Việt Nam đã thua một bàn trông thấy: Tiết tê giác và hình ảnh Việt Nam

Tê giác gần tuyệt chủng ở Nam Phi
Các cáo buộc của Nam Phi rằng nhân viên ngoại giao Việt Nam dính vào đường dây buôn lậu sừng tê giác không chỉ là câu chuyện pháp luật.

Truyền thông nước này còn đề cập đến một góc độ khác là thói ăn uống của người Việt.

Họ có vẻ không hiểu rằng với không ít người Việt Nam, tê giác là một thứ ‘đặc sản’.

Rusty Hustler, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tê giác và Voi ở Cộng hòa Nam Phi được trích lời nói:

"Họ đòi hỏi những bộ phận của tê giác mà chúng tôi chưa bao giờ thấy những người khác đòi. Họ lấy dương vật, tinh hoàn, gan, thận, tim, phổi và cả bốn lít tiết để chế biến rồi ăn."

Nói về những vụ săn tê giác hợp pháp ở Nam Phi, ông tỏ ý ngạc nhiên rằng người đi săn Đông Á, như nhóm người Việt Nam trong hình chụp được, “quan tâm nhiều đến việc lấy sừng và lục phủ ngũ tạng của con vật hơn là đi săn”.

Hành vi của những vị khách đến Nam Phi để ‘ăn gan tê giác’ đã ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt nói chung.

Họ lấy dương vật, tinh hoàn, gan, thận, tim, phổi và cả bốn lít tiết để chế biến rồi ăn

Rusty Hustler nói về người đi săn Việt Nam

Ta có thể phản bác rằng các dân tộc khác cũng có những thói quen ăn uống kỳ quái hay dị hợm.

Không chỉ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ mà người Pháp chẳng hạn ăn cả ốc sên, người Ba Lan ăn tiết vịt, người Bắc Âu ăn cá sống v.v.

Việt Nam cũng hoàn toàn có thể nói rằng tê giác không phải là món ăn thường có ở Việt Nam và những người đi săn kiểu du lịch kia chỉ là thiểu số.

Ăn gì bổ nấy?

Nhưng điều khó phủ nhận là niềm tin 'ăn gì bổ nấy' qua thực đã là một phần của văn hóa ẩm thực người Việt và cả một số nước châu Á.

Những du khách Phương Tây có đầu óc ‘phiêu lưu’ khi sang các nước châu Á đều muốn thử xem các món ăn lạ thế nào.

Nghệ sĩ hài Paul Merton của Anh trong loạt phim về Trung Quốc đã ăn thử món "cẩu pín rán tẩm ớt", khiến khán giả lè lưỡi thán phục.

Trẻ em cần được học về thế giới tự nhiên và động thực vật, kể cả các loài đã tuyệt chủng

Nhưng với dư luận chung, ít ra là ở châu Âu, thói tìm để giết ăn các động vật lạ, quý hiếm, thậm chí sắp tuyệt chủng bị coi là thiếu văn minh.

Phương Tây đã đi qua giai đoạn đó và người ta dạy cho trẻ em tình yêu thú vật và thái độ tôn trọng thế giới tự nhiên.

Ngày xưa, từ Đông sang Tây, người ta đều tin vào sức mạnh thần bí hay chất bổ đặc biệt từ thịt và tiết của các động vật hoang dã.

Nhưng việc dùng hình ảnh hay da, lông, móng của chim thú để tăng sức mạnh cho mình theo tín ngưỡng totem nay đã thành các biểu tượng và chỉ biểu tượng mà thôi.

Quốc huy nhiều nước hay vật tổ của nhiều thành phố Âu Mỹ vẫn có hình gấu, đại bàng, sư tử hay ngựa.

Tuy thế, người ta không còn đem các con vật đó ra đánh chén mỗi khi có dịp.

Đây chính là dấu hiệu của sự vươn lên trong văn hóa, vượt khỏi hành động thực tế là nấu cháo gấu hay nhậu gan tê giác.

Tất nhiên, trong thời toàn cầu hóa, ai cũng có quyền tin rằng mình là đúng và sẽ các lý lẽ như ‘bản sắc văn hóa’ để biện hộ.

Nhưng ngược lại, người ta cũng có quyền duy trì các định kiến về chúng ta.

Trong vụ ‘ngoại giao tê giác’ này, Việt Nam đã thua một bàn trông thấy.