Chuyện chưa nghe bao giờ



Ðối với người ki tô hữu, Giê Su là Chúa, là Ðấng Messia ngự bên hữu Thiên Chúa. Giê Su là một con người, không phải con người hoàn toàn đặc biệt, nhưng là một con người bình thường như bao người. Thế nhưng con người Giê Su lại được người ki tô hữu tuyên xưng là Con Thiên Chúa. Trong cuộc đời công khai rao giảng về Nước Trời, Giê Su đã không cao rao mình là Ðấng Messia, là Con Thiên Chúa, cũng không phổ biến một giáo thuyết rằng trong Thiên Chúa có ba ngôi vị, Cha, Con và Thánh Thần.

Thế thì điều gì đã dẫn đến việc xác tín rằng Giê Su là Con Thiên Chúa, là Ðấng Messia, nói khác đi là Ðấng được xức dầu, là Ðấng được chọn, là Vị cứu tinh của nhân loại. Về điều này, cần đề cập đến hai sự kiện tối quan trọng trong nguồn gốc ki tô giáo. Ðó là đức tin vào sự sống lại của Chúa Giê Su và ơn Chúa Thánh Thần được ban xuống cho các tông đồ bốn mươi ngày sau khi Chúa Giê Su sống lại. Thánh Thần được ban dưới dấu chỉ lửa và gió được truyền ban cho những người lúc bấy giờ xum họp cầu nguyện với nhau tại Giêrusalem. Thánh Thần là ơn làm cho các ông hiểu Giê Su là ai. Mấy năm trời đồng hành cùng Giê Su, họ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi liên quan đến con người của Thầy họ. Nhờ ơn Thánh Thần, họ dần nhận ra rằng thì ra con người mà họ đi theo ngần ấy năm trời, đã bị đối xử thậm tệ, bị đánh, bị nhạo báng, bị dẫn đến con đường chết, nay đang ngự « bên hữu Thiên Chúa Cha ». Quả thật, không những đối với các môn đệ lúc bấy giờ, mà còn với những người ki tô hữu đầu tiên tiếp bước họ, xa hơn nữa là với chúng ta hôm nay, hình ảnh « ngự bên hữu Thiên Chúa » có tầm quan trọng lớn. Ðó là một hình ảnh tồn tại trong Kinh Thánh Do Thái, mà trong ki tô giáo gọi là Cựu Ước. Cụ thể là thánh vịnh 110, tiết 1 có nói : «…Ðức Chúa ngỏ cùng Chúa thượng tôi : bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị ». Thế là một ánh sáng hoàn toàn mới để hiểu về con người Giê Su được chiếu tỏa. Ðiều được nói trong Cựu Ước dần dần được những con người đầu tiên tin vào Giê Su đã trở nên như sự thật hiển nhiên. Thầy Giê Su của họ là Con Thiên Chúa. Xác tín này cũng nhờ nhìn và ôn lại sự kiện khổ nạn và sống lại của Chúa Giê Su. Sự kiện Giê Su sống lại đã biến đổi cuộc sống của họ. Họ đã đọc lại cuộc sống Giê Su từ biến cố sống lại. Các Tin Mừng cũng đi theo lô gích đó. Ðã có một truyền thống truyền miệng thuật lại cuộc đời Chúa Giê Su, nhiều năm sau mới được viết và soạn thảo. Ðể hiểu được cuộc đời của Giê Su, không có cách nào khác là xuất phát từ sự sống lại. Người ki tô hữu cần biết đến qui tắc tối quan trọng này khi đọc về cuộc đời Giê Su. Phải nhận ra điều này là ngày nay vẫn còn nhiều người, dù là ki tô hữu hay không, chưa biết đến qui tắc đọc hiểu nói trên. Nhiều người vì thiếu cái nền căn bản đó mà cho rằng Giê Su đã đến loan báo mình là Thiên Chúa. Sự thật không phải như vậy. Những nhân chứng đầu tiên về Giê Su đã bị đánh động bởi cuộc đời, giảng dạy, những hành vi, những lời nói của Người. Nhiều lần các Tin Mừng nói lên tự do nói và hành động của Giê Su trước các vị cầm đầu cộng đồng dân do thái, cũng như trước các đại diện ách đô hộ rôma. Giê Su nói như một đấng có quyền. Chính đó là điều khiến dân chúng để ý tới. Song chính kinh nghiệm về sự sống lại mới mang tính quyết định đối với bao người. Sự kiện Giê Su sống lại cho họ hiểu rằng ông Giê Su phải là một vị ngôn sứ hay còn hơn thế nữa.

Chúng ta có thể biết chính xác gì về Chúa Giê Su ? Ðâu là phần của sự thật lịch sử của các Tin Mừng ? Về điểm này, chúng ta có thể kể đến một nhà chuyên về chú giải Kinh Thánh tên là Rudolf Bultmann thuộc thế kỷ 20. Ông cho rằng « chúng ta thực ra không thể biết được gì về lịch sử của Chúa Giê Su ». Cũng theo ông, chúng ta nên từ bỏ ý định muốn biết dù là gì đi nữa về « Chuá Giê Su lịch sử », tức là về những chi tiết của cuộc đời Chúa Giê Su. Chúng ta chỉ cần biết rằng Chúa Giê Su đã tồn tại. Tuy nhiên lập trường này của Bultman được rất nhiều người tán thành. Tin rằng Giê Su là Con Thiên Chúa và Ðấng Cứu Ðộ và để rồi từ đó rút ra những hậu quả cho cuộc sống chúng ta. Ðó mới là điều thiết yếu. Nói khác đi, sự thật lịch sử của các Tin Mừng sẽ có thể là một vấn đề hoàn toàn thứ yếu. Quan trong hơn cả là ý nghĩa của « sự kiện Giê Su ».

Tuy vậy, ngày nay, các nhà chú giải Thánh Kinh mang lập trường kém khắt khe hơn Bultmann về sự thật của những sự kiện do các Tin Mừng thuật lại. Khi nhìn nhận các Tin Mừng được viết ra, với đức tin vào Chúa Giê Su phục sinh, « ngự bên hữu Thiên Chúa », cho nên họ đã có thể thiết lập cho thấy rằng nhiểu chi tiết trong các Tin Mừng đều có thật nếu xét theo lịch sử Palestine vào thời Chúa Giê Su. Các bản văn Tân Ước vì thế được xem là một trong những thành phần hình thành nên nguồn chắc chắn nhất để biết đến do thái giáo được sống giữa Cựu Ước và Tân Ước giữa khoảng thời gian từ năm 200 trước công nguyên đến năm 100 hoặc 150 sau công nguyên, hay nói khác đi là kỷ nguyên chúng ta. Có thế có người cho rằng mọi chi tiết lịch sử trong các Tin Mừng đã được làm lại hay được tạo ra nhằm đáp lại những lo lắng của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi ? Về điều này, chúng ta nên đặt ra một câu hỏi : chuyện kể về lịch sử là gì ? Người ta viết về lịch sử như thế nào ? Ðó mới là những câu hỏi thật sử quan trọng. Con người có thể viết với những cái nhìn khác nhau về cùng một sự kiện lịch sử. Giống như các lịch sử gia thời Cổ Ðại, các thánh ký Tin Mừng thậm chí không có chủ ý viết theo tiêu chuẩn « khoa học » hiện đại. Họ quan tâm trên hết đến việc chuyển thông một thông điệp. Họ đã thuật lại cách sống, cách nói của Chúa Giê Su, cũng như cách mà người đời nhìn nhận về con người Giê Su khi còn sống. Các thánh ký Tin Mừng có thể viết về Giê Su và biến Giê Su thành một vị thần thánh lôi cuốn các đám đông bằng các phép lạ. Thế những họ đã không làm như vậy. Những câu chuyện họ thuật lại rất giản dị và chứa dấu ấn của những chú giải về các sự kiện liên quan đến Giê Su nhờ đức tin vào sự sống lại của Người.

Có bốn Tin Mừng hay bốn phiên bản về cuộc đời và giảng dạy của Chúa Giê Su. Thế như vậy có đối lập không ? Không, hoàn toàn không. Mỗi tác giả Tin Mừng phản chiếu những chuyện kể và những bận tâm của cộng đồng ki tô hữu mà chính tác giả là thành phần và viết cho cộng đồng mình. Cho nên hiển nhiên là có nhiều điểm khác nhau giữa bốn phiên bản. Xét cho cùng, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy là điểm tương đồng giữa bốn phiên bản tin mừng trong bức chân dung về con người Giê Su mới đáng kể hơn so với những điểm khác biệt. Các Tin Mừng được viết ra khi nào ? Gần hai thế kỷ nay, các chuyên gia về chú giải Thánh Kinh tin lành và công giáo làm việc chung với nhau. Họ nghiên cứu nhiều góc độ, mỗi câu, mỗi từ trong Kinh Thánh. Họ nghiên cứu về bối cảnh lịch sử, địa lí, ngôn ngữ mà trong đó câu chuyện thuật lại. Kết quả là họ đã đi đến ý kiến đồng nhất rằng có ba Tin Mừng khá giống nhau, tuy có những khác biệt, nên mới gọi là các Tin Mừng « nhất lãm ». Ðó là các Tin Mừng của thánh Matthieu, thánh Maccô và thánh Luca. Những Tin Mừng này được viết và hoàn thành vào những năm 70- 80. Còn phiên bản Tin Mừng thánh Gioan được cho là hoàn thành vào khoảng năm 100. Như vậy, Tin Mừng đầu tiên ít ra cũng chỉ được viết ra khoảng trên dưới bốn mươi năm sau khi Chúa Giê Su chết và sống lại.

Chúng ta cần biết là có hai vấn đề được đặt ra và cả hai đều khó. Vấn đề thứ nhất về lịch sử. Vần đề thứ hai thì thuộc về thần học hơn. Vấn đề là muốn biết có cần để đức tin phụ thuộc vào những luận chứng thuộc phạm trù lịch sử ? Ðiều hiển nhất rất quan trọng với người ki tô hữu là nên biết rằng Chúa Giê Su đã tồn tại. Những gì khác, chúng ta có thể nói như Bultmann, hoặc như Karl Barth, một thần học gia tin lành. Hai thần học gia này đều hướng người tín hữu không nên bằng mọi giá đi tìm những chứng minh chắc chắn, những bản văn chính xác, nhưng đức tin là tin vào Tin Mừng như Lời Chúa. Ðó mới là điều tối cần.

Xét về môi trường lịch sử và văn hóa trong Tân Ước thời Chúa Giê Su thì sao ? Chúng ta biết rằng Do Thái Giáo thời Chúa Giê Su bị tác động mạnh bởi văn hóa hy lạp. Nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh ngày nay cho rằng các Tin Mừng nhất lãm được viết trực tiếp bằng tiếng hy lạp, chứ không phải bằng tiếng do thái, rồi mới được dịch sang tiếng hy lạp như một số người hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen. Tuy nhiên trong Tin Mừng cũng có nhiều dấu tích về tiếng do thái và tiếng araméan, vì Chúa Giê Su khi còn sống nói tiếng Araméan, một thứ tiếng địa phương do thái. Còn Tin Mừng trễ nhất của thánh Gioan được xem như là viết bằng tiếng araméan trước. Như vậy chứng tỏ những người do thái đầu tiên trở thành người ki tô hữu, nhờ tin vào Chúa Giê Su sống lại, xuất thân từ văn hóa hy lạp. Họ nói tiếng hy lạp. Họ đọc Thánh Kinh do thái trong phiên bản tiếng hy lạp được gọi là bản dịch Septante. Những người do thái có học thức sống phân tán cũng đọc Kinh Thánh tiếng hy lạp. Ðúng là Thánh Kinh hoàn toàn là của dân do thái, nhưng một ngôn ngữ luôn truyền vào một văn hóa. Một khi được dịch ra, nhiều từ sẽ có những nghĩa mới. Ví dụ từ « khôn ngoan » rất phổ biến trong sách Khôn ngoan trong Kinh Thánh. Trong ngôn ngữ hy lạp, từ này là « sophia » và thế là mở ra với truyền thống triết học Hy Lạp. Chúng ta có thể đề cập đến từ logos, có nghĩa là « lơì » và trong Tin Mừng thánh Gioan từ logos được dùng để chỉ đến Ðức Ki Tô. Với ngôn từ logos, truyền thống tư tưởng hy lạp đi vào trong ki tô giáo. Những người như Philon, một triết gia hy lạp thời Chúa Giê Su, hoặc thánh Phao Lô hoặc xa hơn nữa là thời của nhà soạn thảo Tin Mừng Gioan, đều là người do thái. Nhưng ngôn từ, văn hóa, khái niệm của họ mang dấu ấn của sự khôn ngoan và văn hóa hy lạp. Có thể khám phá ra những nét tương đồng giữa Philon và Phao Lô, giữa Philon và Gioan. Ngày nay, triết gia Philon được xem là một người do thái trở lại ki tô giáo. Những điều trên cho thấy có sự kế tiếp giữa do thái giáo và ki tô giáo. Chúng ta giải thích thế nào về sự kế tiếp này ? Ðiều trước tiên nên chú ý đến khi nói đến tính kế tiếp là Chúa Giê Su, một người do thái chính hiệu. Trong ki tô giáo thời nay, người ta nói nhiều về « gốc do thái » của Chúa Giê Su. Ðiều này không chỉ vì muốn tránh những xu hướng không thân hữu với những người do thái, mà còn vì quá trình nghiên cứu đã thiết lập được chiếc cầu nối giữa do thái giáo và ki tô giáo.

Khẳng định Chúa Giê Su hoàn toàn là một người do thái có nghĩa muốn nói rằng Người không phải là người ki tô hữu. Như Luther từng nói Chúa Giê Su không những sinh ra là người do thái, Chúa Giê Su còn chết theo cách người do thái. Nói khác đi, chính Chúa Giê Su chưa bao giờ có ý định tìm cách đoạn tuyệt cách tận căn với tôn giáo của cha ông. Ðúng là đã có những yếu tố va chạm, xích mích với cái mà Người gọi là « truyền thống của cha ông ». Ta cũng nhận thấy điều va chạm trong Tin Mừng Matthieu. Ðây là một Tin Mừng mang đậm nét do thái nhất, những lời lẽ không mấy tốt đẹp đối với các kinh sư và dân pha-ri-siêu (Xem. Mt 23). Cũng có những điểm căng thẳng liên quan đến Ðền Thờ, về vai trò của các tư tế. Ngày nay, nhờ những phát hiện mới, chúng ta nhận thêm rằng Chúa Giê Su không phải là người duy nhất chỉ trích một số thực hành trong văn hóa do thái giáo thời Người. Trong những bản văn viết bằng tay tìm được ở hang động Qumrân năm 1947, cộng đồng Esséniens cũng giữ khoảng cách với Ðền Thờ và hàng ngũ tư tế Giêrusalem. Tóm lại Chúa Giê Su không nghĩ lập một tôn giáo độc lập với do thái giáo. Ngài rao giảng và trông đợi « Nước Thiên Chúa ». Việc trông đợi này mang một thái độ chỉ trích đối với những thể chế do thái lúc bấy giờ.

Chúng ta nên biết rằng do thái giáo thời Chúa Giê Su tiến hóa mạnh, mở rộng với nền văn hóa và tư tưởng hy lạp. Thời Chúa Giê Su, Palestine, theo tên gọi ngày nay, nằm dưới ách đô hộ của dân rôma suốt ba thế kỷ. Người ta thường đề cập đến hai loại do thái giáo. Một do thái giáo của những người sống phân tán khắp nơi dưới quyền cai trị của người rôma, rải rác khắp nơi nên bị ảnh hưởng văn hóa và ngôn ngữ hy lạp. Một do thái giáo tại Palestin và Giêrusalem thuộc ngôn ngữ và văn hóa do thái hoặc araméan. Sau sự cố năm 70, đền thờ Giêrusalem bị phá, dân do thái phân tán, cộng đồng do thái chỉ còn cách xây dựng lại để tồn tại bằng cách nghiên cứu và học sách Tora (luật) và bình phẩm về Tora. Ðó thời của do thái giáo rabbi và talmút (bình phẩm về Tora). Ở Ít ra en, trong do thái giáo đã có ý về sự phổ quát cúa Thiên Chúa và ơn cứu độ. Nhưng ý nghĩ phổ quát này nên hiểu theo nghĩa này là những người vô thần hay còn gọi là dân ngoại một ngày nào đó sẽ tôn thờ Thiên Chúa của Thánh Kinh tại Giêrusalem, trong Ðền Thờ, trên núi Xion. Ðó là một ý nghĩ phổ quát mang tính « bao gồm ». Còn trong lời rao giảng của Chúa Giê Su, Thiên Chúa sẽ không còn bị trói chặt với một địa danh, một xứ sở, một ngôn ngữ cố định. Ý tưởng phổ quát về Thiên Chúa trong rao giảng của Chúa Giê Su thì ngược lại mang tính « mở rộng ».

Vậy xem ra ý muốn « tự vượt qua » do thái giáo mà Chúa Giê Su muốn vực dậy đã không được theo đuổi ? Chúng ta nên biết rằng ba đả kích của Chúa Giê Su với Ðền Thờ, Luật hoặc các trưởng tư tế và kinh sư không phải là đáng kể nhất. Chúng ta đã minh chứng điều này rồi. Trái lại, cái muốn vượt xa hơn do thái giáo nằm ở chỗ giảng dạy, rao giảng của Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa, hoặc về Nước Trời thì mở ra cho mọi người, không chỉ cho những người công chính do thái xét theo Lề Luật, mà còn cho cả những kẻ tội lỗi và dân ngoại. Nhưng đó mới chỉ ở mức độ rao giảng. Cái sẽ gây ra đoạn tuyệt với do thái giáo chính là sự chết và sự sống lại của Chúa Giê Su. Về điều này, chúng ta có thể nói đến Phao Lô như một minh chứng. Phao Lô được đánh giá là người đánh dấu sự đoạn tuyệt với do thái giáo. Phải, Phao Lô giải thích cái chết và sự sống lại của Chúa Giê Su như việc rộng mở tới mọi dân điều mà Thiên Chúa hứa với Abraham, đó là Nước Thiên Chúa, kể cả cho các dân ngoại. Chúa Giê Su chết và sống lại vì ơn cứu độ muôn người, do thái và dân ngoại. Nhưng Phao Lô chỉ đi trên con đường chủ nghĩa phổ quát mà Chúa Giê Su đã rao giảng. Theo chiều hướng này thì Tin Mừng mà Chúa Giê Su loan báo đã là ki tô giáo rồi. Ðó là một thông điệp về tình yêu, tự do, một cách nhìn khác về Thiên Chúa. Thông điệp « phi biên giới », là lời gọi đến một một xã hội mở. Không phải như do thái giáo rabbi sau biến cố 70 bắt đầu tự khép mình lại đặc biệt vì muốn kháng cự cơn bách hại của dân rôma. Xu hướng mở rộng trong việc rao giảng lại thông điệp của Chúa Giê Su chính là yếu tố làm nên sự đoạn tuyệt với do thái giáo. Phải nhìn nhận điều này là Phao Lô và các tông đồ khác đều không có ý bỏ do thái giáo. Phao Lô vẫn là một người do thái và ông cố đóng một vai trò hòa giải giữa người do thái và người ki tô hữu. Nói một cách cụ thể đâu là điểm đoạn tuyệt ? Cụ thể mà nói sự đoạn tuyệt nhằm trong việc từ bỏ một số yếu tố Lề Luật., nhất là việc cắt bì. Tại Công Ðồng Giêrusalem, theo sách Công Vụ Tông Ðồ chương 15 và chương 2 trong thư gửi giáo đoàn Ga-lát-ta, diễn ra vào khoảng năm 50, nhiều người ki tô hữu Giêrusalem muốn áp đặt việc giữ Luật do thái, nhất là luật phải cắt bì, đối với các dân ngoại trở lại đạo. Sau cuộc tranh luận căng thẳng, Phao Lô có ý trái với Giacôbê và Phêrô, nhưng vấn đề cũng được giải quyết : những người dân ngoại trở lại đạo sẽ không buộc phải chịu phép cắt bì theo luật do thái, không lệ thuộc những giới luật do thái. Thế là những giới luật đặc biệt trong Luật do thái đã bị bỏ nhằm mở rộng ra với những người ngoại.

Nói đến điều này không phải chúng ta không hay biết một số xung đột mạnh giữa Chúa Giê Su và những người cầm đầu dân do thái hoặc nhóm Pharisiêu. Nhưng việc rao giảng của Chúa Giê Su, ngay cả cuộc luận chiến thời Chúa Giê Su vẫn nằm trong khung cảnh của do thái giáo. Chúa Giê Su đã không đoạn tuyệt với do thái giáo. Có thể là Chúa Giê Su, trong đường hướng phổ quát về thông điệp Nước Thiên Chúa, đã giữ khoảng cách với những khuynh hướng rabbi hoặc talmút. Trừ Tin Mừng thánh Matthieu, Chúa Giê Su ít bình phẩm Lề Luật, trong khi đối với các thầy rabbi, việc này hết sức quan trọng. Giê Su trích Cựu Ước, nhưng khá ít. Ngài ít khi đối chiếu đến những kỳ công của It ra en, nhưng trái lại nhấn mạnh sự bất trung, việc đối xử tồi tệ hoặc việc giết chết các ngôn sứ của Thiên Chúa khi xưa. Ðể biện minh cho hướng mở ra với các dân ngoại, Chúa Giê Su nhắc đến việc ngôn sứ Êlisê từng chữa lành Naaman, một người mắc bệnh cùi xứ Syria không thuộc do thái giáo. Chúa Giê Su không nhắc đến từ « giao ước » trừ lúc trong Bữa Tiệc cuối cùng Người mới nói về « giao ước mới ». Người đi lại, gặp gỡ những người tội lỗi đến nỗi gây sốc cho nhiều người. Chúa Giê Su cũng sống tử tế với những người Samari mà dân do thái đối xử như kình địch. Dụ ngôn « ngươì samari tốt lành » cứu giúp một người bị thương nằm bên lề đường là một trường hợp điển hình. Cột người thuộc dòng dõi Lêvi, tức dòng dõi tư tế phục vụ Ðền Thờ, và một vị tư tế trông thấy người đau nằm bên lề đường mà không đoái hoài là một minh chứng hùng hồn. Có thể nói rằng Chúa Giê Su có ý thức muốn mang những khái niệm mới vào thời đại. Ví dụ hình ảnh « không may vải mới vào áo cũ ». Hoặc « không đổ rượu mới vào bình cũ ». Chúng ta có thể nhận thấy trong khi các thầy rabbi do thái ưu tiên sách Tora, thì Chúa Giê Su lại lưu tâm hơn nữa đến các Ngôn sứ của Ít ra en.

Nói gì đi nữa, Tân Ước cũng trích dẫn Cựu Ước. Ngay những thế kỷ đầu, những người ki tô hữu đã đọc và nhận ra trong một số câu, một số đoạn của Cựu Ước những hình ảnh báo trước về Chúa Giê Su, về sự ra đời, cuộc sống, cái chết cũng như sự sống lại của Giê Su. Chúng ta có thể nêu ra ví dụ về chương 52 và 53 trong sách ngôn sứ Isaia nói về « Tôi tớ đau khổ ». Người ki tô hữu đọc những chương sách này và hiểu theo ánh sáng sự kiện Chúa Giê Su chết và sống lại. Các thầy rabbi do thái xem ra ít đề cao những chương này vì họ ít đề cập và bình phẩm, kể cả trong những tranh luận tại các hội đường. Nhưng Phao Lô thì đưa ra một chú giải theo nghĩa những điều hai chương sách này nói về người tôi tớ đau khổ đã được chu toàn chiếu theo sự kiện Chúa Giê Su.

