Cảnh sát Texas nói họ đã thu hồi được di thể của một số phi công vũ trụ sau khi tàu con thoi Columbia nổ tan ra nhiều mảnh trước khi hạ cánh.

Tất cả bảy phi hành gia trên tàu đều thiệt mạng khi phi thuyền tan ra sau khi trở lại bầu khí quyển vào thứ Bảy.

Ba cuộc điều tra độc lập nhằm tìm ra nguyên nhân tai nạn đang được tiến hành: cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Quốc hội Mỹ, và cơ quan điều tra độc lập của chính phủ Mỹ.

Tổng thống George W Bush tổ chức buổi lễ tang tưởng nhớ các phi hành gia. Nỗi đau thương và tan tóc bao trùm toàn thế giới - không chỉ Mỹ mà còn ở Ấn Độ và Israel, quê hương của hai phi hành gia.

Ông Bush đã ra lệnh treo cờ rủ trên tất cả các tòa nhà chính phủ tại Mỹ. Nhưng trong một bài diễn văn trên truyền hình, ông nhấn mạnh rằng "công cuộc thám hiểm vũ trụ sẽ tiếp tục".

Giới chức Nga thì cho biết hôm nay họ vẫn phóng tên lửa chở hàng không người lái lên trạm không gian quốc tế.

Nguyên nhân sơ khởi

NASA nói hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ của tàu con thoi ở độ cao 40 dặm (65 km) so với mặt đất.

Theo các dấu hiệu ban đầu, các thiết bị cảm biến ở cánh trái của con tàu đã trục trặc 6 phút trước khi vụ nổ xảy ra.

Vào ngày 16 tháng 1, khoảng một phút trước khi tàu Columbia phóng đi, một mảnh cao su cách ly tách ra khỏi thùng nhiên liệu và va vào cánh trái này của con tàu. NASA trấn an rằng con tàu có một lớp vỏ đặc biệt bảo vệ nó đối với nhiệt độ rất cao lúc đi vào bầu khí quyển của Trái đất.

Các phần thi thể của các phi hành gia và các thiết bị được tìm thấy ở Hemphill, phía đông tiểu bang Texas, gần biên giới với tiểu bang Louisiana. Các nhân viên đang tiến hành xét nghiệm DNA đối với các di thể này.

Tổng thống Bush ca ngợi các phi hành gia cho "lý tưởng sống cao cả" của họ.

Thiệt hại trên mặt đất

Ít nhất tám người ở Hemphill phải vào bệnh viện điều trị vì những vết bỏng và các triệu chứng về hô hấp sau khi họ tiến gần đến các mảnh vụn của con tàu.

NASA khuyến cáo người dân không nên đến gần đến bất kì mảnh vụn nào bởi vì nó có thể rất nguy hiểm.

Vào lúc Trung tâm điều khiển chuyến bay thảo luận với chỉ huy trưởng Columbia về các sự cố thì tàu mất liên lạc hoàn toàn với mặt đất. Khi đó nó đang ở độ cao 64 km và đang bay trên bầu trời bang Texas với tốc độ 20 nghìn km/giờ, nhanh gấp 18 lần so với tốc độ âm thanh.

NASA khẳng định rằng Columbia đã vỡ làm nhiều phần và bốc cháy trong khi chuẩn bị hạ cánh. Mảnh vỡ của nó bay cách xa Dallas (Texas) khoảng 160 km về phía nam, sang một số bang khác.

Thảm kịch đầu tiên

Trong lịch sử 42 năm đưa người lên vũ trụ, NASA chưa từng mất cả một phi hành đoàn khi hạ cánh. Lần gần đây nhất, năm 1986, tàu con thoi Challenger đã nổ tung ngay sau khi rời bệ phóng, mang theo cả 7 phi hành gia.

BBC nói nỗi lo lắng hiện thời chính là vận mệnh của Trạm không gian quốc tế. Ba phi hành gia hiện đang sống và làm việc bên trong trạm này, và tàu con thoi Columbia là một nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng.

Các chuyên gia sẽ xem xét lại các kế hoạch tương lai nhằm quyết định liệu trạm không gian có tiếp tục làm việc hay sẽ tạm thời ngừng hoạt động.(BBC)