TÂM SỰ CỦA TRƯỜNG MẪU GIÁO MĂNG NON

32 BIS NGUYỄN THỊ DIỆU


Lúc này thế giới của tôi hay mưa, ngồi buồn tôi lại lấy giấy bút ra tiếp tục câu chuyện còn dang dở, trước tiên xin hết lòng cám ơn anh Vietcatholic và chuacuuthe.com đã cho tôi cơ hội gặp gỡ, tâm sự với bạn đọc xa gần.

Xin được trở lại với câu hỏi “Liệu mẹ ruột có tiếp tục ở bên tôi sau khi tôi được đặt dưới sự quản lý của mẹ nuôi ?” Có một nghìn lẻ một cách để người ta buộc mẹ ruột tôi từ bỏ ý định tiếp tục dạy học ở 32bis. Mẹ nuôi tôi nhất quyết không thể để lớp trẻ bất hạnh được các bà xơ đào tạo thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc nhân dân Việt Nam ! (QĐ 1958 của UBND tỉnh Cửu Long bảo thế đấy). Các bà xơ trí thức tiểu tư sản tay sai đế quốc làm sao xứng đáng dạy chung với những chuyên gia chuyên chính vô sản chuyên đào tạo ra những ‘thiên tài’ ! “Chân lý” độc quyền giáo dục ấy vẫn còn tiếp tục duy trì cho đến hôm nay: ông cha bà xơ không được quyền mở trường dạy học, chỉ nhà nước được in sách giáo khoa và năm nào cũng thay đổi cho nó “update”, dạy gì ghi nấy, toán mẫu, văn mẫu, … rán học, học nữa, học mãi,. .ọc ọc. . cho thành người mẫu, “mẫu”đến độ đi thi cũng phải lén mang mẫu theo. Thuộc bài điểm sẽ cao, không thuộc bài cũng không sao … chỉ được lên lớp, thế mới là giáo dục xã hội chủ nghĩa, đỉnh cao của trí tuệ loài người !

Mẹ tôi chưa bị dí súng cho vào nhà giam như các nữ tu dòng thánh Phao Lô là may lắm rồi, còn ‘mơ với ước’ gì nữa. Từ đó mẹ tôi hết dám qua lại thăm nom tôi. Không còn cách nào khác, tôi tập làm quen với phong cách làm việc của các chuyên gia giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi cũng luyện cho đôi tai mình khả năng nghe như không nghe những khi cần. Ấy là hồi xưa chứ bây giờ thì tôi chỉ cần sử dụng phone để nghe nhạc ráp vào những tiết học mà tôi dị ứng. Ôi, bao nhiêu là những buổi họp, những dịp tổng kết thi đua dồn dập, hào hùng, khen thưởng; những buổi ra quân, mở đầu chiến dịch tự trau dồi phẩm chất năng lực, phản chiếu tấm gương thầy giáo vĩ đại Nguyễn Tất Thành. ..v.v... Chưa hết, các chỉ tiêu lên lớp, chăm - ngoan - xuất sắc phải được “quan tâm” đúng mức và bằng mọi cách phải đạt thành tích. Cuối năm thầy cô chạy quanh xin điểm nhau để “chúng ta” cùng dạy siêu đến nỗi chẳng học sinh cá biệt nào phải lưu ban ở lại ! Đồng hành với chính sách giáo dục, việc vác cuốc ra đồng theo kẻng hợp tác xã, xếp hàng mua thực phẩm theo chủ nghĩa công bằng phân phối, cào bằng mọi nhu cầu, đánh giá con người qua bằng khen và danh hiệu chỉ đáng “lộng kiếng”, đã để lại một hậu quả khôn lường. Cái tinh thần ưu việt phải quán triệt trong thời bao cấp ấy vẫn còn giữ vững cho đến bây giờ. Người ta bảo, nó đã cưu mang và đẻ ra cho đất nước hai người con ‘ưu tú’, sống hùng sống mạnh cho đến hôm nay, chưa bao giờ bệnh tật: tên nó là ‘dối trá’ và ’thành tích’.