Chúa Giê Su bị kết án vì lí do gì ? Khi còn sống và rao giảng Nước Thiên Chúa, đã có những xung đột ngày một kịch liệt giữa Người và các hữu trách do thái. Kết cục là Giê Su bị bắt, bị hầu tòa và rồi bị đóng đinh và chết trên cây thập giá ô nhục. Nhưng trong câu chuyện này còn có quyền ngự trị của người rôma. Họ có trách nhiệm gì trong việc kết án Chúa Giê Su ? Phải nói là quyền quyết định đóng đinh Chúa Giê Su vào thập giá là của quyền bính rôma. Thế nhưng vụ kiện cáo và cái chết của Chúa Giê Su lại liên quan đến những lí do tôn giáo. Ðiều này không thể bác bỏ. Nếu từ chối chiều kích lí do tôn giáo, có nghĩa chúng ta không hiểu được sự ra đời của ki tô giáo. Việc lên án tử Chúa Giê Su không phải vì quyền bính do thái khinh thường giảng dạy của Chúa Giê Su. Những câu chuyện kể về cuộc khổ nạn của Chúa Giê Su gán trách nhiệm rất lớn cho dân do thái trong cái chết của Chúa Giê Su. Ðúng là vậy. Nhưng nên nhớ là lúc các Tin Mừng được viểt ra, cuộc luận chiến giữa tôn giáo cũ và tôn giáo mới, tức giữa do thái giáo và ki tô giáo, đang ở mức độ như nước tràn li. Chúng ta có thể tưởng tưởng đến tranh luận giữa chính do thái giáo và do thái giáo. Ðiều này muốn chỉ đến lục đục ngay trong lòng do thái giáo vì lí do rằng một mặt có những người thuộc đạo do thái đã tin vào Chúa Giê Su sống lại, tin rằng Giê Su là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, và mặt khác những người do thái không chịu chấp nhận điều này về Chúa Giê Su. Nói đến cái chết của Chúa Giê Su, hiển nhiên các vị cầm đầu do thái giáo, tức những người mà Chúa Giê Su đã kịch liệt chống đối, đã đóng một vai trò quan trọng. Ký ức này vẫn còn rất sống động nơi những ai nhận Chúa Giê Su là Ðức Ki Tô, tức là Ðấng được xức dầu, Ðấng Messia của Thiên Chúa.

Nhưng nhìn lại lịch sử gần đây nhất với chúng ta, thật không may là người ta thường qui tội cho dân do thái về cái chết của Chúa Giê Su. Thật là phi lí và hơn cả phi lí nữa. Bởi điều này đã gây ra bao hậu quả thảm họa. Qui tội cho dân do thái vào nói họ là « dân giết Chúa » quả thật quá sai lầm. Giá như con người ngày nay có thể nhìn nhiều hơn nữa đến vai trò của tôn giáo trong cái chết của Chúa Giê Su mà những vị cầm đầu là những người đại diện. Các đại diện quyền cầm đầu do thái giáo đã can thiệp vào vì những lí do tôn giáo. Ðúng là như vậy, nhưng điều đó có thể được nói ra mà không buộc tội dân do thái và đạo do thái. Những thù nghịch của Chúa Giê Su không phải là những qoái vật. Họ là những con người sùng đạo, có thể thành thật, không giả hình, không tàn bạo. Họ muốn bảo vệ tôn giáo của cha ông họ mà họ cảm thấy việc Giê Su làm, lời Giê Su giảng đang đe dọa vị trí tôn giáo của họ. Vụ kiện Chúa Giê Su có thể hiểu như một « hệ thống tôn giáo » đứng lên tự vệ trước một tự do tôn giáo đang thách thức nó.

Vụ kiện và cái chết của Chúa Giê Su có thể mang một ý nghĩa phổ quát chăng ? Các nhà chú giải kinh thánh và các nhà lịch sử có thể tìm cách hình thành lại những gì đã diễn ra trong quá khứ. Nhưng ngoài nhiệm vụ nghiên cứu về quá khứ của lịch sử, cần tìm hiểu ý nghĩa và mấu chốt phổ quát của vụ kiện và cái chết của Chúa Giê Su. Hai việc phải làm này lại mang tính chất tôn giáo theo nghĩa rộng hơn rằng những vụ việc liên quan đến Chúa Giê Su không những làm mọi người trong đạo quan tâm, mà kể cả những người vô thần nữa. Chúng ta thấy trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn tín hữu ở Corintô, Phao Lô viết vào khoảng năm 55 kỷ nguyên chúng ta, và ngài khẳng định như thế này : « Ðức Ki Tô phục sinh là cớ vấp phạm cho người do thái và sự điên rồ với dân ngoại » (1 Cr 1, 23).

Ðâu là cớ vấp phạm, đâu là sự điên rồ ? Chắc là không phải vì Chúa Giê Su tấn công đạo của dân do thái. Bởi vì Chúa Giê Su không phải là người duy nhất có thái độ đó. Ðúng ra cớ vấp phạm và sự điên rồ là nằm ở trong cái mà Chúa Giê Su làm rối, làm tan vỡ những điểm mốc mà họ thường trao đặt niềm tin vào. Tự do trong lời nói, tự do tìm kiếm Thiên Chúa trong hành động của Chúa Giê Su làm mất ổn định các thể chế tôn giáo, làm mất uy tín những thực hành tôn giáo, khiến xáo trộn những truyền thống tôn giáo đã được đón nhận. Việc xem tôn giáo có vấn đề có phải điều nghịch kí không ? Giê Su là một người thuộc tôn giáo. Phải nói là tôn giáo luôn luôn có khuynh hướng đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa, quên những con người đi qua tôn giáo để tìm gặp Thiên Chúa. Ðối với nhiều người, con người chỉ có thể tìm gặp Thiên Chúa trong việc thờ phượng hoặc trong các lễ nghi tôn giáo chứ không phải ở nơi đâu khác. Như vậy tôn giáo là những điều bắt buộc và những truyền thống tôn giáo mà con người cho rằng nhờ đó con người mới đến được với Thiên Chúa hoặc làm thỏa lòng Thiên Chúa. Chính Chúa Giê Su đã đoạn tuyệt với cái khái niệm như thế về tôn giáo. Dù rằng con người luôn cần đến điều luật phải tuân theo và những truyền thống. Vấn đề không phải nên phủ nhận chúng. Chúng ta luôn cần có chúng. Nhưng chúng không phải là cái cốt lõi trong tôn giáo và con đường dẫn đến gặp Thiên Chúa.

Thế cái cốt lõi là gì ? Chúng ta hẳn còn nhớ lời của Chúa Giê Su với một tiến sĩ Luật hỏi Người về giới răn quan trọng nhất trong các giới răn. Chúa Giê Su nói : « Nghe đây Ít ra en ! Ðức Chúa Thiên Chúa chúng ta là duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình » (Tin Mừng Matthieu 22, 34-38). Ðúng là điều này không phải hoàn toàn mới từ miệng Chúa Giê Su phát ra. Ðúng ra đây là một lời được Chúa Giê Su lấy từ sách Ðệ Nhị Luật ở chương thứ 6. Vậy là Cựu Ước cũng dạy con người phải yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Quả thật, cái mới không phải ở trong việc Chúa Giê Su nhắc lại hai giới răn này của Lề Luật, nhưng nó mới ở chỗ Chúa Giê Su nhắc đến hai giới răn trong khi người đặt câu hỏi chỉ đề cập đến một giới răn, ông muốn biết đâu là giới răn quan trọng nhất. Nó mới ở chỗ Chúa Giê Su đặt hai giới răn này ngang nhau và Người còn nói thêm hai giới răn ấy tóm lược mọi giới luật và những giảng dạy của các Ngôn sứ (Mt 22, 40). Cũng vậy trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giê Su nói là Người để lại cho các môn đệ một giới răn mới là họ phải yêu thương nhau (Ga 13, 34). Tự bản chất giới răn ấy không có gì mới. Nhưng nó mới vì không có giới răn nào khác nữa. Nó mới vì nó tóm lược lên điều này là tình yêu và công lí đối với tha nhân chính là tình yêu Thiên Chúa và giới răn yêu thương này xuất hiện để thay thế toàn bộ mọi giới răn của luật do thái, Tora. Chúng ta đã hiểu hơn về nguyên do của sự đoạn tuyệt và hậu quả là dẫn đến vụ kiện Chúa Giê Su. Càng hơn thế vì những yếu tố khác từ giảng dạy của Chúa Giê Su cũng đụng chạm đến tôn giáo của dân do thái. Như thể Chúa Giê Su truyền lệnh cho mỗi người tìm ý Thiên Chúa, như thể ý Thiên Chúa không được ban và không được viết ra trong Luật. Người mời mỗi người cầu nguyện trong sâu thẳm tâm hồn, như thể Ðền Thờ không còn là nơi cầu nguyện, không còn là nơi Thiên Chúa nhậm lời nguyện của dân. Còn nữa, Chúa Giê Su bảo phải hòa giải với tha nhân trước khi đến Ðền Thờ cầu nguyện. Thêm vào đó, có vẻ như Chúa Giê Su cảnh báo Ðền Thờ sẽ bị phá và xem mình là Ðền Thờ. Chúng ta biết là trong vụ kiện Giê Su, có những lời nguy hiểm đóng một vai trò quan trọng, vì đối với dân, Chúa Giê Su đã nói phạm thượng, nghĩa là xúc phạm đến Thiên Chúa.

Dù thế nào đi nữa, chính tôn giáo đã kết liễu Chúa Giê Su ? Chúng ta có thể nhận ra, trong vụ kiện và trong cái chết của Chúa Giê Su, Thiên Chúa đã thoát khỏi tôn giáo và Thiên Chúa đi vào trong thế giới phàm tục của con người. Thiên Chúa thoát khỏi tôn giáo và đi vào thế giới con người còn mạnh hơn nữa khi, vào Lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần « tuôn đổ xuống mọi người », không chỉ lên người do thái, mà cả trên dân ngoại. Tin Mừng là đó. Tin Mừng chính là việc Thiên Chúa ra khỏi vỏ bọc của cái thiêng liêng nơi mà Thiên Chúa bị khép kín. Thiên Chúa không còn bị giam hãm trong những nơi cố định nữa như núi, đền thờ. Con người không còn sống tương quan với Thiên Chúa nhờ những hiến tế hoặc nhờ phục tùng luật nữa. Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng tôn giáo và gánh nặng của cái thiêng liêng. Từ nay Thiên Chúa đến với chúng ta nơi đâu chúng ta sống. Thiên Chúa không đến trục xuất chúng ta khỏi nơi chúng ta đang sống, nhưng gọi chúng ta luôn tự do hơn. Cái mới là vậy đó. Thái độ mới là rằng con người không thể khép kín trong một định nghĩa cứng nhắc. Chúa Giê Su đã cảnh giác với điều đó. Ðiều cốt yếu được chứa đựng trong quan hệ huynh đệ với con người theo kiễu mẫu lí tưởng giữa quan hệ của Thiên Chúa là Cha với con người. Quan hệ cũng dựa theo điều này là cái chết đã bị khuất phục và con người có thể điều khiển định mệnh mình. Từ nay, con người không cần phải lệ thuộc vào các thế lực nhuốm vẻ thiêng liêng. Thiên Chúa không đến băt buộc con người thờ phượng. Thiên Chúa đến để phục vụ con người và mời gọi con người thờ phượng Thiên Chúa bằng cách tốt nhất là phục vụ và yêu mến tha nhân, phục vụ cho công lí của mọi người như chính Chúa Giê Su đã làm.

Thế có thể nói là tôn giáo đã đến hồi kết ? Ðúng vậy, nhưng chỉ là thứ tôn giáo theo nghĩa của từ « tôn giáo » được hiểu là hệ thống nặng nề về lề luật, những não trạng tập thể, những hình ảnh, và những thể chế, những hành vi tín ngưỡng, việc thờ phượng và kể cả luân lí mà mọi tôn giáo trên thế giới chuyển đi. Cái mới trong ki tô giáo là ở chỗ ơn cứu độ được thực hiện trong cuộc sống trần tục. Việc cứu độ không phụ thuộc vào vô số các giới răn của Thiên Chúa, nhưng phụ thuộc vào việc phục vụ tha nhân. Trở nên tôi tớ của mọi người mới là con đường của Tin Mừng. Ki tô giáo ngay từ những thế kỷ đầu đã không đòi một qui chế của một giáo phái, nhưng muốn là một trường dạy về ngôi lời bằng cách nhấn mạnh đến giới răn đạo đức của Tin Mừng. Bên cạnh đó là truyền gieo một thông điệp về ơn cứu độ phổ quát, bởi vì ơn cứu độ không hề liên lụy đến một việc thờ phượng nào và không loại trừ một ai. Ai là tha nhân của tha nhân thì đều được cứu độ.

Tất nhiên là ki tô giáo cũng dẫn chúng ta vào tôn giáo. Ðiều này không thể tránh khỏi. Nhưng tôn giáo được hiểu cách hoàn toàn khác. Tôn giáo là sự diễn đạt công khai trong xã hội về đức tin. Tôn giáo đem đến những điểm đối chiểu và những bảo đảm cho con người trong tương quan đức tin với Thiên Chúa. Thường thì tôn giáo tồn tại vì con người sợ hãi. Trong các tôn giáo, chúng ta hay bắt gặp chủ trương tôn trọng pháp chế quá độ và khuynh hướng chuộng nghi lễ. Ðó là hai yếu tố thiết yếu trong sinh hoạt đời sống tôn giáo cụ thể. Thế nhưng, Chúa Giê Su dạy chúng ta có cái vượt qua những thứ đó bởi vì rằng ki tô giáo luôn luôn cần được rao giảng Tin Mừng. Chúng ta nhận thấy thông điệp của Chúa Giê Su vượt qua hai khuynh hướng trên trong các tôn giáo cụ thể qua việc làm mất tính thiêng liêng của thế giới các tôn giáo và tình yêu tha nhân. Tình yêu tha nhân được công bố cùng tình yêu Thiên Chúa. Không có gì ở trên giới răn này và không có giới răn liên quan đến việc thờ thượng Thiên Chúa. Vậy, có thể hiểu là không còn tồn tại việc thờ phượng nữa ? Về điều này, chúng ta nên biết là trong ki tô giáo, việc tạ ơn mới là việc thờ phượng chủ yếu. Ban đầu, những người tín hữu tiên khởi cử hành tưởng nhớ « việc bẻ bánh », và dần được được gọi vớ tên gọi quen thuộc « Thánh Lễ », việc tạ ơn vào lúc cùng chia sẻ bánh và rượu nhằm tưởng nhớ về Chúa Giê Su. Ðối với họ, Thiên Chúa không còn muốn hy lễ nữa. Thánh Lễ thay thế mọi hình thức thờ phượng khác. Thánh Lễ nhằm cử hành công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Ðức Giê Su Ki Tô. Thiên Chúa cứu con người một cách nhưng không. Chúng ta vào hưởng ơn cứu độ cũng bởi sự nhưng không giống như vậy. Chúng ta thể hiện quà tặng nhưng không của Thiên Chúa trong thái độ sống yêu thương tha nhân. Nhưng chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì ơn nhưng không này cũng là một việc làm phải lẽ. Bởi vậy, việc thờ phượng không còn nữa, mà thay vào đó là việc tạ ơn tự nhiên của một tâm hồn nhận ra được Thiên Chúa yêu thương và được mời gọi vào trong sự sống của Người.

Ðạo ki tô từ lâu đời đã là đạo có sứ mệnh truyền lại cho thế gian thông điệp của Ðức Giê Su Ki Tô và mãi luôn như vậy. Ðạo ki tô không có gì khác quan trọng hơn việc đem thông điệp cứu độ, đem Tin Mừng cho muôn dân, đem con đường cứu độ đến cho loài người. Giáo Hội trong thời gian rất lâu xem mình là không gian duy nhất của ơn cứu độ. Bởi đó mới có câu « ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ ». Quả thực, khi con người khám phá thế giới bao la, dần dần lập trường này đã phải mất đi chỗ đứng và trong Giáo Hội phải tìm ra những cách diễn đạt khác để giải thích làm thế nào Thiên Chúa cứu độ mọi người, không trừ một ai. Ngày nay, có xu hướng nhìn nhận rằng mọi tôn giáo khác cũng là những con đường dẫn đến ơn cứu độ trong Ðức Ki Tô. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với ý nghĩ rằng những con đường trong các tôn giáo khác cứu độ con người nhờ những việc thờ phượng và nghi lễ. Những con đường khác cũng có giá trị cứu độ theo nghĩa là chúng chỉ dạy cho con người tìm kiếm Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Con đường này của Tin Mừng là con đường cứu độ. Không phải mọi tôn giáo đều cứu độ con người, nhưng là tình yêu và công lí mà các tôn giáo thực mới dẫn con người đến với ơn cứu trong Ðức Ki Tô.

Nói về sự sống lại của Chúa Giê Su ngày nay gặp phải một chất về liên quan đến nhãn quan lịch sử. Sự sống lại của Chúa Giê Su có được người ki tô hữu xem là một sự kiện lịch sử ? Chúng ta nên để ý đến ý nghĩa của từ « lịch sử » mà con người muốn chỉ đến. Nếu từ « lịch sử » được hiểu như là một sự kiện có thể kiểm tra được bằng các phương tiện mang tính lịch sử hoặc bằng những phương pháp khoa học lịch sử, thì hiển nhiên sự sống lại của Chúa Giê Su không phải là một sự kiện lịch sử. Trái lại, những chứng tá của các môn đệ mà các Tin Mừng đem lại cho chúng ta là những chứng tá lịch sử, tức là những chứng ta của họ khẳng định rất rõ sự sống lại của Chúa Giê Su. Bên cạnh đó, các môn đệ cũng luôn luôn cần đến đức tin để chấp nhận sự kiện sống lại của Chúa Giê Su. Ðức tin của các môn đệ vào việc Chúa Giê Su sống lại không phải nhờ một điều hiển nhiên thuần khiết mang tính nhảy cảm, thuộc thị giác, xúc giác mà sinh ra. Trong các câu chuyện thuật lại những lần « hiện ra » của Chúa Giê Su phục sinh, luôn có lời của Người mới làm cho con người nhận ra : « Thầy đây », là một lời mời gọi sự đáp lại một cách cá nhân và tự do. Chúa Giê Su sống lại không phải nhờ một thần khí thuần khiết. Chúa Giê Su sống lại cũng không phải là cái xác chết đứng dậy đi dạo khắp nơi. Thánh Phao Lô từng nói đến một « thân xác thiêng liêng ». Các môn đệ đã có kinh nghiệm rằng Chúa Giê Su sống lại, nói với họ và họ cũng có thể đàm thoại với Người. Chúa Giê Su phục sinh tỏ cho các môn đệ biết. Người tỏ cho họ nhận biết sự sống lại của Người khi nói với họ và trong họ. Lời của Người đi vào trong lòng họ, chính khi họ đã mất lời ấy và nhờ Người họ đã tìm lại được. Họ đã thất vọng, ngủ mê nhưng họ đã đứng lên trở lại. Hơi thở của sự sống lại đi vào trong họ, những mối dây mới cũng được dệt lên giữa họ và Chúa phục sinh. Ðó là những mối dây thật như khi Người còn sống chưa chịu khổ nạn và chịu chết. Ðã có một sự kiện như thế này : các môn đệ nhận thấy Chúa Giê Su trở lại với sự sống và điều này biến đổi họ. Ðó là điều mà các câu chuyện trong Tin Mừng muốn nói đến, chứ không phải muốn đề cập đến cái thân xác vật chất đã trở lại. Nhưng đọc kỹ các câu chuyện trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy chúng vừa khẳng định sự kiện sống lại, vừa thể hiện sự thận trọng và bối rối khi nói về sự kiện này. Tại sao vậy ? Bởi đó là mầu nhiệm về một thực tại khác, một chiều kích khác dù không ở ngoài thời gian và thân thể chúng ta, nhưng lại không cùng một mức độ với thời gian và thân thể chúng ta. Sự sống lại của Chúa Giê Su nói cho cùng là sự vĩnh cửu đi vào trong thời gian hoặc nói khác đi là thời gian đi vào trong chiều kích của sự vĩnh cửu. Còn nữa, việc nhận ra Ðấng Phục Sinh không được công nhận ngay lập tức, các môn đệ đã phải chuyển đạt cho nhau nhằm cũng cố lẫn nhau trong xác tín này.

Ðức tin vào sự sống lại có tồn tại trong do thái giáo thời Chúa Giê Su ? Ðiều này đã từng tồn tại muộn trong do thái giáo, tức là từ những thế kỷ liền trước khi Chúa Giê Su nhập thể. Minh chứng đẹp nhất ở trong sách Maccabê quyển thứ hai, được viết vào khoảng năm 100 trước Chúa Giê Su. Ngày nay sách này được gọi là « sách các vị tử đạo của Ít ra en với câu chuyện về « bảy anh em tử đạo » và mẹ của họ ở chương 7. Họ chịu chết chính vì họ tin vào sự sống lại. Tuy nhiên niềm tin vào sự sống lại đó còn lâu mới được mọi người chia sẻ. Ðôi khi khi đọc kỹ Tin Mừng chúng ta có cảm tưởng như các môn đệ không gần gũi lắm với hy vọng này. Có những nhóm như nhóm Sa-đốc đối lập với Chúa Giê Su trong Tin Mừng minh nhiên phủ nhận ý nghĩ về việc kẻ chết sống lại. Chúa Giê Su là một trong số những người tin vào sự sống lại của kẻ chết. Còn các môn đệ của Chúa Giê Su thì quen với ý tưởng về một Ðấng Messia hoặc một Ðấng được Thiên Chúa sai đến. Trong truyền thống về những lần giải phóng Ít ra en ý nghĩ đó từng đóng một vai trò chính trị. Ngay đến lúc Chúa Giê Su sắp rời họ, họ còn hỏi Người « Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục Vương Quốc Ít ra en ? » (Cv 1, 6). Sự lập lờ này luôn hiện diện trong quá trình họ đồng hành với Chúa Giê Su. Chỉ đến khi họ chứng thực sự thất bại hoàn toàn do trông vọng vào việc giải phóng chính trị, họ mới buộc phải chất vấn và muốn hiểu những gì đã xảy ra. Tại sao Thầy của họ lại đi đến tận cùng cái chết ? Rút cục cái chết của Thầy Giê Su có nghĩa gì ?

Quả thật, đâu là ý nghĩa của cái chết mà Chúa Giê Su đã nhận lấy ? Sự sống lại của Chúa Giê Su tự nó là một bước chuyển qua sự chết và nó buộc phải tìm ra những nguyên do của cái chết do bạo lực và không có gì vinh quang. Rút cục tình yêu của Thiên Chúa với con người tỏ ra huy hoàng hơn trong việc bước qua cái chết so với trong vinh quang của sự sống lại. Thực ra cả hai đều liên quan tới nhau bởi không có sự sống lại nếu không chết đi. Sự sống lại được hiểu như là cửa trời được mở ra cho con người và là sự thể hiện sức mạnh của tình yêu, « mạnh như cái chết ». Ngoài ra, cũng có sự thinh lặng của Thiên Chúa, sự bất lực của Thiên Chúa trong cái chết của Chúa Giê Su. Thiên Chúa không can thiệp. Con người lăng nhục Thiên Chúa qua Ðấng do Người sai đến, nhưng Người vẫn không đáp lời. Sự thinh lặng đó trở nên một mạc khải mới, mạc khải về một gương mặt mới của Thiên Chúa, Ðấng không cứu độ chúng ta bằng cách khuất phục chúng ta dưới sức mạnh của Người, nhưng bằng cách đem chúng ta về với Người bằng tình thương, bằng cách thể hiện một tình yêu vô điều kiện vì chúng ta. Cái mới là thế này : ki tô giáo không nhận sự mạc khải của Thiên Chúa trong chiến thắng, trong việc tỏ hiện vinh quang và uy nghi, nhưng trong yếu đuối của cái chết của Chúa Giê Su. Thiên Chúa cứu độ chúng ta như vậy đó. Nhưng Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi cái gì ?

Ðâu là lí do của việc Chúa Giê Su hạ mình đến như thế ? Chúng ta đã tìm được một lí do : Thiên Chúa cứu độ chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi. Sau này, trong Giáo Hội chúng ta sẽ nói nhiều về tội nguyên tổ. Như thể con người sống dưới sự nguyền rủa của Thiên Chúa, như thể Chúa Giê Su phải chết để trấn tĩnh cơn thịnh nỗ của Thiên Chúa, và làm thỏa mãn bản án trừng phạt Thiên Chúa dành cho con người. Ðiều đó có nghĩa là con người trở lại với Thiên Chúa toàn năng tiêu diệt con người. Và như vậy thì Chúa Giê Su bị đóng đinh trở thành biểu tượng cho hình ảnh khiếp sợ về Thiên Chúa. Cái lập trường về một Thiên Chúa toàn năng như vậy chỉ là sức mạnh của tôn giáo mà thôi.

Trái lại cái chết của Chúa Giê Su giải phóng chúng ta khỏi nỗi sợ về Thiên Chúa. Chúng ta hiểu ý nghĩ cái chết của Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết là theo chiều hướng đó. Nỗi sợ về Thiên Chúa chính là tội nguyên tổ. Nỗi sợ phá mất cái tự do của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Sợ hãi sinh ra những thao tác thờ thần tượng về đấng thần thánh. Sợ hãi dẫn đến, qua việc bắt chước, ý muốn sức mạnh và chế ngự tha nhân. Còn đối với người tin Chúa, thập giá là sự lên ngôi của tự do con người đối với Thiên Chúa. Khi từ bỏ sức mạnh, Thiên Chúa mạc khải rằng Người chỉ là tình yêu, và chính tình yêu mới cứu con người khỏi sự chết.

Chúng ta đã nói nhiều đến Chúa Giê Su trong các Tin Mừng. Nhưng sau khi Giê Su chết, sống lại và sự kiện Thánh Thần được ban cho các môn đệ, đã đánh dấu cộng đoàn tín hữu tiên khởi ra đời. Từ đó bắt đầu có những tiến hóa trong cách nhìn và hiểu về Chúa Giê Su. Một ví dụ cụ thể là họ bắt đầu nhận ra nơi Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa. Quả thật, phải phân biệt những người tín hữu đến từ do thái giáo và những tín hữu đến từ ngoại giáo. Những người theo đạo do thái tin vào Chúa Giê Su sẽ gặp những kho khăn đặc biệt. Bởi vì trong những môi trường ki tô giáo xuất xứ từ do thái giáo, có ý cho rằng Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa bởi được Thiên Chúa nhận làm con, hoặc Chúa Giê Su thuộc dòng dõi các ngôn sứ hoặc những người được Thiên Chúa sai đến như dân do thái biết đến qua Thánh Kinh. Khái niệm « Con Thiên Chúa » nhanh chóng được lan rộng trong môi trường do thái và tiếp tục giữ ý nghĩa kinh thánh rằng Con Thiên Chúa là Ðấng được sai đến, Ðấng Messia của Thiên Chúa, nhưng không phải là Thiên Chúa.

Nhưng đối với những ki tô hữu đến từ ngoại giáo thì lại khác. Họ sống trong những môi trường đã thấm nhuần văn hóa và tư tưởng hy lạp. Cho nên thuật ngữ « Con Thiên Chúa » không xa lạ với họ. Trong các câu chuyện huyền thoại hy lạp cũng có thuật ngữ này. Vì vậy, họ buộc phải tìm cách thoát khỏi hình ảnh của huyền thoại. Chính vì thế, cuối thế kỷ thứ nhất, khoảng năm 100, xuất hiện tên gọi logos, khi họ nói về Chúa Giê Su, và logos là « Ngôi Lời », là « Lời ». Chúa Giê Su, Con Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa. « Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời » (Ga 1, 1). Qua Chúa Giê Su, chính Thiên Chúa diễn tả về Người, Thiên Chúa diễn tả về Người, diễn tả cái Người muốn về Người. Thiên Chúa là Ðấng Vô Tận, Ðấng hoàn toàn khác, nhưng Người lại nói qua một Lời vừa tách khỏi Người, vừa hoàn toàn thuộc về Người. Lời đó chính là Chúa Giê Su. « Ngôi là đã làm người và ở giữa chúng ta » (Ga 1, 14). Lời của Thiên Chúa diễn tả trong hài đồng Giê Su và hài đồng cũng là Ðức Ki Tô.

Ðâu là cớ vấp ngã trong khẳng định « Chuá Giê Su là Con Thiên Chúa » ? Phải chăng cớ vấp ngã là ở chỗ Ðấng Messia mà lại xuất hiện trong yếu đuổi, trong bất lực, còn hơn thế nữa phải chịu chết cách ô nhục đến thế ? Quả thật đúng như vậy. Chính những điểm như vậy. Giê Su không bị xếp vào hàng ngũ các ngôn sứ, nhưng nhiều người đã nhận ra nơi Giê Su một sự thể hiện thật sự của Thiên Chúa. Vậy là tuýp Messia mà dân do thái trông đợi, một Vị Messia chính trị, đã bị đảo lộn. Chuá Giê Su rút cục không phải là một Vị Messia mà dân do thái hằng mong đợi hầu đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của dân Rôma. Cớ vấp ngã cũng chính bởi vì yếu đuối của Chúa Giê Su nay trở thành sức mạnh nơi người. Chúa Giê Su đã trở nên một người nghèo để làm cho chúng ta nên giàu. Bất lực của Chúa Giê Su phải chết đã mang lại một hiệu lực trái ngược : rằng sự bất lực đó cho ta hiểu rằng quan hệ giữa Chúa Giê Su và Thiên Chúa còn chặt chẽ hơn những quan hệ của một vị ngôn sứ với đấng sai ông đi. Quả thật, một khi đã xác tín rằng Giê Su là Con Thiên Chúa, thì chúng ta một cách lô gích buộc phải nhìn nhận yếu đuối và bất lực nơi Giê Su chính là bất lực và yếu đuối của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tự hạ mình xuống hầu cứu con người. Nói một cách khác như thánh Phao Lô rằng Thiên Chúa đã trở nên người nghèo để làm giàu cho chúng ta chính bởi cái nghèo của Người. Vậy là những hình ảnh xa xưa về một Thiên Chúa toàn năng, đè bẹp, chế ngự, thật đáng sợ đối với con người đã bị thay đổi. Thiên Chúa đã chấp nhận là một con người, còn hơn thế nữa là một con người yếu đuối, bất lực và phải chết. Chúng ta cần nhìn ra một vai trò trong cái chết của Chúa Giê Su đối với sự sống lại, chiến thắng tử thần, hầu qua đó nhận ra nơi Người là Ðấng Messia và là Con Thiên Chúa. Có một sự hạ xuống và một sự đứng lên. Ðó là một chuyển động hai chiều. Trong lòng chuyển động hai chiều đó, chúng ta cần học nhận ra rằng tình yêu Thiên Chúa đối với con người đã không phải là một thứ tình yêu nông cạn. Trong con người Giê Su, chúng ta có một con người có mối liên hệ mật thiết duy nhất với Thiên Chúa và với con người. Bởi vậy là từ tốt nhất để định nghĩa Thiên Chúa chính là từ « tình yêu ».

Những ki tô hữu đầu tiên từ đạo do thái trở lại, tức họ tin vào Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa, phải chăng họ phản ứng với hình ảnh một Thiên Chúa xa vời, không thể với tới được đối với con người trong Cựu Ước ? Chúng ta có thể nghĩ đến điều đó. Nhưng phải cân nhắc kỹ vì đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Quả thật trong Cựu Ước cũng có ý về một Thiên Chúa gần gũi con người. Ví dụ như Thiên Chúa của các tổ phụ và các ngôn sứ do thái là một Ðấng gần gũi con người. Thiên Chúa đối thoại với con người, tạo quan hệ giao ước với con người. Sở dĩ con người hiểu Thiên Chúa nói, chính bởi vì Thiên Chúa nói ngôn ngữ loài người. Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Ðấng tạo dựng và hiện hữu trong thế gian từ muôn thuở đối với chúng ta. Ðấng ấy tìm cách nói thứ ngôn ngữ của chúng ta. Cho đến lúc có một con người, Giê Su, nói những lời của Thiên Chúa và nói với chúng ta Lời Chúa. Không phải những lời mà Thiên Chúa nói với Giê Su trước, hay đọc cho Chúa Giê Su biết trước, mà là những lời mà Thiên Chúa nói trong con người Chúa Giê Su. Những lời Chúa Giê Su nói được đón nhận là lời mạc khải về Thiên Chúa. Thiên Chúa có cần đến con người không ? Một cách nào đó quả là Thiên Chúa cần đến chúng ta. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta xác tín mạnh mẽ rằng Thiên Chúa đã đi vào lịch sử loài người. Thiên Chúa thế nào tự bản chất thì Người mạc khải Người như vậy trong lịch sử và không thể khác được. Từ muôn đời Thiên Chúa vẫn là một như Người đã muốn đối với chúng ta. Thiên Chúa là Ðấng vì chúng ta đến điểm tồn tại với chúng ta, tồn tại trong một con người như chúng ta, để rồi cuối cùng ở trong chúng ta. Thiên Chúa đó chính là Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần.

Chúng ta đọc Thánh Kinh biết là Cựu Ước đặc biệt nói đến một cách chặt chẽ một « Thiên Chúa duy nhất », vậy mà chúng ta vừa đề cập đến một Thiên Chúa với Ba Ngôi Vị, hay ba ngôi vị trong Thiên Chúa. Phải chăng nói như vậy là người ki tô hữu rơi vào chủ nghĩa đa thần, vào một đức tin trong « nhiều chúa » ? Ðối với người ki tô hữu không thể có chuyện tin vào tam vị Chúa. Tuyệt đối không có ba Chúa. Câu hỏi chúng ta vừa nêu ra đã được chính dân do thái chất vấn những người tin vào Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Ðây là câu hỏi xuất hiện ngay những thế kỷ đầu. Người ki tô hữu nhất quyết bảo vệ đức tin độc thần của họ. Họ chỉ tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất mà thôi, một Thiên Chúa đã mạc khải từ trong lịch sử cựu ước với dân tộc Ít ra en cho đến hiện nay, khi mà công trình cứu chuộc đã hoàn thành nơi Ðức Giê Su Ki Tô. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, họ có một cái nhìn mang tính phẩm trật khi nói đến Ba Ngôi trong Thiên Chúa. Có một nguồn thiên tính duy nhất xuất phát từ Ngôi Cha rồi tuân chảy vào trong Ngôi Con và Thánh Thần. Ở những thế kỷ đầu, Chúa Giê Su không phải được nhìn nhận ngay như là ngang hành với Chúa Cha, như là một hữu thể đời đời như Chúa Cha là Ðấng tạo dựng. Phải cần đến thời gian nữa những điều đó mới dần dần được thống nhất.

Ðối diện với các dân ngoại, tức là những người chưa có hay chưa chia sẻ cùng một đức tin, thì người ki tô hữu nhấn mạnh hơn hết về « thuyết nhất vị chủ » nơi Thiên Chúa. Nên hiểu từ « nhất vị chủ » nơi Thiên Chúa theo nghĩa của ngôn ngữ hy lạp. Trong tiếng hy lạp, từ này nói lên ý rằng Thiên Chúa, và chỉ Thiên Chúa, là Ðấng cai quản thế giới. Nhất vị chủ nói về một hình ảnh của đấng tối cao trị vì vũ trụ và duy trì trật tự trong vũ trụ. Người ki tô hữu đối lập với ý tưởng về thuyết đa thần. Vì lí do đó, họ thích nói về Thiên Chúa bằng cách gọi Người là Chúa. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường được gọi là Chúa, là Chúa Tể duy nhất của mọi loài. Từ « Chúa » nhắc cho các dân ngoại là chỉ có duy nhất một Thiên Chúa tối cao của thế gian. Nhưng người ki tô hữu cũng nhanh chóng gọi Ðức Ki Tô là « Chuá » và « quyền Chúa tể » của Ðức Ki Tô được họ nhìn nhận là quyền Chúa tể của Thiên Chúa duy nhất trị vì thế gian. Ðiều này chứng tỏ một mặt những người ki tô hữu tiên khởi sống trong một tình huống khá căng thẳng giữa việc phải trung thành với đức tin vào Thiên Chúa duy nhất của Cựu Ước và mặt khác cần đón nhận mạc khải mới về Thiên Chúa do Chúa Giê Su mang đến cho họ. Họ tin Chúa Giê Su đã chết và sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, đã vào trong vinh quang của Thiên Chúa nhờ phẩm giá Người Con. Song họ cũng có mối lo là làm sao không phản đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của Chúa Giê Su. Mối bận tâm duy trì truyền thống đức tin như vậy làm nảy sinh nhiều cách nghĩ. Một trong những cách nói đã được một số thần học gia đưa ra là cho rằng việc trị vì thế gian chỉ thuộc về Chúa Cha, Ðấng tạo dựng thế gian, nhưng Người trị vì nhờ đôi tay của Người, tức là Chúa Con, ngôi hai và Thánh Thần, ngôi ba. Chính thánh Irénée thành Lyon cuối thế kỷ thứ 2 là người đã dùng thuật ngữ « đôi tay » của Thiên Chúa trị vì khi nói đến Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chúa Con có cùng bản tính, cùng bản thể như Chúa Cha. Trong Kinh Tin Kính, người ki tô hữu tuyên xưng rằng Chúa Con được sinh ra chứ không phải được tạo thành. Ðúng vậy, nhưng phải chờ đến thế kỷ thứ tư, điều này mới được thống nhất tại công đồng Nicée năm 325. Tại sao lại chọn ý về việc được « sinh ra », trong khi việc được « tạo thành » lại không thể chấp nhận khi nói về con người Giê Su ? Chúng ta có thể nhận thấy từ « tạo thành » rõ ràng nói đến con người được tạo dựng nên bởi Thiên Chúa. Cho nên Chúa Giê Su không thể thuộc phạm trù được tạo dựng nên như con người. Hơn nữa con người thì không thể là Thiên Chúa, trong khi Chúa Giê Su được tuyên xưng là Chúa, ngang hàng với Chúa Cha. Cho nên ngôn từ « được sinh ra » phù hợp với tư duy lí trí con người hơn. Nói sinh ra là nói đến sự mật thiết, sự chuyển thông hoàn toàn và có đi có lại giữa người này và người khác. Hơn nữa không thể chấp nhận ý nghĩ rằng Chúa Con sẽ là một « tạo vật » đơn giản được Chúa Cha nhận làm Con, như cách mà mọi người chúng ta đều được Người gọi làm con. Chính vì vậy mà đã nảy sinh khái niệm về « đồng bản thể, bản chất, bản tính » giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và cũng từ đó mới có ý nghĩ về tính duy nhất trong tính đa dạng : ba ngôi Cha, Con và Thánh Thần chỉ là một Thiên Chúa, cùng tồn tại trong một bản thể duy nhất, có cùng một bản tính hoặc bản thể duy nhất.

Mùa chay 2007

(Bài viết này dựa vào tác phẩm của Jean Bottéro, Marc-Alain Ouaknin, Joseph Moingt, Câu chuyện đẹp nhất về Thiên Chúa. La plus belle histoire de Dieu, nxb Seuil, 1997)