NHỚ VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ I

(28-9-1978)

Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1572 cuối tháng 8 vừa qua đã loan một tin vui. Tin vui đó là: "Hồ sơ phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I sẽ được đệ trình tại Toà Thánh".

Nhiều người công giáo Việt Nam khi đọc tin này, đã rất xúc dộng. Bởi vì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I đã gây một ấn tượng khó quên, khi Ngài được bầu chọn (26-8-1978) và nhất là khi Ngài từ trần (28-9-1978).

Hồi đó Hội Thánh Việt Nam đang sống những năm đầu của chế độ mới. Vì thế, cái chết của Ngài là đề tài để tôi suy niệm. Tôi coi đó là một lời Chúa nhắn gởi tôi, để tôi biết làm mục vụ trong hoàn cảnh mới.

Qua 28 năm, tôi vẫn đi trên con đường, mà cái chết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I, đã thầm vạch ra cho tôi.

Để gọi là một chút tỏ lòng biết ơn Ngài, hôm nay tôi xin được chia sẻ bài giảng của tôi, trong lễ cầu cho Ngài nay đã thuộc về quá khứ khá xa xôi.

Những điều tôi nói hôm ấy xem ra vẫn cón giá trị cho mục vụ hôm nay.

Dưới đây, xin ghi lại nguyên văn:

Cái chết bất ngờ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I đã gây bàng hoàng trên khắp thế giới. Cái chết quá sớm và quá đột ngột của Ngài đã làm xúc động Giáo Hội toàn cầu hơn mọi bài diễn văn, hơn mọi thông điệp của các Đức Giáo Hoàng.

Người ta có thể nhìn cái chết đó theo những quan điểm khác nhau. Còn tôi, theo quan điểm mục vụ, tôi nhìn cái chết đó, như một dấu chỉ quan trọng của thời đại. Nghĩa là chúng ta có thể coi cái chết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I như một dấu chỉ, mà Chúa muốn dùng để nhắn bảo chúng ta một hướng đi cần thiết cho đời sống đạo thời nay.

Dấu chỉ thứ nhất trong cái chết của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô, là lời mời gọi ta sống phó thác

Đức Thánh Cha là người được coi như sống đầy đủ tất cả, nhưng đã chết thiếu tất cả.

  • Ngài ra đi nghèo nàn. Bởi vì Ngài đã chết không được ai cấp cứu, không được một chút thuốc men. Đó là một cái chết nghèo nàn tức tưởi.
  • Ngài ra đi nghèo nàn. Bởi vì Ngài đã chết không được một ai từ biệt, và chính Ngài cũng không nói được với ai một lời trăn trối. Đó là một cái chết cô đơn bi đát.
  • Ngài ra đi nghèo nàn. Bởi vì Ngài đã chết không được chịu phép Xức Dầu, không được xưng tội lần cuối, không được rước Mình Thánh Chúa như của ăn đàng. Đối với người có đạo, đó là một cái chết nghèo nàn thê thảm.
  • Ngài ra đi nghèo nàn. Bởi vì Ngài đã chết chưa kịp làm gì đáng kể. Bao hy vọng vừa nhen nhúm đã bị tắt đi. Bao dự định còn đang suy tính đã bị dập vùi. Đối với lịch sử, thì triều đại Gioan Phaolô I là một sự nghèo nàn rất đáng tiếc.
Nhưng chính sự ra đi nghèo nàn như thế của Đức Thánh Cha lại là dấu chỉ một sự nghèo nàn mà nhiều người đang rơi vào và sẽ rơi vào.

Nếu có cuộc đời nào nghèo nàn đến nỗi không sao gặp được bí tích, hay dù có gặp được, thì cũng hãy nhìn vào cái chết của Đức Giáo Hoàng để nhớ rằng: Sau cùng, chỉ có niềm tin mến và phó thác nơi tình thương Chúa mới là hành trang cần thiết nhất.

Rồi nếu có cuộc đời nào nghèo nàn, đến nỗi không còn ai để hy vọng, hay dù vẫn có người để hy vọng, thì cũng hãy nhìn vào cái chết của Đức Gioan Phaolô I, để nhớ rằng: Sau cùng, Chúa vẫn là nơi nương tựa cần thiết nhất, người ta phải bám chặt lấy với lòng phó thác. Dù giữa trăm triệu bạn bè, người ta vẫn có thể cô đơn trơ trụi, nhưng trong trơ trụi bao giờ cũng có thể tìm được Chúa.

