CHÍNH QUYỀN QUẤY RỐI VÀ ĐE DOẠ CÁC NỮ TU PHAOLÔ HÀ NỘI

HÀ NỘI - Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô ở tu viện số 37 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội đang bị chính quyền cộng sản đe doạ và quấy rối. Nguyên nhân là các bà đang sống và làm việc theo pháp luật bằng cách bảo vệ cở sở thờ tự của mình khỏi bị lấn chiếm và xúc phạm.

Cổng vào tu viện
Các nữ tu dòng Dòng Thánh Phaolô có mặt ở Hà Nội từ năm 1883. Các nữ tu này thuộc số những thầy thuốc Tây y đầu tiên ở Hà Nội.

Mới đầu các chị làm việc tại Nhà thương Phủ Doãn. Đầu thế kỷ XX, Tam Điểm lên nắm quyền ở Pháp quốc và Đông Dương đã loại các bà ra khỏi các bệnh viện công.

Quyết chí phục vụ người nghèo, các bà dòng này đã mua đất lập tu viện và trường học Sainte Marie được ở địa chỉ mà ngày nay là khu vực số 37 Hai Bà Trưng. Các bà cũng thành lập nhà thương Saint Paul ở đầu phố Chu Văn An ngày nay.

Tu viện Sainte Marie ở 37 Hai Bà Trưng là Trụ sở của Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Hà Nội mà nay gọi là Tỉnh Dòng Đà Nẵng. Sau năm 1954, bà soeur Bề trên Giám tỉnh vẫn cư trú tại tu viện này.

Sau năm 1954, tu viện và nhà thương Saint Paul bị nhà nước chiếm dụng toàn bộ và làm cho biến dạng. Sau nhiều lần đổi tên khác nhau nay nhà nước lại gọi tên nhà thương này là “Bệnh viện Xanh Pôn”. Ở giữa sân bệnh viện nay vẫn còn tượng ông thánh Phaolô.

Trong khi đó, số phận tu viện 37 Hai Bà Trưng cũng không kém long đong. Khu trường học ở đây bị Viện Vi trùng học ép buộc làm hợp đống cho họ thuê. Một thời gian sau, Viện này không trả tiền thuê và tự ý chiếm dụng. Khi Viện này xây dựng cơ sở ở nơi khác thì các cán bộ công nhân viên ở đây tự ý chia nhau xây nhà, làm thành khu dân cư hướng ra mặt tiền ra phố Lý Thường Kiệt ngày nay.

Đầu thập niên 1960, khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng XHCN thì chính quyền trục xuất bà Bề trên Giám tỉnh về Pháp. Một nữ tu khác người Việt Nam được bầu lên làm Giám tỉnh là Soeur Madelène Đông. Nữ tu này sau đó ít lâu bị chính quyền bắt đi tù. Rồi bà bị đưa về quản chế và qua đời tại một họ đạo nhỏ thuộc xứ Cổ Nhuế.

Sau khi bắt bà Bề trên Giám tỉnh đi tù, chính quyền liền cướp tu viện. Ngôi tu viện có kiến trúc kiểu thuộc địa rất đẹp hình chữ T với hai cánh chữ T rất rộng vươn ra trên mặt phố Hai Bà Trưng, bị chính quyền chiếm làm bệnh viện Việt Nam-Cuba, hay còn gọi là bệnh viện Mắt Trung ương.

Diện tích đất ban đầu của Tu viện 37 Hai Bà Trưng gần 15.000 mét vuông, nay đã bị chiếm dụng gần hết và số diện tích còn lại theo chúng tôi chỉ vào khoảng 2000 mét vuông. Ba phía mặt tiền đường của tu viện đã bị lấn chiếm gần hết. Riêng mặt đường Lý Thường Kiệt không còn tý nào. Mặt đường Hai Bà Trưng chỉ còn một cửa nhỏ.

Các nữ tu bị dồn xuống khu nhà phụ cấp 4 chật hẹp ở phía sau. Trong khi đó, ngôi nhà thờ, tức là phần chứ T trong khối kiến trúc, thì chính quyền còn để lại. Thế là các nữ tu bị vây kín chỉ còn một cổng ở phần chóp chữ T thông ra phố Hai Bà Trưng.

Một thời gian sau bệnh viện Việt Nam –Cuba lại chiếm nốt phần lớn đất đai thuộc không gian bao phủ của hai cánh chữ T. Ác hơn nữa, họ chiếm luôn cái lối đi của các nữ tu ở đầu chữ T, biến thành lối đi của bệnh viện nối hai phần cánh chữ T với nhau.

Các nữ tu ở đây mất chủ quyền cả cổng. Nhà thờ là nơi tôn nghiêm. Nhà tu là nơi thanh tịnh, vậy mà bổng chốc ngay cổng vào lại bị biến thành chốn tích tụ của tệ nạn xã hội. Nhiều đồ uế tạp và cả các loại kim tiêm chính được vứt vào khu vực này. Kim tiêm của bệnh viện hay của giới nghiện? Hiện nay mỗi buổi sáng đến cổng khu vực 37 Hai Bà Trưng vẫn còn thấy kim tiêm chính vứt bỏ bừa bãi trước mấy của hiệu lấn đất tu viện làm ăn.

Các nữ tu ở Tu viện Sainte Marie đã 9 lần gửi đơn đến các cấp chính quyền ở Hà Nội trong gần 10 năm qua để yêu cấp chính quyền can thiệp trả lại nội vi và chủ quyền cổng đi cho tu viện. Thế nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Ngày 29-30 tháng 7 vừa qua, các nữ tu và giáo dân đã khẳng định chủ quyền bằng cách san lấp khoảng đất ở cổng vào, phá bỏ tường rào bệnh viện làm cổng thông hai bên chữ T cắt ngang cổng nhà thờ và tu viện.

(Xem hình cổng tu viện được giáo dân và nữ tu “dọn dẹp” sau thánh lễ)

Giáo dân giúp "làm sạch" khai thông lối đi
Đấy là chuyện các nữ tu và giáo dân phải tự hành động theo pháp luật để bảo vệ tài sản của mình, để chấm dứt tình trạng nơi thờ tự bị xâm phạm và để chấm dứt tình trạng mất vệ sinh và an ninh ở cổng nhà thờ và tu viện.

Thế mà hiện nay chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường Tràng Tiền đang áp lực và quấy rối các nữ tu khiến có người trong các bà bị căng thẳng, không còn yên tâm để tu hành và phục vụ.

Trong các ngày đầu tháng 8, chính quyền liên tục gửi giấy triệu tập các nữ tu lên UBND để “làm việc”. Chẳng những thế, công an, một tên Hà (nữ ) và một tên Tư (nam) liên tục vào tu viện quấy rối các nữ tu.

Ngày 06.08.2008 một đoàn cán bộ đã xông vào tu viện “làm việc” với chị Fransoise Thảo, Tu viện Trưởng. Họ chụp mũ và kết án chị nhiều “tội”. Họ làm cho chị căng thẳng phải bỏ ngang đi nghỉ giữa chừng khiến chị em trong tu viện cũng căng thẳng theo. (Xem hình 9 “đầy tớ cán bộ” đang nhập tu viện “ đánh hội đồng” một “chủ nhân dân” khiến nhân dân là nữ tu Bề trên căng thẳng)

Chưa hết những đòn hạ tiện. Thấy không bắt ép được các nữ tu mở cổng 37 Hai Bà Trưng, ban đêm họ cho công an xuống kiểm tra hộ khẩu các nữ tu và gây khó dễ trong chuyện đăng ký tạm trú tạm vắng theo luật.

Ban ngày họ cho Phòng Giáo dục liên tục xuống “thanh tra” nhà trẻ của các nữ tu. Họ kiểm tra số trẻ em theo học ở đây, kiểm tra số cô giáo tham gia dạy các cháu và chuyện tạm trú tạm vắng của các cô. Họ hạnh hoẹ nhiều chuyện không hợp tình, hợp lý liên quan đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, học tập của các trẻ em trong trường.

Trong khi đó để dung hoà và giải quyết mọi vấn đề không phải là chuyện dễ dàng. Chẳng hạn một số phụ huynh làm căng với các nữ tu khi các chị không nhận con em họ. Nhưng nếu nhận thì chính quyền lại làm khó.

Hiện các nữ tu đang bị áp lực nặng về vấn đề này. Ngôi trường mầm non duy nhất và cũng là cơ sở giáo dục duy nhất của giới Công giáo ở Hà Nội, đang có nguy cơ bị đóng cửa hoặc phá sản vì nộp phạt. Đấy là kiểu “xã hội hoá giáo dục” và chăm lo cho trẻ thơ của chính quyền!

Hôm thứ 5 ngày 14.08 vừa qua, chính quyền lại gọi 1 trong 2 nữ tu lớn tuổi có hộ khẩu lên UBND để “làm việc”. Hiện nay họ đã trả nữ tu này về với nhiều lời dụ dỗ và áp lực.

Chưa biết chính quyền còn có những đòn phép nào tiếp theo để ức hiếp các nữ tu chân yếu tay mềm, chỉ muốn đọc kinh, cầu nguyện và làm việc thiện mà cũng không được yên? Cũng chưa biết liệu các nữ tu Phaolô có được bản lĩnh đấu tranh đòi công lý cho mình như ni sư Thích Đàm Thoa của Phật giáo ở Bắc Giang?