LINH MỤC, CHỨNG NHÂN ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO

BÀI CHIA SẺ TRONG THÁNH LỄ THỨ NĂM (Sau Chúa Nhật II MC)

TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2009

Dẫn nhập: Kính thưa...

Hôm nay, ngày cuối của tuần tĩnh tâm linh mục, ngày mà theo chương trình truyền thống của tuần tĩnh tâm năm giáo phận Qui Nhơn, dành riêng để cầu nguyện và tưởng nhớ đến các Giám Mục, linh mục, Phó tế trong giáo phận đã qua đời. Hôm nay cũng là ngày Thứ Năm trong tuần II Mùa Chay, tuần lễ mời gọi Dân Chúa cùng “Biến Hình” với Chúa Kitô trong cuộc hành hương tiến về Đại lễ Phục Sinh, chấp nhận sẵn sàng “lột xác” để gương mặt rạng ngời của Chúa Kitô Phục Sinh tiếp tục sáng lên trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu, nhất là cuộc đời của mỗi anh em linh mục chúng ta.

Như vậy thật là thích hợp, để chúng ta vừa lắng nghe sứ điệp Lời Chúa được công bố trong thánh lễ nầy để kín múc từ đó những điểm qui chiếu cho cuộc đời thánh chức, vừa trở về nguồn cội những “cây cao bóng cả” các bậc cha anh để tìm lại những hành trang quí báu cho cuộc hành trình sống chức linh mục trên những nẻo đường mục vụ hôm nay.

I. LINH MỤC: CHỨNG NHÂN CỦA ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO :

Trước hết, trích đoạn của sách sứ ngôn Giêrêmia sau khi đưa ra 2 mẫu người với chọn lựa cuộc sống cùng với kết quả của sự chọn lựa đó:

Mẫu 1): Chọn người đời làm điểm tựa:

Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,
lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,
và lòng dạ xa lìa Đức Chúa.


Kết quả: Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa.
Chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ


Mẫu 2). Chọn Thiên Chúa làm điểm tựa:

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa,
Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân


Kết quả: Người ấy như cây trồng bên dòng nước
Đâm rễ sâu vào mạch suối trong…


Trong khi đó, với dụ ngôn “Ông phú hộ và anh Lagiarô ăn mày”, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai mẫu người cùng với kết cục cuộc đời của họ:

Mẫu 1: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vó, ngày ngày yến tiệc linh đình….”

Kết cục cuộc đời: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình…”

Mẫu 2: “Người nghèo khó La-da-rô, mụn nhọt đầy mình…thèm được những thứ trên bàn ăn…”

Kết cục cuộc đời: “Thiên thần đem vào lòng ông Abraham…”

Như vậy chúng ta thấy quá rõ ràng dụng ý của bàn tiệc Lời Chúa hôm nay: mời gọi chúng ta đứng về phía của những người đặt niềm tin nơi Chúa, về phía của những người nghèo của Giavê (anawim). Thật ra, tư tưởng và hình ảnh “người nghèo của Giavê” gần như đã âm vang suốt chiều dài của lịch sử cứu rỗi, xuyên qua sứ điệp của các ngôn sứ như Ê-dê-ki-en, A-mốt, I-sa-ia, Giê-rê-mi-a…; và đặc biệt nổi bật lên qua lời cầu nguyện và thái độ tâm hồn được diển tả qua những lời thánh vịnh:

“Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
Chỉ lối cho tội nhân,
Dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính
Dạy cho biết đường lối của Người”… (Tv 25,8-9)


“Người giải thoát bần dân kêu khổ
Và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
Chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
Giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn…” (Tv 72, 12-13)


Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương,
Hằng gìn giữ những ai bé mọn…” (Tv 116,5-6
)

để cuối cùng cô đọng lại như điểm qui chiếu chung kết là “Con đường Bát Phúc” của Tân ước trong loạt bài giảng trên núi của Chúa Giêsu: “Phúc cho ai có tâm hôn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1), hay được cụ thể hóa cách sống động nơi những mẫu người “nghèo” điển hình như Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse, ông bà Giacaria và Isave, Gioan Tẩy giả, các mục đồng thành Bê lem…và tiếp sau đó là những Tông đồ sẵn sàng bỏ lưới bỏ thuyền, cha mẹ vợ con, bỏ cả “túi tiền nơi bàn thu thuế”… để lang thang với vị tiên tri “không có viên đá gối đầu”, những người như Maria Bêtania sẵn sàng đập bể bình dầu cam tùng để xức chân Chúa, như Giakê sẵn sàng đem nữa tài sản phân phát cho người nghèo và đền gấp bốn những thiệt hại…, những người nghèo đến độ danh dự, phẩm giá, cuộc đời chỉ còn đọng lại nơi những giọt nước mắt sám hối rơi trên chân Chúa như Maria Mađalêna, hay đó là những trẻ em, những người nghèo được dành chỗ ưu tiên trong Vương Quốc Nước Trời (Mt 18,1-4), và cuối cùng, dó là người nghèo nhất trong những người nghèo của nhân loại: Giêsu Na-da-rét, người tử tội bị đóng đinh giữa hai người trộm cướp, chết trần truồng không mảnh áo che thân…

Nếu đem hai chữ “khó nghèo” áp dụng vào đời sống và sứ vụ của các linh mục, thì quả thật Giáo Hội có cả một kho tàng giáo huấn và kinh nghiệm, mẫu gương và chứng tá, của gần 2000 năm lịch sử. Xét về mặt giáo huấn, chúng ta chỉ cần đọc lại nguyên số 30, chương III trong Tông Huấn “Pastores dabo vobis” của Đức cố ĐGH G.P. II, sẽ gặp được những chỉ dẫn cơ bản và cần thiết như:

- Nghèo khó của linh mục đó là “đem mọi của cải (tous les biens) tùng phục Của Cải tối thượng (Bien suprême) là Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài”.

- Nghèo khó của linh mục đó là: “tự do sử dụng những của cải ấy và đồng thời vui vẻ khước từ chúng với một trạng thái ứng trực nội tâm, đối với Thiên Chúa và đối với những kế hoạch của Ngài”.

- Linh mục khó nghèo đó là “linh mục phải coi người nghèo và những người yếu đuối nhất như là được giao phó cho mình một cách đặc biệt, và phải có khả năng nêu chứng tá nghèo khó bằng một đời sống giản dị và khắc khổ, vì đã quen từ bỏ một cách quảng đại những gì là dư thừa” (Optatam totius, ĐT số 9; GL khoản 282”, là người “nêu chứng tá về một sự “trong suốt” hoàn toàn trong việc quản trị tài sản cộng đoàn….sẽ không bao giờ xử sự như thể tài sản ấy là gia sản riêng tư của mình, nhưng như những gì mà mình phải thanh thỏa trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh em mình, nhất là trước những người nghèo”.

- Linh mục sống khó nghèo cũng có nghĩa là: “biết chú tâm tới những người bé nhỏ, tới các tội nhân, tới hết mọi người sống ngoài lề xã hội, theo như mẫu mực mà Đức Giêsu đã để lại trên bước đường thừa tác vụ ngôn sứ và tư tế của Ngài” (x. Lc 4,18).

- Và Tông huấn cũng đưa ra một dấu chỉ để đánh giá một linh mục thực sự biểu hiện đức khó nghèo trong xã hội hôm nay: “Một linh mục thực sự nghèo khó chắc chắn sẽ là dấu chỉ cụ thể cho sự cách biệt, cho sự chối từ chớ không phải cho sự lụy phục đối với bạo quyền trong thế giới đương thời là thế giới đặt trọn niềm tin cậy của mình nơi tiền bạc và nơi sự an toàn vật chất”.

Ôn lại sứ điệp Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội như thế để điều chỉnh lại cuộc sống linh mục, chắc chắn không phải là chuyện dư thừa trong cuộc tĩnh tâm nầy. Bởi vì, hơn lúc nào hết, trong xã hội Việt nam hôm nay, đang cần những “chứng nhân của đời sống khó nghèo”, một “loại hình chứng nhân” xem ra trở thành của quý hiếm trong một xã hội đua đòi, hào nhoáng, phương tiện và sự hưởng thụ giàu sang…

Có một điều may mắn, trong dòng chảy truyền thống của hàng ngủ linh mục giáo phận Qui Nhơn, quả thật, chúng ta không thiếu những chứng từ sống động về đời sống khiêm hạ, khó nghèo.

II. NHỮNG CHỨNG TỪ CỦA CHA ÔNG:

Hôm nay, trong thánh lễ nầy, khi tưởng nhớ và cầu nguyện cho các Đấng Giám Mục, linh mục, phó tế của giáo phận đã an nghỉ, quả thật, chúng ta như thấy sống lại bao chứng từ sống động của các vị cha anh, chúng ta như chiêm ngưỡng được cái uy hùng, ngất ngưỡng của những cây cao bóng cả. Quả thật, với chòm râu nhân từ của ĐC Dominicô, của cha già Đức, với mái tóc bạc thân thương của ĐC Phaolô, cùng với những gương mặt, nụ cười hiền lành, dễ mến của Quý cha già Tiên, cha già Hiến, cha già Châu...chúng ta không chỉ được chuyển tải một giá trị bằng hình tượng khả giác, nhưng là cả một gia tài tinh thần cao quí. Đó chính là lòng nhân từ, sự hiền lành, nhân đức khiêm nhu. Nếu mọi linh mục hôm nay đều toát lên nơi gương mặt của mình, tỏa sáng trong nụ cười và cung cách ứng xử của mình cái chất “hiền lành, khiêm nhu” của các bậc Cha ông khả kính đó thì đẹp biết bao, dễ sống với nhau biết nhường nào và chắc chắn cũng thành công mục vụ không ít.

Và nếu cần những chứng từ của một đời linh mục giản đơn, khó nghèo để chúng ta noi gương mà trụ vững giữa một xã hội ngập tràn những cơn cám dỗ của hào nhoáng và phương tiện, của đua đòi và lãng phí, của hưởng thụ và giàu sang...thì chúng ta hãy đọc lại cuộc đời của Cha Tám Ân, Cha Bùi Huy Bích, cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri...Các Ngài giảng đạo, truyền giáo đôi khi chỉ chỉ cần một chiếc võng để đong đưa giấc ngủ trong một mái tranh nghèo; các ngài đi đến với đàn chiên từ xóm nầy qua làng nọ đâu cần phải “ngựa xe kiệu lọng” mà chỉ cần một chiếc xe đạp cà tàng hay chiếc gắn máy cũ kỷ. Làm mục vụ ở giữa đám dân gầy “liên khu 5” thường xuyên đối mặt với chiến tranh loạn lạc, với bảo lụt triền miên…nên đối với các ngài, một chiếc áo rách vai, một chiếc quần bà ba cũ kỷ bạc màu lại dễ tiếp cận giáo dân và lương dân hơn là phong cách đạo mạo, quý phái của những bậc quan quyền phong kiến.

Đó không là chứng từ của sự khó nghèo linh mục hay sao ? Rồi cũng từ cái phong cách giản đơn, khiêm tốn, thanh bần đó, hàng linh mục Qui Nhơn lại được tài bồi thêm những giá trị nhân bản quý giá: sống nghĩa tình huynh đệ, sống nghĩa khí bạn bè, sống thân tình sư đệ, sống yêu thương phụ tử. Từ thế hệ linh mục cận kề mới đây như Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn, Cha Tổng Đại Diện Anrê Huỳnh Thanh Khương... cho đến thế hệ của các cây đại thụ tiền bối như cha Châu, Cha Đại, Cha Tám Ân...đã để lại những dấu ấn không phai mờ về tình huynh đệ, về cái chất dung dị hòa đồng, về tâm tình cảm thông, liên đới, sẻ chia trong cuộc đời linh mục.

Quả thật, chúng ta có cả một cội nguồn phong phú, những cây cao bóng cả tuyệt vời. Nếu ai đó cố tình cắt đứt cái truyền thống Qui Nhơn tốt đẹp cao quý nầy thì e rằng sẽ biến mình thành một linh mục cô đơn, nghèo nàn, nếu không nói là biến chất, đánh rơi căn tính.

Kính thưa…

Sứ điệp Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay quả là thích hợp để khơi lên trong chúng ta ý chí và tình yêu để tiếp tục chọn lựa sự khó nghèo của Phúc Âm, chọn lựa đánh cuộc đời mình trong sự phó thác và đặt điểm tựa hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Chắc chắn, có một sức mạnh vô hình sẽ giúp chúng ta kiên vững trong chọn lựa khó khăn nầy, đó chính là sự hiện diện của Vị Mục Tử Chí Thánh Giêsu, Đấng, mà nhờ bàn tay và miệng lưỡi đớn hèn nhân loại của chúng ta, sẽ hiện diện trên bàn thờ nầy qua hình bánh rượu.

Chính trong tâm tình khiêm hạ, khó nghèo, chúng ta có thể cùng nhau đọc lại bức thư của thầy A. Roncalli (tức ĐGH Gioan XXIII) gửi thăm ba má:

“Đại chủng viện Rôma, ngày 16.01.1901,
Trọng kính thăm Ba Má, Bác Hai, Cậu và anh chị.
Khi thư nầy đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự tuần đại phúc mở tại họ đạo; và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.
Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bằng an, phó thác trong tay Chúa Quan phòng.
Con lấy làm vinh dự sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ Giáng Sinh thì được thẻo bánh má tự làm. Tuy nhiên, dù gần 20 đứa lớn bé đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ vào bàn chia bữa ăn với chúng con…
Chúa muốn con làm linh mục không vì giàu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo. Con: Angelo
”.

Ước gì lời quyết tâm của Đức cố GH Gioan XXIII cũng là lời quyết tâm của tất cả anh em linh mục chúng ta hôm nay: Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo.”. Amen