Mẹ tôi nói rất đúng, dẫu sao niềm vui và hạnh phúc của trẻ nhỏ đã cho tôi nghị lực để tiếp tục theo đuổi lý tưởng phục vụ của mình, nếu không tôi còn ở lại 32bis để làm gì cơ chứ ? Trẻ thơ bao giờ cũng dễ thương và vô tư, chỉ một tháng trôi qua, chúng đã thôi không còn nhắc đến mẹ tôi. Giờ đây, nón tai bèo, xe nhựa, súng hơi … thoải mái chơi đùa. Riêng tôi, vẫn còn đó nỗi u hoài về một thời đã qua, ưu tư về một tương lai sắp tới.

Linh tính mách bảo tôi rằng, đã đến lúc tôi phải từ giã cõi đời, tôi sẽ phải ra đi trong khổ nhục và buồn tủi của kẻ tội phạm hơn là một người đã dày công đóng góp vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ai là thủ phạm của việc thanh toán này ? Quý bạn đọc chắc đã biết rõ qua các bài viết của Thợ Gốm và Dương Anh Thư … Thế là tôi vĩnh viễn ra đi, không mong hồi sinh trên thế gian này. Dẫu thế nào tôi vẫn muốn trải lòng mình ra với các bạn, không dám mong được phục hồi danh dự như Tả quân Lê Văn Duyệt, chỉ mong các bạn nhìn về biết bao ngôi trường như tôi đây vẫn đang bị lợi dụng cho các chiêu bài đổi mới, hội nhập. Vâng, mẹ nuôi tôi có tha thiết gì đến việc trồng người ? Hình như mắt bà thường để ở dưới mông nên bà chỉ thấy cái nệm xe deluxe, cái ghế mạ vàng. Bán chúng tôi cho Đài Loan, Hàn Quốc hay cho các Đại gia thuê mới có “Bác” trong nhà trong tủ. Chỉ quanh quẩn quận 3 TP. Hồ Chí Minh này thôi, có biết bao ngôi trường đang được kinh doanh cho thuê … trong khi các cháu lại phải vào những nhà giữ trẻ tự phát; các học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông phải vào các trường dân lập với học phí ngất trời. Ấy thế mà bà Phó Chủ tịch UBNDTP kêu gọi nhường đất xây trường, xã hội hoá giáo dục ! Nói nào ngay, tôi cũng thấy những ngôi trường vừa mọc lên trên địa bàn thành phố Bác, nhưng nó có sân rộng cho xe hơi chứ làm gì có chỗ cho người đi xe buýt, xe đạp! Trường công không chỗ chứa, dân lập không vẫy chào, con số thất học và bỏ học cứ thế tăng nhanh. Chưa hết đâu, mẹ nuôi tôi còn chủ trương cổ phần hóa trường lớp để tự chủ trong ngân sách, để mẹ rảnh tay lo việc “đại sự”. Cứ cái đà này sớm muộn gì các bạn tôi cũng bị bán đi không chút thương tiếc. Khi đã cầm quyền người ta lo kiếm tiền chứ mấy ai thích “dạy và học” chứ ? Chuyện trường lớp và giáo dục bỗng trở nên “vô duyên” trước kế hoạch “kinh bang tế thế” quán bar, vũ trường đẻ ra tiền muôn bạc vạn.

Ừ, sao người ta cứ nghĩ ra đủ lý do “người lớn” để trẻ em phải ra vỉa hè thế nhỉ ?

Bạn biết đấy, càng ngày tôi càng thấy tâm địa xấu xa, mánh lới của mẹ nuôi tôi. Bà tìm mọi cách để buộc tội và xử tử tôi. Cách thức tra tấn thật dã man. Thú thật giờ này nhớ lại tôi vẫn còn thấy nhói đau ở tim mình. Xin lắng nghe vài câu đối thoại giữa đại diện Phòng giáo dục quận 3 và Uỷ Ban nhân dân quận 3.

- Đại diện (ĐD) Phòng giáo dục quận 3 lên tiếng: Trường Măng Non vốn là tang vật của một vụ án lớn, ta không thể tiêu hủy nó, vì “giờ của nó chưa đến”. Song hiện nay, nó đã xuống cấp và là mối nguy hiểm to lớn cho tính mạng của mấy trăm trẻ em. Trẻ em là mầm non của đất nước, phải được học nơi xứng đáng !

- Như thế ta phải làm gì với nó ? Không thể để lãng phí - một thầy giáo lên tiếng.

- Đại diện UBND quận 3 chậm rãi nói: Trong khi chờ đợi ngày xử tử, ta tận dụng nó để kinh doanh thu lời. Theo tôi thì giao cho công ty dịch vụ công ích đảm nhận, bộ phận này có kinh nghiệm trong kinh doanh chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ cách xuất sắc.

- Một đại diện đeo kính râm thêm vào: tôi thấy thuốc lá, câu lạc bộ hoặc vũ trường là các phương án tối ưu.

- Vị chủ tọa kết thúc: vậy thống nhất giao trường Măng Non cho công ty dịch vụ công ích. Từ nay, phòng giáo dục Quận 3 xem như đã tự nguyện từ bỏ Măng Non. Vậy xin bàn giao luôn hồ sơ lý lịch, CMND … và các “bản cáo trạng” nếu có.

- Đại diện phòng giáo dục: Dạ, tôi lỡ làm thất lạc các giấy tờ tùy thân của nó. Xin thêm là, từ xưa đến nay chưa có một văn bản kiểm kê quản lý nào của UBND TP. Song nó đang ở trong tay chúng ta là của chúng ta, cứ xem hắn là đứa con mồ côi, không cha, không mẹ để tiện bề quản lý.

- Thế thì càng tốt. Đúng là cao kiến !

Ôi vài câu qua lại ấy đủ quyết định số phận của tôi. Bắn tôi ư ? Tôi mong như thế, tôi có thiết gì sống nữa khi các trẻ nhỏ bị đuổi xa tôi. Nhưng không, họ biết yếu điểm của tôi. Tước đi niềm vui của trẻ em là đẩy tôi xuống vực thẳm của buồn sầu, thất vọng. Họ muốn tôi chết dần chết mòn trong cô đơn, tủi nhục hơn là giải thoát tôi bằng cái chết mau lẹ.

Vắng bóng trẻ thơ, tôi trở nên trầm cảm, không còn tha thiết với cuộc sống trần ai. Họ ngang nhiên tháo gỡ hết mọi bông hoa, chim cảnh trên áo tôi. Sau đó tiến hành may nhiều túi rộng để chứa thuốc lá đủ loại. Cũng có lúc tôi muốn thét lên, tranh đấu cho quyền của trẻ thơ vô tội, nhưng không thể, họ đã nhét vải đầy kín miệng tôi, cho còng số 8 vào tay tôi. Tôi chỉ còn có thể lẩm bẩm, càm ràm cho thân phận hẩm hiu xấu số.

Tôi đã nhiều lần rơi lệ khi thấy cảnh trẻ nhỏ níu áo mẹ cha đứng lại mỗi khi ngang qua 32 bis. Em cứ ngỡ cô giáo và các bạn vẫn còn bên tôi, chỉ mình em bị buộc nghỉ học. Không thể tin vào lời mẹ cha. Thừa dịp mẹ cha đi vắng, em mò mẫm đến thăm Măng Non. Măng Non giờ đây vắng bóng cô giáo và các bạn, chỉ thấy tre già nghênh ngang điếu thuốc trên môi. Thất vọng não nề theo em vào tiềm thức.

Chưa hết, tôi cảm thấy đau lòng và tổn thương mỗi khi chứng kiến cảnh các em lớn hơn trở về thăm trường cũ. Em đứng đấy, đôi mắt xa xăm nhìn vào mắt tôi, hờn dỗi, trách móc. Tôi muốn giải thích với em rằng tôi không làm gì nên tội. Tôi đâu muốn rời bỏ lý tưởng xưa nay tôi hằng theo đuổi. Nếu em thương tôi, hãy cố lên, chăm ngoan học giỏi để mai sau đưa tôi thoát khỏi cảnh tù ngục này. Ôi, đến lúc này tôi mới thấy hiệu quả của ngôn ngữ không lời. Như đọc được những gì tôi nhắn gửi, em quay gót lê bước nặng nề, tôi hình dung gánh nặng quá lớn trên đôi vai bé nhỏ của em. Chao ôi ! Người ta đâu để em kịp lớn để giải thoát cho tôi. Họ phải tranh thủ xử bắn tôi sớm chứ ? Đâu để đối phương cướp mất miếng mồi béo bở.