MÙA CHAY: MỘT GƯƠNG SÁNG BÁC ÁI TẠI VIỆT NAM



Nhật báo Nhân Dân số ra ngày 28.2.2006 đăng tải rất trang trọng một bài báo dài dưới nhan đề “Chuyện cảm động về người nữ tu được phong anh hùng” nói về trương hợp nữ tu Mai Thị Mậu, người đã cống hiến cuộc đời mình để săn sóc cho những người mắc bệnh cùi tại Trại Phong Di Linh. Đây là trường hợp chưa từng xẩy ra từ trước đến nay. Trong quá khứ, báo chí cộng sản chỉ đề cao những người hy sinh nơi chiến trường để bảo vệ chế độ hoặc những người đã nổ lực lao động để xây dựng chế độ, chứ không bao giờ nói đến công lao của những người hoạt động bác ái, nhất là khi người đó là một tu sĩ của một tôn giáo.

Như chúng ta đã biết, Trại Phong Di Linh, ở cách thị trấn Di Linh 4 cây số, thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, được Đức Giám Mục Jean Cassaigne, thuộc Hội Truyền Giáo Paris, tức là Missions Étrangères de Paris, thành lập năm 1928, lúc đó ngài mới đến làm linh mục chính xứ Di Linh. Số bệnh nhân lúc đầu khoảng 500 người, hầu hết là người thuộc dân tộc thiểu số. Trại này được giao cho các nữ tu dòng Bác Ái Vinh Sơn chăm sóc. Sau 14 năm đảm nhiệm trách vụ Chủ chăn Giáo Phận Sài Gòn, năm 1955 Đức Cha Jean Cassaigne từ chức Giám Mục Sài Gòn, trở về Di Linh phục vụ những người cùi cho đến khi qua đời tại đó năm 1973.

Sau 30.4.1975, nhà cầm quyền Hà Nội đã giành quyền quản lý các trại cùi vì sợ Giáo Hội Công Giáo dùng hoạt động bác ái để gây ảnh hưởng trong quần chúng. Tuy nhiên, sau một thời gian quản trị, tình trạng của các trại cùi ngày càng tồi tệ, nên các bệnh nhân bỏ trại trốn ra ngoài, gây khó khăn cho xã hội. Nhà cầm quyền Việt Cộng buộc lòng phải trao lại dần các trại cùi cho các nữ tu Công Giáo coi sóc.

Năm 1968, nữ tu Mai Thị Mậu, 27 tuổi, vừa tốt nghiệp cán sự y tế, đã được Dòng Bác Ái Vinh Sơn phái đến Trại Cùi Di Linh để săn sóc những người bị bệnh phong cùi ở đó. Nữ tu đã hy sinh cuộc đời của mình để phục vụ những người đau khổ. Chúng ta hãy nghe những lời ca tụng được nhật báo Nhân Dân dành cho nữ tu Mai Thị Mậu:

Xơ Mai Thị Mậu (sinh năm 1941) tại xã Hải An, Hải Hậu, Nam Định. Năm 27 tuổi, xơ tình nguyện lên Trại Phong Di Linh và đã gắn bó cuộc sống của mình với người phong cho đến tận bây giờ. 22 năm làm y tá, suốt ngày đêm xơ tận tụy chăm sóc người bệnh. 14 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Giám Đốc rồi Giám Đốc Khu điều trị Phong Di Linh, xơ vẫn dành nhiều thời gian để trực tiếp khám chữa bệnh cho người phong.

“Hiện nay, dầu đã nghỉ hưu vì tuổi khá cao (65 tuổi) nhưng xơ vẫn tình nguyện tham gia điều trị cho người bệnh. Về phía những bệnh nhân phong (đa số là người K'Ho) suốt mấy chục năm qua luôn gọi xơ Mậu là mè (tức mẹ) hoặc mộ (tức bà) với tình yêu thương và kính trọng vô bờ.

Thuở xơ đặt chân đến Trại Phong (năm 1968) thì nơi ấy còn là chốn rừng thiêng nước độc. Tôn kính Đức Cha Jean Cassaigne, người có công đầu lập Làng Phong Di Linh, xơ Mậu nguyện suốt đời tiếp tục con đường, lặng lẽ cứu chữa, chia sẻ nỗi bất hạnh, đau đớn của người bệnh. Xơ thường xuyên thăm khám và hướng dẫn cho các bác sĩ trẻ cách thức, kinh nghiệm diệt loại vi khuẩn gây nên sự phong lở, biến dạng hình hài: Vi khuẩn ăn mòn, kéo sụp mi mắt, gặm nhấm làm trơ hốc mũi, lở loét, thối thịt rụng dần các chi... Xơ Mậu không chút e ngại dùng tay cầm nắm, lật giở những đôi bàn tay phong cụt, bàn chân bị co rút, từng đốt xương đang bị viêm... cho "học trò" quan sát kỹ hơn. Trại phong đã điều trị nội trú cho hơn 2.100 người và hàng trăm bệnh nhân ngoại trú.”

“Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi cách đây hơn 10 năm, xơ Mậu từng tâm tư: Mấy mươi năm làm việc ở đây, chẳng mấy khi tôi thấy gia đình đến thăm và giúp đỡ họ. Dường như họ bị bỏ rơi ngay từ khi mới được đưa đến. Không ít người phong (xin được giấu tên) cũng cho biết đã khỏi bệnh mấy chục năm nay nhưng khi trở về cố hương vẫn bị gia đình ghẻ lạnh, bà con xóm giềng ngờ vực và tỏ ra ghê sợ nên đành quay về Trại.

“Day dứt với câu hỏi: "Bao giờ và làm thế nào để bảo vệ nhân phẩm và xác lập quan hệ chan hòa, bình đẳng, thân ái giữa người phong và cộng đồng?" Trại phong tìm mọi cách hòa nhập trại viên vào cộng đồng.
..”

Sau khi mô tả nhiều chi tiết về những sự hy sinh mà xơ Mậu đã dành cho người cùi, bài báo kết luận: “Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những nữ tu có tấm lòng nhân ái, ý chí kiên định, dám nghĩ dám làm như xơ Mai Thị Mậu. Danh hiệu Anh Hùng Lao Động mà Nhà Nước phong tặng cho xơ cũng chính là sự tri ân của cộng đồng người phong đối với người mẹ của làng vậy.”

Qua bài báo này, chúng ta thấy những hoạt động bác ái đã đánh động được tâm tư của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, những người tự nhận là vô thần. Năm ngoái, Giáo Hội Việt Nam đã phong chức Linh mục cho bác sĩ Nguyễn Viết Chung, một bác sĩ y khoa được nhà cầm quyền cộng sản đào tạo. Sau khi đọc chuyện Đức Giám Mục Jean Cassaigne hy sinh cuộc đời cho người cùi, Bác sĩ Chung đã theo đạo Công Giáo và xin học làm linh mục để phục vụ người cùi như Giám Mục Jean Cassaigne.

Riêng với Việt Cộng, điều đáng chú ý là lời nhận xét của tờ Nhân Dân vừa trích dẫn trên: “Tôn kính Đức Cha Cassaigne, người có công đầu lập Làng Phong Di Linh, xơ Mậu nguyện suốt đời tiếp tục con đường, lặng lẽ cứu chữa, chia sẻ nỗi bất hạnh, đau đớn của người bệnh”. Nếu Việt Cộng có đủ can đảm tuyên dương nữ tu Mai Thị Mậu và đủ can đảm nhắc tới Đức Cha Cassaigne là người có công đầu lập Làng Phong Di Linh, thì họ nên bước thêm một bước nữa là tôn vinh và truy tặng danh hiệu anh hùng cho Vị đã có công đầu ấy về những công lao và hoạt động bác ái mà vị thừa sai đáng kính Jean Cassaigne đã cống hiến cho dân ta và đất nước ta.

Mặt khác, Việt Cộng cũng hãy thêm can đảm chứng tỏ họ thật sự tôn trọng tự do tôn giáo, ít ra để cho tôn giáo được tự do hoạt động trong lãnh vực thuần túy tôn giáo và trong các hoạt động y tế-bác ái xã hội. Tuyệt đối không dòm ngó, không xen vào nội bộ, không dành quyền kiểm soát, khống chế hay gây khó khăn đối với các hoạt động ấy dưới hình thức này, danh nghĩa nọ hay chiêu bài khác.

Khởi đầu Mùa Chay năm nay với gương sáng bác ái của Xơ Mậu, chúng tôi mong rằng, nhiều cá nhân và đoàn thể trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trong khi chờ đợi thiện chí của Việt Cộng, sẽ tiếp tục dùng các hoạt động bác ái để cải hóa dần nhà cầm quyền cộng sản, đồng thời cứu giúp đồng bào đau khổ tại quê nhà. Nên khôn khéo, âm thầm, và kín đáo. “Tay phải làm phước đừng để tay trái biết”, được như thế Việt Cộng mới không dòm ngó, gây khó dễ để chia chác.