TÂM SỰ TRƯỜNG MẪU GIÁO MĂNG NON
32 BIS NGUYỄN THỊ DIỆU – BÀI 2
Để hiểu được tâm trạng của tôi vào những ngày đầu tháng 4/1975, bạn cứ tưởng tượng có ai đó báo với bạn rằng: trong một tháng nữa, bạn sẽ được giao cho người khác nuôi nấng, bảo ban. Cha mẹ bạn không còn quyền gì trên bạn. Từ đây bạn phải tùy thuộc hoàn toàn vào Mẹ nuôi chứ không phải Mẹ ruột. Mà người mẹ nuôi này lại có rất nhiều con nuôi như bạn, nên chắc chắn sẽ lại giao bạn cho một ai đó “chăm sóc, yêu thương”. Vâng, đó là những tháng ngày đen tối trong đời tôi. Ôi, sao người ta nỡ tâm cắt đứt tình mẫu tử ??? Các từ: chia ly, xa cách, cứ thế gặm nhấm tâm hồn tôi. Lo lắng, buồn phiền xâm chiếm tâm trí tôi. Từ ngày đó, mỗi sáng, khi thức giấc, tôi thầm cầu mong ngày cứ dài thêm đừng kết thúc. Tôi muốn níu kéo để thời gian ngừng trôi. Tôi bịt tai để đừng nghe tiếng tíc tắc của quả lắc đồng hồ đong đưa và bịt mắt để không thấy tấm lịch đang bên sườn mình.
Mẹ tôi như thầm đọc được tâm trạng của tôi nên động viên tôi bằng nhiều cách. Khi thì tâm sự nhỏ to, khi thì ghi những mẫu giấy nhỏ trên bàn làm việc, ngay cả trong quyển ký sự mẹ cố tình bỏ quên trên bàn sau giờ làm việc. Tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng những dòng sau đây: “Jardin d’enfant thương mến, năm nay con đã 17 tuổi, mẹ an tâm vì con không còn nhỏ dại. Từ lâu con đã là chỗ dựa của biết bao trẻ thơ nghèo khổ, thơ dại. Mẹ hãnh diện về con ! Dầu cho ai đó nói rằng mẹ con ta nguy hiểm và đáng trách, mẹ cũng không nao núng. Con cũng thế, đừng sợ, hãy tin vào chính mình. Ta vẫn là ta, trước sau như một. Rồi một ngày kia, sự thật sẽ chiến thắng. Con hãy tiếp tục sứ mạng của mình. Mẹ nghĩ rằng, người ta sẽ tiếp tục những gì tốt đẹp mẹ con ta đã khởi sự. Hy vọng người ta sẽ cư xử tốt với con. Niềm vui và hạnh phúc của các trẻ thơ sẽ đong đầy trái tim con, đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của mẹ”
Thế rồi, có tin báo, tất cả các linh mục, tu sĩ đang phụ trách các trường tư thục Công giáo phải đi tập huấn. Đây là cách họ muốn thanh tẩy cái đầu của tôi thông qua mẹ tôi. Họ sợ “tàn dư phản cách mạng” của mẹ con tôi sẽ làm hỏng các thế hệ mầm non của đất nước. Theo chương trình 2 tháng tập huấn thì từ nay, các trường học phải ưu tiên xây dựng con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa. Huấn luyện tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…”, các khẩu hiệu này phải lên truyền thanh, truyền hình, dán vào băng rôn, đặt vào nơi mọi người có thể thấy. Còn mấy cái chuyện nhặt lá rụng trong sân bỏ vào sọt rác, cất ly nước vào đúng ô quy định, đi nhẹ nhàng khi bạn đang ngủ trưa, … đó toàn là chuyện nhỏ xếp vào hàng thứ yếu. Khi đào tạo được con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa, đương nhiên người ta sẽ ứng xử lịch sự, nhân bản…Chỉ có các ma soeur mới lẩm cẩm nhắc đi nhắc lại ba chuyện cỏn con này !
Dầu sao thì tôi cũng vui, vì như thế, tôi vẫn còn cơ hội gặp lại mẹ tôi và một số giáo viên cũ. Bởi sau khi được “bồi dưỡng và tẩy não”, mẹ và các cô được tiếp tục dạy học tại 32 bis Nguyễn Thị Diệu theo điều khoản thỏa thuận tại Thông Cáo Chung 1975 ký kết giữa Tòa Tổng Giám Mục TP Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục. Vẫn còn le lói ánh sáng cuối tầng hầm. Tôi thầm nuôi hy vọng suốt đời mẹ vẫn bên tôi. Có mẹ, ai dám ăn hiếp tôi ??? Còn hơn thế nữa, có mẹ, trẻ nhỏ sẽ được học những bài học bằng ngôn ngữ không lời. Các phụ huynh có nơi để trút bầu tâm sự. Chiều chiều, sau giờ tan lớp, người ta sẽ thấy bóng mẹ trong căn nhà của em vắng học vì sốt xuất huyết hay nơi căn nhà của trẻ có bà cụ nằm yếu liệt. Tất cả là một bài học, không có chiến dịch, không băng rôn, không có trong giáo án !
Mùa hè đã đến, nhằm chuẩn bị cho năm học mới 1976-1977, mẹ nuôi đã đến chăm chút cho tôi (mẹ tôi bây giờ không còn quyền này nữa). Nhiều băng rôn đỏ, chữ vàng được đính lên ngực tôi. Họ treo cờ và gắn ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thay cho Thánh giá và ảnh Đức Mẹ Maria. Tôi không thể kháng cự bởi tay chân mình xem như đã bị trói. Đối với tôi, bà mẹ nuôi có thể di dời ảnh tượng ra khỏi 32bis, nhưng không thể di dời niềm tin và lòng kính mến Đức Mẹ khỏi tâm trí tôi. Tôi kính phục, biết ơn các bậc anh hùng đất nước, nhưng họ vẫn là những con người bất toàn, không thể thay chỗ của Đấng Tạo Hóa.
Bạn đọc thử đoán xem Mẹ và các cô giáo ngày xưa có còn ở lâu bên tôi trong thiên chức trồng người tại mảnh đất 32bis Nguyễn Thị Diệu không ? Câu hỏi chưa có hồi kết. Xin hẹn bạn đọc lần tới. Bây giờ tôi phải trở về âm phủ, xưa nay Mẹ vẫn dạy tôi phải đúng giờ.
32 BIS NGUYỄN THỊ DIỆU – BÀI 2
Để hiểu được tâm trạng của tôi vào những ngày đầu tháng 4/1975, bạn cứ tưởng tượng có ai đó báo với bạn rằng: trong một tháng nữa, bạn sẽ được giao cho người khác nuôi nấng, bảo ban. Cha mẹ bạn không còn quyền gì trên bạn. Từ đây bạn phải tùy thuộc hoàn toàn vào Mẹ nuôi chứ không phải Mẹ ruột. Mà người mẹ nuôi này lại có rất nhiều con nuôi như bạn, nên chắc chắn sẽ lại giao bạn cho một ai đó “chăm sóc, yêu thương”. Vâng, đó là những tháng ngày đen tối trong đời tôi. Ôi, sao người ta nỡ tâm cắt đứt tình mẫu tử ??? Các từ: chia ly, xa cách, cứ thế gặm nhấm tâm hồn tôi. Lo lắng, buồn phiền xâm chiếm tâm trí tôi. Từ ngày đó, mỗi sáng, khi thức giấc, tôi thầm cầu mong ngày cứ dài thêm đừng kết thúc. Tôi muốn níu kéo để thời gian ngừng trôi. Tôi bịt tai để đừng nghe tiếng tíc tắc của quả lắc đồng hồ đong đưa và bịt mắt để không thấy tấm lịch đang bên sườn mình.
Mẹ tôi như thầm đọc được tâm trạng của tôi nên động viên tôi bằng nhiều cách. Khi thì tâm sự nhỏ to, khi thì ghi những mẫu giấy nhỏ trên bàn làm việc, ngay cả trong quyển ký sự mẹ cố tình bỏ quên trên bàn sau giờ làm việc. Tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng những dòng sau đây: “Jardin d’enfant thương mến, năm nay con đã 17 tuổi, mẹ an tâm vì con không còn nhỏ dại. Từ lâu con đã là chỗ dựa của biết bao trẻ thơ nghèo khổ, thơ dại. Mẹ hãnh diện về con ! Dầu cho ai đó nói rằng mẹ con ta nguy hiểm và đáng trách, mẹ cũng không nao núng. Con cũng thế, đừng sợ, hãy tin vào chính mình. Ta vẫn là ta, trước sau như một. Rồi một ngày kia, sự thật sẽ chiến thắng. Con hãy tiếp tục sứ mạng của mình. Mẹ nghĩ rằng, người ta sẽ tiếp tục những gì tốt đẹp mẹ con ta đã khởi sự. Hy vọng người ta sẽ cư xử tốt với con. Niềm vui và hạnh phúc của các trẻ thơ sẽ đong đầy trái tim con, đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của mẹ”
Thế rồi, có tin báo, tất cả các linh mục, tu sĩ đang phụ trách các trường tư thục Công giáo phải đi tập huấn. Đây là cách họ muốn thanh tẩy cái đầu của tôi thông qua mẹ tôi. Họ sợ “tàn dư phản cách mạng” của mẹ con tôi sẽ làm hỏng các thế hệ mầm non của đất nước. Theo chương trình 2 tháng tập huấn thì từ nay, các trường học phải ưu tiên xây dựng con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa. Huấn luyện tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…”, các khẩu hiệu này phải lên truyền thanh, truyền hình, dán vào băng rôn, đặt vào nơi mọi người có thể thấy. Còn mấy cái chuyện nhặt lá rụng trong sân bỏ vào sọt rác, cất ly nước vào đúng ô quy định, đi nhẹ nhàng khi bạn đang ngủ trưa, … đó toàn là chuyện nhỏ xếp vào hàng thứ yếu. Khi đào tạo được con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa, đương nhiên người ta sẽ ứng xử lịch sự, nhân bản…Chỉ có các ma soeur mới lẩm cẩm nhắc đi nhắc lại ba chuyện cỏn con này !
Dầu sao thì tôi cũng vui, vì như thế, tôi vẫn còn cơ hội gặp lại mẹ tôi và một số giáo viên cũ. Bởi sau khi được “bồi dưỡng và tẩy não”, mẹ và các cô được tiếp tục dạy học tại 32 bis Nguyễn Thị Diệu theo điều khoản thỏa thuận tại Thông Cáo Chung 1975 ký kết giữa Tòa Tổng Giám Mục TP Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục. Vẫn còn le lói ánh sáng cuối tầng hầm. Tôi thầm nuôi hy vọng suốt đời mẹ vẫn bên tôi. Có mẹ, ai dám ăn hiếp tôi ??? Còn hơn thế nữa, có mẹ, trẻ nhỏ sẽ được học những bài học bằng ngôn ngữ không lời. Các phụ huynh có nơi để trút bầu tâm sự. Chiều chiều, sau giờ tan lớp, người ta sẽ thấy bóng mẹ trong căn nhà của em vắng học vì sốt xuất huyết hay nơi căn nhà của trẻ có bà cụ nằm yếu liệt. Tất cả là một bài học, không có chiến dịch, không băng rôn, không có trong giáo án !
Mùa hè đã đến, nhằm chuẩn bị cho năm học mới 1976-1977, mẹ nuôi đã đến chăm chút cho tôi (mẹ tôi bây giờ không còn quyền này nữa). Nhiều băng rôn đỏ, chữ vàng được đính lên ngực tôi. Họ treo cờ và gắn ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thay cho Thánh giá và ảnh Đức Mẹ Maria. Tôi không thể kháng cự bởi tay chân mình xem như đã bị trói. Đối với tôi, bà mẹ nuôi có thể di dời ảnh tượng ra khỏi 32bis, nhưng không thể di dời niềm tin và lòng kính mến Đức Mẹ khỏi tâm trí tôi. Tôi kính phục, biết ơn các bậc anh hùng đất nước, nhưng họ vẫn là những con người bất toàn, không thể thay chỗ của Đấng Tạo Hóa.
Bạn đọc thử đoán xem Mẹ và các cô giáo ngày xưa có còn ở lâu bên tôi trong thiên chức trồng người tại mảnh đất 32bis Nguyễn Thị Diệu không ? Câu hỏi chưa có hồi kết. Xin hẹn bạn đọc lần tới. Bây giờ tôi phải trở về âm phủ, xưa nay Mẹ vẫn dạy tôi phải đúng giờ.