Ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh và vẻ tuyệt mỹ của sứ điệp Tin Mừng, Thánh Phaolô đã cảm thấy mình được Thiên Chúa gọi để công bố Tin Mừng này cho thế gian. Lập luận của ngài về sự khẩn cấp của việc truyền giáo được thấy rõ trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Vì bất cứ ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu rỗi. Nhưng làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin? Làm sao họ sẽ tin vào Ðấng mà họ chưa được nghe? Và làm sao mà họ sẽ được nghe, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà họ rao giảng, trừ khi được sai đi? Như có lời viết, “Ðẹp thay bước chân những người loan báo tin mừng!” (Rom 10:13-15).

Mặc dù Thánh Phaolô làm chứng rằng ngài đã được gọi để thành một nhà truyền giáo cho Dân Ngoại từ giây phút đầu tiên khi ngài gặp Đức Kitô Phục Sinh (x. Gal 1:15-16), nhưng phải mất một thời gian để ngài phát huy ơn gọi của mình. Ngài dành nhiều thì giờ cầu nguyện và sống trong cô tịch ở Syria, gần Đamascô. Ngài cũng lên Giêrusalem một thời gian ngắn để tham khảo với Thánh Phêrô và Thánh Giacôbê (Gal 1:17-20). Sau đó ngài về Cilicia (vùng đất quê hương của ngài ở miền Nam Tiểu Á) và sau cùng đi đến Antiôkia, là trụ sở đầu tiên của việc truyền giáo của ngài.

Trong thời Thánh Phaolô, Antiôkia (ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, gần biên giới Ly Băng và Syria) là một thành phố lớn thứ ba của Đế Quốc Rôma. Tại trung tâm thương mại và văn hóa phồn thịnh này có một cộng đồng Do Thái đáng kể cùng một số đông Dân Ngoại. Chúng ta đọc trong Sách Tông Đồ Công Vụ rằng ở đó những người theo Đức Kitô lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Và chắc củng là nơi Thánh Phaolô đã rèn luyện sứ điệp Kitô giáo dành cho các Kitô hữu gốc Dân Ngoại, và từ đó ngài đã khởi đầu các cuộc hành trình truyền giáo của ngài về phiá Tây qua Tiểu Á và sau cùng đến Hy Lạp, là thời điểm đầu tiên ngài đặt chân lên đất Âu Châu và có thể thành lập một cộng đồng Kitô hữu tại Philliphê (Cv 16:11-12).

Thường thì Thánh Phaolô đi đến hội đường địa phương trước để công bố sứ điệp của ngài; có một số người Do Thái và nhiều Dân Ngoại có cảm tình thường đến các hội đường, và họ đã nghe theo lời rao giảng của ngài. Trong nhiều trường hợp, các bài giảng của ngài tạo ra những cuộc tranh luận và làm cho ngài gặp khó khăn với chính quyền. Sau này, ngài đã phải trực tiếp kêu gọi Dân Ngoại (thay vì qua các hội đường Do Thái).

Điều quan trọng phải nhớ rằng Thánh Phaolô ít khi làm việc một mình. Trong những ngày đầu tiên ngài làm việc chung với Thánh Barnaba và Thánh Gioan Marcô, cho đến khi xảy ra sự bất đồng làm nhóm này bị tan rã. Như ngài thường ghi nhận trong các Thư của ngài, các cộng sự viên quan trọng của ngài gồm có Silas, Timôthê, Titô, và Luca, cùng những nhân vật quan trọng khác ở các địa phương như cặp vợ chồng Aquila và Pricilla ở Côrinthô, Lyđia ở Philliphê, và phụ tá Ploebe ở Cenchreae.

Thánh Phaolô là người có những hoài bão lớn. Như ám chỉ trong Chương 15 của Thư Roma, ý định của ngài là thành lập các giáo đoàn ở khắp nợi trong vùng duyên hải phía bắc của thế giới Địa Trung Hải, rồi đến Tây Ban Nha. Như thế ngài chinh phục các Dân Ngoại cho Đức Kitô. Đó là những thành quả vinh quang của ân sủng Thiên Chúa, mà ngài đã hy vọng rằng sau đó sẽ thuyết phục tất cả dân Israel đón nhận Đức Kitô. Như thế sứ vụ của ngài sẽ được hoàn tất.

Đương nhiên là Thánh Phaolô không bao giờ thấy giấc mộng của mình được thực hiện, nhưng tình yêu nhiệt thành ngài dành cho Đức Kitô và sự lo lắng không ngừng của ngài dành cho Dân Ngoại và Dân Do Thái thân yêu của ngài đã giữ cho lòng say mê của đời sống ngài hoàn toàn sinh động.

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để bàn luận: Trong thời đại này, chúng ta ý thức rằng mình phải tôn trọng những người khác và những truyền thống tôn giáo của họ, nhưng là Kitô hữu, chúng ta vẫn được mời gọi để làm chứng cách công khai về vẻ đẹp của Đức Tin của mình, một sứ vụ mà chúng ta cùng chia sẻ với đàn anh Phaolô. Trong đời sống của tôi tôi đã được mời gọi để làm chứng cách công khai về Đức Kitô thế nào?

LM Donald Senior, C.P.

Chuyển ngữ từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=169

------------------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.