HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ PHÁT DIỆM

QUA “NỮ TẮC THƯỜNG LỄ” CỦA CỤ SÁU



Hồ Linh Vũ Ngọc Anh

Mẹ tôi, cụ bà Vũ Quang Minh, năm nay 1996 đã 88 tuổi, hiện ở San Jose, Hoa Kỳ. Mẹ tôi là một phụ nữ Phát Diệm, thế hệ thứ ba tính từ các vị cùng thời với Cha Trần Lục. Mẹ tôi hay nói về Nữ tắc thường lễ. Sau đây là những câu trả lời của mẹ tôi.

I. Sự phổ biến vè Cụ Sáu.

Khởi đầu, Cụ Sáu vừa đặt vè, vừa dạy truyền khẩu cho những giáo dân tới giúp công trong công trình xây dựng khu nhà thờ Phát Diệm. Sau đó, tác phẩm được chép lại bằng chữ quốc ngữ để phổ biến trong các gia đình, đặc biệt phần nữ tắc cho các “cô học trò” trong địa phận. Mãi về sau này, khi Cụ Sáu đã qua đời, tác phẩm mới được in thành sách, mà Nữ tắc thường lễ là một phần trong toàn tập Ca vè Cụ Sáu.

II. Nội dung

Nội dung Nữ tắc thường lễ cũng dựa vào Công, Dung, Ngôn, Hạnh của đạo Khổng, nhưng rõ nét một tinh thần công giáo. Đặc biệt trong Nữ tắc thường lễ, Cụ Sáu không những đề ra những đức tính mà quí vị nữ lưu Phát Diệm cần phải có, mà còn nói tới các tật xấu mà con chiên của ngài hay vấp phải với lời dạy là “phải chừa những thói hưu đó đi”, mà một vài trường hợp là những tội có thể không được rỗi linh hồn!

Đoạn mở đầu:

Ơn trên gặp được hội lành

Cửu chu bốn bể thái bình âu ca

Quyển vàng trước án mở ra

Thấy câu vô giáo thật là đau thương

Bút hoa chép để một chương

Gọi là Nữ Tắc dạy phường nữ nhi

Sinh mà không dạy khác gì,

Như loài lục súc ngu si quê mùa.

Dạy con thì dạy đầu sơ,

Đang khi còn bé dạy thì dễ in.

Lòng như giấy trắng nguyên tuyền,

Ta mà muốn vẽ đỏ đen khó gì.

Nữ nhi bay cũng phải suy,

Cá không ăn muối ắt thì cá ươn.

Làm người có dạy mới khôn

Các điều dạy dỗ phải chôn vào lòng.

1. Hạnh

(Lời bà cụ) Hồi đó chúng tôi không được “các bà ấy” (tức các vị hiền mẫu và các cô, các dì trong họ) dạy học thuộc Nữ tắc đâu. Nhưng mỗi khi mình có lỗi gì, các bà lại đọc một đoạn trong Nữ Tắc, rồi nói: “Đấy, chúng mày banh tai cối ra mà nghe, Cụ Sáu dạy như thế đấy.”

Nói chung, trước hết, bổn phẩn đối với cha mẹ, Nữ tắc thường lễ dạy rằng:

Tiên vàn thảo kính mẹ cha

Coi người như thể thật là Chúa Dêu

Trong lòng ngoài miệng mọi điều

Việc làm lớn bé phải theo ý người…

Những kẻ bất hiếu, cãi tay đôi, bắt lỗi, khinh rẻ cha mẹ thời nào cũng có, lại còn có những tật xấu mà các cô không nhiều thì ít, ai cũng mắc phải… nhưng mà làm sao Cụ hiểu từng li từng tí đến thế không biết, rồi đặt vè chế giễu, ai có tật thì giật mình, liệu mà sửa đi.

Bằng khi cha mẹ dạy gì

Dù cho nặng nhọc tức thì phải vâng

Chẳng nên ngần ngại lần khân

Không nên trần trút tần ngần nói quanh

Chẳng nên cãi lả tỉnh tình

Mẹ cha nói một thì mình đối hai

Không nên lấy lẽ mà nài

Chữa mình cho khỏi vâng lời mẹ cha

Chẳng nên chân giậm mày sa

Giùng giằng lủng bủng hay là cãi đôi.

Mình đang bận cái này (làm cho mình), các ông bà ấy lại sai đi làm cái khác thì tránh sao không lần chần, lấy cớ này, cớ nọ để khỏi phải đi hoặc để mình làm xong việc mình rồi mới đi… Còn cái này mới là đúng chứ:

Bề ngoài vâng vậy mà thôi

Trong lòng buồn giận lại rồi tri trăng

Đánh mèo đánh chó ném quăng

Té mâm hắt bát vung văng như là

Ép tình vâng ý mẹ cha

Song còn cạnh khoé cho ra bụng mình.

Những cô con nhà không dám trắng trợn như vậy, nhưng khuất mắt các ông các bà ấy, mình cũng dậm chân, đá chó đá mèo, lẩm bà lẩm bẩm cho bõ cơn tức rồi làm gì mới làm.

- (Hỏi) Nghe Nữ tắc, các cô thời đó có khá hơn không ạ?

- (Đáp) Đỡ chứ. Mỗi lẫn nghe các bà ấy đọc Nữ tắc, mình cũng khó chịu nhưng lâu dần nó nhập tâm đến thuộc lòng rồi mỗi khi gặp chị em (bạn bè) có đứa nào lỗi, mình cũng đọc Nữ tắc cho chúng nghe kể cả những cô đã thuộc làu làu, để rồi cười với nhau.

- (Hỏi) Còn bổn phận trong nhà thì sao ạ?

- (Đáp) Ngày xưa, con gái phải lo nhiều chuyện lắm. Việc nhà thường làm cả. Những điều trong Nữ tắc dạy, ai cũng làm hết, nhất là hầu hạ cha mẹ.

Của ăn cơm nước thì bưng

Đừng nhờ người khác cũng đừng sai ai

Khi người ăn uống được thời

Ta càng phải ép phải mời dùng thêm

Hằng ngày có ý mà xem

Của gì người thích người thèm muốn ăn

Thì ta lo liệu sắm sanh

Kiếm tìm cho sẵn để dành người xơi.

Kể cả những cô đã đi lấy chồng, mỗi khi về thăm nhà cũng thăm nom, biếu xén cha mẹ tận tình. Đó là nói những nhà khá giả chứ mấy cô nhà nghèo, có muốn cũng chịu chết thôi.

Dù ta thiếu thốn bất kỳ

Miễn cha mẹ khoẻ được thì là hơn

Tán xương không đủ đền ơn

Mẹ cha khó nhọc chung thân vuối mình

Làm sao cho xứng tỉnh tinh

Công ơn trời bể phần mình kể chi.

Vì thế, trong Nữ tắc nói rất chi li. Việc “quạt nồng, ấp lạnh”, an ủi, đỡ đần, lo toan quần áo, chăn màn… cho cha mẹ:

Rồi lên sửa giường mẹ cha

Cái chăn cái gối cùng là quạt tay

Phủi giường đuổi muối sắp bày

Những việc thế này là việc nữ nhi.

Thường các cô thời đó đều làm đúng cả, nghĩa là cứ bắt chước việc làm của các bà dì trước (mẹ, chị lớn, đã học và làm theo Nữ tắc) trong nhà đã làm. Nhưng cũng không khỏi có lúc:

Chị em đừng có khi tì,

Tị nhau từng việc tí ti không làm.

Cãi nhau giức lác ầm ầm,

Người ngoài ai cũng nấp nom mà cười.

Biết như vậy là không nên, người ngoài chê cười cả mình lẫn cha mẹ, nhưng cái tật:

Nữ nhi nết ở thật rầu,

Hơi mà chạm ý giận nhau vùng vằng.

Trong lòng tích để chằng chằng

Mặt ngoài làm gượng như rằng vô tâm

Thực tình trong bụng vẫn căm

Nhớ dai đến mấy mươi năm vẫn còn.

Cụ còn biết cả cái việc buộc chỉ cổ tay để thề, đôi chối của các cô nữa mới tài:

Nữ nhi buộc chỉ cổ tay

Chừa dứt tình này hồn xác mới yên.

- (Hỏi) Trong Nữ tắc, Cụ Sáu dạy rất kỹ các cô trong từng trường hợp có khách đến nhà, từ các cụ tới mấy cậu thanh niên, đến người ăn xin… không biết có ảnh hưởng tốt cho giới phụ nữ thời đó không ạ?

- (Đáp) Trước tiên là các bà đã, rồi sau mới tới chúng tôi. Nền nếp nhà tử tế thường không cần phải dậy, các cô cũng biết tiếp đón, mời khách bát nước, miếng trầu vì theo gương các bà hoặc chị lớn trong nhà. Nhưng, khi có khách quen thân đến nhà, cái tật hóng chuyện, nói leo đôi khi vẫn còn:

Nữ nhi đừng có ra ngồi

Hóng chuyện cha mẹ cùng người khách kia

Nhiều khi thì lại nói đua

Nói gianh cho chán a dua ra gì.

Hoặc:

Cha mẹ ngồi trò truyện với khách,

Cũng thấy người chọc vách nấp nom…

Không chọc vách, cũng áp tai vào vách nghe lén…

- (Góp ý) Thực thời nay không thể hiểu sao Cụ Sáu là một tu sĩ… mà rành việc đời đến vậy. Cái việc đừng vô ý gọi lớn tên người làm, sợ trùng tên với khách mới thực là tinh tế hết chỗ nói:

Lòng ngay ta gọi người nhà

Nhưng lòng khách thẹn hóa ra vô tình

Ai trách mình là phường nữ nhi,

Oan trách này đổ cả mẹ cha…

Không những dạy những nết na đối đãi với bậc trên mà còn chỉ dạy cả thái độ đối với kẻ dưới như người ăn kẻ ở trong nhà, kẻ xin ăn… một cách rất khôn ngoan, tỉ như:

Được công việc tại nữ nhi

Ăn ở khéo thì mọi việc mọi trôi

Miếng trầu bát nước hẳn hoi

Người ta là người thân phận làm thuê

Chớ đừng ăn ở khắt khe

Ra điều giữ giè thì lại thiệt hơn…

Sự khôn ngoan và kinh nghiệm đời được Cụ nói rõ ở đây:

Thân mình nhờ bóng mẹ cha

Nay làm chúa nhà mai đã chắc chưa

Cơ giời nắng lại có mưa

Sáng làm con ở đến trưa chúa nhà.

Còn đối với chị em dâu, Cụ cũng biết cái tệ đoan trong nhà, nên cũng khuyên:

Nữ nhi phải ở cho hòa

Kẻo rồi eo óc sinh ra nhiều điều.

- Còn chuyện các cô ra ngoài đường, Cụ dạy rõ hay. Từ cách ăn nói, đứng ngồi, từ ánh mắt, bàn chân, bàn tay phải như thế nào… rất đúng, tỉ như cha mẹ sai đến nhà ai thì:

Vào nhà mà nói tôn ti

Chớ đừng xông xổng khác gì mõ rao

Khi đã vào sân thì gọi

Ai trong nhà tôi hỏi chuyện này.

Vì nếu vào mà vắng mặt chủ nhân, nhỡ người ta mất của là mình sẽ bị nghi oan. Ấy nhưng cái tật táy máy Cụ nói cũng không có oan đâu:

Nhi nữ cũng đứa tính quen

Gian vặt táy máy không nên bao giờ.

Rồi cả lúc đi đứng ngoài đường Cụ cũng dạy:

Ngoài đường bầu bạn gặp nhau

Thì đừng bá cổ bá đầu mà đi.

Chuyện trò cười cợt vang rì

Đuổi nhau mà đấm thật thì không nên.

Đúng đấy, ngày xưa chúng tôi vẫn hay có cái tật đấm nhau thùm thụp, nói chuyện oang oang rồi cười rũ với nhau.

- (Góp ý) Cụ Sáu còn đề cập tới cả những chi tiết khi nói chuyện với ai thì không nên đứng đầu gió, không nên nói phà hơi vào mặt người đối diện, đừng đứng chống nạnh, chân không đi đất, tay không vân vê vật gì kể cả “vân về tà áo” là một cử chỉ sau này coi là rất nên thơ…

- Đúng đấy. Các cụ xưa là rất khó về các cử chỉ của con gái trước mặt người khác. Nhưng nói ra, cũng làm sao giữ cho hết được. Như trong sách Cụ dạy phải đối đãi với người già cả tàn tật như thế nào, ấy vậy mà mấy cô học trò nhà này, đều là con cái nhà lại chỗ con cháu của cụ Phó Bá cả, thế mà thời đó, gặp cụ Phó, lúc đó tai đã nghễnh ngãng lắm rồi, ở ngoài đường, thấy cụ ngậm cái ống píp, mấy đứa ma quỉ chọc cụ bằng cách vụm tay lại kính cẩn chào: “Chào cái lọ cò ông Phó Bá”. Cụ không nghe thấy lời, nhưng thấy đám con cháu kính cẩn, cũng trả lời: “Phải, chúng mày đi đâu đấy?” Thế là cả bọn thú vị cười với nhau. Còn ở trương xơ, lớp học đơn sơ, nền nhà bằng đất, nhà chung hứa sửa chữa mãi cũng không thực hiện. Một lần Cố Độ là chính xứ tới cắt nghĩa bổn trong lớp chúng tôi, một chị lén để một chân ghế của cố vào ngay một cái lỗ trên nền nhà. Cố tới, vừa ngồi, ngã bổ chửng ra đàng sau làm cả lớp cười ầm lên. Lập tức mấy cô lên đỡ Cố dậy, và một cô trịnh trọng thưa với Cố: “Thưa cha, nhà trường chúng con nghèo quá, nhà xứ nói giúp sửa chữa lại, nhưng cho đến nay vẫn chưa bắt đầu, xin cha thương cho”. Cố cười thông cảm rồi ngay tuần lễ đó, giúp nhà dòng sửa sang liền. Tinh nghịch đến vậy đó.

- (Góp ý) Còn đoạn Cụ Sáu dạy về cách ăn uống thì không chê được. Không chỉ như câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, mà còn cả cách gắp, cách để đũa, cách nhìn, cách nhai, cách nuốt sao cho lịch sự, có những câu đáng kể như:

Má phùng mắt trợn và hoài

Và lấy và để rồi nhai trợn trừng.

…….

Rấm xương rau ráu khen ngon

Nhằn đi mút lại đã mòn chưa tha…

Câu này mới hay:

Điều này dặn cả cho xong

Là đừng gắp thịt còn xương cho người

Cũng còn có thứ hư đời

Cá gắp cả khúc để vùi bát cơm…

Câu nói cuối cùng, mãi về sau cũng còn đúng… với mấy cô, cậu tham ăn…

- (Đáp) Đúng đấy. Ngày xưa mâm cơm có thịt cá là sang lắm rồi chứ đâu có ê hề như bây giờ. Không những thế Nữ tắc còn dạy cả việc xỉa răng mới kỹ:

Lại còn cái việc xỉa răng

Thì ta phải giữ chớ đừng hở môi.

Tăm ta đã xỉa răng rồi

Đừng rửa bát nước đừng chùi áo ta…

Đến cái việc súc miệng, cậy răng:

Miệng mình súc đoạn nhổ ra

Chẳng nên nuốt ực người ta rùng mình

Chân răng có mắc tỉnh tinh

Dù là thịt cá thì mình vất đi

Đừng xem đừng ngửi làm chi

Cũng có người thì bỏ miệng nuốt trơn.

Dạy bảo cặn kẽ đến thế là cùng. Tôi nghĩ không dạy các cô, mà còn cho cả mọi người nữa. Rồi đến cả việc rót nước, Cụ Sáu cũng dạy rất kỹ như:

Tay cầm bát nước chưa sành

Cắm ngón tay mình vào bát nước thôi

Điều này chẳng những khó coi

Người ta thấy tởm thì thôi uống gì.

- (Hỏi) Trong này Cụ Sáu có khuyên các cô đừng uống rượu, vậy ra thời đó đàn bà con gái cũng hay uống rượu sao ạ?

