NGHI THỨC ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ THỜ ĐỨC MẸ TÀPAO



NGHI THỨC
Thứ tự đoàn rước:
- Người cầm bình hương nghi ngút khói.
- Thánh giá đèn hầu.
- Đại diện các hội đoàn
- Tu sĩ nam nữ.
- Kiệu Đức Mẹ
- Quý cha đồng tế
- Các Thầy giúp lễ
- Giám mục chủ tế
- Đoàn giáo dân.
Nghi thức trước lễ:
-Cha Quản lý TGM Phan thiết đọc: quyết định của UBND Tỉnh Bình Thuận, chấp thuận cho TGM trùng tu Mẹ Tàpao.
-Cha phụ trách nghi lễ đọc: Nguồn gốc thánh tượng và hiện tượng Đức Mẹ Tàpao.
-Ca đoàn hát ca nhập lễ.

Thánh Lễ:
ĐGM chào cộng đoàn: Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
Và giáo dân đáp lại: Và ở cùng cha.
Giám Mục ngỏ lời với giáo dân để họ có tâm hồn tham dự và giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của lễ nghi.
Nghi thức sám hối
Kinh vinh danh

Lời nguyện nhập lễ.
Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương nhìn đến tôi tớ khiêm nhường của Chúa là Đức Trinh Nữ Maria, và ban ân huệ tuyệt vời là cho Người làm Mẹ của Con một Chúa nhập thể, và hôm nay còn ân thưởng Người vinh phúc vô song. Phần chúng con đã được Chúa thương cứu chuộc, xin Chúa nhận lời Đức Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp, cho chúng con cũng đựơc hưởng vinh quang trên trời.
Chúng con cầu xin nhờ …
Đọc Lời Chúa(Các bài đọc Lễ Đức Maria hồn Xác Lên Trời)
Dẫn Bài đọc 1 (Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab): Đoạn sách Khải Huyền chúng ta sắp nghe nói về Giáo hội thời cánh chung tuy có bị bắt bớ nhưng cuối cùng sẽ được giải thoát. Đồng thời cũng cho thấy phần thưởng Thiên Chúa dành cho Đức Maria.
Dẫn Bài đọc 2: (1Cr 15,20-27a) Ð?c Ki-tơ d ch?i d?y t? ci ch?t, m? du?ng cho nh?ng ai d an gi?c ngn thu. M?i ngu?i vì lin d?i v?i A-dam m ph?i ch?t, thì m?i ngu?i nh? lin d?i v?i Ð?c Ki-tơ, cung du?c Thin Cha cho s?ng.
Đọc Tin mừng(Lc 1,39-56)
ĐGM Giảng.
Làm phép diện tích Lễ đài
Sau khi ĐGM giảng xong,
Kính mời Đức Ông Tổng Đại Diện đọc văn thư của Đức Giám Mục về việc: làm phép viên đá đầu tiên khởi công trùng tu Mẹ Tàpao.
Mời cộng đoàn đứng
Giám Mục bỏ mũ gậy, đứng lên làm phép diện tích Lễ đài mới. Ngài giang tay đọc lời nguyện:
Lạy Chúa,
Chúa đổ tràn sự thánh thiện của Chúa trên khắp trần gian, đến nổi danh Chúa được rạng ngời khắp nơi.
Xin Chúa chúc phúc + cho con cái Chúa đây là những người đã lao nhọc để chuẩn bị cho việc xây cất kính Đức Mẹ Tàpao một nơi hành hương.
Xin cho họ hôm nay đồng tâm phấn khởi tham gia khởi sự công trình này, thì ngày mai sẽ vui mừng cử hành các mầu nhiệm trong đền thờ Chúa và sẽ ca tụng Chúa không ngừng.
Chúng con cầu xin nhờ …
Ca đoàn hát.

Làm phép viên đá đầu tiên
Làm phép diện tích Lễ đài xong, Giám Mục đi đến nơi đặt viên đá đầu tiên. Người bỏ mũ, làm phép viên đá bằng lời nguyện:
Lạy Chúa là Cha chí thánh,
Con Một Cha sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria đã được Ngôn sứ loan báo là Đá,không phải do tay người phàm làm ra; và đã được các Tông đồ tuyên bố là nên móng không thể lay chuyển.
Xin Cha làm phép + viên đá đầu tiên này, để chúng con đặt xuống nhân Danh Người. Cha đã đặt Người làm nguyên thủy và cùng đích mọi tạo vật, thì xin Cha cũng để Người hướng dẫn công trình này từ khởi sự cho đến hoàn thành.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Giám Mục rảy nước thánh và xông hương viên đá.
Ca đoàn hát.
Giám mục trở lại vị trí chủ tọa, Ngài xướng Kinh Tin Kính.

Lời nguyện chung :
Anh chị em thân mến,
Đức Maria là người đầu tiên được hưởng trọn vẹn thành quả ơn cứu độ của Chúa Kitô. Trong niềm hân hoan mừng Mẹ được Chúa cho lên trời cả hồn lẫn xác, chúng ta dâng lời nguyện xin.
1. Đức Maria là mẫu mực của Hội thánh về đức tin cậy mến và đời sống hợp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Hội Thánh luôn học hỏi đời sống của Mẹ và sống như Mẹ.
2. Ngày Truyền tin Đức Maria đã thưa: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết noi gương Mẹ vâng theo thánh ý Chúa trong cuộc sống đức tin thường ngày.
3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những ai đem sức của sức người vào công trình xây dựng nơi hành hương Mẹ Tàpao này, luôn được Chúa cũng cố trên nền tảng vững chắc là Hội Thánh Người.
4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, được Chúa luôn thanh tẩy hầu xứng đáng lãnh nhận lãnh nhận các ơn lành của Đức Mẹ Tàpao.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin nhậm lời Dân Chúa đang tha thiết khẩn nguyện cho công trình xây dựng nơi hành hương Mẹ Tàpao, được luôn yêu thương và liên kết với nhau. Xin cho công trình này được mau hoàn tất để chúng con có nơi hành hương dâng kính Mẹ và lãnh nhận các ơn lành Mẹ ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Phụng vụ Thánh Thể.
Sau lời nguyện hiệp lễ: Cha trưởng ban tổ chức cám ơn.

TÒA GIÁM MỤC PHAN THIẾT
422 - Trần Hưng Đạo
Phan Thiết - Bình Thuận
Phan Thiết, ngày 08 tháng 08 năm 2006

Kính gửi: Quý Cha, quí Tu sĩ nam nữ và anh chị em thân mến!

Ngày 13.08.2006 tới đây là ngày Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây cất công trình Đức Mẹ Tàpao. Cũng là ngày để chúng ta cùng nhau dâng lễ tạ ơn Đức Mẹ đã thương ban cho chúng ta một điểm Hành hương thánh thiêng tuyệt vời để rồi bao ơn lành từ ban tay dịu hiền của Mẹ ban xuống cho con cái của Mẹ tại Giáo Phận nầy và cho bao khách hành hương từ khắp các Giáo phận trong nước cũng như ngoài nước.

Để ngày lễ trọng đại nầy được thành công đem lại cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác, tôi kêu gọi toàn Giáo phận sẽ làm Tuần Tam Nhật Kính Đức Mẹ trong các ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, tức ngày mồng mười, mười một và mười hai tháng tám năm 2006.

Tuần Tam Nhật gồm có:
Sống tinh thần sám hối, hy sinh
Làm nhiều việc bác ái
Tham dự thánh lễ hằng ngày
Và mỗi ngày lần năm chục hạt mân côi, cầu bình an cho Giáo Phận và hòa bình thế giới.

