Vatican (NCR) - Mặc dầu chưa có lời tuyên bố chính thức nào về vấn đề này, nhưng năm 2009 có lẽ sẽ được thành hình là “Năm của châu Phi” trong giáo hội Công giáo.

Ba sự việc công khai nổi bật dường như khẳng định rằng sự lớn mạnh đặc biệt của đạo Công giáo ở châu Phi, cũng như những thách đố cam go giáo hội đang phải đương đầu tại đây, sẽ là ngọn đèn chiếu sáng chói lọi suốt cả năm:

1. Tháng ba năm tới, Đức giáo hoàng Bênêđictô sẽ tới Cameron và Angola, đây là chuyến du hành đầu tiên tới châu Phi và là chuyến tông du ra ngoại quốc lần thứ 11 trong triều đại giáo hoàng của ngài. Tính đến nay, đây là chuyến du hành duy nhất trong năm 2009 được loan báo.

2. Nghị hội của Hội đồng giám mục châu Phi và Madagascar (Symposium of Episcopal Conferences of Africa and Madagascar (SECAM) sẽ họp phiên khoáng đại, qui tụ các giám mục khắp lục địa châu Phi, tại Roma từ ngày 27 tháng 9 đến 3 tháng 10 năm 2009. Địa điểm họp sẽ bảo đảm được giới truyền thông phương Tây và các phóng viên săn tin tức Tòa thánh chú ý theo dõi hơn những cuộc họp thông thường của SECAM trước đây.

3. Thượng hội đồng giám mục về châu Phi lần thứ hai sẽ họp tại Vatican từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2009. Đây là cuộc họp tiếp theo Thượng hội đồng giám mục châu Phi đầu tiên được tổ chức năm 1994, lần này sẽ qui tụ các vị chức sắc trong giáo hội châu Phi họp cùng các vị giám mục khác trên thế giới, cũng như với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, để thảo luận về những điều hứa hẹn cũng như những nguy cơ của đạo Công giáo tại châu Phi.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố kế hoạch trong chuyến tông du của ngài tới châu Phi vào lúc kết thúc Thượng hội đồng giám mục về Lời Chúa tổ chức từ ngày 5 đến 26 tháng 10 vừa qua. Mặc dầu thời khóa biểu chính thức chưa được sắp đặt, nhưng vị đặc sứ của ngài tại Angola tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 2 tháng 10 vừa qua rằng Đức giáo hoàng sẽ tới thủ đô Luanda vào ngày 20 tháng 3 và ở đất nước Angola này cho đến 23 tháng 3. Một trong những hoạt động tại đây là ngài sẽ tham dự các lễ hội mừng kỷ niệm 500 năm công cuộc truyền giáo tại Angola kể từ thế kỷ 15.

Trước khi đến Angola, Đức giáo hoàng sẽ thăm viếng Cameroon, có lẽ sẽ ở nước này 2 hay 3 ngày. Mục đích chính thức cuộc thăm viếng này là trình bày Instrumentum Laboris, hay còn gọi là nghị trình làm việc, cho Thượng hội đồng giám mục về châu Phi trong cuộc họp của SECAM tại Yaounde, thủ đô nước Cameroon.

Cả Cameroon, dân số 17.8 triệu người và Angola, dân số 16.9 triệu, đều nằm ở phía tây châu Phi. Ngôn ngữ chính của Cameroon là Pháp và Anh ngữ, còn ở Angola thì ngôn ngữ chính là tiếng Bồ đào nha.

Chủ đề chính thức của Thượng hội đồng giám mục về châu Phi là “Giáo hội tại châu Phi trong công tác phục vụ hòa hợp hòa giải, công lý và hoà bình.”

Mục tiêu suốt năm 2009 nhắm tới châu Phi là rọi sáng vào hai khía cạnh: sự tăng trưởng mạnh mẽ của đạo Công giáo cũng như các mối đe dọa cũng không kém phần lớn lao cả giáo hội và xã hội rộng lớn châu Phi phải đương đầu.

Sự bùng nổ của đạo Công giáo tại vùng châu Phi hạ Sahara ở thế kỷ 20 được coi là một trong những thành quả truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử giáo hội. Từ số người Công giáo là 1.9 triệu vào năm 1900, tổng số tại vùng châu Phi hạ Sahara năm 2000 đã nở rộ thành 139 triệu, một tỷ lệ tăng trưởng gây sửng sốt lên đến 73%. Hơn nữa, gần một nửa số người lớn được rửa tội trong giáo hội Công giáo toàn cầu xảy ra tại châu Phi, có nghĩa là mức tăng trưởng của giáo hội được thúc đẩy không chỉ do chiều hướng gia tăng dân số chung nhưng còn bởi sự thành công trong việc lôi kéo được những người cải đạo mới.
Vùng Châu Phi Hạ Sahara là những nước màu xanh


Vào năm 2050, ba nước tại châu Phi sẽ được xếp vào số 10 quốc gia có người Công giáo đông nhất trên mặt đất: nuớc Cộng hoà Dân chủ Congo (97 triệu người Công giáo), Uganda (56 triệu) và Nigeria (47 triệu). Lúc đó, những quốc gia có thế lực Công giáo truyền thống như Tây ban nha và Ba lan, sẽ bị loại ra khỏi danh sách những nước có nhiều giáo dân nhất.

Ơn gọi cũng nở rộ. Chủng viện ở vùng đông nam Nigeria với con số chủng sinh lên đến 1.100, được coi là chủng viện Công giáo lớn nhất thế giới. Số chủng sinh này gần bằng 1/5 tổng số chủng sinh hiện đang chuẩn bị làm linh mục tại Mỹ. Vậy mà, với một mùa gặt phi thường như thế, lại không có chuyện dư thừa linh mục ở châu Phi, phần lớn vì số người Phi được rửa tội tăng trưởng nhanh hơn số được thụ phong.

Mục tiêu nhắm vào châu Phi suốt năm 2009 do đó sẽ đưa ra một hình ảnh trái ngược rõ rệt với những quan niệm của Tây phương cho rằng có sự co rút và đi xuống trong giáo hội, vì đó không nhất thiết là câu chuyện xảy ra trên bình diện toàn cầu.

Đồng thời, đạo Công giáo tại châu Phi cũng phải đối diện với một loạt những điều thách đố. Một điều đơn giản là phải theo kịp với đà tăng trưởng, bảo đảm rằng những người mới theo đạo được học hỏi và huấn luyện đầy đủ về đức tin, và hạ tầng cơ sở của giáo hội phải có khả năng về mục vụ và cung ứng nhu cầu cần thiết của con người cho các cộng đoàn giáo dân đang không ngừng tăng trưởng.

Trong những ngày kết thúc Thượng hội đồng giám mục tại Roma mới đây, các giám mục châu Phi đã chỉ ra hai thách thức quan trọng họ phải đối diện: Hồi giáo và Phong trào Ngũ Tuần (Pentecostalism).

Suốt thế kỷ 20, Hồi giáo cũng phát triển mạnh mẽ ở châu Phi. Mặc dầu sự phân bố dân số theo yếu tố tôn giáo ở châu Phi rất mực mơ hồ, hầu hết các ước tính đều nói rằng số người Hồi giáo trên lục địa này ngang bằng với số người theo Kitô giáo, và hai bên thường sống chung với nhau trong bầu khí không hoà thuận. Đặc biệt là tại những nước không có một đa số rõ rệt – chẳng hạn như Nigeria, Tanzania, và Ivory Coast – người ta đã chứng kiến nhiều đợt xung đột giữa người Kitô giáo và Hồi giáo trong những thập niên vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo NCR (National Catholic Reporter) tại Thượng hội đồng giám mục, tổng giám mục John Onaiyekan thuộc Abuja nước Nigeria, cho biết rằng theo quan điểm của người châu Phi, thì Hồi giáo đáng được nhiều chú ý quan tâm của giáo hội ngang bằng với những nỗ lực đối thoại giáo hội dành cho Do thái giáo.

Tổng giám mục Onaiyekan nói: “Mối liên lạc với Hồi giáo tạo ra nhiều kết quả hơn trên đời sống giáo hội và sứ vụ của giáo hội cũng như cho một số lớn các giám mục. Mối liên lạc với Do thái giáo có thể rất quan trọng về phương diện lịch sử và nhiều mặt khác, nhưng trên bình diện toàn cầu, chúng ta có nhiều điều phải đương đầu với người Hồi giáo hơn với người Do thái.”

“Còn nữa, khi đề cập đến sứ vụ của giáo hội, sự kiện là trong khi người Do thái không quan tâm đến việc rao giảng và truyền đạo, thì người Hồi giáo lại đang mạnh mẽ - rất mạnh mẽ - cải đạo những người khác. Có thể nói là họ đang câu cá ở cùng một cái ao với chúng ta. Chúng ta phải xét đến việc đó.”

Sự lớn mạnh của Phong trào Ngũ Tuần khắp châu Phi, thường là cái giá phải trả của giáo hội Công giáo, đặt ra một thách thức về mục vụ khác không kém phần quan trọng. Tại Thượng hội đồng giám mục, đức hồng y Polycarp Pengo nước Tanzania, hiện là Chủ tịch của SECAM, cảnh báo về một cuộc “xuất hành ồ ạt” người Công giáo khắp châu Phi rời bỏ giáo hội để gia nhập vào nhiều phong trào Ngũ Tuần khác nhau.

Giám mục Louis Portella Mbuyu ở Kinkala, nước Congo, nói rằng ngày nay tại châu Phi còn có một yếu tố tranh đua khác đang lớn mạnh: đó là hình thức hồi sinh của tôn giáo châu Phi truyền thống, đề cao sự giải phóng cá nhân.

Ngoài những mối quan tâm về tôn giáo nói trên, các giám mục châu Phi còn yêu cầu chú ý nhiều hơn đến nỗi thống khổ vẫn còn tiếp tục nơi đại lục này dưới hình thức kém phát triển trầm trọng, bệnh tật kinh niên và những cuộc xung đột võ trang.

“Chỉ số khổ cực” về châu Phi hiện nay ai cũng biết là đáng chán:

1. Ngân hàng Thế giới tường tình rằng trong khi vùng Á Đông giảm thiểu tỷ lệ người sống trong cảnh cực kỳ nghèo túng - nghĩa là kiếm được dưới 1 mỹ kim một ngày – từ 80% xuống còn 20% trong giai đoạn từ 1981-2005, thì ở châu Phi không có sự cải tiến tương tự như thế. Năm 1981, 200 triệu người châu Phi sống trong cảnh cực kỳ nghèo túng, trong khi đó con số ước tính vào năm 2005 là 400 triệu người.

2. Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa kỳ, thì trong 30 nước chậm phát triển nhất trên thế giới thì có đến 21 nước nằm ở vùng vùng châu Phi hạ Sahara.

3. Năm 2005, người ta ước tính có khoảng 30 triệu người lớn và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS trong vùng châu Phi hạ Sahara, chiếm khoảng 2/3 số người bị nhiễm trên toàn thế giới. Ước chừng 1 triệu rưởi người châu Phi thiệt mạng mỗi năm vì căn bệnh này. Trong số 15 triệu trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì bệnh AIDS trên toàn thế giới thì vùng châu Phi hạ Sahara đã chiếm tới 95% con số trẻ em đó.

4. Tính từ năm 1981, có khoảng 28 nước ở trong vùng châu Phi hạ Sahara đã có liên hệ trong các cuộc xung đột quân sự, gây ra cái chết cho hàng triệu người, làm cho khoảng 9.5 triệu người phải đi tỵ nạn và từ 18 đến 20 triệu người phải rời bỏ chỗ ở. Theo cơ quan Oxfam Quốc tế, các cuộc xung đột quân sự từ năm 1990 đến 2005 đã làm cho châu Phi tốn phí khoảng 300 tỷ, tương đương với tổng số ngoại viện phân phối cho châu Phi trong cùng khoảng thời gian đó.

5. Người ta ước tính nạn tham nhũng kinh niên trong nhiều nước châu Phi đã làm tốn hao đại lục này hàng trăm tỷ mỹ kim vì mất mát trong sản xuất và các nguồn tài nguyên bị bòn rút.

Những người phát ngôn của châu Phi thường khiếu nại rằng các chỉ số về nỗi khổ cực của con người thường bị bỏ qua hoặc không được tường trình đầy đủ ở phương Tây. Theo một cuộc nghiên cứu của nhóm Media Watch, những cuộc xung đột ở châu Phi chỉ được giới báo chí phương Tây tường thuật khoảng 2% trong thời gian 3 năm tiếp sau những cuốc tấn công khủng bố xảy ra ngày 9/11.

Các nhà lãnh đạo Công giáo ở châu Phi ngày nay đang lên tiếng với niềm hy vọng rằng trọng tâm đặt vào lục địa này năm 2009 của giáo hội toàn cầu có thể một phần nào giúp cải tiến những sự bất quân bình như thế.

Nguồn: JOHN L. ALLEN JR./ National Catholic Reporter