ĐỨC TIN KITÔ CỦA NGƯỜI NHẬT

Chị Maria Fides Akanuma - người Nhật - là Nữ Tu Đa Minh làm việc tông đồ tại Paris, thủ đô nước Pháp. Mỗi tuần một lần, Chị dạy Kinh Thánh cho người Nhật đến viếng thăm Paris hoặc sống tại Paris. Lớp Kinh Thánh của Chị có khoảng 2 hay 3 người đến xin thụ huấn. Chị rất thích giảng giải Cựu Ước và Tân Ước cho người Nhật - thường không phải là tín hữu Công Giáo - muốn tìm hiểu về Kitô Giáo. Trong số này, phần đông là các sinh viên, các nghệ sĩ đến học hỏi về nghệ thuật và hội họa Tây Phương. Xin nhường lời cho Chị Maria Fides Akanuma.

Trái với người Pháp thường nghiêng về lý trí, người Nhật thường bén nhạy về vẻ đẹp và các biểu tượng. Các nghệ sĩ Nhật đến thủ đô Paris để tìm hiểu về nền hội họa của Pháp hoặc của Âu Châu, thường bắt buộc phải nghiên cứu Kinh Thánh. Lý do dễ hiểu là nền hội họa Âu Châu thường rút đề tài từ Kinh Thánh. Chẳng hạn, những bức họa nổi tiếng của Rembrandt (1606-1669) - người Hòa Lan - về Thánh Gia Nagiarét, hai lữ khách làng Emmau hoặc về người con trai hoang đàng. . Đó là chưa nói đến các họa sĩ nổi danh khác về các đề tài trong Kinh Thánh Cựu Ước như: cuộc đời ông Maisen, tổ phụ Giacóp, bà Rebecca v.v. Làm thế nào để hiểu được ý nghĩa của các bức họa này, nếu không có một ít kiến thức về Kinh Thánh??? Thế là, nhiều người Nhật nghe nói đến lớp Kinh thánh của chúng tôi, liền ghi danh tham dự. Đôi khi sau đó những người này xin theo đạo Công Giáo.

Xin trưng dẫn trường hợp hai người Nhật đến tham dự lớp Kinh Thánh.

Người thứ nhất là bà Harumi. Bà Harumi theo chồng đến sống tại thủ đô Paris vì chồng là nhân viên hãng sản xuất vật dụng điện tử NEC. Bà đến học Kinh Thánh để có thể hiểu nền văn hóa Pháp, một nền văn hóa gắn liền với Kitô Giáo. Nhờ học Kinh Thánh, bà Harumi khám phá ra những khác biệt giữa Phật Giáo và Kitô Giáo. Bà nói:

- Ở Nhật, chúng tôi thường nói: ”Ác quả ác báo”. Theo giáo lý nhà Phật thì, hậu quả của việc mình làm sẽ theo đuổi mình mãi mãi không tránh được. Vậy mà tôi học trong Tân Ước dạy rằng: Con người tùy thuộc THIÊN CHÚA, Đấng đã gửi Con Một Ngài đến cứu chuộc chúng ta, một cách hoàn toàn nhưng không, chỉ vì TÌNH YÊU! Đối với tôi là người Nhật thì đây là khám phá rất lớn. Tôi tin nơi Thượng Đế, nhưng niềm tin rất mơ hồ. Ở Pháp, Đức Chúa GIÊSU làm cho quý vị nhận biết THIÊN CHÚA, nhưng ở Nhật, chúng tôi không được may mắn này, bởi vì chúng tôi nhìn THIÊN CHÚA dưới nhãn quan khác. Đối với người Nhật chúng tôi thì THIÊN CHÚA giống như Người ban phát các thẻ. Người nào dâng cúng cho Chúa nhiều của lễ thì sẽ nhận được nhiền ơn lộc. Cầu nguyện cùng Thượng Đế tức là: ”Xin cho con trúng số; cho con tìm được việc làm; cho con trở nên giàu có”. . Trong khi đó, lời cầu nguyện trong Kitô Giáo lại mang hình thức hoàn toàn khác. .

Đối với tôi, không ai là người vô thần, không tin tưởng gì ráo trọi. Chẳng hạn anh tôi, thường tự xưng là vô thần, nhưng vẫn đến Chùa thắp nhan, đốt nến để khấn vái Trời Phật xin cho con trai anh thi đậu. Không ai là vô thần thật, nhưng chỉ có người không được học hỏi về đạo giáo mà thôi!

Phụ nữ Nhật thứ hai theo học khóa Kinh Thánh là bà Yasuko. Khác với bà Harumi, bà Yasuko là tín hữu Công Giáo, được rửa tội trước đó 5 năm. Bà kết hôn với một người Pháp và sống tại thủ đô Paris. Bà nói:

- Tôi sinh ra trong một gia đình Phật tử, nhưng tôi biết rất ít về đạo Phật. Nói đúng hơn, chúng tôi chỉ thi hành một số phong tục tập quán của đạo Phật chứ chẳng hiểu ất giáp gì. Thật ra, chúng tôi không tuân giữ giáo huấn của một tôn giáo theo đúng nghĩa, bởi vì, trong Phật giáo không có một nền giáo lý rõ ràng như trong Kitô Giáo. Trong gia đình chúng tôi luôn luôn đặt hai bàn thờ: bàn thờ Phật trên đó tôn kính ông bà tổ tiên và bàn thờ thần đạo, trên đó đặt nhiều vị thần, trong đó có thần mặt trời, ông tổ của hoàng đế Nhật.

Lúc còn là thiếu nữ, tôi được gởi đến làm thư ký cho một hãng thầu Nhật Bản có văn phòng đặt tại thủ đô Paris. Nơi đây, khi những người bạn Pháp hỏi tôi theo đạo nào và nghĩ gì về cuộc sống đời sau, thì tôi lúng túng không biết trả lời sao. Tôi liền tìm đến với các tín đồ của môn phái Phật Tenrikio. Nhưng những người này ra điều kiện là họ sẽ chỉ nói về đạo Phật, nếu tôi dụ dỗ được 5 tín đồ khác. Hoảng hốt và thất vọng, tôi tìm đến với các tín hữu Công Giáo. Những người này mách cho tôi biết về Trung Tâm Công Giáo dành cho người Nhật tại thủ đô Paris. Tôi tìm đến đây và học biết về Kitô Giáo. Tôi xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo và sau đó may mắn kết hôn với một tín hữu Công Giáo Pháp, thật sùng đạo.

... ”Tạ ơn THIÊN CHÚA, Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Chúa GIÊSU KITÔ, như hương thơm, lan tỏa khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức GIÊSU KITÔ dâng kính THIÊN CHÚA, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất. Đối với những người bị hư mất, chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong; nhưng đối với những người được cứu độ, chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống. Nhưng ai là người có khả năng thực hiện những điều ấy? Thật thế, chúng tôi không phải như nhiều người, những kẻ xuyên tạc Lời Chúa, mà với tư cách là những người trung thực, được THIÊN CHÚA sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Người, trong Đức Chúa GIÊSU KITÔ” (2 Côrintô 2,14-17).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.311, Juillet+Aout/1996, trang 215-217)