CỤ SÁU TRẦN LỤC, NHÀ GIÁO DỤC BÌNH DÂN



Hoàng Xuân Việt

Trong cuốn “Cha Sáu” chúng tôi nhiều lần đã dẫn ở trên, Đức Cha Olochon có chỗ viết như sau: “Vua Tự Đức ban cho Cụ Sáu nhiều chứng tích bày tỏ lòng quý chuộng. Trên những huy chương bằng vàng Vua ban cho Ngài, người ta đọc được những câu như: “Lời Ngài nói gieo rắc sự tin cậy. Ngài tạo sự bình an. Ngài là người khéo léo dạy dỗ dân chúng và mang lại cho họ hạnh phúc. Ngài là người chính trực siêu đẳng” (S.đ.đ. Trong.92)

Cụ Sáu “khéo léo giáo dục dân chúng” mà Vua Tự Đức xác minh đây là Cụ làm cái gì và bằng cách nào? Với tư cách là nhà giáo dục bnhf dân. Cụ Sáu phổ biến cho giáo dân và những dân ngoài công giáo thứ Luân Lý dựa trên Lương tâm và Lương tri của con người, thứ Luân Lý dựa trên Thần học Tín Lý công giáo và thứ Luân Lý tu đức, sống đạo đức rút ra từ gương mẫu Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse và các thánh nam nữ.

Các hình thức luân lý và tín lý ấy, Cụ Sáu không dùng để dạy công chúng một cách khô khan, trình bày tản mác, mà Ngài đúc kết cô đọng thành những lời dạy lồng khuôn trong loại văn vần phổ thông nhất trong các loại thi ca Việt Nam là loại lục bát và một số thể thơ khác như song thất lục bát, thơ 4 chữ v.v... mà Cụ Sáu gọi chung là ca vè.



Hiện nay chúng tôi có dưới tầm tay một cuốn sách tập hợp ca vè của Cụ Sáu nhan đề “Sách thuật lại ít nhiều ca vè Cụ Sáu đã làm” do nhà Thiện Bản, Ninh BÌnh xuất bản năm 1911, in lần thứ hai.

Sách này gồm 3 quyển. Nội dung của sách là:

- Tựa (của người biên tập), dưới chót ghi: Phát Diệm Tổng Đường, ngày 20 tháng 6 năm Tân Hợi, 14, August 1911.

- Tự Tình Cụ Sáu (Thuật lại vắn tắt tiểu sử Cụ Sáu)

- Và tiếp theo là các ca vè của 3 quyển biệt lập.

Quyển I: Từ trang 7 đến 84.

Nội dung: Trừ hai bài về Thánh Anna và Thánh Gioan Kim, 18 bài kia toàn là cavè về Đức Maria.

Chúng ta thử đọc một số ca vè tiêu biểu:

1. Mừng Bà Thánh Anna:

“Cúi đầu lạy Thánh Anna

Phúc Người to tát người ta ai bì

Chúa làm phép lạ uyên vi

Cho người sinh đẻ trong khi đã già”.

2. Mừng ông Thánh Juakinh:

“Cạnh dài gió mát giăng trong

Giấc hòe biếng nhập mà không mơ màng

(...)

Thật là lá ngọc cành vàng

Cao cao chót vót đức càng khiêm cung”

3. Mừng sinh nhật Đức Bà:

“Cảnh giời vừa tiết trung thu

Giương giăng vằng vặc mây mù vén quang

Giăng là Mẹ Chúa Thiên Đàng

Sáng soi mát mẻ dịu dàng thanh thanh”

Quyển II: Từ trang 3 đến 99

Nội dung: Ca vè về Chúa “Jêsu”, về “Đ.c. Phiritô hiện xuống”, về “Đức Chúa Lời Ba Ngôi” và “Lễ San-Ti”, và về Chúa Giêsu.

1. “Ca than viếng hang đá sinh nhật Đức Chúa Giêsu:

Lạy Chúa Cứu Thế

Con một Chúa Cha

Vốn Chúa sinh ra

Trước phân trời đất

Vì lòng thương thật

Muốn cứu người ta v.v...”

2. “Mừng lễ Đức Chúa Phiritô Sanctô hiện xuống:

Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi

Khôn ngoan mầu nhiệm người ta khôn lường

Ngôi Hai xuống thế mở đường

Cho loài người biết rõ ràng phân minh

Khi đổi hình, khi chịu phép rửa

Có Ngôi Ba rờ rỡ trên cao

Bảy ơn Đa Vít khen lao:

Hát mừng cảm tạ chớ nào không đâu v.v...”

3. Than viếng Câu Rút:

“Ngửa

Đứng cao chót vót

Ở núi Cala

Là giường Chúa ta

Nằm khi chịu chết. v.v...”

Quyển III: Từ trang 3 đến 84.

Nội dung: Ca vè về: “Sự tích nhà thờ Lái Tim Đ.c.J. ở Phát Diệm” và về hạnh tích một số thánh.

1. Sự tích nhà thờ Lái Tim Chúa Jêsu ở Phát Diệm.

“Lần đốt tay năm đậu (1873) mới đó

Ngày tháng mười ai có nhớ không?

Tứ tung lửa cháy tứ tung.

Ta thì như thể chim lồng lộn quanh.

(...)

Chúa thương Chúa đã dủ lòng

(...)

Để nhớ ơn đã được hiển nhiên

Lái Tim con Chúa một đền

Bàn thờ tạc đá dâng lên ta người”

2. Bản dạy cách lần hạt 15 người:

“Dạy về cách lần hạt chung

Là điều rất dễ mà trông ơn nhiều

Việc tẻo teo mà công to tát

Ơn như mưa giào giạt hơn mưa v.v...”

Quyển IV: Từ trang... đến trang

Nội dung: Ca vè: “Hiếu tự, Nữ Tắc, Nịch ái vong ân”

1. Hiếu Tự ca:

“Mấy lời hiếu tự nói qua

Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn

Làm người sống ở thế gian

Ai không đội Đức cao sang nặng giày v.v...”

2. Nữ Tắc thường lễ:

“Bút hoa chép để một chương

Gọi là Tắc Nữ dạy phường nữ nhi

Sinh mà không dạy khác gì

Như loài lục súc ngu si quê mùa

(...)

Nữ nhi bay cũng phải suy

Cá không ăn muối ắt thì cá ươn”

3. Nịch Ái vong ân:

“Nhất là những kẻ làm con

Khổ cho cha mẹ khi còn thơ ngây

Trưởng thành khi đã đến ngày

Lấy vợ thì vợ làm thầy đinh ninh

(...)

Ai hay đâu cứ nghe lời vợ

Giữ chằng chằng mà gỡ không ra

Làm giai nghe liệu mà nghe

Nhiều khi phải nẹt phải đe mới vừa

Bắt đầu từ lúc mai xưa

Dạy vợ kính thờ nội ngoại tổ tiên

(...)

Phép vợ chồng một xương một thịt

Đền công ơn sống chết cùng nhau

Đội trên đầu công cha đức mẹ

Không có người ai đẻ ra ta. v.v...”

Trên đây là trích dẫn tượng trưng trong số lượng trên 6.000 câu lụcbát, song thất lục bát và thơ 4 chữ trong kho ca vè của Cụ Sáu.

Tổng quát là dạy nên người và dạy làm Kitô hữu. Người ta để ý là Cụ Sáu khi viết số lượng câu thơ gần bằng hai số câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Điều này. Cụ một mặt tỏ ra quán triệt Kinh Thánh, làu thông nhiều truyện các Thánh, mặt khác, Cụ tỏ ra thấu đạt nhân tình thế thái, dung hòa, tổng hợp đạo lý Thánh hiền nhà Nho với luân lý Kitô giáo và lấy tín lý, lấy lời Chúa làm nền tảng và Kim chỉ nam để dạy dỗ giáo dân cùng dân chúng bình dân thời có.

Phương pháp sư phạm huấn đức của Cụ Sáu là Truyền thống trong Giáo hội Việt Nam từ buổi sơ khai. Tương truyền thời xưa có một nữ sĩ thuộc Hoàng tộc khi trở lại đạo đã làm đến 3000 câu lục bát để tường thuật các sự tích trong Kinh Thánh. Hiện nay chúng tôi cũng có một bản chép tay gồm non 8000 câu lục bát của Thầy Cả Lữ Y Đoan hồi cuối thế kỷ XVII phiên dịch quyển Sáng thế ký và quyển xuất hành trong Cựu ước nhan đề: Tạo Đoan Kinh và Xuất hành ca.

Cụ Sáu dùng thi ca bình dân “Làm Truyền Thống” theo kiểu của mình để gieo rắc ánh sáng Phúc Âm.

Kho tàng ca vè của Cụ Sáu còn một tác dụng nữa về ngôn ngữ và văn học Việt Nam giai đoạn hậu bán thế XIX. Nhờ kho tàng đó mà người ta muốn viết lịch sử tiếng Việt thế kỷ XIX hay văn học Việt Nam thế kỷ XIX, sẽ có được số lượng ngữ liệu và số lượng cách diễn đạt tư tưởng cực kỳ lớn lao.

(Hoàng Xuân Việt – Thắng cảnh Phát Diệm 1991)

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo