Hồng Y Tổng Giám Mục Phaolô giuse Phạm Đình Tụng:
Kỷ Niệm Khánh Nhật Cửu Tuần (1919-2008) tại Hà Nội


Vài Hàng Tiểu Sử Hồng Y TGM Phaolô

Ngày 10/01/2008 tại Hà Nội, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã tồ chức Khánh Nhật Cửu Tuần Hồng Y Tổng Giám Mục Hà Nội. Mở đầu Khánh Nhật Cửu Tuần, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ngỏ lời mở đầu sau đây:

“Không có niềm vui nào lớn hơn cho con cái khi có được cha mẹ ở bên cạnh. Niềm vui đó hôm nay được thực hiện giữa chúng ta, khi chúng ta được quay quần chunh quanh Đức Hồng Y, người Cha già đáng kính, đáng mến của chúng ta.

Niềm vui đoàn tụ càng lớn lao khi chúng ta được mừng những thành tựu của Đức Hồng Y với 90 tuổi đời, 60 tuổi Linh Mục, 45 tuổi Giám Mục, và 15 tuổi Hồng Y. Đó là những phúc lộc hiếm có trên đời.

Niềm vui của chúng ta có xen lẫn niềm tự hào. Vì trong những năm tháng qua, Đức Hồng Y đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa, cho Hội Thánh và đã để lại biết bao thành quả mà ngày nay chúng ta đươc hưởng nhờ.

Ngài là tấm gương sáng chói cho chúng ta về đời sống thánh thiện đạo đức, về sự tận tụy phục vụ Chúa và Hội Thánh, về tầm mức nhìn xa trông rộng trong việc đào tạo nhân sự, về sự vui lòng chấp nhận Thánh Ý Chúa và sự khiêm nhường quên mình sâu xa.

Ngài là món quà quí giá Chúa tặng ban cho chúng ta. Qua Ngài biết bao ơn phúc của Chúa đổ tràn trên Tổng Giáo Phận Hà Nội, trên mổi người chúng ta.

Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì Đức Hồng Y và với Đức Hồng Y. Chúng ta tri ấn Đức Hồng Y đã hiến trọn cuộc đời cho Chúa vì chúng ta. Chúng ta cầu nguyện với Ngài và cho Ngài. Xin Chúa ban nhiều sức khỏe, để Đức Hồng Y tiếp tục ở giữa chúng ta như mái nhà che mưa nắng, như tấm gường sáng chói để chúng ta noi theo và như máng chuyển ơn lành của Chúa đến với mọi người.Hà Nội ngày 10 tháng 01 năm 2008. Giuse Ngô Quang Kiệ. Tổng Giám Mục Hà Nội”

Thời Thơ Ấu và Trưởng Thánh (1919-1948)

Cậu Phạm Đình Tụng chào đời ngày 20/5/1919 tại thôn Cầu Mễ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình thuộc địa phận Hà Nội. Cậu được rửa tôi với tên thánh quan thầy là Phaolô, một vị tông đồ nhiệt thành của giáo hội thưở sơ khai.

Cách nay gần một thế kỷ, Cầu Mễ vốn chỉ là một xóm đạo thôn quê nghèo nàn. Từ đó xuất hiện một cậu bé đơn sơ chất phác trong một gia đình đạo hạnh. Nhưng thân phụ cậu, ông Phêrô Phạm Văn Hiến, có chút học vấn chữ quốc ngữ và thông thạo chữ nho đủ để được Hội Đồng Kỳ Mục bổ nhiệm làm Phó Lý trong làng. Thân Mẫu cậu là bà Anna Nguyễn Thị Bông, vốn chân chất hiền từ chăm lo cho gia đình.

Lớn lên, song thân hiến dâng cậu cho Chúa. Cậu Tụng được gia nhập Tràng Tập và học xong, đỗ bằng Certificat d’Étude Primaire (bằng sơ học), và được chọn học lên trong Tràng La Tinh Hoàng Nguyên, thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây).

Trong những năm học ở Tràng Latinh, cậu là một học trò gương mẫu xuất sắc về nhiều mặt, còn đứng đầu lớp về hạnh kiểm và học vấn…

Mãn Tràng Latinh năm 1940, Thầy Tụng được Bề Trên địa phận triệu tập về học tại Trường Lý Đoán Hà Nội. Đây là trụ sở chủng viện mới được chuyển từ Kẻ Sở về Liễu Giai Hà Nội. Sau hai năm học lý đoán, thầy được bổ về giúp xứ Khoan Vĩ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Sau thời gian đi thức tập mục mụ, thường gọi là đi giúp xứ, thầy được gọi học tiếp lên chương trình lý đoán. Năm 1945, thầy Tụng cùng với các đồng môn phải chia tay trong chuỗi các biến cố chính trị xã hội tháng 8 và 9 năm 1945.

Tháng 9 năm 1948, Tràng Lý Đoàn được mở lại nhưng tại trụ sớ trước kia của trường tập, ngay trong khuôn viên tòa giám mục Hà Nội ở 40 Phó Nhà Chung.Thầy Tụng được về tựu trường và học tiếp.

Thời Làm Linh Mục (1949- 1963)

Ngày 6/6/1949, cùng với năm thầy khác, thầy Tụng được thụ phong Linh Mục. Tân linh mục nhận bài sai phục vụ tại Cô Nhi Viện Têrêxa do LM P Seitz Kim quản nhiệm từ Sơn Tây chuyển về Hà Nội, rồi làm cha phó và chính xứ Hàm Long năm 1950-1955. Linh mục xây dựng và điều hành khu nhà tế bần ở Bạch Mai, rộng khoảng 4000m2, phục vụ những người thiếu thốn từ miền quê nghèo nàm lên sinh sống tại Hà Nội.

Sau khi lực lượng Việt Minh về tiếp quản Hà Nội tháng 10/1955, Linh mục Tụng được chính thức bổ nhiệm trông coi Chủng Viện Gioan Hà Nội với tư cách Giám Đốc. Tiểu Chủng Viện Gioan tọa lạc tại khu Tràng Tập trước đầy, 40 Phố Nhà Chung Hà Nội. Gia đình chủng viện Gioan có tới 200 chủng sinh thuộc các giáo phận Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm và Thanh Hóa.

Lời Chứng Của Một Cựu Chủng Sinh Chủng Viện Gioan: [17] “Người Cha Ân Cần Của Tôi”.

“Tôi là một trong hai “cậu » của cha già Toàn xứ Nội Bài bị bỏ lại sau biến cố 1954, rồi cha già Tất đón tôi lên xứ Yên Mỹ. Đầu năm 1955, cha Quảng sai thầy Sức đi khắp giáo phận chiêu sinh về Tòa Giám Mục Bắc Ninh bồi dưỡng. Niên học 1955-1956, đoàn chúng tôi (12 cậu) được lệnh lên đường đi Chủng Viện. Đi xe lửa ra ga Hàng Cỏ, rồi chúng tôi cuốc bộ vào Nhà Chung Hà Nội. Thầy Triệu đưa chúng tôi vào chủng viện Gioan gặp cha Giám Đốc Phaolô Phạm Đình Tụng.

Lần đầu tiên gặp mặt, Ngài ân cần thăm hỏi, căn dặn, thân hành đưa chúng tôi thăm từ nhà ngủ tới nhà nguyện, nhà ăn, nhà tắm, va hướng dẫn tỉ mỉ các sử dụng. Cử chỉ ân cần ấy đã làm lũ trẻ chúng tôi hết sợ vì dáng vẻ nghiêm nghị của Ngài lúc ban đầu.

Sư ân cần của Ngài với từng người đã khiến mọi chủng sinh chăm chỉ. Riêng tôi, Ngài có vẻ quan tâm hơn, có lẽ vì tôi là Đoàn Trưởng Chủng sinh Bắc Ninh, lại là một Đội Trưởng trong suốt thời gian lưu học. Năm năm trời thấm thoát trôi qua. Hè 1960, chuẩn bị về Trường, chúng tôi nhận được giấy báo “Nhà Trường tạm hoãn”.

Tôi tranh thủ ra gặp Ngài. Ngài động viên chờ đợi. Có lẽ Ngài cũng tiên đoán “tạm hoãn” lâu dài, nên ngài đã quan tâm tới Bắc Ninh. Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này, mấy anh em chúng tôi (Tòng, An, Duyến, Lễ, Hỷ, Vinh) lại được Ngài ân cần chăm lo dạy dỗ. Càng khó bao nhiêu, Ngài lại càng ân cần bấy nhiêu, từ ổ bánh mì ăn sáng cho tới mỗi người đều có chìa khóa cổng để vào Trường… Sự việc cứ kéo dài ba năm như thế cho tới khi Ngài làm Giám Mục cai quản giáo phận Bắc Ninh.

Thời Làm Giám Mục

Ngày 15/8/1963, linh mục Phaolô Phạm Đình Tụng được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục và thụ phong tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội hôm đó với hẩu hiệu: “Chúng Con Tin Ở Tình Yêu Thiên Chúa”.

Tiếp Tục Lời Chứng Của Một Cựu Chủng Sinh: Vẫn Chăm Lo Giáo Dục Các Chủng Sinh

[17]“Về Bắc Ninh, Ngài lại càng ân cần hơn, nhất là khi anh em chủng sinh chúng tôi bị tập trung cải tạo (lớn vào trại giam, bé đi công nhân), hòng làm nhụt chí [18] đời tu của chúng tôi… Nhưng cha Giám Đốc, giờ đây trong cương vị Mục Tử, lại càng tỏ ra ấn cần chăm sóc hơn. Với anh em nhỏ mỗi Chúa Nhật vẫn lặng lẽ hòa vào dòng người về Toà Giám Mục dự lễ để nhận nơi Ngài sự ân cần thăm hỏi, động viên, nhắc nhở. Còn các anh em lớn chúng tôi, tất cả đều đã xa Ngài, vì phải vào tù cùng với bao chủng sinh của các Địa phận khác. Lúc này Ngài lại thể hiện sự ân cần với chúng tôi bằng cách thăm hỏi động viên gia đình. Mỗi dịp gia đình đi thăm nuôi, Ngài đã gửi quà và lời thăm hỏi tới từng anh em chúng tôi.. Riêng tôi ở trại Phong Quang, vì xa lại đang giai đoạn miền Bắc bị bắn phá, nên mỗi năm một lần gia đình lên thăm. Lần nào cũng có quà của Đức Cha Phaolô cho toàn anh em.

Đặc biệt với tôi và qua tôi, Ngài đã gửi một Món Quà vô giá: Mình Thánh Chúa. Đó là món quà không dễ dàng đến được một cách công khai trong nhà tù, và cũng không phải Bề Trên nào cũng thục hiện được với con cái mình khi bị giam giữ. Mẹ tôi là người duy nhất, trước mỗi lần đi thăm tôi, đều về Bắc Ninh gặp Đức Cha, xưng tội, nhận một hộp thuốc “Cảm”. Mỗi lần ra nhận là một lần tôi hồi hộp đến cực độ và đặt ra nhiều phương án. Nhưng 9 năm an toàn tuyệt đối. Chín năm Cha cựu Giám Đốc đã ân cần yêu thương chăm sóc chúng tôi bằng chính Mình Thánh - nguồn sức mạnh tuyệt với cho chúng tôi trong cuộc lưu đầy này. Chúng tôi (cả giáo dân) chia nhau chầu. Riêng Thầy Sức phải xếp cho Thầy chầu trứớc, vì Thầy là sợi giây liên kết nhiệt thành trong anh em. Mặt khác, tôi cũng sợ Thầy vì sốt sắng quá mà để lâu Mình Thánh trong trại, để xảy ra điều bất kính…

Sau khi ra trại năm 1972, tôi về thăm Ngài, đang sơ tán tại Xuân Hòa (K ẻ Roi), Ngài lại ân cần thăm hỏi, chăm lo, dìu dắt tôi, trao tài liệu học hành. Rồi trong dịp ốm nặng, Ngài đã ấn cần dặn dò và đặt tay truyền chức cho bảy anh em linh mục chúng tôi trong một đêm đấy khó khăn về hoàn cảnh cũng như sức khỏe của ngài.

Tuy phải chăm lo cho cả đoàn chiên đông đúc trong toàn giáo phận, Ngài vẫn daành sự chăm sóc cho từng người, trong đó có tôi. Và cũng chính sự ân cần này cộng với gương thánh thiện của Ngài, Ngài đã được nhiều người mến mộ”.

Đoạn hồi ký trên đây quả là một bằng chứng nhãn tiền cho thấy đức tính chịu dựng kiên cường, trung tin trong đức tin của những tín hữu Kitô bị thử thách ghê gớm thế nào. Lòng yêu mến Thánh Thể đã trở thành nguồn sức mạnh vô biên cho các tín hữu chịu đựng lao nhọc cực khổ trong các trại giam vô cớ người có đạo.

Thành Lập Hội Đoàn Công Giáo

Ngày 5/10/1963, Giám Mục Tụng chính thức nhậm chức tại giáo phận Bắc Ninh. Vì diện tích giáo phận rộng lớn lại thiếu linh mục, nên Giám Mục đã có kế hoạch xây dựng hàng ngũthành viên trong Ban Hành Giáo trở nên các tông đồ giáo dâ kín đáo và nhiệt thành. Họ là mạng lưới cộng tác viên mục vụ và truyền giáo tích cực và trung thanh: lo mục vụ, suy tôn Lời Chúa, rửa tội các trẻ em, hướng dẫn học giáo lý, quản lý đất đai và tài sản của giáo xứ.

Ngoài ra Giám Mục xúc tiến thành lập các đoàn thể Công giáo tiến hành như: Huynh Đoàn Đa Minh Giáo Dân, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Ca Đoàn, Giới Trẻ, giáo lý viên, Thiếu Nhi Thánh Thể. Những hội đoàn này trở nên nòng cốt trong mọi sinh hoạt để đọc kinh cầu nguyện, học hỏi và sống Lời Chúa

Sáng Lập Tu Hội

Ngay năm đầu tiên làm Giám Mục Bắc Ninh, Giám Mục Tụng đã thành lập Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, với 20 thành viên ban đầu. Nay số hội viên của Tu Hội đã phát triển đến 213 người.

Linh đạo của Tu Hội rất đơn gián: Noi gương Đức Maria tận hiến cho Thiên Chúa Ba Ngôi, cố gắng cộng tác vào sứ vụ cầu nguyện cho sự thống nhất của Giáo Hội, bằng chính lời cầu nguyện, thực hành việc bác aí từ thiện phục vụ xã hội. Châm ngôn của mọi thành viên bắt nguồn từ tư tưởng Ngài thường nhắc nhở:

“Người phải nổi bật lê, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3: 30). Ngài thường luôn nhắn nhủ các thành viên: “Các con có hiệp nhất yêu thương nhau không? Có sống khó nghèo không? Có sống tinh than phú thác và tự hủy của Chúa Giêsu theo gương Mẹ Maria không?. Muốn làm gì thì làm, các con phải có một đời sống nội tâm thâm sâu với Chúa, phải lấy ý Thiên Chúa là lương thực tuyệt đối cho cuộc sống hằng ngày và cả cuộc đời dâng hiến của chúng con. Cha già rồ,i không làm việc được nữa, các con hãy làm thay cha. Cha phải nhỏ đi còn các con phải lớn lên. Thấy các con trưởng thành, cha vui lắm.”

Hoàn cảnh giáo phận Bắc Ninh những năm 1960 bị và sói xâu xé dê, chiên lành thì không còn bao nhiêu. Với số linh mục ít ỏi già nua bệh tật, giáo phận lâm vào cảnh tiêu điều hoang tàn. Giám mục thấy mình nhỏ bé bất lực và hoàn toàn phú thác vảo Chúa giúp đỡ. Rồi ngài qui tụ những tâm hồn thiện chí hiến mình cho các hoạt động xã hội mục vụ, góp phần vào công cuộc chung của Giáo Hội.

Xu hướng thành lập Tu Hội này vẫn được tiếp tục sau này khi Ngài làm Hồng Y

Làm Tông Đồ Mục Vụ Trong Thời Buổi Khó Khăn

Trong nhiều năm khó khăn tiếp theo, Giám Mục Tụng vẫn kiên trì hoạt động đạo tạo chủng sinh bằng phương pháp hàm thụ. Ngày 16/9/1974, Giám Mục đã âm thầm truyền chức cho bảy thầy phó tế lên chức linh mục.

Ngày 15/8/1988, có tới hơn 30.000 tín đồ đến mừng Ngân Khánh Giám mục của ngài.

Để có người kế thừa đảm lãnh việc mục vụ, quản lý giáo phận, ngày 25/1/1989, ngài tấn phong linh mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến làm Giám Mục.

Năm 1983, lễ kỷ niệm một trăm năm giáo phận Bắc Ninh được ngài tổ chức long trọng.

Năm 1992, Các lễ trọng được tổ chức khi nhà thờ chính tòa được 100 tuổi, đồng thời ngài cử hành lể khánh thành Tòa Giám Mục mới và mở năm toàn xá trong giáo phận.

Trong suốt thời gian quản nhiệm giáo phận Bắc Ninh từ 1963 đến 2004, Ngài đã xây dựng lo xây dựng các cơ cấu, tổ chức giáo phận, nhất là cổ vũ tinh thần kiên trì trung thành với đức tin và lòng nhiệt thành truyền giáo của cộng đoàn dân Chúa Bắc Ninh. Trước khi từ giã Bắc Ninh về trấn nhận TGP Hà Nội, ngài tuyên bố:

“Tuy cha rời giáo phận, nhưng tầm hồn cha vẫn luôn ở lại với gia đình Bắc Ninh. Cha luôn cầu nguyện cho các con”.

Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội

Ngày 14/8/1994, Tổng Giám Mục Phạm Đình Tụng chính thức nhận trách vụ quản nhiệm TGP Hà Nội. Ngay hôm sau, vì nhu cầu, Linh mục Phaolô Lê Đắc Trọng được tấn phong làm Giám Mục phụ tá trong TGP Hà Nội. Ngày 26/11/1994, Đức Gioan Phaolô II tôn phong tước Hồng Y cho TGM Phaolô Phạm Đình Tụn. Ngày 23/4/1994, Đức Gioan Phaolô II chính thức bổ nhiệm Ngài làm Tổng Giám Mục Hà Nội sau 31 năm rời bỏ Hà Nội đi quản nhiệm giáo phận Bắc Ninh.

Nhiệm vụ đầu tiên là Ngài chú trọng đào tạo nhân sự cho giáo phận Hà Nội. Ngoài ra Ngài còn tổ chức các khóa thường huấn linh mục, cổ vũ ơn gọi và thăm viếng mục vụ nhiều giáo xứ và ban hành nhiều thư chung đến cộng đoàn dân Chúa Hà Nội

Năm 1995, Ngài được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhiệm Kỳ VI (1995-1998) trong Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Hà Nội.

Năm 1996, Hồng Y Hà Nội cầm đầu phái đoàn Giám Mục Việt Nam đến triều yết Giáo Hoàng theo chu kỳ chuyến đi Ad Limina cứ bốn năm một lần theo giáo luật.

Năm 1998, Ngài được bổ nhiệm Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Lạng Sơn.

Nhưng v tuổi già sức yếu, nhiều lần Ngài đệ đơn xin Tòa Thánh nghỉ hưu. Ngày 26/4/2003, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chấp nhận đơn xin từ chức của Vị Hồng Y 84 tuổi, và đồng thời bổ nhiệm Giám Mục Ngô Quang Kiệt, quản nhiệm Lạng Sơn, làm Giám Quản Tông Tòa TGP Hà Nội. Ngày 19/2/2005, Giám Mục Ngô Quang Kiệt chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Hà Nội

Thành Lập Tu Hội Nhà Chúa

HY/TGM Phạm Đình Tụng vốn có sáng kiến thiết lập nhiều tu hội từ khi quản nhiệm giáo phận Bắc Ninh. Ngày 1/8/1996, Tu Hội Anh Em Nhà Chúa được thành lập kế vị Hội Thầy Giảng, mà nay được đổi tên là Tu Đoàn Truyền Tin Hà Nội.

Tu Hội Nhà Chúa qui tu những anh em sống tinh thần Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn đường cho Chúa đến, và hãy lu mờ đi để Chúa nổi bật lên” (Ga 3, 30).

Tu Hội Nhà Chúa đi theo truyền thống Hội Thầy Giảng ngày xưa, có mục đích nâng đở những anh em có ý muốn tận hiến, dấn thân làm việc tông đồ trong các xứ đạo hay các môi trường nghề nghiệp va xã hội của mình

Ngày 24/4/2004, theo thỉnh nguyện thư của TGM Ngô Quang Kiệt, Toà Thánh đã chấp nhận Hiến Pháp của Tu Hội Nhà Chúa, ngày nay mang danh nghĩa Tu Đoàn Truyền Tin Hà Nội Tu Đoàn nhấn mạnh đến lý tưởng Nhập Thể trong lịch sử cứu độ qua tinh thần Truyền Tin và Thăm Viếng.

Một Kết Luận

Ngày 25/01/2008 tại Hà Nội, Việt Nam, Thánh Lễ Mừng Thượng Thọ Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng đã được cử hành trọng thể."Triều đình trọng tước, hương đẳng trọng xỉ" (Ở triều đình quí trọng chức tước, ở nhà quê trọng người rụng răng cao tuổi)

Tổ chức lễ mừng thượng thọ cho các bậc ông bà, cha mẹ là truyền thống hiếu thảo của người Việt Nam. Theo truyền thống tốt đẹp đó, vào hồi 10 giờ ngày 25/01/2008 toàn thể Giáo phận Hà nội nói riêng và Giáo hội tại Việt Nam nói chung hướng về thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa để mừng thượng thọ Ðức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Ðình Tụng: 90 năm Hồng ân, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục và 15 năm Hồng y. Vị chủ tế thánh lễ là Ðức Hồng Y Gioan. B Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Saigòn, cùng đồng tế với ngài có Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, mười Giám Mục đến từ các giáo phận, gần 150 linh mục, quí nam nữ tu sĩ và trên 2,000 bà con giáo dân đến từ nhiều nơi trên tổ quốc...

Trước khi bước vào thánh lễ, cha Gioan Lê Trọng Cung, chánh văn phòng Tòa Tổng giám mục Hà nội đã đọc điện văn của Tòa Thánh chúc mừng Ðức Hồng Y Phaolô Giuse nhân dịp đặc biệt này. Kế đó là điện văn chúc mừng của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Sau đó là lời mời gọi của Ðức Hồng Y Gioan. B Phạm Minh Mẫn, ngài nói:. ..Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta tỏ lòng hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha trên trời, lòng hiếu thảo đối với Ðức Hồng Y Phaolo Giuse là cha dưới đất, đồng thời chúng ta cũng bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa đã yêu thương và chăm sóc chúng ta... Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người cha, người thầy đáng kính mà hôm nay ta quy tụ để mừng lễ thượng thọ ngài. Qua ngài, Thiên Chúa đã làm cho sự triển nở của Giáo hội ngay tại thủ đô Hà nội này. Tất cả đều là Hồng ân của Thiên Chúa.

Trong bài giảng, Ðức Cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng đã bày tỏ lòng tri ân đối với Ðức Hồng Y, một đời tận hiến cho đoàn chiên của mình và đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực đào tạo. Ðức Hồng Y Phaolô Giuse không chỉ là một người cha nhân hậu, một người thầy mẫu mực mà còn là một tài sản quí giá cho nền giáo dục, không phải là phương pháp mà bằng chính đời sống con người của ngài. Hướng lên ngài, chúng ta hãy noi gương ngài để tiếp tục tận hiến công ích cho việc đào tạo của giáo hội ngày hôm nay...

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Ðức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hóa, phó Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đại diện Giám Mục đoàn Việt Nam mừng chúc Ðức Hồng Y Phaolo Giuse, Cha Laurenxô Chu Văn Minh, giám đốc Ðại chủng viện thánh Giuse Hà nội chúc mừng đại diện linh mục đoàn, và cuối cùng là một đại diện giáo dân dâng những lời vàng ngọc kính chúc thượng thọ Ðức Hồng Y: 90 năm Hồng ân, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục và 15 năm Hồng Y. Những đóa hoa tươi thắm dâng lên quí Ðức Hồng Y và quí Ðức Cha đồng tế không thể thiếu vì đó là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Tràng An.

Vì sức khỏe của Ðức Hồng Y nên cha nghĩa tử của ngài là cha Xuyên đã có những lời tri ân Ðức Hồng Y chủ tế, Ðức Tổng Giám mục, quí Ðức Cha, quí cha, quí chủng sinh, tu sĩ nam nữ và toàn thể mọi tín hữu...

Cuối thánh lễ, toàn thể cộng đoàn được lãnh phép lành đặc biệt của quí Ðức Hồng Y và quí Ðức Cha đồng tế. Nguyện chúc Ðức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Ðình Tụng luôn An Khang - Trường Thọ để làm bóng mát cho các thế hệ con cháu vững bước trên lữ hành trần thế. (Theo Đình Sơn) http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/08news/8news019.htm

Đúng năm 2008, HY/TGM Phạm Đình Tụng đã chuẩn bị hành trang đi gần về cõi sau, như qui luật muôn đời của kiếp người, gói ghém trong tinh thần bài thơ của cố nhạc sĩ Văn Cao:

Tôi thả con thuyền giấy,
Thuyền giấy trôi.
Tôi thả chiếc lá,
Chiếc là trôi.
Tôi thả bông hoa,
Bông hoa trôi,



Đấy là hình ảnh một cõi đi về: Vanitas vanitatum, et omnia vanitas. Praeter amare Deum et Illi soli servire (Sách Gương Phúc).

Đỗ Hữu Nghiêm
_______________________________________________________

Gia đình Gioan mừng thọ Đức Hồng Y Giuse Phạm Đình Tụng
VietCatholic 10.01.2007An Hòa

Sáng hôm nay 10.01.2007 Gia đình Gioan đã tổ chức lễ mừng thượng thọ Đức Hồng Y Giuse Phạm Đình Tụng tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Thánh lễ kết thúc bằng một buổi cầu nguyện đông đảo và bất ngờ trên phố Nhà Chung trước Tòa Khâm Sứ.

Gia đình Gioan gồm khoảng 200 thành viên là cựu chủng sinh của Tiểu Chủng viện Gioan Hà Nội, một Tiểu Chủng viện Liên Giáo phận ở Miền Bắc bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa.

Chủng viện này được mở trong những năm 1955-1960 do Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng làm Giám Đốc. Năm 1960, Bản quyền Giáo phận Hà Nội đã đóng cửa Tiểu chủng viện này vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do căn bản theo lời Đức Hồng Y là để tránh sự can thiệp thô bạo vào việc đào tạo các chủng sinh, nhằm cộng sản hóa các linh mục tương lai.

Các chủng sinh về lại giáo phận của mình. Người lập gia đình, người vẫn giữ lý tưởng tu trì. Có rất nhiều người xuất thân từ Tiểu Chủng viện này đã phải nếm cảnh tù đầy hay bị phiền nhiễu. Đến nay, người trẻ nhất cũng đã 60 tuổi. Ai còn đi tu, nay hầu hết đã làm linh mục. Ai lập gia đình thì hầu hết cũng đã có con cháu.