Mong Quý Cha giúp đỡ anh chị em giáo dân thực hiện tuần Tam Nhật tốt đẹp.
Kính chào Quý Cha và anh chị em.
Giám mục Giáo Phận Phan Thiết
+GM Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

LƯỢC SỬ ĐỨC MẸ TÀ-PAO

Hôm nay, ngày 13.08.2006, Đức Giám Mục Phaolô Giáo Phận Phan Thiết cử hành thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng công trình Đức Mẹ Ta-Pao trên địa bàn giáo hạt Đức Tánh, Giáo phận Phan Thiết. Hơn lúc nào hết, đây là dịp thuận lợi và thích đáng để chúng ta cùng nhìn lại cách thoáng qua về Đức Mẹ Tàpao qua hai góc độ :
1. Nguồn gốc Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao
2. Hiện tượng Đức Mẹ Tàpao.

I. NGUỒN GỐC THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ TÀ PAO
Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.
Ngày 8.12.1959, Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang, đã cử hành lễ Cung Hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha trang, Ban mê thuột, đồng bằng sông Cửu long…Có thể nói Lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao là một Đại lễ tôn giáo có tầm cỡ quốc gia.
Từ năm 1964 đến năm 1975, toàn bộ vùng Bắc Ruộng thuộc quyền kiểm soát của Chính Quyền cách mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…
Sau cuộc đại chính biến 1975, vào khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Khoảng Phục Sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. Khoảng cuối tháng 6 năm 1991, nhận dịp lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia an hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát (hiện đang ở giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991. Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành.

II. HIỆN TƯỢNG ĐỨC MẸ TÀ PAO
Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ.

Khoảng đầu năm 2000, sau thời gian tìm kiếm và được biết ở Tàpao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận có tượng đài Đức Mẹ trên núi Tàpao, đoàn người đổ xô về Đức Mẹ Tàpao để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn…Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như những chứng từ ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao. Ơn lạ cụ thể nhất không ai có thể chối cãi, đó là : nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ Tàpao mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống…

Điều lạ lùng hơn cả phải chăng đó là : từ một địa danh trước đây hầu như không mấy ai biết tới, nay Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao, như ước mơ của hai Đức Giám Mục và của toàn thể Giáo phận Phan Thiết cũng như của hàng triệu khách hành hương trong và ngoài nước, đã có thể hội đủ điều kiện và yếu tố để trở thành một trong những Trung Tâm Thánh Mẫu ở Việt nam ?

Vả lại, chẳng đáng ngạc nhiên lắm sao : khi sau bao năm tháng hầu như bị lãng quên, ngày nay Đức Mẹ Tàpao trở thành nơi hội tụ của những người Con Dân Việt khắp Ba miền, trong cũng như ngoài nước; trở thành điểm quy chiếu để mỗi người có thể trở về lại với chính mình và nhận ra được con người đích thực của mình và chính nhờ đó mới có thể khám phá ra được dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình yêu qua dung nhan dịu hiền yêu thương của Đức Maria trong đời thường của mỗi người ?

Đó cũng chính là ý nghĩa và mục đích của Đại lễ đặt viên đá xây dựng công trình Đức Mẹ Tàpao hôm nay.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

ĐỨC MẸ TÀPAO (1)
Maria !
Ôi! lạy Mẹ Tàpao
Danh Thánh Mẹ ngọt ngào
Mẹ đẹp hơn trăng rằm
Mẹ sáng hơn sao mai
Mẹ tinh tuyền hơn tuyết
Mẹ diễm lệ biết chừng nào
Vì Mẹ là tác phẩm tuyệt vời
Của Thiên Chúa Ba Ngôi

Mẹ đứng giữa núi rừng
Điệp điệp trùng trùng
Giữa không gian lộng lẫy
Bát ngát thiên nhiên

Mẹ đứng đó giữa thăng trầm lịch sử
Nhìn La Ngà mãi uốn khúc quanh co
Sóng chập chờn như thực như hư
Mẹ đứng đó
Nhìn cánh đồng Kho
Mênh mông lúa vàng lượn sóng
Trải dài như một bức tranh thơ
Mẹ đứng đó khi nắng đổ mưa tràn
Mẹ đứng đó nhìn trăng rừng như khóc như than
Nghe gió hú mỗi lần dông bão

Ôi! lạy Mẹ Tàpao
Từ trên núi Mẹ nhìn khách hành hương
Từ bốn phương đổ về
Hàng hàng lớp lớp
Lớn nhỏ trẻ già nam nữ
Người sang giàu cũng như người nghèo khổ
Đều tìm về với Mẹ, Mẹ ơi!
Vì Mẹ là Mẹ Chúa Trời
Cũng là Mẹ loài người chúng con
Lòng Mẹ như rừng núi mênh mông
Như bầu trời muôn năm xán lạn
Mẹ ban ơn hàng ngàn hàng vạn
Như cây rừng trút lá mỗi chiều hôm
Ôi! Maria
Mẹ Tàpao kính mến
Mẹ chấp tay cầu nguyện
Anh sáng tỏa lung linh
Khách hành hương chiêm ngắm Mẹ thỏa tình
Trào nước mắt… bật lời kinh sám hối

Mẹ Tàpao!
Xin đoái thương Giáo Hội
Xin ban ơn Hiệp Nhất và Bình An
Mẹ thương ban cho dân tộc Việt Nam
Được an hòa thịnh vượng

Ôi! lạy Mẹ Tàpao
Hôm nay đây khi mặt trời đứng bóng
Dưới chân Mẹ con lặng đứng say sưa
Nói về Mẹ biết mấy cho vừa
Yêu mến Mẹ không bao giờ no thỏa
Ôi! lạy Mẹ Tàpao
Mẹ Tàpao!
Xuân Ly Băng, 13/6/06

ĐỨC MẸ TÀPAO (2)

Ôi lạy Mẹ Tàpao
Thánh tượng Mẹ như một điểm trắng phau
Nhỏ bé biết dường nào
Chơi vơi giữa núi rừng thăm thẳm

Mẹ đứng đó
Không lọng che tàn chắn
Tắm gội mưa sương
Đêm đêm nhìn bát ngát trăng sao
Ngày ngày nhìn mây trời lơ lửng
Mùa đông nghe lá rụng
Mùa hạ cám cảnh hoa tàn
Thân mình Mẹ lỡ lói
Rách nát với thời gian
Bao tháng ngày thê thảm

Mẹ đứng đó
Không cần câu chấm hỏi
Chẳng cần bỏ dấu than
Ai đem Mẹ đến
Ai bỏ Mẹ đây
Không một lời ta thán
Vì Mẹ là Mẹ xót thương
Mẹ sầu bi từ muôn thuở

Ôi lạy Mẹ Tàpao
Thời gian rách cần vá lại
Lịch sử phải sang trang
Hôm nay đây
Từ ba miền đất nước
Con cái Mẹ đổ về
Đọc lời kinh sám hối
Hát bài tôn vinh và nguyện cầu cảm tạ
Dâng lên Mẹ trăm triệu lời ca

Trời Tàpao hôm nay
Vui buồn lẫn lộn
Dù là tiếng khóc tiếng cười
Đều là hồng ân của Chúa Ba Ngôi
Qua bàn tay Đức Mẹ
Ôi Maria
Lạy Mẹ Tàpao.
Xuân Ly Băng - 26/7/2006

NHỮNG TIN VUI TỪ GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
Ai đã từng hành hương Mẹ Tàpao mới thấy nơi khu vực tượng Mẹ đã xuống cấp trầm trọng. Đã 45 năm, trải qua bao thăng trầm dâu bể, nơi đây vẫn hoang sơ. Một trong những mối ưu tư hàng đầu của Giáo phận là xây dựng nơi hành hương Mẹ Tàpao khang trang, thuận lợi cho khách thập phương. Những đoàn khách hành hương đền với Mẹ Tàpao ngày càng đông, nhất là những ngày 13 hàng tháng. Mùa mưa bão này, có quá nhiều khó khăn trắc trở cho mọi người đến cầu nguyện. Vì vậy, Tòa Giám Mục gấp rút cho thi công công trình. Đức Giám mục đã quyết định chọn ngày 13.8.2006 làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng công trình. Uy ban Nhân dân Tỉnh Bình Thuận đã trả lại 4000m2 đất sát sau Tòa Giám Mục cho Giáo Phận Phan Thiết. Đây là diện tích đất rất cần thiết nhằm đáp ứng những nhu cầu của Tòa Giám Mục: xây thêm những căn phòng để các linh mục Giáo phận về dự tĩnh tâm hội họp có nơi nghỉ ngơi, nơi hưu dưỡng cho các cha già về hưu…. Hiện nay, Ban Tộn giáo Tỉnh đang phối hợp với Sở tài nguyên và môi trừơng để giải phóng mặt bằng và trao đất cho Tòa Giám Mục trước ngày 30.7.2006.
Nhà thờ Mẹ Vô Nhiễm, thuộc xã Tân Hà, huyện Đức Linh cũng vừa nhận được giấy phép xây dựng và sẽ làm lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 4.10.2006 nhân ngày lễ kính thánh Phanxicô Assidi.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

LÊN NÚI VỚI MẸ
09giờ 30 ngày 13.08.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan Thiết cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng đường lên núi Tàpao giúp khách hành hương dễ dàng tiến bước lên núi kính viếng Mẹ Tàpao.
Từ đây, ngọn núi cao dốc đứng, nơi có bức tượng Đức Maria mà Đức Cha Marcello Piquet Lợi, Giám Mục Nha Trang, làm phép vào ngày 08.12.1959, sau 40 năm xa cách, âm thầm trong rừng rậm, rồi hơn 6 năm qua, trở thành điểm qui tụ của hàng ngàn người, không phân biệt tôn giáo, không giới hạn lãnh thổ… tề tựu về Hạt Đức Tánh-Phan Thiết vào những ngày 13 trong tháng, sẽ có một lối đi với những tam cấp bằng đá, giúp chúng ta dễ dàng vượt qua hơn 300 m đoạn đường trơn trợt để lên núi với Mẹ.
Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Thuận cho phép Toà Giám Mục Phan Thiết làm đường lên núi với Mẹ, là dấu hiệu tích cực về tôn giáo, và là cơ hội phát triển du lịch sinh thái nơi xã Đồng Kho-xã vừa thành lập giáo xứ mới của Huyện Tánh Linh, một hướng mở khả quan cho người dân vùng cao này.

Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ đã tạo cho chúng con có đường cùng lên núi với Mẹ để gần Chúa hơn !

Núi non là nơi linh thiêng, nơi gặp gỡ giữa con người và thế giới thần linh trong quan niệm dân gian và trong Kinh Thánh. Núi đồi cũng là nơi nương ẩn khi gặp thử thách, bách hại. Núi rừng còn là nơi thư giản, phục hồi sức khoẻ, giải toả những căng thẳng của cuộc sống.

Mỗi khi lên núi, chúng ta sống lại tâm trạng của tổ phụ Abram, lần đầu tiên gặp Chúa đã “sang miền núi, ở phía đông Bết-ên… tại đây ông dựng một bàn thờ kính Đức Chúa” (St 12, 8). Trên núi, chúng ta nhớ lại mẫu gương đức tin của Abraham-Cha của kẻ tin, một đức tin mạnh đến nỗi thực hiện ý Chúa đòi hỏi quá sức mình : "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho."(St 22, 2)

Khi lần theo những bậc tam cấp tiến lên núi, chúng ta hồi tưởng hình ảnh chiêm bao của Giacóp về “chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời”, và chúng ta cùng bước đi với các thiên thần của Chúa lên xuống (x St 27, 10-12), bước lên trong niềm tin tưởng “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn.” (Xh23, 20); bước đi trong an bình vì “thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Tv 91, 12). Tâm trạng được đồng hành với thiên thần hộ thủ, được Chúa bảo vệ chở che, không chỉ dừng lại trong khi hành hương mà thôi, nhưng sẽ kéo dài suốt cuộc hành trình tại thế của người tín hữu, cho đến ngày “được vào ngụ trong nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài” (Tv 15, 1).

Lên núi cầu nguyện, là lúc chúng ta bắt chước Môsê đáp lời Chúa gọi : “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó” (Xh 24, 12) để lãnh nhận thánh ý Chúa. Cắm trại trên núi, là sống lại thời gian 40 đêm ngày mà Môsê lưu lại trên núi Sinai để nhận Giao Ước Thập Giới. (x. Xh 24, 12 –18); 40 ngày đêm chay tịnh trong hoang địa của Chúa Giêsu trước khi bắt đầu sứ vụ (x. Mt 4, 1-11); hay có thể tìm được một nơi “ở đây thì tốt biết mấy” để cắm lều bên Chúa, như thánh Phêrô xưa được Chúa đưa riêng lên núi Tabor, dịp Chúa hiển dung. (x. Mt 17, 1-8)
Sống một mình trên núi, chống chọi với những thử thách khắc nghiệt, những mối nguy hiểm từ thiên nhiên, chúng ta có thể liên tưởng đến cuộc chiến của một mình tiên tri Êlia với 450 tiên tri của thần Baan và Asêra, trên núi Cátmen, nơi Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Ngài vượt trên mọi thần lực, mà đáp lời khẩn cầu của Êlia. (x. 1V 18, 20-40)

Ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi đồi, chúng ta hướng về viễn tượng của ngôn sứ Isaia “Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA, đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.” (Is 2, 2) một viễn tượng lớn mạnh của Nước Trời như “hạt cải…thành cây” (x. Lc 13, 19) và sự bền vững của “Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16, 18); và chúng ta rủ nhau cùng hành hương gia nhập và tiến vào Nước Chúa: “Rằng, đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.” (Is 2, 3)
Các tín hữu, những người tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô lên núi cao, để sứ vụ rao giảng bằng lời và bằng đời sống của mình được vang xa: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng: "Kìa Thiên Chúa các ngươi!" (Is 40, 9)

Cùng với đám đông qui tụ trên núi là lúc chúng ta quây quần bên Chúa Giêsu, nhớ lại và sống giây phút gần Chúa như các tông đồ: “Chúa Giêsu lên núi ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên…”, đồng thời nghe lại Hiến Chương Nước Trời, bài giảng trên Núi Bát Phúc (x. Mt 5, 1-12), và ra sức sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, trong sạch, khao khát sự công chính… để được vào Nước Trời.

Khi một mình trên núi, chúng ta noi gương Chúa Giêsu “Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.” (Mt 14, 23) để tìm những giây phút “nghỉ ngơi một chút” (Mt 6, 31) bên Chúa, giúp “tâm hồn được bồi dưỡng” (Mt 11, 29); hay có cơ hội “cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo… sẽ trả công cho anh em.” (Mt 6, 6)

Còn rất nhiều đoạn Thánh Kinh liên quan đến núi, nhưng ta chỉ gặp thấy một câu nói đến việc Đức Maria lên núi : “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa…” (Mt1, 39). Mẹ vội vàng lên miền sơn cước để giúp đỡ bà Isave, người nữ son sẻ cao niên đang mang thai. Trong hành trình thăm viếng này, Mẹ đã đưa gia đình ông Giacaria gặp Chúa Cứu Thế.

Tuy Tin Mừng chỉ minh nhiên kể Mẹ lên núi một lần, nhưng thực tế, như bao thiếu nữ Sion đạo đức khác, Mẹ đã nhiều lần hành hương lên Núi Sion, nơi có thành thánh Giêrusalem. Khi được Chúa đưa lên trời, Mẹ đã chọn những nơi núi rừng để hiện ra, và đó là lý do con cái Mẹ dựng tượng tôn kính Mẹ trên núi đồi, làm nơi hành hương.

Đến với Mẹ Lavang, chúng ta phải đến vùng xưa kia là rừng vắng. Đến kính viếng Mẹ Trà Kiệu, khách hành hương phải leo lên một ngọn đồi. Viếng Mẹ Bãi Dâu, các tín hữu leo lên sườn núi gần bờ biển Vũng Tàu. Giáo Phận Phan Thiết đã có một con đường giúp khách hành hương lên núi với Mẹ tại Hiệp Nghĩa-Hàm Thuận Nam, nay có thêm con đường mới giúp chúng ta lên núi với Mẹ tại Tàpao.
Lên núi với Mẹ để hồi tưởng những biến cố lịch sử cứu độ của Dân Chúa, và làm như Mẹ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Mt 2, 19)
Lên núi với Mẹ để được gần gũi, chiêm ngắm, noi gương và cầu nguyện cùng với Đức Maria-Mẹ của người tin.
Lên núi với Mẹ là cùng đồng hành với Mẹ trên lộ trình thực thi bác ái.
Lên núi với Mẹ để nhờ Mẹ giúp ta gặp Chúa và nhờ Mẹ nhắc ta “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." (Ga 2, 5)
Lên núi với Mẹ để rèn luyện đôi chân, giảm cân nặng của xác thịt, từng bước nhẹ nhàng, thanh thoát tiến lên.
Lên núi với Mẹ để chúng ta được cùng Mẹ lên núi Chúa, được hợp đoàn với những người mà Thánh Vịnh 24 đã ca tụng : Ai được lên núi CHÚA? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối. Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. (Tv 24, 2-5)
Mừng khởi công xây dựng Trung Tâm Mẹ Tàpao
Bình An, 03.8.2006
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ THỜ KÍNH ĐỨC MẸ TẢPAO

MẸ FATIMA

Ngày 13.5.1917, Đức Mẹ hiện ra cho ba trẻ chăn chiên Lucia 10 tuổi, Phanxicô 8 tuổi và Gianxita 7 tuổi ở làng Fatima Bồ Đào Nha. Dân cư làng quê Fatima rất nghèo, nông dân làm ruộng chăn nuôi súc vật. Trẻ em chăn chiên. Chúng lớn lên trong bầu khí gia đình đạo đức, thường tụ họp nhau trên bãi đất trống để lần hạt Mân Côi với nhau.

Gần trưa ngày Chúa nhật 13.5.1917, một luồng chớp làm các em chú ý. Nhìn thấy một vị sáng láng hiện ra trên những ngọn cây ngọn đồi Cova da Iria, các em sững sờ kinh ngạc. Đức Mẹ xin các em cầu nguyện cho các tội nhân trở lại, chiến tranh sớm kết thúc và dặn các em trở lại vào ngày 13 mỗi tháng.
Sau đó vào các ngày 13 tháng 6,7,8,9,10, Đức Mẹ hiện ra và có những phép lạ kèm theo mà những người tham dự xem thấy tận mắt. Đặc biệt ngày 13.10, Đức Mẹ làm một phép lạ cả thể trước gần 100.000 người xem thấy hiện tượng lạ lùng : mặt trời quay tròn nhảy múa tung ra muôn vàn ánh sáng màu sắc huy hoàng. Sau một thời gian dài điều tra kỹ lưỡng, ngày 13.10.1930, Đức Giám Mục Giáo phận Lêbia đã chính thức công nhận sự kiện Đức Mẹ Fatima và tổ chức việc tôn kính Đức Mẹ Mân côi tại đây. Fatima đã thu hút vô số tín hữu hành hương. Những đoàn hành hương từ mùa hè năm 1917 ngày càng đông đảo, không chỉ ở Bổ Đào Nha mà còn từ khắp mọi nước trên thế giới.
Kể từ đó, ngày 13 mỗi tháng, người Kitô hữu khắp mọi nơi thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt.
Đức thánh Cha Piô XII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II đã quan tâm nhiều đến Fatima. Tại đây có vương cung thánh đường kính Đức Mẹ. Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng hiến thế giới cho trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ nhân ngày kỷ niệm 25 năm Mẹ Fatima (1942). Đức Thánh Cha Phaolô VI đã trao phó gia đình nhân loại cho Đức Mẹ sau ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II (1964) và một lần nữa ngài dâng thế giới cho trái tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Fatima ngày 13.5.1982 nhân kỷ niệm 65 năm Đức Mẹ hiện ra để tạ ơn Mẹ đã cứu thoát ngài một năm trước đó và ngài đã tận hiện nhân loại cho trái tim vô Nhiễm Mẹ một lần nữa.

MẸ TÀPAO
Từ năm 1959, tượng Đức Mẹ đã được đặt trên núi Tàpao với độ cao 500m. Ngày 8.12.1959, Đừc Cha Piquet đã đến làm phép tượng. Nơi đây đã trở thành trung tâm hành hương kính Đức Mẹ. Thế rồi chiến tranh bùng nổ nên thưa thớt người đến kính viếng. Sau năm 1975, rừng tre phủ kín bức tượng, tình hình quá khó khăn chẳng ai dám lên núi nữa. Hình bóng Đức Mẹ phai nhạt dần trong tâm trí mọi người.

Đến năm 1990, cha xứ Đức tân cùng một số tín hữu can đảm đã âm thầm lên núi chặt tre phát cây tạo lối đi. Bao năm hoang vắng tượng Mẹ bị phá hư hỏng nặng. Một số anh em bên Phương Lâm đã hăng hái đến sữa sang sơn phết lại. Họ cần mẫn kiên nhẫn âm thầm làm việc.Tượng Mẹ Tàpao dần dần sáng lên trên triền núi. Bắt đầu có những người yêu mến Mẹ vượt mọi sợ hãi để đến nguyện cầu.

Khởi sự từ năm 1999, khi người ta đưa tin Đức Mẹ hiện ra ở Phương lâm. Hàng ngàn người từ vùng Gia Kiệm Hố Nai,Bảo lộc, Đức Linh ùn ùn kéo về Phương lâm. Họ đứng chật cả một cánh đồng lớn mắt hướng về đỉnh núi. Ngón núi ấy thấp thoáng xa xa, ẩn mờ trong mây trời. Núi ấy là Tàpao. Từ đó khách thập phương xa gần đến hành hương Mẹ Tàpao.

Hơn 5 năm đã trôi qua. Biết bao là khó khăn và chông gai, khách hành hương vẫn nhiệt thành đến với Mẹ mỗi ngày một đông hơn. Đặc biệt là ngày 13 mỗi tháng, tại Nhà thờ Tánh linh cách núi Tàpao 7 km có thánh lễ đồng tế do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự. Nhiều linh mục đến giải tội và dâng lễ. Ngày 13 hàng tháng có 3000-5000 người, riêng ngày 13.5 và 13.10 có hơn 10.000 người đến kính Mẹ. Đức Cha Nicolas vẫn thường nói đến ân huệ lớn lao mà Đức Mẹ đã ban cho Giáo phận. Ngài hằng mong mỏi xây dựng trung tâm hành hương xứng đáng nơi tôn kính Mẹ.

THÁNH ĐƯỜNG DÂNG MẸ
Hôm nay ngày 13.5, Giáo Phận Phan Thiết chọn làm ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường dâng kính Mẹ Tàpao. Thánh đường có diện tích 1000m2, theo mô hình nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức.
Từ chiều ngày 12.3, khách hành hương đã đến núi Đức Mẹ. Hàng ngàn người thức suốt đêm để cầu kinh nguyện hạt..Sau mấy cơn mưa đầu mùa, đất nhão nhoẹt, đường trơn trượt. Lối lên núi càng ghập ghềnh khó đi. Nhiều cụ bà 70-80 tuổi vẫn vui vẻ chống gậy trèo núi đến với Me. Nhiều người đau yếu tật nguyền cũng đến xin ơn phúc. Lòng yêu mến Đức Mẹ đã giúp mọi người vượt qua tất cả. Càng khó càng khổ càng mệt người ta càng muốn leo lên núi như muốn bày tỏ tấm lòng thành. Khách hành hương trải bạt, căng lều, mắc võng, đứng ngồi khắp mọi nơi dưới chân núi. Khung cảnh thật cảm động: người người lần hạt, mắt hướng lên đỉnh núi về phía Mẹ, ánh sáng những ngọn nến nơi tượng Mẹ lung linh nhập nhoà. Đêm càng khuya tiếng nguyện lời kinh càng âm vang, bầu khí linh thiêng càng soi toả vào lòng khách hành hương tình yêu dạt dào của Thánh Mẫu. Bài ca “Lời ru trước ngàn năm mới” của Maria Thiên Thanh viết dâng Mẹ mùa thu 1999 đã được khách hành hương thuộc nằm lòng. Họ hát lên. Hàng ngàn người cùng hoà vang lời ca tha thiết nguyện cầu : Tàpao núi rừng âm. Trời mùa thu nghe tiếng mẹ ru a ơi á ơi. A ơi ngọt ngào lời ru. Lời Mẹ ru khi sắp tàn thu a ơi á ời…Tạ ơn Đức Mẹ Tàpao, vì muôn phước lộc trời cao. Ở bên Đức Mẹ Tàpao, hồn say hương trời ngọt ngào. Về thăm núi rừng Tàpao, hồn nghe tiếng Mẹ trên cao. Ở bên Đức Mẹ Tàpao, hồn con không còn lao đao…Đứng trên triền non, quây quần bên Đức Mẹ cùng hát chung bài ca “Lời ru trước ngàn năm mới” ai ai cũng cảm thấy tâm hồn mình bay bổng, nhẹ nhàng, thanh thoát trong cõi thiêng liêng vời vợi.

Từ 5giờ sáng, con đường từ chân núi đến nhà thờ dài 1,5km đã đông xe lắm người. Đến 8 giờ thì đã chật như nêm. Hơn 15.000 người đi hành hương Mẹ Tàpao. Họ đến từ miền Tây, từ Sài Gòn, Vũng Tàu, Hố Nai, Phương lâm, Đà Lạt, Ninh thuận, các xứ trong Giáo phận và cả những tỉnh miền trung. Cũng có nhiều Việt kiều về viếng Đức Mẹ. Sau khi leo núi đến với Mẹ họ cùng tham dự lễ đặt viên đá.

Niềm mơ ước suốt 5 năm qua : một thánh đường dâng Đức Mẹ, giờ đây đã khởi đầu. Ai ai cũng náo nức hân hoan chung chia niềm vui.
Đức Cha Phaolô đồng tế cùng 50 linh mục trong ngoài giáo phận.

Mở đầu thánh lễ, ngài nhắc đến hai trung tâm hành hương thế giới là Lộ Đức, Fatima, Đức Mẹ muốn xây thánh đường dâng kính Mẹ, cũng tại Đồng kho này, Giáo phận Phan thiết cũng xây ngôi thánh đường mới dâng kính Mẹ Tàpao, xin mọi người cầu nguyện thật nhiều đề Đức Mẹ chúc lành cho công trình được hoàn thành tốt đẹp.

Trong bài giảng lễ, Đức cha suy niệm mẫu gương cầu nguyện của Đức Mẹ. “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. Tâm hồn Đức Mẹ là tâm hồn cầu nguyện. Một tâm hồn nghèo khó đầy tin yêu và phó thác. Cả cuộc đời của Mẹ luôn đặt trong bàn tay đầy yêu thương của Thiên Chúa.. Bài ca Magnificat mà Đức Mẹ hát lên trong cuộc gằp gỡ với Bà Isave là bài ca hạnh phúc nhưng lắm gian nan. Từ hang đá Bêlem sang Aicập rồi trở về Nazaret. Từ cuộc đời lao động của Chúa Giêsu cho đến đỉnh đồi Gongôtha. Tất cả Mẹ đều nhận ra là hồng ân của Thiên Chúa. Ơ Lộ Đức, Fatima và bao nhiêu trung tâm danh tiếng khác, Mẹ luôn nhắc bảo chúng ta cầu nguyện. Đặc biệt ngày 13.7.1917 Mẹ đã gởi đến ba mệnh lệnh cầu nguyện: Ăn năn sám hối, hoán cải cuộc đời, lần hạt Mân côi. Vì yêu thương nhân loại Đức Mẹ đã hiện ra nhiều nơi, lập ra nhiều trung tâm cầu nguyện để con cái Mẹ cùng với Mẹ cầu nguyện trong tin yêu phó thác.

Hôm nay lễ đặt viên đá xây thánh đường kính Mẹ. Đức Mẹ chỉ muốn chúng ta đến đây cầu nguyện. Thánh đường là trung tâm cầu nguyện với sự hiện của Chúa Thánh Linh. Anh chị em hành hương cảm nhận lòng từ ái Đức Mẹ đã thực hiện bao nhiêu điều tốt lành trong cuộc đời mình. Cuộc tụ họp hôm nay thật đông đảo để nói lên lòng biết ơn Đức Mẹ. Chúng ta hiệp ý dâng lời cầu nguyện tạ ơn Chúa đã cho chúng ta một trung tâm cầu nguyện, tạ ơn Chúa đã cho chúng ta về đây trong tin yêu và vui tươi. Xin Chúa cho công việc xây ngôi thánh đường kính Mẹ Tàpao sớm được hoàn thành. Chúng ta sẽ có nơi khang trang để cầu nguyện, để học tập, để thanh luyện lại tâm hồn mình.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ trưa trong khí trời mát dịu. Mọi người ra về không ăn uống tiệc tùng.Tiết kiệm để góp phần xây dựng nhà cầu nguyện.

Tâm tình
Việc Chúa làm thật kỳ diệu. Tàpao là vùng đất kính tế mới xa xôi, nơi khỉ ho cò gáy, đèo heo hút gió. Ba mươi năm trước, dân tứ xứ đi kinh tế mới đến đây khai phá rừng làm nương rẫy. Giờ đây đã có nơi hành hương kính Mẹ, sẽ có Nhà thờ thờ phượng Chúa. Nhà cửa, quán xá mọc lên. Nhiều người về đây lập nghiệp. Khách hành hương mang đến sự phát triển. Anh xe ôm, em bé bán trái cây, các chị bán hoa nến, các nhà nghĩ… mọi người có việc làm, có thu nhập đã dần dần làm thay đổi bộ mặt miền quê nghèo êm ả. Như La vang ngày xưa, nơi rừng thiêng nước độc, giáo dân trốn chạy cuộc bách hại tàn khốc thời vua Cảnh Thịnh. Đức Mẹ hiện ra cứu giúp. Ngày nay, La vang trở thành trung tâm hành hương lớn nhất Việt nam được Giáo hội công nhận.

Ơn Đức Mẹ ban thật lớn lao. Nhìn những đoàn hành hương đến mỗi ngày, nhất là ngày 13 hàng tháng mới thấy ân huệ Đức Mẹ ban. Họ đến với Đức Mẹ với tất cả tấm lòng yêu mến chân thành. Đến để tạ ơn, để xin ơn, để ca ngợi, dâng lời kinh nguyện.
Tôi đã nhiều lần lên núi với những đoàn hành hương cầu nguyện với Đức Mẹ. Có những lần đưa Việt kiều từ Mỹ về lên núi kính Đức Mẹ. Nhìn họ leo núi, lần mấy tràng hạt, hát thánh ca giữa ban trưa trời nắng cháy bỏng mới thấy lòng yêu mến Đức Mẹ của người tín hữu thật phi thường. Một lần đến, họ đều muốn trở lại. Họ luôn nhớ Đức Mẹ và mong mỏi được trở về đến với Mẹ.

Mỗi ngày 13 trong tháng, tôi đều đến giải tội và đồng tế thánh lễ. Rất nhiều người được ơn trở lại. Cảm động nhất là những thanh niên, những cụ già khóc nức nở bên chân Đức Mẹ hay nơi toà giải tội. Đức Mẹ đã ban cho họ ơn trở về với Chúa sau bao năm tháng khô khan,hững hờ xa cách.
Sứ điệp Fatima âm vang giới răn mới của Chúa Giêsu : Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Đức Mẹ là thầy dạy về tình yêu thương. Đến với Mẹ để được yêu thương. Trở về với cuộc sống để chia sẽ yêu thương.

Trong ngày lễ Giuse Thợ (1.5), khai mạc tháng hoa, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã nói lên tâm tình : Tôi hướng lòng về Mẹ Maria, Mẹ chính là Đấng mà tháng năm này được Giáo hội dâng hiến một cách đặc biệt. Bằng lời nói, bằng gương sáng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy chúng ta ngắm nhìn Chúa Kitô bằng đôi mắt Đức Mẹ, nhất là tìm lại giá trị Kinh mân Côi. Qua Kinh Lạy Nữ Vương, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ mọi nhu cầu của Giáo hội và của nhân loại. Nói với 20.000 khách hành hương quy tụ tại quãng trường Thánh Phêrô ngày 12.3, Đức Thánh Cha đã gởi tới giới trẻ, những người đau yếu và những cặp hôn nhân mới một sứ điệp ngắn gọn : ngày 13.5 chúng ta sẽ mững Lễ Mẹ Fatima, cha kêu mời chúng con hãy tín thác vào Mẹ, hãy dâng lên Mẹ những nhu cầu của các con.
Chính tâm 13.5.2005
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

HÀNH HƯƠNG MẸ TÀPAO 13.10

Cứ mỗi ngày 13 trong tháng, khách hành hương thập phương đến với Mẹ Tàpao.
Ngày 13.10 là dịp đặc biệt : kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, tháng Mân Côi. Bởi vậy, từ khắp mọi miền, con cái Mẹ đã bày tỏ lòng yêu mến thảo hiếu của mình bằng việc đến nguyện cầu với Mẹ.
Từ chiều 12.10, hàng ngàn người đã đến núi Tàpao. Trời mưa, đường dốc trơn trượt nhưng hết đoàn này đến đoàn khác leo núi đến chân tượng Mẹ, đọc kinh cầu nguyện, lần hạt Mân Côi, hát ca chúc tụng. Mỗi đoàn phải chờ đợi hơn cả giờ mới đến lượt mình.
Ban tối 12, có hơn 5.000 khách hành hương canh thức suốt đêm trong lời kinh tiếng nguyện dâng lên Mẹ. Cả rừng nến lung linh huyền ảo trong tiếng hát cầu kinh đưa tâm hồn lên cao vời vợi. Mẹ Tàpao đứng trên triền non, đón nhận mọi tâm tình nguyện cầu của con cái. Mẹ đưa tay chúc lành, ban ơn. Đêm rừng núi Tàpao không còn âm u tăm tối nhưng rực sáng niềm tin, ấm áp tình yêu giữa Mẹ hiền và đoàn con cái.
Ngày 13.10 từng đoàn người đổ về Tàpao. Năm nay đông khách hành hương hơn mọi năm. Có khoảng 12.000 người đã về Nhà thờ Tánh linh tham dự thánh lễ. Có những đoàn mãi tận Cà mau và cũng có những đoàn từ cao nguyên Đà lạt, Lâm đồng.
Từ 7 giờ sáng, những đoàn xe đã đậu chật sân Nhà thờ. Xe đến sau phải đậu dài dài suốt dọc đường lộ. Từ Núi Tàpao về Nhà thờ Tánh linh chỉ 7 km mà xe chạy mất 3 giờ vì quá đông, nhích từng chút một giữa dòng xe khách, xe honđa…
Khách hành hương sau khi leo núi cầu nguyện với Mẹ, họ về Nhà thờ để được xưng tội, tham dự thánh lễ.
Đức Cha Phaolô, Giám mục Giáo phận Phan thiết đến dâng thánh lễ đồng tế vào ngày 13 mỗi tháng. Cha Hạt trưởng và các cha trong Hạt Đức Tánh cùng nhiều cha khách các giáo phận đồng tế thánh lễ kính Đức Mẹ.
Trong bài giảng lễ Đức Cha kể về sự kiện lịch sử Mẹ Fatima

A. Lịch sử Fatima
Tại thôn Aljustrel, thuộc làng Fatima, có ba trẻ chăn chiên đạo đức: Lucia, 10 tuổi, con út một gia đình đông con, cha là Antonio, mẹ là Maria Rosa; Phanxico, 9 tuổi, và em gái cậu Giaxinta, 7 tuổi, cả hai anh em con ông Emmenuel Pierre Marto, và bà Olympe de Jésus là con thứ 10 và thứ 11 trong gia đình. Các em là những trẻ ngoan ngoãn, năng họp nhau lần chuỗi Mân Côi.
Các Thiên Thần hiện ra với các em trước khi Đức Mẹ hiện ra:
- Năm 1915, Thiên Thần hộ thủ nước Bồ Đào Nha hiện ra với các em lần thứ nhất, tại hang đá Cabeco.
- Năm 1916, Thiên Thần hiện ra với các em lần thứ hai, cũng tại hang đá Cabeco, dạy các em cách thức cầu nguyện cùng Chúa Ba Ngôi, Trái Tim Đức Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ.
- Năm 1916, vào mùa hè, Thiên Thần lại hiện ra tiếp với các em lần thứ ba, tại giếng nước ở bên hông nhà, dạy các em cầu nguyện hãm mình đền tạ tội lỗi người ta xúc phạm đến Trái Tim Chúa, và Mẹ Maria.
- Cuối năm 1916, Thiên Thần lại hiện ra lần thứ tư, cũng tại hang đá Cabeco, dạy các em cầu nguyện và đưa Mình Thánh, Máu Thánh Chúa Giêsu cho các em rước lễ.
B. Các lần Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại thung lũng Cova da Iria:

- Lúc 12 giờ ngày Chủ nhật 13/5/1917, trong khi các em đang chăn chiên tại thung lũng Cova da Iria, cách nhà khoảng 2km, thì Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất với các em. Nét mặt hiền từ dịu dàng, dặn bảo các em hãy đến đây vào mỗi ngày 13 các tháng sau, cho đến tháng 10/1917. Đức Mẹ ân cần khuyên bảo các em hãy năng lần chuỗi Mân Côi, và hứa sẽ đem Phanxico, Giaxinta về Trời trước, còn Luxia phải ở lại lâu hơn để làm cho người ta biết Đức Mẹ và yêu mến Đức Mẹ. Đức Mẹ cũng dạy các em phải tận hiến cho Chúa và Đức Mẹ, sẵn sàng chịu mọi sự đau khổ, đền bù các tội lỗi người ta xúc phạm đến Chúa và Mẹ Maria. Ý nghĩa và mục đích của lần hiện ra thứ nhất này, là khuyên nhủ người ta tận hiến cho Chúa và Đức Mẹ, để sẵn sàng chịu mọi sự đau khổ.
- Lúc 12 giờ ngày thứ tư 13/6/1917, lễ kính Thánh Antôn Đệ Padua. Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai, cũng tại thung lũng Cova da Iria, khuyên các em học, biết đọc, và biết viết. Đức Mẹ tiết lộ bí mật thứ nhất, và nói với Luxia: “Mẹ chẳng bao giờ bỏ con. Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ là nơi nương ẩn của con, và là đường đưa các con đến cùng Chúa”. Đức Mẹ cũng dạy các em hằng ngày phải lần chuỗi Mân Côi. Ý nghĩa và mục đích lần hiện ra thứ hai này là khuyên nhủ chúng ta hãy học hỏi, tìm hiểu về Đức Mẹ thật chu đáo, thông suốt, để yêu mến Đức Mẹ, và làm cho người ta biết yêu mến Đức Mẹ.
- Lúc 12 giờ ngày thứ sáu 13/7/1917, Đức Mẹ hiện ra khuyên các em lần chuỗi Mân Côi, và ban một Thông Điệp đặc biệt gọi là Thông Điệp Fatima. Đức Mẹ dạy giữ kín hai điều bí mật (sau này mới được biết là sự trông thấy Hoả Ngục, và loan báo chiến tranh thế giới). Nguyên văn bản Thông Điệp như sau: “Các con đã thấy Hoả Ngục, là nơi linh hồn các kẻ có tội phải sa xuống. Để cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn lập phong trào thành kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Nếu người ta làm theo điều Mẹ dạy, thì nhiều linh hồn được cứu rỗi, và sẽ có hoà bình. Chiến tranh sắp kết thúc (1915 -1918) nhưng nếu người ta không thôi làm mất lòng Chúa thì dưới đời Đức Giáo Hoàng Piô XI sẽ có chiến tranh tàn ác hơn. Khi nào ban đêm chúng con thấy có luồng ánh sáng bất ngờ xuất hiện, đó là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ trừng phạt loài người bằng chiến tranh, đói khát, bách hại Giáo Hội, và Đức Thánh Cha. Để ngăn ngừa các sự đó khỏi xảy ra, Ta đến để yêu cầu dâng nước Nga cho Trái Tim Trinh Khiết Ta, rước lễ các ngày thứ bảy đầu tháng. Nếu người ta nghe lời Mẹ, thì nước Nga sẽ trở lại, và sẽ có hoà bình. Nếu không, thì sẽ lan tràn những điều sai lầm khắp thế giới, gây nên chiến tranh, phát chỉ cấm đạo, nhiều người lành sẽ tử đạo. Đức Thánh Cha phải chịu muôn vàn đau xót, nhiều nước sẽ bị tiêu diệt… Nhưng sau cùng Trái Tim Ta sẽ thắng. Khi nào các con lần chuỗi Mân Côi, cứ sau một chục kinh, hãy đọc: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa Hoả Ngục, xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” (Barthas, merveille du XXè sìecle pp. 73-78). Ý nghĩa và mục đích lần hiện ra thứ ba này, Đức Mẹ đã cho các em thấy lửa Hoả Ngục, và theo Luxia kể lại thì Hoả Ngục là một biển lửa vô cùng sợ hãi. Ở đấy, chìm đắm những ác quỷ và linh hồn kẻ có tội giữa tiếng kêu thảm thiết thất vọng.

- Lúc 12 giờ ngày thứ hai 13/8/1917, Đức Mẹ chỉ xuất hiện băng đám mây ở trên cao, từ từ xuống đến ngọn cây sồi, cho mọi người trông thấy, nhưng không có ba trẻ. Vì ngày hôm ấy, các em đã bị ông Thị Trưởng Arturo d’Oliveira Santos bắt giam để điều tra. Mãi đến 12 giờ ngày Chủ nhật, 19/8/1917, Đức Mẹ mới hiện ra trở lại, thay cho ngày 13/8/1917 tại thung lũng Valinhos, gần thôn Aljustrel. Đức Mẹ khuyên các em tiếp tục lần chuỗi Mân Côi, và truyền cho lấy tiền dâng cúng tổ chức lễ Mân Côi, và xây nhà nguyện kính Đức Mẹ, đồng thời khuyên các em hãy năng cầu nguyện và hãm mình cho kẻ có tội, kẻ ngoại, và các linh hồn đã qua đời. Ý nghãi và mục đích lần hiện thứ tư này là khuyên nhủ người ta năng cầu nguyện cho kẻ có tội, và các linh hồn trong Luyện Ngục.
- Lúc 12 giờ ngày thứ năm 13/9/1917, Đức Mẹ hiện ra trước đám đông khoảng 60 ngàn người, từ các nơi đổ về Cova da Iria. Đức Mẹ khuyên các em tiếp tục lần chuỗi Mân Côi để được hoà bình, và truyền lấy nửa số tiền dâng cúng để xây cất Thánh Đường. Đức Mẹ khuyên các em chỉ nên mang dây hành xác ban ngày, còn ban đêm thì bỏ ra. Ý nghĩa và mục đích lần hiện ra thứ năm này là chấp nhận lấy Fatima là trung tâm tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ toàn thế giới.
- Lúc 12 giờ ngày thứ bảy 13/10/1917, Đức Mẹ hiện ra lần chót làm nhiều phép lạ trước 100 ngàn người. Đức Mẹ hiện xuống vẫn khuyên các em lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, loan báo chiến tranh sắp chấm dứt, binh lính được trở về nhà. Đức Mẹ nhấn mạnh điều quan trọng đặc biệt này là lời nhắn nhủ cuối cùng cho nhân loại qua nhân chứng ba trẻ “Những kẻ có tội cần phải tự cải hoá, và ăn năn sám hối. Chúa đã bị xúc phạm quá nhiều, chớ gì người ta đừng làm mất lòng Chúa nữa”. Đức Mẹ còn xác nhận và trả lời cho Luxia: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi, Ta muốn người ta xây một nhà thờ kính Ta tại đây”. Sau đó, Đức Mẹ về Trời, và làm một phép lạ cả thể cho mọi người trông thấy nhãn tiền: Mặt trời nhảy múa, xoay tròn như bánh xe lửa, tung ra những luồng ánh sáng đủ màu sắc, làm cho mọi người có mặt đều rùng rợn, sợ hãi, tưởng như mặt trời sắp sa sầm xuống đất. Mọi người quỳ xuống khóc lóc ăn năn tội, và dọn mình chết… Công trường đầy nước mưa đọng lại, bỗng chốc khô ráo lạ lùng. Các nhà văn, nhà báo, phe phái phản động, đủ hạng người đã thấy phép lạ. Ai nấy đều im hơi lặng tiếng, suy nghĩ và ăn năn trở lại. Cả một rừng người biến chuyển linh động từ tâm hồn đến thể xác. Sau đó, Đức Mẹ cho ba trẻ thấy Thánh Gia Thất. Chúa Giêsu Hài Đồng trong cánh tay Thánh Giuse, Đức Mẹ mặc áo choàng màu xanh, mặt sáng như mặt trời. Sau đó, Đức Mẹ cho các em thấy Đức Mẹ dưới nhiều hình thức khác nhau: Đức Mẹ từ bi, Đức Mẹ Camelo, Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ đồng công chuộc tội, Mẹ bảy sự thương khó, Đức Mẹ Mân Côi.

Đức Cha cũng mời gọi mọi người hãy siêng năng lần hạt Mân côi riêng tư và trong gia đình. Điều thuận lợi của chuỗi Mân Côi là lần hạt ở đâu cũng được, ta không buộc phải đọc 50 kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào : khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh … thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Kinh Mân Côi là một kinh quý báu của Hội Thánh và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn. Chuỗi Mân Côi đốt lên ngọn lửa mến. Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ. Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái tim Đức Mẹ.
Sau thánh lễ, mọi người ra về mang theo niềm vui hạnh phúc và ơn lành của Mẹ.

Mẹ Tàpao, một trung tâm hành hương, càng ngày càng đông khách mọi miền đất nước kính viếng. Núi vẫn rậm rạp, đường vẫn trơn trượt, dốc cứ ghồ ghề, vẫn từng đoàn người thành kính leo núi đến với Mẹ.

Nhà Thờ Đồng kho đã có giấy phép xây dựng. Hy vọng một thời gian ngắn sẽ có Ngôi Nhà thờ mới dâng kính Mẹ Tàpao. Một con đường từ Nhà thờ đến chân núi. Những lối đi từng bậc cấp lên tượng Mẹ đang là kế hoạch sắp thực hiện trong tương lai.
Suốt tháng Mân Côi này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân côi chính là hoa hồng. Mân côi là bông hồng đẹp, viên ngọc quí. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.
Hành hương là một nét đẹp của lòng yêu mến Đức Mẹ.

Bằng cuộc sống hàng ngày, người tín hữu kết dệt nên những bông hoa thiêng liêng dâng kính Mẹ. Với ơn Mẹ, cuộc sống mọi người sẽ toả hương khoe sắc cho đời.
Tháng Mân Côi 2005
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

ĐỪC MẸ TÀPAO
Trong năm 2005, giáo phận Phan Thiết kỷ niệm 30 năm thành lập (30/1/1975 – 30/1/2005) và vào ngày 5/4/2005, ĐGM phó Nguyễn Thanh Hoan đảm nhiệm cương vị giám mục chính tòa thay thế ĐGM Huỳnh Văn Nghi được Tòa Thánh chấp thuận nghỉ hưu. Một trong những dấu ấn đầu tiên của ĐGM Nguyễn Thanh Hoan đối với giáo phận Phan Thiết là lễ đặt viên đá khởi công ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ Tà Pao diễn ra vào ngày 13/5/2005.

Từ bao đời, Tà Pao là một vùng đèo heo hút gió, thưa thớt dân cư... Tà Pao tiếng dân tộc K’Ho có nghĩa là Núi Pao. Bình Thuận có đến ngũ Tà : ngoài Tà Pao là Tà Mon, Tà Lễ, Tà Zon, Tà Pứa. Trong quá khứ, Tà Pao chỉ được biết đến vào năm 1959 khi Tượng Đức Mẹ Tà Pao được dựng lên (cũng vào thời điểm này còn một tượng Đức Mẹ khác được đặt tại Hàm Thuận Nam) và do cố Giám mục Marcel Piquet (MEP) – lúc đó là Giám mục đại diện Tông Tòa Giáo Phận Nha Trang mới được thành lập (1957) đến làm phép tượng và Tà Pao trở nên một điểm hành hương của giáo phận. Và vào đầu thập niên của thế kỷ 20, do chính sách dinh điền thời bấy giờ, một số di dân gốc Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi kéo về vùng phụ cận Tà Pao định cư.

Sau 1975, Tà Pao là một điểm kinh tế mới nằm trên địa bàn giáo phận Phan Thiết mới được thành lập tách ra từ giáo phận Nha Trang nhưng cũng từ thời điểm này Đức Mẹ Tà Pao chìm vào quên lãng và tượng bị che khuất bởi một rừng tre. Mãi đến năm 1990, cha xứ Đức Tân và một số giáo hữu chặt tre phát cây tạo lại lối đi. Từ đó nhiều người dần dần kéo đến đọc kinh cầu nguyện...

Tà Pao tọa lạc nơi vùng đồi núi trên địa bàn xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nên giáo hữu có thể đến đây từ hai hướng Tánh Linh hoặc Tân Phú. Về tôn giáo, Tà Pao nằm trên địa bàn giáo họ Đồng Kho – giáo xứ Đức Tân, giáo hạt Đức Tánh, giáo phận Phan Thiết. Giáo họ Đồng Kho ngày nay có khoảng 1.000 tín hữu trong tổng số 7.230 dân.

Tà Pao chỉ trở nên địa danh quen thuộc của tín hữu các vùng lân cận thuộc giáo phận Đà Lạt, Xuân Lộc, TPHCM... từ năm 1999 trở lại đây. Tuy vậy, Tà Pao hiện thời vẫn còn đậm nét hoang sơ. Khách hành hương Đức Mẹ Tà Pao thường đi về trong ngày. Ai muốn nghỉ lại qua đêm chỉ có thể giăng võng, mắc mùng, trải chiếu nơi một vài nhà dân dưới chân núi. Chưa có bóng dáng những khách sạn hoặc nhà trọ tươm tất. Việc ăn uống có thể nhờ vả người dân hiếu khách và tốt bụng...

Từ năm 2002, vào các ngày 13 trong năm, thánh lễ đồng tế do ĐGM giáo phận chủ sự được cử hành tại nhà thờ Tánh Linh, cách địa điểm Đức Mẹ Tà Pao 7 cây số. Số lượng giáo hữu tham dự khoảng vài ba ngàn người. Nhưng có lẽ chẳng bao lâu nữa, ngôi thánh đường mới với diện tích 1.000m2 - cách núi Tà Pao 1,5 km – theo mô hình nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp) sẽ hiện diện và vùng đồi núi Tà Pao sẽ trở nên một địa điểm đón nhận thường xuyên khách hành hương thập phương. Ngoài ngôi thánh đường, giáo phận cũng dự kiến làm một con đường để khách hành hương đi về giữa núi và nhà thờ, nhà vệ sinh công cộng, nhà nghỉ đơn sơ cho khách hành hương cầu nguyện ban đêm nơi chân núi. Tuy nhiên, tượng Đức Mẹ Tà Pao – cao khoảng 2,8 mét, bệ cao 2 mét sau gần nửa thế kỷ phơi mình ngoài mưa nắng, hiện nay đã ít nhiều hư hại. Việc tu bổ bức tượng cũng đã nằm trong dự kiến của giáo phận.
Đức Mẹ Tà Pao cho thấy thêm về lòng sùng kính Đức Mẹ nơi tín hữu Việt Nam. Các Trung tâm hành hương Đức Mẹ đã hiện diện ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S như La Vang (Quảng Trị), Trà Kiệu(Đà Nẵng), Bãi Dâu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Fatima Bình Triệu (TPHCM) trong đó Đức Mẹ La Vang đã được tôn kính trong Giáo hội toàn cầu với phần phụng vụ riêng như Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp), Đức Mẹ Fatima (Bồ Đào Nha). Khung cảnh Đức Mẹ Bãi Dâu ngày nay cũng đã khang trang với một địa thế tuyệt đẹp bên sườn núi nhìn ra biển Đông.

Ngoài các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch kết hợp mua sắm (shopping)..., nhiều người Việt Nam ngày nay còn đề cập đến khái niệm “du lịch tâm linh”, hiểu nôm na là du lịch, nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp với hành hương cầu nguyện... Và không chỉ riêng những tín hữu Công giáo với các trung tâm hành hương, các ngôi nhà thờ cổ xưa. Đó còn là các ngôi chùa miếu danh tiếng, các thánh thất đối với các Phật tử, tín hữu Cao Đài...

Cũng trong nhu cầu này, ngoài các trung tâm hành hương Đức Mẹ, giáo hữu Công giáo Việt Nam còn tìm đến nhiều địa điểm khác như Chúa Kitô núi Tao Phùng (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trung tâm hành hương Anrê Phú Yên (Phú Yên), mộ cha Trương Bửu Diệp (Bạc Liêu), nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình)... Nhiều giáo xứ tại TPHCM đã tổ chức các tour du lịch dài hoặc ngắn ngày xuôi về Nam hoặc ra miền Trung, miền Bắc. Gần đây còn có những giáo xứ tổ chức tour đi Campuchia, Thái Lan...

Hành hương hoặc du lịch tâm linh hoặc tham dự các lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa... tại Việt Nam là nhu cầu ngày càng lớn không chỉ đối với dân chúng trong nước mà còn đối với người Việt ở nước ngoài, ngoại kiều trên thế giới. Trong nhu cầu này, không thể không đề cập đến các khía cạnh liên quan như cung cách của người hành hương – du lịch, việc khai thác và phục vụ...

Riêng đối với những người hành hương, một khía cạnh quan trọng là cung cách biểu lộ sao cho phù hợp với niềm tin – một niềm tin không mang dáng vẻ cuồng tín, lệch lạc văn hóa, bất chấp kỷ cương... Thị kiến về Đức Mẹ có thể là thị kiến cá nhân hoặc tập thể, nhưng cung cách biểu lộ của người hành hương chắc chắn liên đới và gây ảnh hưởng đến tập thể. Ngược lại, các trung tâm - điểm hành hương cần tạo được vẻ tôn nghiêm từ cảnh quan đến các sinh hoạt tôn giáo...

Ngày nay, GHCGVN đã có nhiều trung tâm hành hương và là điểm đến thường xuyên của mọi người trong cũng như ngoài nước. Ước mong Đức Mẹ Tà Pao là một trong những môi trường thực sự tâm linh cho những ai thành tâm tìm đến khẩn cầu.
Phạm Ngọc Trản (Nguyệt San Công giáo và Dân tộc số 126, trang 89)