Rồi nếu có cuộc đời nào được bảo đảm tối đa, đến nỗi xem ra không thể nào bị ngã xuống đất bất ngờ, thì cũng hãy nhìn vào cái chết của Đức Gioan Phaolô I, để nhớ rằng: Con người vốn mong manh, kiếp người vốn vắn vỏi, thân phận con người vốn nghèo nàn. Bảo đảm nào cũng chỉ là tương đối. Bởi vì bất cứ ai cũng có thể trở nên nghèo nàn trơ trụi một cách dễ dàng đột ngột trong mọi phương diện.

Như thế, sự ra đi nghèo nàn của Đức Thánh Cha vừa là sự chia sẻ với những kẻ chết nghèo, vừa là dấu chỉ hướng đi khó nghèo phó thác, nhắn gởi con người hôm nay.

Dấu chỉ thứ hai trong cái chết của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô I, là mời gọi ta sống đạo và truyền đạo bằng chính bản thân

Thực vậy, trong 32 ngày làm Giáo Hoàng Đức Gioan-Phaolô chỉ mới bắt đầu tập sự và làm quen với một chức vụ quá cao, quá lạ, mà Ngài không bao giờ nghĩ tới. Vỏn vẹn chỉ 32 ngày, thì tất nhiên chẳng làm được nhiều, chẳng nói được nhiều. Nhưng ảnh hưởng của Ngài trên thế giới lại không nhỏ. Ngài đã chinh phục được thiện cảm của dân chúng và của các Giáo Hội bạn một cách mau lẹ. Có lẽ còn hơn nhiều vị Giáo Hoàng tiền nhiệm. Nhờ nụ cười hồn nhiên của Ngài, nhờ thái độ khiêm tốn hiền hậu cởi mở của Ngài.

Tóm lại, nhờ chính bản thân Ngài. Chính bản thân dễ thương dễ mến của Ngài đã đem lòng con người đến gần Tin Mừng một cách nhẹ nhàng mau lẹ. Chính bản thân dễ thương dễ mến của Ngài đã chiếu giãi ánh sáng Chúa Kitô vào thế giới một cách trực tiếp và kỳ diệu. Chỉ từng ấy thôi cũng đã đủ để mở đường cho Giáo Hội của thời đại hôm nay.

Trong một thời gian quá đặt nặng đạo đức vào lời nói và vào hoạt động, thì cái chết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I là một dấu chỉ muốn nói lên rằng: Giá trị bản thân còn trọng hơn giá trị hoạt động và lời nói. Trong một thời đại đang tìm kiếm xem phương pháp nào thích hợp hơn để truyền bá Tin Mừng cho con người hôm nay, thì cái chết của Đức Gioan Phaolô I là một dấu chỉ muốn nói lên rằng: Phương pháp thích hợp nhất để truyền bá Tin Mừng cho con người hôm nay là chính bản thân người tông đồ. Người tông đồ nào dễ thương, dễ mến sẽ có sức mạnh hơn bất cứ tông đồ nào.

Và thực sự, điều cần thiết nhất cho con người hôm nay là biết trở về với bản thân mình, biết ưu tư lo xây dựng bản thân mình nên đạo đức, làm sao để bản thân mình đúng là của mình, để mình có thể thương được mình và cũng được người khác yêu thương.

Ngôi sao Sinh Nhật đã xuất hiện có một lần, trong thời gian rất vắn, rồi vội biến đi. Nó vội biến đi sau khi đã làm xong nhiệm vụ chỉ đường cho các người thiện chí đến Bêlem gặp Chúa Cứu Thế. Tương tự cũng thế, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I cũng là một vì sao xuất hiện rất bất ngờ, rồi lại biến đi mau chóng. Ngài ra đi mau lẹ âm thầm như vì sao Sinh Nhật, sau khi đã làm xong nhiệm vụ chỉ đường cho các tâm hồn thiện chí tìm về với Chúa Kitô.

Chúng ta cầu nguyện cho Ngài. Và xin Ngài cầu nguyện cho ta.