Nơi nhà xứ này, mỗi khi đau ốm, tôi phải tự nấu cháo trắng, chỉ bỏ mấy hột muối, mấy lát gừng rồi ăn với chà bông. Bà bếp già người Canada chỉ biết nấu ‘chicken soup’ có bán sẵn trong hộp.

Ngày trước khi đau mà phải bò dậy xuống bếp, tôi cảm thấy rất là tủi thân, nhưng thời thế đổi thay, linh mục nấu cháo hay rửa chén là chuyện bình thường. Ở Việt nam không ai để cho linh mục rửa chén, vì vậy, hồi mới sang Canada, tôi rửa chén rất nhếch nhác. Bây giờ thì tôi tự hào mình làm sạch hơn nhiều bà nội trợ.

Đời thường của linh mục rất đại loại như trăm ngàn cuộc sống khác. Có gì đặc biệt đâu. Linh mục không phải là siêu nhân. Mang thân phận con người, nhưng là người được tuyển chọn thay cho dân, tế lễ đền tội cho mình và cho dân. Nó chỉ khác người thường vì thiên chức linh mục không do loài người, mà do Thiên Chúa ban tặng.

Nếu ai yêu quý linh mục, chỉ vì thấy ngài học giỏi, đẹp trai, con nhà giầu,v.v... thì người ấy bắt đầu lạc hướng. Linh mục đời thường vẫn phải lo chu toàn bổn phận và những công tác sinh hoạt thường ngày như biết bao nhiêu ngưòi khác, với biết bao nhiêu bận tâm về trách nhiệm mục vụ, công tác xã hội, thăm viếng bệnh nhân hay thăm viếng gia đình con chiên bổn đạo, dậy giáo lý, v.v...

Đôi khi giáo dân thấy linh mục hay ngồi đọc sách, nhìn thấy như vậy thường rất nể sợ, vì chẳng biết ông linh mục đang nghĩ gì. Thật ra có khi chẳng nghĩ gì cả mà đang lo lắng về nhiều kế hoạch cho giáo xứ, tỉ dụ như về vấn đề quản trị giáo xứ, không biết phải giải quyết ra sao khi giáo xứ đang hụt tiền. Cái lắng lo là không biết ngày mai ra nhà thờ có nên nói điều tế nhị này ra không, bởi vì nói nhiều lại sợ làm rát tai bổn đạo.

Buổi chiều buông, sau khi được mời dự tiệc tùng, có khi linh mục cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng đồng thời hài lòng vì nhà có đám cưới hay đám giỗ được vui vẻ vì sự hiện diện của linh mục. Đôi lúc cũng không thể đáp ứng được vì quá nhiều đám mời, linh mục cảm thấy lúng túng vì ngài muốn làm hài lòng hết mọi người, mà vì lực bất tòng tâm, nên ngài lại ước ao được mời ít thôi. Linh mục bị giằng co giữa cái không muốn và cái muốn mà không thể làm được.

Linh mục nhiều khi cũng muốn chiều bổn đạo, nhưng có những cái không thể chiều được. Linh mục muốn ban hành mọi phép bí tích. Nhưng đã rối vợ rối chồng thì làm sao làm được lễ cưới. Điều tra hôn phối ngay thẳng thì bị kêu là làm khó dễ. Chưa đủ điều kiện và thời gian để giải quyết thì người ta đã rối lên đòi làm ngay.

Bổn đạo cũng có người nóng tính và phán đoán gay gắt linh mục vì một sự việc nào đó mà họ buông lời thóa mạ, chửi bới. Đợi đến khi họ nguôi ngoai chạy đến xin lỗi thì vết thương của linh mục đã thành sẹo. Vì thế linh mục mới có thương tích trên mình. Chúa Giê-su đã chẳng chịu quân dữ đánh đòn tóe máu đó sao? Nhiều nỗi khổ không tên tuổi nhưng âm thầm gậm nhấm sức khỏe linh mục.

Làm được việc cho người ta thì họ hoan hô. Loạng quạng không giải quyết được việc là bị chê bai, bị đả đảo cũng có. Linh mục khó làm vừa lòng bổn đạo lắm. Có khi được cái này thì mất cái nọ, vừa lòng người này thì mất lòng người kia. Không đến nhà thì bị người ta nói là khinh người. Đi nhiều thì mang tiếng la cà. Gần gũi để thông cảm với thanh niên thì mang tiếng là người ham vui, xa cách thì bị chê là cù lần, lạnh nhạt. Ôi chao, về nhà ban tối chưa ngủ được mà lòng nặng chĩu ưu tư.

Ở xứ Việt nam thường rất vui, nhưng hay có chuyện nhức đầu. Ở xứ Canada yên tĩnh nhưng buồn. Đàng nào cũng là gánh nặng, chỗ nào cũng có thánh giá. Tôi đang làm phó xứ Canada, nhiều buổi chiều, tôi cứ nhìn lên Chúa chịu đóng đinh vừa cám ơn Chúa đã cho tôi khỏi bệnh nhức đầu, vừa than thầm: sao Chúa lại sai con đến đây, không một ai thân thích, giảng giải thì ngọng nghịu, con chẳng hiểu hết ngôn ngữ và văn hóa của người ta, có khi nghe thấy họ cười vang lên, con cứ tự hỏi họ cười gì thế. Chúa ôi, Chúa bắt con ở đâu, làm gì thì con phải chịu thôi. Chúa muốn con làm gì, thì con cũng xin phó thác, vì ai mà cãi lại được Chúa! Bỗng dưng tôi như nghe được câu nói thánh Phao-lô đã tường thuật trong thư của ngài: “Ơn Ta đủ cho con!”. Những buổi tối như vậy, tôi đã bớt trằn trọc và chìm vào giấc ngủ ngon.

Linh mục cũng nhiều khi nếm mùi thất bại, từ đứa trẻ con bảo nó không nghe, đến người lớn cứng đầu cứng cổ. Các bà các cô hay biếu xén, đem đồ ăn, quà bánh đến cho, nhưng ôi thôi, khi đã không hài lòng thì cũng chính họ xì xèo xí xéo nhiều nhất. Vậy nếu linh mục không có sức sống siêu nhiên, liệu ngài có e ngại khi giữa đêm khuya, vừa mới nằm ngủ, lại phải bò dậy đi kẻ liệt cho người ta? Liệu ngài có đủ sức khi cứ phải tiêu hao mình chạy theo những yêu cầu có khi không thích hợp của bổn đạo? Linh mục đôi khi cảm thấy xót xa khi khuyên người ta xưng tội nhưng bị từ chối? Chúa ôi, con chẳng được việc gì cho Chúa, nhưng con biết Chúa cứ bắt con làm, dù con không thấy kết quả. Có lúc cũng chán lắm, nhưng con cứ phải làm, vì biết rằng Chúa muốn con như vậy. Con chỉ xin Chúa một điều: đừng thử thách con quá vì sức con yếu đuối và rất dễ nản chí.

Tôi thiết nghĩ linh mục, cũng như hết thảy những ai muốn theo Chúa, luôn phải sống kiên trì, tuân theo ý Chúa, vì: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trời mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Vì chúng ta tất cả được kêu gọi nên thánh: “Anh em hãy nên thánh như Thân phụ anh em trên trời là Đấng thánh”. Chúng ta cứ an vui làm những gì Chúa bảo chúng ta làm, trước mặt Chúa chẳng có việc to việc nhỏ, và cũng chẳng có ai vĩ đại trước mặt Ngài.

Trên đây là chút cảm nghiệm bản thân tôi muốn chia xẻ trong ‘Năm Linh Mục’ bắt đầu từ 19-6-2009, do ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI đã công bố. Tôi muốn hãy cầu nguyện cho các linh mục và nâng đỡ các linh mục của Chúa. Cầu nguyện thật nhiều, vì lời cầu chân thành và khiêm tốn của chúng ta sẽ được Chúa nhận lời. Đó còn hơn các thứ quà tặng chúng ta có thể gửi đến cho các linh mục. Xin chân thành cảm ơn các anh em linh mục đồng nghiệp của tôi. Xin cảm ơn tất cả anh chị em giáo dân, những người tôi quen biết cũng như chưa quen biết, mà tôi mến yêu thật nhiều, vì tất cả chúng ta đều là chi thể trong thân mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô.