NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (2)

CHƯƠNG II. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT-NAM.

Giáo Hội Công Giáo được thành lập vào buổi sáng ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, khi thánh Phêrô và các Tông đồ được tràn đầy ơn Thánh Thần, mạnh dạn làm chứng nhân về sự Chúa sống lại, lên Trời, trước công chúng từ bốn phương kéo về nhân ngày lễ "Năm Mươi" (Act 2, 1-4). Phục sinh và Hiện xuống là hai sự kiện quan trọng trong việc khai sinh Giáo Hội. Nếu Chúa không sống lại như lời tiên báo, người ta sẽ không tin lời Chúa. Nếu Chúa Thánh Thần không đến, thì các Tông đồ, những chứng nhân của Chúa, sao có thể biến đổi từ người mộc mạc, nhút nhát thành những nhà truyền giáo can đảm hăng hái, những nhà hộ giáo khôn ngoan thông minh được.

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT-NAM.

Non sông gấm vóc Đất Việt đón nhận Tin Mừng cứu độ Đức Kitô từ thế kỷ XVI. Quốc Gia Khâm Định Sử ghi nhận sự kiện: « Năm Nguyên Hòa nguyên niên 1533, tháng ba, ngày … đời vua Lê Trang Tôn, có người Tây tên ‘Inêkhu’ (có lẽ được phiên âm từ Inigo - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Inhaxiô) vào giảng đạo Thiên Chúa ở Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Châu (tức Nam Trực) và ở xã Trà Lũ huyện Giao Thủy ». Năm 1933 ghi dấu son vàng và lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công giáo Việt-Nam có thể chia thành ba giai đoạn :

A. Khai Sinh Trong Đau Khổ (các thế kỷ XVI – XVII và XVIII)

Thời phôi thai của Giáo Hội Việt-Nam ghi dấu bước chân rao giảng Tin Mừng tại Hà Tiên của các giáo sĩ dòng Đa Minh đến từ quần đảo Malacca năm 1550 và từ Tỉnh Dòng Đa Minh Manila (Phi luật tân) năm 1583 tại vùng Quảng Yên. Ngày 18.01.1615, các giáo sĩ và trợ sĩ dòng Tên đã đến Cửa Hàn (Quảng Nam) để loan báo Tin Mừng.

Hiến lễ đầu tiên của ‘Đoàn Thầy Giảng Đàng Trong’ là cuộc tử đạo uy hùng của Thầy Giảng André Phú Yên tại pháp trường Gò Sứ (Quảng Nam), hoàng hôn ngày 27.06.1644.

Ngày 02.08.1560, Cha Alexandre de Rhodes (A lịch sơn Đắc Lộ) đã tường trình với Thánh Bộ Truyền giáo : « Giáo Hội Đàng Ngoài có 300000 giáo dân, mỗi năm tăng thêm ít là 15000 tín hữu, cần phải có từ 300 đến 400 Linh mục coi sóc họ, tìm đâu ra nếu không thành lập ‘Hàng Giáo sĩ bản quốc’, họ dễ dàng trốn tránh trong cơn bắt đạo. Tại sao không truyền chức cho các Thầy Giảng đạo đức nhiệt thành, đã sống đời sống như các Linh mục ? Muốn đạt được các công việc đó cần phải gởi ngay các Giám mục sang ».

Theo đề nghị đó, ngày 09.09.1659, Đức Thánh Cha Alexandre VII ban hành Tông thư ‘Super Cathedram’ thiết lập hai Giáo phận truyền giáo đầu tiên trên đất Việt và cử hai Đức Cha thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) làm ‘Đại Diện Tông tòa’ (Vicaires apostoliques) :

- Đức Cha Lambert de la Motte nhận nhiệm vụ Đại Diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong (từ sông Gianh vào Nam);
- Đức Cha François Pallu nhậm chức Đại Diện Tông tòa Giáo phận Đàng Ngoài (từ sông Gianh ra Bắc và mền Nam Trung Hoa).

Qua Huấn dụ ‘Monita ad Missionarios’, Thánh Bộ Truyền giáo chỉ thị cho nhị vị Đại Diện Tông tòa có nghĩa vụ phải thi hành tại miền truyền giáo được chỉ định: Đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc, đừng xen vào chánh trị và tôn trọng tập tục cổ truyền của dân bản xứ. Chư huynh hãy đặt tay ban Bí tích Truyền chức Thánh cho những thanh niên đủ khả năng lãnh nhận sứ vụ Linh mục vả cử họ đi khắp các nơi. Họ sẽ hết lòng phung sự đạo Chúa nhờ Chư huynh ân cần chăm sóc.

Giờ đây, trên cánh đồng truyền giáo, công cuộc rao giảng Tin Mừng được tiếp nối với hàng giáo sĩ bản quốc. Bốn ‘thầy cả’ tiên khởi người Việt được truyền chức tại Chủng viện Thánh Giuse ở Ajuthia, kinh đô Siam (Thái Lan), do việc đặt tay của Đức Cha Lambert de la Motte là Giuse Trang (tháng 03.1668), Gioan Huệ và Benedictô Hiền (06.1668) và Luca Bền (1669). Các giáo sĩ dòng Tên đã tuyển chọn và huấn luyện Thầy Giảng qua việc hình thành ‘Nhà Đức Chúa Trời ’ để trợ lực trong công tác giảng dạy giáo lý cho tân tòng, thay thế các giáo sĩ khi các Cha bị trục xuất hay tình thế khó khăn và quản trị tài sản cộng đoàn.

Tháng 02.1670, Đức Cha Lambert de la Motte tấn phong thêm 7 Linh mục Việt Nam. Vào Mùa Chay 1670, Đức Cha khởi xướng đời sống tu trì cho các thanh nữ bản xứ qua việc thành lập và phê chuẩn ‘Nhà Phước Mến Thánh Giá’. Các chị sống thành cộng đoàn, đặt của cải làm tài sản chung, dưới quyền của Bà Bề trên, hằng ngày nguyện ngắm sự khổ nạn của Chúa trên Thánh Giá. Công việc mục vụ của các chị là dạy giáo lý, viếng thăm người già yếu và nhất là Rửa tội cho các em nghèo trong khắp hang cùng ngõ hẻm của thôn làng.

Tiếp tay đắc lực trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng với các giáo sĩ và thầy giảng là ‘Hội đồng Quí Chức’, các ông chánh trương, ông trùm, ông biện. Họ là những giáo hữu hăng say, nhiệt thành, can đảm, hy sinh chính mạng sống để bảo toàn, che giấu, che chở cho các giáo sĩ trong thời kỳ cấm và bắt đạo.

B. Phát Triển Trong Máu Đào (thế kỷ XIX).

Hạt giống Tin Mừng được gieo vào tâm hồn người dân Việt, âm thầm lớn lên và đâm hoa kết trái, nhưng gặp biết bao giông tố kinh hoàng, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thảm sát và phân sáp. Các tín hữu vẫn kiên trì Niềm Tin son sắt vào Đức Kitô qua những thăng trầm lịch sử các triều đại :
- 30000 anh hùng Việt-Nam tử đạo dưới đời Chúa Trịnh tại Đàng Ngoài; Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn ở Đàng Trong.
- 40000 chiến sĩ Đức Tin đã anh dũng tuyên xưng Đức Tin bất diệt vào Đức Kitô dưới ba triều đại : Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đúc (1848-1883).
- 60000 tín hữu kiêu hùng chết vì tin vào Chúa Giêsu do việc bắt bớ, thảm sát, phân sáp của Phong trào Văn Thân (1862-1885).

Trong tổng số 130000 tiền nhân anh dũng hy sinh mạng sống vì Đức Tin : 64 Vị được tôn phong Chân Phước do Đức Thánh Cha Lêô XIII ngày 07.05.1900. Đức Thánh Cha Piâô X đã tôn phong 8 Vị ngày 15.04.1906 và 20 Vị khác ngày 11.04.1909. Đức Thánh Cha Piâô XII, ngày 07.05.1900, đã tôn phong 25 Vị. Trong 117 Chân Phước tử đạo Việt-Nam gồm : 96 người Việt, 10 người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris và 11 thuộc dòng Đa Minh Tâây ban nha. Các Chân Phước đại điện mọi thành phần Dân Chúa : 8 Giám mục, 50 Linh mục, 16 Thầy giảng, 1 Chủng sinh và 42 giáo dân (một phụ nữ: Chân phước Anê Lê thị Thành).

Máu đào tử đạo làm phát sinh hạt giống Đức Tin, vào cuối thế kỷ XIX, tình hình Giáo Hội tăng trưởng trên cánh đồng truyền giáo có thêm sự góp mặt của các dòng tu đến từ Âu châu : Dòng Kín Cát Minh, Dòng Sư huynh Lasan, Dòng Chúa Quan Phòng, Dòng Thánh Phaolô thành Chartres … tiếp tay trong các hoạt động văn hóa, xã hội. Năm 1889, Việt-Nam có 7 Giáo phận :

1. Giáo phận Tây Đàng Trong (thành lập ngày 02.03.1844, trở thành Sài gòn ngày 03.12.1924),
2. Giáo phận Đông Đàng Trong (1844, trở thành Qui nhơn ngày 03.12.1924),
3. Giáo phận Bắc Đàng Trong (1850, trở thành Huế ngày 03.12.1924),
4. Giáo phận Tây Đàng Ngoài (1679, trở thành Hà nội ngày 03.12.1924),
5. Giáo phận Đông Đàng Ngoài (1679, trở thành Hải phòng ngày 03.12.1924),
6. Giáo phận Nam Đàng Ngoài (1846, trở thành Vinh ngày 03.12.1924),
7. Giáo phận Trung Đàng Ngoài (1679, trở thành Bùi chu ngày 03.12.1924).

Những thập niên cuối thế kỷ XIX, Giáo Hội quan tâm thiết lập các nhà in để phổ biến sách kinh, giáo lý, tu đức, phụng vụ, các loại tự điển, sách giáo khoa…

C. Phát Triển Trong Phục Vụ (thế kỷ XX)

Trong phiên họp tại Phát diệm (Giáo phận Thanh, 1901 và đổi tên Phát diệm năm 1924) với 11 Đức Cha từ 04 đến 09.02.1923 và tại Sài gòn với 7 Đức Cha ngày 20.06.1923 dưới sự chủ tọa của Giám mục Henri Lecroat, sj, Thanh tra Tông tòa, các Đại diện Tông tòa Đông Dương đề nghị Bộ Truyền giáo đổi tên những Giáo phận để mang tên các thành phố có Tòa Giám mục.

Năm 1922, Bộ trưởng Nguyễn hữu Bài, là thành viên phái đoàn vua Khải Định sang Pháp, đã sang Rôma yết kiến Đức Thánh Cha Piô XI để thỉnh cầu Người bổ nhiệm Đức Khâm sứ tại Việt-Nam và phong chức Đức Cha cho các Linh mục bản quốc.

Ngày 25.05.1925, Đức Thánh Cha Piô XII cử Đức Giám mục Constantin Ayuti làm Khâm sứ Tòa Thánh đầu tiên tại Đông Dương, Đại diện Tòa Thánh để liên lạc giữa Rôma và các Giáo phận truyền giáo tại Việt-Nam, Cam bốt và Ai lao, đặt Tòa Khâm sứ tại Huế.

Đức Thánh Cha Piô XI đã tấn phong Đức Cha Việt-Nam tiên khởi : Gioan Baotixita Nguyễn bá Tòng vào ngày 11.06.1933 tại Đền Thánh Phêrô. Đức Cha được bổ làm Đại diện Tông tòa phó Phát diệm, theo đề nghị của Đức Cha Alexandre Marcou Thành (Đại diện Tông tòa Phát diệm), quê hương nổi danh với kiến trúc Nhà Thờ lớn, một công trình mang màu sắc hội nhập văn hóa dân tộc của Cụ Sáu Trần Lục.

Những buớc tiến quan trọng được ghi dấu qua việc thành lập các Giáo phận : Đoài (1895 và đổi tên Hưng hóa 1924), Bắc ninh (1924), Thanh hóa (1932), Thái bình (1936), Vĩnh long (1938), Lạng sơn (1939) và Cần thơ (1955). Đồng thời, nhiều Linh mục cũng được tuyển chọn và tấn phong Giám mục Việt-Nam.

Cùng nhịp thăng trầm với Đất Nước, Hiệp định Genève ngày 20.07.1954 phân chia hai miền Nam Bắc. Một phần lớn giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và hơn 650000 giáo dân di cư vào Miền Nam. Giáo Hội Miền Bắc còn lại trong 10 Giáo phận với 2 Đức Cha (Giuse Maria Trịnh như Khuê, Hà nội, và Gioan Baotixita Trần hữu Đức, Vinh), 374 Linh mục và sốù ít tu sĩ phục vụ 750000 giáo dân. Do đó, có một sự đảo lộn tỉ lệ người Công giáo/dân số : 2% tại Miền Bắc và 9,30% ở Miền Nam.

Tòa Khâm sứ được dời từ Huế ra Hà nội (1951, Đức Cha John Dooley) và vì, sau Hiệp định Genève, Đức Khâm sứ khong liên lạc được với các lãnh thổ khác thuộc quyền, nên, ngày 15.02.1956, Tòa Thánh cử Đức Cha Giuseppe Caprio làm Thanh Tra Tông tòa (Visiteur Apostolique) tại Sài gòn để liên lạc được Miền Nam, Cam bốt và Ai lao. Ngày 13.03.1975, vị Thanh Tra Tông tòa ở Sài gòn được nâng lên hàng Đại lý Khâm sứ (Régent Apostolique). Năm 1959, Đức Khâm sứ John Dooley rời Hà nội, Tòa Thánh liền thiết lập Tòa Khâm sứ tại Sài gòn với tân Khâm sứ Mario Brini.

Sau khi chiếm Miền Bắc, từ ngày 14.06.1955, chính quyền cộng sản Hà nội áp dụng sắc lệnh tôn giáo một cách triệt để khủng bố, de dọa, bỏ tù, chiếm đoạt tài sản, ly gián chia rẽ Giám mục, Linh mục và Giáo dân trong hoạt động mục vụ. Tới năm 1960, không còn vị thừa sai ngoại quốc nào ở Miền Bắc.

Tại Đà lạt, Viện Đại học Công giáo được khai giảng ngày 08.08.1957 do Hội đồng Giám mục Việt-Nam tài trợ nằm nâng cao giáo dục nhân bản và khoa học cho giới trẻ để góp phần vào việc đào tạo nhân tài phục vụ Đất Nước. Ngày 13.09.1959, Giáo hoàng Học Viện Piô X được khai giảng, tại Đà lạt, do các giáo sĩ Dòng Tên phụ trách, nhằm đạo tạo những đại chủng sinh thành các giáo sĩ ưu tú dến từ các Giáo phận Việt-Nam, Cam bốt và Lào.

1. Thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-Nam.

a. - Nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập hai Giáo phận truyền giáo đầu tiên (1659-1959) và đánh dấu sự phát triển của Giáo Hội Công giáo Việt-Nam : Đại hội tam nhật Thánh Mẫu toàn quốc được tổ chức tại Sài gòn từ ngày 16 đến 18.02.1959, Đức Thánh Cha Gioan XXIII ưu ái gởi Đức Hồng Y Đặc sứ Grégorio Agagiania, quyền Tổng trưởng Thánh Bộ đến chủ sự Đại hội. Ngài đã thăm nhiều Giáo phận và đến Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu La Vang.

Đức Hồng Y Đặc sứ đã tuyên đọc ‘Thông điệp’ của Đức Thánh Cha Gioan XXIII gởi Hàng Giám mục Việt-Nam : Kỷ niệm Đệ Tam Bách Chu niên việc bổ nhiệm các Giám mục đầu tiên chứng minh người Công giáo Việt-Nam, dòng giống của những anh hùng Tử đạo xưa đã lấy xương máu để bảo vệ Đức Tin, ngày nay họ biết đề cao Tín ngưỡng là một đặc ân vô song của Chúa ban cho và Ngài là «Nguồn phát sinh mọi mỹ vật, mọi ân hưởng». Họ kính cẩn ghi ơn các vị Thừa sai (trong đó, có 112 Đức Cha, Đại Diện Tông tòa các Giáo phận, trước khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm, người viết ghi thêm), từng đoàn người đã liên tiếp, chịu mọi vất vã, hy sinh, có khi đổ máu, để truyền bá Phúc Aâm trong vườn nho của Chúa này.

b.- Ngày 24.11.1960, qua Sắc chỉ ‘Chư Huynh Đáng Kính’ (Venerabilium Nostrorum), Đức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’ với ba Giáo tỉnh : Hà nội, Huế và Sài gòn. Sắc chỉ được công bố ngày 08.12.1960, lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Tại Miền Bắc Việt-Nam, Giáo Hội thường gặp khó khăn trong việc Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm các chủ chăn để phục vụ Dân Chúa cho các Giáo phận trống tòa như trường hợp tấn phong Đức Cha Vincent Phạm văn Dụ, Giám mục Giáo phận Lạng sơn được Tòa Thánh bổ nhiệm từ năm 1960 nhưng phải chờ đến 1979 mới được tấn phong tại Bắc Ninh và chỉ được công nhận là Giám mục Lạng sơn năm 1991. Điển hình là việc tấn phong Đức Tổng Giám mục Phó Giuse Maria Trịnh văn Căn giữa lòng thủ đô Hà nội :

