Truyện ngắn:

Giao mùa



Giao mùa, không gian như ấm lại, những luồng gió Đông Bắc dần suy yếu. Cây gạo ven đường cũng thôi khẳng khiu, trơ trọi...

Xuân đang đến thật nhẹ nhàng mang theo hơi ấm của biển vào vùng quê đất cằn sỏi đá, nghèo xơ xác của Vi. Luồng gió Đông lướt qua những tán lá xoan non mỏng manh, run rẩy. Năm nay, xoan ra hoa sớm, mới cuối tháng Chạp mà xoan đã nở tưng bừng phủ lên khắp các khu vuờn, ngõ nhỏ một màu tím biếc, ngọt mát, nhẹ nhàng như màu Huế và tung vào không gian mùi nồng nồng, ngai ngái dễ chịu. Những lá bàng cuối cùng cố níu kéo trên thân cây già nua, oằn mình rồi thả lả tả trên đường, để mặc cho gió cuốn heo hắt và run rẩy. Những cơn mưa đầu mùa lất phất bay, vô tình chợt đến rồi chợt đi không đủ để thấm ướt những đọn chuối xanh non mơn mởn.

Vi thích nhìn những khoảnh khắc ngắn ngủi của buổi giao mùa ấy. Một cảm giác nâng nâng, nhẹ nhàng, thư thái len qua tâm hồn Vi. Tiếng mẹ gọi khiến cô bé giật mình, tiếng “dạ” thọt lỏn như rơi tõm vào không gian yên ắng.

Mới sáng sớm mà đường vào nghĩa trang đã đông người qua lại, họ ra dọn dẹp và trang trí mộ của người thân, chuẩn bị cho thánh lễ cầu cho Tổ tiên vào chiều 30 Tết. Vi lẽo đẽo đi sau mẹ. Thấm thoát vậy là đã một năm trôi qua. Đi học xa nhà, lần nào về quê cũng vội vàng rồi lại đi ngay không có được cảm giác an bình mỗi dịp Tết đến. Tiếng người đi lại, nói chuyện rôm rả đã kéo Vi trở về với thực tại.

- Con bé ấy mà còn dám vác mặt về quê!

- Đàn bà gì mà bỏ chồng, bỏ con cứ thế mà đi được, vậy mà không biết xấu hổ.

- Gây ra bao nhiêu chuyện như thế mà vẫn còn về được...

Vi không hiểu người làng qua lại đang nói đến chuyện gì, cô bé tò mò hỏi và mẹ chỉ tay về phía người phụ nữ đang quỳ trước ngôi mộ cạnh mộ của ông ngoại. Người phụ nữ ấy chạc ngoài ba mươi tuổi, dáng chị hao hao gầy. Vi hỏi mẹ và nhận ra đó là chị Mai, người hàng xóm của nhà Vi, người đã bỏ nhà đi cách đây mười năm, nay trở về và đang quỳ bên mộ của mẹ. Chị ấy bỏ đi sau cái tát của chồng để lại đứa con mới hơn một tháng tuổi. Với xóm Đạo nhỏ bé của Vi đó là một chuyện tày trời và thành một tì vết không gì xoá nổi.

Đến mộ ông, mẹ lấy cuốc vạt những đám cỏ đang chen chúc nhau mọc lên quanh mộ. Vi lại làm công việc muôn thủa mà cô bé vẫn thích là thắp hương nơi mộ ông và những ngôi mộ xung quanh đó. Vi cũng không ngần ngại thắp hương ngôi mộ mà chị ấy đang quỳ bên. Chị đáp lại bằng tiếng “cám ơn” khiến Vi hơi giật mình. Lúc này, cô bé mới có dịp quan sát rõ hơn. Trông chị gầy đi nhiều, nước da sạm và xanh. Hai mắt hốc và thâm quầng lại. Cả khuôn mặt chị hiện nên vẻ mệt mỏi, lam lũ và chai sạn. Trong ký ức của Vi, chị Mai là người phụ nữ trắng trẻo và đẫy đà, nhưng đứng trước Vi bây giờ cô bé không thể nhận ra những dáng dấp xưa nữa. Chị nhận ra Vi và hỏi chuyện, cô bé chợt nhắc đến bé Ân - con chị. Họ bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn và trong câu chuyện của họ dần hé mở sự gần gũi. Vi say sưa kể về bé Ân với những trò chơi trẻ con mà hai cô cháu thường nghịch ngày Vi chưa vào Đại học. Thỉnh thoảng, Vi bắt gặp nụ cười mủm mỉm cố che dấu trên khuôn mặt khắc khổ ấy. Cô bé thấy hạnh phúc vì biết rằng nụ cười ấy là hiếm hoi. Vi cảm nhận nơi chị tình mẫu tử trào dâng mỗi lần chị nhắc đến tên bé Ân. Vi nhận thấy cái nhìn của chị vẫn thật ấm áp. . .

Đêm hôm ấy, Vi đã nói chuyện cùng Chúa nhiều hơn mọi ngày, một cảm xúc hạnh phúc xen lẫn những lo lắng, vừa yêu thương lại vừa trách móc cứ trăn trở trong lòng khiến Vi không sao chợp mắt được. Những chuyện xa xăm lại dội về trong ký ức của cô bé. Ngày ấy, nhà Vi và nhà chị Mai chỉ cách nhau một hàng rào tre mỏng nên những chuyện to nhỏ của nhà này, nhà kia đều biết. Buổi trưa hôm ấy, cả nhà Vi đang ăn cơm thì thấy chị Mai khóc nức nở chạy sang. Chị nói trong nước mắt: “ Ông bà ơi, chồng con... nó... tát... con...”, rồi không để ai khuyên can, chị ôm mặt chạy vội ra cổng. Đến xế chiều đi học về, Vi nghe tin chị Mai đã bỏ nhà đi từ trưa, còn bé Ân đang nằm trong võng khóc thét lên vì nhớ sữa mẹ. Từ ngày ấy, chị Mai không trở về. Anh Đạt – chồng chị bị ngã bệnh và bốn năm sau anh qua đời bỏ lại bé Ân sống với bà nội. Đã mấy lần, mẹ của chị đăng tin trên Đài phát thanh tìm chị nhưng tất cả vẫn “bặt vô âm tín”. Người làng đồn rằng chị đã vượt biên sang Trung Quốc. Những ngày ấy, chuyện của chị Mai được người làng đem ra làm tâm điểm. Đi đến đâu, người ta cũng bình luận, mổ xẻ. Xóm Đạo lao xao hơn bởi những câu chuyện như thế. Nó không còn yên ả, bình lặng như nước sông Tranh Dương nữa. Người làng nhắc đến chị như nhắc đến một người tội lỗi với thái độ móc mói và khinh bỉ.

Vi nhớ lại hồi còn nhỏ, cô bé quấn quýt với chị Mai lắm. Hai chị em thường rủ nhau ra sông tắm vào những đêm trăng sáng. Nước sông ngọt mát, trong lành đến độ Vi muốn ngụp lặn thật sâu hơn trong lòng sông. Chị Mai lấy chồng rồi mà vẫn còn như trẻ con ấy, vẫn nô đùa, cười nói hồn nhiên với tụi Vi. Những buổi trưa tĩnh mịch, mấy chị em lại rủ nhau ra cây khế cạnh bờ sông ngân nga đọc vè, chơi chuyền, đánh đáo làm xao động cả một góc làng. Chị Mai chơi trò gì cũng giỏi, những lúc ấy, bé Vi tròn mắt ngạc nhiên và nể phục chị lắm. Chị Mai là người thẳng tính nếu không muốn nói là đáo để. Chị sẵn sàng mắng lại xa xả những lời chọc ghẹo và bông đùa của mấy gã thanh niên trong làng. Chị Mai thường nhắc đến anh Đạt – chồng chị với một niềm tự hào lộ rõ. Chị khoe anh Đạt chiều chị lắm, lần nào ra tỉnh về anh cũng mua cho chị quần áo mới. Thế rồi, chị Mai có mang và sinh cháu, chị tất bật hơn trong vai trò của người mẹ nhưng tiếng cười của chị vẫn trong vắt lắm.

Sau lần ra đi ấy của chị, trong tâm hồn ngây thơ của cô bé mười một tuổi chưa thể hiểu hết được chuyện gì, chỉ biết rằng Vi đã bị đánh mất một người bạn yêu quí. Vậy mà, chiều nay khi nhìn thấy chị, Vi đã tỏ ra ngại ngần và xa cách. Lần này trở về, Vi đã không còn tìm thấy dù chỉ là phảng phất nét tinh nghịch trẻ trung ấy nơi chị nữa, giờ chỉ còn lại hình ảnh một người phụ nữ khắc khổ với dáng vẻ dãi dầu và bươn chải. Vi thấy lòng quặn đau và xót xa. Vi muốn hỏi Chúa để khoả lấp những thắc mắc trong lòng nhưng sao Chúa vẫn lặng im không trả lời.

Chiều nay, gió Đông đột ngột kéo về không báo trước. Vi cảm thấy khó chịu trong mình, cô bé nghĩ có lẽ là do thời tiết nhưng không hiểu sao mỗi lần nghĩ về chuyện của chị Mai, Vi lại thấy đau đầu nhiều. Nhớ lại buổi gặp chiều qua, Vi thấy nội tâm mình đấu tranh dữ dội; tha thứ hay kết tội, yêu thương hay trách móc, hạnh phúc hay lo sợ. Những lời kết tội của người làng bao năm qua về chị cứ vang lên trong đầu khiến Vi càng cảm thấy mệt mỏi và trống rỗng. Cô bé không biết làm cách nào để thoát ra khỏi trạng thái ấy. Vi muốn nghe thấy tiếng Chúa nói với mình nhưng càng cầu nguyện Vi lại càng thấy trống trải hơn. Có phải Chúa đang thử thách mình? Có phải Chúa đang ở rất xa? Có phải Chúa đang bỏ rơi mình??? Những câu hỏi ấy cứ dội lên trong đầu Vi.

Đôi chân đã dẫn Vi bước vào thánh đường tự lúc nào. Cô bé thơ thẩn dạo quanh nhà thờ và quyết định tìm gặp cha xứ. Đã thành thói quen từ khá lâu rồi, mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống Vi đều tìm đến cha để chia sẻ. Từ hồi cha về quê Vi nhận xứ, Vi đã cảm nhận có cái gì thật ấm áp, tin tưởng toát ra từ nơi Cha. Không phải ngẫu nhiên mà Vi thấy thế. Đã nhiều lần Vi xưng tội, trò chuyện cùng cha, cô bé đều nhận thấy rõ sự thánh thiện, cởi mở, nồng hậu, gần gũi và thái độ cảm thông toả ra từ con người cha. Đối với cô bé, cha xứ vừa như một người bạn, vừa như một người cha, người thầy tin cậy.

Vi bước vào cửa, cha xứ mỉm cười nhìn cô bé với ánh mắt dò hỏi. Vi không biết sẽ bắt đầu câu chuyện như thế nào, Vi hỏi cha có biết về chuyện của chị Mai, cha gật đầu. Vi cảm thấy được trấn an hơn và cô bé tâm sự cùng Cha. Cha yên lặng lắng nghe Vi chia sẻ rồi thỉnh thoảng gật đầu đồng ý. Vi nhận thấy rõ sự đồng cảm của cha với những khó khăn mà Vi đang trải qua. Hai cha con đã trò chuyện rất nhiều. . . Rời khỏi nhà Chung, trời đã nhá nhem tối, gió Đông càng lúc càng lùa mạnh hơn nhưng hình như Vi đã không còn thấy đau đầu nữa, bước chân Vi nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Vi thầm tạ ơn Chúa nhiều lắm vì buổi gặp gỡ chiều nay. Lúc này, Chúa biết được Vi đang hạnh phúc dường nào.

Chiều 30 Tết, nhà thờ chật cứng người. Ai cũng muốn tham dự thánh lễ cuối năm và cầu cho Tổ tiên, gia đình. Vi quay xuống cuối nhà thờ như để tìm kiếm điều gì đó và Vi nhìn thấy chị Mai đang ngồi ở hàng ghế cuối cùng, đầu chị hơi cúi xuống dường như muốn né tránh những con mắt tò mò, dò xét của mọi người xung quanh. Vi chợt thở phào nhẹ nhõm, điều mà cô bé tìm kiếm có lẽ đã thấy rồi. Bài chia sẻ trong thánh lễ chiều nay của cha xứ thật khác mọi ngày, cha không đi sâu về trọng tâm của bài Phúc Âm mà giống như một chia sẻ thật tâm tình và cởi mở nhân dịp cuối năm. Cha nói nhiều hơn về sự trở về; trở về của những người đi học xa nhà, trở về của những người con đi làm ăn và lập nghiệp xa quê,. . . và đặc biệt là sự trở về của những người lầm lỗi. Sự trở về nào cũng là tốt đẹp nhưng đối với Thiên Chúa tuyệt vời nhất chính là sự trở về của những tâm hồn lạc lối, những tâm hồn biết thành tâm sám hối ăn năn đó mới là điều mà Chúa luôn chờ đợi ở mỗi người. Mỗi người đều cần trở về, trở về trong sự hoán cải, trong sự thứ tha, hòa giải, trở về trong tình bác ái, yêu thương, trở về trong sự cảm thông, chia sẻ.. . và trở về trong tình yêu Thiên Chúa. Cả nhà thờ lặng đi chỉ còn lại giọng nói của cha. Vi chợt quay xuống nhìn chị, cô bé nhìn thấy những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn dài trên khuôn mặt của chị.

Vi thơ thẩn đi dọc con đường làng, đó đây đã có những ánh đèn leo lét hắt chéo qua ô cửa sổ của những ngôi nhà gần nghĩa trang. Thỉng thoảng, có tiếng pháo nổ râm ran của mấy đứa trẻ đang nô nghịch. Vi thấy một không khí đón Tết thật ấm áp đang tràn ngập cả không gian, mọi người dường như đang chờ đợi thời khắc chuyển giao quan trọng: Giao mùa.

Không còn cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông, những trồi non mơn mởn đang nhú dần trên những cây cối trong vườn. Sự sống đang đâm trồi, nảy lộc từ những gì cằn cỗi. Lòng người phải chăng cũng đang Giao mùa.