Trong những thập niên khó khăn vừa qua, cũng như hiện nay, các thành viên Gia đình Gioan, nếu còn tu, thì thường là các linh mục đóng vai trò quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, nếu đã lập gia đình thì thường là những chiến sĩ đạo đức nhiệt thành trong các lãnh vực kinh tế, văn hóa, tông đồ, bác ái, góp phần rất đắc lực trong việc xây dựng Giáo Hội.

Các thành viên trong gia đình Gioan hiện nay cư trú khắp mọi miền đất nước. Hằng năm trong ngày truyền thống các thành viên trong gia đình cùng con cái cháu chắt trong gia đình linh tông và huyết tộc tụ họp về Hà Nội quây quần quanh người cha chung của mình để ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào thuở xưa và để hun đúc tinh thần tông đồ. Hiếm có nhóm giáo sĩ và giáo dân nào ở Miền Bắc kính mến Đức Hồng Y cho bằng những thành viên trong Gia đình Gioan.

Năm nay Gia đình Gioan đã tổ chức mừng thượng thọ vị cha chung của mình là Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng-Vị Giám đốc đầu tiên và cũng là cuối cùng của Tiểu Chủng viện này, nhân dịp ngài 90 năm tuổi đời, 60 năm linh mục, 45 năm giám mục và 15 năm hồng y.

Thánh lễ diễn ra trọng thể tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội với sự tham dự của hơn 1000 giáo dân mà hầu hết là các thành viên, con cháu và khách mời của các thành viên Gia đình Gioan.

Thánh lễ do Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục chủ tế. Cùng đồng tế còn có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Đà Lạt, Chủ tịch HĐGM VN, Đức Cha FX Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UB Bác ái Xã hội của HĐGM VN và khoảng 50 linh mục thuộc nhiều Giáo phận khác nhau ở Miền Bắc.

Thánh lễ kết thúc bằng một buổi cầu nguyện bên Tòa Khâm Sứ và một bữa cơm gia đình cùng những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại khuôn viên Đại Chủng viện và Trung tâm Mục vụ của Giáo xứ Chính Tòa./.

Vài Niên Biểu Về Quá Trình Phục Vụ của ĐHY Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng

• 20.05.1919 Sinh tại Cầu Mễ, Yên Thắng, Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
• 1927-1929 Theo linh mục nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực lên học tại Hà Nội
• 1929-1931 Được gọi vào Trường Tập ở 40 Phố Nhà Chung, Hà Nội
• 1931-1940 Được gọi vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Tây
• 1940-1945 Được gọi vào Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội
• 1945-1948 Nghỉ học do Đại Chủng viện phải đóng cửa
• 1948-1949 Học thần học tại Học viện Thánh Anphongsô, Hà Nội
• 06.06.1949 Thụ phong linh mục tại Hà Nội
• 1949-1950 Phục vụ tại Cô Nhi Viện Têrêxa Hà Nội
• 1950-1955 Phó xứ Hàm Long & Phụ trách Trung Tâm Bác Ái Bạch Mai
• 1955-1960 Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội
• 15.08.1963 Thụ phong Giám mục tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội
• 1963-1994 Giám mục Chính Tòa Bắc Ninh
• 1990-1994 Giám quản Giáo phận Hà Nội
• 26.11.2994 Nhận tước Hồng Y tại Rôma
• 1994-2003 Hồng Y- Tổng Giám Mục Hà Nội
• 2003-2008 Nghỉ hưu tại Tòa TGM Hà Nội
• 1995-2001 Chủ tịch HĐGM Việt Nam
• 1998-1999 Giám quản Giáo phận Lạng Sơn
• 1963 Sáng lập Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất
• 1996 Sáng lập Tu hội Anh Em Nhà Chúa nay là Tu Đoàn Truyền Tin Hà Nội

Một Vài Tài Liệu Tham Khảo

Tổng Giáo Phận Hà Nội: Trọn Đời Tin Yêu : Kỷ Niệm Hy/TGM Phaolô Phạm Đìngh Tụng thượng thọ 90 tuổi, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám Mục, 15 năm Hồng Y. Hà Nội, 2008, 50 trang, 14x20cm
Văn Phòng TTK H ĐGMVN Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Niên Giám 2005. NXB Tôn Giáo, In lần II, Nhà In Trần Phú, 71-75 Hai Bà Trưng, Quận I, Tp HCM), Hà Nội 2005, 965 trang/
Bùi Đức Sinh: Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam. Quyển III. - (1900-1975). USA, CA, in lần 3, 2001, 550t, 15x25cm
Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên), Lược Sử Địa Phận Hà Nội, 1626-1954. Lời tựa, ghi ở Paris ngày 2/9/1994. Lưu hành nội bộ, 576t, 20x29cm + 168t. Ảnh và tư liệu. Nha Trang, 4/3/1999. xviii-628t., 20x29cm
Lê Ngọc Bích: Nhân Vật Công Giáo Việt Nam. Tập IV. Các Vị Giám Mục Một Thời Đã Qua (1933-1995) - http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=295&ict=3210

ĐHY Phạm Đình Tụng: chứng nhân lịch sử của thời đại chúng ta
VietCatholic News (Thứ Năm 24/01/2008 15:22) LM Thanh Bình

Sơ Lược về Quá Trình Hiện Diện và Phục Vụ của ĐHY Phaolô Tụng (1919-2008)

Đức Hồng Y sinh ngày 20.05.1919 trong một gia đình gia giáo và đạo đức tại thôn Cầu Mễ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo xứ Quảng Nạp, Giáo phận Phát Diệm. Thân phụ của ngài cụ cố Phêrô Phạm Văn Hiến, một người đạo đức và có học trong làng, còn thân mẫu của ngài là cụ cố Anna Nguyễn Thị Bống vốn là một người hiền lành, giầu lòng hy sinh và bác ái.

ĐGH Gioan Phaolô II trao mũ cho ĐHY Phạm Đình Tụng ngày 26.11.1994

Năm 1925 ngài bắt đầu đi học tiểu học tại trường làng và năm 1927 ngài theo linh mục nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực lên học tại Hà Nội.

Năm 1929 ngài được gia nhập Trường thử Hà Nội. Năm 1931, ngài thi đậu bằng sơ học yếu lược và được tuyển vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Tây.

Năm 1940, ngài được gọi vào Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội. Sau hai năm học triết học, ngài đi thực tập mục vụ tại Giáo xứ Khoan Vĩ. Mãn hạn thực tập mục vụ, ngài trở lại Đại Chủng viện để tiếp tục chương trình thần học.

Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, đất nước loạn ly, Đại Chủng viện Liễu Giai phải đóng cửa, ngài tạm thời phải dừng việc học tập và tu dưỡng.

Năm 1948, tình hình chính trị xã hội ở Hà Nội tạm ổn định, ngài được gọi về Đại Chủng viện Hà Nội mới được thành lập ở số 40 Nhà Chung để hoàn tất chương trình đào tạo. Hằng ngày ngài cũng các chủng sinh khác sang học thần học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế ở tu viện Thái Hà Ấp, Hà Nội.

Ngày 06.06.1949, ngài được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính Toà Hà Nội và được Bản quyền Giáo phận Hà Nội bổ nhiệm về phục vụ tại Cô Nhi viện Têrêxa do Đức cha Paul Seitz - khi ấy hãy còn là linh mục-làm giám đốc.

Năm 1950, ngài được bổ nhiệm làm Phó xứ Hàm Long, Hà Nội. Trong thời gian này ngài thành lập nhà tế bần Bạch Mai nhằm cứu giúp các nạn nhân chiến tranh nghèo khổ từ các vùng nông thôn trôi dạt về Hà Nội.

Mừng thượng thọ tại Hà nội

Năm 1955, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội- Một tiểu chủng viện liên giáo phận với khoảng hơn 200 chủng sinh thuộc hầu hết các giáo phận ở Miền Bắc lúc bấy giờ.

Năm 1960, vì muốn bảo vệ sự độc lập của Giáo Hội trong lãnh vực đào tạo giáo sĩ, vì không muốn các chủng sinh phải giao tiếp với các giáo viên đến từ bên ngoài và học những môn nguy hiểm cho đức tin và cho đời tu mà nhà nước áp đặt trong chương trình, ngài đã cùng các đấng hữu trách quyết định cho các chủng sinh về lại các giáo phận của mình, chấp nhận giải tán tiểu chủng viện.

Năm 1963, ngài được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Tông toà Giáo phận Bắc Ninh và ngài đã thụ phong giám mục tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội ngày 15.08.1963. Khẩu hiệu giám mục của ngài là “Tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa”. Tại giáo phận đã bị tan nát vì chiến tranh này, trong thiếu thốn, khổ đau, cấm cách và bắt bớ, ngài đã có nhiều sáng kiến độc đáo trong lãnh vực mục vụ để giữ vững đức tin, chăm sóc các tín hữu, bảo vệ và xây dựng Giáo Hội. Ngài cũng đã âm thầm và kín đáo đào tạo và phong chức linh mục cho một số ứng viên mà ngài xét là xứng đáng đồng thời thành lập Nữ Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh.

Năm 1990 ngài còn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Toà Giáo phận Hà Nội. Đến ngày 13.04.1994, ngài chính thức được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Hà Nội và ngày 26.11.1994, ngài được phong Hồng Y. Trong thời gian này ngài còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Giám đốc Chủng viện Hà Nội (1990-2003), Giám quản Tông Toà Giáo phận Lạng Sơn (1998-1999), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (1995-2001).

Ngoài những việc mục vụ thông thường, trong vị thế của mình, ngài đã ra sức tái thiết Đại Chủng viện Hà Nội, tìm cách đối thoại với chính quyền để Giáo hội được độc lập và tự chủ hơn trong việc tuyển chọn chủng sinh, tìm cách cho các linh mục thụ phong âm thầm được ra làm mục vụ công khai, xúc tiến mối liên hệ giữa Toà Thánh và chính quyền Việt Nam, tổ chức và xây dựng nhân sự lãnh đạo cho các giáo phận ở Miền Bắc. Ngài còn sáng lập Nam Tu đoàn Truyền tin và Nữ Tu đoàn Truyền giáo Truyền tin tại Tổng Giáo phận Hà Nội.

Năm 2003, ngài được Toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu ở tuổi 84 sau khi đã lo liệu cho Tổng Giáo Phận Hà Nội được có người kế vị là Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, ngài vẫn sẵn sàng tiếp đón và giúp đỡ mọi người đến với ngài ở Toà Giám Mục trong mức độ có thể được. Ngài cũng tiếp tục quan tâm tới các vấn đề của Giáo hội và xã hội, cầu nguyện và chúc lành cho mọi người.

Ngài là một trong những gương mặt vĩ đại của Giáo Hội Việt Nam, là chứng nhân lịch sử của Giáo Hội ở Miền Bắc trong hơn 70 năm qua. Ngài đã góp phần to lớn và quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là trong các lãnh vực tông đồ, đào tạo, tổ chức nhân sự và quan hệ ngoại giao. Cuộc đời phục vụ của ngài còn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công cuộc xây dựng Giáo Hội hôm nay.

Tóm tắt cuộc đời ĐHY Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng
VietCatholic News (23 Feb 2009 01:48) - Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, sinh ngày 20.05.1919, trong một gia đình Công giáo đạo đức tại thôn Bình Hoà, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo họ Cầu Mễ, giáo xứ Quảng Nạp, giáo phận Phát Diệm.

Năm 1925 ngài đi học tại trường làng. Năm 1927 ngài được cha nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực đưa ra Hà Nội học tại ngôi trường do cha vừa thành lập ở giáo xứ Kẻ Sét.

Thấy ngài ngoan ngoãn, hiền lành, có tư chất thông minh lại ẩn giấu một nghị lực khác người, cha Phạm Bá Trực đã xin cho ngài đi tu và ngài đã trúng tuyển vào Tràng Tập Hà Nội năm 1929.

Năm 1933, ngài là học sinh đầu tiên của Trường Tập Hà Nội thi đậu bằng Certificat d’Étude Primaire và ngài được gọi vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, toạ lạc ở giáo xứ Hoàng Nguyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông.

Năm 1939, tốt nghiệp Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, ngài được cử đi phục vụ tại giáo xứ Xuy Xá, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. Trong thời gian này, ngài đã đông viên một số học trò theo ơn gọi tu trì, trong số đó ngày nay có người đã làm linh mục.

Năm 1940, ngài được gọi vào Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội và ngài theo học chương trình triết học tại đây cho đến năm 1942.

Năm 1942 ngài được Bề trên Địa phận cử đi giúp xứ Khoan Vĩ, thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là nơi cha Phêrô Phạm Bá Trực nghĩa phụ của ngài đang làm Chính xứ.

Năm 1943, ngài được trở về Đại Chủng viện Liễu Giai, tiếp tục học thần học. Giữa năm 1945, vì hoàn cảnh đất nước xáo trộn, Đại Chủng viện Liễu Giai phải ngưng hoạt động, các thầy chủng sinh phải tản mác mỗi người một nơi.

Tháng 9 năm 1946, Đại Chủng viện Liễu Giai tái mở cửa, ngài lại trở về Chủng viện. Ba tháng sau, ngày 19.12.1946 chiến tranh bùng nổ, Đại Chủng viện bị tấn công, bị xâm chiếm, việc học của ngài lại bị gián đoạn.

Năm 1948 ngài được Bề trên Giáo phận gửi đi học tiếp chương trình thần học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.

Năm 1949 ngài được Bề trên chuyển về học tại Đại Chủng viện của Giáo phận mới mở ở số 40 Nhà Chung.

Ngày 06/06/1949 ngài được truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội.

Năm 1949 ngài được chỉ định làm tuyên úy Cô Nhi viện Têrêxa tại Quần Ngựa.

Năm 1950, ngài được bổ nhiệm làm Phó xứ rồi làm Chính xứ Hàm Long thay thế cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê đi làm giám mục Hà Nội. Tại đây, ngoài các việc mục vụ thông thường, ngài còn giúp đỡ các học sinh nghèo tại trường Trần Văn Thưởng và Nhà Bác ái Thánh Vinh Sơn, là hai cơ sở giáo dục và từ thiện của giáo xứ Hàm Long thời bấy giờ.

Năm 1953, ngài thành lập Trung tâm Bái ái-Xã hội Bạch Mai, trên khu đất khoảng 4000 m2, nhằm trợ giúp những người khốn khổ trôi dạt về từ các vùng nông thôn bị đang bị chiến tranh tàn phá.

Năm 1955, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội- Một Liên Tiểu Chủng viện bao gồm khoảng 200 tiểu chủng sinh của các giáo phận Hà Nội, Bùi Chu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hoá. Trong số này về sau có hơn 60 người làm linh mục, trong đó có 3 vị làm giám mục.

Năm 1960, khi Tiểu Chủng viện này phải giải tán, trong hoàn cảnh khó khăn, ngài được giao trọng trách kín đáo đào tạo quý thầy Đại Chủng sinh của Tổng Giáo phận Hà Nội-những người lúc này, vì hoàn cảnh xã hội, đang phải sống tản mác tại gia đình.

Năm 1963, ngài đựơc Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, một địa phận rộng lớn, trống toà từ năm 1954 và có phần lớn diện tích vốn nằm trong vùng kháng chiến của Việt Minh. Giữa những khó khăn trùng trùng điệp điệp, ngài đã chọn cho mình khẩu hiệu: “Chúng con tin ở tình yêu Thiên Chúa” làm hành trang lên đường thi hành sứ vụ.

Năm 1963, ngài đã sáng lập Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh nhằm giúp các chị em tận hiến có điều kiện làm tông đồ tại các xứ đạo và tại các môi trường khác nhau. Ngài cũng kín đáo đào tạo các chủng sinh cho Giáo phận. Năm 1974, ngài đã âm thầm truyền chức linh mục cho 7 thầy bất chấp những nguy hiểm mà chính quyền có thể gây ra cho các tân chức và cho bản thân ngài. Ngài còn trao ban chức thánh cho một số ứng viên của các giáo phận khác ở Miền Bắc, trong đó có cả việc truyền chức giám mục kín đáo cho Đức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ, Giám mục Lạng Sơn vào năm 1979.

Theo tinh thần của Vatican II, tại giáo phận Bắc Ninh, ngài đã đào tạo tông đồ giáo dân, củng cố các Ban Hành giáo, tổ chức các hội đoàn, quảng bá lòng sùng kính Thánh Tâm và lòng tôn kính Đức Mẹ, canh tân và thích nghi các kinh sách trong Giáo phận. Trong khung cảnh Giáo hội bị cấm cản về phương diện xuất bản và truyền thông, ngài đã soạn thảo Kinh thánh và giáo lý dưới hình thức thơ ca hò vè nhằm phổ biến lời Chúa và giáo lý cách dễ dàng, rộng rãi và hiệu quả cho đông đảo giáo dân.

Trong hơn 30 năm làm Giám mục Bắc Ninh, bằng các sáng kiến mục vụ độc đáo, ngài đã biến Toà Giám Mục trở thành một mái ấm gia đình, nơi chủ chăn và đoàn chiên gặp nhau, cùng nhau chia vui sẻ buồn. Toà Giám Mục cũng trở thành một trung tâm mục vụ, nơi đoàn chiên liên tục được đào tạo và bồi dưỡng đức tin, bất chấp những cấm cản trăm đường của nhà cầm quyền đương thời. Nhờ vậy, qua những thập niên chuyên chính vô sản cách cực đoan, dù thiếu thốn linh mục, giáo dân Bắc Ninh ngày nay vẫn là những người có lòng tin kiên vững, sống đạo đức, nhiệt thành và hết lòng yêu mến Giáo Hội.

Ngày 04.07.1990 Toà Thánh đặt ngài làm Giám quản Tổng Giáo phận Hà Nội, kiêm Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội. Ngày 23.04.1994, vào tuổi 75, thay vì được nghỉ hưu theo Giáo luật, thì Toà Thánh lại đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Hà Nội. Đến ngày 26/11/2004 ngài được ĐGH Gioan Phaolô II phong tước Hồng Y tại Rôma. Ngoài ra, ngài sẽ còn nắm các chức vụ quan trọng khác như Chủ tịch HĐGM Việt Nam (1995-2001), Giám quản GP Hưng Hóa (1995), Lạng Sơn (1998), Hải Phòng (1999).

Cùng với việc liên tục thăm viếng, gặp gỡ các thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, ngay khi về làm chủ chăn ở đây, đứng trước tình trạng thiếu thốn nhân sự nghiêm trọng, ngài đã tìm cách gia tăng con số linh mục tu sĩ bằng nhiều cách khác nhau. Ngài đã thu xếp để quý thầy lớn tuổi ở Hà Nội cũng như các giáo phận khác ở Miền Bắc, được theo học các khóa bổ túc, ngắn hạn tại Đại Chủng viện rồi sớm truyền chức linh mục cho quý thầy có điều kiện phục vụ đoàn chiên đông đảo đang đói khát ơn thánh.

Ngài cũng đã nỗ lực cải cách và tái thiết Đại Chủng viện Hà Nội cả về cơ sở vật chất, lẫn về hình thức, nội dung và quy mô đào tạo. Từ đầu những năm 1990, nhờ sự thu xếp của ngài, một số linh mục có khả năng chuyên môn đã có thể từ Miền Nam ra làm giáo sư thỉnh giảng, hoặc giáo sư thường trực tại Đại Chủng viện Hà Nội. Đi xa hơn, trong tư cách Chủ tịch HĐGM Việt Nam, ngài đã đấu tranh để từ năm 1995, các Đại Chủng viện trên cả nước được tuyển sinh 2 năm/ khóa thay vì 6 năm/khóa như trước đó.

Ngài còn nâng đỡ ơn gọi tu trì để đảm bảo nhân sự phục vụ, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhờ sự hướng dẫn của ngài, từ đầu những năm 1990, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội hằng năm liên tục tuyển sinh, mở tập viện và khấn dòng. Ngài còn lập ra Tu đoàn Nữ Truyền Tin và Tu đoàn Nam Truyền Tin (1996) nhằm mục đích truyền giáo. Hơn nữa, bất chấp ý muốn của chính quyền, ngài còn duy trì được sự hiện diện của DCCT ở Thái Hà và mở đường cho sự hiện diện của trong Dòng Salesien Don Bosco ở Hà Nội.

Nhằm tính chuyện xây dựng Tổng Giáo Phận Hà Nội lâu dài trong tương lai, từ giữa những năm 1990, ĐHY cũng đã gửi một số linh mục đi du học ngọai quốc. Một số vị đã trở về và đã nắm các trọng trách trong Đại Chủng viện như Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn, nguyên Tổng Đại diện và nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội; Đức cha Lorenxô Chu Văn Minh, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Hà Nội kiêm Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội.

Ngài đặc biệt lưu tâm đến viện trau dồi đời sống đạo đức cho giáo dân, giáo dục thế hệ trẻ và làm việc bác ái xã hội. Trong chiều hướng này, bên cạnh những lời kêu gọi, hướng dẫn giáo dân, ngài còn phục hồi hay thành lập một số đoàn thể trong Tổng Giáo Phận như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Dòng ba Phan Sinh, Hội Legio Mariae, Hội Thánh Tâm (1995), Hội Gia đình cùng theo Chúa (2000), Gia đình Thánh Tâm (2003), Hội Sinh viên Công giáo TGP Hà Nội (1998).

Năm 2003, khi Tổng Giáo Phận Hà Nội bắt đầu phục hồi và khi sức khoẻ không còn cho phép ngài phục vụ ở tuổi 84, ngài đã gửi đơn lên Toà Thánh xin nghỉ hưu và được Tòa Thánh chấp thuận vào tháng 4 năm 2003 cùng lúc với việc bổ nhiệm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám quản Tổng Giáo Phận Hà Nội. Trong 6 năm nghỉ hưu tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, ngài luôn luôn quan tâm theo dõi hiện tình Giáo Hội Việt Nam và âm thầm cầu nguyện cho mọi người.

Ngày chúa nhật ngày 22.02.2009, lúc 10 h 10’, ngài đã được Chúa gọi về trong tình yêu thương chăm sóc và lời nguyện cầu của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, của quý cha quý thầy quý soeurs phục vụ tại Toà Tổng Giám Mục, hưởng thọ 90 tuổi, trong đó có 80 năm tu hành, 60 năm linh mục, 46 năm giám mục và 15 năm hồng y.

Trong 90 năm làm con chúa, đặc biệt trong tư cách là mục tử, Đức Hồng Y là một nhà tu hành mẫu mực, là một lãnh tụ tôn giáo khôn ngoan, là một tông đồ nhiệt thành và được đồng nghiệp kính trọng, là một nhà giáo dục đào tạo kiên nhẫn, là một chủ chăn hiền hoà và can đảm luôn tận tâm hy sinh phục vụ đoàn chiên, được đoàn chiên thương mến.

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt viết về ngài nhân dịp mừng thượng thọ cửu tuần của ngài vào năm 2008 rằng: “ …Trong những năm tháng qua, Đức Hồng Y đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa, cho Hội Thánh và đã để lại biết bao thành quả mà ngày nay chúng ta được hưởng nhờ.

Ngài là tấm gương sáng cho chúng tá về đời sống thánh thiện đạo đức, về sự tận tuỵ phục vụ Chúa và Hội Thánh, về tầm nhìn xa trông rộng trong việc đào tạo nhân sự, về sự vui lòng chấp nhận thánh ý Chúa và về sự khiêm nhường quên mình sâu xa.

Ngài là món quà quý giá Chúa tặng ban cho chúng ta. Qua ngài, biết bao ơn phúc của Chúa đổ tràn trên Tổng Giáo Phận Hà Nội, trên mỗi người chúng ta”.

Đức Hồng Y đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo hội Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, quản trị và tông đồ mục vụ. Ngài là cây đại thụ cuối cùng của Giáo hội Miền Bắc đã được Chúa đưa về Trời. Trong tâm tình kính yêu và tri ân ngài sâu xa, chúng ta hiệp lòng hiệp ý dâng lời tạ ơn với ngài và cầu nguyện cho ngài.

Xin xem thêm các bài sau đây:

Hình ảnh nghi thức nhập quan cho Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng 7g00 sáng ngày 23.2.2009 - Giuse Trần Ngọc Huấn (23-Feb-2009 02:57)
“Nó còn giữ đạo không?” - Tiễn biệt Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - Mai Quốc Ngọc Khôi (22-Feb-2009 22:56)
Cardinal Paul Joseph Pham Đình Tung, Archbishop emeritus of Hà Nội (Viêt Nam) passed way - VietCatholic (22-Feb-2009 17:26)
Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng: Mục tử nhân lành, người Cha kính yêu - Giuse Vũ Văn Được (22-Feb-2009 16:22)
Mấy kỷ niệm về Đức Hồng y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng - TS Phạm Huy Thông (22-Feb-2009 15:41)
ĐHY Phạm Đình Tụng: một người Thầy, một người Cha - Lm. Đặng Xuân Thành (22-Feb-2009 15:07)
ĐTGM Hà Nội làm phép xác ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và quàn tại nhà nguyện Fatima tại TGM Hà Nội - Giuse Trần Ngọc Huấn (22-Feb-2009 09:28)
Cáo phó: ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã về nhà Cha trên trời - VP Tòa TGM Hà Nội (22-Feb-2009 09:18)
ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - chứng nhân lịch sử GHVN- đã qua đời - LM Trần Công Nghị (22-Feb-2009 08:51)
Mừng sinh nhật 90 năm ĐHY Giuse-Maria Phạm Đình Tụng - Hà Nội (20-May-2008 12:23)
Vài cảm nhận về con đường dâng hiến trong bậc tu trì - Phan Bích Giang (03-Feb-2008 14:03)
Xuân Công Lý và Hoà Bình - Sa Mạc Hồng (26-Jan-2008 12:37)
Cầu nguyện nưã! Cầu nguyện mãi! - Bs Vũ Linh Huy (26-Jan-2008 12:33)
Christian Unity is a gift of God that must be constantly invoked - Truyền thông Công giáo EWTN (26-Jan-2008 10:46)
Tin khẩn cấp: Chính quyền ra tối hậu thư: 5giờ chiều Chúa Nhật ngày mai phải mang tượng ảnh đi hết, nếu không là biện pháp mạnh! - VietCatholic (26-Jan-2008 09:39)
Chia sẻ của một ngưởi tham gia cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ ngày 26.01.2008 -Hoàng Hoa Phương (26-Jan-2008 09:23)
Video: Ý kiến của người đến tham dự cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ - PV VietCatholic (26-Jan-2008 08:50)
Video: Ý kiến của một cụ già cao tuổi phát biểu tại Tòa Khâm Sứ -PV VietCatholic (26-Jan-2008 08:47)
Video: Chị người Mường đối chất với cán bộ dân vận - PV VietCatholic (26-Jan-2008 08:42)
Video: Giáo dân Hà nội cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ chiều ngày 26.1.2008 - PV VietCatholic (26-Jan-2008 08:13)