Chúa nhật ngày 02.06.1963 là lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo thường lệ, Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh như Khuê hát Lễ trọng thể lúc 16 giờ. Đồng hồ Nhà Thờ Lớn dứt bốn tiếng được một lúc mà chưa thấy Đức Tổng Giám mục ra cử hành Thánh Lễ. Sau đó, đột nhiên, từ Tòa Tổng Giám mục, đám rước xuất hiện, đi qua Nhà nguyện Fatima, theo đường Nhà Chung dẫn ra Nhà Thờ Lớn, từ từ tiến vào cung thánh, tức khắc trong nhà thờ mọi người xôn xao, nhìn lên vì có một vị mặc phẩm phục tím, đầu đội mũ lễ tím đỏ, đi trước Đức Tổng Giám mục. Giữa tiếng ồn ào ấy, dần dần mọi người bỡ ngỡ nhận ra vị ấy là Cha xứ Nhà Thờ Lớn. Thánh Lễ bắt đầu, mọi người im lặng, trang nghiêm. Sau bài giảng, các tín hữu mới hiểu rõ lý do và phấn khởi tham dự lễ nghi phong chức Đức Cha cho Người. Hôm sau, ngày 03.06.1963, Đức Tổng Giám mục ra Thông cáo, vui mừng báo tin Đức Cha Giuse Maria Trịnh văn Căn đã được chọn làm Tổng Giám mục Phó Hà nội, với quyền kế vị.

Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965), các Giám mục Miền Nam là thành phần nghị phụ tham dự đầy đủ, phát biểu, đọc tham luận và biểu quyết trong các phien họp. Trong khi đó, các Giám mục Miền Bắc không được đến dự Công Đồng Chung.

Hạt giống Tin Mừng đâm sâu vào lòng Đất Mẹ, phát sinh hoa trái đời sống Đức Tin kiên cường, số tín hữu gia tăng, thêm nhiều Giáo phận mới được thành lập : Đà nẵng (18.01.1963), Phú cường (06.01.1966), Xuân lộc (09.01.1966), Ban mê thuột (15.08.1967), Phan thiết (30.01.1975) và, gần đây, với nhiều khó khăn, Giáo phận Bà rịa được thành lập ngày 22.11.2005. Hiện tại, Việt-Nam chia thành 26 Giáo phận.

c.- Biến cố ngày 30.04.1975 đã làm thay đổi quá nhanh và quá nhiều cho Miền Nam Tổ Quốc Việt-Nam, về chánh trị, kinh tế lẫn tín ngưỡng và tôn giáo.

Giáo Hội Công Giáo Quê Hương, không là một ngoại lệ, đã sống toàn vẹn với vận mạng của Dân Tộc Việt-Nam. Các Đức Giám Mục (kể cả Đức Tổng Giám mục Henri Lemaitre, Khâm sứ Tòa Thánh) đã chấp nhận mọi gian nguy, hiểm trở có thể đến với mình, quyết chu toàn nhiệm vụ Chủ chăn mà Giáo Hội giao phó để dẫn dắt Cộng dồng Dân Chúa. Nhờ thế, Giáo Hội Công Giáo Việt-Nam vẫn sống kiên cường dưới sự linh hướng của Hội đồng Giám Mục. Đó là điểm khác với năm 1954 khi có cuộc di cư từ Bắc vào Nam. Lý do ?

Ngoài lý do địa lý, Giáo Hội Công Giáo Miền Nam không còn vùng đất nào để di cư một cách tập thể như 1954. Nhưng đó chỉ là lý do phụ mà thôi. Lý do hệ trọng, giữa hai biến cố đó, là đã có một biến đổi tâm thức quan trọng bật nhất đối với người Công giáo thế kỷ 20 do Công Đồng Chung Vatican II đem lại. Cùng với những cải tổ cần thiết trong Giáo Hội, Công Đồng Vatican II tạo cho người Công giáo một nhận thức mớùi về nhiệm vụ của mình trong thế giới hện tại, bằng : đối thoại và phục vu.

(Còn tiếp)

Ghi chú Sách tham khảo : HÀNG GIÁM MỤC VIỆT NAM 1933-2003 của LM. Giuse Trần Anh Dũng.