LỄ AN TÁNG CHA JB VŨ ĐÌNH HIÊN – PHAN THIẾT

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, 84 tuổi, đã qua đời tại nhà nghỉ của Ngài trong sự thanh thản và bình an, vào lúc 9 giờ 37 phút ( giờ Rôma) đêm Thứ Bảy ngày 2/04/2005, tức vào lúc 2 giờ 37 phút sáng Chúa Nhật 3/04/2005 (giờ Việt Nam), kết thúc 26 năm, 5 tháng và 17 ngày trong cương vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần thế.

Trước khi giã từ cuộc sống trần thế, trên giường bệnh Đức Giáo Hoàng đã thì thào với vị thư ký riêng: “Cha đang vui mừng, ước gì các con cũng vậy.” Ước mong, lời trăn trối này là “một di chúc” dành cho tất cả mọi tín hữu trên toàn thế giới.

Hôm nay 17.9.2009, Giáo Phận Phan Thiết tiễn biệt cha JB Vũ Đình Hiên. Đức Ông JB Lê Xuân Hoa, cùng 70 linh mục đồng tế, đông đảo chủng sinh tu sĩ, các thân nhân cùng hiệp dâng thánh lễ và tiễn đưa cha già đến nơi an nghĩ cuối cùng tại nghĩa trang linh mục Phan Thiết, thuộc giáo xứ Vinh An.

Cha JB Vũ Đình Hiên sinh ngày 23/12/1920 tại An Nhiên, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Thụ phong Linh Mục, ngày 29/6/1957 tại Nhà thờ Chính Tòa Saigon.

- Những nơi ngài phục vụ:

+ 1957-1960: Chủng Viện Thánh Tự, Thủ Đức.
+ 1960-1972: Nghỉ bệnh, Quản xứ Thanh Xuân Lagi-Hàm Tân.
+ 1972-1975: Quản xứ Vinh Thủy Phan Thiết.
+ 1975-1988: Quản xứ Thọ Tràng, Mương Mán.
+ 1988-1992: Chánh xứ Thanh Hải, Phan Thiết.
+ 1992-2005: Quản xứ Đông Hải, Phan Thiết, kiêm Hạt Trưởng Phan Thiết đến năm 2002.
+ 17/10/2005: về nhà Hưu Dưỡng Giáo Phận Phan Thiết.
+ Về Nhà Cha lúc 7g20 sáng Thứ Hai 15/6/2009 tại nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Phan Thiết.

Sau hành trình 90 năm cuộc đời, 52 năm linh mục, cha già vui mừng về với Chúa. Ngài đã hoàn tất đời người trong tuổi thọ đáng kính. Ngài cũng hoàn tất sứ vụ linh mục qua nhiều nẻo đường phục vụ, từng là giáo sư chủng viện, cha xứ, hạt trưởng, ban tư vấn. Cuộc đời của ngài luôn bước đi “Trong thinh lặng và tin tưởng” (Is 30,15), như câu Thánh Kinh ngài chọn cho đời linh mục của mình.

Cha già JB đã bước qua tuổi “Cửu thập như nhân tiên”, nhưng lời Thánh Vịnh luôn nhắc nhớ về sự ngắn ngủi của đời người:

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ…’ (Tv 90,10)


Cái thân phận đời người “sớm nở tối tàn” thường được ví như một hạt bụi. Có nhọc nhằn bon chen thủ đắc được một số bằng cấp, tài sản, địa vị, chức quyền, tiếng tăm, cũng không thể thoát ra được thân phận đó. Có đi đâu và làm gì đi nữa, đâu đó vẫn luôn vang vọng một tiếng thở than cái hư vô của kiếp người. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi Để một mai tôi về làm cát bụi Ôi cát bụi mệt nhoài,

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi...” ( Cát bụi – Trịnh Công Sơn ).

Con người chỉ là một hạt bụi trước vũ trụ bao la. Tuổi của một đời người chỉ là vài chục năm còn tuổi của vũ trụ bao nhiêu tỉ năm không ai tính toán được chính xác. Vũ trụ đã có đó trước khi tôi sinh ra và sau khi tôi qua đi, vũ trụ vẫn còn đó.

Tôi vẫn thích cách nhìn của nhạc sĩ Trần Long Ẩn về một đời người như một cây trong rừng cây.

“Khi nghĩ về một đời người, Tôi thường nhớ về rừng cây. Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh...” (Một đời người một rừng cây).

Tôi nhỏ bé như một hạt bụi nhưng mà hạt bụi thì vô tri nhưng tôi lại có cảm xúc. Một cái cây trong một rừng cây không là gì cả nhưng trong nó lại có sự sống và làm thành sức sống của rừng cây. Một cái cây có thể chết đi nhưng rừng cây sẽ vẫn còn đó. Cha già JB như một cây cổ thụ, ngài chết đi nhưng có nhiều cây khác mọc lên làm xanh rừng cây.

Điều quan trọng là ở trong rừng cây, tôi được yêu thương và tìm ra ý nghĩa của đời sống của mình. “Rừng đã yêu em, rừng vẫn yêu em, Người ơi, ta bỗng nghe rừng hát trong ta..” ( Rừng cây trút lá – Trịnh Công Sơn ).

Sau thánh lễ, cả cộng đoàn phụng vụ cùng trầm tư tĩnh lặng trên đoạn đường dài tiễn cha già đến nghĩa trang.Cảm giác khi đứng trước nghĩa trang giữa rừng cây xanh um cũng thật đặc biệt. Những nấm mồ của các linh mục đã an giấc ngàn thu gây ấm lòng.Nghĩa trang như nối dài cuộc sống bình thường đến cõi thiêng liêng.

Mồ mả là chốn thiêng liêng nhất trong tâm thức người Việt. Mồ yên mả đẹp bao giờ cũng là phần thưởng lớn nhất và cũng là cuối cùng của một đời người. Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Sự tôn trọng đối với người đã chết hòa chung với sự tôn trọng đối với người còn sống. Những ngôi mộ các linh mục nằm gần gũi giữa cây xanh ruộng đồng nương rẫy. Một vòng đời đi qua, giống như một đoạn đường từ nhà ra đồng ruộng, lên rừng, rồi lại về nhà... Con người sinh ra ở trần gian không phải để để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, trái lại, đây chỉ là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa.

Một cuộc sống hiến dâng phục vụ được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Trong sự tiễn đưa ấm áp của Linh mục đoàn, linh tông huyết tộc, tu sĩ nam nữ, những bà con giáo dân nơi ngài từng phục vụ, trong sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời...cha già JB thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu.

Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết:

Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn huyền siêu. (Gitanjali 103,4).