ĐẾN TỪ VIỆT NAM
Đến từ Việt Nam có các thứ hàng hóa như gạo, cà phê, trà, hạt tiêu, quần áo, giày dép và đồ thủy sản v.v... Và đến từ Việt Nam cũng có các linh mục ở khắp hai miền Nam Bắc, đặc biệt trong dịp Đại Hội Thánh Mẫu, tại Dòng Đồng Công ở Carthage (Missouri) từ 2-5.8.2007 vừa qua. Có 70 linh mục Việt Nam từ ngoài nước Mỹ tới như Nhật bản, Đài loan, Pháp, Ý mà phần đông là từ Việt Nam. Số lượng linh mục từ Việt Nam sang quá đông đến nỗi có người ở Mỹ nói là các giám muc, linh muc, nữ tu Viêt nam đi Mỹ như đi chợ. Câu nói này có ngầm một ẩn ý, mà dù vô tình ai cũng hiểu.
Cùng với câu nói ấy là thái độ và cái nhìn của một số linh mục và giáo dân Việt Nam ở Mỹ đối với các linh mục từ Việt Nam qua. Cái nhìn và thái độ ấy làm cho các linh mục từ Việt Nam qua, cảm thấy ngột ngạt, và bị sỉ nhục, như gần đây tôi được biết, và chính tôi đã trải qua.
Số là mùa hè năm 2000, tôi có dịp tới thăm gia đình một người quen ở Fountain Valley. Ngày hôm trước, chủ nhà đã gọi dây nói đến báo trước và xin cho tôi ngày hôm sau đến đồng tế. Cha quản nhiệm đó và tôi chưa quen biết nhau bao giờ. Khi tôi đến chào cha và đưa giấy“celebret” để xin làm lễ, thì cha ấy nói luôn là hôm nay không xin tiền được đâu, vì hôm qua đã có một cha đến xin rồi. Tôi hơi bực mình và nói với cha ấy rằng : “ Tôi đến để làm lễ, do lời mời của anh ca trưởng ca đoàn nhà thờ của cha. Đây là lần thứ ba tôi đến Hoa kỳ. Đã có lần nào cha nghe ai nói tôi đến để xin tiền chưa.” Nói xong, tôi bỏ ra về không làm lễ nữa.
Từ năm 2000, đến nay tôi mới trở lại Mỹ, và gần đây được nghe hai linh mục, một ở Việt Nam và một ở Đài loan than phiền về cử chỉ và thái độ của mấy linh mục ở Hoa kỳ đối với mình. Tựu trung, đó là thái độ lạnh lùng và những lời nói không mấy thân thiện. Vì thế, một linh mục không đến làm lễ tại một nhà thờ nào nữa, mà chỉ làm lễ tại gia, và một đã rút vắn thời gian ở Mỹ lại, thay vì một tháng như dự tính, thì chỉ ở có 12 ngày.
Tất cả những sự việc trên và nhiều thái độ cũng như lời nói tương tự, khiến tôi nghĩ rằng đã đến lúc nên bày tỏ một vài nhận xét và cảm nghĩ, để hai bên hiểu rõ hoàn cảnh của nhau hơn, hầu tránh được những sự ngột ngạt về phía bên này và khó chịu về phía bên kia,
Nhưng trước hết, thiết tưởng cần đưa ra một nguyên tắc. Nguyên tắc đó là tự trọng và tôn trong về phía linh mục từ Việt Nam qua, cũng như linh mục Viêt nam ở tại Hoa kỳ.
1. Về phía linh mục từ Việt Nam qua
- Các linh mục từ Việt Nam qua nên hiểu là các anh em đồng nghiệp của mình quản nhiệm các nhà thờ ở Mỹ, đều phải đóng góp cho giáo phận và cũng phải có tiền bạc cho các sinh hoạt ở địa phương mình. Vì thế nên đắn đo tìm hiểu trước xem nơi nào và người nào có thể giúp mình đươc. Có những người và những nơi không nên ngỏ ý một chút nào.
- “Cùng bất đắc dĩ” phải xin, thì nên có giấy giới thiệu của giám mục sở tại và xin trong tư thế tự trọng : “giấy rách giữ lấy lề”, không nên bi thảm hóa hoàn cảnh để khơi gợi lòng từ tâm và tránh đi qua đi lại một chỗ hai ba lần kẻo mang tiếng là “quấy quả”. Tôi nói là “cùng bất đắc dĩ”, vì chẳng linh mục nào vui khi phải cầm giỏ đứng ở cửa nhà thờ cho người ta “bố thí”, hơn là chia sẻ.
- Tuyệt đối tránh cảnh “mượn đầu heo nấu cháo”, nghĩa là tiền nào dùng vào việc ấy, quyên tiền đào giếng là đào giếng chứ không dùng vào việc nào khác.
- Hết sức tránh dùng một phần tiền quyên cúng vào việc riêng để khỏi bị mang tiếng là “chấm mút”
- Nên thông cảm cho các anh em linh mục Việt Nam sống nhiều năm ở Mỹ, vì dù muốn dù không, người ta cũng đã bị Mỹ hóa trong cách hành xử, nên không còn mềm mỏng và tế nhị như khi còn ở Việt Nam. Người ta chào hỏi và từ biệt nhau thì chỉ có Hello và Bye bye với Okay, All right mà thôi.
- Không nên mặc cảm vì mình không biết hay thông thạo tiếng Mỹ, hoặc có bằng cấp như người ở Mỹ. Chẳng qua là vì mình không ở Mỹ, chứ nếu ở Mỹ thì cũng như người ta thôi. Vả lại, không biết tiếng Mỹ thì biết tiếng khác, không có bằng Mỹ thì có bằng khác. Không phải cứ sống theo “American way of life” mới là văn minh thời thượng.
- Không nên mượn danh nghĩa của người có chức quyền, hay viện cớ hoạt động từ thiện một cách giả tạo để quyên cúng.
- Nên để ý đến một số cử chỉ và thái độ trong cách ăn mặc, đi đứng và vệ sinh cho phù hợp với người quen sống ở Âu Mỹ, để khỏi bị người ta chê là “nhà quê” mà coi khinh coi thường.
- Tránh thái độ tự hào vì sống ở Mỹ, nên có những điều kiện thuận lợi hơn người khác, mà ra vẻ coi thường, coi khinh nhũng người đến từ nơi khác như Việt Nam.
- Đừng tưởng ai từ Việt Nam đến Mỹ cũng là để xin tiền, và có thái độ lạnh nhạt không một lời thăm hỏi xã giao, như để tránh một thứ “của nợ”. Xử sự như thế là tự mình làm giảm giá mình trước mặt người từ xa đến. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng người ta đánh giá mình không cao, và cho mình là loại người hợm hĩnh, giống như anh chàng trưởng giả học làm sang trong vở kịch Le bourgeois gentilhomme của Molière.
- Nước Mỹ giầu có, dư thừa của cải vật chất, nhưng người ở Mỹ không nên ỷ y vào cái thế đó mà coi thường, coi khinh người khác và chê bai tất cả. Sự giầu có chưa phải là điều độc tôn mà còn có những giá trị khác nữa, ở những nơi khác và nơi những người khác, chứ không phải chỉ nguyên nơi những người ở Mỹ.
- Nên nhân nhượng và thông hiểu hoàn cảnh của những người đến xin tiền, (tuy có một số tỏ ra thiếu tế nhị và gây ra những phiền hà đáng tiếc), cũng như con số người xin tiền quá đông. Nhưng trước cảnh xin tiền này, có những giáo dân nói rằng ai muốn cho thì cho, không bắt buộc, còn các cha, các cha có cho đâu mà sao cũng nói ra nói vào.
- Lời nói không mất tiền mua. Các linh mục ở Mỹ mà càng tỏ ra niềm nở và thân tình với các linh mục đến từ Việt Nam thì càng được các linh mục ở quê nhà quí mến và cảm phục.
Tôi đã nói ở trên là phải đặt ra nguyên tắc để hành xử vói nhau. Xin nhắc lại ở đây nguyên tắc đó là tự trọng và tôn trọng. Vậy xin hai bên hãy tự trọng và tôn trọng lẫn nhau để tránh cho nhau những sự ngột ngạt và khó chịu.
Houston 15.8.2007