ bảo vì lúc nãy làng đang nói dở chuyên tôn kính vợ nên cụ xin kể chuyện ông bốn vợ.

Rằng có ông kiatuy không theo Hồi giáo nhưng có tới 4 vợ lận. Bà vợ cả là người lo toan cho ông mọi sự, ông yêu bà nhưng là tình yêu lơ là. Bà thứ hai là người ông hay nói chuyện tâm sự. Bất cứ lúc nào ông gặp khó khăn là ông bàn bạc và xin bà giúp, ngoài ra ông cũng lơ là. Bà thứ ba thì xinh đẹp, đi đâu ông cũng mang bà đi theo để khoe với thiên hạ. Bà thứ tư thì ông cưng vô cùng, ông sắm cho bà những nữ trang đắt tiền nhất và nâng niu chiều chuộng bà mọi mặt.

Cuộc đời của ông 4 vợ này kéo dài một thời gian, rồi đến một ngày kia ông ngã bệnh nặng. Biết mình sắp chết, ông sợ mình sẽ cô đơn nên gọi cả 4 vợ đến rồi hỏi có ai bằng lòng theo ông về thới giới bên kia không. Bà Hai, bà Ba, bà Bốn, ba bà đều lắc đầu. Chỉ có bà vợ cả là gật đầu bằng lòng. Thấy bà cả xanh xao vàng vọt vì đã bị ông bỏ rơi bao lâu nay thế mà lòng dạ bà vẫn sắt son, ông oà lên khóc rồi đi vào đời sau.

Kể đến đây, thấy cả làng ngơ ngác chưa hiểu ý chuyện, cụ Chánh nói tiếp: Đây là bài giảng nhà thờ của Cha Paolo. Tôi nhớ mãi chuyện này vì nó đã giúp tôi sống đời đạo đức. Mỗi người chúng ta ai cũng có 4 bà vợ. Bà vợ thứ tư chính là thân thể. Chúng ta có chăm chút bao nhiêu rồi khi ta nhắm mắt nó cũng bỏ chúng ta. Bà vợ thứ ba chính là của cải và địa vị. Khi ta nhắm mắt thì nó cũng bỏ chúng ta. Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Khi ta nhắm mắt thì họ đều bỏ chúng ta. Bà vợ cả chính là linh hồn của ta, đời sống thiêng liêng của ta. Trong cuộc đời trần thế này, nhiều khi chúng ta sống mà thường quên ta có linh hồn thuộc cõi trên.

Chà, câu chuyện của Cụ Chánh nghiêm trang qúa. Ông H.O. phát biểu: Nghe bác kể mà cháu như thấy mình đang ở trong nhà thờ, và đang nghe Cha Paolo giảng. Rôi ông quay vào phe các bà: Quý bà nên nhớ là bà nào cũng có 4 vợ đấy nha, chứ chẳng phải riêng phe liền ông chúng tôi đâu.

Chị Ba Biên Hòa đáp ngay: Chúng tôi là bậc thánh thiện, xin dành 4 vợ cho các ông. Chúng tôi không cần vợ. Khi nào Chúa gọi thì chúng tôi vui vẻ về với Chúa ngay, chứ không la đà bà này bà kia như qúy ông.

Các cụ đã sợ miệng lưỡi Chị Ba trong làng chúng tôi chưa ?

Trà Lũ


ĐẦY TIẾNG CƯỜI ĐẦY KIẾN THỨC

Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu
2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC

Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua và

500 CHUYỆN CƯỜI

những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,
khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:

-gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hay 26 Mỹ kim)

- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)

Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada

Đây là hai viên thuốc tiên làm thư giãn cả tâm thần cả thể chất
Đây cũng là món quà trang nhã và đẹp nhất
để tặng thân nhân và bằng hữu. Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.