- (Đáp) Không. Thời chúng tôi các cô không uống rượu, có thể những năm xa xưa. Nhưng mình cũng phải để ý, nhất là lúc đình đám vui bạn vui bè, có kẻ đểu giả phục rượu để làm trò cho thiên hạ cười mình. Nhưng có cái “tội” này không thấy Nữ tắc nói tới, là đánh bạc. Tam cúc, đánh lú, chơi bất vào dịp Tết, rồi các cô, các cậu kéo đến mấy tháng sau. Mấy chị em bạn chúng tôi rủ nhau trèo lên cây chơi bất (Nữ tắc cũng cấm con gái trèo cây). Lúc trước, hễ nhà cái và nhà con cùng “nước” như nhau, ví dụ cùng được chín, không phân biệt được “hàng” gì thì cứ hòa. Nhưng sau, biết hàng thập hơn hàng vạn, hàng vạn hơn hàng sách, hàng sách hơn hàng văn thì có tranh chấp, vì không cô nào biết hết các quân bài. Cuối cùng, hễ có vụ nào xảy ra là lén mang đi hỏi. Có khi mấy ông bà bắt được thì la rày, nhưng không đọc Nữ tắc vì trong đó Cụ Sáu không có dạy.

Ngoài ra, Nữ tắc đòi hỏi người đàn bà phải biết cần kiệm, nhất là khi đã có gia đình:

Ở ăn mực thước kiệm cần

Biết đàng dè dặt tiện tần mới xong

Ăn đừng đùa đãy hoang mang

Bữa nay đã vậy biết rằng bữa mai.

2. Dung:

- (Góp ý) Nói về dung, Cụ Sáu cũng dạy chu đáo đến độ làm cho người đọc phải ngạc nhiên. Từ cách đi, đứng, ăn nói, dáng dấp đứng ngồi đều rất tỉ mỉ đến không thể tỉ mỉ hơn. Nào là khi đang ăn thì không cười, uống nước đừng để bị sặc, nhổ nước thì phải cẩn thận. Áo quần phải kín đáo. Thí dụ cách đi đứng:

Chân đi phải bước khoan thai

Chẳng nên chạy vội áo ngoài phất phơ

Áo tà bay đã như cờ

Tóc đầu bay ngược như là bông lau…

Phải đi đứng thế nào, không chậm (đủng đỉnh), không nhanh (chạy sầm sầm) để quần áo bay thì là kẻ lẳng lơ, phải:

Khoan thai nhè nhẹ mà đi

Một vừa hai phải thế thì mới hay.

Hoặc:

Bước thì phải bước cho êm

Nhảy như chân sáo không nên bao giờ.

Còn cách ăn mặc?

- (Đáp) Ngày trước gọi là ăn mặc cho “nền”, tức không cần xa hoa, lụa là, nhưng kín đáo, sạch sẽ… đúng với địa vị, hoàn cảnh của mình.

Nữ nhi quần áo nghiêm trang

Ở cho nhiệm nhặt gọn gàng chớ chi

Áo quần đừng có vuốt ve

Cũng đừng ngắm nghía làm chi dơ tuồng

Cũng đừng ngắm vuốt điểm trang

Cũng đừng ăn mặc phô phang làm gì

Cũng đừng làm dáng tốt chi

Người ta yêu chuộng chỉ vì nết na

Chẳng vì mớ bảy mớ ba

Chẳng vì rỏng rảnh lượt là thế đâu.

………..

- (Hỏi) Thế ra xưa kia, không cô nào ăn diện cả sao?

- (Đáp) Những điều ấy có lẽ chỉ hợp với thời Cụ Sáu, lúc Phát Diệm còn rất quê mùa thôi. Nhưng trong đó cũng nói:

Mặc cho ý tứ mới nên

Làm sao cho xứng đừng quên bậc mình

Nhà khó thì đừng sắm sanh

Quần là áo lượt như hình giàu sang

Sồng nâu vải gốc là thường,

Miễn là sạch sẽ gọn gàng thì hơn.

Đói cho sạch rách cho thơm,

Là lời tục ngữ phương ngôn rành rành.

Khi kéo kén, người ta có thể kéo theo ý mình. Nếu kéo gốc trước thì sau sẽ kéo được tơ để dệt lụa là. Vải gốc thô, bán rẻ cho giới bình dân. Còn nếu muốn được đũi, nái thì gốc và tơ kéo ra cùng một lúc.

- (Hỏi) Như vậy, nhà khá giả vẫn có thể ăn mặc sang hơn.

- (Đáp) Đúng đấy. Nhưng cũng chỉ được mặc sang từng dịp thôi.

Mặc này ta cũng phải tuỳ

Từng ngày từng lúc từng khi mà dùng.

Nghĩa là những ngày đình đám hội hè hoặc đi lễ cả, đi chầu đi ngắm.

Áo này áo khác đổi thay

Cũng phải có ngày áo khác tốt hơn

Là ngày khánh hạ hỉ hoan

Đến mừng cha mẹ chúc thêm tuổi người

Cùng ngày lễ trọng kia thời

Mặc cho phải thể con người mới hay.

- (Hỏi) Thời bà thì sao ạ?

- (Đáp) Thời chúng tôi các cô cũng đã biết ăn diện rồi. Các bà cũng sắm cho con cái hoa tai hay khuyên, quần áo lụa là, thắt lưng hoa lý. Thời trước các bà ít dám đeo nữ trang vì Nữ tắc dạy:

Không nên vành cánh hoa tai

Không nên nhẫn hoãn trâm cài làm chi

Hổ phách đeo nặng như chì

Cổ vòng kia cũng ích gì mà mang.

Tội này nặng nhất:

Cũng đừng đội áo chạy rông

Ở trần trùi trụi mà không thẹn gì

Cũng người áo chẳng cài khuy

Áo quần xốc xếch thật thì khó xem

Áo phanh hóng mát không nên

Nữ nhi vẫn có thói quen ấy thường…

- (Hỏi) Sao lại có người ở trần?

- (Đáp) Chắc cũng có chứ, vì ngay thời tôi, các cô mười hai, mười ba còn tắm ở trần nữa là… Có lần chị em chúng tôi (chị em bạn) còn thách nhau tắm trần ở ao hồ ngay bên cạnh trường Cụ Đinh nữa thì sao! Nghịch đến thế đó. Ấy là được học Nữ tắc của Cụ Sáu nữa là không thì còn quê mùa đến chừng nào.

- (Hỏi) Ở trong này, thấy Cụ Sáu tả:

Lại còn điều khác khó coi

Yếm thắt hai giải bỏ mai ra ngoài

Ngắm sau ngắm trước ngắm hoài

Ngắm rồi lấm lét nào ai phải lòng

Đừng cớn cong họ cười nhi nữ

Rày về sau phải trừ đi thôi

Cũng đừng ngẫm nghía chán rồi

Dòm vào chum nước mà soi mặt mình.

Thế ra thời đó phụ nữ không có gương lược? Còn vụ yếm thắm?

- (Đáp) Đúng đấy, ngày xưa không được buông giải yếm, gọi là mai, ra bên ngoài. Phải giấu trong áo, sợ có đứa tinh quái lén kéo buột yếm của mình ra thì sao. Thời các bà ấy không có gương nên phải soi mình vào chum nước. Gớm ông Cụ Sáu cũng tinh ý đến thế ấy. Còn thời chúng tôi, cô nào cũng lén mau một chiếc gương nhỏ, chiếc lược gỗ để vuốt ve. Lại còn cái việc đánh gót chân là như thế này. Ngày trước các cô đều đi chân đất, kể cả đám học trò, làm gì có cái vẻ “gót sen lãng đãng khi gần khi xa” như trong Kiều. Vì thế, con nhà khá giả thì gót chân đỡ bị chai, còn càng lam lũ, gót chân cứ dầy thùm thụp ra. Vì thế, cô nào cũng gắng làm sao cho da bàn chân mình mềm mại đỡ vẻ lam lũ, để khỏi xấu hổ với bạn bè. Vì thế mới có câu chế giễu:

Lại người lấy cát đánh chân

Da cóc vẫn đánh chung thân nhẵn gì

Càng đánh lại càng sù sì

Đá bọt mà kỳ nhau vẫn hoàn nhau.

- (Hỏi) Còn son phấn?

- (Đáp) Thời các bà ấy chắc không có son phấn. Khi tôi lớn, hiểu biết thì thấy ông cụ mỗi khi đi Hà Nội về có mua cho bà nước hoa Cô-ti, xà phòng Ca-đom là sang lắm. Nói mua ở nhà Gô-đa kia đấy.

- (Hỏi) Còn thời bà?

- (Đáp) Làm gì có son phấn như bây giờ. Có lần, một cô trong bọn, nhà ông nội của cô ta làm nghề đắp tượng, cả bọn này vào lén lấy phấn son vẽ tượng ra trang điểm cho nhau, mặt cô nào cũng đỏ như tượng. Đến lớp học, bà xơ trông thấy, gọi cả bọn lên hỏi. Lúc đó, cô thì nói con mới đi nắng, cô thì nói mới ở trong bếp ra… Nhưng làm sao qua mặt được bà giáo, thế là cả bọn phải ra ao rửa mặt thực kỹ rồi bà xơ mới cho vào lớp. Gớm, về sau, đứa nào cũng ngứa mặt đến mấy hôm.

3. Ngôn

- (Góp ý) Về lời ăn, tiếng nói, tức Ngôn, trong Nữ tắc cũng dạy không sót điểm nào. Dạy từ cách thưa gửi với cha mẹ, với người trên; ăn nói với chị em, với con ăn người ở, với khách khứa, và nhất là với đàn ông con trai. Về phần này, thường được nói chung trong phần dạy về Hạnh và trong mọi trường hợp. Sự khôn ngoan về ăn nói có thể tóm như sau:

Nhời nói trọng hơn ngàn vàng

Giữ được nhời nói là người khôn ngoan.

Hoặc:

Hay nói thì lại hay sai

Nghĩ cho chín nhời mà nói phân minh

Đã nói thì vững như đanh

Nói cho rõ ràng úp mở mà chi.

Những lối nói điêu, nói hành, chì chiết, xỉa xói, nịnh bợ, ba hoa, ngọt nhạt, đỏn hót, khóc lóc gian ngoan dối trá đều do quỷ Satan bầy đặt được nhắc nhở rõ ràng. Còn một điều quan trọng nữa là với đàn ông con trai?

- (Đáp) Đúng vậy, tật lắm điều của con gái là cái bệnh chung. Chừa được chừng nào, hay chừng nấy. Còn đối với đàn ông con trai, thời đó, những cặp đã đám hỏi rồi mà cũng chẳng giáp mặt nhau nữa là. Ấy thế, cũng có đứa nó ranh mãnh, đón đường mình hỏi han, bông đùa, các cô cũng trả lời cong cớn không ít đâu. Có bài “than” trêu chọc không biết do ai đặt, rồi chúng tôi đọc để trêu người trong cuộc mỗi khi gặp anh này. Bài này nhại lại bài Đứng trước Hiếu Sơn của Cụ Sáu:

Đứng trước ngã ba vạch đầu gối mà than rằng

Cha vội chầu giời mẹ sớm qui tiên

Anh về cõi thọ cảm chút ông già thương thằng em bé

Chị nó xuất giá chị kia lấy chồng chị nữa tòng phu

Khốn nạn thân tôi hai chị em ta cùng một dì ghẻ.

…………

Bài còn dài lắm, nhưng lâu ngày quên hết rồi. Người được nói trong bài này là cô thứ tư, (có ba chị em đi lấy chồng) được một người hỏi rồi, một cậu khác cũng mê, muốn lấy nhưng chậm chânt hành ra có bài than này để trêu “anh chường”.

Cụ Sáu ghét nhất là ngồi lê mách lẻo, đôi chối chuyện này, chuyện nọ…

Mắt ta, ta thấy chan chan

Vì một nhời nói mà tan cửa nhà

Thánh hiền ví nó như là

Một tàn lửa cháy lan ra cả rừng

Sẻn so của cải thì đừng

Sẻn so nhời nói thì mừng hỡi ai.

4 Công:

- (Hỏi) Sang đến đoạn dạy chữ Công, thưa có gì đặc biệt không ạ?

- (Đáp) Thường thì các cô ngày trước, việc chợ búa, bếp núc, và may ai cũng sành. Việc canh, cửi cũng có, nhưng ít thôi. Nghề làm gạp, tức hàng xáo, làm ruộng đều được nhắc nhở.

Cửi canh thấy chớ hững hờ

Phải chăm học biết để mà phòng thân

Không hay thì phải học dần

Tay go tay khổ ân cần phải coi

Ống suốt cũng phải học đòi

Tay sa tay cán phải coi theo người

Tơ ươm chỉ rút tầm nuôi

Nữ nhi học đòi cho biết mới xong.

Nghề nào, Nữ tắc cũng chỉ vẽ kỹ càng như vậy. Đặc biệt nghề dệt chiết là thổ sản của mình, cũng được nói tới trong Nữ tắc, khuyên răn các cô học nghề này.

Đây ta đay chiếu là thường

Xe gai chẻ cói cũng đừng làm ngơ.

Mỗi người đều phải có một nghề trong tay vì:

Biết nghề thì mới ấm thân

Phòng khi lỡ bước gian truân chăng là.



III. KẾT

- (Góp ý) Để kết, Cụ Sáu tóm tắt:

Nữ nhi giữ ba điều này

Một là đừng có lười thây dông dài

Hai là đừng hoang như ai

Quan vắn quan dài một bữa sửa trơn

Ba là dè dặt kiệm cần

Giữ ba điều ác thì thân mới toàn

Những điều đã bảo đừng quên

Nữ nhi phải nhớ mà in vào lòng.

Như kinh nghiệm bà thấy, ảnh hưởng của Nữ tắc thường lễ thế nào đối với các bà, các cô thời đó?

- Các bà ấy thì ai cũng thuộc hết, và sống đã có nền nếp. Rồi từ đó, các bà dạy bảo con cháu. Nói chung các bà theo Nữ tắc thường lễ, không trọng bề ngoài, mà cố gắng dạy con cháu nết na, đạo đức, vì các cụ cho là cái nết đánh chết cái đẹp là vậy:

Tốt da xấu nết ai yêu

Xấu da tốt nết dễ xiêu lòng người.

Cái trở ngại là có những điều thời nào cũng đúng, nhưng có những điều xưa khác nay. Vì thế, bọn con gái như chúng tôi vẫn bị chửi oan vì những điều cổ, không hợp thời nữa. Cứ theo Cụ Sáu dạy thì nghiêm nhặt lắm, nhưng đám học trò thời đó đã học chữ quốc ngữ, học đi học lại Sấm truyền cũ, mới, tiếp xúc vớic ác bà xơ Tây nên lối nghĩ và nếp sống cũng khác xưa. Họ cũng muốn vui đùa, chị em bè bạn, nhỏ to… Nói chung, Nữ tắc thường lễ Cụ Sáu dạy rất tỉ mỉ, không biết làm sao mà Cụ biết được đến như vậy để mà dạy người ta. Nhờ có Ca vè Cụ Sáu mà Nữ tắc thường lễ là một phần, các bậc cha mẹ biết lối dạy bảo con cháu. Các cụ không dạy con cháu mình làm dáng bề ngoài, tô điểm phấn son, chải chuốt áo quần để bắt mắt ngừơi ta như phần nhiều các bà mẹ ngày nay, nhưng dạy các tính tốt, một cái đẹp lâu bền đựơc lòng người mãi mãi khiến cho phụ nữ Phát Diệm mình có nề nếp hơn người, chuộng cái đẹp tinh thần hơn vẻ bề ngoài. Như bây giờ, đôi khi tôi nhắc nhở điều này, điều nọ với các anh các chị cũng một phần dựa vào đó, nhưng phải biến cải đi, giữ cái gì còn hợp thời, bỏ cái gì đã lỗi thời mới được. Nếu cứ như các cụ xưa dạy chúng tôi… có mà chết, làm sao thanh niên, thiếu nữ ngày nay theo kịp.

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo