Bài giảng của ĐTC Benedictô XVI ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại thánh đường Thánh Gioan Laterano
"Người đã yêu thương những người thuộc về mình còn trong thế gian và yêu thương họ cho đến cùng” (Gio. 13, 1): Thiên Chúa yêu tạo vật Người đã dựng lên, đó là con người; yêu thương dù cả khi con người sa ngã và không bỏ rơi nó. Người yêu thương đến tận cùng. Vì tình yêu thúc đẩy, yêu đến cùng và đến mức Người đã từ bỏ vinh quang thần thánh mà hạ sinh xuống trần.
Người từ bỏ vinh quang Thiên Chúa mà mặc lấy thân phận người tôi đòi. Ngài hạ mình tới tận cùng chấp nhận sự thấp hèn của con người sa ngã của chúng ta. Người qùi gối trước chúng ta và phục dịch cho chúng ta như người nô lệ; người rửa chân dơ bẩn của chúng ta, để rồi chúng ta trở nên những người được nhập bàn tiệc của Thiên Chúa, điều mà chính chúng ta không bao giờ có thể và dám làm.
Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa xa vời, quá xa và quá vĩ đại để rồi chấp nhận thân phận con người như chúng ta. Bởi vì Người vĩ đại, vì thế Người cũng đã quan tâm đến những sự nhỏ bé. Vì Người vĩ đại, tâm hồn của con người -- vì chính con người đã được tạo dựng nên do tình yêu muôn thuở -- nên không còn là vật bé nhỏ, nhưng là lớn lao trong chương trình của tình yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã hạ mình và trở nên kẻ nô bộc, rửa chân cho chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể dự bàn tiệc của Người. Trong cử chỉ này đã diễn đạt cho chúng ta tất cả mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. VÀ đó trở thành dấu chỉ hữu hình cho sự cứu rỗi ý nghĩa cho chúng ta. Người cũng dùng tình yêu mà tắm rửa chúng ta để rồi đối đầu với sự chết. Chỉ tình yêu mới có sức mạnh thanh tẩy và nâng chúng ta lên cao độ của Thiên Chúa. Người thanh tẩy chúng ta trong nước và chính Người cũng đã tự hiến hoàn toàn cho chúng ta – cho đến cùng tận của sự đau thương và trong sự chết của Người. Và còn tiếp tục luôn mãi, Người rửa chúng ta trong tình yêu, trong các phép bí tích của sự thanh tẩy – phép rửa tội và phép hòa giải – Người tiếp tục qùi xuống trước đôi chân chúng ta và sẵn lòng làm người nô lệ phục vụ cho chúng ta, việc phục vụ thanh tẩy, làm cho chúng ta có thể tới gần Thiên Chúa. Tình yêu của Người không bao giờ cạn, rõ ràng là yêu cho đến cùng.
"Chúa Giê-su bảo các môn đệ: " Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! (Gio 13, 10). Câu này tỏ lộ cho thấy một ơn to lớn về sự thanh tẩy mà Người đã làm cho chúng ta, bởi vì Người đã ước ao ngồi cùng với chúng ta trong bàn ăn, muốn trở nên của ăn cho chúng ta. “nhưng không phải tất cả đâu” chứng tỏ cho thấy mầu nhiệm phủ nhận và chối từ còn được giấu kín, và với cung cách của Giuđa hiễn hiện cho chúng ta rằng, ngay trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trong ngày mà Chúa Giêsu trao ban chính Người như món quà cho chúng ta, điều đó phải làm cho ta suy tư phản tỉnh. Tình yêu của Chúa không biết đến giới hạn, nhưng mà con người có thể đặt cho mình một giới hạn.
"Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Cái gì làm cho con người không sạch? Đó là sự từ chối tình yêu, không muốn được yêu, không yêu thương, sự tự kiêu tin rằng không cần bất kì sự thanh tẩy nào khác, là đóng lòng lại trước sự cứu độ tốt lành của Thiên Chúa. Nơi Giuđa chúng ta thấy được bản chất của sự chối từ này một cách còn rõ ràng hơn. Anh ta đánh giá Chúa Giêsu theo tiêu chuẩn quyền lực và thành công: với Giuđa thì chỉ có quyền lực và thành công mới là thực, còn tình yêu thì không kể gì. Và Giuđa có tham vọng: tiền tài quan trọng hơn là sự hiệp thông cùng Chúa Giêsu, quan trọng hơn cả tình yêu Chúa dành cho anh ta. Và như vậy anh ta tự lừa dối mình, như đi vào cuộc chơi nhưng đã phá luật sự thật, một con người sống trong lừa đão và như vậy mất đi ý niệm về sự thật tối hậu đối với Thiên Chúa. Qua cách thế đó, anh ta đã không còn khả năng trở lại nữa, từ chỗ được tin cậy biến thành người con hoang đàng, và đi vào con đường cuộc sống hủy hoại.
"Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Hôm nay Chúa đặt chúng ta đối diện với tình trạng tự coi mình là đủ, đặt cho mình một giới hạn trước tình yêu chiếu sáng của Người. Người mời gọi chúng ta bắt chước gương khiêm cung của Người, để chúng ta cũng bắt chước đó mà được thấm nhuần trong sự khiêm hạ đó. Người mời gọi chúng ta d0ể chúng ta trở về nhà và được thấm nhuần trong sự thanh tẩy tốt lành hầu gia nhập vào bàn tiệc cùng Người, là chính Thiên Chúa vậy.
Cha muốn thêm lời cuối cùng cho đoạn Phúc Âm hôm nay: “Thầy cho các con một mẫu gương... ” (Gio. 13,15); "Cả các con cũng phải rửa chân cho nhau nữa.” (Gio. 13,14). “Rửa chân cho nhau” là hệ tại ở chỗ nào? Và cụ thể bao gồm điều gì? Đấy chính là mỗi công việc làm tốt cho người khác – đặc biệt là cho những người đau khổ và những ai kém thế -- việc phục vụ rửa chân. Qua đó Chúa kêu mời chúng ta: hạ mình, chấp nhận khiêm tốn và có lòng can đảm và cũng sẵn sàng đạt mình chịu sự từ chối, tóm lại phó thác vào lòng tốt và kiên nhẫn trong khiêm hạ. Thế nhưng còn có một chiều kích khác sâu xa hơn. Do lòng nhân từ, Chúa cũng mang gánh nặng của chúng ta cùng với sức mạnh của sự thanh tẩy. Chúng ta hãy rửa chân cho nhau mang ý nghĩa trên hết là chúng ta hãy tha thứ cho nhau, luôn luôn biết bắt đầu làm mới lại ngay cả khi xem ra như là vô dụng. Đó cũng còn có nghĩa là thanh tẩy lẫn nhau và nâng đỡ nhau để sống và chấp nhận sự trợ giúp của người khác; Thanh tẩy cho nhau đòi hỏi sống trong sức mạnh và trong quyền năng thánh hóa của Lời Chúa và đắm mình trong Bí Tích Tình Yêu thần thánh.
Thiên Chúa tầy rửa chúng ta, và qua đó chúng ta dám tham dự bàn tiệc với Người. Chúng ta hãy cầu xin Người ban cho tất cả chúng ta ân huệ là có thể một ngày kia được tham phần vào bàn tiệc cưới viên mãn đời đời trong Nước Trời. Amen!
(LM Trần Công Nghị dịch từ tiếng Ý)